Nếu không có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, Văn Bình đã phê bình ông Hoàng đa sự một cách vô ích. Nơi chàng sắp đến là Tân Gia Ba. Hòn đảo này ở phía Nam Sàigòn, chỉ cách hòn ngọc Viễn Đông hai giờ rưỡi máy bay cờ líp pơ (1) của hãng PanAm, vậy mà ông Hoàng lại mua đường, đi vòng vo tam quốc từ Sàigòn qua Vọng Các, rồi từ đó mới tất tưởi bay xuống Kua Lumpur trước khi đón xe hàng, vâng, xe hàng cà rịch cà tang chứ không phải phản lực cơ điều hòa khí hậu và bay êm ru trực chỉ Tân Gia Ba...
Hòn đảo này mang nhiều tên cúng cơm khác nhau, người Nhật trong đệ nhị thế chiến gọi là Chiêu Nam, nó còn được kêu là thành phố Sư Tử. Trong hồ sơ Mật Vụ, nó biến thành đảo Phong Lan. Lý do rất giản dị, ở đó có quá nhiều hoa phong lan và hoa lê-dơn, mỗi năm ba bốn lần trổ bông, hoa phong lan Tân Gia Ba lại lừng danh, khách mộ điệu vương giả chi hoa từ Đông sang Tây đều mến chuộng, ông Hoàng đặt tên Tân Gia Ba là Phong Lan đảo.
Chuyến đi của điệp viên z.28 được tính sát nút, máy bay của sở chỉ cất cánh chậm hơn giờ đã chỉ định 3 phút đồng hồ. Chậm 3 phút cũng không do lỗi của nhân viên phi hành, họ đã túc trực tại phi đạo từ sau nửa đêm. Lỗi đây là của Văn Bình.
Ra đến thang máy tòa cao ốc 8 tầng tráng lệ của người đẹp bọ ngựa, chàng bỗng té xỉu. Lê Diệp phải tiến đến, xốc nách chàng dìu vào thang máy. Ý định sửa lưng bạn tắt ngúm trong lòng Văn Bình.
Chàng lắc đầu thật mạnh, có xua đuổi những cảm giác mệt mỏi đang dâng lên, dâng lên tràn ngập cơ thể. Xuống đến xe, chàng mới hỏi nhỏ Lê Diệp :
- Cà phê pha thuốc mê hả ?
Lê Diệp nghiêm nét mặt:
- Hừ... Anh lại có thành kiến và nghi oan tôi. Không, tôi hoàn toàn không dính dấp tới vụ này.
- Nguyên Hương ?
- Không.
- Thì Quỳnh Loan. Anh cứ nói úp mở, khuyên tôi "đừng lăng nhăng với con bọ ngựa nữa mà ốm đòn" tôi tưởng anh đùa giỡn, ngờ đâu anh làm thật.
- Một lần nữa, tôi xác nhận Quỳnh Loan, hoặc Nguyên Hương, hoặc cả tôi nữa, đều ở ngoài vụ này. Bích Ngọc cũng thế. Những việc xảy ra cho anh, làm tứ chi anh rời rã, anh suýt bất tỉnh, chỉ có tính cách nghề nghiệp. Thuần túy nghềnghiệp.
- Ông Hoàng ?
- Dĩ nhiên, ông Hoàng muốn thử cảm ứng nơi gan bàn chân của anh đối với hơi ngạt thần kinh (2).
Trời đất, thử cảm ứng để làm gì ? Và tại sao lại thử gan bàn chân không thôi ?
- Vì bàn tay anh được luyện kình, khí độc khó thể thâm nhập. Gan bàn chân vốn là bộ phận yếu nhất của cơ thể, nó lại luôn luôn bị tất và giày che kín nên ông Hoàng trắc nghiệm để giúp anh được an toàn. Anh chỉ cởi tất mỗi khi... sửa soạn gần đàn bà.
- Hiểu rồi. Hơi ngạt thần kinh được phun trên mặt đất ?
- Phải, nó được hòa với nước. Anh thòng chân xuống giường, gan bàn chân chạm lớp hơi ngạt, và như ông Hoàng tiên đoán, gân cốt anh bị rời rã. Điều này có nghĩa là trước khi lên đường, anh phải tiêm thuốc phòng ngừa, điện thoại sang đến Tân Gia Ba, anh đừng quên mang găng. Tôi đã bỏ trong vali cho anh hai đôi găng cao su, đầy đủ thuốc uống và thuốc chích, có xơ ranh tự động gắn ở đầu ăm-pun.
Văn Bình ngồi thừ trong góc xe hơi. Chàng không muốn hỏi thêm nữa. Té ra người ta đã đoán biết chàng sẽ cởi bỏ quần áo, giầy tất, chàng sẽ bước chân không xuống đất, chàng sẽ...
Tuy vậy, cóc không thể ngậm miệng được mãi vì chiếc xe hòm đen sọc sạch không chạy thẳng về tổng hành doanh trên đường Nguyễn Huệ kế cận mà lại quẹo trái, đâm vào đại lộ Pasteur, và giữa khuya tịch mịch, tài xế xả hết ga xăng phóng với tốc độ quyên sinh. Chàng hích vai Lê Diệp :
- Đi đâu ?
Lê Diệp đáp :
- Sân bay.
- Không vềvăn phòng ư ?
- Không.
- Ông cụ chờ tôi trên Tân Sơn Nhứt chứ ?
- Không, anh sẽ đi một mình.
- Quái. Bảo đi Vọng Các, rồi đi Tân Gia Ba mà không dặn đến những nơi đó làm gì... thú thật, tôi hoàn toàn mù tịt...
- Tôi cũng hoàn toàn mù tịt như anh. Ông cụ chỉ sai tôi trộn hơi ngạt vào nước, nhúng giẻ lau sàn phòng, rồi đợi bên ngoài, khi nào anh ló đầu ra thì chở lên phi trường, về nội dung điệp vụ, ông cụ nói chỉ cần nhắc anh một chữ.
- Một chữ ?
- Phải. Một chữ. Ông cụ nói đã có lần thảo luận đầy đủ với anh. Anh đã nghiên cứu hồ sơ. Anh đã biết sẽ làm gì. Sẽ gặp những ai, vân van và vân vân...
- Lạy ông, ông đừng nửa nạc nửa mỡ nữa. Chữ ông Hoàng dặn là chữ gì ?
- Thong thả đã nào. Anh đến máy bay tôi mới được phép nói.
- Anh coi chừng, tôi chịu đựng hết nồi rồi.
- Hà hà... bớt giận làm lành, đại tá z.28 ơi. cẩm nang ông Hoàng dặn anh là Disa. Điệp vụ Disa.
Đối với Văn Bình, Disa là một kho tàng kỷ niệm. Lấy tên đóa hoa phong lan đệ nhất đài các và kiều diễm là Disa đặt tên chọ một điệp vụ trên đảo Tân Gia Ba, đảo của hoa phong lan, đó là một sáng kiến hợp lý. ông tổng giám đốc là nhà trồng hoa giỏi, ông lại có cảm tình sâu xa với giống phong lan nên ông đặt tên Disa cho công tác sắp tới cũng chỉ là chuyện tất nhiên.
Có lẽ ông tổng giám đốc gần đất xa trời không biết rằng hoa Disa đã mang lại cho Văn Bình những giờ phút sung sướng thần tiên nhất và đau khổ địa ngục nhất. Vì hoa Disa tượng trưng cho mối tình của chàng với giai nhân Thu Thu, trưởng ban Biệt Vụ, ban hành động độc nhất vô nhị gồm toàn điệp viên phái nữ. Nàng yêu chàng tha thiết, ông Hoàng sợ sự si mê này phương hại đến công tác nên luôn luôn phái ra ngoại quốc. Đến khi chàng có con với Quỳnh Loan, ông tổng giám đốc còn bắt nàng đi lâu hơn và đi xa hơn nữa. Hồi nàng phục vụ ở Ba Tây, chàng gởi cho nàng một bông Disa màu đỏ pha vàng rực rỡ. Nàng cất giữ bên mình, 18 tháng sau, hai người tái ngộ tại thủ đô khói lửa Vạn Tượng. Rồi từ đó nàng đi biệt... (3)
Nhớ đến Thu Thu, Văn Bình không thốt nửa lời trên chuyến bay từ Sàigòn qua Vọng Các. Khởi hành ban đêm nên không có phi cơ thương mãi đầy đủ tiện nghi, vả lại, vì điều kiện an ninh, giá chàng lên đường ban ngày ban mặt đàng hoàng, ông tổng giám đốc cũng không cho phép chàng ngự phản lực cơ Phong Lan (lại Phọng Lan...) của công ty hàng không Thái, ông tổng giám đốc đã nhét chàng vào một phi cơ quân sự gồm 2 chỗ ngồi. Người ta gỡ bom, đạn, súng đại liên và rốc kết ra cho nhẹ bớt và để chở thêm chàng. Thời tiết chẳng lấy gì làm đẹp, hoa tiêu thuộc loại bay bướm, thích rung răng rung rẻ trên trời nên Văn Bình đã quá quen với máy bay mà vẫn mệt nhoài. Chàng còn đói lòng - xin hiểu đói lòng ở đây không mang ý nghĩa ăn uống - thành thử ra sự nhồi nhảy của phi công càng làm chàng mệt nhoài gấp bội.
Hạ cánh xuống Vọng Các còn tờ mờ sáng. Chàng xuống phi cơ quân sự để lên một phi cơ khác, bay tuốt về phương Nam. Vương quốc Thái như cái đùi ngựa dài ngoằng, hơi gập lại, bàn chân gồ ghề là đường ranh giới với Mã Lai Á.
Máy bay nhỏ bé, bề ngoài trông chẳng văn minh tí nào mà bay nhanh đáo để. Miền Nam toàn rừng núi, phong cảnh tiêu điều, chàng nhắm mắt ngủ bù trừ, khi vượt qua Song Khla, thành phố cuối cùng trước khi đến đất Mã, chàng mới chịu tỉnh dậy. Bên phải là biển, bên trái cũng là biển, trên đất liền chỉ thấy xanh um và đỏ quạch. Đây là vùng hoang vu, nhưng cũng phì nhiêu với những đồn điền trồng cao su rộng liên tu bất tận và những mỏ kẽm. Phi công may thay cũng thuộc giòng bợm nhậu nhự chàng, chỉ khác là không mê Whisky. Họ mang theo một két la ve và nốc tì tì. Tuy cổ họng khát khô, Văn Bình vẫn lắc đầu từ chối. Rượu whisky bản xứ, mang tên là Mê Kông đã dở, rượu la ve bản xứ được gọi là Singha và Krating thong còn dỡ hơn (xin lỗi, vì có nhiều người khen bia Thái khá ngon) thà chàng chịu khát, chàng không thể làm bạn với những thức uống hạng bét. Cũng như trong đời sống hàng ngảy, thà chàng... chay tịnh, chàng không thể cặp kè những cô gái Chung Vô Diệm hoặc chưng diện đồ giả.
Mặt trời lóe sáng khi phi cơ tiến vào không phận Mã Lai. Hoa tiêu đáp êm ru xuống trường bay Subang, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 20 cây số. Từ Vọng Các xuống đến Tận Gia Ba đường dài 1.440 cây số theo đường chim bay, ông Hoàng đã cho phép chàng ngự con chim sắt quá hai phần ba, chỉ còn lại 400 cây số nữa mà không hiểu sao ông Hoàng lại bắt chàng thay đồi phương tiện di chuyển.
Chàng phải đón xe hàng để tiếp tục cuộc hành trình về phía Nam dưới trời nóng mỗi lúc một thêm gay gắt.
Chàng bấm bụng tuân lệnh mặc dầu chàng nhận thấy lý do ông tổng giám đốc nêu ra để bắt chàng dùng xe đò không mấy chính đáng. Theo lời ông, Tân Gia Ba là ngã tư điệp báo Quốc Tế, nhân viên địch đông nhung nhúc như giòi, đến nơi bằng đường hàng không khác nào vỗ ngực trình diện với địch, phương chi G.R.U và K.G.B. Sô Viết đã có tai mắt công khai ngay tại phi trường núp sau văn phòng hãng hàng không Aeroilot. Chàng nhận thấy lý do này không chính đáng vì ngoài Aeroílot của Liên Sô còn có 24 hãng máy bay khác đặt văn phòng tại phi trường, trừ phi địch có hàng chục, hàng trăm nhân viên luân phiên kiểm soát, canh chừng, họ mới khám phá ra điệp viên z.28.
Nhưng lệnh là lệnh, Văn Bình không thể chống lại. Trong quá khứ, hơn một lần ông Hoàng đã ban những lệnh cù lần, tuy nhiên thực tế lại hơn một lần chứng tỏ ông Hoàng chẳng cù lần chút nào.
Dầu sao, chàng vẫn oán ông Hoàng. Nếu chỉ sơ nhân viên Sô Viết dòm ngó trường bay Tân Gia Ba, tại sao ông lại dặn chàng tránh xa những phương tiện vận chuyển ít mệt nhọc khác. Thiếu gì xe lửa, mỗi ngày tồi ra ba chuyến buổi sáng và ban đêm có toa gắn máy lạnh, chuyến tàu tốc hành buổi chiều không được điều hòa khí hậu mát mẻ song cũng có quạt máy, và đặc biệt không nóng chảy mỡ và không đau đít như xe đò...
Thậm chí dùng xe tắc xi bao chỉ tốn 16 đô la Mã (4) từ 3 người trở lên một xe, cũng không được nốt. Giá bao luôn một chiếc tắc xi rộng rãi chàng cũng thừa tiển. Nhưng lệnh là lệnh...
Chín giờ đồng hồ dài dằng giặc trong chiếc xe đò nêm lèn như cá mòi... đường xá khá tốt, chứ nếu như đường xá ở bên nhà thì chắc chắn Văn Bình đã mắc bệnh đau thận.
Chạy được 100 cây số, xe đò dừng lại ở Seremban, một thị thấn có nhiều Hoa kiều, và dĩ nhiên có cả trò "nhất dạ đế vương" mặc dầu tứ phía là vùng khỉ ho cò gáy. Văn Bình đành nhịn thèm vì công tác lệnh đã ghi rõ chàng không được lang bang vào thành phố. Chàng thèm rệu nước miếng khi sự nhớ gần đó có một bãi biển thần tiên tên là Đích Sơn, khách du có thể nằm phòng có máy lạnh sau những buổi chơi vũ cầu, trượt nước và du thuyền, và nhất là tao ngộ những cô gái đẹp ác ôn, da trắng như trứng gà bóc, eo nhỏ chỉ bằng trét tay do bọn cướp biển mang tới để nghỉ ngơi du hí, giữa hai chuyến ăn hàng kinh thiên động địa.
Cách đây không lâu, ông Hoàng đã cử chàng đến Đích Sơn điều đình với một tên xếp thủy khấu người Mã lai Trung Hoa để chuộc lại cái vòng ngọc thạch chúng cướp đoạt của một triệu phú Việt. Chàng xử sự đúng luật giang hồ nên được tên tướng cướp khâm phục, hắn còn khâm phục chàng hơn nữa sau khi chàng biểu diễn tài mọn. Và kết quả của chuyến đi thương thuyết này là chàng chíp được ả hầu non thơm ngon nhất của tên tướng cướp...
Chiếc xe đồ sộ tiếp tục tiến về miền Nam, qua thị trấn Ma Lắc Ca. Rồi sau cùng là Johore Bahru.
Thành phố này nằm đối diện Tân Gia Ba, và được nối liền với nó bằng một khúc đường bộ, dài khoảng một cây số. Trước kia, người Anh Quốc đô hộ cũng như thời độc lập, Tân Gia Ba với Mã Lai là một, giờ đây hai quốc gia khác nhau nên thủ tục nhập cảnh không còn quá dễ dàng như xưa. Chàng muốn vù qua vì trên đảo có nhiều thú vui ly kỳ hơn, song trời đã sẫm tối, và chàng phải gặp một đại diện của C.I.A. để được thông báo thêm chi tiết công tác.
Chàng lấy phòng tại lữ quán Johora, chui vào phòng tắm để gột tẩy hết bụi bặm. Chàng mới xa Sàigòn, xa người đẹp bọ ngựa một ngày mà có cảm tưởng như cả tuần lễ. Một ngày bó gối trên phi cơ và xe đò đã làm râu chàng mọc tua tủa, nếu không cạo bỏ thì chàng đi nghênh ngang giữa đường bạn bè thân thiết cũng khó nhận ra.
Agong ngụ trong một ngôi nhà khá sang trọng, cách khách sạn một quãng ngắn và cùng đựờng với khách sạn, đường tiểu vương Jalan Ibrahim. Agong là nhân viên C.I.A.. Hắn mang tên cúng cơm lai Mã chắc hắn không phải là dân Mỹ chính cống.
Nhìn tấm bảng đồng ở cồng có khắc giòng chữ "nhập cảng phim ảnh", Văn Bình mỉm cười. Lâu ngày chay tịnh không được xem phim giật gân, chàng không dại gì bỏ lỡ cơ hội, chàng sẽ yêu cầu Agong lựa chiếu những cuốn phim mầu khêu gợi nhất để giúp chàng quên nỗi nhọc nhằn dọc đường.
Cửa cổng chỉ khép, không khóa, điều này có nghĩa là Agong đang đợi chàng. Chàng ung dung bước qua cái sân nhỏ trồng cỏ non lún phún, cắt thật sát như bãi vũ cầu. Qua một ô kiếng bên trái, chàng thoáng thấy một góc riềm cửa lay động. Agong núp sau đang quan sát ngoài đường.
Cửa sa lông cũng không khóa, Văn Bình đinh ninh được gặp một thanh niên khôi ngô, vạm vỡ - vì điệp viên Tây Phương hoạt động ở hải ngoại thường đẹp trai, to con, hầu dễ chinh phục phái yếu - nên chàng hơi khựng khi thấy Agong bằng xương bằng thịt trước mặt.
Agong là tên Mã, song khuôn mặt hắn lại là khuôn mặt Tàu trăm phần trăm. Người dân ở đây nói tiếng Anh theo giọng Anh, Agong lại nói theo giọng Mỹ.
Hắn trạc 45, 47 gì đó, tóc đã hoa râm, hàm răng vàng khè, có lẽ vì chất nicôtin, bằng chứng là hắn tiếp chàng với điếu xì gà to tướng cháy dở. Thân hình hắn gầy đét như con cá mắm, chàng có cảm tưởng hắn giỏi nhịn ăn như thánh Cam Địa, và từ nhiều ngày nay hắn vẫn chưa dùng bữa. Tuy nhiên, chi tiết đập mạnh vào óc Văn Bình là cặp mắt của Agong. Mắt hắn con to con nhỏ, đặc biệt hơn nữa là hắn bị lé. Tục ngữ có câu " nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún" để chỉ thứ tự những người khôn ngoan, lắm thủ đoạn. Agong đứng hàng đầu, thế tất hắn phải là một cây mưu lược.
Phòng khách được trang trí hoàn toàn theo lối Tàu. Xa lông Tàu bằng gỗ trắc lên nước bóng loáng, chạm trồ bát tiện và khảm xà cừ óng ánh. Những cái bát cổ loa miệng đựng hoa thủy tiên đều thuộc đời Tùy. Nghĩa là đắt lòi con mắt. Ngồi xuống ghế, Văn Bình để ý ngay đến giãy họa phẩm thủy mạc đen trắng bằng mực Tàu treo suốt bức tường đối diện. Chàng đếm được đúng 8 bức, nét vẽ bay bướm, 8 bức tranh này được gọi là "bát cảnh Tiêu Tương" từ xưa đến nay có hàng trăm người vẽ và có hàng vạn bức họa, song chỉ có một số ít đạt tới trình độ điêu luyện.
Agong chỉ bức họa kể từ trái sang phải và hỏi Văn Bình :
- Ông thấy chiếc thuyền này ra sao ?
Bức họa này đặt tên "viễn phố quy phàm" vẽ cảnh con thuyền đang trở về bến nhà sau một chuyến đi xa. Trong tranh, con thuyền chở nặng hơi nghiêng một bên, cánh bườm căng phồng vì thuận gió, người chủ thuyền đứng nơi mũi đang giơ tay vẫy lia lịa về phía bến có cây cồ thụ xum xuê rễ lớn bò cả xuống nước.
Văn Bình nhún vai bước lại góc phòng, lấy ngón tay trỏ vẽ một vòng tròn trước bức tranh cuối giãy, và đáp :
- Tôi thích cảnh trăng thu trên hồ Động Đình.
Đó là bức "Động Đình thu nguyệt." cảnh thuyền bườm và cảnh trăng thu trên hồ chỉ là những căn bản của mật khẩu liên lạc giữa hai người, Văn Bình và đặc phái viên C.I.A. Agong. Nhưng, nếu đây không phải là cuộc tiếp xúc nghề nghiệp, bắt buộc phải đối đáp từng chữ đã định đúng răm rắp, và đây chỉ là một cuộc thưởng tranh thì chàng cũng đặt nặng thiện cảm vào bức Động Đình thu nguyệt (5).
Agong cười:
- Tôi là Agong. Hân hạnh được hoạt động chung với đại tá z.28. Tôi cứ sợ anh đến chậm. Xe đò trễ giờ là thường. May anh dùng đường bộ chứ nếu anh bay thẳng một lèo từ Vọng Các tới chắc tôi về không kịp.
- Anh bận đi đâu ?
- Tháng này là tháng nghỉ hàng năm của tôi. Năm ngoái, tôi không được nghỉ nên năm nay, công việc hơi thư thả, tôi mới nghỉ bù. Chúng tôi qua Nam Dương chơi, nhưng chân ướt chân ráo chưa kịp làm gì thì nhận được lệnh gọi về gấp để giúp anh thực hiện điệp vụ Disa. Anh tính... nghề này đến chết e cũng chưa hết vất vả, tôi sống tại đây từ trên phần tư thế kỷ, Nam Dương lại ở sát nách mà tôi không hề có dịp lên Bali đổi gió. Chuyến này tưởng được yên thân, nào ngờ...
Agong thở dài sườn sượt, lẽ ra Văn Bình cũng thở dài sườn sượt như hắn. Chàng vừa khám phá ra tại sao ông Hoàng không cho phép chàng đáp phi cơ từ Vọng Các đến thẳng đảo Phong Lan. Chẳng qua Agong còn mắt kẹt ở nước ngoài. Chàng phải ngồi xe đò nếm mùi gẫy xương, đau đít, để kéo dài thời giờ chờ Agong về đến nơi.
Văn Bình hỏi Agong :
- Theo lệnh, tôi phải đích thân gặp Chen Ho. Anh quen Cheng Ho không ?
Agong đáp :
- Hơn quen nữa là khác. Bọn tôi đều là vê-tê-răn trên đảo. Mẹ Cheng Ho người Ấn, cha hắn người Tàu nhưng không ai biết hắn mang nửa giòng máu Ấn. Hắn kém tôi độ 2, 3 tuồi gì đó, tôi quen hắn trong một vụ oanh tạc trùng vào ngày Nhật Bản tấn công bất thần Trân Châu cảng của Hoa Kỳ. Năm ấy là 1941. Còn tháng là...
- Trân Châu cảng bị tấn công ngày 8 tháng 12 năm 1941.
- Đúng rồi. Ngày 8 tháng 12. Hồi ấy, Chiến tranh đã lan khắp nơi, riêng Tân Gia Ba vẫn bình chân như vại, người Anh tiếp tục mặc đồ trắng tinh chiều chiều uống trà trong cảnh thái bình thịnh trị. Rạng đông ngày 8, mọi người đang ngủ say thì phi cơ Nhật bay tới, và trong phút chốc làm hơn 200 người chết và bị thương. (6) Ngôi nhà của Cheng bị trúng bom, xụp đồ tan tành, may mắn không ai thiệt mạng, chỉ có em gái hắn gãy chân. Tôi ở gần đấy nên sau khi báo động chấm dứt tôi giúp sức chở em gái Cheng đi nhà thương rồi trở về thu dọn đồ đạc giùm gia đình hắn. Chỉ có thế thôi. Thoạt đầu gia đình hắn mang ơn tôi và đối xử với tôi một cách kính nể. Dần dà, tôi lui tới thăm viếng và cô em gái xinh xắn của Cheng có cảm tình với tôi. Từ ngày trái bom đầu tiên rớt xuống đến ngày quân đội Nhật chiếm đóng thành phố chỉ có 9 tuần lễ. Và không ngày nào không bị ném bom, có ngày đến 500 người chết. Bởi vậy, cô em của Cheng Ho yêu tôi, tôi cũng không phải là gỗ đá song mối tình của chúng tôi chưa kịp thố lộ thì tai biến lớn xảy ra. Nàng tản cư khỏi đảo trên một chiến hạm của Anh Quốc, và cả đoàn tàu này bị đánh đắm, chỉ một số ít sống sót.
- Và nàng không ở trong số này ?
- Không. Nàng đã biệt tích. Quân Nhật đổ bộ Mã Lai và đến Tết dương lịch năm ấy tiến đến gần Tân Gia Ba nên dân chúng hốt hoảng kéo nhau tản cư. Nàng theo gia đình tản cư ngay từ đợt đầu tiên vì lẽ gia đình nàng có ít nhiều liên hệ đến chính phủ Trùng Khánh, khi ấy Tàu kẻ thù của Nhật. Đoàn tàu tản cư vừa rời khỏi vịnh thì bị oanh tạc dữ dội, từ bấy đến nay tôi không nghe tin tức nào về nàng nên có lẽ nàng đã thiệt mạ 6d98 ng.
- Có lẽ ?
- Vâng. Tôi không dùng tiếng "chắc chắn" vì tôi chưa có chứng cớ cụ thể. Vả lại, nàng là mối tình đầu của tôi, tôi không thể quên được nàng mặc dầu tôi đã lập gia đình nhiều lần.
- Giờ tôi đã hiểu mối liên hệ giữa anh và Cheng. Anh hoạt động cho C.I.A. từ khi nào ?
- Sau thệ chiến, 5 ngày trước ngày Mã Lai được độc lập. Nghĩa là năm 1958. Cheng và tôi ở lại Tân Gia Ba sau ngày Anh Quốc đầu hàng ở đó, và chúng tôi bí mật hợp tác với đồng minh. Chúng tôi chống Nhật chẳng phải vì thương mến người Anh, ai lại thương mến thực dân từng thống trị mình, phải không anh? Thái độ của chúng tôi, hoàn toàn có tính cách tình cảm, người Tàu đang sinh sống yên ổn thì Nhật dội bom, trong những ngày đầu năm 1942, hệ thống phòng không trên đảo dường như không còn nữa, phi cơ Nhật oanh tạc liên miên, oanh tạc bừa bãi, nhiều giãy phố sầm uất trong khu Hoa kiều bị san thành bình địa, xác chết ngồn ngang, hàng trăm người chết kẹt dưới đống gạch vụn, không thể đào bới đem chôn, khí hậu lại oi nồng, mùi hôi thối xông tỏa khắp nơi... trời ơi... trong số nạn nhân lại có họ hàng, bà con, bè bạn cho nên chúng tôi thù người Nhật và chúng tôi đã hăng say gia nhập hàng ngũ điệp báo Trùng Khánh.
Nói rõ hơn, Cheng và tôi bắt tay vào nghề điệp báo từ năm 1942. Chúng tôi hoạt động không được lâu vì sau ngày Nhật bại trận, người Anh trở lại đảo nắm quyền, tình báo Trung Hoa quốc gia không còn tích cực như trước nửa, một phần vì họ nễ người Anh, phần khác vì họ đang vấp phải những khó khăn to lớn ở chính quốc mà kết quả là năm 1949, chính phủ Tưởng Giới Thạch bị thua chạy có cờ, lếch thếch rút qua Đài Loan. Chúng tôi còn giữ liên lạc với họ cho đến cuối năm 1949. Rồi thời thế đổi thay, ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch giảm xuống trong giới Hoa kiều thì ảnh hượng của Mao Trạch Đông gia tăng. Tuy nhiên mãi đến năm 1953-1954, Quốc Tế Tình Báo sở Hoa Lục mới đặt thành vấn đề tồ chức màng lưới tại Tân Gia Ba.
Trong thời gian ấy, Cheng và tôi đều ra nước ngoài, mỗi người làm một nghề, và không có liên lạc với nhau. Cho đến một ngày kia, tôi nhận được thư của Cheng. Thư gửi tay do một người Mỹ đưa đến. Cheng không hề biết địa chỉ của tôi. Nên tôi tỏ ra sửng sốt khi nhận được thư của bạn. Nhưng sau đó tôi không sửng sốt nữa. Người Mỹ trao thư của Cheng Ho cho tôi là nhân viên của C.I.A.. Trước ngày rút qua Đài Loan, chính phủ Tưởng đã mang theo đầy đủ hồ sơ nhân viên điệp báo hải ngoại, chính phủ Mỹ hồi ấy do tướng Ây-Xen-Hao lãnh đạo với ngoại trưởng Đờ-Lớt chống Trung Cộng một cây nên C.I.A. đã yêu cầu Đài Loan cung cấp cho họ danh sách những nhân viên địa phương tin cậy.
Hồ sơ của Cheng và tôi được gởi đến văn phòng C.I.A. Đông Nam Á khi ấy đóng tại Mani, trước khi dọn qua Vọng Các. Họ mày mò theo dõi và tình cờ tìm ra tông tích Cheng ở Chợ Lớn. Cheng qua đó mở lò dạy võ, nhân một cuộc kiểm tra lý lịch, Cheng khai rõ quá khứ và mặc dầu hắn đã thay họ đồi tên, người ta vẩn tìm ra hắn là cựu cộng sự viên đắc lực của Trùng Khánh ở Tân Gia Ba. Từ Cheng, người ta móc nối với tôi.
Anh biết không, họ mất ba, bốn năm trời đàng đẵng mới tìm được tôi ở Nam Dương, tôi đang làm một nghề bất đắc dĩ, nghề mở nhà hàng ăn. Cheng đã chờ tôi ở Tân Gia Ba, tôi trèo lên chiếc phi cơ sớm nhất, bay loanh quanh đến Phi, từ Phi sang Thái, rồi từ Thái về xứ. Từ đó, chúng tôi lãnh lương C.I.A., tôi lấy tên Agong, đóng đô ở Johore Bahru, đội lốt nhà nhập cảng phim ảnh còn Cheng làm nghề bán kỷ vật cho khách và phát tài đáo để.
Tiệm của Cheng Ho bán đủ thứ, dao quắm Mã Lai, búp bê và đồ gỗ trạm Nam Dương, tượng Phật bằng đồng đen Thái Lan, chuông khánh Miến Điện, thảm len Ba Tư, đồ kim hoàn Ấn Độ, đồ đá thuộc Trung Đông, đồ cồ Trung Hoa và các hàng thêu, đan tay Tây Tạng....
- Anh có gặp hắn thường xuyên không ?
- Thường xuyên. Chúng tôi chơi thân với nhau từ hơn hai chục năm nay nên sự lui tới thường xuyên này không làm ai nghi ngờ. Dân chúng ở đây đa số là người Tàu, và người Tàu rất quý trọng tình bạn cố tri, chắc anh đã hiểu. Phương chi, cách đây không lâu, tôi lại cưới cô em vợ của hắn. Cô em út.
- À ra anh và Cheng là anh em cột chèo... Thành thật khen ngợi anh. Anh có bà vợ rất đẹp.
Agong có vẻ sững sờ. Hắn bật dậy :
- Vâng, vợ tôi rất đẹp. Tại sao anh biết ?
Văn Bình chỉ bức hình toàn thân lồng trong khung mạ vàng đặt trên tủ búp phê kiểu Tàu. Bức hình chỉ nhỏ bằng bàn tay mở xoè, cách chàng hơn nửa chiều dài của căn phòng, tuy vậy chàng vẫn thấy rõ những nét đẹp thanh tú của người đàn bà bên trong. Đây là ảnh màu, chụp và rửa thật khéo nên làn da trắng hồng được nồi bật, tấm thân của nàng nhỏ nhắn như thể gió heo may thổi qua cũng ngã, song đôi chân thon dài, bộ ngực rắn nở tròn lẵn sau áo sườn sám may chật của nàng chứng tỏ nàng có sức khỏe tiềm tàng, sức khỏe của đại lực sĩ ma ra tông không khi nào biết mệt.
Giai nhân trong hình chỉ độ 28, 29 tuồi là cùng, khi chụp nàng cắn môi không cười, nếu nàng cười, nàng còn trẻ hơn nữa. Nhân viên C.I.A. Agong phải tu nhân tích đức 5, 10 kiếp mới vớ được món bở độc nhất vô nhị này. Dầu hắn là vua dầu lửa, tiền bạc xài phí cả đời không hết, giai nhân trong hình cũng khó thể yêu hắn. Trời ơi, làm sao con người thơm như hoa phong lan nở về đêm ấy lại có thể yêu được thằng Agong có cặp mắt không đều, lé sệch và hàm răng cái mả khập khểnh. Trừ phi hắn là vua bùa ngải...
Chàng chăm chú quan sát Agong. Mắt hắn lé nhưng rất sáng, nhỡn tuyến sắt bén như con dao rừng mới mài. Hắn gầy nhom là do xương nhỏ không phải vì thiếu thịt. Bàn tay hắn, chàng đã có dịp nhận thấy thịt hắn rắn như kim khí. Loại đàn ông như hắn dai phông không kém vô địch chạy băng đồng quốc tế. Chỉ riêng tài mọn này đủ biến Agong thành khối nam châm thu hút phụ nữ. Đàn bà thường mê đàn ông đẹp trai như đệ nhất tài tử màn bạc thế giới mà yếu xìu thì các bà các cô cho rơi là cái chắc.
Agong ồm ồm khoe khoang :
- Để tôi kêu nàng ra chào anh. Nàng đang vẽ tranh ở hiên sau, 8 bức họa trong phòng đều do nàng vẽ.
Agong dẫn chàng sang phòng bên. Té ra phòng bên trống trơn không bày đồ đạc, mọi cửa sổ đều mở rộng, mùi thơm của những luống hoa mới trổ bông từ ngoài vườn theo gió mát bay vào, mang theo không khí thanh bình của buổi hoàng hôn ở Johora. Một thiếu phụ mặc đồ chẽn Tàu đang ngồi vẽ bên cửa.
Đèn trong phòng và ở hiên sau được bật sáng. Cạnh giá vẽ, kê trên cái đôn sứ Giang Tây là một giỏ thủy tiên đang nở. Văn Bình hiểu ngay tại sao vợ Agong chưa rời giá vẽ tuy trời đã tối. Là vì giỏ hoa sắp nở bung.
Thiếu phụ đang say sưa với nghệ thuật nên không nghe tiếng giầy và tiếng trò chuyện của hai người đàn ông. Agong phải gọi:
- Vân Anh, có khách.
Agong nói với vợ bằng tiếng Quảng Đông. Nữ họa sĩ rời ghế, khép nép chào Văn Bình. Bức hình mầu Agfa trưng ngoài xa lông cho thấy nàng là giai nhân, nhưng nếu ảnh chụp thường đẹp hơn người thật thì ngược lại, Vân Anh bằng xương bằng thịt đứng bẽn lẽn trước mặt chàng lại đẹp hơn ở trong hình. Thân thể nàng nhỏ nhắn, song có dáng đẹp no tròn của Tây Phương. Nàng lại đáng yêu hơn giai nhân Tây Phương vì nàng khiêm tốn và ngoan ngoãn hơn. Tự dưng Văn Bình đâm ghen với Agong.
Agong vẫn thao thao bất tuyệt:
- Anh cứ nói chuyện tự do, vợ tôi đã biết rõ công việc của chúng tôi và đã giúp đỡ nhiều lần. Nè, Vân Anh, em vẽ xong chưa ? ừ, xong rồi đó, món satê bất hủ đâu?
Văn Bình trân trân ngắm giai nhân họa sĩ. Đôi má nàng ửng hồng, chàng biết là nàng không thoa phấn. Nàng gật đầu nhẹ không đáp. Gật đầu nghĩa là đồng ý. Vì Agong đặt ra một đống câu hỏi khác nhau.
Agong lại quay ra hỏi Văn Bình :
- Anh đọc được chữ Hán chứ?
Không đợi chàng đáp, Agong đóng một bên cửa. Mặt sau cánh cửa được dán một vuông giấy hồng nhạt, bên trên viết một bài thơ tứ tuyệt, nét bút lông diệu xảo như rồng bay phượng múa. Bài thơ như sau:
Nhất ẩm quỳnh tương bách cảnh sanh Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh.
Lam kiều tiện thị thần tiên quật Hà tất khi khu thường Ngọc Kinh.
Tương truyền, tiên nữ Vân Anh gặp Bù Hàng tại cầu Lam Kiều trong tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa, tặng chàng bài thơ này. Hai người gá nghĩa trăm năm và đều thành tiên. Vợ Agong mang tên Vân Anh cũng không đến nỗi hồ thẹn. Vân Anh trọng truyện tiên ngày xưa cũng chỉ đẹp như nàng lậ cùng. Cũng theo truyện tiên thì Vân Anh là em ruột của Vân Kiều. Anh đã đẹp, Kiều còn đẹp hơn. Cheng Ho quả tốt số. Vì hắn chớp được Vân Kiều.
Ngôi nhà của Agong khá rộng, phòng nào phòng nấy khang trang, trưng toàn đồ đạc đắt tiền, chứng tỏ chủ nhân sinh sống quá thừa thải. Phòng ăn được điều hòa khí hậu, bàn ghế bằng sắt tròn uốn mạ kền bóng loáng. Món nhậu được dọn sẵn giữa phòng, một bà xẩm trạc ngũ tuần, mặc áo cánh trắng tinh, hồ bột cứng sột soạt, cung kính chắp tay đợi. Trên bàn, Văn Bình thấy cái hỏa lò bằng đồng, than đỏ rực. Bên cạnh hỏa lò là nhiều cái dĩa đựng gắp thịt sống.
Thịt sống, xâu qua đũa nhỏ bằng tre hoặc gân lá dừa, đem nướng trên lửa than ăn chấm với tương cay ngọt, người địa phương gọi là satê. Có ba loại satê, gà, heo và cừu, mỗi thứ satê đi đôi với một thứ nước chấm riêng. Nam Dương ở sát nách Tân Gia Ba, món satê đối với dân Nam Dương giống món khô bò đối với dân nhậu Đồng Nai, Văn Bình đi vẹt gót giày nên không thể không biết mùi vị satê. Hơn một lần chàng đã thưởng thức satê thịt gà ở đạo Pa đan và Ma đu ra. Nướng thịt heo là chuyện thường, người Việt Nam ba miền đều ăn quen, người Tàu trên đất Việt từng nổi tiếng về nghệ thuật quay sá síu. Nhưng ở Sàigòn thật khó tìm ra thịt gà nướng ngon ngang satê. Á xẩm cúi đầu chào Văn Bình. Vân Anh mở tủ tìm rượu. Như chàng tiên đoán, nàng không mời chàng uống whsiky. Nàng lấy một cái chai lớn đựng đầy nước đen sì, trông như rượu bìm bịp, giơ lên ánh đèn và khoe :
- Đây là rượu Tapai, chỉ ở Sabah mới có. Mời anh dùng thử một ly. Nhà em ngâm với thuốc Bắc, uống ngon, lại hợp với món satê.
Á xẩm nói
- Thưa bà, còn chai rượu của ông Cheng.
Vân Anh ngoảnh lại, nhoẻn cười vui vẻ :
- Ừ nhỉ, xẩm không nhắc thì tôi quên khuấy, xẩm đã nếm chưa ? Nghe nói ngon lắm thì phải ?
Á xẩm đáp :
- Thưa bà, tôi nhấp thử, thấy ngon và đậm hơn rượu nhà nhiều.
Agong nhanh nhẩu nói với Văn Bình :
- Bà xẩm này biết chúng tôi từ hồi còn nhỏ. Gia đình xẩm gặp tai biến, chồng làm nghề tàu biển bị đắm chết, xẩm không có con nên về chăm sóc nhà cửa cho chúng tôi. Xẩm vừa gặp Cheng Ho ở bên đảo về xong. Biết tính tôi, Cheng thường kiếm rượu ngon cho. Bà xẩm của tôi xuất thân từ một giòng họ chuyên nấu rượu Mai Quế Lộ ở Bắc Kinh nên có khiếu về nếm rượu. Tôi nghe nói nhà hàng Tháp Bạc ở Ba Lê có một người nếm rượu đại tài, chỉ ngửi qua là gọi tên vạnh vách rượu đóng chai năm nào, rượu ngon hoặc rượu dở, anh biết hắn không, theo tôi, có lẽ người ta thổi phồng với mục đích quảng cáo thương mãi, không ai có thể thính mũi và nhớ giỏi như vậy, nếu có, hắn cũng khó thính mũi, và nhớ giỏi hơn bà xẩm của tôi.
Văn Bình lặng thinh.
Chàng không "sửa lưng" Agong vì hai lý do. Người nếm rượu ở nhà hàng Tháp Bạc (7) không phải là sản phẩm của tuyên truyền đại ngôn, tên y là Fê Lích. Cái mũi của y được Trời phú cho đặc tài phân biệt 400.000 mùi hương khác nhau. Văn Bình có thiện cảm với tiệm ăn thượng lưu này vì thực đơn tuyệt diệu đã đành, còn vì đặc tài chọn rượu của Fê Lích nữa.
Trước mặt giai nhân Vân Anh, chàng sợ sửa lưng Agong sẽ bị hiểu lầm là ganh tị. vả lại, nếu Vân Anh không có sắc đẹp siêu phàm làm chàng mê mẩn, chàng cũng không nghĩ đến việc cải chính.
Vì khi ấy sự thay đồi trên gương mặt trắng trẻo của á xẩm đã thu hút tâm trí Văn Bình...
Người xẩm già có bộ mặt và hai bàn tay trơn bóng và mịn màng, chứng tỏ khi xưa là con nhà trâm anh thế phiệt. Tuy đã ngũ tuần, á xẩm vẫn còn những nét đẹp của tuổi 30, đầu không một sợi tóc bạc, Văn Bình nhận thấy á xẩm hơi run như trời lạnh quên mặc áo ấm. Thoạt đầu xẩm hơi run tay, sau dần run nhiều, da mặt chuyển sang màu xanh tái.
Vân Anh cũng nhận thấy những biến chuyển khác thường trong thái độ của á xẩm thân tín. Nàng tiến một bước, giọng bối rối:
- Xẩm... xẩm làm sao thế ?
Á xẩm lùi lại, lắp bắp :
- Thưa... thưa bà... tôi bỗng đau quặn ruột., không hiểu sao sau khi...
Á xẩm chỉ nói được nửa câu thì xụm xuống. Như thể xương ống chân hóa thành giấy quyến, không đủ sức gánh chịu mấy chục ký thịt. Nạn nhân dộng đầu vào chân bàn. Cái bàn khá nặng bị xô nghiêng, những đĩa thịt đầy ắp ngon làng đồ lăn vào nhau, rớt vỡ loảng xoảng, thịt văng tứ tán, làm bẩn cái thảm len trải nền phòng tuyệt đẹp, đồng thời những cục than đang cháy đỏ hừng hực cũng bắn lung tung. Vân Anh kêu la "trời ơi" vì một hòn lửa rơi ngay trên cồ nàng. May nàng mặc áo sườn sám, kín cồ, nếu không cái ức trắng ngần của nàng đã bị cháy xém.
Văn Bình quỳ gối, hà hơi vào miệng á xẩm theo phương pháp hô hấp nhân tạo Tây Phượng pha trộn bí thuật hồi sinh của nhu đạo. Người xẩm già tỉnh lại sau mấy phút hôn mê, tuy vậy, hai mắt vẫn trợn đầy tròng trắng, kinh mạch ở cườm tay rút xuống nhỏ li ti, Văn Bình phải định thần mới dò thấy. Agong hỏi á xẩm :
- Xẩm đau quặn ruột sau khi nếm chai rượu mang từ đảo về phải không?
Người xẩm già trung thành gật đầu. Trên môi bừng nở nụ cười thoáng nhẹ.
Agong liếc mắt tủ búp phê. Chai rượụ Tapai của Cheng Ho còn nằm nguyên, á xẩm mới nếm nửa đốt ngón tay, trên cái dĩa cạn lòng đặt bên, Văn Bình thấy rõ chất cặn màu nâu sậm. Á xẩm đang hấp hối vì rượu. Chai rượu từ Tân Gia Ba mang về có thuốc độc. Thuốc độc này ở đâu mà ra?
Agong toan cầm chai rượu lên quan sát thì Văn Bình chặn lại:
- Thong thả, đừng chạm tới.
Agong giật mình :
- Thuốc độc Disa ?
Văn Bình nhún vai:
- Phải, thuốc độc Disa. Tôi tin rằng đây là thuốc độc Disa. Nếu vậy thì Cheng...
Tiếng động khô khan do cây thịt gầy nhỏ của người xẩm già gây ra khi cố nhỏm dậy để rồi ngã vùi lần nữa đã ngắt quãng câu nói của Văn Bình. Á xẩm nằm còng queo trên đất, da mặt co rúm, miệng méo xệch. Nạn nhân đã chết.
Đây là nạn nhân thứ nhất của điệp vụ Disa.
Agong lẩm bẩm một mình như người mất trí:
- Disa, điệp vụ Disa... Không khéo mọi người đều bị Disa giết chết như á xẩm...
Chú thích: 1. Clipper.
2. Hơi ngạt thần kinh nerve gaz là một thứ hơi ngạt, thường không có màu sắc và mùi vị, có tác động thấm vào dây thần kinh, làm cơ thể tê liệt họặc nạn nhân thiệt mạng. Tác giả viết về loại hơi này trong tác phẩm Bà Chúa thuốc độc và Vạn Tượng khói lửa đã xuất bản.
3. Tức là hoa Disa Grandiílora, tìm thấy năm 1825, tại nước Nam Phi. Tác giả đã nhắc đến vụ tặng hoa này trong "Vạn Tượng khói lửa."
4. Đồng đô la Tân Gia Ba là tương đương với 0,33 đô la Mỹ. Nó đổi ngang giá với đồng đô la Mã Lai và đô la Brunei.
5. Phong cảnh ngoạn mục thường được họa sĩ Trung Hoa vẽ lại này là "bình sa lạc nhạn", đàn chim nhạn bay sà xuống bãi cát. "Sợn thị tình lam" chợ chiều dưới chân núi. "Viễn phố quy phàm" "Động Đình thu nguyệt" "Giang biên mộ tuyết" trời chiều tuyết rơi bên sông. "Tiêu Tương dạ vũ" mưa đêm trên sông Tiêu Tương. "Ngư thôn tịch chiếu" nắng chiều trên xóm chài. "Sơn tự hàng chung" chuông chùa trên núi vọng xuống.
6. Cuộc oanh tạc này bắt đầu từ 4g15 sáng, trong khi đèn đường còn sáng, với 17 phi cơ, làm 81 người thiệt mạng và 133 người bị thương.
7. Người nếm rượu ở nhà hàng Tháp Bạc (Tour d'argent) này tên Félix. Dưới hầm nhà hàng có 120.000 cái lọ nhỏ,đựng 120.000 thứ rượu Pháp khác nhau.