Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 2

Tản văn 2
THÁNG HAI

Vào những đêm dài tháng Hai, khi tỉnh giấc trong căn phòng nguội lạnh bởi tiếng gió rít, ta ngồi rét run trên giường, thắp lên ngọn đèn nhỏ, châm thuốc, nhìn đồng hồ - trời đã rạng sáng, nhưng ta cũng không vì thế mà thấy vui lên, vì ban ngày ta vẫn co ro trong cái bẫy của mùa đông, giữa bệnh tật, đường ống vỡ, bếp lò mù mịt khói, những nợ văn chương dang dở và những phiền trách phận làm người buồn tẻ, ta quấn mình trong giẻ rách và lông thú -, hà hơi lên những móng tay tím tái, và chợt nhớ một mùa hội hóa trang nữa đã qua, những ngón tay băng giá của ngày Thứ Tư Lễ Tro trườn xuống bên ngoài cửa sổ, niềm vui ra đi và tuổi già cứ sầm sập theo sau.

Ta ngồi như thế vào rạng sáng tháng Hai, buồn tẻ nhìn những móng tay tím tái. Kho dự trữ đồ ăn dạo cuối thu ta lo xa chất đầy giờ đã cạn; hoa quả ngâm và sườn hun khói đã ăn hết, dưa bắp cải chua cũng gần sạch. Trong những tuần lễ này, có khi chỉ một cái hắt hơi rồi cũng mang những người thân quen ra đi. Những người phụ nữ đi ủng sơn lội trong tuyết đang tan, trong bùn bẩn loét nhoét, mũi ửng đỏ, như chỉ để nhắc nhở - bằng điệu bộ và một cái liếc mắt - vẻ nữ tính của các nàng. Những đêm như thế này nhìn đến sách ta cũng thấy chán ngán; cứ như ta đã đọc tất cả, và chẳng cuốn nào giúp ích ta điều gì. Ban ngày ta nằm hàng nửa giờ dưới ánh sáng đèn thạch anh, ta há hốc, khao khát nuốt, hút lấy thứ ánh sáng mùi ô dôn, ta uống thứ ánh sáng nhân tạo ấy như kẻ nô lệ khao khát ánh sáng và tự do. Ta hoài nhớ đến thứ ánh sáng không thể thiếu trong cuộc đời ta, trong thứ ánh sáng ấy có điều gì như vô đạo và tàn độc, một cái gì đó vô luân và kỳ diệu, như trong cuộc đời. Rồi chúng ta nghĩ tháng này kín đặc những buổi hòa nhạc và rất dễ bị viêm phổi. Tháng này là tháng chúng ta ít cử động, ta sống thận trọng và tiết kiệm, như những loài thú khôn ngoan giảm thiểu hoạt động, nằm im để phòng vệ, ngủ gà gật nửa mê nửa tỉnh với nhịp tim đập chậm để chờ trời sáng. Những tuần cuối đông này nên sống đừng hoang phí: viết ngắn - bất quá bốn năm dòng một lúc - như loài gấu ngủ đông.

Tảng sáng, trong khoái cảm tỉnh táo khi vừa thức giấc, ta chợt nhớ đến ngày lễ hóa trang, lại một lần nữa lướt qua bên cạnh ta, trong y phục giả trang, những dải tua phấp phới bay, rắc đầy những vụn giấy màu, hét hò ầm ĩ, ra hiệu và đưa tay vẫy, nhưng ta đã né sang bên. Giờ thì trời đã sáng, rắc tro lên mái tóc. Ngoài cửa sổ gió vật vã giữa những lùm cây. Ta nghĩ có thể trong cuộc đời có một điều gì đó quá đà và thái quá, một thứ niềm vui bệnh hoạn nào đó, thứ hạnh phúc hoang dã và cuồng nộ, nó chà đạp lên danh dự, phẩm cách của lý trí - và có lẽ là như thế, chỉ có điều chúng ta không biết.

Điềm gở

Trong hai chục năm qua không một nhà văn Hungary nào tự tử vì phụ nữ. Một điềm gở: gở cho phụ nữ và gở cho văn chương.

An toàn

Những người nghèo thật tự tin vào bản thân họ! Chỉ những người giàu mới nhấp nhổm. Lúc nào người giàu có cũng lo sợ một điều gì đó, muốn một cái gì đó, muốn theo một cách khác. Những người giàu sống trong quy luật bắt buộc của sự thay đổi. Còn những quy luật của người nghèo đơn giản và chắc chắn hơn.

Người nghèo gần gũi các đồ vật hơn. Người giàu có xét cho cùng thường tư duy qua những biểu tượng, những biểu tượng viết bằng chữ in: Niềm vui hay Chân lý, hay Tài sản, hay Ngoại giao, hay Hiệp ước Kellogg. Về tất cả những chuyện đó người nghèo không biết chắc chắn. Họ chỉ biết lơ mơ. Trong đầu họ những từ kiểu này thường quanh đi quẩn lại: giày dép. Hay như: dây buộc. Hay như: một pengő hai. Tất cả đều sờ nắn được. Không một người nghèo nào trên thế giới này quan tâm đến ý kiến mới nhất của André Gide về các Xô viết ra sao, Picasso có mất phong độ hay không, hay nhận xét của Churchill về Mussolini thế nào? Những câu hỏi đó chỉ lý thú khi thu nhập hàng tháng trên 400 pengő. Người nghèo đi trên mặt đất; người giàu hơi lơ lửng trên không trung, giống như các bậc thánh.

Venice

Tôi đến Venice trong tâm trạng căng thẳng và ăn liên tục. Bắt đầu bằng món scampi, ở Cavaletto, rồi tôi xài một đồ ngọt gì đó ở Florian, tiếp tục lại ăn một món có nước xốt ở một quầy bánh ngọt Merceira, rồi ăn món thịt tái trong một nhà hàng sang trọng của Lido. Giữa chừng tôi đi xem bảo tàng và nghe nhạc Verdi trước những quán cà phê trên quảng trường Saint Mark. Trong mọi thứ đều có một cái gì đó ngọt và gây ngán, một thứ gì đó mà tôi không thể hấp thụ hết được, một vẻ ôi thiu và gây tháo dạ. Trong cả Tintoretto và món scampi, cả trong phòng khánh tiết quốc gia, thậm chí cả trong Goldoni. Ở Venice ta đi xem phố xá, ở bất kỳ chỗ nào cũng thấy hứng khởi, nhưng ngay sau đ ó thì muốn mua bột sô đa.

Venice, lần thứ hai

Venice, với tất cả mọi người, là một kỳ trăng mật bị bỏ lỡ; ngay cả với những người đã đến đó nghỉ kỳ trăng mật. Đúng, các vị hãy nghĩ suốt đời xem, đúng ra là phải như thế: ở Venice, ở Danieli, với đàn chim câu, những nghĩ suy và một người đàn bà tâm đầu ý hợp. Ai cũng cảm thấy như thế; cả những người đã đến đó với một người phụ nữ hợp ý tâm đầu sau mười năm.

Venice, lần thứ ba

Có những từ ngữ mà theo quy tắc giao tiếp thượng lưu ngay ở Venice cũng không nên nói. Ví dụ mấy từ này:

- Anh yêu em!

Trăng

Tôi ngắm nghía những bức ảnh mới chụp Mặt Trăng của các nhà tự nhiên học.

Trên những bức ảnh này nom Trăng lỗ chỗ và gớm ghiếc như một gã mặt rỗ bởi di chứng đậu mùa. Có thể không phải bao giờ cũng thế. Người ta đã gọi Trăng là cái chiêng, là khoanh pho mát Eidan, là quả bạc, là đồng bạc, là cục yết hầu lửng lơ trên bầu trời. Trong thi ca Trăng bao giờ cũng “giống như”. Nhưng trên thực tế Trăng không “giống như ”. Đơn giản là Trăng như thế.

Vôrôsmarty

Cũng như Shakespeare, với những đoàn quân giương đuốc phần phật lửa khói và khoác chiến bào bê bết máu, ông tiến chiếm Hungary vào ban đêm.

Ngày lễ

Thời niên thiếu của tôi, trong gia đình, những ngày lễ thường không được tổ chức theo đúng quy cách và lề lối của chúng, mà thường hơi quá mức, tất cả được nhân lên, thêm thắt, màu mè và kiểu cách. Có lẽ chính vì thế mà đến giờ tôi sợ những ngày lễ, khi tôi không chuẩn bị đón chúng đúng quy cách và lề lối, và cuối cùng bao giờ tôi cũng cảm thấy tôi cho ít hoặc nhận ít: sự chờ đợi đến thót tim, tất cả mọi ấn tượng, vâng, nó âm ỉ cháy trong cuộc sống, đến nay vẫn còn chưa lụi tàn, và khi ngày lễ qua đi, tôi nhận thấy có điều gì đó đã không diễn ra theo cách lẽ ra nó phải diễn ra. Và món quà tặng, cả cuộc đời này, tôi muốn mang trở lại và đổi sang thứ khác.

Dãy Carpat

Khi tôi đọc lần đầu tiên, sự chê bai ầm ĩ của Petőfi đã làm tôi thất vọng và đau đớn, ông đã nóng nảy thái quá khi coi rẻ “vùng Carpat khắc nghiệt lạnh lùng với rừng thông và phong cảnh hoang dã”. Tôi mê tất cả những thứ đó, sự khắc nghiệt lạnh lùng, những ngọn núi Carpat, những rừng thông, sự hoang sơ của nó. Tôi chỉ yêu những thứ đó ở quê hương, chỉ những điều đó gần gũi với tâm hồn tôi. Những rừng thông và những ngọn núi cao vút ấy ôm ấp những thành phố, văn chương, con người - những gì tinh túy nhất trên đất nước Hungary. Đến hôm nay, nhắm mắt lại tôi vẫn thấy những tán thông xanh thẫm dịu dàng và quý phái bao quanh những làng mạc, nơi duy nhất tôi cảm thấy mình như đang ở nhà.

Nhận diện

Thật kỳ lạ, có thể nhận diện chúng ta một cách dễ dàng và sâu sắc hơn qua những tội lỗi và khiếm khuyết, so với qua những đức tính và khả năng của chúng ta. Tính cách của chúng ta có thể được nhận biết dễ dàng hơn qua những yếu đuối của bản thân so với việc thỉnh thoảng ta cố gắng làm một điều gì đó để giữ gìn sức khỏe, bên cạnh đó vẫn hoàn thành nghĩa vụ của mình. Thực chất chúng ta là lầm lỗi, cái chúng ta muốn che đậy là sự yếu đuối. Những đức tính thể hiện ra bên ngoài của chúng ta chỉ là phần nổi của tảng băng.

Thời gian

Một thế lực siêu nhiên đã thâm nhập vào tư duy khoa học tự nhiên: thuyết thời gian, thời gian ba chiều. Ở đâu đó tồn tại quá khứ: không chỉ trong sách vở, trong đồ vật, trong ký ức, mà cả trong chiều kích siêu nhiên của thời gian, khó lưu giữ, nhưng vẫn là một thực thể trong không gian ba chiều. Hoàn toàn có thể, trên một bước sóng nào đó của cảm nhận bỗng nhiên vang lên giọng nói của Caesar từ quá khứ. Sao lại không thể? Nếu có thể ghi lại ánh sáng của các vì sao thực tế đã không còn tồn tại trong vũ trụ, nhờ hóa chất trên đĩa quang ảnh, thì cớ gì không thể đi ngược về các sự kiện theo thời gian. Tất cả phụ thuộc vào những dụng cụ đo. Chúng ta đang sở hữu dụng cụ đo này: đó là tâm hồn.

Vai diễn

Khi ra thế giới, khi tiếp xúc với mọi người, ta hết là ta, và bắt đầu một vai diễn - chỉ thiếu tóc giả và màu vẽ mặt. Cuộc đời bỗng là một sân khấu. Mọi người đều thế, chỉ có lũ thợ vụng không tự thú nhận họ là những diễn viên tồi. Chúng ta có một đoạn văn, dù dễ nghe hay bi ai, nhưng dù sao ta cũng muốn cho thế giới biết đến một cách hữu hiệu. Vai diễn này không phải là chúng ta. Nhưng tính cách và mặt nạ, cá tính và lời nói xạo đôi khi lẫn lộn với nhau.

József Attila

 Trong âm hưởng những bài thơ của ông có tiếng thầm thì dịu dàng và run rẩy, như tiếng rên rỉ của một chú hoẵng dưới ánh trăng lạnh lẽo và đầy hiểm họa. Trong âm thanh ấy có một chút cao thượng và hoang dã, một điều gì đó tổn thương và chết chóc. Đó là tiếng nói của định mệnh. Chỉ giọng điệu của Hamsun thời trẻ, khi viết các tác phẩm PanMisteries, là giống với giọng thơ ông.

Vô ích

Người đàn bà này muốn nói gì cũng vậy, muốn dùng đồ lông chim lông thú hay lụa là để quyến rũ cũng vậy thôi, nụ cười, tiếng thì thầm, nụ hôn, tiếng thở gấp gáp và rên rỉ của nàng mới vô ích làm sao - tất cả phơi bày rõ ràng tới đáng sợ sau lần chung đụng đầu tiên! Khó có thể đánh lừa thể xác, trong những gì quyết định bởi nỗi đam mê, cũng như những việc thuộc định mệnh của tâm hồn.

Người đến nhà

Ông thường đến vào mùa đông, mang theo mùi một con gấu hoang dã và nồng nặc, như thể ông chui ra từ một bao chân bằng lông cũ kỹ, từ một xe trượt tuyết giữa những tấm lông thú, chăn đệm. Ông đội mũ lông thú vương đầy lông, dáng cao to, miệng lẩm bẩm, cứ như một người lữ hành vùng cực Bắc vậy. Ngay lập tức phải đun trà nóng pha nhiều rượu rum cho ông, sau đó vào buổi tối ông uống rượu vang hâm nóng, b t đầu buổi sáng hôm sau bằng một ly rượu trắng, và trong ngày ông vẫn uống liên miên, mồm luôn lẩm bẩm điều gì đó. Nhưng ông không bao giờ say.

Cả căn nhà đầy mùi lạ, mùi mùa đông. Chúng tôi không liên quan gì đến ông, chỉ có điều chúng tôi sống trong sợ hãi, chừng nào ông còn ở lì trong bốn bức tường thân thuộc này. Hôm sau nom ông ủ rũ, thiểu não; chúng tôi biết ông không đáng sợ đến thế, ông chỉ già nua, ích kỷ và đần độn. Nhưng những chuyến ông đến nhà bao giờ cũng mang lại sự bất ngờ kiểu vũ kịch, ông đến như bạo chúa trong một vở opera Nga. Không biết một thứ gì khác, chỉ bước ra sân khấu. Rồi ngã xuống.

Thiếu phụ đi trong tuyết rơi

Một thiếu phụ đi bên cạnh tôi trong làn tuyết rơi, và nàng mỉm cười với tôi. Tôi hàm ơn nụ cười, đưa nàng đi, và chở che nàng một đoạn để nàng khỏi tan biến. Một nụ cười tuyết tan chầm chậm. Kết cục chỉ còn lại chút ẩm ướt trong tâm hồn, một vũng nước nhỏ xíu, như một giọt nước mắt.

Âm hai mươi

Lạnh lẽo bắn liên thanh vào thành phố. Đi trong nghĩa địa nghe như tiếng xương cốt những người đã khuất gãy lắc rắc dưới lòng đất băng giá. Lũ chó ép mình sát những bức tường nhà, như đàn sói vụng trộm mò vào thành phố, và giờ đây chúng sẵn sàng đón thức ăn từ lòng bàn tay con người, nhỏ nước mắt cá sấu, ngoan ngoãn giả tạo; có khi ăn cả một chút bánh mì làm bằng bột chưa rây. Những biên tập viên của các tờ báo kinh tế cũng chầu chực trước cửa các ngân hàng với dáng vẻ như thế, trong áo choàng lông thú, mũi ửng đỏ, hy vọng một chút trợ cấp, nom như lũ hươu vây quanh người sắp cho chúng ăn.

Tôi ngồi trong phòng, hai hàm răng va vào nhau lập bập, giữa những cuốn sách không bao giờ còn làm tôi đủ ấm. Sức mạnh của tư duy bất lực trước thực tại, tôi nghĩ. Những ý tưởng trong căn phòng này là sản phẩm của một thời tiết ấm áp. Giờ đây khi thế cân bằng đã bị phá vỡ, trong cái lạnh hai mươi độ âm này thì Goethe cũng vô nghĩa như chàng Byron nhiệt huyết hay Rostand bay bổng. Nhiệt độ của văn chương là 18oC. Dưới và trên nhiệt độ ấy chẳng ai thực sự cần đến nó.

Hoa quả trước mùa

Lạnh trong nắng chói sáng, giòn khô. Báo chí đưa tin gây hoang mang về những người chết cóng vì lạnh và về việc thiện nguyện. Đêm ta thức dậy trong giá buốt, run lập cập nhìn cửa sổ đầy băng tuyết bẩn thỉu, ngoài cửa sổ những con thú hoang đi lang thang, những toa tàu điện lạnh thấu xương, nặng nề kêu rít, rùng mình nối theo nhau.

Nhưng tôi vẫn chờ có người nhấn chuông cửa, và đem vào một khay hoa quả, những hoa quả sớm của mùa đông. Sao lại không nhỉ? Chắc chắn mùa này cũng ấp ủ một điều gì. Tôi chờ những thứ hoa quả tuyệt ngon, những quả đào đông màu xanh nhạt, những trái dâu đen đẫm sương, những bó hoa băng tuyết, có mùi đăng đắng, và các nàng chỉ cài lên ngực, tất nhiên là những khuôn ngực băng tuyết, thứ hoa điểm tuyết này trong những dạ tiệc đông lấp lánh ánh sáng màu xanh. Tôi luôn chờ đợi một điều gì mới; dù lạnh cóng và lập cập run.

Trưởng thành

Tuổi thanh niên bắt đầu bằng ý muốn được một người nào đó che chở. Tuổi trước-đàn ông sẽ đến khi ta bắt đầu tấn công. Nhưng ta chỉ trở thành đàn ông thực thụ về sau này, mãi sau này, khi ta không muốn ai che chở, cũng chẳng muốn tấn công ai, và tất cả mong muốn của ta chỉ là bảo vệ một ai đó hoặc một điều gì đó trong im lặng.

Đáy biển

Dần dà chúng ta đem theo cả những Atlantis bên mình: ta nhìn xuống đáy sâu, và dưới lớp bùn bao phủ ta thấy cả hình thù của những xã hội đã biến mất, bữa ăn tối vào một chiều tháng Sáu quanh chiếc bàn ăn gia đình với những người đàn ông râu vểnh, mặc áo choàng mỏng và những người đàn bà mặc áo hở ngực thêu ren trắng vàng, uống sô cô la sóng sánh bọt bằng những chiếc cốc viền vàng, và đàm đạo với vẻ lịch sự châm biếm; thấy gánh xiếc với những con tuấn mã sang trọng và những phụ nữ thuần dưỡng ngựa mặc váy lụa mỏng, phi như bay trong rạp; thấy một hoàng đế đi qua một thành phố và vẫy chào dân chúng; một bìa thi tập cũ nằm lẫn trong một cửa hiệu buôn bán sách; một căn phòng vũ nữ trên gác ba ngôi nhà phố Izabella, lúc năm giờ chiều; tất cả vẫn còn, nhưng chỉ như những vỏ đồ hộp han gỉ, những bộ xương người mà cá biển đã rỉa hết phần mềm, và những cột đá cẩm thạch đã chìm khuất của Atlantis dưới đáy đại dương.

Chương trình làm việc

Các bà nói về những phụ nữ giúp việc của họ. Họ nói những điều thường nói vào lúc này; bắt đầu là “thực ra thì chúng đã có tất cả”, cho tới “đúng là nuôi ong tay áo”. Một bà, nhấn thêm vào hoàn cảnh xã hội của người ở, cao giọng nói:

- ...ngoài ra mỗi ngày ả còn được đi thang máy hai lần.

Ánh sáng phương Bắc

Ban đêm, chân trời bắt đầu tỏa ánh sáng màu hồng, giống như giờ cuối cùng đã điểm, khi nắp những chiếc quan tài bật mở, những bộ hài cốt xếp hàng chờ đến lượt, trên trời bùng cháy những tín hiệu, tiếng kèn vang lên và đã đến lúc phải trả lời câu hỏi cuối cùng. Tôi đứng ở góc đường vòng cung Margit và chờ tín hiệu kèn. “Điềm chiến tranh!” - những kẻ lang thang trong đêm bảo.

Ta sẽ trả lời ra sao? - tôi nghĩ. - Ta chờ cái chết và niềm vui. Niềm vui đã đến khác hơn ta chờ đợi, khác về hương vị, về ý nghĩa so với ta mường tượng. Có thể cái chết cũng sẽ khác. Ta đã chuẩn bị vô ích, nàng tiên dễ thương ơi, dù nàng có đe dọa ta bằng thanh kiếm thẳng rộng bản đi chăng nữa; ta cũng không thể trả lời khác, rằng ta không liên quan đến tất cả những gì đã diễn ra.

- Có đấy! - nàng tiên buồn rầu đáp. - Ngươi đã không bốc lửa đủ mức cần thiết! Hiểu chưa?

- Ta phải cháy lên ư? - tôi hỏi và chợt hiểu nàng nói đúng.

- Phải cháy, phải cháy! - giọng nàng thật đáng sợ. - Cháy, cháy đến tàn lụi trong cuộc đời, trong niềm vui, trong niềm tin, trong đam mê. Giờ thì ngươi hãy xuống địa ngục và hãy cháy vĩnh viễn.

Tôi nghĩ nàng sẽ nói thế. Nhưng lúc ấy tàu điện chợt đến.

Đồ vật

Tôi có một khẩu súng săn Bỉ loại tuyệt hảo, nhưng không bao giờ đi săn. Có một cuốn từ điển Tây Ban Nha, nhưng không biết thứ ngôn ngữ này. Có một bộ áo đuôi tôm, nhưng mặc lần cuối cùng cách đây đã mười năm, và không biết có dịp nào để mặc nữa không. Tôi có cả trái đất này, nhưng không còn đi đâu nữa. Có một nghiên mực bằng thiếc từ thời Rákoczi, nhưng không khi nào dùng vì thường mượn bút mực trong các quán cà phê. Có cả một bộ tẩu thuốc, với những chiếc tẩu đá màu vàng, với cái lọc thuốc, nhưng không bao giờ sử dụng. Lần nào cầm trên tay những đồ vật ấy, tôi cũng vẩn vơ nghĩ ta đã chuẩn bị đầy đủ cho cả cuộc đời mà ta không có hứng thú sống.

Hương mộc

Đi trên phố trong không khí tinh khiết, không hương vị của mùa đông, tôi bỗng nhận ra mùi hoa hương mộc ùa đến. Một cảm giác ảo, tự huyễn hoặc mà thôi, quanh đây làm gì có hương mộc, chẳng ở đâu có về mùa này. Mùi hương mộc ùa đến kia chỉ nở trong ký ức tôi. Ký ức cũng có vùng khí hậu, có thế giới thực vật, động vật của nó. Vùng khí hậu ấy hoàn toàn không phai nhạt. Nó đầy ắp những thái cực. Mùa thu thực không khi nào như mùa thu ta đang sống, mà là một mùa thu khác, hoa vàng rực rỡ, chín nẫu và diệu kỳ, mà ta nhớ đến vào mùa xuân.

 

Tội lỗi

Nhà văn sẽ mắc tội, nếu lười biếng, buông thả hay vô cảm, khi chỉ bằng một nét bút, khi chỉ cần thay một tính từ hay một dấu chấm có thể giúp nhuận sắc cho câu văn, có thể làm cho tình tiết mạnh mẽ hơn, thật hơn, nhân bản và thủy chung hơn - và anh làm được điều đó. Nhưng đôi khi anh lười, anh mệt mỏi, hay anh khinh mạn. Anh nghĩ: “Thế là được”, và tiếp tục viết. Đó là một tội lỗi mà nhà văn không khi nào có thể tha thứ cho mình. Đó là tội lỗi mang tính bản thể. Trong Kinh Thánh gọi là: “Thiếu lòng bác ái”.

Giả trang

Đi dự dạ hội cuối cùng của mùa lễ hội hóa trang, tỷ dụ trong y phục giả trang một nhà văn. Giữa một gã Đầu bếp, một Hầu tước, một nhà Chiêm tinh bỗng xuất hiện một Nhà văn. Những người đang khiêu vũ sẽ thất vọng kêu lên: “Aha, nom hắn giống một con người.”

Tuyết

Mùa đông có một điều gì đó làm ta nhớ đến thời niên thiếu, một cách gần gũi và đau đớn hơn, so với những mùa khác. Trong màu xám xanh của tuyết, trong ánh sáng lờ mờ của những căn phòng, trong mùi nồng nặc của những bếp lò, trong tất cả có một cái gì đó tin cậy và vĩnh viễn mất đi. Kỷ niệm này làm ta run rẩy. Ký ức trẻ thơ về mùa đông như một căn hộ trống vắng, bỏ không, người thân của ta đã dọn đi, như một căn hộ đã chuyển hết đồ gỗ, và không bao giờ còn được sưởi ấm.

 

Những tín hiệu ánh sáng

Sáng tháng Hai, những ánh sáng khác lạ trên mái nhà, tr ên những cánh rừng, những vũng nước đọng trên đường, như bóng một thiếu niên tinh nghịch vụt lướt qua. Cậu bé ấy là tín hiệu báo mùa xuân.

Bach

Âm nhạc của ông không cấu thành từ những nốt nhạc, mà từ những con số; nhưng là những con số mang giá trị vô biên, số “một” tuyệt đối và số “trăm” tuyệt đối, không có mục tiêu và ý nghĩa thực; giống như có ai đó đã làm sạch những con số - mà dân buôn bán thường dùng và thường tranh cãi - khỏi tất cả những gì trần tục, và dùng chúng để đếm các vì sao.

Tiếng thở dài lúc bốn giờ sáng

Tôi muốn gì ư?...

Tôi muốn Hungary có biển, và tôi ngồi trước biển lúc bốn giờ sáng, dưới rặng trắc bá diệp và dưới tán cây keo dầu, cùng với Verlaine và Vôrôsmarty ngà ngà say vì rượu vang Badacsony, ngắm bình minh và biển cả.

Hoa tuyết

Những bó hoa tuyết trắng đến khó tin, e thẹn được bày bán trong những chiếc làn trên phố dạo chơi, tôi mua hết số hoa tươi tắn ấy với tâm trạng hoài nghi vì hoa mùa này quá sớm, tha thiết và chào đón, như thể không phải là hoa thật. Có lẽ chỉ là hoa giả, không có sứ mạng chính thức, nhiệt thành báo xuân về; cũng như những thợ thông ống khói giả đi đi lại lại trong đêm giao thừa, thực ra là những công chức tư, và họ chỉ tự bôi đen mình, để xin tiền mừng tuổi. Phải rất cẩn thận.

Phá băng

Gió mạnh và hoang dã như một toán cướp tấn công thành phố, bắn bằng những khẩu súng ngắn cũ kỹ và khua khoắng. Gió quất vào những bức tường, vặn ngang chừng thân cây trơ trụi, uốn gập thân cây, vật vã, gào thét. Trong khi trời vẫn nắng, lịch thiệp và buốt giá, như một gã bạo chúa khát máu và lạnh lùng, thờ ơ quan sát sự phá phách của lũ trợ thủ tàn ác; chỉ có ánh nắng, không một chút hơi ấm. Những ngôi nhà, những cửa sổ như được phết một lớp sơn lạnh lẽo, không màu.

Người ra đi

Một buổi sáng màu chì, với đàn chim hải âu và những tiếng còi tàu thủy trong sương mù, tôi đi trên phố Bá tước Tisza István, như người di cư trên boong một con tàu lớn cũ kỹ, mang trong tim những hồi ức đau đớn về xứ sở, trên cổ đeo một túi vải thô, trong có bảy mươi nhăm đô la và một nắm đất quê hương.

Tan băng

Trong không khí có một điều gì đó, dường như thiên nhiên đang đỏng đảnh gọi mời. Chỉ cần buông một lời thân ái, là ngả đầu vào anh.

Cầu xin

Hãy yêu rất bình thường và hiền dịu, yêu hơi vô tư, như ta hít thở, hay như ta sống vào một ngày thứ Ba, khi “không có chuyện gì xảy ra”. Tôi không còn mong muốn cái cách người ta yêu nhau như trong màn hai của một vở opera, khi cả dàn kèn đều tấu lên, khi những chùm đèn màu sáng hết công suất, và những nhân vật chính được một ngàn pengő_ mỗi tối. Hãy yêu anh như một chuyện riêng tư không quá quan trọng, không cần chú ý. Như thế, có thể rồi anh cũng sẽ để ý đến em.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t25771-bon-mua-troi-va-dat-tan-van-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận