Cuối tháng 7, điểm thi đại học cuối cùng cũng được công bố. Lớp 12 (1) do thầy Chương dạy đạt thành tích tương đối tốt, đặc biệt là môn ngữ văn, bình quân điểm số đứng đầu toàn tỉnh. Liễu Địch đạt 718 điểm, xếp thứ nhất khối văn toàn tỉnh. Trong đó, thành tích môn ngữ văn của cô cao khủng khiếp. Điểm tối đa là 150 điểm, cô đạt tới 147 điểm. Con số này có khi đứng đầu cả nước.
Tin tức vừa lan ra, cả thành phố xôn xao. Thị trưởng thành phố đích thân gặp gỡ “trạng nguyên khối văn”, khen ngợi Liễu Địch “tuổi trẻ tài cao”. Phóng viên báo chí cũng lần lượt đến phỏng vấn Liễu Địch, đề nghị cô phát biểu cảm tưởng, tiết lộ kinh nghiệm học tập, phát biểu một lô vấn đề không quan trọng. Nhà trường đặc biệt dán tờ giấy đỏ báo tin vui cỡ lớn, đồng thời mời Liễu Địch tham gia buổi báo cáo với toàn trường.
Cô chủ nhiệm Trần Chi tươi cười hớn hở, khen Liễu Địch là “thiên tài”. Cô Trần cho biết, cô đã sớm dự đoán Liễu Địch có thể thi đỗ Bắc Đại. Bố mẹ Liễu Địch càng vui mừng, cười ngoác miệng từ sáng đến tối. Liễu Địch phảng phất trút tảng đá nặng trong lòng, cô cũng cảm thấy vui mừng hưng phấn một thời gian.
Nhưng sau đó, đối diện với những lời ca tụng không ngừng nghỉ với các loại hoạt động và phỏng vấn liên tiếp, tâm trạng hưng phấn nhanh chóng biến mất, thay vào đó là nỗi bực dọc. Liễu Địch từ chối buổi báo cáo của nhà trường và các cuộc phỏng vấn không cần thiết. Cuối cùng, để né tránh đám phóng viên dai như đỉa đói, Liễu Địch trốn ở văn phòng thầy Chương cả ngày không ra ngoài. Dù sao từ trước đến nay, văn phòng của thầy Chương cũng là “cấm địa”. Không được phép của thầy, ngay cả thị trưởng thành phố cũng không thể vào bên trong. Thầy Chương vẫn bình thản như thường lệ, nghe tin thành tích môn ngữ văn của lớp do thầy dạy đứng đầu toàn tỉnh, thầy đều không ngẩng đầu. Chỉ khi nghe tin Liễu Địch đạt thành tích tốt, gương mặt thầy mới để lộ ý cười vui mừng.
Tiếp theo là đợi thông báo trúng tuyển.
Những trường đại học trọng điểm gửi thông báo trúng tuyển, không có tên Liễu Địch.
Các trường đại học hạng hai gửi thông báo trúng tuyển, vẫn không có tên Liễu Địch.
Bố mẹ Liễu Địch hoảng hốt. Bọn họ bắt đầu nhờ người hỏi thăm tình hình khắp nơi, nhưng không có kết quả. Bố Liễu Địch thậm chí gọi điện tới tận đại học Bắc Kinh, nhưng câu trả lời của đối phương vừa khách sáo vừa mơ hồ, khiến bố Liễu Địch chẳng biết đường nào mà lần.
Liễu Địch cũng sốt ruột lo lắng. Nghe nói, thành tích của cô vượt xa điểm chuẩn, tại sao không được tuyển? Là bị bỏ sót hay nhầm lẫn ở đâu? Hay là thông báo trúng tuyển gửi chậm trễ? Các loại suy đoán và nghi hoặc khiến Liễu Địch rối bời, nhưng cô vẫn không tìm ra đầu mối.
Nên biết, một trường đại học lớn như Bắc Đại, điểm số không phải là điều kiện tuyển chọn duy nhất. Có mấy chục lý do bị loại, ai mà biết cô rơi vào trường hợp nào?
Sau khi biết tin, đám phóng viên lập tức thay đổi thái độ. Một số hoạt động Liễu Địch nhận lời trước đó, bỗng dưng bị hủy bỏ bởi các lý do “hợp tình hợp lý”. Liễu Địch từ đứa con cưng của thượng đế, trở thành con chim sẻ bị quên lãng trong mùa đông. Việc từ thiên đường rơi xuống địa ngục trong giây lát khiến Liễu Địch không chịu đựng nổi.
Đúng lúc này, tin đồn không biết bắt nguồn từ đâu âm thầm lan truyền với tốc độ chóng mặt, nào là “điểm số công bố sai”, “lúc khớp điểm xảy ra vấn đề”… Có người nói Liễu Địch gian lận trong thi cử, bị người khác tố cáo nên bị hủy tư cách tuyển chọn. Các loại tin đồn tồi tệ khiến một cô gái chững chạc như Liễu Địch cũng không thể kiềm chế, cô cảm thấy bản thân sắp phát điên.
Ở trường, Liễu Địch phải đối diện với vô số ánh mắt nghi ngờ dò hỏi. Ở nhà, cô phải đối diện với gương mặt u ám của bố mẹ. Mặc dù thế giới rộng lớn như vậy nhưng cô không có chốn dung thân. Chỉ trong văn phòng nhỏ của thầy Chương, Liễu Địch mới được yên tĩnh.
Đúng vậy, kể từ lúc công bố điểm thi, Liễu Địch chiều nào cũng đến văn phòng của thầy Chương chờ thông báo nhập học. Thầy Chương ngày ngày đến trường cùng cô chờ đợi. Hai thầy trò thường lặng lẽ ngồi trong văn phòng cả buổi chiều. Đến giờ tan tầm, Liễu Địch lại tiễn thầy Chương ra trạm xe buýt.
Liễu Địch từng khuyên thầy Chương đừng đội nắng nóng đến trường cùng cô, nhưng thầy chỉ cố chấp lắc đầu. Trên thực tế, Liễu Địch rất mong thầy Chương ở bên cạnh cô. Không hiểu tại sao, gương mặt điềm tĩnh và lạnh nhạt của thầy Chương, mang đến cho cô một sức mạnh và niềm an ủi khó hình dung, nó có tác dụng hơn bất cứ lời nói nào. Ngắm nhìn bộ dạng thản nhiên và trầm tĩnh của thầy, tâm trạng lo lắng bất an của Liễu Địch lắng xuống như có phép lạ.
Cô lại nhớ đến câu nói của thầy Chương: “Tôi dám dùng sinh mạng bảo đảm, em nhất định sẽ thi đỗ vào Bắc Đại.” Câu nói kiên định đó đã trở thành trụ cột tinh thần duy nhất của Liễu Địch trong những ngày tháng hỗn loạn này. Tuy nhiên, trụ cột cũng có lúc dao động. Mấy lần, Liễu Địch không kìm nén nổi tâm trạng sốt ruột. Cô đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng. Những lúc như vậy, thầy Chương sẽ pha cho cô một cốc trà, sau đó thầy dò dẫm ngắt một bông hoa nhài nhỏ trên cửa sổ, lặng lẽ bỏ vào cốc trà. Thầy Chương ăn mặc tiết kiệm, nhưng việc thưởng thức trà tương đối cầu kỳ. Nhìn cánh hoa nhỏ màu trắng dập dềnh trong cốc nước, ngửi mùi hương hoa dìu dịu khắp căn phòng, Liễu Địch liền cảm thấy một sự yên bình không nói thành lời. Tâm trạng sốt ruột thấp thỏm cũng lặng lẽ biến mất.
Nếu không có thầy Chương, Liễu Địch thật sự không biết vượt qua giai đoạn khó khăn này như thế nào. Nhưng tháng tám đã trôi qua hai phần ba thời gian, đến bạn học có điểm thi thấp nhất của lớp cũng nhận được giấy gọi nhập học của một trường hạng hai, vậy mà thông báo trúng tuyển của Liễu Địch vẫn bặt vô âm tín.
Trong một buổi chiều chờ đợi như vậy, lúc Liễu Địch chán nản đến mức gần tuyệt vọng, cửa văn phòng thầy Chương đột nhiên có tiếng gõ cộc cộc.
Nghe tiếng gõ cửa, thầy Chương và Liễu Địch đều giật mình kinh ngạc. Cả hai thầy trò đều ý thức được điều gì trong giây lát. Nhất định là ông Lý. Thầy Chương từng dặn dò, một khi nhận được thông báo trúng tuyển từ Bắc Đại, ông Lý sẽ mang ngay đến văn phòng của thầy Chương cho Liễu Địch.
Liễu Địch cảm thấy tim cô sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, máu trong người dồn hết lên não bộ. Cô vội vàng đứng dậy, quay người đi mở cửa.
Cánh cửa mở ra, Liễu Địch ngẩn người. Bên ngoài là một ông già tóc bạc không quen biết.
“Cháu là Liễu Địch phải không?” Ông già mỉm cười đi vào văn phòng. Liễu Địch mở to mắt quan sát, ông già có mái tóc bạc trắng, đeo kính trắng gọng vàng, bộ dạng vừa thân thiện, nhân từ và phong độ. Toàn thân ông toát ra vẻ cao quý, nho nhã, tựa hồ một học giả bước ra từ phòng đọc sách.
Phát hiện Liễu Địch đang nhìn mình bằng ánh mắt dò xét, ông già cất giọng ôn hòa, giới thiệu bản thân: “Tôi họ Tô, là thầy giáo khoa Trung văn đại học Bắc Kinh.”
Đến từ Bắc Đại? Trong lòng Liễu Địch hồi hộp vô cùng. Thầy Chương dường như cũng kinh ngạc, thầy ngồi thẳng người, chiếc ghế dưới thân thầy phát tiếng cót két khe khẽ.
“Tôi vì việc tuyển chọn của cháu nên mới đến đây.” Thầy Tô đi thẳng vào vấn đề: “Chuyện là thế này. Sau khi công bố điểm thi, chúng tôi có xem lại bài thi môn ngữ văn của cháu. Bởi vì trong mấy năm gần đây, chúng tôi chưa từng gặp điểm số cao như vậy. Có thể nói, bài thi ngữ văn của cháu tương đối hoàn hảo, đặc biệt là bài làm văn. Ba thầy chấm thi đều cho cháu điểm tối đa. Tuy nhiên, trong lúc cho điểm, họ đồng thời viết thêm nhận xét của mình…” Thầy Tô rút trong túi ra một bài thi: “Cháu có thể đọc những lời nhận xét này.”
Liễu Địch vội vàng nhận bài thi. Ba thầy chấm thi đúng là đều có lời nhận xét. Một thầy viết: “Bài văn ly kỳ đến mức khiến tôi không thể không cho điểm cao”. Một thầy viết: “Tôi chưa bao giờ gặp một câu chuyện xa rời thực tế nhưng chân thực như vậy”. Người thứ ba thẳng thắn nhận xét: “Tôi không tin câu chuyện này tồn tại trong cuộc sống”.
“Ba lời nhận xét rất rõ ràng.” Thầy Tô nhận lại bài thi bỏ vào túi: “Cả ba thầy chấm thi đều nghi ngờ tính chân thực trong bài văn của cháu, nhưng họ đều cảm động. Nói một cách khác, họ bị thuyết phục bởi tình cảm của người viết văn, vì vậy họ không hẹn cùng cho điểm số cao nhất. Khi chúng tôi đọc bài văn của cháu, nói thật, chúng tôi cũng không tin câu chuyện kể trong bài văn. Đặc biệt, thầy ngữ văn của các cháu lại là người khiếm thị.”
Ngừng một hai giây, thầy Tô nói tiếp: “Nhưng chúng tôi cũng như ba thầy chấm điểm thi, bị thứ tình cảm đẹp đẽ, chân thành, sâu sắc và thuần khiết trong bài văn chinh phục. Tiếp theo là vấn đề tuyển chọn cháu, khoa xuất hiện hai luồng ý kiến trái ngược. Có ý kiến cho rằng, nếu bài văn này là hư cấu, thì không phù hợp với yêu cầu của đề thi, bài văn không thể cho điểm số cao như vậy, tác giả của bài văn không có tư cách vào Bắc Đại. Ý kiến khác cho rằng, tình cảm thể hiện trong bài văn là rất chân thực và cảm động, tác giả của bài văn là kỳ tài. Bỏ qua một nhân tài là điều đáng tiếc của Bắc Đại. Hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt. Cuối cùng, nhà trường quyết định cử tôi đến tận trường của cháu để điều tra, xem câu chuyện kể trong bài văn có chân thực hay không? Nếu là sự thật, tôi sẽ trao thông báo trúng tuyển cho cháu ngay tại chỗ.”
Liễu Địch hoàn toàn sửng sốt. Cô nằm mơ cũng không ngờ, bài văn của cô lại gây ra sự ngờ vực và tranh luận ở Bắc Đại, hơn nữa còn làm cô suýt nữa bị đánh trượt.
Liễu Địch đưa mắt về phía thầy Chương vẫn im lặng từ đầu đến giờ. Vẻ mặt thầy rất kỳ lạ, tựa hồ đang suy ngẫm nghiên cứu điều gì đó, lại như chìm trong hồi ức, thần sắc vừa tập trung vừa xúc động. Nghe những lời nói kinh tâm động hồn của thầy Tô, thầy Chương vẫn không lên tiếng nói hộ Liễu Địch. Liễu Địch hơi thất vọng, cô đành tự mình giải thích: “Thầy Tô, bài văn của cháu…”
“Cháu không cần giải thích.” Thầy Tô mỉm cười cắt ngang lời Liễu Địch, nụ cười của thầy ôn hòa thân thiện, như ngọn gió xuân tháng ba: “Vừa rồi tôi đã đến phòng hiệu trưởng, tôi đã nắm được tình hình cần tìm hiểu. Câu chuyện kể trong bài văn không ngờ lại là sự thật. Xin thứ lỗi tôi dùng từ “không ngờ”, bởi vì tôi thật sự không nghĩ ra từ khác thể hiện sự kinh ngạc của tôi. Cho đến bây giờ tôi mới hiểu, trong cuộc sống đúng là xảy ra những chuyện chúng ta không thể tin nổi. Những câu chuyện khó tin đó, ở một thời điểm đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt, xảy ra trên những con người đặc biệt sẽ là hợp tình hợp lý. Ví dụ như thầy giáo khiếm thị mà bài văn của cháu đề cập.” Ánh mắt ông chuyển sang thầy Chương: “Nếu tôi không nhầm, vị này chính là thầy Chương trong bài văn.”
Từ lúc thầy Tô bước vào văn phòng, thầy Chương không nói một tiếng. Lúc này, thầy đột nhiên đứng dậy, thân hình cao lớn của thầy không thể kìm chế sự run rẩy, hai bàn tay thầy nắm chặt mép bàn, tựa hồ chỉ cần thầy buông tay, cả người sẽ ngã xuống đất. Sắc mặt nhợt nhạt của thầy trở nên ửng đỏ vì xúc động, huyệt thái dương của thầy giật giật.
“Thầy… là…” Cuối cùng thầy Chương cũng mở miệng, thanh âm run run: “Có phải… là giáo sư Tô Văn phải không ạ?”
