Bùm Chương 6


Chương 6
Thuyền trưởng gà

Vài ngày sau, Charlie tháo gạc băng tay. Để kỷ niệm dịp này, mẹ nó quyết định cho phép tôi tới nhà nó chơi lại, vì có vẻ như nó đã chịu đủ khổ sở và học được một bài đích đáng. Hiển nhiên là bà mẹ này chẳng hiểu tí gì về ông con quý tử cả.

Mặt khác, sự kiện này lại cho chúng tôi cơ hội xin tư vấn từ bố của Charlie về thông điệp bí mật nọ. Rõ ràng chúng tôi không muốn chú ấy lật xem cuốn sổ Spudvetch! và phát hiện việc Charlie đã theo dõi thầy cô trong siêu thị Sainsbury. Thế nên chúng tôi đã chép nó ra một tờ giấy sạch sẽ và đưa cho chú ấy xem.

“Bố xem xem cái này nghĩa là gì?” Charlie hỏi.

Bố của Charlie, theo chúng tôi, là nhân vật xuất chúng nhất mà chúng tôi biết. Vì thế nếu có ai đó giúp chúng tôi phiên dịch được thứ ngôn ngữ bí ẩn này thì chỉ có chú ấy thôi.

Bác sĩ Brooks đưa góc khăn lên lau miệng, lục trong túi áo ra đôi mục kiểng, đeo lên tai và soi chăm chú. “A, mật mã đây mà. Cũ rích nhưng cũng thú vị làm sao.” Rồi chú lẳng lặng mỉm cười một mình. “Bố cứ nghĩ trẻ con bây giờ chỉ biết chạy loăng quăng ăn cắp vặt và chơi điện tử. Cái này ở đâu ra?”

“Bí mật ạ,” Charlie đáp.

“À thế à,” bố nó nháy mắt với chúng tôi. “Hay ho nhỉ.”

“Thế nào bố...?” Charlie hỏi dồn.

Bác sĩ Brooks lắc đầu. “Bố chịu đấy, nhìn cứ như tiếng Mán thế này.”

“Tiếng Mán í ạ?” tôi háo hức hỏi.

Bố Charlie nhướn mắt qua đôi kính nhìn tôi. “Nó là câu thành ngữ thôi Jim. Cứ như tiếng Mán. Xì xà xì xồ. Ngôn với chả ngữ. Không hiểu mô tê gì.”

“À,” má tôi ửng đỏ.

“Mặc dầu vậy...” chú tiếp lời, thả miếng khoai tây bao tử cuối cùng vào miệng và nhai khoan khoái. “Coruisk à. Cái từ này nghe quen quá. Ý bố là, chắc chỉ là trùng hợp thôi, nhưng hình như bố đã mang máng nghe thấy nó ở đâu rồi. Coruisk, Coruisk, Coruisk... Mà nghĩ ra cái này thì bố có được thưởng gì không đấy? Một chai whisky? Tem phiếu mua sách?”

“Vâng, cỡ mấy thứ đó chắc bọn con xoay xở được,” Charlie đáp.

Nhưng cuộc đối thoại bị ngắt quãng bởi chiếc máy nhắn tin của bác sĩ Brooks. Chú gỡ từ thắt lưng ra cái cục nho nhỏ màu đen rồi xem kỹ. “Bệnh viện họ gọi rồi. Chả ngơi lưng được phút nào.”

“Gặp bố sau nhé,” Charlie nói.

“Bố sẽ vận dụng hết trí não nghĩ xem cái từ đấy là gì.” Chú mỉm cười đứng dậy, gỡ áo khoác ra khỏi lưng ghế. “Nhưng bây giờ thì bố lại phải đi chọc ngoáy mấy cái tử thi đây.”

 

Trên đường rời nhà Brooks, tôi bị mẹ Charlie ngăn lại và bắt chờ một phút. Tôi cứ nghĩ mình sắp bị lên lớp về việc phải giúp đỡ cho thằng con hư đốn của cô đi vào khuôn khổ, nhưng khoảng một phút sau cô quay lại với một món đồ kim loại bự chảng hình con cá.

“Suýt thì quên,” cô nói. “Cái này là cho bố cháu. Ban nãy ông ấy gọi điện hỏi mượn cô cái khuôn làm kem cá hồi. Này Jim, cô biết bố cháu rất đáng tin, nhưng cháu cố đảm bảo cho cô là ông ấy sẽ dùng cái này để nấu ăn nhé? Cô là cô không muốn ông ấy đè nghiến nó ra mà hàn thành cái máy bay thả bom Wellington thu nhỏ đâu đấy.”

“Vâng cháu hứa.”

 

Về nhà tôi thấy bố đã xắn tay áo lên đâu vào đấy, mặc tạp dề kẻ sọc và đang sắt một quả cà tím to bự thành những miếng tròn dẹt.

“Jimbo, đảo cho bố chảo hành với?” Ông trỏ vào cái chảo trên bếp.

Tôi thả cặp xuống đất, cởi cà vạt và ra vẻ đảm đang xới xới đám hành được vài vòng.

“Sao giờ bố hết chơi máy bay rồi ạ?” tôi hỏi.

“Máy bay ấy à Jimbo?” Ông bắt đầu nhúng những lát cà tím vào mấy cái bát nhỏ đựng trứng và bột. “Đối với bố, làm máy bay dễ như ăn cháo. Trực thăng cũng không thành vấn đề. Bộ điều khiển phát thanh chỉ như con muỗi. Còn dây nối cánh tà và cầu chì khoang đúng là chuyện nhỏ như con thỏ. Bố cần thêm thử thách. Phải không ngừng tiến tới. Nào bật bếp ga lên đi. Cám ơn con. Mình phải học những thứ mới mẻ chứ. Trau dồi cho bản thân sắc bén.”

“Để không phải mặc áo ngủ ngồi ươn người ra trên tràng kỷ trong khi ai nấy đều đi làm.”

“Chí lí,” bố đáp.

 

Mẹ tấm tắc khen món cà tím nướng phô mai Parmesan ngon tuyệt hảo. Tôi cũng phải công nhận. Đến Becky còn thích nữa là. “Cũng được đấy,” bà chị tôi nhăn nhó. Với một nữ quái hâm mộ nhạc metal chết chóc thì đó được coi là một lời ngợi khen hết mực.

Suốt cả bữa ăn bố cứ nhăn nhở cười một cách ngờ nghệch như thể mình vừa đoạt giải Oscar. Và mẹ cũng nhăn nhở cười đáp lại như thể mới gặp ông lần đầu và hãy còn đắm say điên rồ trong tình ái. Có lúc hai người còn nắm tay nhau dưới gầm bàn nữa chứ. Ba cái thứ đó làm tôi thấy hơi buồn nôn, mặc dù tôi biết chẳng có gì đáng phàn nàn cả.

Giây phút chua chát duy nhất là lúc Becky đi vào chạn lấy ra một chai nước xốt cà chua. Bố nói dùng xốt cà chua ngang với việc sỉ nhục thức ăn ngon. Trong giây lát, tôi thoáng nghĩ kiểu gì cũng sẽ có ẩu đả đây, nhưng bà chị tôi đưa mắt quanh bàn, nhận ra rằng ba đánh một chẳng chột cũng què, và quyết định cam chịu thất bại.

Sau bữa tối, tôi trốn ra ban công, phòng khi bố mẹ hôn nhau thì tôi nôn ọe ra đấy mất. Chốc lát sau Becky xuất hiện, “Ông cụ khốt bị sao đấy?”

“Ai bị sao cơ?” tôi hỏi lại.

“Bố chứ còn ai, ngu thế,” chị ấy châm thuốc và vứt que diêm xuống ban công nhà bà Rudman. “Ba cái thứ đầu bếp siêu cấp đấy.”

“Em mua cho bố quyển dạy nấu ăn,” tôi đáp.

Chị ấy ném cho tôi một cái nhìn giễu cợt. “Ra là lỗi tại mày.”

“Ừ đấy, tại em đấy,” tôi tự hào.

“Chúa ơi,” chị ấy thở dài, “cứ như thể ông già đang chuyển giới hay sao í.”

Tôi vỗ vỗ vai Becky. “Phụ nữ đi làm. Đàn ông bếp núc. Phải đối diện với hiện thực thôi bà chị ơi. Thời đại tân kỳ nó thế.”

 

Tôi thấy hết sức nhộn nhạo trong người khi ngồi học tiết của cô Pearce vào sáng thứ Hai. Đầu tôi cứ tự hỏi liệu cô có biết chúng tôi đã đột nhập vào nhà cô không, liệu cô có phát hiện ra cái gì nằm không đúng chỗ, hay liệu chúng tôi có đang bị cô dò xét không. Nhưng cô cư xử chẳng khác gì thường ngày. Thế nên chẳng mấy chốc tôi thấy dễ chịu trở lại, thậm chí còn dương dương tự đắc. Hai đứa tôi đã tẩu thoát thành công. Cô giáo có thể đang nắm giữ bí mật nào đó. Nhưng chúng tôi còn nắm giữ bí mật to hơn. Đây là một trong những lần hiếm hoi tôi biết thứ gì đó mà một giáo viên không biết.

Thầy Kidd cũng phần nào bớt đi vẻ đáng sợ. Chúng tôi đang nắm thóp của họ. Đúng là ông thầy đã làm chúng tôi sợ mất ăn mất ngủ. Nhưng một khi thầy biết chúng tôi đang tiến gần tới bí mật đó đến mức nào chắc chính thầy mới là người sợ mất ăn mất ngủ.

Chúng tôi tự thấy mình phi thường quá đi.

Và mãi đến tận sáng thứ Bảy chúng tôi mới nhận ra mình đã sai lầm đến mức nào.

 

Tôi dậy sớm và giúp Charlie đi đưa báo sáng. Khi đã xong xuôi, chúng tôi đạp xe tới trung tâm mua sắm để chén một bữa sáng muộn tại nhà hàng Thuyền trưởng Gà. Tôi gọi cho mình một ly dâu đánh sữa và một bánh táo. Charlie chọn món gà tây rán miếng và một cà phê đen vì nó nghĩ cà phê có vẻ trí thức hơn.

“Có gì mới không?” tôi hỏi.

Nó rút cuốn sổ da cam Spudvetch! ra và lật đến trang có chép lại thông điệp bí ẩn nọ.

“Tớ đã google hết cả rồi,” nó đáp. “Fardal là một họ. Rifco là thương hiệu sản xuất kệ buồng tắm. Bassoo là tên gọi một con lạch ở bang Montana của Hoa Kỳ. Còn Pralio là công ty chuyên bán thiết bị thể thao.” Nó nhấp một ngụm cà phê. “Nói vậy thôi, chứ cậu gõ cái gì vào Google mà chả ra một đống kết quả. Nhưng cái này mới thú vị này. Còn nhớ bố tớ nói Coruisk nghe quen quen không?”

“À ờ.” Tôi thổi bong bóng vào ly sữa đánh.

“Hóa ra...” Charlie nói. Rồi nó im bặt.

“Gì cơ?” tôi hỏi.

Nó nhìn qua sau lưng tôi. Tôi quay đầu lại. Một người đàn ông bận bộ com lê xám nhạt hết sức đắt tiền đang rảo bước từ quầy thu ngân về phía chúng tôi, tay cầm một chiếc cốc giấy, khăn ăn và hộp bánh burger. Mặc dù quán ăn buổi sáng vắng hoe, nhưng ông ta lại tiến tới ngồi xuống cái ghế trống ở đầu kia của bàn chúng tôi.

Ông già chừng năm, sáu chục tuổi, cao lêu đêu trông đến buồn cười. Khuôn mặt nhăn nheo và rám nắng như thể cả đời ông ta sống ngoài đường vậy. Và bất chấp bộ com lê, mái tóc bạc được cắt tỉa của ông ta toát lên vẻ quân sự đáng lo ngại.

Ông ta chỉnh lại bộ quần áo, mở hộp bánh ra, cởi khăn ăn, nhấp một ngụm sô cô la nóng và bắt đầu ăn chiếc bánh burger kẹp thịt gà, cẩn trọng không để tay áo trắng được là phẳng phiu chạm phải nước xốt hành.

“Xin lỗi ông,” Charlie lên tiếng. “Chúng cháu cần chút riêng tư. Nếu ông không phiền.”

Ông ta không thèm trả lời. Ông ta nhìn Charlie, rồi nhìn sang tôi. Ông ta nhai nốt miếng bánh rồi lấy khăn lau miệng. “Mấy đứa cứ tưởng mình khôn lắm đấy phỏng?”

Giọng nói này nghe rất trịnh trọng, giống giọng giới thiệu nhạc giao hưởng thính phòng trên Kênh Phát thanh Số ba. Nghe không hề giống một người thường ăn sáng tại quán Thuyền Trưởng gà.

Tôi im bặt. Charlie tuồn quyển sổ Spudvetch! vào túi áo. “Chúng cháu có lúc khôn,” nó đáp. “Có lúc cũng đần độn. Tùy hoàn cảnh thôi,”

Lão già mỉm cười, miệng cắn thêm một miếng bánh nữa. Charlie và tôi bắt đầu nhích mông ra phía lối đi.

“Ta không biết chính xác mấy đứa đã biết những gì,” lão già tiếp tục lên tiếng, tợp một ngụm sô cô la nóng để nhét miếng bánh xuống cổ họng. “Nhưng rõ ràng là mấy đứa đã biết chút ít.”

Lão này quả là một hạng quái nhân có cỡ.

“Mấy ngày trước đội Giám Sát có báo cáo cho ta về mấy đứa. Từ lúc đó mấy đứa đã bị theo dõi chặt chẽ. Bên đó cho rằng mấy đứa không hề nguy hiểm. Nhưng ta thì chưa tin.”

Đội Giám Sát? Theo dõi? Nguy hiểm? Tôi cảm thấy như tòa nhà đang nghiêng về một bên. Hay là chính tôi đang chóng mặt? Tôi bám chặt vào thành ghế để giữ thăng bằng.

“Đội Giám Sát bắt đầu lo ngại đấy.” Lão ta lấy tay phủi phủi vụn bánh khỏi chiếc cà vạt lụa. “Đội Giám Sát không thích có người chõ mũi vào việc của mình. Và nếu hai đứa còn tiếp tục cái trò này, rất có thể họ sẽ quyết định phải khởi kiện cho xem.”

Lão để cho từ “khởi kiện” treo chơi vơi trên không.

“Ông là ai?” Charlie hỏi.

Tôi đá vào chân nó dưới gậm bàn. Tôi không muốn cuộc trò chuyện này tiếp diễn nữa. Tôi muốn nó kết thúc ngay bây giờ.

Nhưng Charlie cứ phớt lờ. “Ông có quyền gì mà vào đây cấm đoán chúng tôi?”

Tôi lại đá vào chân Charlie.

Và đúng lúc đó tôi lại thấy, trong tích tắc thôi, một tia huỳnh quang xanh dương lóe lên trong mắt lão già. Lão nhếch môi cười. “Ta là ai không quan trọng. Ta cũng không nói cho hai đứa làm gì. Điều quan trọng duy nhất là hai đứa phải dừng ngay mấy cái trò lỏi con đó đi.”

Trong khi nói những lời này, lão vén một tay áo lên và ấn ngón trỏ xuống mặt bàn. Tôi co người vào lưng ghế. Đầu ngón tay của lão bắt đầu phát ra một thứ ánh sáng điện quang màu xanh kỳ dị. Và tấm nhựa trải bàn bên dưới bắt đầu phồng rộp rồi chảy tan ra.

“Đơn giản lắm,” lão vừa giải thích vừa di chuyển bàn tay dọc theo mặt bàn. “Mấy đứa cứ chọn đi. Hoặc là cư xử ngoan ngoãn. Hoặc là cam chịu hậu quả.”

Bầu không khí lúc này đã khét lẹt mùi nhựa cháy và nồng nặc khói đen. Lão già đang xẻ cái bàn ra làm đôi, sức nóng từ ngón tay phát sáng ăn vào mặt bàn như một mỏ hàn kim loại.

Khi lão biểu diễn xong, chúng tôi có thể nhìn thấy đôi giày đen bóng lộn qua vết cắt ngay giữa mặt bàn.

“Hiểu chưa?”

Tôi gật đầu.

“Vâng,” Charlie nói. “Chúng cháu hiểu rồi.”

Rồi lão già làm một động tác mà chúng tôi đã thấy cả cô Pearce và thầy Kidd làm: đặt bàn tay phải lên cổ tay trái. Mấy lần trước, tôi cứ tưởng họ làm vậy để tự kiềm chế mình, nhưng bây giờ tôi mới hiểu ra vấn đề. Quấn quanh cổ tay trái của lão là một chiếc vòng bằng đồng, giống hệt cái vòng chúng tôi tìm thấy trên gác nhà cô Pearce. Mấy ngón tay phải của lão nhấn vào đó trong chốc lát rồi thả ra.

“Tốt.” Lão đứng dậy. “Thế thì ta chúc hai đứa một ngày tốt lành. Chào Charles... Chào James...”(1)

Nói đoạn lão biến mất.

Chúng tôi ngồi đờ ra đó mất mấy giây đồng hồ. Rồi Charlie cúi xuống thốt lên, “Mùi gì kinh quá, kinh quá đi,” và một gã mặt đầy tàn nhang đội chiếc mũ đồng phục Thuyền trưởng Gà bắt đầu tiến về phía chúng tôi, “Hai cậu làm cái quái gì với cái bàn của tôi thế kia?”

Chúng tôi co giò chạy thẳng.

 

Năm phút sau, chúng tôi đặt mông xuống băng ghế trong một công viên nhỏ đối diện khu chung cư.

“Giời đất ơi!” Charlie thốt lên.

“Giời đất thần thánh ma quỷ thiên đường địa ngục của tôi ơi!” tôi đáp lại.

Chúng tôi ngồi im lặng trong chốc lát. Rồi Charlie lên tiếng, “Cậu thấy rõ lão ta đã làm gì với cái vòng tay rồi chứ?”

“Ừ,” tôi đáp. “Thầy Kidd cũng làm thế. Cả cô Pearce nữa.”

“Đúng rồi.” Nó rục tay vào túi áo rồi đột nhiên xòe ra một cái vòng tay.

“Cậu xoáy một cái đấy à?” tôi ngờ vực hỏi. “Trong cái hộp trên gác xép đó? Charlie, nói nghiêm chỉnh nhé, việc này không hay ho chút nào đâu.”

“Thôi đã trót rồi,” Charlie đáp. “Cô ấy có cả một đống cơ mà. Tớ hy vọng cô ấy không thường xuyên kiểm lại chúng.”

“Charlie, cậu là đồ ngốc.” Trong đầu tôi lúc này đang ngập tràn những hình ảnh kinh hoàng. Khủng khiếp nhất là hình ảnh tôi bị một ngón tay nóng sáng cắt gọt ra làm đôi. “Vứt nó đi. Vứt nó ngay đi. Nếu bọn họ biết được...”

“OK,” Charlie nói. “Biết rồi. Nhưng trước tiên... tớ phải thử nghiệm chút xíu đã.”

Nó ấn vào cái vòng. Không thấy gì. Nó nén chặt cái vòng. Cũng không có gì khác lạ xảy ra.

“Lão già ban nãy không đùa đâu,” tôi cương quyết. “Charlie, tớ xin cậu. Thủ tiêu nó đi.”

Nó lại đeo chiếc vòng vào cổ tay trái, đặt bàn tay phải lên và ấn xuống.

“Đã làm sao nào!” Charlie gắt lên, rụt bàn tay lại như thể vừa chạm phải lòng bếp điện. “Thử đi,” nó cởi chiếc vòng ra đưa cho tôi.

“Không đời nào,” tôi thu tay lại. “Không đời nào.”

“Cứ đeo vào,” nó khăng khăng, nắm lấy cánh tay tôi. “Hệ trọng đấy.”

Tôi chống cự yếu ớt rồi cuối cùng đầu hàng. Tôi co rúm người lại, gồng mình lên khi Charlie móc cái vòng vào cổ tay tôi.

“Giờ thì sờ nó đi.”

“Có đau không?”

“Đau gì mà đau, đồ mặc váy mè nheo.”

Khi các ngón tay tôi chạm vào chiếc vòng, một tiếng thét chợt ré lên trong đầu tôi, như thể có một chiếc máy bay đang hạ cánh đâu đó ngay giữa hai tai tôi vậy. Tiếp sau đó là vài tiếng lách tách. Rồi tôi nghe một giọng nói vang lên, “Gretnoid?”

Tôi nhìn xung quanh xem ai đang nói với tôi. Nhưng chẳng có ai cả. Chỉ có hai đứa tôi, và Bernie, một ông già vô gia cư, đang ngủ khoèo dưới hàng rào góc công viên.

“Adner gretnoid?” giọng nói lại vang lên. “Gretnoid? Parliog mandy? Venter ablong stot. Gretnoid?”

Nó vang lên từ ngay trong đầu tôi. Cảm giác cứ như có hai cái tai nghe bị đóng ốc xoáy vào não vậy. Tôi rụt tay về và tháo chiếc vòng ra.

“Choáng óc ra phết nhỉ?” Charlie gật đầu.

Tôi quyết định đã đến lúc mình phải về nhà nằm nghỉ.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25826


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận