Bùm Chương 2


Chương 2
Chuyện tồi tệ

Bầu không khí bữa tối thật chẳng ấm cúng tẹo nào._Becky ton hót với mẹ là chính tôi đã thả bánh kẹp xuống phố. Mẹ mắng tôi xối xả vì tội phí phạm thức ăn ngon. Becky bèn chỉnh lại rằng vấn đề ở đây không phải là phí phạm thức ăn, mà là tôi đã thả nó xuống Mặt Rỗ. Thế là mẹ tuyên bố rằng kể cả nếu có ai thả nguyên một cây đàn piano xuống Mặt Rỗ thì cũng chẳng thể làm ông giời con xấu thêm tẹo nào. Đến đây thì Becky văng tục và vùng vằng chạy bình bịch lên phòng mình.

Thế vẫn chưa hết, đến lượt bố tôi quên bẵng việc lấy thịt gà ra khỏi ngăn đá. Bố cũng quên mua nước rửa bát luôn. Và ông vẫn còn sưng sỉa về vụ cái trực thăng, lúc này đang nằm chỏng chơ trên sàn phòng ăn, cháy đen, gãy gập, lại còn dính bê bết đất sỏi pha lẫn đồ “bĩnh” của mấy con chó nữa chứ.

“Gớm, chỉ là đồ chơi chứ có gì đâu,” mẹ tôi chì chiết, miệng đã trệu trạo được một nửa chiếc bánh nhân thịt còn thừa từ hôm qua.

“Nó. Không. Phải. Là. Đồ. Chơi!” bố tôi quát.

Đến lúc này thì mọi thứ bắt đầu ầm ĩ cả lên, tôi bèn chuồn ra sau bếp và ghi điểm bằng cách rửa chén bát. Thật không may là tôi buộc phải rửa bằng bánh xà phòng hương chanh trong phòng tắm, vì thế mấy ngày sau đó món ăn gì cũng có vị kỳ kỳ.

Rửa bát xong xuôi, tôi ra ban công đứng kiếm chút không khí yên tĩnh. Năm phút sau bố cũng ra theo. Ông đứng cạnh tôi, tựa vào lan can nhìn xa xăm vào màn đêm.

“Đời là cái bánh kẹp phân bò, Jimbo ạ,” ông thở dài, “bánh mì thì mỏng tang còn nhân thì quá nhiều.”

“Rồi bố sẽ sửa được cái trực thăng thôi mà,” tôi an ủi.

“Ừ thì,” ông đáp, “bố biết thế.” Rồi ông trầm tư buồn bã. Tôi biết tỏng cái kiểu này rồi. Kiểu gì ông cũng sắp tâm sự rằng mình không còn có cảm giác như một người đàn ông thực thụ nữa. Và tôi sẽ không biết phải đáp lại như thế nào. Rồi ông sẽ khuyên nhủ tôi học cho chăm vào để đạt kết quả cao và xin được việc làm gì đó, vì thật không có gì tệ hơn là thất nghiệp.

Nhưng tôi nào có muốn nghe ba cái chuyện này. Không phải lúc này. Tôi vốn đặc biệt không muốn nghĩ đến chuyện trường lớp, bài vở và việc làm.

“Bố cũng không hiểu sao cả nhà lại chịu đựng được bố cơ chứ,” ông tiếp tục bài ca não ruột. “Bố không biết nấu ăn. Không biết dọn nhà. Chuyên môn quên đi chợ, và lại còn cứ ủ rũ suốt ngày.”

“Rồi bố sẽ kiếm được việc khác thôi,” tôi đáp. “Mà gì thì gì, con thấy bánh nhân thịt cũng ngon hơn thịt gà nhiều.”

Ông cười to và rồi chúng tôi lại nhìn mông lung vào bóng đêm. Chừng hai phút sau, tôi thấy mình lại luẩn quẩn nghĩ về vụ trường lớp. Về thầy Kidd, về huyện Fenham, về những song sắt cửa sổ và những tiếng hú dài. “Bố ơi?” tôi cất lời hỏi.

“Gì con?”

Tôi định kể cho ông nghe tôi đang lo lắng đến mức nào. Nhưng ngẫm lại thì không công bằng lắm, vì ông phải lo đủ thứ trên đời rồi, và chuyện tôi có khả năng bị đuổi học có làm ông vui lên được đâu.