Giáo sư Tô ngẩn người. Ông quan sát thầy Chương tỉ mỉ, như muốn nhìn xuyên thấu thầy. Sau đó, cơ mặt ông đột nhiên co giật, biểu lộ sự kinh ngạc và đau đớn tột độ. Thân hình ông lắc lư như bị giật điện. Ông cất giọng xúc động và nghẹn ngào: “Con… con… lẽ nào con là…”
Thầy Chương đột ngột cắt ngang lời giáo sư Tô. Thầy gần như dùng toàn bộ sức lực miễn cưỡng khống chế bản thân. Thầy chỉ tay ra cửa, đồng thời ra lệnh bằng một giọng nghiêm nghị: “Liễu Địch, mời em ra ngoài!”
Liễu Địch vẫn chưa hết ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng trước mặt. Cô chưa bao giờ thấy thầy Chương xúc động như vậy. Lẽ nào, đây lại là một chuyện “không thể tưởng tượng nổi” hay sao? Nghe thầy Chương ra lệnh, cô hơi tái mặt nhưng vẫn không nhúc nhích.
“Liễu Địch, ra ngoài!” Ngữ khí của thầy Chương mang một sự uy nghiêm không thể kháng cự. Lần này, thầy lược bớt chữ “mời”.
Liễu Địch ngơ ngác nhìn hai gương mặt xúc động. Cô đột nhiên hiểu ra vấn đề, nơi này bất luận xảy ra chuyện gì, cũng đều thuộc về thầy Chương và giáo sư Tô, chứ không thuộc về cô. Liễu Địch cắn môi đi nhanh ra ngoài, cô còn biết ý khép cửa, để lại không gian cho hai người.
Đi đến tận cùng hành lang, Liễu Địch gặp hiệu trưởng Cao. Ông đứng tựa vào lan can, tay kẹp điếu thuốc lá, miệng nhả khói mù mịt. Liễu Địch đi đến đứng bên cạnh ông.
“Sao rồi?” Hiệu trưởng Cao hỏi: “Em đã gặp giáo sư Tô chưa?”
“Em gặp rồi ạ.” Liễu Địch trả lời ngắn gọn: “Giáo sư Tô và thầy Chương hình như quen biết nhau. Hai người đều rất xúc động.”
“Cũng có thể.” Hiệu trưởng Cao không hề tỏ ra ngạc nhiên: “Thầy Chương từng là sinh viên xuất sắc của Bắc Đại.”
“Em biết ạ.” Liễu Địch nói nhỏ. Một lúc sau, cô quay sang hiệu trưởng Cao: “Thầy hiệu trưởng, xin thầy hãy kể cho em biết quá khứ của thầy Chương. Mọi người đều nói, thầy là người hiểu rõ thầy Chương nhất.”
“Hả?” Hiệu trưởng Cao nhíu mày nhìn Liễu Địch: “Chẳng phải em cũng biết rõ thầy Chương hay sao?”
Liễu Địch lắc đầu: “Em không biết nhiều đâu ạ. Thầy Chương rất ít khi nói chuyện cuộc đời thầy ấy với em. Em chỉ biết thầy ấy là người Tô Châu, học đại học ở Bắc Đại. Em biết thầy ấy giỏi về mỹ thuật và văn học, thích chơi đàn ghi ta, thích ngắm biển, đọc rất nhiều sách. Em còn biết nguyên nhân vì sao thầy ấy bị mù hai mắt.”
Hiệu trưởng Cao cười ôn hòa: “Em cũng biết khá nhiều đấy chứ. Có điều nếu em muốn nghe, tôi sẽ kể cho em những điều tôi biết về thầy Chương. Tôi nghĩ em có tư cách nghe một số chuyện liên quan đến cuộc đời thầy Chương.” Hiệu trưởng Cao lại nhả một vòng tròn khói, thầy nhìn chăm chăm làn khói tan dần trong không khí, từ từ chìm vào hồi ức:
“Tôi và bố thầy Chương là bạn bè thân thiết. Chúng tôi từng cùng học ở trường đại học sư phạm. Tôi học ngành toán, còn ông ấy học chuyên ngành mỹ thuật. Thời đi học, chúng tôi là bạn tâm đầu ý hợp. Sau khi ra công tác, tuy chúng tôi kẻ nam người bắc nhưng vẫn giữ mối liên hệ. Sau đó, dưới sự động viên của tôi, ông ấy đã chuyển đến thành phố chúng ta, làm thầy dạy mỹ thuật ở trường chúng ta. Ai ngờ chỉ nửa năm sau… Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn tự trách mình, nếu không phải tôi khuyên bố thầy Chương đến nơi này, bi kịch sẽ không xảy ra. Vì vậy, mỗi lần đối mặt với thầy Chương, tôi đều cảm thấy ray rứt vô cùng.”
“Thầy hiệu trưởng, thầy không cần cảm thấy ray rứt.” Liễu Địch đột nhiên mở miệng: “Không ai có thể định liệu bi kịch xảy ra, thầy cũng không thể đoán trước số mệnh và tương lai.”
Hiệu trưởng Cao nhìn Liễu Địch bằng ánh mắt cảm kích, ông thở dài một hơi: “Chương Ngọc cũng thường nói như vậy, nhưng tôi vẫn không thể tha thứ cho bản thân. Tôi lần đầu gặp Chương Ngọc vào kỳ nghỉ đông năm đó. Cậu ấy là một chàng trai có tư tưởng, có trí tuệ, lại rất sâu sắc. Có thể nói, vừa nhìn thấy cậu ấy, tôi đã thích cậu ấy ngay lập tức. Tôi từng đến ngôi nhà của Chương Ngọc, cậu ấy thuê một ngôi nhà nhỏ và sống ở đó, nói là để tiện viết luận văn tốt nghiệp. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện nhiều tiếng đồng hồ tại ngôi nhà nhỏ của cậu ấy. Trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ gặp cậu bé nào tài hoa như Chương Ngọc. Cậu ấy có tri thức phong phú, tư tưởng sâu sắc, suy nghĩ phi phàm… Tóm lại, cậu ấy quá tài giỏi, quá xuất sắc, xuất sắc đến mức khiến người khác đố kỵ. Tôi không chỉ yêu quý cậu ấy, mà rất tán thưởng tài năng của cậu ấy. Tôi thường nghĩ, nếu không xảy ra vụ hỏa hoạn đó, không biết Chương Ngọc sẽ là nhân tài chói sáng như thế nào. Nhưng vụ hỏa hoạn đã hủy hoại cuộc đời cậu ấy…”
Hiệu trưởng Cao cúi đầu nhìn điếu thuốc trong tay. Sắc mặt ông nặng nề, ánh mắt buồn bã đến cực điểm:
“Lúc tôi vội vàng đến bệnh viện, bố mẹ Chương Ngọc đã qua đời, còn cậu ấy hôn mê bất tỉnh. Tôi ngồi bên giường cậu ấy suốt hai ngày hai đêm. Vết bỏng trên người Chương Ngọc không đáng kể, nhưng cậu ấy bị chấn động não rất mạnh, bởi vì cả bức tường đè xuống người cậu ấy. Ngày thứ ba, Chương Ngọc tỉnh lại. Tuy nhiên, hai mắt cậu ấy chẳng nhìn thấy thứ gì.”
“Lúc đó, bác sỹ không thể phán đoán Chương Ngọc có bị mù vĩnh viễn hay không. Do cậu ấy khăng khăng yêu cầu, bác sỹ đành tiến hành phẫu thuật cho cậu ấy. Cuối cùng, ca mổ thất bại.” Hiệu trưởng Cao kể tiếp: “Tôi còn nhớ rõ ngày tháo vải băng. Lúc từng lớp vải băng trắng rời khỏi mắt Chương Ngọc, tôi căng thẳng đến mức không thở nổi. Ngay cả bác sỹ đứng bên cạnh tôi, trán cũng rịn đầy mồ hôi. Sau khi vải băng dỡ hết, chúng tôi nín thở nhìn Chương Ngọc. Chương Ngọc chỉ bình tĩnh ngồi ở đó. Căn phòng yên lặng đến cực điểm, chỉ có tiếng đồng hồ tích tắc. Tôi không nhớ sự trầm mặc đó kéo dài bao lâu, nhưng đối với tôi nó dài hơn một thế kỷ. Sau đó, Chương Ngọc mở miệng, thanh âm hoàn toàn bình thản. Cậu ấy hỏi bác sỹ: “Có phải từ nay về sau, mắt cháu bị mù vĩnh viễn?” Chúng tôi lập tức hiểu ra vấn đề. Bác sỹ muốn nói dối một câu thiện ý, nhưng vẻ mặt của Chương Ngọc khiến ông ta không có cách nào lừa dối cậu ấy. Bác sỹ đành nói thật, mắt cậu ấy không thể hồi phục ánh sáng. Chương Ngọc lặng lẽ gật đầu. Tôi đứng bên cạnh hết sức đau lòng, vậy mà cậu ấy nói với tôi bằng một giọng điệu bình thản đến kỳ lạ: “Chú Cao, chúng ta về phòng bệnh thôi!”
“Kể từ ngày hôm đó, Chương Ngọc lặng lẽ nằm trên giường bệnh, rất hiếm khi mở miệng. Tôi sợ cậu ấy nghĩ quẩn nên thường trò chuyện với cậu ấy. Nhìn thấu tâm tư của tôi, Chương Ngọc nói: “Chú Cao, cháu không sao đâu, sẽ không xảy ra chuyện gì cả.” Lúc đó, tôi không dám báo tin bố mẹ cậu ấy đã qua đời, sợ cậu ấy không chịu đựng nổi. Nhưng một ngày, Chương Ngọc đột nhiên hỏi tôi: “Chú Cao, có phải bố mẹ cháu đã mất rồi?”. Trong lòng tôi xót xa vô cùng, cậu bé này quá thông minh, đúng là không thể che giấu cậu ấy bất cứ điều gì. Tôi hết cách, đành phải nói thật với cậu ấy. Chương Ngọc không khóc, chỉ là câm nín suốt một ngày trời.”
Hiệu trưởng Cao lại một lần nữa dừng lại. Điếu thuốc trên tay ông cháy gần hết, ông nhìn đốm lửa nhỏ đến mức thất thần. Liễu Địch cụp mi, cắn chặt môi, không nói một lời. Một lúc sau, hiệu trưởng Cao ném mẩu thuốc, lại châm một điếu thuốc khác, rít một hơi rồi thở đầy khói:
“Một tuần sau, Chương Ngọc chủ động xin xuống giường tập đi, đồng thời bắt đầu luyện tập thính lực. Cậu ấy từ chối sử dụng cây gậy của người mù, thà bị vấp ngã hết lần này đến lần khác. Cậu ấy luyện tập rất khổ cực, nhưng tiến bộ cũng rất nhanh. Có thể thấy, Chương Ngọc đang tích cực thích ứng với bóng tối, nỗ lực tiếp tục cuộc sống. Nửa năm sau, Chương Ngọc xuất viện. Trong thời gian nằm viện, tôi không hề nghe thấy cậu ấy nói một câu oán trách trời đất, oán trách số phận, thậm chí không một tiếng kêu than.”
“Về đến nhà, chính là ngôi nhà nhỏ mà cậu ấy thuê, cậu ấy kiên quyết trả lại tôi toàn bộ số tiền viện phí mà tôi ứng trước và chi phí lo tang lễ bố mẹ cậu ấy. Chương Ngọc giống bố cậu ấy ở điểm, không bao giờ vô duyên vô cớ nhận ân huệ của người khác. Chương Ngọc dùng tiền bảo hiểm và tiền bồi thường của bố mẹ cậu ấy để trả nợ. Còn lại một ít, cũng vừa đủ cậu ấy sinh sống trong một năm. Vấn đề sinh kế bày ra trước mặt cậu ấy một cách tàn khốc. Nhưng Chương Ngọc không chịu dọn đến nhà tôi, kiên quyết sống tự lập. Sau một thời gian suy nghĩ, Chương Ngọc nói với tôi, cậu ấy muốn đi dạy học.
Tôi giật mình kinh ngạc, điều này vốn không thể! Nhưng thái độ của cậu ấy rất dứt khoát. Cậu ấy nói cậu ấy học được một ít kiến thức ở trường đại học, không thể để mai một đi như vậy. Nếu đời này cậu ấy không có cơ hội sử dụng đến những tri thức đó, vậy thì cậu ấy sẽ truyền lại cho thế hệ sau. Cậu ấy nhờ tôi giúp cậu ấy ghi âm toàn bộ giáo trình và tài liệu tham khảo môn ngữ văn của cấp ba, sau đó cậu ấy chăm chỉ nghe và học. Chương Ngọc còn bảo tôi dẫn đến trường dự thính các buổi dạy của thầy cô giáo khác. Có thể thấy, cậu ấy hết sức nỗ lực, tinh thần học hỏi của cậu ấy khó ai bì kịp.
Thế nhưng, một người mù dạy học là chuyện rất khó khăn, thậm chí không thể tưởng tượng nổi. Hơn nữa, ai cho Chương Ngọc cơ hội làm giáo viên? Đây chẳng phải đặt ra bài toán khó cho tôi? Cậu ấy nói với tôi: “Chú Cao, cháu biết chú rất khó xử. Cuộc đời này cháu rất hiếm khi cầu xin người khác. Nhưng hôm nay, cháu cầu xin chú nể tình bố cháu, giúp cháu một lần.” Ngữ khí của Chương Ngọc rất chân thành và bi ai, tôi làm sao có thể từ chối cậu ấy? Nếu không phải do tôi, Chương Ngọc đã không rơi vào cảnh “cầu xin người khác” này. Tôi nợ cậu ấy và bố mẹ cậu ấy. Thế là tôi dốc hết sức lực, vận dụng các mối quan hệ, cuối cùng Chương Ngọc cũng có thể đi dạy học. Dù không phải là giáo viên trong biên chế nhưng Chương Ngọc cũng rất mãn nguyện, bởi vì cậu ấy chỉ cần được đứng trên bục giảng. Cứ như vậy, Chương Ngọc thử dạy lớp các em đầu tiên. Không ngờ cậu ấy dạy quá tốt. Trong trường có bao nhiêu giáo viên môn ngữ văn, vậy mà không ai vượt qua một người mù.”
Nghe đến đây, Liễu Địch đột nhiên mở miệng: “Thầy hiệu trưởng, câu này thầy nói sai rồi. Đây không phải vấn đề đôi mắt, mà là vấn đề trình độ và năng lực. Các thầy cô giáo khác không thể vượt qua thầy Chương, bởi vì trình độ và năng lực của bọn họ không bằng thầy Chương.”
Hiệu trưởng Cao kinh ngạc nhìn Liễu Địch. Cô nữ sinh có vẻ hiền lành ngoan ngoãn này lại có cách nhìn độc đáo và sâu sắc, thảo nào cô bé trở thành “trạng nguyên” khối văn.
“Liễu Địch, em nói rất đúng. Môn ngữ văn ở thời trung học cần chú trọng bồi dưỡng năng lực của học sinh, bồi dưỡng cảm giác của học sinh đối với ngôn ngữ văn tự, chứ không phải truyền thụ kiến thức theo kiểu nhồi vịt. Ngay từ đầu, thầy Chương đã nắm bắt chuẩn xác điểm này. Một số thầy cô dạy học mười mấy năm cũng không lĩnh hội được đạo lý đó. Thầy Chương quả nhiên là “thiên tài”.
Hiệu trưởng Cao thở dài: “Tôi không thể tưởng tượng nếu tôi gặp tai nạn khủng khiếp như cậu ấy, tôi sẽ sa sút chán nản đến mức nào. Thầy Chương là người kiên cường, quá kiên cường.”
Đâu chỉ đơn giản là kiên cường? Liễu Địch chợt nhớ đến hai bức tranh sơn dầu của thầy Chương, nhớ đến mặt trời bi tráng ở trên biển và chồi non trên cành cây khô, nhớ đến lời miêu tả 27b3 của thầy Chương về “bóng tối”. Liễu Địch đột nhiên ngẩng đầu, cất giọng thâm trầm và trịnh trọng: “Thầy hiệu trưởng, thầy Chương không chỉ kiên cường. Thầy ấy luôn chống lại bóng tối. Thầy ấy từng nói với em, thầy ấy không thể đánh bại bóng tối. Nhưng hôm nay, nghe những lời của thầy, em mới hiểu rõ, dù biết bản thân sẽ thất bại, nhưng thầy Chương vẫn ngoan cường chiến đấu. Mặc dù vận mệnh đã an bài, nhưng thầy ấy vẫn muốn đọ sức với số mệnh. Thầy ấy thà làm một người thất bại oanh liệt, cũng không muốn làm kẻ hèn nhát nằm phủ phục dưới chân vận mệnh, tỏ vẻ đáng thương. Thầy ấy là một dũng sỹ, là một người anh hùng, dù theo kiểu bi kịch đi chăng nữa.”
Hiệu trưởng Cao há hốc miệng lắng nghe. Ông quay cả người, nhìn chằm chằm Liễu Địch. Một lúc lâu sau, ông mới thở hắt ra, cảm khái một câu: “Liễu Địch, em mới là người hiểu thầy Chương nhất.”
Đúng lúc này, cửa văn phòng của thầy Chương mở ra, giáo sư Tô Văn đi ra ngoài. Hiệu trưởng Cao và Liễu Địch lập tức tiến lại gần nghênh đón. Giáo sư Tô đã khôi phục sắc mặt bình tĩnh, nhưng khóe mắt ông vẫn còn tàn dư của giọt lệ. Giáo sư đi đến bên Liễu Địch, rút ra một phong bì, trên có đề tên Liễu Địch.
Liễu Địch nhận thông báo trúng tuyển mà cô mong chờ từ lâu. Có lẽ do trông chờ mòn mỏi một thời gian dài, Liễu Địch không cảm thấy xúc động và vui mừng như cô tưởng tượng. Cô ngược lại hơi thẫn thờ và buồn bã. Cô đưa mắt nhìn ngày tháng trên thông báo: Ngày 1 tháng 9. Chỉ còn chín ngày nữa là cô nhập học.
“Liễu Địch.” Giáo sư Tô nói: “Tôi đã nói với thầy Chương để cháu tiễn tôi ra bến xe. Tôi muốn nhìn thấy trạm xe buýt mà cháu miêu tả trong bài văn.”
Liễu Địch gật đầu. Cô chào tạm biệt hiệu trưởng Cao, rồi cùng giáo sư Tô đi đến trạm xe buýt nhỏ.
Mặt trời buổi chiều vẫn nắng gắt, nhưng không khí có làn gió thổi mát rượi, lá cây đung đưa xào xạc. Giáo sư Tô quan sát cây dương liễu, đưa mắt qua khóm đinh hương rồi dừng lại ở tấm biển báo xe buýt. Cuối cùng, ông nói khẽ: “Đến bây giờ, tôi hoàn toàn tin mỗi câu từ trong bài văn của cháu đều là sự thật, một sự thật “không thể tưởng tượng nổi”.
Ngữ khí của giáo sư Tô chứa đầy nỗi đau mãnh liệt, tựa hồ ông không muốn đối diện với “sự thật” này. Liễu Địch lập tức nhận ra nguồn gốc của nỗi đau đó. Cô mở miệng hỏi: “Thưa giáo sư, thầy Chương là học sinh của giáo sư phải không ạ?”
Giáo sư Tô gật đầu, ánh mắt ông đầy vẻ bi thương và bất lực: “Đúng vậy, cậu ấy là học trò của tôi, đồng thời là sinh viên xuất sắc nhất khoa Trung văn Đại học Bắc Kinh. Hầu hết thầy cô trong khoa đều cho rằng tiền đồ của cậu ấy vô cùng xán lạn, tương lai của cậu ấy là con đường thẳng tít tắp. Chỉ còn nửa năm nữa là cậu ấy tốt nghiệp, khoa đã quyết định cho cậu ấy chuyển thẳng học nghiên cứu sinh. Nhưng sau kỳ nghỉ đông, cậu ấy biệt vô âm tín. Chúng tôi từng gọi điện thoại về Tô Châu, quê nhà của cậu ấy. Tôi còn đích thân đi Tô Châu tìm cậu ấy nhưng không có đầu mối. Lúc đó, tôi không biết gia đình cậu ấy đã chuyển đến thành phố này. Nếu biết, chắc tôi cũng… khụ khụ, tôi nằm mơ cũng không ngờ, cậu ấy lại ra nông nỗi này. Tôi thậm chí suýt không nhận ra cậu ấy…”
Giáo sư Tô đột nhiên không thể nói tiếp, sắc mặt ông trắng bệch như tờ giấy, toàn thân run rẩy. Liễu Địch vội giơ tay đỡ ông, sống mũi cô cay cay. Vào giây phút này, cô chợt hiểu ra, giáo sư Tô yêu quý thầy Chương như vậy. Thầy Chương nhất định từng là học trò tâm đắc nhất của ông.
Giáo sư Tô từ từ khôi phục vẻ bình tĩnh. Sau đó, ánh mắt ông dừng lại trên gương mặt Liễu Địch hồi lâu. Ông nhìn rất chăm chú, rất tỉ mỉ, tựa hồ coi Liễu Địch là đối tượng nghiên cứu. Liễu Địch ngượng ngùng cúi đầu. Giáo sư Tô thở dài một hơi: “Liễu Địch, cháu thật sự rất đẹp.”
Ngữ điệu của ông chứa đựng sự phiền muộn và tiếc nuối. Liễu Địch không hiểu ý của giáo sư Tô nên ngẩng đầu. Cô phát hiện trong mắt giáo sư Tô đầy vẻ yêu mến và thương xót. Ánh mắt của ông khiến Liễu Địch không khỏi xúc động, cô có thể cảm nhận rõ ràng, tình cảm yêu mến của giáo sư Tô đối với cô là xuất phát từ đáy lòng. Nhưng tại sao ông lại phiền muộn và tiếc nuối?
“Liễu Địch.” Giáo sư Tô đột nhiên chuyển sang đề tài khác: “Cháu… cháu có thích thầy Chương không?”
“Cháu sùng bái thầy ấy.” Liễu Địch không hề nghĩ ngợi, trả lời ngay lập tức.
“Ờ.” Giáo sư Tô hít một hơi sâu: “Chỉ có vậy thôi sao?”
Liễu Địch nỗ lực tìm câu từ thích hợp: “Thầy Chương thường khiến cháu kinh ngạc và chấn động, không chỉ ở phương diện tri thức mà phần lớn ở tư tưởng và tình cảm. Mỗi khi ở bên thầy, dù chẳng nói một câu, cháu vẫn cảm thấy tư tưởng của cháu ngày càng sâu sắc, tinh thần của cháu đang thăng hoa, linh hồn ngày càng trở nên trong sáng. Có thể nói, thầy có sự ảnh hưởng đến cháu từng giây từng phút. Cũng có lúc, cháu cảm thấy trái tim cháu và thầy rất gần gũi, thậm chí hoàn toàn hòa nhập vào nhau. Cháu và thầy thường có sự ăn ý “tâm linh tương thông”. Thầy Chương luôn giữ khoảng cách với người khác, đối với cháu, có lúc… thầy cũng như vậy.” Liễu Địch đột nhiên cảm thấy chua xót, cô từ từ cúi thấp đầu: “Có lúc, cháu cảm thấy khoảng cách giữa cháu và thầy đã rất gần, nhưng chỉ một câu nói, một động tác tay, thậm chí một biểu hiện của thầy, khoảng cách đó lại nới rộng. Cảm giác này… thật không dễ chịu chút nào.”
Nói đến đây, Liễu Địch đột nhiên ngẩng đầu, đôi mắt cô sáng lấp lánh: “Mặc dù vậy, cháu vẫn khao khát được ở bên thầy. Cháu thật sự mong muốn điều đó.”
Giáo sư Tô ngẩn người lắng nghe. Ông trầm tư suy nghĩ điều gì đó, phảng phất muốn thông qua lời nói của Liễu Địch, kiểm chứng suy đoán trong lòng mình. Sau đó, giáo sư Tô lặng lẽ thở dài. Kể từ lúc rời khỏi văn phòng của thầy Chương, ông thở dài không biết bao nhiêu lần.
Giáo sư Tô đột nhiên nắm tay Liễu Địch, cất giọng khẩn thiết: “Liễu Địch, cháu hãy ở bên cạnh thầy Chương nhiều hơn. Sau khi cháu đi đại học, thầy Chương sẽ cô độc biết bao. Ngày tháng cháu ở bên thầy không còn nhiều nữa rồi.”
Ngữ khí của giáo sư Tô vừa chân thành vừa bi ai, Liễu Địch cũng bị ảnh hưởng. Cô hít một hơi sâu, để đè nén nỗi xót xa trong lòng. Sau đó, cô nghẹn ngào thốt ra hai từ: “Vâng ạ.”
Xe buýt tới nơi, Liễu Địch đỡ giáo sư Tô lên xe. Trước khi ô tô chuyển bánh, giáo sư Tô đột nhiên thò đầu ra khỏi cửa xe, chân thành nói với Liễu Địch: “Liễu Địch, khi nào đến Bắc Đại, cháu nhất định phải đi tìm tôi trước. Nhà tôi ở Trúc Ngâm Cư thuộc Kính Xuân Viện. Nếu cháu không đến, tôi sẽ giận đó.”
Đây đâu phải là lời tạm biệt của người thầy, mà rõ ràng là lời dặn dò của bậc trưởng bối với hậu bối, của người cha hiền từ đối với con gái. Khóe mắt Liễu Địch ngân ngấn nước. Cô lặng lẽ dõi theo chiếc xe buýt cho đến khi nó biến mất ở đầu đường.
Không hiểu tại sao, bên tai Liễu Địch vang vọng thanh âm bi thương và khẩn thiết của giáo sư Tô: “Liễu Địch, cháu hãy ở bên cạnh thầy Chương nhiều hơn. Sau khi cháu đi đại học, thầy Chương sẽ cô độc biết bao. Ngày tháng cháu ở bên thầy không còn nhiều nữa rồi.”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !