Nếu có thời gian nhàn rỗi, không bằng nghe một câu chuyện đi. Không liên quan đến đấu đá kinh tâm động phách chốn triều đình triều thần, cũng không miêu tả quyết đấu liều mạng trong bang phái giang hồ; dứt bỏ những lễ nghi phiền phức mà kể ra có thể khiến người ta hoang mang cùng với mùi máu tanh nồng đến mức khiến người người cảm thấy khó thở, kể lại một chút chuyện xưa gần như đã mai một trong cuốn sách ố vàng và một gã nam tử thong dong hành tẩu nơi phù hoa trần thế.
Bèn đề xuất Lý Thuần Phong. Bắt đầu có hứng thú với người này vào năm năm trước, trong một lần lục lọi tư liệu, thấy được một câu thuyết pháp về “Thôi Bối Đồ”[1]. Tin chắc nó xếp đầu tiên trong bảy lời đại tiên tri của Trung Quốc cổ đại, viết từ thời Đường đến tận thời Dân quốc, triều đại biến hóa suốt nghìn năm trời, nhưng vẫn có thể tìm được dấu vết các sự kiện trọng đại trong bức họa này. Nhất thời hiếu kỳ, thử tìm đọc xem sao, liền hoàn toàn thất vọng: Văn từ khô khan, không phải cổ xưa cũng chẳng phải hiện đại, đa số còn là do hậu thế làm giả, không cao siêu, cũng chẳng linh nghiệm, chỉ là gán ghép đầy miễn cưỡng mà thôi.
Bỏ qua, nhưng vẫn nhớ tác giả Thôi Bối Đồ trong truyền thuyết: Viên Thiên Cương, Lý Thuần Phong. Hai người sinh cùng thời sơ Đường, chỗ này nói là thầy trò, chỗ kia nói là đối thủ. Thử nghiên cứu xem sao, biết họ Viên có thân phận đạo sĩ, chưa từng lưu lại dấu ấn trong sử sách, phần lớn đều là hư cấu; nhưng Lý Thuần Phong thì thực sự có thật. Trong “Đường Thư”[2] có ghi, Lý là “người Kỳ Châu. Thuở nhỏ đã thông tuệ hiếu học, đọc nhiều sách vở, nhất là về các môn thiên văn, lịch toán, âm dương. Năm đầu Trinh Quán[3], vì bác bỏ ý kiến dùng lịch của Phó Nhân Quân, sau đó có nghiên cứu sửa chữa lại nhiều chỗ, được phong làm quan, cuối cùng lên tận chức Thái sử.”
Đây vẫn là một đoạn giới thiệu không rõ ràng, chỉ nói rõ hắn từng làm Thái sử của Đường Thái Tông mà thôi. Điều thực sự làm tôi thấy kinh ngạc là những việc hắn từng làm. Đầu tiên, người này là một nhà toán học, là người Trung Quốc đầu tiên luận ra công thức đo thể tích đốt sống. “Bảng cửu chương” mà tất cả chúng ta đều biết tới, cũng là do hắn chú giải, rồi trở thành giáo trình thống nhất toàn quốc ngay khi ấy; Thứ hai, hắn là nhà thiên văn học, dựa theo cơ sở Hỗn thiên nghi của Trương Hành[4] mà phát minh ra Tam Thần Nghi[5]. Ngày nay khi Cố cung tu sửa Hỗn thiên nghi cũng làm theo cấu tạo hắn đề ra hơn nghìn năm trước. Thứ ba, hắn cũng là nhà khí tượng, người đầu tiên đề ra các cấp độ của sức gió. Trong tác phẩm “Ất dĩ chiêm”, có chia sức gió ra làm tám cấp độ, được coi là mốc lịch sử quy định đo lường khí tượng sớm nhất.
Cho dù lấy tư cách của người hiện đại mà xem xét, chỉ một mình đọc qua vô số môn khoa học như thế, còn nghiên cứu kỹ càng cũng đủ khiến người ta phải chặc lưỡi. Nếu là một người phương Tây, không chừng đã trở thành nhà khoa học ghi danh sử sách như Galile, Nicolaus Copernicus, nhưng ở Trung Quốc cổ đại, với việc tìm nguyên nhân của các hiện tượng khoa học tự nhiên, phần lớn vẫn có một thái độ e dè sợ sệt, cho rằng có liên quan tới thần thánh, thầy pháp, thuật số vân vân. Bởi vậy, trong các truyền thuyết dân gian, Lý Thuần Phong bị hình dung là bán tiên, trí giả như Lưu Bá Ôn, Trần Đoàn[6] vui đùa chốn nhân gian, có thể biết được quá khứ, tương lai, ra vào hai cõi âm dương. Trong “Thái Bình Quảng ký” thì có thất tinh Bắc Đẩu biến thành hình người, nhìn thấu mọi chuyện. Đây cũng chính là nguyên nhân thế nhân quy Lục Nhâm Khóa Thuật[7], Thôi Bối Đồ về danh nghĩa của họ Lý.
Cho nên nếu không chán ghét xin hãy ghi nhớ những điều vụn vặt này, bởi vì trong loạt chuyện dưới đây, tôi vẫn đang tiếp tục áp dụng những sai sót đâm lao đành theo lao về Lý Thuần Phong. Về điểm này thực sự rất có lỗi với hắn. Nói chung, tôi cũng không có nghĩa vụ hay tâm nguyện muốn trả lại hắn những gì vốn có, chẳng qua chỉ là mượn những lời thuật lại trong quá khứ và sử sách, tạo ra một nhân vật ẩn hiện giữa biên giới hiện thực và hư ảo, nối liền vài chuyện xảy ra vào thời sơ Đường. Phủi đi lớp bụi bặm thần bí trong sử sách và truyền thuyết, Lý Thuần Phong khi ấy chẳng qua cũng chỉ là một thanh niên tầm thường vô công rồi nghề, vừa thú vị vừa nhàm chán, thỉnh thoảng nghiêm trang, có lúc cực không đáng tin cậy trong thành Trường An mà thôi.
Câu chuyện tùy hứng, nhân vật tùy hứng. Người viết tùy hứng, người xem xin cũng tùy hứng.
[1] “Bối Thôi Đồ” (推背图) là cuốn sách sấm do quan Tư Thiên Giám Lý Thuần Phong và ẩn sĩ Viên Thiên Cương đồng biên soạn vào đầu những năm Trinh Quán của triều Đường (năm 627-649 SCN theo Tây lịch), bao gồm 60 hình vẽ (đồ tượng), bản gốc phân thành Quyển 1 (đến Tượng 40) và Quyển 2 (sau Tượng 40). Mỗi bức hình ở dưới đều kèm theo “Sấm viết” và “Tụng viết” bằng thơ, dự ngôn từ triều Đường cho tới nay, tới tận tương lai, về các sự kiện trọng đại phát sinh qua các triều đại Trung Quốc.
[2] Đường thư: Tên một bộ sách sử nổi tiếng của Trung Quốc.
[3] Trinh Quán: Niên hiệu của Đường Thái Tông – Lý Thế Dân, từ năm 627 đến năm 649.
[4] Hỗn Thiên Nghi: Là một dụng cụ xem xét sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và sự mọc/lặn của các vì sao.
[5] Tam Thần Nghi: là Hỗn thiên nghi được cải tiến, từ Hoàng Đạo, Xích Đạo ban đầu thêm ba vòng bạch đạo (gọi là tam thần nghi).