“À, không có gì,” tôi lấp liếm. “Thôi, con phải đi làm nốt mấy việc đây.”

“Ừ.” Ông xoa xoa đầu tôi. “Gặp anh bạn sau nhé.”

Tôi với lấy áo khoác, chuồn ra cửa trước và cuốc bộ xuống cầu thang.

 

Hẳn là Becky bốc phét. Nếu lời bà chị nói là thật chẳng hóa ra chị ấy lại muốn giúp tôi à. Nào là cảnh báo tôi chuyện gì đang diễn ra. Rồi thì cho tôi cơ hội sửa sai. Mà cả đời Becky đã từng giúp đỡ tôi cái gì bao giờ đâu.

Thêm nữa, bà chị phải gọi là đáng đạt giải Nobel trong lĩnh vực bịp bợm người ta. Năm ngoái tôi vào bệnh viện để chỉnh tật lác mắt. Trước khi tôi nhập viện, chị ấy cứ thao thao dọa tôi đủ thứ chuyện tồi tệ. Nào là thuốc mê có thể không hiệu lực. Rồi tôi sẽ nằm đó, tỉnh như sáo sậu và bất động trong khi phải thao láo nhìn bác sĩ mổ toác mắt mình ra. Nào là họ có thể cung cấp quá ít ô xy cho tôi thở khiến tôi bại cả não. Và họ cũng có thể nhầm nhọt tôi là một bệnh nhân khác rồi cắt béng chân tôi đi.

Còn tôi thì sợ mất mật đến nỗi khi người ta đẩy giường tôi vào phòng mổ, trên tay tôi cầm khư khư tờ giấy to oành ghi dòng chữ: XIN ĐẢM BẢO CHÁU NGỦ THẬT SAY. Mấy cô y tá cứ tưởng đó chỉ là một trò chọc cười.

Nghĩ kỹ thì đúng là lúc ở trường tôi hay phá bĩnh thật. Cứ cách một tuần tôi lại dính kỷ luật phải ở lại dọn lớp sau giờ tan học. Mà tôi có bộ óc lỗi lạc như Albert Einstein đâu cơ chứ.

Nhưng nói thật, tôi bị đuổi học thì có gì đáng ngạc nhiên đâu. Suốt sáu tháng rồi chỉ thấy toàn vận hạn đen đủi. Không hẳn vì bố mất việc. Nói đúng hơn vì mẹ đã kiếm được một việc làm mới với tiền lương gấp đôi người ta trả bố ở xưởng ô tô. Mẹ tôi tham gia một khóa học bán thời gian về thương mại tại trường Cao đẳng, tốt nghiệp thủ khoa rồi có ngay một việc ở công ty Perkins và Gì Gì Đó ở trung tâm thành phố.

Thế nên trong khi bố cứ suốt ngày ủ rũ ngồi than thân trách phận, chốc chốc lại khoanh vòng mấy quảng cáo việc tìm người trên báo hay tỉ mỉ dán từng mảnh gỗ balsa với nhau thì mẹ lại vi vu ngoài đường trên quả Volkswagen đỏ chót mới coóng, diện mấy bộ đầm công sở bảnh chọe, tung tẩy chiếc cặp tài liệu có khóa mã đàng hoàng.

Đấy, có ngày thế giới cứ đảo lộn tùng phèo hết cả lên.

 

Mười phút sau, tôi đã đứng trước cửa nhà thằng Charlie bạn tôi. Ngôi nhà to bự sang trọng với bốn tầng lầu, lại thêm ga ra với một lối dẫn xe vào nhà. Bố của Charlie là bác sĩ Brooks, thấp người, săn chắc, có đôi lông mày vĩ đại và hết sức kiệm lời. Chú làm nghề giám định pháp y, chính là nhân vật bạn thường thấy trên ti vi, đứng dòm xuống tử thi và nói, “Người này chết vào khoảng bốn giờ sáng do bị một cái xà beng nện trúng đầu.”

Còn cô Brooks mẹ Charlie lại tương phản hoàn toàn. Cô ấy là đầu bếp chuyên nghiệp, chuyên nhận đặt tiệc cưới và hội thảo các loại. Phòng bếp của cô phải đặt vừa mấy chiếc máy bay, còn tủ lạnh có thể chứa nguyên cả căn hộ nhà tôi. Tính cô nóng như súng phun lửa còn miệng liến thoắng chẳng khác nào một khẩu liên thanh.

Tôi bước qua cổng và tiến đến cửa ra vào, lòng băn khoăn không hiểu ai đã xới tung bồn hoa trước cửa sổ phòng khách. Ngay khi tôi định bấm chuông thì nghe thấy trên đầu mình có ai giả tiếng chim cú kêu. Ngẩng đầu lên, tôi thấy Charlie đang nhoài người ra khỏi cửa sổ phòng ngủ, ngón tay suỵt suỵt trên môi và ra hiệu cho tôi vòng ra sau nhà. Tôi bèn nín miệng lại và lò dò đi theo hướng nó chỉ.

Khi tôi đã đứng trong góc khuất cạnh ga ra, cánh cửa sổ phía bên này cọt kẹt hé mở, và một cái thang dây lủng lẳng rơi xuống phía tôi. “Leo lên đi,” Charlie thì thào. Tôi bắt đầu trèo, vừa trèo vừa gắng hết sức để không bị ngã hoặc đạp chân nhằm cánh cửa sổ nào.

“Cái quái gì thế này?” Tôi leo lên giường nó, hổn hển.

“Tớ bị phạt,” nó vừa giải thích vừa cuộn thang lên. “Cấp độ Mười. Cấm bén mảng ra khỏi nhà. Cấm gọi bạn vào chơi. Cấm xem ti vi. Cấm tuốt luốt.”

“Sao lại cấm?”

“Tớ quyết định đã đến lúc mình học lái xe,” nó đáp.

“Học làm gì?”

“Này Jimbo, lái xe là một kỹ năng hữu ích lắm đấy,” nó nói trong khi bật đài phát thanh lên để át đi tiếng hai đứa nói chuyện. “Học lái xe sớm đâu phải là một ý tồi. Vậy nên tớ mới thó chùm chìa khóa cất trong cái liễn bày hoa quả và lôi ô tô của mẹ tớ ra khỏi ga ra trong lúc bà đang ở hiệu làm tóc. Tớ lên ga số một và thử lái lên lái xuống trên lối vào nhà. Thế rồi mọi thứ lanh tanh bành hết cả.”

“Để tớ đoán nhé,” tôi hỏi. “Cậu nghiến phải thảm hoa hả?”

“Và làm vỡ toác một cái đèn pha,” Charlie đáp. “Bây giờ thì tớ chính thức lọt vào sổ đen của mẹ rồi.”

 

Trong nửa giờ liền, chúng tôi lăn lê bò toài, giở những số cũ của tạp chí Tuần san Pháp y mà Charlie đã chộp được từ phòng làm việc của bố nó ra đọc, lục xem hình chụp những vụ tai nạn công nghiệp khủng khiếp nhất. Rồi cuối cùng tôi cũng mở được miệng thú nhận với Charlie về vấn đề đã tôi điên đầu suốt cả buổi tối.

“Tớ gặp rắc rồi rồi.”

“Xin mời vào hội,” nó đáp.

“Không,” tôi nhấn mạnh. “Ý tớ là rắc rối to cơ.”

“Kể nghe xem nào.”

Rồi tôi kể cho nó nghe. Lúc nào nó cũng là người thích hợp để tâm sự những chuyện thế này. Nó chăm chú lắng nghe, rồi trầm ngâm suy nghĩ và thường đưa ra nhiều lời khuyên khá là chí lý.

Thằng bạn tôi nom hệt như một tên nạo ống khói thời Victoria với khuôn mặt tam giác, mắt hột nhãn, tóc bù xù tứ tung, quần áo rộng thùng thình đến vài cỡ. Chẳng có gì nổi bật cả. Trong lớp nó cũng ít nói, còn ngoài sân chơi thì toàn lánh xa mấy vụ ẩu đả. Nó thuộc týp người luôn thích đứng dựa lưng vào tường đưa mắt quan sát mọi việc xung quanh.

“Này Jimbo, biết sao không,” nó mở miệng sau khi tôi kể xong câu chuyện.

“Biết gì?”

“Cậu đúng là đứa cả tin. Nếu bà chị cậu nói là trời sắp sập đến nơi thì chắc đi đâu cậu cũng sẽ đội mũ bảo hộ mất.”

“Nhưng mà...” Giờ tôi thấy hơi xấu hổ. “Cũng có thể chị ấy nói thật lắm chứ? Ý tớ là, không phải là không có khả năng?”

“Ừ thì,” nó tiếp lời, “chỉ có một cách thôi. Mình phải tìm xem các thầy cô nghĩ gì về cậu.” Rồi nó bước sang tít đầu kia của phòng, xô cái giường qua một bên, nạy lên một tấm gỗ dán sàn lỏng lẻo, nhặt ra từ trong cái lỗ dưới đó vật gì nhỏ nhỏ màu đen.

“Cái gì đấy?” tôi tò mò.

“Máy bộ đàm đấy,” nó trả lời. “Cái này sẽ giúp ta giải quyết vấn đề một cách triệt để.”

“Như thế nào?” tôi hỏi.

Charlie gạt công tắc trên máy và tôi nghe thấy giọng mẹ nó phát ra lè rè trong loa: “... Mặc kệ anh nói gì, phải cho thằng này một bài học. Tuần này thì tập tọe lái xe. Tuần sau nó sẽ đốt cả cái nhà cho xem. Nào, tối nay anh muốn ăn món gì? Vẫn còn ít cá hồi thừa từ đám cưới nhà Kenyon. Để em xào xáo thêm ít khoai tây bao tử và đậu xanh... ”

Charlie tắt máy đi. “Còn cái nữa tớ để trên nóc chạn trong bếp.” Rồi nó cất cái bộ đàm vào lại cái lỗ dưới sàn gỗ. “Tớ vẫn dùng cái này để cập nhật diễn biến trong Xứ sở Phụ huynh ở dưới kia đấy. Không tồi chứ hả?”

“Xuất chúng,” tôi nói. “Nhưng làm sao giải quyết việc của tớ đây?”

“Jimbo, động não chút đi,” Charlie gõ gõ vào trán nó. “Thì mình gài một cái vào phòng giám hiệu.”

“Như thế có hơi mạo hiểm không?” tôi bồn chồn hỏi. Mọi thứ đã đủ tồi tệ lắm rồi. Giờ nếu các thầy cô bắt quả tang tôi nghe lén họ nói chuyện riêng thì trong chớp nhoáng tôi sẽ bị áp giải ra khỏi cổng trường và đá bay lên tận huyện Fenham.

“Lẽ dĩ nhiên là mạo hiểm rồi,” Charlie nhún vai đáp. “Không mạo hiểm thì còn gì là vui.”

 

 

Khi tôi mới leo xuống được nửa cái thang dây thì đèn bật sáng. Tim tôi nhói lên báo điềm chẳng lành và khi ngước lên, tôi thấy mẹ thằng bạn đã lù lù ở cửa sổ cầu thang.

Tay cô ấy đang lăm lăm cái kéo chuyên dùng để tỉa hoa hồng. “Chào buổi tối nhé Jim.” Cô cúi nhìn tôi và mỉm cười. “Thời tiết tối nay dễ chịu quá nhỉ.”

“À ừm, dạ vâng,” tôi lí nhí. “Dễ chịu lắm ạ.”

“Ừ, nhất là khi không được mời mà lại dám trèo vào nhà người khác,” cô tặc lưỡi. “Này Jim, nhỡ đâu cô tưởng cháu là phường ăn trộm thì sao? Nếu cô nghĩ cháu là kẻ trộm thì có trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra.”

Tôi bèn rảo cẳng trèo thật nhanh xuống dưới, nhưng nhanh đến mấy cũng không kịp. Và đây chính là minh họa cho hình tượng cỗ súng phun lửa. Tôi đã có lần từng chứng kiến cô lia cả một tấm thớt xắt bánh mì từ đầu này qua đầu kia nhà bếp lúc đang cãi nhau. Đơn giản là cô không tuân theo những phép tắc thông thường của một người trưởng thành.

Tôi còn cách mặt đất những vài mét thì cô đã đưa tay cắt phăng một sợi dây thừng. Tôi chới với hụt chân và lập tức treo lủng lẳng chúi đầu xuống đất. Rồi cô cắt nốt sợi dây kia, thế là tôi chúi đầu xuống thảm sỏi, một bên tay áo sơ mi rách toạc còn khuỷu tay thì tróc mất mảng da.

Trong lúc tôi cắm cổ chạy về phía cổng thì nghe thấy cô ấy rống lên đằng sau, “Thằng Charlie...! Mày có xuống đây ngay không thì bảo!” Và tôi chỉ mong là cô ấy không có cái thớt xắt bánh mì nào trong tay.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25822


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận