Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 11

Tản văn 11
THÁNG MƯỜI MỘT

Tuổi trẻ thường mơ mộng, và không biết điều gì chắc chắn về bốn mùa. Đối với tuổi trẻ chỉ có những cảnh trí thay đổi, những cảnh trí trong vai diễn rực rỡ của cuộc đời. Anh ta nhìn một năm như một vở kịch bốn màn. Khi cảm nhận thấy tuổi trẻ đang qua đi, chúng ta bắt đầu để ý hơn tới những đổi thay bên ngoài: tháng Mười một không chỉ da chúng ta nhạy cảm, cả tâm hồn ta cũng vậy. Có điều gì đó đang diễn ra làm ta bất an. Ta bước vào mùa đông trong những ngày này, chẳng khác nào những truyền thuyết u buồn bỗng hóa thành sự thật. Mùa đông cùng lúc là những truyền thuyết và hang động, hơi bệnh tật và hơi thị thành, nhưng đồng thời có những chú hải cẩu, hải mã, những ca sĩ ngoại lưu diễn, những người xúc tuyết có bằng cấp, có trà hoa cúc La Mã và rượu vang nóng, có sự chờ đợi dồn nén và hồi hộp, như chỉ còn mình chúng ta tồn tại trên thế gian, một mình chúng ta với số phận, lạnh giá và ảm đạm. Trước hết, và trên hết là chúng ta lạnh. Như những cư dân của một thành phố thời Trung đại sắp bị tấn công bất chợt, chúng ta chuẩn bị phòng vệ một cách hoảng loạn: ta đặt mua than, phơi quần áo rét, ta mặc đồ giả trang mùa đông, ta lo ngại một điều gì đó. Ta không chỉ sợ lạnh. Trong những giấc mơ ta còn thấy lấp ló một ấn tượng hãi hùng, ký ức về kỷ băng hà. Thời niên thiếu ta thích lật giở một cuốn truyện tranh màu, tựa đề của nó là: Những niềm vui mùa đông. Trên những hình vẽ có ông già đầu đội mũ cứng, sắc phục trắng - hồng, trượt băng như một người tuyết phát cuồng, đâu đâu cũng thấy tiếng xe trượt tuyết leng keng, những cây phủ đầy tuyết lấp lánh tím đứng trong ánh hoàng hôn lạnh lẽo. Tất cả đã qua rồi. Những mùa hè và đông đã dạy cho ta biết mùa đông không có những niềm vui, không có gì khác, không có cuộc sống thực, chỉ có niềm vui vô thần và hoang dã lôi cuốn tất cả những gì sinh tồn nếu được ánh sáng chiếu rọi. Tháng Mười một, tôi bắt đầu sống trong bức xúc. Các buổi đọc văn mà tôi chán ngấy bắt đầu, cuộc sống tĩnh lặng trong phòng giống như trại điều dưỡng bắt đầu, khi chúng ta thức dậy vào mỗi buổi sáng u ám và ướt át như khởi đầu những ngày bệnh hoạn, thời của ánh sáng nhân tạo và ấm áp giả tạo bắt đầu. Tôi không còn mừng rỡ khi mùa đông đến nữa, chỉ tuổi thanh niên biết vui mừng vì thời đoạn khắc nghiệt này. Tôi không đến nơi mổ lợn vì bụng dạ không chịu nổi, cũng không đến vũ hội vì tôi béo và cô đơn, trượt băng tôi không biết, trượt tuyết thì thấy ai cũng gãy tay gãy chân. Còn lại là văn chương, là quán cà phê ngập ngụa khói mới buổi sáng đã như tối, quần áo dày bịch và chứng viêm khí quản. Tất cả chỉ là niềm an ủi mọn.

Căn phòng đã được sưởi, tôi lại gần lò sưởi, chán ngán như một tù nhân mới bắt đầu thụ án. Ta nhận án năm tháng. Có lẽ sẽ chịu đựng nổi.

Ảo ảnh

Có những từ ngữ luôn đánh thức trong tôi những ảo ảnh tiếp diễn. Chỉ cần thoáng thấy trên mặt báo từ “hung bạo” là tôi đã thấy hình ảnh một đám đông những người to đậm, trong những căn phòng mờ tối, với hành động thô kệch và vui vẻ mà tôi đã một lần trải qua, và còn lại một kỷ niệm đáng sợ, quyến rũ về tất cả những việc đó.

Hay từ này: “miệng hầm”, gợi nhớ khu vườn mùa thu có mùi táo héo, với tất cả những chi tiết cụ thể, bơi lơ lửng đâu đó trong không gian tràn ngập ánh sáng màu vàng và mạng nhện chăng.

 Có những từ ngữ liên kết với những kỷ niệm không liên quan gì tới nội dung ý nghĩa của từ. Từ ngữ còn mang ý nghĩa khác so với những gì từ điển giải thích.

Nelly

Một phụ nữ tiểu thị dân, mặc áo lông thú, chồng nàng sang trọng, và nàng đi giữa những lời đồn thổi, giữa những định mệnh và thân phận con người, với dáng bộ kệch cỡm và ra vẻ lưu tâm, nàng nhặt nhạnh tất cả những gì rác rưởi và vặt vãnh có thể biết về đàn ông và đàn bà, với sự vị kỷ ngốc nghếch và sự háo hức hèn mọn, và nàng chịu để người đời nhồi nhét vào nàng những tin đồn nhảm như người ta nhồi ngỗng vậy... Ôi, có cả chuyện đó ư? Nói chuyện với nàng một lúc, rồi tôi về nhà và súc miệng.

Khác người

Con người này sống được nhờ nói ra tất cả; bất chấp những phép tắc và thỏa thuận, gã nói thẳng vào mặt anh, hào hứng và hãnh diện, điều anh không muốn nghe, muốn giữ kín, muốn giấu nhẹm. Gã rất thành công. Người ta ghét gã và khuyến khích gã.

Tôi không coi thành công ấy ra gì. Sự thành tâm đích thực không cởi mở, mà kín đáo và im lặng. Cần nhiều sự dũng cảm và lòng can đảm để im lặng, để giữ kín điều làm người khác đau đớn, hơn là nói ra trước mặt người ấy. Hãy giữ lấy điều bí mật cho riêng anh! - tôi bảo gã, nhẹ nhà ng và khinh bỉ. “Nhưng tôi đâu còn gì khác!” - gã bĩu môi cười gượng gạo.

Hổ thẹn

Tham vọng và bức xúc đã hành hạ tôi thời tuổi trẻ, khát vọng giải thích thế giới với mọi tình tiết, mọi bí mật và những ẩn nghĩa của nó, cái khát vọng ấy nay đã biến thành cảm giác hổ thẹn. Tôi không còn muốn giải thích thế giới nữa. Vì nhiều lý do. Trước hết là vì tôi không hiểu thế giới.

Samson_(1)

Những gì cuộc sống kiến tạo ra quanh ta mới mong manh làm sao: sự nghiệp, thành công, thứ bậc, cái địa vị đặc biệt mà vì nó mọi người đều bị căm ghét và ganh tỵ. Trong chúng ta có một con người, con người ấy quan sát tất cả với vẻ ngờ vực và ghét bỏ, con người này khổng lồ và cường tráng. Một lần gã rùng mình, như Samson bị trói, và quanh gã đổ vỡ tan tành.

Nhưng hầu như gã không vùng vẫy. Cuối cùng gã sẽ chán chúng ta và cả cái bậc thang danh vọng mà ta cột chặt cái tôi khá hơn của ta vào; gã im lặng, không nghe cả tiếng nguyền rủa của gã nữa. Nhưng dẫu im lặng gã vẫn rất khủng khiếp. Có lẽ thỉnh thoảng gã cứ nguyền rủa lại hơn. Sao vậy, - chúng ta giật mình hỏi, - chúng ta không đáng để người ghét bỏ nữa ư?

Mắc nợ

Tôi thích người đàn bà ấy, nhưng rồi nàng lâm bệnh và mất rất nhanh, trước khi thuộc về tôi. Giờ đây tôi đi lại quẩn quanh ký ức về nàng và quanh nấm mộ nàng. Cứ như người này đã lừa gạt người kia, cứ như người đàn bà quá cố đã chạy trốn khỏi bổn phận của nàng. Trong nỗi buồn của tôi đôi khi có cả nỗi tức giận: tôi muốn kiện. Nhưng rồi tôi tự thấy rất hổ thẹn, như một người mãi mãi mắc nợ ai đó, và không thể trả được món nợ kia, vì người cho vay đã bỏ trốn.

Okapi

Con vật đơn lẻ trong vườn bách thú London ấy là duy nhất ở châu Âu: người ta đem nó về từ xứ Congo thuộc Bỉ, nó không có họ hàng, không ai biết tổ tiên của nó, nó là sự pha trộn giữa ngựa vằn, hươu cao cổ và sơn dương, con thú sang trọng kiêu hãnh và buồn ấy, chàng thái tử phương Nam cô đơn giữa bầy thú. Nó khảnh ăn đến nỗi, ngay trong chốn giam cầm này nó cũng không chịu ăn trong máng cỏ, phải dựng những lùm cây mảnh dẻ trong chuồng cho nó, vì nó chỉ ăn lá từ tán cây. Thiên nhiên muốn nói gì khi tạo ra nó, chỉ là do buồn chán hay do một trò tiêu khiển, hơn là tính mục đích? Với một sinh linh như thế, Chúa muốn gửi gắm điều gì đó; okapi là một tín hiệu, giống như ký hiệu trong văn tự tượng hình. Cần phải giải mã. Hãy bắt tay vào, hỡi thi nhân! Hãy giúp sức, hỡi nhà động vật học.

Bối rối

Sự lúng túng đặc biệt mà những người yêu nhau nhiều năm sau này cảm thấy, khi họ nhớ đến thời gian đầu tiên của cuộc tình, những thủ tục làm quen, những cử chỉ xã giao lịch thiệp và những cuộc trò chuyện vu vơ, khi họ nói với nhau như nói với người còn lạ lẫm, nhường nhau chỗ ngồi và châm thuốc hút cho nhau, và nhìn nhau như trai nhìn gái, như nhìn người mà ta mong muốn điều gì đó. Hồi ức bất nhã này làm họ khó chịu. Nó nhắc họ nhớ rằng cái liên minh của họ, cái hợp đồng máu thịt của họ, thực ra là ngẫu nhiên. Sự phát hiện này làm họ lẩm bẩm rồi im lặng, và cúi đầu, bối rối.

Những người chuẩn bị

Người ta không “chín muồi” để chết, chỉ đến một ngày họ bắt đầu chuẩn bị, với những cử chỉ, những cái liếc mắt tự nhiên chẳng khác gì người sắp đi xa chưa mang đồ đạc từ trên gác xuống, chưa xem lịch trình xe, chưa biết mình sẽ nghỉ trong nhà trọ nào, nhưng bằng những cử chỉ vô tình họ đã từ bỏ những thói quen và kỷ niệm cũ, với vẻ sẵn sàng lạ lùng, như thể họ vừa nhận thư bưu điện buổi sáng, một lá thư không thể hiểu nổi nhưng không thể nào né tránh nội dung áp đặt của nó. Người ta chuẩn bị như thế. Họ chưa có bệnh tật gì. Nhưng trong ánh mắt họ đã có một điều gì, và cái nhìn đó không thể hiểu khác. Họ bỗng hiểu ra điều gì đó. Dạ dày, gan, tim họ đều còn tốt. Chỉ có điều họ chẳng còn nguyên cớ gì để ở lại.

Học thức

Tất cả những gì tôi đã học được ở trường phổ thông và đại học vẫn còn tồn tại ở đâu đó trong tôi, nhưng tôi chỉ còn nhớ nội dung đại thể của chúng, nhớ cái thành phần đặc biệt, trong đó những niên đại cùng những chân lý cốt yếu của khoa học tự nhiên và ngôn ngữ học hòa trộn thành một ấn tượng chung nào đó. Tên gọi của ấn tượng ấy là “trình độ học vấn chung”. Một khái niệm không rõ ràng. Nếu nói đến niên đại, thì nên xem lại trong các cuốn niên lịch. Còn đối với những chân lý, thì những chân lý mới dạy ta nghi ngờ sự đúng đắn của chúng. Còn khi nói đến học thức, thì mỗi ngày tôi lại phải giành lấy, như một loài thú ăn thịt, mỗi ngày phải làm lại từ đầu. Người có học thức là người biết rằng sở học, hiểu biết của mình thật hạn chế, và anh ta vẫn còn nghị lực để mỗi ngày lại trăn trở vì vốn học thức ít ỏi của mình.

Aphrodité_(1)

Đâu đâu cũng thấy những người phụ nữ xinh đẹp và lãnh đạm. Nữ tính của họ bị kìm hãm; họ xinh đẹp, tất cả đều ăn mặc tươm tất giống nhau, đều đã đọc Giraudoux(*)_ và Huxley(*)_, đều đã tới Páris, Viareggio(2)_ và Engadin(3)_, đều đã nghe St John Passion(4)_, đều thơm tho - họ đều tỏa ra mùi thơm của hiệu may và tiệm bán mỹ phẩm Paris nào đó, đều mỉm cười và trò chuyện giống nhau. Họ có đời sống tình dục, tất nhiên; đúng hơn là họ có chồng và có bạn trai. Nhưng Aphrodité không thích họ.

Cứ như trong phòng hóa nghiệm bí ẩn của nền văn minh, họ đã được gột rửa hết tất cả những gì thực sự là nữ tính của người phụ nữ. Khi nói chuyện với họ, ta cảm thấy những người đàn bà này không thể gây cho ta đau đớn hay mang lại cho ta niềm sung sướng thật sự. Aphrodité, hãy trừng phạt họ. Tội lỗi cổ xưa là của họ, không có sự hóa giải. Ở đâu đó vẫn còn những người đàn bà đích thực, ở ngoài kia, ngoài đẳng cấp và đạo đức. Rồi đến một ngày, tôi sẽ gói ghém đồ đạc và trở về với họ.

Khiêm nhường

Không có thứ vũ khí nào khác để chống lại thế giới, chỉ có sự khiêm nhường; không phải là sự khiêm nhường nhẫn nhục và đấm ngực ân hận, mà là sự khiêm nhường có thể nhìn thẳng vào thế gian một cách bình tâm và không cần điệu bộ, không khăng khăng mình đúng, không trưng ra những tội lỗi và bệnh hoạn của mình một cách rồ dại, không đòi hỏi thù lao cho sự khiêm nhường của mình đã bị nỗi thống khổ và thất vọng, sự trơ trẽn và thói a dua của con người chiếm lĩnh, có sự khiêm nhường như một vũ khí, có sự cúi đầu chỉ có thể đáp lại bằng cúi đầu. Tôi không bảo anh buông kiếm. Nhưng đừng dùng nó mà múa may. Hãy giữ lấy nó một cách khiêm nhường, như người của thời Trung đại, biết dùng kiếm không chỉ để giữ bò và giữ nhà, mà còn có thể gìn giữ niềm tin và lý tưởng. Anh muốn có sức mạnh ư? Hãy bình tĩnh, tận tâm và khiêm nhường.

Những kẻ đợi chờ

Một lần họ nghe thấy điều gì đó, và giờ đây họ hào hứng ba hoa về chuyện nghe được. Cứ như tôi đã bắt tay nói với họ rằng rồi tôi sẽ chỉ viết như thế và chỉ viết điều đó, suốt đời; trong khi tôi cũng còn chưa biết mình mơ điều gì, mình yêu ai, ngày mai mình sẽ trở thành nạn nhân của ai và kẻ sát nhân của ai?... Chúng ta đâu có hợp đồng với nhau như thế, bạn thân mến. Tôi cam kết với chỉ một mình tôi. Và dù đôi khi tôi rất muốn thoát khỏi nó: sự cam kết ấy không thể phá vỡ.

Shakespeare

Những người Anh muốn tự huyễn hoặc mình và làm cho thế thế giới tin rằng Shakespeare, vào cuối đời, khi đã rời bỏ London và tất cả những gì thuộc về kịch trường, nghiệp diễn cùng những thói đố kị mưu chước thị thành, thì ông chỉ sống với những kỷ niệm và gọt giũa những tác phẩm cuối của mình, ông đã thỏa hiệp với thế giới, và ông gật gù với vẻ thông thái và hiền lành trước mọi tội lỗi và đức hạnh. Thế mới hợp lẽ đối với thiên tài, người Anh nói vậy. Bao nhiêu chuyên khảo văn chương phức tạp và dài dòng giải thích và khẳng định sự bình yên thư thái này. Nhưng Strachey(*)_ cảnh báo rằng chính ở Stratford(1)_, trong “cái tâm trạng tha thứ” này, Shakespeare không chỉ viết Cymbeline, Câu chuyện mùa đông (The Winter’s Tale) và Bão tố (The Tempest), mà còn viết ba vở kịch ngắn: một phần của Pericles, Henrik VIII Noble Kinsment. Việc khảo sát những tác phẩm này đã cho thấy về cuối đời Shakespeare hoàn toàn không thỏa hiệp với thế giới, mà ông thường xuyên nguyền rủa nó. Với cơn giận dữ tột cùng của sức sáng tạo, khi đã biết tất cả về con người, với đôi mắt ngầu đỏ ông đã sáng tạo ra Caniban_. Và Caniban(2) rên rỉ - như Shakespeare muốn vĩnh biệt con người, Đức Chúa, thế gian: - “Người đã dạy ta biết nói, và tất cả cái được của ta chỉ là: ta biết nguyền rủa.”

Đoán biết

Không chỉ có con người ta chết, đừng sợ! Đến một ngày sỏi đá cũng chết. Rồi một ngày lửa cũng sẽ chết, chỉ còn lại tro bụi băng giá. Những vì sao cũng sẽ nhắm mắt vì chẳng còn gì để ngắm nhìn. Đến lúc tất cả đều sẽ chết. Đừng sợ! Hãy rong chơi, với sỏi đá, với sách vở, với ái tình.

Buồng chứa đồ ăn

Hàng năm tôi thường ngó vào buồng chứa đồ ăn một lần, và buồn rầu nhận thấy có điều gì đó không ổn. Kích thước của nó thật đáng buồn: chỉ vừa vài giá đỡ và chiếc tủ đá. Buồng chứa thức ăn đúng như kiểu mà tôi luôn mong muốn thì khác, nó có mái vòm, rộng rãi và thoáng khí, với những cửa sổ có lưới chắn, cửa sắt chớm han gỉ, trên nền đá có vài tạ khoai tây, trong góc có thùng đựng bột với vài bao bột lẫn lộn, từ những mái vòm rủ xuống thịt mỡ, thịt nạc, sườn hun khói, những chùm xúc xích đã sấy khô, nấm xép, ớt đỏ và những dây tỏi khô. Trên các giá xếp bốn trăm lọ mứt hoa quả ngâm, ngăn nắp như những hàng quân; rồi những bình đựng mỡ, gia vị và các loại pho mát; rồi táo và nho treo khô chờ mùa đông. Cái buồng chứa đồ ăn nhà tôi ở Kassa là như thế. Trong tất cả những thứ đó có một cái gì đó dư giả và cầu kỳ, và cả một sự phòng xa kiểu thời Trung đại nào đó. Lẽ ra phải sống như thế. Nhưng cái buồng ở Pest này, với vài lọ mứt hoa quả ngâm, vài lọ thủy tinh trên giá, và với chiếc tủ đá mà đựng một con gà mái tơ béo cũng gần chật, thật chẳng ra cái buồng chứa đồ ăn. Có lẽ cuộc sống gắn liền với nó cũng chẳng ra gì.

Đồ đạc

Những thứ đồ vật, quần áo, sách vở mà tôi không hề cần đến trên thế gian này, sự tích trữ phải luôn chăm chút và gia tăng này, những thứ vớ vẩn nhiều vô kể đó dần dần che khuất và chôn vùi ta, trong khi đó ta biết rằng một bàn chải, hai bộ com lê Anh, sáu bộ đồ lót và cuốn Hamlet, phần hai của Faust, Kinh thánh với Chiến tranh và Hòa bình là hoàn toàn đủ cho cuộc đời.

Gide(*) 

Tôi tin Gide, rằng ông có quan hệ riêng với quỷ dữ; ông cãi vã và đánh lộn với nó, và khi đã buông thả và thất bại trong cuộc quyết đấu tay đôi này, ông vẫn còn nổi giận phản kháng nó. Giá trị đạo đức của một nhà văn chỉ có thể đo bằng niềm đam mê chống lại cái ác; ngay cả khi nhà văn khát khao săn lùng thất bại và cái ác như người thợ săn tìm kiếm con mồi. Công việc của nhà văn không phải là là chiến thắng và tuyên cáo; đó chỉ là công việc của người canh giữ đức hạnh. Công việc của nhà văn là vật lộn với những gì yếu đuối và hư hỏng trong tâm hồn anh, mà không có hy vọng chiến thắng. Cuộc vật lộn đó là ý nghĩa chân chính của cuộc đời anh.

Dobogókő_(1)

Chỉ thêm một bước nữa, và phía sau hàng rào, phong cảnh bỗng nhiên đầy kịch tính, nặng nề và mất thăng bằng. Hệt như rừng đổ ập xuống thung sâu.

Ta khoanh tay đứng trên khung cảnh hùng vĩ này và lắng nghe. Cảnh sắc nâng ta lên cao, vượt lên những ngày thường và số phận. Ta đứng trầm tư, như người đang lắng nghe từng câu hào sảng của một bản t uyên ngôn.

Dưới sâu kia là dòng Duna chảy vô tư như không hề biết tên tuổi của nó gắn liền với những mưu toan chính trị.

Một con bê nhỏ chạy lại bên hàng rào, nó nhìn xuống thung sâu và be lên một tiếng. Như kẻ bất chợt hiểu ra thân phận của mình trong thế giới này.

Màn sương chiều mùa thu trùm lên cánh rừng. Những tán lá màu vàng như than lửa bắt đầu lấp loáng qua màn sương, như thể dưới sâu kia lũ nai hoẵng bắt đầu nhóm lửa.

Tuổi tráng niên

Đây là những năm tháng của tuổi tráng niên. Đôi khi tôi thấy mình nhận ra thời gian, trong đó tôi đang sống, tôi gật gù và xem xét nó.

Tuổi tráng niên là thế nào? Tôi bất ngờ nhận thấy tất cả dẫu sao vẫn chịu được. Một sự cảm nhận thực tế kỳ lạ rọi suốt cuộc đời. Tôi biết kính tấm được làm bằng thủy tinh, và có thể cắt làm cửa sổ. Tôi biết con người được cấu thành từ nước, vôi, phốt pho và tâm hồn bất tử, không thể quá ghét bỏ, không thể đánh giá quá mức. Tôi biết cuộc đời là hữu hạn. Nhưng có những khoảnh khắc như sự vĩnh hằng. Tôi biết bản chất của những khát vọng và thiên hướng của mình. Ta còn cần gì nữa? Một tình yêu mới? Một chiếc ô tô mới? Một chuyến đi Phi châu? Đã có cả rồi. Nhưng tôi còn biết vui mừng vì một chùm nho, một bài thơ mới, một ngày hè, vì sự tường minh của trí tuệ. Bất ngờ lớn nhất của tuổi tráng niên là thực tế hấp dẫn hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ta trong đám sương mù của những giấc mơ cháy bỏng tuổi thanh niên.

Cảm giác thực tế này bù đắp tất cả. Ánh sáng của nó chiếu rọi lên một con người, một đồ vật, và tất cả trở nên quyến rũ. Tất cả đều hiện hữu và liên quan đến nhau. Huyền thoại tan biến như sương mù. Thay vào đó là sử thi có thể chấp nhận được còn lưu lại.

Đó là tuổi khi bè bạn ta và kẻ thù của ta thưa vắng dần. Chính tôi cũng chuẩn bị dần dà cho cuộc ra đi. Nhưng chưa vội, tôi ngồi ngoài nắng và hút vài ba điếu thuốc.

Tôi nhớ đến những miền đất. Một bãi cỏ. Một giọng nói. Đây là tuổi mà mỗi ngày ta lại nhớ đến một điều gì đó từ quá vãng.

Một đứa trẻ

Trong căn phòng khách sạn - nơi tôi khổ sở với căn bệnh không tên, thứ bệnh lây lan bất chợt sự bực bõ và chán chường này - từ phía đối diện với giường tôi, một gương mặt trẻ con nhìn tôi từ chiếc khung ảnh hình bầu dục mạ vàng.

Bức họa đứa bé to như thật. Một đứa bé xấu xí tuyệt vời. Cái miệng ếch, gương mặt méo mó, cái trán hẹp - phía sau đã thấy lấp ló trong trạng thái sơ khai và thu nhỏ của mọi sự hèn nhát và đểu giả của con người, đôi mắt cáo màu xanh ngờ vực và gian xảo, mái tóc như tóc giả, rẽ ngôi kiểu người lớn, sợi thô to, sự vô tư trơ trẽn thô kệch và hiển hiện của một gương mặt người sơ khai, tất cả thôi miên tôi và tôi nhìn không dứt mắt ra nổi. Tôi nằm hàng giờ liền trên giường và ngắm khuôn mặt xấu xí của đứa bé không quen biết.

Với gương mặt như thế, đứa bé mặc áo khoác kiểu sĩ quan màu xanh, hàng khuy trắng, cổ áo bẻ gập, những tua rua xấu xí nom như những chiếc vây cá, và hơi giống những ngón tay của những người tình nguyện treo cổ bọn gián điệp trong chiến tranh đang chuẩn bị vỗ tay. Chắc hẳn có người đặc biệt yêu quý đứa bé, vì người ta đã cho vẽ nó, nhưng người họa sĩ không biết xử lý khuôn mặt nó ra sao, nghệ thuật đôi khi bất lực trước thực tại. Tôi nghĩ từ đó đến nay đứa trẻ đã lớn, có khi nó đang đi dạo trước khách sạn, và nếu ra ngoài tôi phải gặp nó. Tôi nghĩ, qua nó Chúa muốn nói lên một điều gì đó. Tôi nghĩ số phận mình nằm trong tay Chúa và trong tay những con người lớn lên từ những đứa trẻ như thế này. Tôi thấy ớn lạnh, chếnh choáng. Tôi sợ ư? Tôi nghĩ là mình sợ.

Sương mù

Buổi sáng khi tôi đi từ trong rừng ra thấy có sương mù. Sương mù mới hay làm sao! Cây cối đã rụng lá trơ cành không còn vòm lá, vừa đứng vây quanh tôi như những vận động viên đấu vật người da đen với thân hình đen nhẫy và những cánh tay khuềnh khoàng bỗng biến mất, giờ chỉ còn lại một thế giới như được bao bọc bởi một lớp bông, mong manh, không còn hình dạng, không còn trọng lượng, trong đó tất cả những gì vừa trước đó còn đáng ghét và đau đớn đến gần như không thể chịu nổi bỗng mất hết sức nặng, như được thả vào một thứ dung dịch mềm mại, thứ dung dịch làm dịu nhẹ và lên men những hạt giống đau thương. Và dưới kia là thành phố, như một vùng nhiễm bệnh lây được phun khí tẩy uế. Chỉ có tiếng chuông nhà thờ âm vang trong sương mù.

Tôi đi trong sương mù như thế, không thể nhìn và không nhìn thấy gì, như một vật thể, và tôi đã tan trong một thứ vật chất sâu hơn và rộng hơn, không mục đích, nhưng tính không mục đích này không làm ta đau đớn, vì trong sương mù mọi con đường và phương hướng đều vô nghĩa. Tôi đi như thế, giống như Trái Đất đi trong một màn sương mù khác, không chủ đích và theo những quy luật nghiêm ngặt.

Thăm Goethe, mùa đông

Vào những ngày đông này, thỉnh thoảng tôi nghĩ cần phải sang Weimar(1)_, ở trong nhà trọ “Con voi”, sáng ra bận đồ đen, và mang những lá thư thư giới thiệu đến gặp Goethe. Ông sẽ tiếp tôi lúc mười một giờ sáng, ông khoác chiếc áo choàng màu xanh, trên ngực có đính một ngôi sao. Tôi sẽ cúi chào, làm ông phải chú ý. Ông sẽ hấp háy mắt, nghi ngại nghe những lời ca ngợi của tôi, nhưng rồi ông trở nên cởi mở, cho tôi xem những bức tranh khắc chạm bằng đồng, và hỏi han về tình hình văn học đất nước tôi, và ông tấm tắc khen “tài năng tuyệt vời” của Petőfi. Đứng tựa vào chiếc lò sưởi ốp gạch men trắng, ông nghe kể về Tổ quốc tôi, về đời sống văn chương, về những nhà hàng cà phê và những hội đoàn chính thức, những khoản kinh phí cho văn chương, về nhuận bút thơ ca và về sự đồi bại quốc tế của đàn bà. Ông sẽ nhẹ nhàng nhắc rằng đúng là tình hình đáng buồn, nhưng số phận cá nhân độc lập với số phận chung, và chính ông thời trẻ cũng hay bị công kích, đặc biệt là một gã bồi bút Do Thái tên là Bôrne. “Và h ãy tin ở đàn bà!” - ông sẽ giơ ngón tay trỏ, nói khi tạm biệt. - “Họ mang trong mình định mệnh của thế gian này, nhưng đôi khi định mệnh ấy cũng hiền dịu.”

Trong khi chúng tôi đàm đạo, ngoài cửa sổ tuyết không ngừng rơi, tuyết phủ kín lên mọi thứ, cả văn chương và lịch sử.

Lời khen

Nhà thơ đưa hai bàn tay đỡ gương mặt dễ thương của người phụ nữ mà anh ta hâm mộ, chăm chú nhìn thật lâu. Rồi anh ta nói:

- Bà có hộp sọ thật đẹp.

Luật pháp

- Cứ yên tâm! - tôi tự động viên như thế, - dù ngươi làm bất cứ điều gì, đã có những quy luật dõi theo ngươi, những quy luật thần thánh và con người. Đó là những quy luật sắt. Dù ngươi có gầm lên, phản kháng, phách lối, khăng khăng thét lên rằng ngươi “về cơ bản” là một người khác, giỏi giang hơn hay quý phái hơn, hay hèn hạ hơn, hoặc thú vị hơn: quy luật sẽ làm ngơ, và sẽ áp đặt ý muốn của nó lên ngươi. Cuối cùng thì ngươi cũng phải trao gửi thể xác và linh hồn cho những quy luật khắc nghiệt này. Thông thường người ta nói, như một câu cách ngôn, thế này: người có nghị lực cưỡng lại được những đòi hỏi của thể xác. Hay là: tiền bạc, cả danh vọng hão huyền, cả khát vọng quyền lực cũng không đánh gục nổi người có đức tin. Hay là: người đàn bà góa thường tằng tịu với gã thuê nhà mình. Hay là: con mẹ này lừa dối chồng với bất cứ gã đàn ông qua đường nào, nhưng thực ra ả vẫn yêu chồng. Hãy nhớ rằng quy luật bất chấp tất cả những điều đó: người đàn bà tưởng mình khác hơn và quý phái hơn người bình thường, đến một ngày sẽ góa chồng, và đúng là sẽ bắt đầu tằng tịu với những kẻ thuê nhà, con người nghị lực kia sẽ hạnh phúc khi những đòi hỏi của thể xác được thỏa mãn, người có đức tin đến một ngày sẽ thở dài gục ngã bởi sự ngây ngất vì tiền bạc, danh vọng hay quyền lực. Chúng ta không đến nỗi cá biệt lắm đâu. Luật pháp sẽ lên tiếng kết tội chúng ta. Chúng ta là con người.

Stalin(*)

Đối với tôi, tất cả những “con người thép” chuyên nghiệp đều đáng ngờ. Tôi nhìn họ khác những gì họ được miêu tả trên những bức vẽ châm biếm, những bức ảnh đầy sát khí: giáp sắt đến tận gót chân, xông pha trong máu lửa giữa những vệ sĩ lưỡi lê tuốt trần.

Tôi tưởng tượng trong ông ta có một điều gì đó lươn lẹo, một thứ gì đó thuộc về phương Đông, nham hiểm và khát máu, một cái gì đó sa đọa của một gã Gruzia cưỡng dâm và giết người. Trong phòng ông ta có tẩu nước để hút thuốc và những chiếc đi văng phủ nhung, dưới cửa sổ là những tấm thảm dày dệt từ các chất liệu quý, còn ông ta thì bận bộ áo ngủ lụa màu xanh nhạt, cạo râu xuống tận cổ, chiều chiều xỏ chân vào đôi dép da dê thuộc, miệng nhai kẹo, xoa xoa tay, nháy mắt và tủm tỉm cười. Có thể ông ta dùng cả những thứ mỹ phẩm mạnh phương Đông, và được bôi chân bằng dầu.

Câu hỏi

Nàng chết đã ba năm. Đôi khi tôi mường tượng bây giờ nàng có thể ở trạng thái ra sao. Tôi đã nghĩ đến nàng mà không ghê sợ. Chúng tôi chôn nàng trong một chiếc áo choàng đen, chân không giày, chỉ đi một đôi tất dài mỏng. Những thứ quần áo ấy chắc chắn vẫn còn dưới nấm mồ, hơi ẩm ướt và nhàu nhĩ, nhưng vẫn gần như hôm chôn cất nàng. Da thịt nàng còn lại những gì? Nàng chết đã ba năm, đôi mắt trìu mến và buồn của nàng đã tan rữa. Bộ óc nàng, những phần mềm đã khô quắt. Máu nàng đã khô kiệt. Xương cốt nàng còn nguyên vẹn, những móng tay dài thêm đôi chút, cả tóc nàng cũng vậy. Nếu hôm nay mở nắp quan tài, tôi sẽ thấy thứ chất liệu đã tạo ra nàng, chỉ cũ kỹ hơn, thuần phác hơn. Nàng vẫn còn đâu đó, như một thứ vật thể. Người ta chết chậm chạp. Không chỉ sự bất tử, mà cả cái chết cũng cần có thời gian.

Đình công

Tôi không còn hứng thú để viết “những tác phẩm”. Tôi chỉ muốn viết như cỏ cây thở, như trái tim đập, nhẹ nhàng và thoải mái, những dòng chữ không phải là bộ phận của một cơ cấu nào, một “tác phẩm” nào, mà là chúng sống tự thân, như những sinh vật khiêm nhường được hình thái nội tại của chúng đem lại cho chúng quyền tồn tại.

Một thứ gì đó trong tôi đình công. Tôi không còn hứng thú đứng vào dây chuyền văn học. Chỉ muốn viết vài ba dòng, trong một quán cà phê hay trên tàu điện - như có ai đọc cho mình viết. Chờ đợi một mệnh lệnh, khi nào phải viết, không thể trì hoãn, như cần phải hít thở. Chờ đợi giây phút cuộc sống gọi mời. Viết lặng lẽ và mạnh mẽ, viết như cây cối lớn lên. Có dạo muốn viết về biển cả, nhưng về sau, chán chường, lại muốn viết về một giọt nước, sao cho trong đó thấy được cả biển, rồi đến lúc viết cả về biển và về giọt nước với sự chú tâm giống nhau. Một câu văn chứa nổi hết mọi thứ, kể cả một giọt nước.

Bắt đầu anh muốn viết những điều to tát. Sau đó muốn viết hay. Sau đó nữa là viết một cái gì vĩ đại, đạo đức, cân đối. Rồi đến thời kỳ đình công và đến lúc anh chỉ muốn viết sự thật. Anh sẽ nhận ra rằng sự thật vừa to lớn, vừa đẹp, vừa vĩ đại, đạo đức và cân đối. Đơn giản vậy ư? Đơn giản khủng khiếp như vậy đấy.

 

Nietzsche

Trên con đường chiếu đèn nê ông sáng lờ mờ, giữa những tiệm hàng sáng nhấp nháy, ông rút găng, chìa bàn tay màu vàng nhạt cho tôi.

Giữa những đồ vật trong tủ kính bày hàng, giữa ánh sáng mùa đông và của thành phố bàn tay trần của ông tỏa ra vẻ mập mạp và vật chất, những móng tay đánh màu đỏ tím, với sự trơ trẽn thể xác, giống như một nàng Monna Vanna(1)_ hạnh phúc và điên khùng đứng giữa phố Váci_(2) vào tháng Mười một và bỗng buông chiếc áo choàng lông thú để lộ tấm thân trần truồng. Gã cảnh sát hốt hoảng nhìn quanh, trong một khoảnh khắc trật tự và thỏa ước bị đảo lộn.

Chiếc găng vẫn còn hơi ấm bàn tay, nóng ấm mời mọc và khiếm nhã như một chiếc quần lót vừa được lột ra khỏi một cơ thể rừng rực với nỗi đam mê giả tạo trong giây ph t của cuộc phiêu lưu, và được ném xuống với sự lơ đãng hổn hển dối trá.

- Sẽ chết cóng đấy, - tôi chỉ vào tay ông nói.

- Ô! - ông bảo. - Phải sống một cách nguy hiểm.

Stendhal(*)

Ông làm việc không có những thứ phụ trợ. Ông không nói: “Biển giống như...” - và sau câu mào đầu ấy không kế tiếp nửa trang, không lũ lượt những câu văn chính xác, hổn hển và khích lệ, những câu văn viết về biển hoàn hảo cả về mặt thi ca và tả cảnh. Ông chỉ nói từng này, có tính chất gợi mở: “Biển.” Còn lại ông tin vào độc giả. “Je fais tous les efforts pour être sec(1)_”. Nhưng ông “sec” (khô) như là tự nhiên, không nói thừa một động tác nào so với cần thiết để biết sẽ có bão hay lặng gió. Những tác phẩm lớn và nhà văn lớn thường kiệm lời, nhưng độc giả biết rằng họ chỉ nói đúng những gì cần thiết tới mức không thể bỏ qua cho việc truyền đạt. Nhà văn lớn buộc người đọc trở thành cộng sự của họ. “Biển.” - ông nói. Những gì còn lại là việc của biển và của người đọc.

Kỷ niệm

Tôi còn yêu những người phụ nữ không cười cợt khi đàn ông quỳ xuống trước họ, cầm lấy bàn chân và hôn lên mũi giày nhỏ nhắn của họ. Tôi yêu những người đàn bà vào những lúc như thế mắt rưng rưng lệ nghĩ: “Ôi, đúng là chàng yêu ta!” - chứ không phải là những nàng trong những giây phút tương tự nghĩ với vẻ sành sỏi và kiêu sa: “Aha, một gã sùng bái bàn chân.”

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t30356-bon-mua-troi-va-dat-tan-van-11.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận