Bị thiêu sống Chương 2


Chương 2
KÝ ỨC

Tôi sinh ra trong một ngôi làng nhỏ. Người ta bảo với tôi rằng ngôi làng ấy nằm ở một nơi nào đó trên lãnh thổ Jordanie rồi đổi thành Transjordanie và cuối cùng là Cisjordanie. Nhưng vì tôi chưa bao giờ được cắp sách đến trường nên tôi mù tịt về lịch sử đất nước mình. Người ta lại bảo tôi sinh năm 1958, hoặc năm 1957... Thành thử năm nay, tôi đã vào khoảng bốn mươi lăm tuổi. Hai mươi lăm năm về trước tôi chỉ nói tiếng Ả Rập. Chưa bao giờ tôi đi ra khỏi làng xa hơn vài cây số tính từ căn nhà cuối làng. Tôi biết có những thành phố xa hơn nhưng không được nhìn thấy chúng. Tôi không biết Trái Đất tròn hay dẹt, cũng không có một ý niệm nào về thế giới! Tôi biết phải căm ghét những người Do Thái đã chiếm đất của chúng tôi. Cha tôi gọi họ là “lũ lợn”. Không được đến gần, nói chuyện, sờ vào bọn chúng vì có nguy cơ biến thành “lũ lợn” như chúng. Mỗi ngày tôi phải cầu nguyện ít nhất hai lần. Tôi ê a đọc như mẹ tôi, như các chị em tôi nhưng mãi đến nhiều năm sau, khi đến châu Âu tôi mới biết đến sự tồn tại của Kinh Koran. Đứa em trai duy nhất của tôi, ông vua của cả nhà được đi học, riêng bọn con gái thì không. Trong nhà tôi, sinh ra làm con gái là một điều bất hạnh. Người vợ trước hết phải đẻ con trai, ít nhất cũng phải một đứa. Nếu chỉ đẻ toàn con gái sẽ bị mọi người chế nhạo. Con gái tối đa chỉ cần hai hoặc ba đứa để lo việc nhà, việc đồng áng và chăn gia súc. Nếu đẻ thêm nhiều đứa khác sẽ là một đại họa nên cần phải vứt bỏ thật nhanh. Tôi đã sớm biết người ta vứt bỏ những đứa con gái đó thế nào. Cho đến năm mười bảy tuổi, tôi không được biết chuyện nào khác ngoài chuyện vì là con gái nên bản thân bị coi rẻ không bằng một con vật. Truyen8.mobi

Đó là cuộc đời thứ nhất của tôi, cuộc đời một phụ nữ Ả Rập xứ Cisjordanie. Cuộc đời này dài hai mươi năm và tôi đã chết ở đó. Chết về mặt thể xác, về mặt xã hội, chết mãi mãi.

Cuộc đời thứ hai của tôi bắt đầu ở châu Âu vào cuối những năm 1970, tại một sân bay quốc tế. Lúc ấy tôi chỉ là một nhúm thịt mang hình hài con người nằm đau đớn trên chiếc cáng cứu thương. Tôi bốc mùi chết chóc đến độ những hành khách cùng chuyến bay phải lên tiếng phản đối. Mặc dù được đặt nằm sau một tấm màn nhưng sự hiện diện của tôi vẫn khiến họ không thể chịu nổi. Người ta bảo với tôi là tôi sẽ sống, nhưng tôi biết không phải thế và sẵn sàng đợi cái chết. Tôi thậm chí còn van xin cái chết cứ mang tôi đi. Thà chết còn hơn đau đớn và nhục nhã. Thân xác tôi chẳng còn chút gì, tại sao người ta lại để tôi sống trong khi tôi chỉ mong cả hồn lẫn xác được biến khỏi cuộc đời?

Ngay cho đến tận hôm nay, nhiều khi tôi vẫn nghĩ đến chuyện này. Thực tình, hồi đó tôi chỉ muốn chết chứ không muốn phải đối mặt với cuộc đời thứ hai mà người ta hào phóng ban tặng cho tôi. Nhưng trong trường hợp của tôi, sống sót quả là một phép lạ. Giờ đây, nhờ nó mà tôi có thể là một nhân chứng thay mặt tất cả những con người không được may mắn như tôi, những con người hiện vẫn phải chết vì một lý do độc nhất: sinh ra là phụ nữ.

Tôi đã phải học tiếng Pháp bằng cách lắng nghe và cố lặp đi lặp lại những tiếng mà người ta phải ra dấu để tôi hiểu nghĩa: “Mal? Pas mal? Manger? Boire? Dormir? Marcher?” (Đau? Không đau? Ăn? Uống? Ngủ? Đi?) Và tôi trả lời “Có”, “Không” bằng cách gật hay lắc. Truyen8.mobi

Rất lâu sau đó, tôi tập đọc từng chữ trên một tờ báo, kiên trì đọc ngày này sang ngày khác. Ban đầu tôi chỉ mò mẫm đọc những mẩu rao vặt, những mẩu cáo phó, những câu ngắn ít từ mà tôi cố đọc thành tiếng, lặp đi lặp lại. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình là một con thú đang được người ta dạy để có thể nói được như con người, trong khi đó trong đầu tôi tự hỏi thầm bằng tiếng Ả Rập mình đang ở đâu, đang ở nước nào, tại sao mình không chết lúc còn ở trong làng. Tôi thấy hổ thẹn vì mình vẫn còn sống. Không ai biết được điều đó. Tôi rất sợ cuộc sống này và chẳng có ai hiểu nỗi sợ đó của tôi.

Tôi phải nói ra tất cả những điều đó trước khi thử tìm cách gom lại những mảnh vỡ ký ức của mình vì tôi mong rằng những lời tôi nói sẽ được viết thành sách.

Ký ức của tôi đầy những khoảng trống. Phần đầu tiên của cuộc đời tôi gồm toàn những hình ảnh, những cảnh tượng lạ lùng và tàn bạo như trong phim truyền hình. Chính tôi nhiều lúc cũng không tin sự thể lại có thể như thế, đến nỗi mà tôi phải rất khó khăn mới có thể sắp xếp chúng lại theo thứ tự ban đầu. Có thể quên được không, chẳng hạn, tên của một trong những chị em gái của mình? Quên được không, tuổi em trai mình lúc nó lấy vợ? Trong khi tôi vẫn chưa quên đàn dê, đàn cừu, đàn bò, chiếc lò nướng bánh mì, những buổi giặt quần áo trong vườn, những buổi thu hoạch súp lơ, bí, cà chua, và quả vả... chuồng ngựa và gian bếp... những bao lúa mì và những con rắn? Cái sân thượng, nơi tôi từng ngóng người tôi yêu? Cánh đồng lúa mì nơi tôi đã “phạm tội”?

Như vậy là tôi không nhớ rõ được quãng đời thơ ấu. Thi thoảng, khi một màu sắc, một vật gì đó đập vào mắt tôi, thế là tôi nhớ lại một hình ảnh, một nhân vật, những tiếng la hét, những khuôn mặt chồng chéo lên nhau. Thường thường, khi ai đó hỏi đến tôi, đầu tôi lập tức hóa ra trống rỗng. Tôi tuyệt vọng tìm câu trả lời nhưng không thể. Hoặc bỗng nhiên một hình ảnh chợt hiện ra trong óc tôi mà tôi lại không biết nó tương ứng với cái gì. Nhưng những hình ảnh này thì lại in sâu trong tâm trí tôi và không đời nào tôi quên. Không ai quên được cái chết của chính mình.

*

*        *

Tên tôi là Souad, tôi là một đứa con gái sinh ra ở miền Cijordanie. Tôi cùng chị tôi chăn cừu và dê bởi cha tôi có một đàn gia súc và tôi làm việc quần quật hơn một con lừa. Truyen8.mobi

Tôi bắt đầu lao động chân tay năm lên tám hay chín tuổi và thấy kinh từ năm mười tuổi. Ở làng chúng tôi, khi việc đó xảy đến với một đứa con gái thì mọi người bảo là đứa con gái ấy đã “chín”. Hồi đó tôi rất xấu hổ về thứ máu ấy vì phải giấu nó đi, ngay cả với mẹ đẻ, lén lút giặt chiếc quần saroual trắng lại như cũ, rồi phơi ra nắng cho chóng khô để đám đàn ông và những người hàng xóm không nhìn thấy. Tôi chỉ có hai chiếc saroual. Tôi vẫn nhớ những tờ giấy tôi dùng để lót và che chắn trong những ngày đáng nguyền rủa ấy, những ngày mà mình bị xem như con bệnh dịch hạch. Tôi phải len lén mang những dấu vết ô uế đó vùi trong thùng rác. Nếu đau bụng quá thì mẹ tôi sai nấu lá từ bi cho tôi uống. Bà lấy khăn phu-la quấn thật chặt quanh đầu tôi và đến hôm sau tôi không còn đau bụng nữa. Đó là phương thuốc duy nhất mà tôi còn nhớ và đến giờ tôi vẫn dùng vì nó rất hiệu nghiệm.

Ngay từ sáng sớm, tôi ra chuồng cừu, cho hai ngón tay vào mồm “hoét” lên một tiếng để gọi đàn cừu tập họp lại, rồi tôi đi cùng chị Kaênat lớn hơn tôi độ một tuổi. Con gái không được đi ra khỏi nhà một mình hoặc với một đứa em gái nhỏ tuổi hơn. Phải có chị gái lớn tuổi đi kèm để bảo đảm. Chị Kaênat rất dễ mến, hơi tròn và mập còn tôi thì bé và gầy. Chị và tôi rất hợp tính nhau.

Hai chị em chúng tôi cùng lùa đàn cừu và dê ra đồng cỏ nằm cách làng chừng mười lăm phút đi bộ. Chúng tôi đi nhanh, mắt cúi gằm xuống cho đến lúc qua khỏi nếp nhà cuối làng. Khi ra đến đồng cỏ, chúng tôi thoải mái kể chuyện tếu cho nhau nghe và thậm chí còn cười ngặt nghẽo với nhau. Tôi không còn nhớ những chuyện quan trọng mà chúng tôi đã nói với nhau. Chủ yếu là chuyện ăn pho mát, ăn một quả dưa hấu, trông coi mấy con cừu, nhất là trông coi mấy con dê vì chỉ cần lơ đễnh trong mấy phút là chúng có thể ngốn trụi lá của một cây vả. Khi đàn cừu nằm tụ lại thành vòng tròn để ngủ thì chúng tôi cũng chui vào chỗ bóng râm để ngủ, liều lĩnh chấp nhận rủi ro để xổng một con cừu hay dê trong đàn, để nó lạc vào thửa ruộng bên cạnh và đến khi về nhà thì đưa đầu ra mà lĩnh hậu quả. Nếu lỡ để con vật ấy lẻn vào phá vườn rau của nhà ai, hoặc họa ra cả bọn về đến chuồng cừu muộn chừng vài phút là sẽ được ăn một trận đòn chí tử bằng thắt lưng da. Truyen8.mobi

Trong mắt tôi, ngôi làng của chúng tôi rất đẹp và rất xanh, có rất nhiều vả, nho, cùng nhiều loại trái cây, chanh, và rất nhiều cây ôliu. Một mình cha tôi đã sở hữu phân nửa những thửa đất trồng trọt trong làng... Ông không giàu lắm, nhưng có của ăn của để. Ngôi nhà rất to được làm bằng đá, ngoài cùng là lớp tường bao quanh với một cánh cổng sắt màu xám. Cánh cổng ấy là biểu tượng của sự giam cầm đối với chị em chúng tôi. Một khi đã vào bên trong, cánh cổng đó sẽ được đóng lại nhằm ngăn không cho chúng tôi ra ngoài. Từ ngoài có thể đi vào qua cánh cổng ấy, nhưng bên trong không được đi ra. Không hiểu có chìa khóa hay không? Hay hệ thống khóa tự động? Tôi chỉ nhớ là cha tôi và mẹ tôi đi ra được nhưng chúng tôi thì không. Em trai tôi, trái lại, lúc nào cũng được tự do, tự do như gió: tự do đến rạp xem phim, đi ra, đi vào bằng cánh cửa ấy, muốn làm gì cũng được. Tôi thường nhìn cánh cửa ấy, cánh cổng sắt đáng nguyền rủa ấy và tự nhủ: “Không bao giờ mình có thể bước qua đó để đi ra ngoài, không bao giờ...”.

Ngay về chính ngôi làng, tôi cũng không biết gì nhiều vì có được phép đi ra ngoài bao giờ đâu mà biết. Nếu nhắm mắt lại để tập trung trí nhớ và cố hết sức, tôi có thể nói về một vài nơi đã từng nhìn thấy. Có ngôi nhà của cha mẹ tôi, rồi xa hơn một chút và nằm cùng phía là ngôi nhà mà tôi gọi là nhà của những người giàu. Đối diện là ngôi nhà của anh chàng mà tôi đã phải lòng. Cứ đi qua đường là tới và tôi có thể nhìn thấy ngôi nhà đó từ trên sân thượng. Tôi cũng nhìn thấy vài ngôi nhà nằm rải rác nhưng không biết rõ có bao nhiêu, có thể nói là rất ít. Những căn nhà đó có tường thấp hoặc hàng rào sắt bao quanh và chủ nhà cũng có vườn trồng rau như chúng tôi. Tôi chưa bao giờ đi thăm khắp nơi trong làng. Tôi chỉ ra khỏi nhà để đi chợ với cha mẹ hoặc cùng chị tôi lùa cừu ra đồng, tất cả chỉ có thế.

Cho đến năm mười bảy, mười tám tuổi, ngoài những thứ ấy ra tôi không được nhìn thấy thứ gì khác. Tôi chưa một lần được bước chân vào cửa hàng lớn trong làng nằm ngay gần nhà. Nhưng khi ngồi trên chiếc xe tải nhỏ của cha tôi để đi chợ, tôi trông thấy người chủ cửa hàng lúc nào cũng đứng ngoài cửa hút thuốc lá. Trước cửa hàng có hai cầu thang nhỏ: cầu thang bên phải dành riêng cho những người đàn ông mua thuốc lá, báo chí, đồ uống; bên trái là chỗ bán rau củ và hoa quả.

Trên mé đường này cũng có một ngôi nhà khác. Trong nhà ấy có một người đàn bà đã có chồng đang ở với bốn đứa con nhưng bà ta lại có quyền đi ra ngoài, có quyền bước vào cửa hàng. Tôi trông thấy bà ta đứng trên cầu thang, phía bán rau củ, với những túi nhựa trong suốt. Truyen8.mobi

Xung quanh nhà chúng tôi có nhiều khoảng đất rộng. Ở đấy chúng tôi trồng bí đao, bí ngô, súp lơ, cà chua và nhiều loại rau củ khác. Những thửa vườn của hàng xóm liền kề nhau và chỉ ngăn bằng một bức tường thấp, nhảy qua dễ ợt nhưng không ai trong chúng tôi làm như vậy. Việc cầm tù chúng tôi được xem là bình thường. Con gái trong nhà không bao giờ dám nghĩ đến việc vượt qua bức rào chắn tượng trưng ấy. Mà vượt qua để đi đâu kia chứ? Một khi đã ra đến giữa làng, con gái đi một mình rất dễ bị phát hiện. Đến lúc ấy thì tiếng tăm và danh dự của gia đình đều tiêu tan.

Tôi ngồi giặt quần áo trong thửa vườn ấy. Nơi góc vườn có một cái giếng và tôi đun nước trong một cái chậu to bắc trên đống củi đang cháy phừng phừng. Tôi vào nhà chứa củi, lấy ra một bó củi, tự tay bẻ các cành cây khô bằng cách tì nó vào đầu gối. Muốn có nước sôi phải mất thời gian... phải đợi một lúc lâu. Nhưng trong lúc chờ nước sôi, tôi làm nhiều việc khác, quét và chùi rửa sàn nhà, tưới rau trong vườn. Rồi tôi giặt quần áo và mang lên sân thượng phơi ngoài nắng.

Nhà chúng tôi hiện đại, rất tiện nghi, nhưng trong nhà lại không có nước nóng để tắm rửa và làm bếp. Phải đun nước ở bên ngoài rồi bê vào. Về sau cha tôi cho lắp bình nước nóng và bảo người ta đưa tới nhà một cái bồn tắm có vòi hoa sen. Bọn con gái trong nhà phải dùng chung lượng nước đựng sẵn trong bồn để tắm rửa, chỉ mỗi mình em trai tôi là có quyền dùng nước riêng và dĩ nhiên cha tôi cũng có quyền như thế.

Ban đêm, tôi nằm ngủ chung với các chị gái em gái, trên tấm da cừu trải ngay dưới đất. Khi trời nóng bức quá thì ngủ trên sân thượng, nằm thành hàng dài dưới bóng trăng. Bọn con gái đứa này nằm cạnh đứa kia trong một góc. Cha mẹ và em trai tôi nằm một góc khác.

Ngày làm việc bắt đầu từ rất sớm, khoảng bốn giờ sáng, lúc mặt trời vừa mọc, nếu không phải từ trước đó, cha tôi và mẹ tôi đã thức dậy. Vào vụ thu hoạch lúa mì, cả nhà mang đồ ăn theo và cả nhà nghĩa là cả cha tôi, mẹ tôi, các chị tôi và tôi cùng cật lực làm việc. Vào vụ thu hoạch vả, cả nhà cũng đi làm thật sớm. Phải nhặt từng quả một, không được sót quả nào rồi bỏ vào thùng gỗ và cha tôi sẽ đem ra chợ. Phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ nếu dắt lừa đi bộ để tới một thành phố nhỏ, quả tình là rất nhỏ, không biết là thành phố gì, mà giá có biết tên thì tôi cũng không còn nhớ... Chợ họp một nửa ngay ở cửa ngõ thành phố được dành riêng cho những sản phẩm do dân thành phố làm ra và do các lái buôn đứng bán. Muốn sắm quần áo phải tới một thành phố lớn hơn và phải đi xe khách. Nhưng bọn con gái thì không bao giờ được tới đó. Chỉ có mẹ tôi đi cùng cha tôi. Vẫn là như vậy: bà tới đó mua đồ cùng cha tôi, mua cho mỗi đứa con gái một cái áo và dù thích hay không, chúng tôi vẫn phải mặc. Các chị tôi và tôi, ngay đến mẹ tôi nữa chẳng ai có quyền nói đi nói lại một câu nào, chỉ có thế hoặc không có gì cả.

Đó là thứ áo thân dài, tay ngắn bằng vải cô tông xám, đôi khi là màu trắng và rất hiếm khi có loại màu đen. Thứ vải này mặc vào rất nóng và làm da khó chịu như bị kim châm. Cổ áo khá cao và kín mít. Nhưng tùy theo mùa, bắt buộc phải mặc thêm một chiếc áo sơ mi hay áo gi-lê dài tay. Mặc thêm như thế thường là rất nóng, nóng đến phát ngốt, nhưng bắt buộc phải có tay dài. Để lộ một phần cánh tay hay một phần chân hay tệ hơn nữa là để hở một phần vai và ngực là một điều sỉ nhục. Lúc nào chúng tôi cũng đi chân trần, không bao giờ đi giày, ngoại trừ những phụ nữ có chồng. Truyen8.mobi

Bên trong chiếc áo dài lệt bệt có nút áo cài đến tận cổ, tôi mặc một chiếc saroual. Đó là một chiếc quần màu xám hoặc màu trắng với hai ống quần rộng thùng thình. Và bên trong chiếc quần ấy còn phải mặc một chiếc quần lót rộng như một chiếc quần soóc cao đến trên bụng. Mấy chị em tôi đều phải mặc như vậy.

Mẹ tôi thường mặc toàn màu đen. Cha tôi mặc một chiếc saroual trắng cùng chiếc sơ mi dài, đầu quấn khăn phu-la có những ô vuông trắng và đỏ được xem là “quốc phục” của giới mày râu xứ Palestine.

Cha tôi! Tôi còn mường tượng nhìn thấy ông ngồi bệt trước nhà, dưới gốc cây với chiếc gậy để bên. Người ông nhỏ bé, da ông rất trắng và có những nốt tàn nhang màu hung, đầu cha tôi tròn và đôi mắt màu xanh trông rất dữ tợn. Có lần, ông bị gãy chân do ngã ngựa. Bọn con gái chúng tôi đứa nào cũng vui mừng vì ông không thể đuổi theo để đánh chúng tôi bằng chiếc thắt lưng da được. Giá ông chết luôn thì có lẽ chị em chúng tôi còn vui mừng hơn nữa.

Tôi mường tượng rất rõ người cha ấy. Tôi không tài nào quên được ông, cứ như thể hình ảnh ông đã in sâu vào tâm trí tôi. Ông ngồi chễm chệ trước nhà, như một ông vua ngồi trước cung điện với mảnh khăn ô vuông trắng đỏ che kín chiếc đầu hói lơ thơ vài sợi tóc màu hung. Ông mang thắt lưng da và đặt cây gậy trên đùi. Tôi còn nhìn thấy rõ ông ngồi đấy, dáng nhỏ bé và dữ tợn... vừa cởi chiếc thắt lưng da vừa quát: “Sao lại để cừu chạy rông như thế hả?”

Ông túm lấy tóc tôi, giật mạnh làm tôi ngã xuống đất và lôi tôi xềnh xệch vào nhà bếp. Trong khi tôi còn quỳ gối chưa đứng lên được thì ông đánh. Ông kéo mạnh bím tóc tôi như muốn rứt nó ra, rồi ông cắt tóc tôi bằng chiếc kéo to chuyên dùng cắt lông cừu. Tôi không còn tóc nữa. Càng khóc, càng kêu, càng van xin, càng chỉ tổ bị ăn thêm mấy cái đá. Đó là lỗi của tôi.

Hôm ấy trời nóng quá nên tôi và chị tôi, cả hai đều ngủ thiếp để đàn cừu xổng ra lúc nào không biết. Tôi bị đánh bằng gậy, bị đánh mạnh đến nỗi nhiều khi đau quá không nằm được, nằm nghiêng sang trái không được, sang phải cũng không xong. Ngày nào chúng tôi cũng bị đánh, bất kể bằng thắt lưng da hay bằng gậy. Một ngày không bị đánh là một ngày không bình thường.

Lần ấy hình như ông đã trói cả hai chúng tôi lại, chị Kaênat và tôi bị trói giật khuỷu tay, hai chân cũng bị trói, với một chiếc khăn phu-la nhét vào mồm để ngăn không cho chúng tôi kêu. Chúng tôi bị trói như thế suốt đêm, bị trói chặt vào hàng rào trong chuồng cừu, cùng với những con vật nhưng còn tệ hại hơn những con vật.

Trong làng, nhà nào cũng như thế, đó là luật của những người đàn ông. Hàng ngày ở trong những ngôi nhà khác chắc chắn đều có xảy ra những vụ đàn bà con gái bị đánh đập. Ở nhiều nơi nghe văng vẳng có tiếng kêu khóc. Thành thử việc đàn bà con gái bị đánh đập, bị cạo đầu và bị trói vào thanh rào trong chuồng cừu là chuyện bình thường. Không có cách sống nào khác.

Cha tôi là vua, là người đàn ông có đủ mọi quyền hành, là kẻ sở hữu, là kẻ quyết định, là kẻ đánh đập và tra tấn chúng tôi. Ông bình thản ngồi phì phèo tẩu thuốc trước ngôi nhà có những người đàn bà đang bị giam cầm, bị đối xử tệ hại hơn những con vật. Đàn ông lấy vợ chỉ để có con trai, để bắt vợ và những đứa con gái do người vợ bất hạnh sinh ra làm nô lệ phục dịch mình.

Nhiều lúc tôi nhìn thằng em trai tôi, thằng em trai mà cả nhà đều yêu quý, cũng như tôi yêu quý nó, và thầm nghĩ: “Nó có gì hơn chứ? Cũng từ một bụng mẹ chui ra như mình thôi...” Tôi không có câu trả lời. Mọi thứ phải như thế thôi. Chúng tôi phải phục vụ nó như đã phục vụ cha tôi, phục vụ bằng cách vừa quỳ gối vừa cúi rạp đầu. Truyen8.mobi

Tôi còn nhìn thấy cái khay trà. Ngay cả khi bê khay trà lên cho những người đàn ông trong gia đình chúng tôi cũng phải quỳ, phải đếm từng bước đi, phải khom lưng và phải im lặng. Không được nói một tiếng và chỉ được phép trả lời khi có ai hỏi đến. Đến trưa phải mang món cơm tẩm đường với rau cùng thịt gà hay thịt cừu lên. Bao giờ cũng phải có bánh mì. Bao giờ cũng phải có các món ăn, bữa ăn trong nhà luôn phải đầy đủ.

Có rất nhiều hoa quả. Nho, tôi chỉ cần lên hái trên sân thượng. Có cam, chuối và nhất là những quả vả đen và xanh. Những buổi đi hái quả lúc sáng sớm tinh mơ là kỷ niệm tôi không bao giờ quên. Những quả vả hơi nứt vì khí lạnh ban đêm và chất ngọt trong quả chảy ròng ròng như mật, một loại quả ngọt tinh khiết nhất.

Công việc nặng nhọc nhất là chăm sóc đàn cừu. Lùa chúng ra đồng, trông coi chúng, đưa chúng về chuồng, cắt lông chúng để cha tôi mang ra chợ bán. Tôi nắm chân con cừu, bắt nó nằm xuống đất, trói nó lại và cắt lông nó bằng chiếc kéo to. Quả thực chiếc kéo quá to so với bàn tay tôi nên chỉ sau một lúc tôi đã thấy tay mỏi nhừ.

Rồi tôi ngồi xoãi ra đất vắt sữa cừu. Tôi kẹp chân con cừu giữa hai chân tôi và vắt sữa để làm pho mát. Ngoài ra, chúng tôi cũng để cho sữa nguội đi và uống nguyên chất như thế, thật béo và bổ dưỡng.

Trong nhà của cha tôi, khu vườn cung cấp cho chúng tôi hầu hết những thực phẩm cần thiết. Và chính chúng tôi tự tay làm mọi thứ. Cha tôi chỉ mua đường, muối và chè.

Buổi sáng, tôi pha chè cho bọn con gái uống. Với những quả ôliu cạnh nhà, tôi làm một ít dầu ôliu trong một cái đĩa nhỏ và tôi bắc một chậu nước trên lò nướng bánh mì để đun sôi nước. Chè xanh phơi khô được đựng sẵn trong một túi vải màu nâu nhạt để trong góc bếp. Tôi cho tay vào túi bốc một nắm chè bỏ vào ấm, cho thêm đường và quay ra vườn lấy chậu nước sôi. Chậu nước rất nặng và tôi cầm hai quai chậu mà bê rất khó khăn. Lưng hơi khom lại để không bị bỏng vì hơi nước nóng, tôi đi vào nhà bếp và đổ nước vào ấm, đổ từ từ lên chè và đường. Thứ đường ấy rất quý và đắt tiền. Tôi biết, nếu để rơi vài hạt đường xuống đất là bị đánh đòn ngay. Vì vậy, tôi rất cẩn thận. Nếu lỡ tay để rơi thì không nên lấy chổi quét đi mà phải nhặt từng hạt lên và bỏ vào ấm chè. Sau đó các chị các em tôi đến ăn, nhưng cha tôi, mẹ tôi và em trai tôi không bao giờ đến ăn chung. Hình ảnh của những buổi sáng sớm uống trà ấy, lúc nào tôi cũng chỉ nhìn thấy có bọn chị em gái chúng tôi ngồi bệt ngay trên sàn đất nhà bếp. Tôi cố xác định tuổi của tôi khi đó nhưng điều này thật khó. Có phải hồi ấy chị cả tôi, chị Noura chưa đi lấy chồng? Truyen8.mobi

Tôi không thể căn cứ theo tuổi tác của mình để sắp xếp các kỷ niệm theo thứ tự được. Tôi nghĩ rằng ký ức của tôi chỉ hơi chính xác, chỉ đúng một cách tương đối và lệch so với thực tế chừng một hoặc hai năm gì đấy, và tôi chỉ chắc chắn nhất về nó trong khoảng thời gian có đám cưới chị Noura. Tôi đoán chừng hồi ấy tôi khoảng mười lăm tuổi.

Thế là ở nhà chỉ còn chị Kaênat chưa chồng lớn hơn tôi một tuổi cùng một đứa em gái sinh sau tôi mà tôi không nhớ tên. Tôi đã cố nhớ lại tên của nó mà không tài nào nhớ được. Khi nhắc đến nó, tôi buộc phải gọi nó bằng một cái tên. Vì vậy tôi gọi nó là Hanan, nhưng nó phải bỏ quá cho tôi vì nhất định đó không phải là tên thật của nó. Tôi biết chính nó đã trông nom hai đứa em gái cùng cha khác mẹ mà cha tôi đã mang về nhà nuôi sau khi bỏ Aicha, bà vợ hai. Tôi đã trông thấy người phụ nữ đó và không ghét bà ấy. Cha tôi lấy bà ta làm vợ, âu cũng là chuyện bình thường. Lúc nào ông cũng muốn có con trai, nhưng với Aicha mong muốn ấy cũng không được đáp ứng, bà chỉ đẻ được hai đứa con gái. Lại con gái! Thế là ông bỏ rơi bà ta và mang hai đứa bé ấy về nhà. Cũng bình thường thôi! Ở đời này mọi thứ đều bình thường, kể cả những trận đòn bằng gậy và bao nhiêu thứ khác. Tôi không thể tưởng tượng ra cuộc đời nào khác. Vả lại tôi không tưởng tượng gì cả. Tôi cho rằng trong đầu tôi không có mơ ước, không có ý tưởng gì rõ ràng. Chúng tôi không có một món đồ chơi, không có một trò chơi nào. Chỉ có nghe lời và phục tùng. Truyen8.mobi

Dù sao chăng nữa, bây giờ hai đứa em gái đó sống với chúng tôi. Hanan ở nhà trông nom chúng. Điều ấy thì chắc chắn rồi. Nhưng tên của chúng, vô phúc thay cũng bị chìm trong quên lãng. Tôi vẫn gọi chúng là “hai đứa em gái”... Theo những kỷ niệm đầu tiên của tôi, hồi ấy chúng khoảng năm và sáu tuổi, và chưa làm được việc gì. Hanan có trách nhiệm trông coi chúng nên họa hoằn lắm mới bước chân ra khỏi nhà, chỉ khi nào thật cần thiết, để thu hoạch rau củ.

Trong gia đình chúng tôi, trẻ con sinh cách nhau khoảng chừng một năm. Mẹ tôi lấy chồng năm mười bốn tuổi. Cha tôi hơn mẹ tôi nhiều tuổi. Bà đẻ rất nhiều con. Mười bốn đứa cả thảy. Trong số đó chỉ có năm còn sống. Từ lâu, tôi không thể hình dung được thế nào là mười bốn đứa con... Một hôm, trong lúc tôi mang chè ra mời thì nghe ông ngoại tôi nhắc tới chuyện đó. Tôi nghe rõ mồn một lời ông nói: “Cũng may là mày lấy chồng sớm, đẻ được mười bốn đứa... và có một đứa con trai. Thế là tốt!”.

Tuy không được đến trường nhưng tôi biết đếm có bao nhiêu cừu trong chuồng. Tôi có thể đếm trên đầu ngón tay để biết rằng chỉ có năm đứa chúng tôi là từ cùng một bụng mẹ chui ra: Noura, Kaênat, tôi - Souad, Assad và Hanan. Thế còn những đứa khác đâu rồi? Mẹ tôi không bao giờ bảo những đứa ấy đã chết nhưng điều đó có thể suy ra từ câu nói quen thuộc của bà: “Tao sinh được mười bốn đứa, nhưng chỉ bảy đứa còn sống”. Nếu cho rằng bà đã gộp cả 30eb hai đứa em cùng cha khác mẹ, vì không bao giờ chúng tôi gọi hai đứa ấy bằng “em cùng cha khác mẹ” mà chỉ gọi bằng “em” và xem chúng như em ruột thì quả tình bọn chúng tôi có bảy đứa cả thảy... Thế thì bảy đứa kia đâu? Mà nếu bà không gộp hai đứa con của người vợ hai vào đám chúng tôi thì con số còn thiếu phải là chín đứa?

Tuy nhiên một hôm, tôi đã hiểu rõ tại sao trong nhà chỉ còn mỗi bảy đứa, hay năm đứa...

Tôi không thể nói lúc ấy tôi lên mấy, nhưng khi đó tôi chưa “chín”, nên có lẽ lúc đó tôi chưa đầy mười tuổi. Noura, chị cả tôi, đang ở với tôi. Tôi đã quên nhiều chuyện, nhưng không thể quên được chuyện chính mắt tôi đã trông thấy, vô cùng kinh hoàng. Tôi trông thấy mà không hiểu rằng đó là tội ác.

Tôi trông thấy mẹ tôi nằm dưới đất, trên tấm da cừu. Bà đang sinh em bé và dì Salima đang ngồi bên cạnh, trên chiếc gối nệm. Tôi nghe có tiếng kêu của mẹ và của đứa bé. Và mẹ tôi nhanh tay vơ tấm da cừu trùm lên đứa bé để nó chết ngạt. Bà đang quỳ trên đầu gối và tôi nhìn thấy đứa bé động đậy dưới tấm da cừu. Nhưng sau đó thì hết, không còn gì nữa. Tôi không còn biết chuyện gì xảy ra tiếp theo sau, đứa bé đã chết, chỉ thế thôi và tôi sợ đến rụng rời.

Vậy là mẹ tôi đã bóp một đứa bé gái chết ngạt ngay lúc nó vừa chào đời. Tôi trông thấy bà làm việc đó một lần, rồi hai lần và đến lần thứ ba thì tôi không chắc mình có chứng kiến hay không, nhưng tôi biết mẹ tôi đã làm. Tôi cũng nghe chị Noura nói với mẹ tôi: “Nếu đẻ con gái, con cũng sẽ làm như mẹ...”

Như thế là có đến năm hay bảy đứa bé gái bị mẹ tôi vứt bỏ bằng cách ấy. Những đứa bé do mẹ tôi sinh thêm sau này và rõ ràng sau Hanan vì Hanan là đứa cuối cùng còn sống sót. Đó là một việc được chấp nhận và bình thường mà không ảnh hưởng đến ai. Ngay cả với tôi cũng chẳng sao hết, ít ra tôi cũng đã tin như thế trong lần đầu tiên, mặc dù lần ấy tôi cảm thấy sợ vô cùng. Truyen8.mobi

Những đứa bé gái mà mẹ tôi tước đi mạng sống, kể ra cũng là một phần nào của chính tôi. Từ đấy, cứ mỗi lần cha tôi bắt một con cừu hoặc một con gà để giết thịt là tôi lại nấp vào chỗ vắng ngồi khóc một mình vì tôi lo sợ cho tính mạng của chính mình. Cái chết của một con vật, của một đứa bé sơ sinh, đối với cha mẹ tôi là chuyện đơn giản, bình thường, nhưng nó lại khiến cho tôi sợ đến rụng rời, sợ đến lượt mình cũng sẽ chết như chúng, đơn giản và chóng vánh. Tôi nhủ thầm: “Sẽ có ngày đến lượt tôi hoặc chị tôi. Họ có thể giết chúng tôi nếu như họ muốn. Lớn hay nhỏ, chẳng có gì khác biệt cả. Bởi họ đã cho chúng tôi sự sống thì họ cũng có quyền tước đoạt sự sống đó.”

Còn sống với cha mẹ tôi trong ngôi làng ngày nào thì nỗi sợ hãi về cái chết vẫn luôn ám ảnh chúng tôi ngày ấy. Tôi sợ không dám trèo lên thang khi trông thấy cha tôi đứng dưới. Tôi sợ chiếc rìu vẫn dùng để bổ củi, sợ cái giếng khi đi lấy nước. Sợ những khi cha tôi dõi theo chúng tôi lùa đàn cừu về chuồng. Sợ tiếng kẹt cửa lúc nửa đêm, sợ bị bóp chết ngạt dưới tấm da cừu tôi vẫn trải dưới đất làm giường ngủ.

Nhiều lúc, trên đường lùa đàn cừu từ đồng cỏ trở về nhà, tôi và chị Kaênat thỉnh thoảng cũng nói với nhau về việc ấy.

 “Ví dụ chẳng may mọi người đã chết sạch khi chúng ta trở về nhà thì sao nhỉ?... Và mẹ bị ông ấy giết chết? Cầm hòn đá đập một cái là xong! Chúng mình sẽ phải làm gì đây?

- Mỗi lần ra giếng múc nước là em lẩm nhẩm đọc kinh, giếng gì mà sâu đến phát sợ. Em thường nghĩ bụng nếu không may bị xô xuống dưới ấy thì có lẽ chẳng ai biết được em đã biến đi đâu! Chị có chết rũ xương dưới giếng cũng chẳng có ai đến kéo chị lên đâu.”

Cái giếng là nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi và tôi cảm thấy đó cũng là nỗi sợ lớn nhất của mẹ. Tôi sợ cả những khe sâu trong núi khi đưa đàn dê và cừu về nhà. Tôi đưa mắt nhìn quanh, chỉ sợ cha tôi có thể nấp ở đâu đấy chờ dịp đẩy tôi xuống vực. Chuyện đó rất dễ đối với ông. Một khi đã rơi xuống đáy vực thì tôi chỉ còn nước chết. Người ta thậm chí còn có thể chất thêm mấy hòn đá trên xác của tôi. Tôi sẽ bị vùi sâu vào lòng đất và nằm ở đó mãi mãi. Truyen8.mobi

Tuy vậy, chúng tôi vẫn lo sợ về cái chết có thể xảy đến với mẹ hơn là lo sợ cho tính mạng của một chị em nào đó. Một đứa con gái nếu không may chết đi thì vẫn còn nhiều đứa khác... Cũng giống như chúng tôi, mẹ thường bị cha tôi đánh đập. Thỉnh thoảng, khi thấy chúng tôi bị đánh đau quá, bà cố sức bênh vực chúng tôi. Thế là bà cũng bị đánh. Cha tôi túm tóc bà rồi dúi cho ngã lăn xuống đất. Cuộc sống thường nhật của chúng tôi là cái chết có thể ập đến trong từng ngày. Nó có thể xảy đến vì một chuyện không đâu đầy bất ngờ, đơn giản vì cha tôi đã quyết định như vậy. Cũng giống như mẹ tôi đã quyết định bóp chết các bé gái sơ sinh.

Bà có thai rồi ít lâu sau không có thai nữa, không một người nào thắc mắc về điều đó. Chúng tôi không thân với những thiếu nữ khác trong làng. Chỉ chào hỏi nhau qua loa khi tình cờ gặp. Người ta không có nhiều dịp gặp nhau, trừ những lần đi mừng đám cưới. Và có nói chuyện thì cũng chỉ nói những chuyện vặt vãnh tầm thường. Nói về các món ăn, bình phẩm về cô dâu, về những đứa con gái khác, bảo là đứa này đẹp, hoặc đứa kia xấu... và về một chị nào đó được xem là may mắn vì được trang điểm.

“Nhìn con bé kia mà xem, nó nhổ lông mày đấy...

- Mái tóc con bé kia cắt đẹp chưa kìa.

- Ê, nhìn con bé này mà xem... chân nó đi giày!”

Đó là đứa con gái giàu nhất làng, chân đi dép thêu. Còn lũ chúng tôi lúc nào cũng đi chân đất ra đồng. Khi bị gai đâm vào chân, chúng tôi phải ngồi bệt xuống đất để nhổ. Mẹ tôi cũng không có đôi giày nào để đi, chị Noura hôm đi lấy chồng vẫn đi chân đất. Những câu chuyện chúng tôi trao đổi với nhau trong các buổi tiệc cưới chủ yếu chỉ có thế và tôi mới chỉ đi dự đám cưới hai hay ba lần.

Than vãn về chuyện bị đánh đập là một điều không ai trong chúng tôi dám nghĩ tới vì đó là chuyện vẫn thường xảy ra. Không ai thắc mắc về chuyện sống hay chết của bọn trẻ sơ sinh, trừ trường hợp người phụ nữ sinh được con trai. Nếu đứa bé trai ấy vẫn còn sống sau khi sinh thì đó là vinh quang cho sản phụ và gia đình. Nhưng nếu đứa bé ấy chết thì mọi người sẽ than khóc cho nó và đó sẽ là bất hạnh cho sản phụ và gia đình. Người ta chỉ quan tâm đến con trai chứ không đoái hoài đến con gái. Truyen8.mobi

Tôi không biết điều gì xảy đến với những bé gái sau khi bị mẹ tôi bóp chết. Người ta có thể chôn chúng ở một nơi nào đó? Hay người ta đem vứt cho chó ăn? Mẹ tôi toàn mặc đồ đen, cha tôi cũng vậy. Mỗi khi một bé gái được sinh ra là trong nhà như có đám tang. Lúc nào lỗi cũng thuộc về mẹ tôi vì mẹ chỉ đẻ toàn con gái. Cha tôi đã nghĩ như thế và cả làng cũng nghĩ như thế.

Trong làng tôi, nếu phải chọn giữa một đứa con gái và một con bò cái thì đàn ông sẽ chọn con bò cái. Cha tôi thường nhắc đi nhắc lại mãi không chán rằng chúng tôi là một lũ vô dụng, chẳng có giá trị gì: “Bò cái cho sữa và sinh ra bò con. Người ta làm gì với sữa và bò con? Họ đem chúng đi bán và mang tiền về nhà. Như thế có nghĩa là đối với gia đình, bò cái là con vật có ích. Nhưng một đứa con gái thì sao? Đối với gia đình nó giúp được gì nào? Chẳng gì cả! Cừu, chúng mang lại gì cho gia đình? Chúng cho len. Có len, người ta đem đi bán và mang tiền về nhà. Cừu cái lớn lên và đẻ ra cừu con rồi chúng lại cho sữa để làm pho mát. Có pho mát, người ta đem bán và mang tiền về nhà. Một con bò cái hay một con cừu bao giờ cũng tốt hơn một đứa con gái nhiều.”

Bọn con gái chúng tôi đều bị thuyết phục để tin như thế là đúng. Vả lại con bò cái, con cừu cái, con dê cái, con nào cũng được đối xử tử tế hơn chúng tôi. Chúng không bao giờ bị cha tôi đánh đập.

Và chúng tôi cũng tin rằng con gái quả là một vấn đề lớn đối với người cha trong mỗi gia đình. Ông ta luôn lo không gả được chồng cho con gái. Ngay cả khi nó đi lấy chồng rồi thì vẫn còn mối lo bị mất mặt và bị sỉ nhục trong trường hợp chẳng may nó bị chồng đối xử thô bạo và bỏ nhà chồng để quay về nhà cha mẹ đẻ. Và chừng nào còn chưa gả được chồng cho nó thì lại lo nó trở thành gái già bởi vì cả làng sẽ nói ra nói vào, và đối với gia đình, đó là một thảm họa. Một gái già đi ra đường với cha mẹ sẽ bị mọi người dòm ngó và chế giễu. Quá tuổi hai mươi mà còn ở nhà với cha mẹ là chuyện bất bình thường. Dân làng đều thừa nhận nguyên tắc chị em một nhà phải đi lấy chồng theo thứ tự tuổi tác, chị cả đi lấy chồng trước, sau đó lần lượt đến các em. Nhưng quá tuổi hai mươi, không ai xét đến nguyên tắc nữa. Tôi không biết ở những thành phố khác của nước tôi mọi việc như thế nào chứ ở làng tôi tình hình vẫn luôn như vậy. Truyen8.mobi

Năm tôi rời làng, dễ chừng mẹ tôi chưa đầy bốn mươi tuổi. Bà đã sinh được mười hai hay mười bốn đứa con nhưng chỉ còn năm hay bảy đứa. Có phải những đứa kia đã bị bà bóp chết hết rồi không? Điều đó cũng không quan trọng. Đó là một điều vô cùng “bình thường”.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25046


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận