Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 4

Tản văn 4
THÁNG TƯ

Tôi sinh vào tháng Tư. Bầu trời lần đầu tiên tôi nhìn thấy đầy gió, trộn lẫn ánh sáng và bóng tối mờ, không khí ẩm ướt, vần vũ mây, ánh nắng và những đợt sóng bất an, như một người đàn bà mất trí xõa tóc chơi đàn thụ cầm. Thi thoảng trong những giấc mơ tôi vẫn nghe thấy tiếng thụ cầm ấy. Theo cuốn sách chiêm tinh Nürnberg thì người sinh tháng này tính tình bất ổn, không may mắn trong buôn bán, đa cảm và vụng về. Có nhiều khả năng họ sẽ chết một cái chết thảm, trong nước hay lửa. Người đời cho rằng những kẻ sinh ra vào tháng Tư như chúng tôi tính khí thất thường. Nhưng tôi đã thấy những người còn thất thường một cách nguy hiểm hơn sinh ra vào tháng Tám hay tháng Mười hai. Nhưng tôi không tranh cãi với niềm tin của người đời.

Chắc hẳn trong chúng tôi, những người sinh tháng Tư, có một chút gì đó bất ổn, hấp tấp, tinh quái. Một dạng điên khùng chấp nhận được. Trong từng sợi thần kinh chúng tôi lấp ló bầu trời tháng Tư, mát mẻ, phập phồng xanh, với những sắc màu tươi non, rực rỡ, sự náo nhiệt tưng bừng. Tháng Tư là mùa củ cải và hành non, cũng như tháng Bảy là mùa hoa hồng và tháng Mười hai là mùa văn chương vậy. Mùa củ cải cũng đầy thi hứng và vui như ngày hội. Mấy ngày đầu tháng Tư này là như thế.

Tôi chào đời trong mùa củ cải, hành non xa lát tươi, như một thứ hoa quả đầu mùa. Tôi sinh vào ngày quốc lễ, ngày lễ phê chuẩn các bộ luật. Vào ngày này chẳng bao giờ chúng tôi phải tới trường, và tôi cảm thấy xung quanh cùng chào đón sự hiện diện của tôi như một lẽ tự nhiên. Trong một thời gian khá dài, ngày nghỉ học này làm tôi có cảm giác sự tồn tại của cá nhân mình, cuộc đời mình như một ngày hội. Tháng Tư tới giờ vẫn thu hút sự chú ý của tôi, cả bằng khứu giác. Nó cho tôi dự cảm về một sự bắt đầu.

Tháng tư có màu tím mờ, với những sắc độ khác nhau của hoa uất kim hương. Trong đất đầy củ hành và các loại củ hoa mới dặm vài tuần nay. Sáng sớm quanh những giếng nước nóng đã vây đầy những người đau dạ dày nhăn nhó, tay cầm cốc và ống thủy tinh, cau có nhìn cảnh sắc mùa xuân. Nước suối chữa bệnh nóng bỏng như muốn xả những bức bối, róc rách luồn lách, phụt lên trong những mạch đá ngầm, mang đến nguồn năng lượng bí ẩn, nguyên sơ. Các nàng không thích tháng Tư, tháng của áo khoác ngắn, của mụn trứng cá, của những cơn chóng mặt mùa xuân, những hồi hộp vô cớ. Vào dịp này, những người khá giả thường đi Taormina(1). Dân nghèo tối tối nhìn lên trời, hít hà như đánh hơi, trông sao và khẽ bảo: “Đã sáng hơn.”

Tôi cũng ngước nhìn trời tháng Tư, tìm ngôi sao của mình. Nó còn nhấp nháy lờ mờ tận đâu đâu. Tôi lần tìm một bàn tay và khẽ nói: “Nó mờ hơn.”

Lời thề

Vâng, vâng, vâng, cho đến chết, cả trên giàn lửa hay trong tù đày, hà khắc là số phận của tất cả những người có đức tin và có suy nghĩ trong thế giới của sự ngu dốt, độc ác và thiếu kiên nhẫn, tôi xin thề trung thành - tới lời nói hay hơi thở cuối cùng, thì cũng vậy - với tri thức, chân lý, sự can đảm của tư duy, tôi chối bỏ sự yếu đuối và sự lặp lại máy móc của tâm hồn, những thứ đã hạ thấp Tư tưởng và Nghệ thuật thành trò tiêu khiển, tôi coi sự cuồng nhiệt của khán giả La Mã khi máu mê xem trận đấu của các lực sĩ cũng như sự cuồng si trong một rạp phim hiện đại còn tử tế hơn và nhân bản hơn thế, tôi muốn trung thành với Shakespeare, Goethe, Tolstoy, Arany János, Rilke, Petőfi, Theodor Dreiser, O’Neil, Martialis và Saint Augustinus(*)_, bây giờ và mãi mãi, amen.

Sự gợi cảm

Một hãng tài chính mở văn phòng chi nhánh ở góc phố; với những cửa kính cỡ lớn, đồ gỗ rẻ tiền hiện đại, không đáng giá lắm, và với đồng tiền rẻ mạt, có lẽ cũng chẳng giá trị lắm.

Một đêm tôi đi ngang qua những cửa sổ bằng kính không buông rèm. Trong phòng lớn, trước một két sắt có nẹp viền được điểm trang bằng những cây cảnh phương Nam, đèn chiếu sáng mờ. Tất cả rất cuốn hút. Cây cọ, ánh sáng và tiền mặt, cùng lúc: tất cả như thân thiện, mời gọi, cám dỗ. Có cả chủ nghĩa tư bản gợi cảm đấy.

Giống như một con sư tử cài hoa hồng trên tai.

Cây

Cây cối vẫn trơ trụi. Trên đầu những cành nhánh đã thấy chồi lấp lánh sáng, như bạt ngàn mũi mác trước giờ xung trận.

Cỏ sau đông trên Vérmező_(1)_ đã lấy lại màu xanh cứng cáp, dịu dàng, như người ốm nặng cố gượng dậy vì bức bối và kiêu hãnh, khi bắt gặp tia nắng đầu tiên.

Trong các buồng điện thoại công cộng, những người khoác áo choàng mùa xuân đàm thoại dài dài, công nhiên trên đường phố. Vừa vội vã điện đàm vừa mỉm cười t rong ồn ào phố xá. Gương mặt không thể giấu nổi. Họ nói những lời yêu đương qua điện thoại; về tình yêu, về một thế giới hỗn tạp có rạp chiếu bóng và tiệm bánh kem và về đêm sao sa.

Nước lờ nhờ; tưởng như mùa xuân tuôn chảy cả trong những ống thép.

Đêm đêm đã nghe tiếng còi tàu rúc lên từ đường sắt phía Nam. Cây cối, bằng những mũi mác nhọn, thao thức dõi vào đêm, lắng đón từng thông điệp. Mùa xuân là mùa của những giận hờn.

Trước cửa nhà có một cây dẻ già. Suốt đêm nó rền rĩ, thầm thì. Như một kẻ đãng trí suốt đời, nó bảo: “Dẫu sao, dẫu sao.”

Ăn chay

Gặp nàng lần đầu, và cả sau đó, khi trò chuyện, lúc tâm tình nàng hoàn toàn đúng như một người phụ nữ. Nhưng rồi, đến lúc phải dùng thể xác để minh chứng những gì nàng đã nói, ai cũng thấy nàng không phải là một phụ nữ đích thực, chỉ như một dạng đồ chay. Sự bất ngờ này làm nhiều người xa lánh.

Đôi môi chay, cặp vú chay và những thứ khác. Chúng giống hệt môi, vú của những người đàn bà thật: được nhào nặn từ những chất liệu quý phái, gần như hoàn hảo. Chỉ có điều chúng vô vị. Nụ hôn của nàng cũng chay, một cái hôn khô khan như món thịt hun khói. Và trong những khoảnh khắc đam mê nàng nói những lời chay; sự mời gọi cũng vang lên qua đôi môi nàng như thể nàng bảo: “Lại đây anh, không ai thấy chúng ta đâu, ta hãy đi dạo một tua Oertel.”

Microphone

Tôi hắng giọng, lấy hơi và bắt đầu nói - một mình trong căn phòng cách âm của đài phát thanh. Trên bàn, một quả bóng thủy tinh nhỏ màu đỏ báo hiệu tiếng nói của tôi đã được truyền tới đài phát, và giờ đây trên một bước sóng nhất định nó đang lan truyền trong không trung, đâu đó giữa Australia và phố Sándor ở Pest.

Đôi lúc giọng tôi ngắc ngứ, tắc nghẹn. Vừa đọc tôi vừa nghĩ: “Con người không thể quen nổi việc này. Một chuyến tàu đi trên biển phía Nam lúc này, tối chủ nhật, đầy những người Hung di cư, và một ai đó trong số họ, trong lúc buồn chợt mở đài và nghe thấy tôi nói. Một ai đó ở Greenland đang dò sóng đài và giọng nói của tôi chợt vang lên trên những núi băng. Lúc này tôi vĩ đại như con người chưa hề vĩ đại như thế, ngay cả Attila cũng không, Richard Sư Tử Tâm(*)_ cũng không. Thế giới này là thuộc về tôi. Tôi nói gì với thế giới? Những Đức Giáo hoàng, những bậc vương giả vĩ đại thời Trung đại từng mơ ước có lần được nói với thiên hạ như thế, trực tiếp và thân thiện. Liệu có thể quen với thứ quyền năng này? Chưa bao giờ con người khổng lồ, vô biên như thế.”

Tôi đọc tiếp. Tôi đang nói chuyện cùng thế giới, nhưng tôi không thể nói một chút gì về điều làm trái tim tôi đau đớn. Nói chuyện với vô biên cũng có phép tắc của nó.

- Chưa bao giờ con người bất lực như thế này, - tôi nghĩ trước microphone và nuốt khan một cái.

 Có thể ở Greenland người ta đã nghe được tiếng nuốt khan ấy, và đã hiểu.

 

Đôi mắt

Ôi, thứ ánh sáng bỗng lóe lên trên đường phố, hoặc giữa đám đông trong nhà hát, hay trên tàu điện - cái tia sáng ấy, tia sáng của đôi mắt, thứ ánh sáng con người còn mạnh và cháy bỏng hơn tia phóng xạ radium, nó thiêu đốt và xuyên thấu tâm hồn, nó xoa dịu và tàn phá. Thứ ánh sáng kỳ lạ. Hãy nhìn vào mắt tôi đây!

Một người Đức

Thomas Mann(*)_ là một người Đức như thể ông đang ở Phi châu vậy: bướng bỉnh và trung thành, nhưng cùng lúc ông hơi đóng kịch và phản kháng, dễ tổn thương và kiêu hãnh. Trong ông có chút gì đó âm nhạc của Mozart, vai diễn của Goethe và tất nhiên rất nhiều Thomas Mann, một quý tộc sinh ra ở Lübeck, bây giờ là Thomas Mann ở Küssnacht, gần Zürich. Ông vật lộn sinh tử với những thuộc tính Đức trong bản thân mình; vừa hơi muốn nuôi dưỡng vừa hơi muốn khai tử tính cách Đức trong ông. Trong dòng sữa mẹ ông đã uống nửa cốc sâm banh mà Bismarck(*)_ đòi hỏi cho mỗi người Đức; và giờ đây ông nói về thế giới trong niềm hưng phấn say mê ngọt ngào xuyên suốt cuộc đời ấy. Có thể ông không phải là người Đức lý tưởng nhất, nhưng chắc chắn là chân chính nhất. Và hơn nữa, bên cạnh Undset và Dreiser_(*) ông là một trong những nhà văn đương đại lớn nhất. Một mâu thuẫn lạ lùng! Tôi bái phục ông sâu sắc, và đôi khi thấy thương ông.

Cái đẹp

Mô tả ghi lại được khoảnh khắc khi cái đẹp, sự kỳ diệu hun đúc bởi chất liệu và tâm hồn, mong manh và như một lớp men, vỡ vụn trên gương mặt một phụ nữ, vì sự hòa hợp - mà vẻ đẹp bề ngoài chỉ là hệ lụy - của tâm hồn và tính cách đã bị phá vỡ. “Lạ thật, cô ta xấu đi!” - người ta nói và nhún vai. Đúng, cô ấy xấu đi vì sự tàn phai từ nội tâm. Đẹp nghĩa là trong sáng, theo đúng nghĩa của ngôn từ. Những thứ khác chỉ là sự trang điểm.

Cylinder_(1)

Theo phiếu ghi kết quả thử nghiệm nước tiểu thì “lắng cặn thu được qua ly tâm ít, màu trắng, không thấy cylinder”.

Trong phòng xét nghiệm, người ta trấn an:

- Nước tiểu quý ông hoàn toàn bình thường.

Tôi cám ơn, nhân danh cả quý ông nữa.

- Không có cả Gigardi(*)_ nữa chứ? - Tôi hỏi sau khi đọc.

Người bệnh khe khẽ thở trong tiếng động của dụng cụ đo và những ngôn từ chuyên môn, lo lắng chú ý, hiểu hết, cả những từ ngoại lai. “Tất cả bọn thiếu axit còn sống đều đáng ngờ” - bác sĩ nói vào điện thoại trong khi khám nghiệm. Người bệnh dỏng tai nghe, vì muốn biết: và biết mình thiếu axit.

Thiếu axit hay có đường, hoặc quá trình tạo nhiệt lượng không đảm bảo: và trên tất cả những thứ ấy là một con người, với số phận không phải là axit, đường hay tuyến cơ thể, mà là tất cả, và trên tất cả là bí mật mà chỉ mình anh ta biết. Hãy phát hiện đi, hỡi bác sĩ, nếu ông là bác sĩ, rằng Liszt_(*) là nhạc sư, cũng như Chúa - ơn Chúa - là Đức Chúa vậy.

Những hình ảnh thành phố

Phải miêu tả những thành phố như một ý tưởng hay một hồi ức của cảm xúc. “Những hình ảnh phành phố” luôn làm tôi bực mình và chán ngán, chúng thường bắt đầu bằng một tháp cao lấp ló từ đâu đó, và tiếp nối bằng tỉ lệ các sắc dân trong thành phố và số calo mà trưa và tối những cư dân của nó tiêu thụ. Tất cả đều vô nghĩa. Một thành phố trước hết là ý tưởng, không thể đưa vào sổ địa bạ.

Dandy_(1)

Những dandy lớn - Fox, d’Orsay, Edward VIII, Baudelaire, Justh Zsigmond, D’Israeli(*)_ - đều đã làm sâu sắc thị hiếu thẩm mỹ một thời đại, khi từ sự kỳ dị họ chắt lọc lại một điều bình thường nào đó cho dân thường; họ bắt đầu bằng quần trắng và giày đế đỏ, và kết quả cuối cùng từ công việc của họ là quần lửng chỉ được dùng trong Hoàng cung Anh, và những người thừa hành án cũng đọc các tác phẩm của Proust. Người dandy thật, từ những trò biểu diễn gây cười cho công chúng, đã rèn giũa cho công chúng một lối sống, từ những lễ hội sặc sỡ hiếm hoi, đã mang lại cho con người những ngày bình thường gần gũi và nhân bản hơn, đã đánh thức thị hiếu để thuần phục gu thẩm mỹ máy móc và thiếu sức tưởng tượng, họ ăn chim cun cút nướng trên lửa nến, nhưng nhờ họ mà dân chúng đã học cách ăn bằng dao dĩa. Người dandy, ngỗ ngược nhưng không bao giờ vô học, người dandy khinh mạn, nhưng cuối cùng chính họ đã tạo nên quần chúng biết tôn trọng họ. Người dandy giáo dục, khi họ làm hoàn toàn trái ngược với những gì họ được giáo dục. Loại người này đã tuyệt chủng. Đáng tiếc sao. Thế vào chỗ họ chỉ còn lại những diễn viên điện ảnh được ưa chuộng.

Arany János

Tôi sống và ngủ giữa những cuốn sách. Đêm mất ngủ, tôi với tay lần lần lấy xuống một quyển từ giá sách gần nhất.

Tôi sống giữa hàng ngàn cuốn sách, không phải do tôi chọn lựa; cuộc sống, sự tò mò, những chuyến đi, nghề nghiệp, những nhà buôn sách và những tác giả đã mang chúng đến phòng tôi, thỉnh thoảng gửi tôi những đứa con tinh thần của họ, mỗi ngày bốn năm cuốn, hy vọng nhận được một nhận xét thiện ý của tôi. Những cuốn sách quanh giường nhìn tôi như đòi hỏi, trách móc, và tôi lướt nhìn chúng với vẻ có lỗi. Nhưng cuộc đời ngắn ngủi. Tôi chỉ đọc những gì tôi thích và những thứ tôi hy vọng tìm thấy: sự hữu ích hay quên lãng.

Ban đêm, tay lướt mò trên giá sách, tôi thường rút xuống một cuốn nào đó của Arany János, thường là bản in đẹp trên giấy đã ố vàng do Arany László tập hợp và Ráth Mór(*)_ in ở Pest, năm 1888. Những cuốn sách Arany kiểu Ráth này thường là bạn chung thủy nhất của của tôi khi về đêm. Có thể nói dù tôi mở bất cứ cuốn nào của ông cũng vậy, tôi không muốn đàm đạo về thể loại, mà muốn giao cảm với tâm hồn Arany. Vẫn là một tâm hồn ấy thầm thì cùng tôi dù đó là các bài balat, hay Toldi_(1)”, hoặc thư từ của ông. Tôi lật giở một trang bất kỳ, và đọc chậm rãi, tin cậy, nhiều khi tới sớm mai.

Tôi đặc biệt thích những lá thư ông viết. Tôi thích điều gì ở tâm hồn ấy? Sự sang trọng và đứng đắn? Sự đức độ hay sức đấu tranh sôi sục khôn nguôi của ông, nếu nói đến những gì quý trọng đối với ông: đất nước và dân tộc Hung, ngôn ngữ Hung, văn chương? Sự ưu tư của ông cao thượng và sâu thẳm, sôi sục và bay bổng, nhạy cảm và hiếu kỳ tới mức tôi không biết tìm nguồn gốc của nó từ đâu: giữa những người nông dân vùng Szalonta(2)_ hay ở đâu đó trong văn học thế giới, trong Osszián_(3)?... Khi ông thuyết phục Tompa(*)_ chấp nhận sự giúp đỡ của Hàn lâm viện, hay khi ông than phiền: “…cái mà người ta thường gọi là sức khỏe, thì tôi có. Tôi thức dậy, ăn uống như mọi người khác; tôi ngủ nhưng những giấc mơ u uất. Tôi không đau đớn, chỉ đôi khi tức ngực, đã từ lâu nên tôi đã quen và không để ý đến nó. Tôi chấp nhận bệnh tôi là bệnh tưởng, nhưng nếu đúng vậy, thì cái bệnh của nợ này đâu có nực cười như họ khẳng định…” - trong bức thư ký tên “Jankó”. Trong những bức thư ký “viên phụ việc chưởng khế Szalontai”, ta cảm thấy nỗi trăn trở tinh thần của nhà thơ, người dành tất cả tâm huyết và cả sức khỏe của mình cho các tác phẩm. Những gì ông viết cho thấy ông là một nghệ sĩ lớn, lớn nhất, trong sáng nhất. Những lá thư ông viết là minh chứng cho thấy không người nghệ sĩ nào không phải trả giá. Arany đã dành cho thơ tất cả. Sức khỏe, hạnh phúc, cuộc đời.

Can đảm

Chỉ có người anh hùng mới biết giữ kín trong mình sự phản kháng và chân lý.

Độc giả

Một thiếu nữ ngồi trên ghế dài ven lối dạo chơi và đọc sách, gió nâng chiếc khăn quàng cổ màu xám nhạt của nàng bay lất phất. Tôi đi qua, và nhìn gương mặt dễ thương, thánh thiện, trẻ trung, nhìn ngấn cổ mịn màng, đôi chân thon thả của nàng đầy thiện cảm. Tôi chợt nhận ra cuốn sách nàng cầm trên một tay và đang chăm chú đọc có vẻ quen quen. Chính là một tác phẩm của tôi.

Một phát hiện như thế làm mỗi nhà văn hết sức hồi hộp và vui sướng. Ta viết và gần như không dám tin rằng cuốn sách trở thành một sản phẩm, một ấn tượng vật thể, có thể nhét trong ngăn kéo, rồi một ngày kia một thiếu nữ mang ra lối đi dạo và đọc nó như một văn phẩm nhẹ nhàng, tiêu khiển. Quan hệ của nhà văn và tác phẩm với thế giới không thân thiện, tử tế như thế. Nhà văn viết vì không thể làm khác, anh muốn thành công, nếu không muốn thế anh sẽ trở thành ác quỷ, vì anh có chút gì đó vừa là người thợ và cũng vừa là doanh nhân, vì nếu khác đi anh sẽ trở thành kẻ ngốc và bị giẫm nát - nhưng ngoài điều đó ra, anh không tin vào “sản phẩm” mà anh làm ra, và nếu gặp người tiêu dùng, anh sẽ kinh ngạc và né tránh. Vì thế mà tôi rảo bước nhanh hơn, và không ngoái đầu nhìn lại.

Tang tóc

Khi Z., một chính khách và một người bạn lớn qua đời, tôi đến tiễn biệt ông. Ông nằm trong phòng làm việc, trên một trường kỷ đặt trước bàn viết, giữa tủ sách và những giá chất đầy giấy tờ và báo chí. Tôi đứng lặng trước linh cữu và cúi đầu. Lúc đó một cảm giác, một sự thôi thúc mạnh hơn tất cả buộc tôi bắt đầu tìm trên các giá sách những tác phẩm của mình. Lúc đầu tôi còn e ngại và kín đáo, nhưng sau đó tôi lướt tìm lộ liễu và vội vàng. Tôi thấy vẻn vẹn có một cuốn, một cuốn tiểu thuyết bụi bặm nằm giữa hai cuốn sách luật học. Lúc ấy một điều gì đó bóp nghẹt trái tim tôi, và tôi cảm thấy một nỗi tang tóc vô hạn.

Nhạc sĩ

Một nhạc sĩ lớn mất đi. Những cuốn vở chép nhạc và đĩa hát đã lưu giữ, những gì có thể, các tác phẩm của ông. Nhưng thứ âm nhạc khác mà ông không ghi lại, chỉ có cây vĩ cầm của ông biết, và những người từng nghe cây vĩ cầm này đã vĩnh viễn câm lặng. Sự im lặng ấy là một thảm kịch.

Một cái gì đó mất đi trong ta, trong mỗi chúng ta, cả trong những con người nhỏ bé, vô danh; một thứ gì đó không thể lưu giữ bằng chữ viết, hình ảnh hay sổ chép nhạc. Mỗi người đều có chút âm nhạc của mình, đó là nghệ thuật của riêng mình. Một nhà văn lớn mất đi để lại những cuốn sách, người nghệ sĩ để lại những họa phẩm hay công trình điêu khắc, nhạc sĩ lớn để lại giai điệu hay nhạc phẩm mà ông ghi lại bằng những nốt nhạc lên một mảnh giấy. Nhưng nghệ thuật còn là điều gì khác nữa. Sự ra đi của mỗi nghệ sĩ đều kéo theo sự mất đi của một điều gì đó mà tác phẩm chỉ là hệ quả của nó; và cái nội dung mất đi ấy mới là nghệ thuật đích thực. Vậy cái đó, nghệ thuật chân chính là gì vậy? Là cảm xúc cội rễ mà tác phẩm chỉ là sự hiển thị của nó.

Phía sau người nghệ sĩ, diễn viên sẽ còn lại những gì? Vài bức ảnh, một khuôn mặt, ký ức về một cái khoát tay. Chất liệu và tâm hồn tạo nên hiện tượng nghệ thuật đã để lại vết xước trên tấm gương tâm hồn của vài người thưởng ngoạn; người diễn viên tiếp tục sống trong những tâm hồn ấy một thời gian ngắn nữa. Chúng ta biết gì về nghệ thuật của Talma_(*)? Nó đã mất đi theo thời gian. Cái ấn tượng mà Paganini, Viotti, Vieuxtemps_(*) cống hiến cho thời đại mình đã lưu lạc đi đâu? Ở đâu đó có một thứ âm nhạc như thế, không thành văn, lơ lửng giữa trời và đất.

Chỉ người nghệ sĩ ghi chép lưu giữ các tác phẩm của mình, ở một chừng mực nào đó chống lại được cái chết.

Phong cách

Schopenhauer coi phong cách là gương mặt của tâm hồn. Phong cách giả tạo là mặt nạ: ta đã chán ngấy tóc giả, son phấn, gai sợi. Ngày nay, khi viết một cách bình thường và đơn giản - nhờ sự đánh bóng văn chương - thực chất không còn là sứ mạng nữa, thì thế giới văn chương đầy rẫy những kẻ đầu tóc chải mượt, râu ria nhẵn nhụi, giống như họ vừa bước ra từ một salon thẩm mỹ văn chương vậy: tất cả đều một dạng, nom phong độ từa tựa như những gã chăn gái Nam Mỹ trong phim ảnh, rất gợi tình. Chính vì thế tôi chỉ nhìn ngắm họ, t c lưỡi; nhưng không đọc những gì họ viết.

Kẻ tự sát

Buổi sáng gã thức dậy, đến sở, tiếp sau này lấy vợ, lên bậc lương cao hơn, rồi sau đứng ngoài phố xem báo ảnh màu, châm thuốc hút, rồi đi nằm, và đến một ngày gã không dậy nữa. Gã đang đi phía trước tôi đây và đi đến cái chết, một kẻ tự sát; và tôi không thể làm được gì cho gã.

Nhiệt đới

Người phụ nữ ngồi đối diện với tôi là một người lai: mẹ nàng là người bản xứ nhiệt đới, thuộc một bộ tộc ăn thịt người. Những người biết gốc gác của nàng khăng khăng bảo mẹ nàng còn ăn thịt người. Rồi bà - thế đấy, đúng là sức mạnh của thói quen! - lấy một viên chức thực dân người Anh. Hai vợ chồng phải trốn chạy khỏi những định kiến của cộng đồng Anh. Nàng là con gái họ, bây giờ nàng đang ngồi đối diện tôi, nói với người bạn quen của tôi bằng một thổ ngữ xa lạ, thứ tiếng nghe êm như tiếng Hung, và tôi không hiểu.

Dáng nàng mềm mại và thanh tú; những nữ thần đội mũ chóp nhọn chạm khắc trên các bình đồng Java có dáng ngồi như thế. Đôi bàn tay nàng, những bàn tay lai đặc trưng tuyệt vời - những đốt dài cong cong - như không phải một bàn tay phụ nữ mà là bàn tay thú. Giống như bàn tay lột xác của một con đười ươi. Đôi tay nhiệt đới nom thật đáng sợ. Chúng không thích hợp với công việc. Với những ngón tay như thế chỉ có thể cầu nguyện, ôm ấp hay giết người.

Nàng đọc một bài thơ bằng tiếng mẹ đẻ. Thi ca của họ toàn nói về tình yêu; nàng nói nhỏ nhẹ tựa như một nhánh phong lan lên tiếng. “Ở quê tôi những chàng trai đọc thơ cho bạn tình ngày này qua ngày khác,” - sau đó nàng kể.

Tôi hỏi, ở đất nước chúng ta nàng có rét không? Nàng bối rối nhìn quanh rồi mỉm cười, nhưng không đáp. Như thể nàng không muốn làm phiền lòng gia chủ.

Tôi nghĩ nàng mười tám.

Sau này tôi mới biết nàng bốn mươi ba.

Tất cả đều khác.

Sự nghiệp

Một dạo chàng đi lại lơ đãng, cúi xuống một cuốn sách hay một gương mặt phụ nữ, cười vô tư, chàng nhìn những vì sao hay nhìn hoa, hoặc nhìn những người tự vẫn - nhưng rồi một ngày chàng bắt đầu “tạo dựng sự nghiệp”; và thế là chàng thay đổi hẳn. Gương mặt thân thiện, gần gũi của chàng bỗng trở nên trang nghiêm, như mặt mũi của lũ người mẫu giả trong tủ kính: chàng cười, nhưng gượng gạo, chàng diện, nhưng hơi giống một diễn viên hay một ông quốc vụ khanh đang thừa hành công vụ. Như thể chàng luôn mặc áo đuôi tôm, cả khi vào bể bơi vậy. Cứ như chàng luôn miệng nói: “Với tất cả ý thức trách nhiệm.” Cứ như chàng vui lòng làm tất cả những gì mà mọi người, thiên hạ, cây cỏ hay lũ gấu trúc yêu cầu, nhưng chỉ từ chín giờ đến hai giờ chiều, trong giờ làm việc.

Thợ làm bàn chải

Tôi đã thấy các nhà văn, mục sư, thợ lắp bồn vệ sinh, thậm chí nhà xã hội học uống như thợ làm bàn chải_(1). Chỉ có điều tôi chưa bao giờ thấy thợ làm bàn chải, cả khi say, cả khi tỉnh.

Ngôn ngữ đời sống, bằng năng lực đặc trưng bí ẩn, tạo ra những biểu tượng, những biểu tượng đó tự thân tồn tại, độc lập với hình mẫu. “Một cô gái dễ thương, hơi bị mộng du,” - người ta nói. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy người mộng du; và cô gái người ta gán cho dị chứng kia thường chỉ đọc tiểu thuyết Anh, chứ ít khi dạo chơi trên nóc nhà hay mái chìa dưới ánh trăng. Tôi nhận thấy cô thường đi trên những lối dạo chơi lúc mười hai giờ trưa, trong nắng chói chang, cùng những nhân viên nhà băng rất có học thức và am hiểu văn chương.

Tôi khát khao đến cháy bỏng được biết sự thật. Muốn thấy một người thợ làm bàn chải uống rượu thế nào. Tôi muốn thấy một cô gái mộng du mặc áo ngủ trắng đi trên nóc Vương cung Thánh đường dưới ánh trăng. Tôi muốn thấy Richard “Sư Tử Tâm”, lúc còn là vị tướng, nếu có thể thì trên bàn mổ, - không có cách nào khác - khi nhà giải phẫu mở lồng ngực vị tướng và ngạc nhiên thốt lên: “Đây, đúng là ông ấy có trái tim sư tử.”

Tỏ tình

Sáng sớm, sau một đêm thức trắng hàn huyên, chàng đưa tiễn nàng về, trước cổng ngôi nhà xa lạ, chàng lịch thiệp nhảy khỏi xe để giúp nàng, chàng trượt chân và ngã sóng soài trên nền đất ướt, gãy tay. Trong nỗi đau đớn man dại lúc đầu, chàng nằm sấp mấy giây, bất động dưới chân nàng.

Ôi! - nàng nghĩ. - Thật quá sức tưởng tượng. Chàng yêu ta đến thế ư?

Tiếng động

Trên đường phố, dưới suối, trong tiệm may, trong thận, trong gan con người, trong ổ rắn, đâu đâu cũng có tiếng động, những âm thanh chuẩn bị một điều gì đó. Một con sóc bay từ ngọn thông này sang ngọn kia bằng một cú nhảy rợn người, nó dừng lại trên đầu một cành lá nhọn, đưa bàn chân trước lên mũi, ra bộ quan trọng bảo: “Tháng Tư.”

Sicilia_(1)

Khi con tàu dừng trước Taormina, một phụ nữ mặc đồ tắm nhảy từ trên boong tàu, và bắt đầu bơi trong làn nước xanh nhạt về phía bờ. Nàng bơi chậm, lúc đó vào buổi sáng, trong làn ánh sáng trắng, nước xanh, về phía những mỏm đá màu vàng đang bốc hơi; nàng bơi như suy nghĩ, như người trở về một đất nước lạ kỳ, cùng một lúc là nước, ánh sáng và ý tưởng. Nàng bơi như vị cứu tinh trong cổ tích. Tôi tựa vào lan can mạn tàu dõi theo nàng, theo cái cơ thể màu trắng mà biển dịu dàng đang ôm trọn trong vòng tay như ôm một cơ thể gần gũi và tin cậy, một chú cá hay một nữ thủy thần. Sicilia là xứ sở của những điều kỳ diệu, tôi nghĩ. Có lẽ nơi đây vẫn còn sống, trong kiếp lưu đày, những bậc thánh nhỏ bé, vui tươi, có vóc dáng con người.

Chuyến đi tháng Tư

Chuyến đi này ngay từ những động tác chuẩn bị đầu tiên đã đầy những nỗi buồn phiền khó hiểu, nặng nề. Tôi đi qua những thành phố nhỏ, giống làng mạc hơn là thành phố, và những số phận vẫy chào tôi từ mỗi chiếc cổng và mỗi ô cửa sổ. Những số phận mà Chúa cũ ng không giúp nổi. Sự vô vọng của những căn nhà, những nghề nghiệp và những quan hệ con người. Một chậu hoa đặt trên cửa sổ, như ai đó muốn nhắn gửi điều gì đến nhân loại vô cảm và câm lặng qua một mật hiệu. Một ngọn lửa sau cánh cổng, như đâu đâu cũng là những Robinson. Khăn áo tã tượi và những đồ lót cũ kỹ chăng trên dây phơi, những quán trọ, nơi tất cả đều mơ về vụ giết người hay sở thuế, những đôi mắt nhẫn nhịn và u buồn của phụ nữ nhìn theo xe - như thể thế gian bị quây lại bằng ván gỗ, bằng dây thép gai, như thể những con đường bị cắt đứt và bị chặn lại ở đâu đó bằng chướng ngại vật: dọc đường đi tôi cảm thấy như thế. Tôi dừng lại cạnh đường xe hỏa, ngồi xuống bên những thanh ray, châm thuốc hút, nghe tiếng gió tháng Tư ẩm ướt, và kinh ngạc cảm thấy mình không còn thực sự thích thú điều gì ở thế giới này.

Chúa nhật Lễ Lá_(1)

Đâu đâu cũng đầy ắp mùi ấm nóng, hầm hập, như trong một lò nướng bánh mì, khi bột ủ đã nở và các chàng trai dùng những chiếc xẻng cán dài trượt những khối bột mềm mềm vào lò. Và hơi có mùi giống như người ta phết mật lên tất cả, một chất dính kết ngọt ngào, giống như một chai rượu mùi vani đổ tràn ra đâu đó. Tất cả ngột ngạt đến váng vất. Ta muốn mở toang cửa thông gió đón mùa xuân.

Roma

Những khoảng thời gian mươi phút này, trước mùa xuân, trên một sân ga xa lạ, giữa hai chuyến tàu, giữa những người bán báo, những chai Chiantis và các gói đồ ăn đường trong những chiếc rổ con, những người thợ toa xe lấm lem dầu mỡ, những nhân viên vận hành ăn mặc tề chỉnh lẩn giữa những người đổi tiền và các thám tử; và khi ta còn đang loay hoay chuyển tàu, biết phía sau cửa ra bên kia là Roma, thành phố đã chờ đợi ngươi từ hàng ngàn năm, vào giờ này trong một căn phòng cho thuê màu trắng, sưởi bằng hơi, một phụ nữ mắt đen vừa thức giấc, có thể nàng có họ hàng với Lukrécia(*)_, và Đức Giáo hoàng đang húng hắng ho, ngài đeo kính gọng mũi và bắt đầu đọc Osservatore_(1) dưới ánh sáng lạnh của cây đèn có chao, và tất cả những thứ đó thật gần gũi mà cũng xa vời, vì chuông đã reo và tàu đã khởi hành, mang ngươi trở lại cuộc sống của mình, một cuộc sống cay nghiệt và duy nhất, cũng vĩnh hằng và phù sinh, cũng chật chội và xa vời như Roma.

Lễ Phục sinh

Thời niên thiếu, những ngày trước Lễ Phục sinh đã tác động bi thảm đến tôi. Màu và vị của không khí bỗng thay đổi: không gian nhợt nhạt ánh nến đầy những hương hoa quý và tang tóc. Trên quảng trường Dominician_(2) những đoàn diễu hành đi vòng quanh, tay cầm những lá cờ thêu hình Hài Nhi và Cừu. Những người đàn bà Slovakia hát, nghe thê lương như tang tóc không tránh khỏi đang bao trùm nhân thế. Những ngày ấy tôi sợ không dám ra đường. Những điều huyền bí không chỉ lưu tồn trong các nghi lễ. Trong nhà thờ người ta hát: “Hỡi những người Công giáo, hãy cất tiếng khóc”; và những lúc như thế bao giờ tôi cũng khóc. Dường như tôi có mối ràng buộc riêng tư với Lễ Phục sinh, như tiếng chuông ngân và những bài thánh ca nhắc tôi một điều gì bi thảm và thầm kín. Trong con người ta phải có một thứ vật chất linh diệu nào đó không thể tàn lụi, và chất liệu con người, biết đau đớn đến khủng khiếp. Tôi cảm thấy thế. Vì thế mà tôi sợ.

Ngày hội

Những ngày tưng bừng, khi dàn kèn đồng mùa xuân cất tiếng, tựa như trên các tranh Walt Disney, những cây sồi bỗng nhào lộn, những con xén tóc và những ông tổng giám đốc, tất cả bắt đầu rung chuông và rít lên, cả đồ vật, mọi thứ và mọi người chạy thục mạng về phía một cái đích - trong đa số trường hợp - không hề có. Nghe âm thanh của những chiếc kèn đồng vô hình, chúng ta lao về phía ký ức. Ký ức đó là gì? Hồi ức về một ngày hội, khi sư tử và cá sấu vây quanh Adam và Eva một cách thân thiện, và chú bò rừng đứng giữa trảng cỏ, dưới bóng những cây dương xỉ cao trăm mét, mãn nguyện vẫy đuôi hềnh hệch cười.

Bị theo dõi

Bạn chưa bao giờ cảm thấy mình bị các loài thú dõi theo ư? Hoẵng, mèo rừng, tê giác, thú ăn kiến thường lặng lẽ làm việc riêng của chúng, trong khi đó chúng luôn cảnh giác, để mắt chú ý đến con người, đến thứ sinh linh xa lạ đáng ngờ và nguy hiểm trên mặt đất này. Hãy tin rằng chúng ta đang bị theo dõi.

Chia ly

Thời gian trôi, và mấy tuần nay cuộc sống tràn đầy sự kiện. Cái liếc mắt của mọi người cũng khác. Họ lắng nghe một điều gì đó, mắt long lanh nhìn lên trời, rồi ủ dột nhìn mặt đất. Rồi họ nhìn nhau, ngắm hoa, nhìn những biển quảng cáo kem đánh răng, nhìn đàn bà - những người dự cảm thấy một điều gì đó -, và nụ cười của họ có gì khang khác mọi khi. Cảm thức này là gì, sự tìm tòi và ngạc nhiên dồn nén, liên miên, đau đớn và đáng sợ này? Có gì trong không gian, trong mắt người, trong nụ cười phụ nữ? Chia ly.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t25776-bon-mua-troi-va-dat-tan-van-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận