Tối ấy, Antonio đi chơi với một anh bạn để tôi được một mình với các con tôi.
Tối thứ Bảy, bảy giờ, ngày 16 tháng Mười một, năm 2002.
Bữa ăn tối rất vui. Bọn trẻ ăn ngấu nghiến, chúng cười đùa về bất cứ chuyện gì. Laetitia vốn nói nhiều, nói liến thoắng không ngừng, như nó vẫn thế. Marouan đi cùng cô bạn gái của nó. Tôi chỉ mới chính thức cho Laetitia và Nadia biết Marouan là một trong những đứa trẻ mà tôi quen khi còn sống chung trong gia đình đã tiếp nhận tôi. Chúng không ngạc nhiên về sự có mặt của Marouan, chúng rất thích được đi chơi vào buổi tối thứ Bảy với tôi và bạn bè.
Chúng không lớn lên cạnh nhau nhưng tôi có cảm tưởng chúng rất hợp nhau. Tôi cứ sợ buổi họp mặt tối nay sẽ không thoải mái. Trước khi đi, Antonio đã dặn tôi: “Nếu cần anh giúp, em cứ gọi anh, anh sẽ đến tìm em ngay.”
Thật kỳ lạ, nhưng tôi cảm thấy yên tâm, tôi gần như không còn sợ nữa. Chỉ hơi lo lắng cho hai đứa con gái của tôi. Marouan trêu đứa lớn:
“Lại đây, Laetitia, lại ngồi cạnh anh, lại đây.”
Nó kéo con bé ngồi sát bên nó và đùa. Laetitia quay sang phía tôi, thì thầm:
“Anh ấy thật dễ thương, mẹ ạ!
- Phải, đúng thế.
- Và anh ấy cũng đẹp trai nữa chứ!”
Tôi nhìn kỹ từng chi tiết trên ba khuôn mặt chúng nó. Marouan có vẻ giống Laetitia hơn, có lẽ giống nhất là vầng trán. Có lúc tôi thấy ở Marouan một nét gì đó của Nadia, vốn trầm ngâm và kín đáo hơn chị nó. Laetitia hay bộc lộ tình cảm của mình và phản ứng của nó đôi khi hơi bốc đồng. Nó được thừa hưởng tính cách Ý của bố nó. Còn Nadia thì luôn giữ kín tình cảm của mình.
Không biết chúng có hiểu không?... Tôi vẫn quen xem chúng như những đứa trẻ lên ba và bảo vệ chúng quá mức. Bằng tuổi Laetitia bây giờ, mẹ tôi đã có chồng và có thai...
Nó vừa nói với tôi: “Anh ấy đẹp trai quá...”
Rất có thể nó sẽ yêu anh trai nó! Và sự im lặng của tôi có thể làm nảy sinh nhiều tai họa. Nhưng lúc này, chúng đang phá lên cười và chế giễu một người đàn ông đang say rượu. Hắn nhìn về phía bàn chúng tôi và nói với Marouan từ xa:
“Tên ngốc kia! Mày may mắn có nhiều phụ nữ ngồi bên cạnh. Những bốn người, còn tao chỉ có mỗi mình!”
Marouan gan góc và dễ nổi nóng. Nó gầm gừ:
“Con sẽ đứng dậy và đấm vỡ mồm nó.
- Đừng làm thế, con cứ ngồi yên đấy!
- Vâng ạ...”
Người chủ nhà hàng nhẹ nhàng đưa anh chàng phá đám đi nơi khác và bữa ăn kết thúc trong những câu chuyện đùa và những tiếng cười.
Chúng tôi tiễn Marouan và cô bạn gái của nó đến tận nhà ga. Nó sống và làm việc ở nông thôn. Con trai tôi chăm sóc những khu vườn và trông coi những khoảng không gian xanh. Nó có vẻ yêu nghề, lúc nãy nó đã nói qua về việc đó. Ở vào tuổi của chúng, Laetitia và Nadia chưa có dự định gì rõ rệt. Nadia nói sẽ làm việc trong ngành may mặc, còn Laetitia thì liên tục thay đổi ý tưởng. Cả ba chúng nó đi đằng trước tôi trên con đường dẫn xuống nhà ga, Marouan đi giữa. Laetitia nắm một bên tay nó, Nadia nắm bên tay kia. Lần đầu tiên trong đời chúng làm như thế, với vẻ tin cậy hoàn toàn. Tôi vẫn không nói gì. Marouan tuyệt lắm, nó để mọi người muốn làm gì thì làm. Nó đùa giỡn với hai em nó rất tự nhiên như thể chúng nó đã quen biết nhau. Trước khi kết hôn với Antonio và sinh hạ Laetitia, Nadia, đời tôi không có nhiều những giây phút vui vẻ. Marouan chào đời trong sự đau khổ, không có bố, còn chúng được sinh ra trong hạnh phúc và được cha chúng nâng niu như báu vật. Số phận chúng khác nhau, nhưng những tiếng cười của chúng đã nối chúng lại với nhau, tuyệt vời đến mức tôi không bao giờ làm được như thế. Một tình cảm chưa từng biết đến tràn ngập trong tôi. Tôi cảm thấy tự hào vì chúng. Trong buổi tối nay, tôi không thiếu một thứ gì. Không còn khắc khoải, không còn buồn rầu, chỉ có sự thanh thản trong tâm hồn tôi.
Trên sân ga, Laetitia nói với tôi:
“Chưa ai khiến con thấy dễ chịu như anh Marouan.”
Nadia nói thêm:
“Con cũng thế...”
“Con muốn đến ngủ nhà anh Marouan và bạn gái anh ấy, rồi sáng mai, chúng con sẽ ăn sáng cùng nhau, rồi chúng con sẽ đón tàu hỏa về nhà!
- Không được, Laetitia, chúng ta phải về nhà, bố con đang đợi.
- Anh ấy dễ thương quá mẹ ạ, con quý anh ấy thật mà. Anh ấy tử tế, anh ấy đẹp trai... Anh ấy vô cùng đẹp trai, mẹ ạ!”
Đến lượt Nadia bíu lấy tôi:
“Bao giờ chúng ta gặp lại anh ấy hả mẹ?
- Ngày mai hoặc ngày kia. Cứ để mẹ liệu. Rồi con sẽ thấy.
- Mẹ nói gì hả Nadia?
- Em hỏi mẹ bao giờ chúng ta được gặp lại anh Marouan, và mẹ đồng ý là ngày mai. Có phải thế không mẹ? Mẹ đồng ý chứ?
- Các con cứ tin ở mẹ. Mẹ sẽ thu xếp ổn cả.”
Tàu hỏa chuyển bánh, tôi nhìn đồng hồ, đã một giờ bốn mươi tám phút sáng. Cả Laetitia và Nadia vừa chạy vừa vẫy tay gửi những nụ hôn. Không bao giờ tôi quên được khoảnh khắc đó. Từ ngày tôi đến sống ở châu Âu, tôi có thói quen xem đồng hồ và thói quen ấy đã trở thành một thứ tật gần như ám ảnh tôi. Ký ức tôi không giữ được những gì thuộc về quá khứ nên tôi đâm ra tỉ mẩn ghi lại những giây phút của hiện tại, nhất là những giây phút quan trọng đối với tôi. Cũng lạ, hôm qua Marouan muốn biết chính xác giờ sinh của nó... Nó cũng cần có những cột mốc đánh dấu. Đó là một món quà mà tôi sẽ phải khổ công tìm kiếm để tặng cho nó. Đêm ấy, giữa lúc trằn trọc, tôi đã nghĩ đến chuyện đó. Tất cả những gì tôi có thể lôi ra từ trí nhớ thảm hại của tôi, đó là lúc ấy trời đang đêm. Hình như tôi đã nhìn thấy ánh điện ngoài hành lang của bệnh viện đáng nguyền rủa ấy khi ông bác sĩ bế con trai tôi đi. Xem giờ... đó là phản xạ của người phương Tây, còn ở đất nước tôi, chỉ đàn ông mới có đồng hồ. Suốt hai mươi năm, tôi chỉ biết xem giờ bằng mặt trời và mặt trăng. Tôi sẽ nói với Marouan rằng nó được sinh vào giờ mặt trăng.
Khi về đến nhà, tôi gửi một tin nhắn đến điện thoại di động của nó để hỏi nó và cô bạn của nó đã về nhà chưa. Nó trả lời bằng một dòng tin: “Cảm ơn mẹ, chúc mẹ ngủ ngon, hẹn mẹ ngày mai, hẹn mẹ ngày mai...”
Đêm đã khuya, Laetitia và Nadia đã đi ngủ, nhưng Antonio vẫn còn thức.
“Mọi việc tốt cả chứ, em yêu?
- Thật tuyệt vời.
- Em đã nói chuyện với hai con chưa?
- Chưa, em chưa nói. Nhưng ngày mai em sẽ nói. Em không còn lý do gì để chờ đợi thêm nữa, chúng nó thích Marouan ngay lập tức. Kể cũng lạ... như thể là chúng nó đã biết nhau từ rất lâu rồi.
- Marouan không nói gì chứ? Nó có nói bóng nói gió đến chuyện gì không?
- Hoàn toàn không, nó rất tuyệt vời. Nhưng lạ một điều là Laetitia đã gắn bó với nó như vậy, và Nadia cũng thế. Chúng cứ bám theo Marouan. Chưa bao giờ chúng tỏ ra như thế với bạn bè chúng. Chưa bao giờ...
- Em quá căng thẳng rồi đấy...”
Tôi không bị căng thẳng. Tôi chỉ tò mò. Anh trai và em gái có thể nhận biết nhau bằng cách ấy hay không? Chuyện gì đã xảy ra giữa chúng để ta có thể thấy rõ như thế? Phải chăng có một dấu hiệu, một điều gì chung giữa chúng mà chúng không hay biết? Tôi nghĩ mọi thứ đều có thể xảy ra đồng thời hoặc không có gì xảy ra cả, nhưng không bao giờ nghĩ rằng chúng có thể quyến luyến nhau một cách bản năng đến thế.
“Hay là em nên đợi một hai ngày gì đấy...
- Không. Ngày mai là Chủ nhật, em sẽ đến quán cà phê ở chỗ làm việc, không có ai ở đó và em sẽ từ từ nói tất cả cho Laetitia và Nadia. Chúng ta hãy chờ xem những gì mà Thượng đế sẽ ban cho chúng ta, Antonio ạ.”
Sau hai con gái tôi, còn có bạn bè xung quanh, những người hàng xóm và nhất là những bạn đồng nghiệp ở văn phòng, nơi tôi làm việc từ nhiều năm nay. Tôi tiến hành những cuộc tiếp xúc, tôi tổ chức những buổi tiếp tân nho nhỏ, ở đấy tôi cảm thấy như ở nhà và tình bạn của lãnh đạo cũng là một yếu tố rất quan trọng... Làm thế nào để giới thiệu Marouan với họ sau mười năm trời im lặng?
Tôi cần được nói chuyện riêng với hai con gái tôi. Chúng sẽ phán xét mẹ chúng về sự dối trá trong suốt hai mươi năm qua và sẽ phán xét một người phụ nữ mà chúng không quen biết, người mẹ của Marouan, người đã che giấu nó trong suốt thời gian qua. Người mẹ đã yêu thương chúng và bảo vệ chúng. Tôi thường nói rằng sự ra đời của chúng là hạnh phúc của đời tôi. Vậy làm sao chúng có thể chấp nhận rằng sự ra đời của Marouan là một cơn ác mộng dài đến nỗi tôi không bao giờ nói cho Marouan biết?
Vào khoảng chín giờ sáng ngày hôm sau, ngày Chủ nhật, cả nhà vẫn thức dậy như thường lệ:
“Con pha cho mẹ một tách cà phê nhé?
- Mẹ rất sẵn lòng.”
Đó là nghi thức mỗi sáng, bao giờ tôi cũng trả lời sẵn sàng. Tôi luôn nghiêm khắc đòi hỏi trong nhà phải có sự lễ độ và kính trọng lẫn nhau. Tôi nhận thấy trẻ con ở đây thường xấc láo. Chúng có lối ăn nói thô tục tiêm nhiễm từ nhà trường mà Antonio và tôi kiên quyết chống lại. Nhiều lần Laetitia đã bị bố nó quở mắng vì trả lời trống không. Riêng tôi, tôi đã từng nhận được một kiểu giáo dục duy nhất, kiểu giáo dục dành cho nô lệ.
Laetitia mang đến cho tôi một tách cà phê và một ly nước ấm. Nó ôm hôn tôi, Nadia cũng vậy. Tình yêu mà tôi nhận được từ chúng và bố chúng vẫn làm tôi ngạc nhiên mỗi ngày, như thể tôi không xứng đáng được nhận. Vì những lý do khác nhau, việc mà tôi chuẩn bị làm cũng khó khăn chẳng kém nỗi sợ của tôi khi phải đối mặt với cái nhìn của Marouan.
“Mẹ muốn nói với các con một chuyện rất quan trọng.
- Thế thì mẹ nói đi, chúng con đang nghe.
- Không, mẹ không nói ở đây, mẹ sẽ đưa các con đến quán cà phê ở chỗ làm của mẹ.
- Hôm nay mẹ không đi làm kia mà! À, mẹ biết không, con lại nghĩ đến buổi tối hôm qua, thật tuyệt vời mẹ ạ. Anh ấy không gọi cho mẹ sao? Anh Marouan ấy.
- Tối qua chúng ta về nhà rất muộn, chắc anh ấy còn ngủ.”
Nếu như Marouan không phải là anh nó có lẽ tôi sẽ rất lo. Chúng nó nói chuyện với nhau, và tuyệt nhiên không bận tâm đến một điều bất thường là tôi đến chỗ làm việc vào một ngày Chủ nhật. Chính tôi mới là người hay nghĩ ngợi lung tung. Chúng nó đi với mẹ, mẹ đến chỗ làm việc để làm một việc gì đó và sau đó... Chẳng hề gì, chúng nó tin tưởng ở tôi.
“Hôm qua chúng ta đã có một buổi tối rất tuyệt vời.
- A, hóa ra mẹ định nói chuyện ấy với chúng con à?
- Đợi đã, chúng ta sẽ nói từng chuyện một... Hôm qua chúng ta đã có một buổi tối tuyệt vời với Marouan, các con có nghĩ thế không? Marouan, cậu ấy làm các con nghĩ đến những gì nào?
- Chúng con nghĩ đến một anh chàng dễ mến đang sống ở nhà bố mẹ nuôi của mẹ, chính anh ấy đã nói thế...
- Và anh ấy bảnh trai, và anh ấy dễ mến nữa chứ!
- Vẻ bảnh trai hay sự dễ mến của cậu ấy quyến rũ các con?
- Tất cả mẹ à, anh ấy có vẻ dịu dàng.
- Đúng thế... các con có nhớ là khi bị thiêu sống, mẹ đang có thai không? Mẹ đã nói cho các con nghe về chuyện đó.
- Phải, mẹ đã kể cho chúng con nghe...
- Nhưng còn đứa bé ấy, con có biết nó ở đâu không?”
Chúng nó ngạc nhiên nhìn thẳng vào mắt tôi.
“Thế đứa bé ấy không ở lại với gia đình của mẹ ạ?
- Không. Con không đoán được đứa bé ấy đang ở đâu sao? Con chưa bao giờ gặp người nào giống con sao? Hay giống Nadia? Hoặc giống mẹ, một người có giọng nói giống mẹ, có cách đi đứng hệt như mẹ?...
- Không, con thề, con chưa gặp.
- Con cũng thế, con cũng chưa gặp.”
Nadia chỉ lặp lại câu trả lời của chị - Laetitia vẫn thường là người phát ngôn của nó - nhưng hôm qua, tôi cảm thấy nó có một chút ghen tỵ với Laetitia. Marouan cười nhiều với Laetitia và ít chú ý đến nó. Nó chăm chú nghe tôi nói, mắt nhìn tôi chằm chặp.
“Cả con nữa, Nadia, con cũng không biết à?
- Không mẹ ạ.
- Laetitia, con lớn tuổi hơn, có lẽ con còn nhớ chứ? Nhất định con đã gặp một người như thế ở nhà bố mẹ nuôi của mẹ...
- Không mà, con nói thật đấy.
- Thế thì mẹ nói nhé, chính là Marouan đấy!
- Ôi Chúa ơi! Marouan ư? Cái anh mà chúng con đã gặp tối hôm qua!”
Và cả hai cùng òa lên khóc.
“Anh ấy là anh trai chúng con hả mẹ! Anh ấy đã ở trong bụng mẹ!
- Anh ấy là anh trai của hai con. Anh ấy nằm trong bụng mẹ và mẹ đã một mình sinh ra anh ấy. Nhưng mẹ không bỏ anh ấy ở lại nơi đó, mẹ đưa anh ấy đến đây.”
Bây giờ tôi đi thẳng vào phần khó khăn nhất: giải thích tại sao tôi phải để Marouan làm con nuôi người khác. Tôi thận trọng tìm từ ngữ, những từ mà tôi đã nghe ở chỗ bác sĩ chuyên khoa tâm thần học, “tự xây dựng lại...”, “tự chấp nhận...”, “khôi phục chức năng phụ nữ...”, “khôi phục chức năng một người mẹ...”.
“Mẹ đã giữ kín chuyện ấy trong suốt hai mươi năm! Tại sao mẹ không nói cho chúng con biết sớm hơn?
- Vì hồi ấy các con còn rất bé, mẹ cũng không biết các con sẽ phản ứng thế nào, mẹ muốn đợi khi nào các con lớn hơn rồi hãy nói, như về các vết sẹo... về việc mẹ bị thiêu sống. Cũng giống như xây một ngôi nhà: người ta phải đặt viên gạch này tiếp theo viên gạch kia. Nếu có viên nào không chắc thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhiều viên gạch sẽ rơi. Trong chuyện này cũng thế con ạ. Mẹ muốn xây một ngôi nhà, và mẹ nghĩ rằng sau này ngôi nhà ấy sẽ khá vững chắc và khá cao để có thể đưa Marouan vào ở. Nếu không như thế, ngôi nhà của mẹ sẽ đổ nhào và mẹ sẽ không thể làm gì được. Nhưng bây giờ thì anh ấy đã đến rồi đấy. Mẹ để các con chọn lựa.
- Anh ấy là anh trai của con mẹ ạ. Mẹ cứ bảo anh ấy đến sống với chúng ta. Phải thế không, Nadia? Chúng mình có một người anh, trước đây chị vẫn luôn mơ có một người anh trai, một người anh lớn như anh của bạn chị. Và bây giờ chị đã có một người anh rồi. Anh ấy đấy, chính là Marouan! Phải thế không, Nadia?
- Em, em sẽ dọn tủ của em và em cũng sẽ cho anh ấy chiếc giường của em nữa!”
Nadia chưa từng cho tôi một cái kẹo cao su. Tuy rất rộng rãi nhưng nó không dễ dàng cho ai món đồ nào của nó. Vậy mà với anh trai, nó sẵn sàng cho tất cả!
Thật đáng ngạc nhiên, người anh trai xuất hiện từ một nơi nào đó, và nó sẵn sàng cho anh nó tất cả...
Vậy là người anh không quen biết đã chính thức bước vào nhà theo cách ấy. Cũng đơn giản như dọn sạch một cái tủ hay mang cho chiếc giường của Nadia. Chẳng mấy chốc, chúng tôi sẽ có một căn nhà rộng hơn, Marouan sẽ có phòng của riêng nó. Tôi bàng hoàng vì hạnh phúc. Suốt ngày chúng gọi điện thoại cho nhau, chờ nhau và tôi cho rằng sớm muộn chúng cũng sẽ cãi vã với nhau. Nhưng Marouan là anh trai lớn, nó ngay lập tức khẳng định uy quyền đối với các em gái:
“Laetitia, không được trả lời mẹ bằng cái giọng như thế! Mẹ đã bảo em vặn nhỏ tiếng tivi, em nghe lời mẹ đi! Em may mắn có đủ bố mẹ em thì em phải kính trọng họ!”
- Vâng, em xin lỗi, em không làm thế nữa, em hứa...
- Anh đến đây không phải để cãi nhau với các em, nhưng bố mẹ đều phải đi làm. Căn phòng lộn xộn này là thế nào?
- Nhưng ở trường chúng em phải học hành vất vả lắm. Anh đã đi học trước chúng em! Anh cũng biết rồi đấy!
- Phải, đúng thế, nhưng đó không phải là lý do để đối xử với bố mẹ như thế.”
Và Marouan đã hỏi riêng tôi:
“Mẹ à, chú Antonio nghĩ thế nào? Con cãi nhau với các em, chú ấy không giận chứ?
- Chú ấy rất hài lòng về những gì con đã làm.
- Con chỉ sợ một ngày nào đó, chú ấy nói với con: ‘Cậu cứ lo việc của cậu đi, chúng là con gái tôi...’ ”
Nhưng Antonio không bao giờ làm vậy. Anh chọn cách cư xử ấy cũng là sáng suốt. Anh vui lòng phó thác một ít quyền hành cho Marouan. Và lạ thay, hai con bé vâng lời anh chúng hơn bố chúng và tôi... Với Antonio và tôi, chúng còn cãi lại, và chúng sập cửa đánh rầm một cái, với Marouan thì không. Tôi thường nhủ thầm: “Miễn là được như thế mãi...”
Nhiều lúc tình hình hơi căng thẳng. Laetitia chạy vào giường tôi:
“Anh ấy làm con tức chết!
- Anh Marouan có lý con ạ, bố con cũng có lý. Con đã trả lời không được lễ phép cho lắm...
- Tại sao anh ấy lại bảo là nếu chúng con không chịu nghe lời thì anh ấy sẽ bỏ đi. Và rằng anh ấy đến đây không phải để quát mắng chúng con...?
- Cũng là bình thường thôi con ạ. Marouan không được may mắn như con, anh ấy đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn mà con chưa từng biết. Đối với anh ấy, cha mẹ rất quan trọng, đối với anh ấy, người mẹ vô cùng quý, bởi trước kia anh ấy không được gần mẹ. Con có hiểu không?”
Giá như tôi có thể vứt bỏ được mặc cảm tội lỗi vẫn thường hay trỗi dậy... Giá như tôi có thể thay đổi làn da... Tôi nói với Marouan rằng tôi quyết định đưa câu chuyện của chúng tôi vào một quyển sách và nó đã đồng ý.
“Như thế sẽ giống như một tập ảnh lưu niệm của gia đình... Và là một lời chứng về tội ác bảo toàn danh dự.
- Một ngày nào đó con sẽ về nơi ấy...
- Về để tìm gì hả con? Để trả thù? Đổ máu? Con được sinh ra ở đấy, nhưng con không hiểu những người đàn ông ở đấy. Chính mẹ cũng mong mỏi được trở về, chính mẹ, mẹ cũng căm thù. Mẹ cho rằng mẹ sẽ nhẹ lòng nếu được cùng con trở về ngôi làng đó và nói to: “Mọi người hãy nhìn đây. Nó là Marouan, con trai của tôi! Chúng tôi bị thiêu sống, nhưng chúng tôi không chết! Hãy nhìn xem nó đẹp trai, khỏe mạnh và thông minh ra sao!”
- Con chỉ muốn gặp lại bố con! Con muốn biết tại sao ông ấy lại bỏ rơi mẹ, trong khi ông ấy biết những gì sẽ xảy đến với mẹ...
- Có lẽ thế. Nhưng con sẽ hiểu rõ hơn khi mẹ kể lại trong một quyển sách. Mẹ sẽ kể tất cả những gì con chưa hiểu, tất cả những gì người khác chưa hiểu. Vì có rất ít người được sống sót, và trong số đó, nhiều phụ nữ đang phải trốn tránh và còn phải trốn tránh lâu hơn nữa. Họ đã sống trong sợ hãi và vẫn đang phải sống trong sợ hãi. Mẹ có thể làm chứng cho họ.
- Mẹ có sợ không?
- Một chút con à.”
Tôi rất sợ các con tôi, đặc biệt là Marouan, phải sống với một mong muốn báo thù. Sợ thói hung bạo, vốn được truyền từ thế hệ đàn ông này sang thế hệ đàn ông khác, sẽ để lại dấu vết, dù rất nhỏ, trong tâm trí nó. Nó cũng phải xây một ngôi nhà, bằng từng viên gạch một. Một cuốn sách sẽ rất có ý nghĩa trong việc xây một ngôi nhà.
Tôi đã nhận được bức thư của con trai tôi viết bằng nét chữ tròn trịa rất đẹp. Nó muốn động viên tôi thực hiện công việc khó khăn này. Bức thư lại một lần nữa làm tôi khóc.
Mẹ,
Sau cả quãng thời gian dài sống cô đơn, không có mẹ ở bên, cuối cùng được gặp lại mẹ, và mặc dù có bao chuyện đã xảy ra, nhưng được gặp lại mẹ, con cảm thấy có thêm hy vọng về một cuộc đời mới. Con nghĩ đến mẹ, nghĩ đến lòng can đảm của mẹ. Cảm ơn mẹ đã cho chúng con quyển sách ấy. Nó tiếp thêm can đảm cho con trong cuộc đời. Con yêu mẹ, mẹ ạ.
Con của mẹ, Marouan.
Lần đầu tiên kể về cuộc đời mình, tôi cố lôi từ trong ký ức những điều sâu kín nhất. Quả thực, việc làm đó khó khăn hơn làm chứng trước đám đông, và đau xót hơn việc phải trả lời những câu hỏi của các con tôi. Tôi hy vọng quyển sách này sẽ đến mọi miền thế giới, nó sẽ đến tận Cisjordanie và những người đàn ông ở đó sẽ không đốt bỏ cuốn sách này.
Ở nhà chúng tôi, quyển sách sẽ được dành một vị trí trang trọng trong thư viện gia đình và mọi việc kể như đã kết thúc. Tôi sẽ đóng bìa da để quyển sách không bị hư hỏng và mạ chữ vàng thật đẹp.
Cảm ơn.
Souad
Một nơi nào đó ở châu Âu
31 tháng Chạp 2002
- HẾT TRUYỆN -
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!