cô Dung sau nhiều lần bàn cãi, rốt cuộc được tổ chức ở vườn nhà ngoại Ðoan, thuộc vùng ngoại ô, cách thành phố không đầy năm cây số.
Không khí nơi đây mát mẻ, thoáng đãng, thích hợp cho một buổi picnic ngoài trời. Nhất là vô cùng tiện lợi cho mấy chục cái mồm thuộc cỡ "ống tà la hiện đại."
Khu vườn rộng mênh mông thiên địa, trồng toàn cây ăn trái tha hồ mà "lũm", mà nhai cho sướng miệng. Trái cây mùa nào thứ nấy. Ghé đây bất ngờ lúc nào cũng có thứ để ăn. Ðó là hai món dừa và chuối, thứ trái cây "thâm niên" vườn nào cũng có, bà ngoại trồng để đón khách ghé bất ngờ.
Tiệc tùng mà tổ chức ở đây thì quả là sành điệu hết ý!
Bọn "khỉ mắc phong" lớp Ðoan tha hồ mà nhảy nhót, la hét bể làng, quậy... đục nước ao cũng chẳng ai thèm nói! Họa chăng chỉ có lũ bướm ong, chim chóc, cá trong ao, cây trái, hoa cỏ trong vườn hết hồn một bữa mà thôi!
Bà ngoại lại cưng Ðoan nhất. Bởi ở cái tuổi đời "thất thập cổ lai hi" bà mới có một đứa cháu ngoại độc nhất. Ðoan là cháu ngoại "đít xoang" của bà.
Khi Ðoan dắt lũ lâu la gần bốn chục mạng "dìa" vườn, bà ngoại vui mừng lắm. Bởi hàng ngày, kể cả quanh năm suốt tháng bà chỉ thấy có lá và cây. Cậu mợ Ðoan cũng bốn ông "tứ quái giao chỉ". Thỉnh thoảng chúng dẫn về rủ nhau đấu vật ngoài vườn làm cây cối sứt cành đổ lá nên bà không khoái chúng!
Hôm nay đứa cháu cưng bất ngờ về thăm bà, dù nó có cả bầy bạn phá hơn "quỷ" bà vẫn quét sạch nhà cửa, vườn tược, cười tươi miệng trầu móm mém, đón cháu thương yêu.
Cô Thùy Dung vừa là "chủ xị" vừa là khách mời vinh dự của buổi tiệc. Vân Anh không mời thêm thầy cô nào khác. Vì như thế mọi tình cảm lớp dành cho cô hôm nay sẽ loãng đi mất.
- Cần phải tạo cho cô cái ấn tượng về buổi tiệc này! - Vân Anh bảo với Ðoan như thế.
Buổi tiệc tiễn đưa cô hôm nay sẽ đánh dấu một thứ tình thầy trò còn đậm đặc hơn acid sulfuric nồng nàn như hương hoa dạ lý... Nó sẽ "ngự trị" trong bộ nhớ "siêu bền" của cô bây giờ và mãi mãi.
Phụ trách món ăn thức uống đã có các bàn tay hàng ngày chỉ biết cầm viết, bây giờ lại biết cầm... dao! Bếp trưởng là Nguyệt Quế và Hương Trầm. Một đứa thủ việc nấu. Ðứa kia lo việc nếm. Con Hương Trầm phụ trách việc nếm thức ăn cũng phải lắm. Vì nó sành đủ các hương vị đặc trưng của mỗi món ăn. Bởi nó luôn có mặt ở các xe bò bía, gỏi cuốn, khô bò... đủ các thứ trên đời. Nó xứng danh là cháu chắt một trăm đời của ông tổ "nghề ăn" Thạch Lam. Và mỗi lần nó nếm thứ gì, nó chơi đầy một "vá" tú hụ!
Trai tráng hôm nay cũng ngoan hết biết, ông nào ông nấy chặt thùng hết sức bảnh tỏn. Ai nấy có mặt đầy đủ. "Bị ăn mà lị"! Chứ có phải học đâu mà lo!
Quanh đi ngoảnh lại chỉ thiếu Tuấn khờ. Nghe đâu anh chàng "tự ái vặt" bởi cái vụ con nhỏ em ranh ma của Tuấn đã "thuỗn tay trên" của anh trong ống heo hết một ngàn bạc dứt "xu xoa" mà!
Mọi ngày trong lớp giờ này trống còn ì đùng, nhặng xị. Hôm nay thức ăn đầy nhóc, lại có cả người đẹp "tràn trề" tha hồ mà "mọc đuôi tôm".
Phát "ốc mày", Quy "rùa", Tín "điệu", Quang "quậy" tíu ta tíu tít, lăng xăng rộn rịp trải bốn chiếc chiếu ngoài vườn dưới những cây bưởi đu đưa quả sai lúc lỉu. Nhóm khác thì căng bạt, đi đốn dừa nước hoặc hái trái cây làm món "la sét"... đông vui, náo nhiệt cả một góc vườn. Ai "tâm hơ tâm hất" dám tưởng nhà ngoại Ðoan hôm nay có đám cưới cũng nên.
Cô Dung thấy trong lòng rộn lên một niềm cảm xúc vô biên. Dù dạy lớp này chưa lâu, nhưng thành tích của chúng cô đã nghe qua rất nhiều. Tuy nhiên, một tháng trôi qua cô chưa có dịp kiểm tra thực tế. Có thể bọn chúng còn "chưa xuất đầu lộ diện". Hay biết đâu chừng chúng nó đã chán cái trò chọc trời khuấy... lớp, vì ngay chóc năm thi?! Dẫu sao thì cũng may vì cô chỉ mới nghe đồn đãi, một đồn mười. Và cô cũng chán cái trò làm "quan tòa" bất đắc dĩ luôn.
Mở màn, lớp trưởng làm một tăng "hoa lá cành" về ý nghĩa buổi tiệc tiễn cô. Cả lớp đùng đùng vẫy tay tán thưởng. Cô Dung ý nhị pha trò:
- Cha! Hôm nay cô đi, các em mừng quá hé?
Tức thì ba mươi chín cái "mỏ" đủ kích cỡ nhao nhao lên:
- Hổng có đâu cô! Cô đi tụi em "buồn thấy bà" hà cô!
- Cô đừng nghĩ oan cho tụi em cô!
- Cô đi, tụi em như... rắn mất đầu vậy cô.
- Em thương ba em nhất, thương cô nhì đó cô.
- Ðồ quỷ mày! Ðồ dịch! Nói với cô vậy đó hả?
Tiếng cười khúc khích nổi lên tứ phía bởi câu khôi hài của Tín "điệu".
Cô cũng buồn cười không thèm rầy rà cái đứa học trò dốt văn nhất lớp vào cái ngày cần cởi mở tâm tư như thế này. Cô dư sức biết chúng nó xạo, chúng nó mồm mép với cô. Chứ tình cảm, tình kiết gì với mớ thời gian không hơn một tháng?! Hơn nữa, học trò lém lỉnh, ranh ma... tuổi đó cô đã trải qua nên cô Dung đã rành... sáu câu!...
Cô Dung mỉm cười nhìn đám học trò không thân, không ghét của mình, nói chung chung:
- Nếu cô không lầm, trong lớp các em ai cũng có máu... quậy hết phải hôn? Ngoại trừ lớp trưởng!
Thằng Quang khoa tay:
- Hổng có đâu cô. Lớp trưởng cũng... quậy ác lắm cô!
Cô Dung ngó Vân Anh:
- Ðiều này cô chưa thấy, cô chưa thể tin lời em Quang được!
Bên con gái nhao nhao, Tuyết "lùn" hăng nhất:
- Ðúng đó cô! Quang "quậy" vua xạo đó cô!
Thằng Quang ném cho con nhỏ Tuyết "lùn" một cú liếc mắt rất đa tình. Bởi trong tim nó, nó thầm "để ý" con nhỏ này đã lâu mà chưa ai hay biết.
- Cô ơi, làm học trò có quậy mới dzui chứ cô! - Phát "ốc mày" lẻo mép.
- Như cô đi dạy đâu có dzui, tại vì đâu có quậy được. Hì, hì! - Quy "rùa" cũng chen vào.
- Cô ơi cô, thằng Quang "quậy" nó có sáng tác một bài thơ "khoái quậy" hay bá cháy nè cô.
Cô mỉm cười thông cảm:
- Vậy sao? Em Quang cũng biết làm thơ nữa à? Thế thì tốt quá! Ðọc lên cho các bạn nghe đi em!
Bị mách lẻo bất ngờ, Quang ta không tìm được cách đối phó bèn gãi gãi đầu đứng dậy:
- Dạ thưa cô, em xin phép đọc bài thơ của em. Cầu mong cho cô và cả lớp đừng cười em viết dở!... - Nó không quên bắn cho thằng Tín "điệu" chết bầm một cú liếc dài... tám thước.
Nó tằng hắng sửa giọng rồi lặng thinh.
- Sao vậy? Ðọc đi em! Cô và các bạn không cười bài thơ của em đâu! - Cô Dung dịu dàng nói với nó.
Bình thường nó phá như quỷ. Vậy mà khi chuẩn bị đọc lên cho mọi người nghe cái "sự nghiệp văn thơ đầu tay" của mình, nó nghiêm như là chưa hề biết... quậy.
Và nó bắt đầu đọc:
- Ði học có quậy mới dzui
Làm trò không quậy thì... "cùi" quá tay!
Quậy ba, xơi gậy dài dài
Quậy má, má đạp sẽ bay ra đường
Quậy ông, ông chẳng xót thương
Quậy bà, bà đá, vách tường dính vô
Thôi đành vào lớp quậy cô,
Hôm nào không quậy... ô hô... là buồn!
- Dạ hết rồi ạ.
Bài thơ "Khoái quậy" của thằng Quang vừa tung ra, cả lớp một phen cười ra nước mắt. Con trai, con gái đều bò lăn trên chiếu mà cười. Nước mắt, nước mũi ràn rụa.
- Má ơi... hay thấy trời luôn!
Những lời bình thơ bất đắc dĩ của nhiều cái miệng "sính" thơ cứ tuôn ra theo tiếng cười làm chữ được chữ mất.
- "Bén" còn hơn... Trần Tế Xương.
- Hi, hi! Bài thơ vừa hay vừa xạo!
- Há hà! Ừa, hay là ở cái chỗ "xạo" á!
- Mày cười nó chứ mày có làm được cỡ nó không?
Tín "điệu" phun cái phèo hớp nước ngọt nó vừa chựt nuốt vì buồn cười.
- Tao làm hay hơn nó nhiều mày.
Cô Dung lắc đầu cười bầy học trò quá quắt của cô. Thời may cô xin thuyên chuyển về quê sớm vì lý do gia cảnh. Nếu không, phải có ba đầu, sáu tay mới trị nổi đám học trò "danh bất hư truyền" này.
Cô Dung nhìn hết từng gương mặt, phân loại học trò cấp tốc theo trí nhớ của cô. Cô thấy đến gần hai phần ba lớp thuộc loại khoái đùa. Còn lại là những tay gạo cội thuộc hàng đáng tin cậy. Ban chỉ huy lớp này cũng khá "cứng cựa" và cô cảm thấy yên tâm khi dứt áo khoác ra đi để lại một sự nghiệp nặng nề cho thầy Vĩnh đảm nhận.
- Tốt thôi! Thầy Vĩnh dù gì cũng là đàn ông, dư sức "khớp mỏ" các tướng trời! - Cô Dung nghĩ ngợi.
Bỗng Quy "rùa" nhiều chuyện:
- Cô ơi, cô đi rồi cô có nhớ tụi em không cô?
Cô Dung cười thật dễ thương. Dường như trước mỗi câu nói của cô đều bắt đầu bằng một nụ cười:
- Tất nhiên là cô nhớ các em rồi.
- Nhớ em không cô? - Tín "điệu" cười rất điệu.
- Nhớ mày làm chi? Mày "ẹo" như con gái thấy mà phát ớn.
- Thôi đi em! Ðừng nói bạn như vậy, em không sợ bạn buồn à?!
Một số bạn ngưng đũa lắng nghe câu nói của cô. Lời nói của cô Dung thật hiền từ, như lời mẹ khuyên con. Và đôi mắt của cô thật là ấm áp.
Nhiều đứa chợt ngẩn ngơ luyến tiếc. Từ nay chúng sẽ không còn được nghe giọng nói diệu hiền, ánh mắt nhìn khuyến khích đó nữa. Sao chúng không thấy điều đó sớm hơn một chút nhỉ? Người khác dạy thay cô, biết có thương chúng nó bằng cô không?
Vân Anh âu yếm xớt vào bát cô Dung một ít xôi gà. Nó liến thoắng:
- Cô ăn xôi gà đi cô! Món này bạn Ðoan lãnh nhiệm vụ xôi và rán gà, còn bạn Hương Trầm là chuyên viên "đo lường hương vị" thức ăn bằng vị giác đó cô!
Cô Dung cười thú vị, mắt cô mở to đen lay láy nhìn Vân Anh:
- Chuyên viên đo đạc hương vị bằng vị giác đó hả em? Vân Anh có tài dụng chữ ghê nhé! Cô phong cho em là "nàng văn vẻ" đó!
Cả lớp vỗ tay lộp bộp hưởng ứng danh hiệu vinh dự cô tặng cho Vân Anh.
- Hay quá, cô có nhiều chữ quá, cô phong danh hiệu cho em với cô!
Thằng Quang đã hết quê về bài thơ "Khoái quậy" của nó. Bây giờ nó đã lấy lại tinh thần và bắt đầu trở lại tư thế "cà tưng" của mình.
- Em ấy à? - Cô Dung nhướng mắt nhìn nó, một ý nghĩ tinh nghịch chợt lóe lên trong óc cô giáo trẻ. - Cô phong cho em là "Khỉ khọt đại tướng quân"!
Lại một tràn cười thoải mái làm lá cây giật mình xào xạc và chim chóc trong vườn cũng hết hồn bay tuốt lên mây!
Ðám con trai nổi hứng xúm lại bê thằng Quang lên cao rồi hè nhau quăng nó xuống ụ rơm gần gốc mít và phá lên cười.
Lại cười, với bọn nhóc học trò, dù ở lớp cuối cấp chúng vẫn nghịch như ranh. Và hôm nay cái ngày quái gì mà bọn chúng đã khiến cho cô Dung nổi tiếng thùy mị, nghiêm trang cũng bị "con ma cười" làm cho muốn vỡ ruột.
Quả vậy, cô Dung đã gập người lại mà cười trước trò tinh nghịch tai quái của bọn học trò.
Bị quăng xuống đống rơm hết hồn, may mà chẳng bị gãy cái sườn nào, thằng Quang lớp ngớp bò dậy phủi mấy cọng rơm vướng vãi trên quần áo và liếc thật nhanh về chỗ bọn con gái đang ngồi xúm xít quanh cô.
- May quá, Tuyết "lùn" không có ở đây. Vậy là nó không hề bị chứng kiến cảnh mình bị "đo đất".
Thằng Quang khoái chí nghĩ thầm rồi chạy tót về chỗ mình ngồi ban nãy. Nó cười toe toét:
- Cô ơi cho hát đi cô.
- Ðúng rồi cô! Hát đi cô!
Cô Dung gật đầu, giọng vui tươi:
- Phải đó! Tiễn cô đi, có em nào hát tặng cô không?
Tuyết "lùn" bê ra hai đĩa mít to tướng lột sẵn ra từng múi vàng ươm tươm đầy mật trông thật đã mắt, đặt lên chiếu, xếp cạnh mấy đĩa nhãn "xuồng" gốc Thái Lan to rám nắng. Nó hưởng ứng nhiệt liệt:
- Hoan hô! Cho hát đi cô! Lớp mình nhiều ông hát đã lắm cô!
- Em hát trước cho cô!
- Em đi cô!
- Em, cô!
- Em nè cô!
Cô Dung phất tay, từ tốn:
- Từ từ thôi! Lần lượt rồi em nào cũng được hát hết. Việc này cô giao lại cho phó văn thể nhé!
Hương Trầm đứng dậy:
- Dạ!
Nó nhìn một loạt các "ca sĩ" không chuyên đang hí ha, hí hửng đưa tay lên chờ hát. Chợt ngón tay trỏ dài thòng của nó "xỉ" trúng thằng Tín "điệu" là thằng quái không hề đưa tay.
Thằng Tín bẽn lẽn đứng lên. Gì chứ "món hát" nó ái ngại lắm. Bởi nó có một chất giọng "thiên phú" khi thì eo éo, lúc lại ồ ồ vịt đực. Nên nó chả bao giờ dám trưng bày giọng hát có một không hai này cho ai nghe. Nó âm thầm giấu kín như bưng. Vậy mà bữa nay, bà chị "nhang thơm" nỡ nào hại nó. Nó rủ thầm trong bụng:
- Quỷ vật bà!
Tuy vậy nó cũng cố sửa dáng điệu muôn thuở của nó là "ẻo" một cái và thò một bàn tay lên mái tóc đầy "mút" bóng lưỡng của nó vuốt nhè nhẹ.
- Thưa cô, em xin hát bài "Sớm mai tươi hồng".
- Bài gì mà kỳ vậy?
- Tao chưa bao giờ nghe bài hát có tên kiểu đó!...
Thằng Tín ậm ừ. Ðúng ra nó không biết bài nó sắp hát tên gì nữa. Nó chỉ học lỏm bài hát qua giọng ca thằng em quậy của nó.
Có lần nó hỏi thằng em tựa bài hát. Thằng nhóc cười nhe răng sún. Bài "Sunday morning" đó anh hai! Nhưng hồi nãy tụi bạn làm dữ quá, nó quên tuốt tựa bài, đặt đại... tựa mới.
- Thôi được rồi, bài gì cũng được mà. Hát đi em!
Giọng cô Dung nhẹ tênh đầy khuyến khích. Thằng Tín vững lòng, cất giọng vịt xiêm:
- "Sớm mai tươi hồng, mẹ cho năm đồng. Mình giắt vô quần làm rơi mất tiêu. Thôi chết rồi, đành nhịn luôn tới chiều... Má kêu thằng con vô quỳ. Nằm trên ván, má quất cho thằng con tơi bời. Từ đây hết, hết, hết dám cà tưng trên đường. Ðau quá trời! Mẹ ơi, con tởn rồi!..."
Thằng Tín vừa dứt tiếng, nó thấy trên chiếu không còn một móng, kẻ bò ra gốc cây, người ngửa cổ xuống bờ a o, kẻ lết ra bờ mía cười như ai móc ruột... Cô Dung đứng bên gốc cam, tay che miệng bằng chiếc khăn mùi soa, mặt cô đỏ ửng, vai cô run run vì những tràn cười không thể kìm nén.
Tất cả đều cười no, cười không nổi. Cười thiếu điều muốn liệt dây thần kinh miệng.
Hương Trầm đã tỉnh cười. Tất cả đều trở lại bên chiếu thức ăn.
Hương Trầm hỏi nhỏ Vân Anh:
- Hát nữa hôn mậy?
Vân Anh mím môi cố dằn một nụ cười sắp bật ra nữa.
- Cười đau bụng muốn chết! Tao sợ tụi nó lại quậy nữa.
- Kệ! Cho quậy tá lả luôn đi! - Nguyệt Quế xúi vô.
Vân Anh quay sang Ðoan:
- Mi coi "sẹt via" thêm thức ăn, nước uống cho cô nghe Ðoan, để nhỏ Hương Trầm làm việc tiếp.
- Thưa cô, bài hát thứ hai, em mời bạn Hạnh.
Lớp vỗ tay lốp bốp:
- Hoan hô Hạnh "xù"!
Hạnh "xù" nghiêm túc hơn. Nó hát tặng cô bài hát rất có ý nghĩa với cô Dung. Ðó là bài hát "Biệt Ly" của Doãn Mẫn.
Nhỏ Hạnh hát rất mùi, rất hay. Nó cất giọng êm ru. Cả lớp nghe say đắm.
- "Biệt ly nhớ nhung từ đây... chiếc lá rơi theo heo may... Người về có hay..."
Ðoan "bỏ nhỏ" vào tai Vân Anh:
- Nhỏ Hạnh mượn tựa bài hát để nói lên ý nghĩa của buổi tiệc này!
- Ừa, cũng được ác chớ!
Bài hát thứ ba, nhỏ Tuyết "lùn" phụ trách đó là bài "Trống vắng". Nó nhảy nhót và gào y chang Phương Thanh làm bọn con trai khoái chí quá xá. Phát "ốc mày" chơi hai nắp nồi làm chập chả chiêng. Mấy tướng kia gõ muỗng làm trống. Quang "quậy" say sưa ngắm người đẹp của lòng mình. Ui da! Nó chưa bao giờ thấy ai... hát hay cỡ đó!
Kế tiếp, bạn bè ưu ái chĩa mũi vào Ðoan làm Ðoan bối rối vô cùng. Tuy vậy Ðoan cũng chọn được một bài thơ để tặng cô và cả lớp.
- Thưa cô, em xin mượn lời bài thơ "Bỏ ngôi trường cũ" của Trần Anh Tài để gởi đến cô những tình cảm của học trò lớp mười hai, ngày sắp rời trường xa lớp.
- Tốt quá, đọc đi em!
Ðợi tất cả đều im lặng, Ðoan chậm rãi đọc từng lời của bài thơ mà Ðoan rất thích bằng một giọng sâu lắng đầy xúc cảm:
- "Từ xa bước xuống thềm tam cấp
Là bước chân luôn xuống cuộc đời
Là đã xa rời căn gác chật
Còn gì thương tiếc nữa em ơi!
Dù có thương đi cũng mất rồi
Mấy gian trường cũ phủ tường vôi
Giữ như em giữ nhân tình ấy
Em bỏ ta leo dốc nửa vời
Rồi áo không vương màu phấn bảng
Tai không nghe tiếng đọc bài xưa
Mắt không trốn mắt thầy trong lớp
Ðể liếc ra sân đón nắng mùa
...
Chân hết đánh chuyền qua phố sáng
Tay không đón bắt nụ hoa đời
Sách vở đi xa vào dĩ vãng
Và bỏ luôn thời thích ô mai
Áo đã không vương màu phấn bảng
Mà in dấu bụi, phấn son hồng
Tay không nghe tiếng thầy xưa giảng
Mà đã nghe đầy tiếng đục trong.
...
Thôi gởi cho em màu phấn trắng
Ô vuông, trang sách tuổi trăng tròn
Ta giữ trong lòng con bướm cũ
Và giữ trong lòng ta tuổi son
Em ạ, mỗi lần nghe nhắc đến
Màu hoa máu rụng mùa đi thi
Là ta nghe chút gì xao xuyến
Như nẻo chim bay khuất lối về..."
Bài thơ với thật nhiều ấn tượng về tuổi học trò năm cuối cấp đã gây cho mỗi người một cảm xúc rưng rưng. Dư âm của nó để lại trong lòng của mỗi học sinh một suy nghĩ. Kể cả những người bấy lâu nay vốn lơ là việc học cũng phải trầm ngâm... về một sự thật hiển nhiên. "Mùa hoa máu rụng, mùa đi thi" và "Cất bước xuống thềm tam cấp, là bước chân luôn xuống cuộc đời"... là sẽ xếp áo thư sinh, giã từ những mộng mơ dễ thương, vô tư nhất của tuổi học trò và kỷ niệm của mười hai năm đèn sách... Không ai còn nhớ đến chuyện vỗ tay sau khi nghe bài thơ "Bỏ ngôi trường cũ" nhỏ Ðoan vừa đọc. Mọi người cũng thôi tinh nghịch. Cô Dung nói lời từ biệt với lớp.
Hình như mọi người đã biết buồn trước tình cảm chia tay quyến luyến với cô giáo cũ. Cô Dung tận tình khuyên nhủ lớp cố gắng học để đạt kết quả tốt đẹp ở kỳ thi tốt nghiệp. Cô cũng không quên nhấn mạnh nghĩa vụ học tập của mỗi người. Cô khuyên cả lớp dù học với ai cũng phải cố gắng. Mọi sự thành công đều bắt đầu bằng chính sự lao động cật lực của mình.
Cô cũng ân cần chỉ bảo ban chỉ huy của lớp biết cách khéo léo điều khiển lớp, đánh thức lòng tự giác học tập của mỗi bạn để từng bước đi lên.
Cô dạy Vân Anh phải biết "đắc nhân tâm" tạo tâm lý và tình cảm mến mộ nơi các bạn sẽ dễ dàng hơn trong khâu quản lý lớp.
Bất chợt cô nhìn Ðoan, ánh mắt cô thật đằm thắm dịu dàng:
- Thục Ðoan, cô thấy em rất có khiếu về môn học của cô. Cô hy vọng em có thể giúp các bạn nào học yếu về môn học này. Và cô cũng nghĩ em sẽ có nhiều tiến bộ rất xa trong tương lai...
Ngập ngừng một chút cô nhìn cả lớp rồi lại nhìn Ðoan như muốn nói với riêng Ðoan:
- Ở tuổi các em cô biết nhiều em rất có tâm hồn lãng mạn. Với cương vị một người chị, cô thành thật khuyên các em hãy biết đặt tình cảm của mình đúng chỗ, chớ vội yêu đương trong tuổi học trò! Bao gi ờ các em thật sự trưởng thành, ra đời có công việc làm rồi, lúc ấy các em sẽ chín chắn hơn...
- Cô không nói được nhiều hơn với các em, nhưng lòng cô luôn hướng về các em rất nhiều. Mai đây, thầy Vĩnh sẽ thay cô hướng dẫn các em học tập và công tác chủ nhiệm, cô mong các em sẽ luôn ngoan ngoãn, học tập tốt để đạt thành tích tốt...
Rồi cô nhoẻn miệng cười rất xinh. Cô khẽ đưa một bàn tay lên vẫy. Ánh mắt cô lóng lánh yêu thương.
- Cô sẽ rất vui... khi nghe tin các em vào đại học.
Ngoài vườn, nắng đã dịu dần. Vài cơn gió nhẹ làm lá cây xào xạc như cũng góp lời chia tay cùng cô giáo. Vài tiếng chim ríu rít vô tư trong vòm lá, hương ngọc lan thoáng gần thoáng xa ngan ngát trong khu vườn rộng.
Cô Dung thân ái xiết chặt tay mỗi học trò.
Thầy trò bịn rịn chia tay nhau trong cảnh chiều rơi nhè nhẹ.