Báo Cáo Chính Phủ Chương 8


Chương 8
Trên thế giới có rất nhiều vườn thú. Nhưng chỗ này là vườn thú của người, là chốn con người khôi phục móng vuốt, răng nhọn, đuôi và lông lá khắp mình mẩy, là chốn con người lấy nắm đấm và răng làm chân lý. Bạn còn không phục ư?

Hồi đó không được ra ngoài đi dạo, mỗi buồng giam kèm thêm một phòng hóng gió, có cửa thông nhau. Những lúc trời đẹp, cảnh sát mở nắp cửa sổ trên nóc, gần như lật cả cái trần nhà ra, để ánh nắng xuyên qua những chấn song sắt sù sì rọi xuống, làm bớt đi mùi ẩm ướt và hôi hám trong phòng, thế coi như là đã đi dạo hóng gió rồi. Như vậy an toàn hơn, đơn giản thuận tiện hơn hóng gió ở bên ngoài rất nhiều. Cảnh sát chắc chắn cũng nghĩ như thế.

Nói chung, bể nước và nhà vệ sinh cũng ở cả trong phòng hóng gió, nhưng vì trại giam đã quá tải phạm nhân nên phòng hóng gió nào cũng đều nằm chật ních người, giống như phòng khách và chuồng xí gộp hết thành phòng ngủ.

Ngoài đi tới phòng gặp và phòng nói chuyện, chúng tôi bị sáu mặt tường vây quanh, không thể vượt quá một bước, trước mắt không cây cỏ, không bùn đất, càng không có mặt người trong cuộc sống bình thường. Phòng gặp có một tay họ Viên, hình như tên là Đồng Hồ, trông cũng giống một cái đồng hồ thật, vậy mà nhìn lạ đến mức làm tôi giật mình. Tôi phát hiện ra mình suýt nữa thì quên cả đồng hồ, vậy là tôi hồi hộp thử nhớ lại tất cả những tên người, những địa chỉ, những đồ vật quen thuộc ngày trước, thử tưởng tượng lại hình dáng, màu sắc và mùi vị của những thứ đó, lo sợ rằng tất cả sẽ trở nên mờ nhạt, tản mác, và dần dà tiêu tan, hoặc chìm xuống đáy của cái hang động quây bằng sáu mặt tường này.

Mảnh trời hình vuông trong phòng hóng gió chính là thế giới duy nhất thường ngày có thể nhìn thấy. Trên ấy có thể có một con chim sẻ, một con bướm đậu xuống, hay một đám mây trắng lững lờ trôi ngang mảng trời xanh, khiến người ta bất chợt nghĩ ngợi miên man, kỳ thực lại hóa chẳng nghĩ một thứ gì. Tôi luôn muốn nắm bắt được bất kỳ gợn thay đổi nào trên mảnh trời kia, cố hình dung ra các mùa, cảnh vật cùng quang cảnh đời sống có thể đang diễn ra ở bên ngoài, để xác nhận rằng cái hang động này vẫn còn ở trên thế giới, vẫn chưa bị thế giới ruồng bỏ, rằng nó không phải đang rơi ngày càng xa hơn vào chốn thẳm khôn cùng của vũ trụ.

Chẳng có ai không sợ ngồi tù, chẳng người nào không sợ mình bị rơi xuống cái nơi dưới mảnh trời hình vuông này. Một khi đã tới đây, ánh mắt đói khát đến cùng cực, tháng ngày xám xịt dài lê thê tới mức làm con người ta phát điên. Dù là kẻ nam tử cứng cỏi nhất, từ phòng gặp trở về, nửa đêm tỉnh giấc, đều có thể không ngăn nổi hai dòng lệ rơi. Dù là thư sinh nho nhã nhất, vì tranh nhau nửa bát cơm thừa hay một mẩu thuốc lá, đều có thể đột ngột nổi nóng ra tay đấm đá, càng sống càng giống dã thú. Đánh nhau là chuyện thường ngày. Nhiều khi, người ta không biết vì sao đám đầu trọc này lại đánh nhau, thậm chí không biết ai đánh ai, chỉ biết rằng buồng giam trong chốc lát trời long đất lở, tối tăm mù mịt, như máy đầm đất vừa đóng điện đã rầm rập chạy điên cuồng. Có lúc, người ta thậm chí cảm giác mỗi một người đều khai chiến với tất cả những người khác, cứ thấy người là đánh, không có phe phái và trận tuyến, đánh qua đánh lại cũng không mục đích. Sau một trận ác chiến, có người mất vài nhúm tóc, có kẻ sái tay, nhưng cuối cùng tất cả cũng giải tán hết, ai ngủ cứ ngủ, ai bóp chân cứ bóp chân, như thể không có gì xảy ra.

Cảnh sát hình như quá quen mắt, có lúc bắt hai kẻ đánh nhau lên giáo huấn một trận, nhưng vẫn không ngăn nổi lần sau. Cũng chẳng tra ra được kết quả gì. Người thắng không nói, người thua tuyệt đối ngậm miệng không khai, cùng những tù nhân khác ngơ ngác nhìn nhau, cứ như ở đây đang rất yên bình, không có gì đáng để chính quyền phải lo lắng. Còn về những vết máu trên khóe miệng, họ khẳng định đều là do tự mình “trượt ngã” hay “va đập” mà nên, không đáng nhắc đến.

Trên thế giới có rất nhiều vườn thú. Nhưng chỗ này là vườn thú của người, là chốn con người khôi phục móng vuốt, răng nhọn, đuôi và lông lá khắp mình mẩy, là chốn con người lấy nắm đấm và răng làm chân lý. Bạn còn không phục ư? Còn muốn xức thêm chút nước hoa nhân cách ư, tôn nghiêm ư, dân chủ ư, pháp chế ư? Còn tưởng tượng thoa thêm chút son phấn như đội thiếu niên tiền phong hô hào lòng yêu thương và hòa bình ư? Dẹp hết. Tôi từng đọc trong một cuốn sách: khỉ có vua khỉ, ong có ong chúa, trong đàn cá cũng có cá đầu đàn, không thể có bình đẳng. Đặc biệt thú vị hơn là, cá đầu đàn đa số đều tàn tật, không phải thương tích trăm trận khắp trên mình, thì cũng có chút ít chứng thần kinh phân liệt hoặc một loại hội chứng theo thời gian, vì thế đặc biệt ngoan cường và hung dữ. Người nuôi cá biết đặc điểm này. Họ thường cố ý làm một con cá nào đó tàn tật, như thế nó có thể trở thành cá đầu đàn, mới có thể khiến cả đàn cá trật tự và yên ổn. Đàn cá không có cá đầu đàn sẽ chỉ là một món ăn vặt nhất thời của cuộc sống khắc nghiệt mà thôi.

Cá đầu đàn của chúng tôi cũng là một kẻ tàn tật. Tôi từng xem lá đơn khởi tố gã, từng viết hộ gã tài liệu kháng án, biết gã mới chỉ vừa tròn hai mươi tuổi, có thể nói là một tên nhãi miệng còn hơi sữa, nghe đâu chỉ thích hợp đi bán báo rong ngoài phố, đi đánh giày, vác bình nước khoáng lên lầu cao, là loại người kiếm chác những món tiền nhỏ. Thế mà gã từng là thủ lĩnh đội dao phay đường phố, khá có danh tiếng suốt một dải từ cửa Nam đến trung tâm thương mại Tân Tân, từng gãy hai xương sườn, trên lưng có ba bốn vết dao chém, coi như thân đã qua trăm trận. Việc rắc rối đưa gã vào ngục lần này là một nhát dao đâm thẳng vào ngực người ta, chỉ vì lưỡi dao bị kẹt cứng ở xương, không thể nào rút ra nổi nên mới không đâm thêm được nhát nữa, chừa lại mạng sống cho đối phương.

Tuy nhiên, từ khi quen gã, tôi lại chưa từng nhìn thấy gã ra tay trong phòng giam, đại khái gã người bé mà uy lớn, thông thường chẳng cần trực tiếp động tay động chân. Tôi từng tò mò cái uy lực ấy từ đâu mà ra, phạm nhân già trẻ đều không trả lời được, thậm chí còn cảm thấy câu hỏi này rất kỳ quái. Có thể nói như sau, gã dám đứng trước miệng súng mà đấu khẩu với cảnh sát, nói những điều người khác không dám nói, làm những việc người khác không dám làm, đó chính là một loại uy lực. Gã có thể chổng ngược một mũi đinh, sau đó đập mạnh lòng bàn tay vào đó, đấy cũng là một loại uy lực đẫm máu. Gã có thể đánh cược với kẻ khác, ăn một hơi hết hai gói mì chính, đến nỗi môi thâm sì, hai mắt trợn trừng, toàn thân co giật như vừa chạm phải điện, đầu mất tự chủ lắc liên tục sang hai bên, đó đương nhiên càng là một loại uy lực điên rồ.

Gã còn từng ăn hết nửa cân thịt lợn sống. Nghe đâu vì từng nuôi một con chó to, cho chó ăn thịt sống nên phát hiện ra con chó ăn thịt sống dũng mãnh hơn, hung dữ hơn, thế là tự gã cũng theo đó mà ăn.

Dựa vào tất cả những điều này, ở phòng giam, Mắt lác chỉ cần ho hắng một tiếng là đã hưởng một địa vị chí tôn và quyền lực vô biên. Không những buổi sáng có người múc nước và lấy kem đánh răng, không những buổi tối có người dọn giường, chỉ cần gã kêu một tiếng “quạt điện” là sẽ có người phất quạt hầu, gã gọi một tiếng “đài phát thanh” là tôi buộc phải bỏ hết mọi việc trong tay, vội vàng bật đài cho gã và chọn sóng, tuy có thiếu một chiếc răng cửa nhưng vẫn cố phát cho gã nghe đủ loại giọng nam trầm nữ cao, còn thêm vào các loại tiết tấu âm nhạc, nào là chim rẽ giun, trompet, sắc-xô, tất cả đều lưu thủy hành vân, thượng thiên nhập địa, đồng thời lấp lánh ánh sáng của thời đại vĩ đại. Tôi bịt một bên lỗ mũi lại tay gảy phừng phừng nghe như tiếng đàn nhị hồ, tự mình cũng cảm thấy khá hay.

“Tao đã nhìn thấy Sô gì nhỉ, Sô na” hắn cười nhẹ, “lần đó tao đánh bài với mấy anh em ở Quảng Châu, chát chát chát, đánh cho bọn nó tối mắt tối mũi, từng đứa một chúi xuống gầm bàn. Nghe nói có buổi biểu diễn của Sô na, tao gọi một chiếc taxi tiến thẳng tới Công viên Việt Tú. Đến đó mới biết đã hết vé, chát, ông mày bèn lừ gã gác cửa một cái, tùng, nhét hai tờ giấy vào túi hắn ta...”

Tôi phát hiện ra khi gã kể chuyện cũ, hễ hứng khởi lên là thích dùng từ tượng thanh, giống như trong lời nói có cài vài ba nhạc khí bộ gõ. Ví dụ như ánh mắt thì là một tiếng “chát”, nhét tiền là tiếng “tùng”, còn đèn bật sáng là “cắc cắc”. Những chuyện vui của gã đều như lon thép rỗng hay thùng gỗ, kêu vang trong đầu óc. Tôi tin các thần tượng của gã chắc chắn càng sôi động vô cùng. Lưu Hoan là một tay béo mập, ra sân nhất định sẽ náo nhiệt một phen. Trình Lâm nhanh nhảu vừa thấp vừa gầy, chắc chắn sẽ inh ỏi. Phí Tường Anh đẹp trai phóng khoáng, ánh mắt sắc lia xoẹt xoẹt xoẹt. Còn bước chân cô em Đặng Lệ Quân thì sao, chắc chắn đang gõ nhịp lanh canh trong tim gã.

“Anh chơi bộ gõ bằng mồm!”

“Bộ gõ gì?” Gã mở to mắt.

“Thì lúc anh nói lừ mắt, thêm chát chát làm gì?”

“Tao đã chát chát hả?“

“Anh vừa nói mà đã quên rồi à?”

“Mày nói láo.”

“Tôi có nói láo đâu, nếu tôi mà có máy ghi âm thì, tùng tùng tùng, ghi lại tất tật lời của anh.”

Nói xong mới giật mình, tôi cũng đã học được kiểu “tùng tùng tùng”. Thật hết cách, ở lâu với gã, đầu óc tôi đã có những thay đổi thật khó hiểu.

