Rất nhiều phạm nhân sau khi kết thúc án phạt không thể nào tham gia lao động, vì phần lớn các đơn vị cải tạo lao động đều đã đông chật người. Hình phạt của tôi là bốn năm, trừ đi hai năm trong trại giam, thời gian còn lại không nhiều, vì thế tôi liền làm lao động viên, coi như chịu hình ngay tại trại giam.
Phòng giam của lao động viên tốt hơn một chút, ban ngày cửa phòng cũng không bị khóa, nói theo cách khác, như vậy là tương đương với ở phòng cấp ba lên phòng cấp hai, từ hộ khẩu nhà quê chuyển sang hộ khẩu ngoại thành. Vì tham gia lao động, những lao động viên chúng tôi cũng khá tự do, có lúc còn có thể theo cảnh sát ra ngoài mua thức ăn hoặc chuyển rác thải, ngắm nhìn cảnh đông đúc ngoài phố, ngửi mùi khí thải ôtô hoặc hương thơm tóc đàn bà. Nhưng thông thường chúng tôi sẽ không chớp thời cơ chạy trốn, chẳng ai lại muốn làm việc ngốc nghếch tham bát bỏ mâm. Chúng tôi người thì trồng rau, người thì phụ bếp, người cho lợn ăn, người quét dọn vệ sinh hoặc sửa chữa ôtô, phân ra thành các tổ lao động nhỏ. Trong đó, tổ sửa xe có hiệu quả kinh tế tốt nhất, địa vị cũng cao nhất, không những được ăn hương hoa thêm nếm bên ngoài, có lúc tổ viên còn có thể xin nghỉ phép một hai ngày về thăm nhà.
Tôi không biết sửa ôtô, song dù gì cũng là một sinh viên, ngoài việc viết biểu ngữ, ra báo tường, còn có thể dạy phụ đạo cho con em của cán bộ cảnh sát học bài. Về sau tôi được giảm thời gian chịu án cũng là vì đã dạy tốt con của hai cán bộ cảnh sát, giúp bọn trẻ thi đỗ vào một trường trung học trọng điểm - khổ thân mấy đứa nhỏ phải sống cùng bố mẹ ở vùng ngoại thành khốn khó này, quả thực khó mà gặp được trường học và giáo viên tốt. Tôi nhớ trong đám học sinh đứa kém nhất là Xa Tiểu Long, con lớn của quản giáo Xa, học đến lớp bốn rồi mà bảng cửu chương vẫn chưa thuộc, chữ “giáp” toàn viết thành chữ “do”. Một lần tôi hỏi cậu ta số bị trừ là gì, cậu ta chỉ cười. Đợi tôi hỏi lại, hỏi mãi, cậu ta mới ngụy biện: “Thầy ơi, thầy cái gì mà chẳng biết, còn hỏi em làm gì?” Lúc đó tôi tức tưởng đến nghẹt thở.
Tôi còn có một chút cảm thông đặc biệt đối với những cán bộ quản giáo nơi này. Bọn họ đừng nói đến dạy bảo con cái, ngay cả những dịp lễ Tết cũng không được nghỉ làm, cùng lắm chỉ có thể thay nhau trực về nhà ăn bữa cơm. Cứ như vậy ở trong bức tường cao này mấy chục năm, chẳng phải bằng lĩnh án tù chung thân hay sao? Tuy nói họ có tiền lương, nhưng lại hút loại thuốc lá dở nhất, uống loại trà kém nhất, gặp dịp nhà bếp mổ lợn được phân mấy cân thịt thì vui sướng đến mức nghêu ngao hát, cuộc đời như vậy e rằng ngay nhiều phạm nhân cũng phải cười mà chối từ.
Bây giờ, tôi là hy vọng của họ, là hy vọng để thế hệ nối tiếp của họ có cơ thoát khỏi án hình. Vì thế rất được coi trọng, lúc nào cao hứng có thể đàng hoàng mặc cái áo mới, đến phòng trực ban xem tivi, thậm chí còn chào hỏi quản giáo, ra con đường nhỏ trước cổng lớn ăn hai que kem, tiện thể mua giúp ít thuốc lá hoặc đồ linh tinh vào cho anh em. Một lần, một người nhà đến thăm trại giam tưởng tôi là cảnh sát mặc thường phục, cứ túm chặt lấy tôi, xin tôi đồng ý cho ông ta gặp con trai một lần. Tôi kiên nhẫn giải thích quy định chính sách cho ông ta, chế độ là không thể vi phạm vân vân, nói liền một hồi.
Đợt viết báo tường cho trại giam, tôi còn thường xuyên ra vào phòng làm việc của khu quản lý, tán chuyện cùng các cán bộ, thậm chí tham gia vào buổi thảo luận học tập của họ. Có một ông lão, nhặt rác kiếm sống, bị tai nạn ôtô gãy lìa hai chân, sống khổ quá, nhờ bạn giúp một tay cõng ông lên cầu vứt xuống sông, coi như tự sát. Bạn cũng làm nghề nhặt rác, nghĩ việc này có lý có tình, không ngờ vừa lên cầu liền bị người qua đường lôi đến đồn công an, cuối cùng bị tòa án xử sáu năm tù, tội danh là giết người không thành. Đối với phán quyết này, ý kiến các cán bộ công an quản giáo không thống nhất. Quản giáo Xa đứng về phía tôi, nói tòa án thật là vớ vẩn, người ta muốn tự sát thì cho người ta tự sát, cứ đòi giữ lại mà làm gì? Để hại người ta chết dần dần à? Kẻ nhận lời giúp đỡ người khác, vì niềm vui của người khác thì coi là tội gì kia chứ? Chị Phùng tuy không tán thành quan điểm này, nhưng không thuyết phục nổi chúng tôi. Về sau, bọn họ cũng tranh luận mãi về vấn đề đánh người. Quản giáo Xa nói chó dữ sợ roi mạnh, nước Singapore phát triển thế vẫn dùng hình phạt roi đấy thôi? Từ đó ông nhận định, bắt được tội phạm, đặc biệt là loại không có khuynh hướng bạo lực, tốt nhất không nên giam, đánh một trận rồi đuổi ra, nặng hơn thì xẻo tai, chặt ngón tay, thích chữ vào trán, vừa có thể tăng thêm uy lực cho luật pháp, lại không hại đến tính mạng, còn tiết kiệm tiền của và sức người cho quốc gia, một điểm quan trọng hơn là: tránh được chuyện bọn phạm nhân giam cùng một chỗ sẽ học tính xấu lẫn nhau. Về điểm này thì tôi kiên quyết phản đối quản giáo Xa, đứng về phía chị Phùng, mạnh mẽ chống lại luận điệu hành pháp dã man đó.
Họ Xa nói không lại chúng tôi, cuối cùng trút cả cơn bực tức vào tôi: “Ái chà, thằng này đến lằng nhằng cái gì? Ở đây có chỗ cho mày nói à? Mày chui ra từ cái đũng quần nào đấy hả?”
Tôi tức muốn chảy nước mắt: “Ông có gì từ từ nói, sao lại chửi người?”
“Tao chửi mày đấy, sao nào? Mày tưởng dạy được vài trang sách là đã lên đến trời rồi à? Cái kiếp chó mà không mắng chửi được à? Hừm, nếu không phải hồi trước tao chấn chỉnh mày thì bây giờ mày có ngóc đầu lên được không?”
Ông ta không nói thì thôi, vừa nói đã gợi lại mối thù cũ, phút chốc lửa giận thiêu đốt lồng ngực tôi: “Ông Xa này, chẳng trách thằng con nhà ông là đồ đầu đất. Ông thì có gì hơn người chứ? Làm mấy chục năm rồi vẫn là cảnh sát quèn. Hôm nay ông có thể ngang ngược, có thể hung hăng, nhưng rồi tôi cũng sẽ có ngày ra phải không? Ông không sợ ngày sau già lão gặp tôi ngoài đường sao?”
Tôi còn có lời chưa nói ra là: Ông không sợ gặp tôi đi Mercedes 600 sao?
“Ly kì, ly kì, hôm nay Quốc dân Đảng lên nắm quyền rồi hả?”
Ông ta nhảy vọt khỏi ghế, giận bừng bừng đi tìm còng tay, nhưng chị Phùng vỗ đầu tôi một cái, lôi tuột tôi ra khỏi phòng làm việc, coi như đã kịp thời giải vây cho tôi. Chị còn thì thầm nói với tôi, bố quản giáo Xa bị bệnh, vợ ông vừa mất việc ở nhà máy, khiến dạo này ông ta rất nóng tính, như chó điên gặp người là cắn. Cậu đừng nên chọc giận vào.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!