Gã khiêm tốn học tôi hát theo thang âm, nhận biết nốt nhạc, còn chép lại nhiều lời bài hát, ghi trong hai cuốn sổ tay. Trong sổ xanh đỏ nhiều màu, còn có vài ba hình ngôi sao ca nhạc cắt từ các tạp chí cũ. Một số trang còn vẽ non nước, hoa, tùng xanh bách thắm bằng bút màu, điểm thêm vào lời bài hát. Trong đó đại bộ phận là những bài đang thịnh hành, không ngoài mấy thứ tình yêu, nước mắt, mưa bụi, hoa tàn, ngày hôm qua, hoàng hôn hay cô đơn, sến đến tệ hại. Gã viết sai nhiều quá, khiến người ta phải vừa đọc vừa đoán, căng thẳng đầu óc như đọc văn giáp cốt.

Nhưng ngũ âm của gã khiến tôi lần nào cũng thất vọng, cái thói quen giẫm đạp lên nghệ thuật của gã càng làm tôi bực mình. Bài Như sự dịu dàng của em cất lên trong cái mồm ông ổng của gã không nghi ngờ gì đã bóp chết cả sự dịu dàng kia. Hai câu đầu bài Rượu chưa bán hết vốn là “Giọng nói quen thuộc biết bao, cùng tôi vượt qua dông bão...” nhưng gã thường hát thành “giọng nói kinh sợ biết bao, theo tôi rút gân bao lần...” Còn bài Nghe mẹ kể chuyện ngày xưa ấy, trong có hai câu: “Chúng tôi ngồi bên đống thóc cao cao, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa ấy...” Gã sung sướng quá hát thành: “Chúng tôi ngồi bên vại tro xương cao, nghe mẹ kể chuyện bánh nướng trong cái nồi ấy.”

Có lúc gã còn ép mọi người phải cùng giẫm đạp nghệ thuật. Có một lão già đầu trọc người Phúc Kiến coi bất kỳ bài hát nào cũng là hát ru, bên đống thóc hay cạnh vại xương cũng được, hễ nghe hát là lão liền ngủ khò khò, tiếng ngáy vang dội, khiến đám ca sĩ thấy vô cùng ngứa mắt.

Cường đại ca chưa bao giờ hài lòng với lão, coi lão như vật cản đường, một lần còn mượn cớ lão ta phát âm “màn thầu” thành “màn hầu” để nổi giận lôi đình với cái tiếng địa phương Phúc Kiến ấy, nói lão già này vào tù hai tháng rồi vẫn không biết nói tiếng phổ thông, thực không phải là người. Gã lệnh cho thủ hạ bạt tai lão hai phát.

“Rốt cuộc là màn thầu hay màn hầu? Nói ngay!” Mắt lác vặn tai đối phương.

“Màn thầu, màn thầu!”

“Nói lại lần nữa.”

“Màn thầu!”

Cường đại ca mới nới lỏng tay.

Nói thực, đây đâu phải phòng phát thanh, tiếng phổ thông có quan trọng đến thế không, huống hồ, cái giọng Bắc Kinh của Cường đại ca cũng chỉ như cứt chó. Nhưng mọi người chỉ dám ấm ức mà chẳng dám lên tiếng, dưới cái uy của kẻ đầu sỏ phòng giam, họ âm thầm giày vò cái lưỡi của mình, cố gắng bóp ra từng câu ngoại ngữ Trung Quốc, vậy mà lại khiến người nghe càng thấy khó hiểu. Cũng với lý ấy, nhà giam không phải doanh trại, xếp cốc chén thành một hàng, phơi khăn mặt thành một hàng, chăn mền gấp vuông vắn có góc có cạnh, những quy định Cường đại ca lập ra cũng thật buồn cười. Gã nhất thời hứng lên, có phải muốn nhất loạt rèn luyện chúng tôi trở thành bộ đội đặc chủng kỷ luật nghiêm minh? Hay muốn giành danh hiệu đơn vị vệ sinh gương mẫu? Về sau tôi cũng từng vào ở một vài phòng giam khác, khi làm lao động viên cũng từng tới quét dọn các phòng giam khác, tôi phát hiện ra có một số phòng chẳng có tí kỷ luật nào, phạm nhân ăn cơm chia thành nồi này nồi kia, lúc xảy ra tranh chấp liền tìm không ra liên hiệp quốc, cũng chẳng có lính gìn giữ hòa bình, miếng cơm ăn cũng chẳng yên. Càng không có chấp hành vệ sinh, chấp hành học ngữ âm, thường xuyên lộn xộn, bừa bãi. So sánh như vậy, phòng 9 tuy là xã hội nô lệ, nhưng ít ra cũng là một xã hội khá nghiêm chỉnh trật tự. Hình như tôi không nên có điều gì oán trách.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26177


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận