Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 5

Tản văn 5
THÁNG NĂM

Tháng Năm có giai điệu riêng của nó, đã có biết bao nhạc sĩ quốc tế cố phổ nhạc, nhưng vô ích. Họ đã thử tất cả để làm việc đó: nhưng lần nào cũng chỉ đẻ ra những sự ầm ĩ có giai điệu, với những ám chỉ đến hoa lan chuông và ái tình được đáp lại hững hờ.

Giai điệu thật của tháng Năm sâu lắng hơn, và hoàn toàn không ủy mị. Trong giai điệu ấy có điều gì đó đến từ một vụ động đất. Nhưng cũng có một chút gì đó của cái chết. Một tháng đáng sợ. Những người già cả không thích tháng Năm, họ thận trọng với vị, với ánh sáng và mùi hương của nó, nếu có thể họ trốn khỏi hay tránh xa tháng Năm.

Bàn ăn được bày nom mới cuốn hút kỳ lạ làm sao, với các loại rau thơm và thịt gia cầm. Nhưng tự tâm người ta thấy bồn chồn. Ngày lễ tháng Năm dân dã và náo nhiệt. Tất cả đều ầm ĩ như muốn nói điều gì. Không gian ngai ngái chát nồng, nắng gắt, thứ ánh sáng chói lóa của những lễ hội thời cổ đại. Có kẻ tự vẫn tháng Năm, cũng như có hoa lan chuông tháng Năm, gà rán tháng Năm. Trước cuộc tấn công này, con người bất lực chạy trốn vào sau những thành trì của nền văn minh. Không thể viết sách vào tháng Năm. Đọc cũng hầu như không. Tất cả đều cảm thấy những tia nắng, mùi hương kia là một cuộc tấn công chống lại lý trí. Nắng tháng Năm ác hiểm hơn cả nắng dữ dội tháng Tám, như lưỡi kiếm vàng băm vằm tứ phía, như một võ sĩ Đông phương, mắt vằn đỏ, bạo liệt. Tháng Năm giết người bằng nọc độc và kim vàng, như sát thủ giấu mặt, không thể phòng vệ. Có cả đột quỵ tháng Năm. Thiên nhiên không duy cảm.

Đây là tháng của tình yêu: đúng hơn, nó giống như trong các tiểu thuyết rất xoàng và rất hay, tình yêu và cái chết. Trong những hiện tượng tự nhiên có cái gì đó tài tử, cẩu thả và tuyệt tác. Đến tháng này nhiều người hốt hoảng, vội vã kiếm tìm tình yêu như một nghĩa vụ, như thể mùa đông mua giày đi tuyết, mùa hè mua vé tháng vào bể bơi. Tình yêu tháng Năm không thể tin cậy. Hầu hết tình tháng Năm không hướng tới một con người cụ thể nào, nó chỉ thuần phục nỗi hốt hoảng ngự trị trong bầu không khí chung, thuần phục tháng Năm.

Đến tháng Chín ta sẽ nhìn lại mối tình tháng Năm thán phục và kinh ngạc. Có thể như thế ư? Mắt mũi ta để đâu thế nhỉ?... Tháng Năm mỗi phụ nữ đều hơi giống Titania(1)_. Tới một ngày nàng tỉnh mộng, ngạc nhiên nhìn lên tấm lịch, ngắm chiếc đầu lừa mà nàng yêu thích.

Tôi nhớ một tháng Năm ở biển, không có hoa và cây, giữa châu Phi và châu Âu, khi tất cả những gì trên đất liền làm người ta bất an trong tháng Năm bí ẩn này, biển đã ùa đến phía tôi, trong nắng chói chang và gió nóng. Không có hoa tháng Năm vẫn dữ dằn. Tôi nhớ một sáng tháng Năm thuở bé, chúng tôi giúp cha xứ làm lễ trong nhà thờ nhỏ của gia đình, trước bệ thờ Maria, giữa hoa loa kèn và hoa mẫu đơn. Thi thoảng tôi vẫn thấy âm điệu của những buổi sáng ấy. Tôi nhớ một chiều tháng Năm, khi tôi suýt chết vì một người phụ nữ. Nay thì điều đó không thể xảy ra với tôi nữa. Tôi đã từng trải, cẩn trọng. Tôi ngửa mặt đón nắng non tháng Năm, và lim dim mắt nghĩ: “Thật đáng tiếc!”

Tây Ban Nha

Tôi ngồi trong quán cà phê, lim dim mắt, tờ báo trên tay chạy dòng tít chữ to cỡ một gang tay, như thét vào không gian: lại một thứ gì đó bị tàn phá ở Tây Ban Nha. Cái gì bị tàn phá từ thứ Hai sang thứ Ba? Không chỉ những viên đá lát trên ban công nhà thờ, những viên đá màu vàng bơ đã bị thời gian làm xỉn đen lại. Ở đâu đó, trước một thánh đường, những bó đuốc của Tòa án Giáo hội cháy bập bùng, những thân người bị rạch bụng nằm như những chú ngựa trong trường đấu bò tót. Tôi nghe có tiếng rên, sau đó là tiếng hát nghe tang tóc, day dứt, đam mê. Một cái gì đó vừa bị tàn phá, không chỉ một thành phố, một thứ đồ cổ, một buồng tắm đổ nát - mà là Tây Ban Nha bị hủy diệt, một đất nước vừa tôn trọng quyền chiếm hữu bất động sản vĩnh viễn vừa có Velázquez, có quân đội làm chính trị và Greco, Gil Robles(*)_ và Don Quijote, có kiểu chào cúi rạp và nụ cười tình tứ sau ban công che lưới, có hoa hồng màu huyết dụ và đầy những chú cá béo mập sáng lấp lánh bày bán trong các sọt ngoài chợ, có sự kiêu ngạo và bần cùng, cái hợp thể nóng bức và tăm tối ngay cả những lúc khá nhất cũng vẫn có chút gì đó giống Phi châu, cái thần thái vừa ngơ ngác vừa rực sáng trên gương mặt của những nạn nhân và tu sĩ bị trói trên cột lửa. Ôi, những đao phủ, hiệp sĩ, những kẻ cuồng dại, yêu đương, đấu bò, ôi mùi máu và mùi hương, mũ chụp đen tu sĩ và khăn viền ren quanh một gương mặt xanh xao, dễ thương, những thi sĩ Tây Ban Nha và những kẻ rửa ruột Tây Ban Nha, sự cao thượng, cao thượng vĩnh hằng và cùng khổ, cùng khổ vĩnh hằng, ta kêu người thêm một lần, ta gọi người thêm một lần, ta hô tên ng ời cho thế gian tường, ta gào lên, đòi hỏi, chôn vùi.

Thời gian

Goethe thư nhàn. Có người cầm đồng hồ bấm giây trong tay, sống như thế, liên tục rượt theo những cái đích, tính từng giây. Những người khác thì sống như một cây xanh, chậm rãi và bền bỉ, họ biết mình còn khá nhiều thời gian, hàng thập kỷ. Ở tuổi tôi nhiều người đã nghĩ phần chính cuộc đời đã qua, thời của mình đã hết. Vào tuổi này, Goethe nghĩ, chẳng đi đâu mà vội, ông còn nửa thế kỷ, cứ từ từ. Một cảm thức tuyệt vời, liên tục hiện hữu trong ta, gõ vào năm tháng, nhắc nhở ta số thời gian còn lại. Goethe, Tolstoy đã trù liệu cho cuộc đời tám chục năm. Shakespeare thì vội vàng: trong hai chục năm ông đã viết tất cả, vì ông biết mình phải chấm dứt ở tuổi năm mươi. Trong chúng ta có một định lượng và dự cảm nào đó về cuộc sống và cái chết. Ta vội vàng, ta nói tránh đi, dù biết rõ sự thật.

Hoa

Chúng hiện ra, như những người mẫu trên sàn diễn: cao mảnh, nhún nhảy, duyên dáng, khoe sắc, không có chủ đích và khó hiểu. Những cánh hoa bướm kín đáo, mộc mạc, buồn, hoa lan chuông với sự dâng hiến ban đầu trắng muốt những chùm chuông nhỏ, hoa tuy lip, hoa hồng Đamat, những bông hồng đầu mùa điểm sương, duyên dáng, hương thơm ngọt ngào, đam mê. Tháng Năm là mùa trưng diện của các loài hoa.

Không có những loài hoa mới. Hoa cẩm chướng, hoa hồng ngày nay vẫn y hệt như trong thời Horatius(*)_. Hoa violet cũng không tiến hóa. Hoa ngưu bàng vẫn vậy đã mấy trăm năm. Đúng là người ta có lai ghép hoa hồng và hoa tuy lip: đã có cả hoa hồng xanh, tôi còn thấy hoa lan chuông màu hồng. Nhưng thiên nhiên không chấp nhận những thứ mốt nhất thời. Nó bằng lòng với những phát kiến cổ xưa, và tháng Năm nào cũng trình diễn chừng ấy thứ, như một phiên bản đã thuần hóa, thu nhỏ, tinh xảo. Có thể vào thời cổ đại hoa hồng to như những cây sồi. Nhưng nó vẫn chỉ là hoa hồng, và một người khổng lồ đã ngắt xuống trao tặng cho một phụ nữ huyền thoại, mái đầu nàng chạm tới những tầng mây.

Rilke(*) 

Chắc ông có vô số hồi ức. Ai có thể đếm những hồi ức của thi nhân? Giống như người đã trải qua cuộc chiến tranh Punic, cuộc chiến giữa hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng_(1), qua những đêm của Savanarola(*)_, và thêm vào đó là tất cả những gì người ta suy nghĩ, mơ ước và hành động ở Berlin và Paris. Thi sĩ cứ hồi tưởng mãi. Một thi phẩm là sự chắt lọc của hàng triệu năm và hàng triệu ấn tượng. Đôi khi chỉ có tám câu và ở cuối mỗi câu vần điệu lại vang lên. Điều đó không quan trọng (Verhaeren(*)_ đã soạn cả một từ điển vần điệu). Chất liệu tạo nên bài thơ mới quan trọng, thứ chất liệu vừa nhân bản, vừa siêu nhân, và có chút gì đó của cái thường ngày, cũng có một điều gì đó từ ý nghĩ của Chúa, khi người sáng tạo ra thế giới.

Tình yêu Geszti

Bốn giờ chiều, chúng tôi ngồi uống rượu vang trong một bể bơi nhỏ, có nhạc Digan. Rượu vang tên là “Tình yêu Geszti”. Trong sự kết nối của từ ngữ và âm thanh, trong mùi ẩm ngái của bể bơi, trong luồng hơi nóng rực của chiều hè, trong tiếng nhạc Digan, trong sắc xanh thẫm của những lùm cây bất động, trong hứng thú, suy tư và trong niềm ngây ngất nhẹ nhàng của chúng tôi, đúng là có điều gì đó gợi nhớ tới sự si mê ban đầu của tình yêu. Mối tình ấy thế nào? Có chút lâng lâng ngọt ngào, để lại trong hồn ta chút buồn thoáng qua và chút men say... Tôi không còn nhớ nữa. Một tình yêu lớn? Tình yêu Geszti.

Deauville_(1)

Cùng lúc bàn tay màu vàng xương xẩu của một gã cờ bạc và một bàn tay phụ nữ móng sơn đỏ thường thấy trên những tranh dán tường thò ra, định với lấy một thứ đồ trang sức lấp lánh đáng ngờ trong cái hộp trang sức của biển và trời.

Tràn ngập

Trong vòng hai tuần cả thành phố tràn ngập những lùm xanh. Cơn lũ xanh ập đến, bao phủ, cuốn đi tất cả. Tưởng như một dòng Duna khác đã tràn bờ. Cuồn cuộn những con sóng cao bờm, dọc hai bên đường, nhiều đến mức làm ta có cảm giác sợ hãi.

Đàn ông, đàn bà đi trong cơn lũ, những bà mẹ và những đứa bé, những người già và những đôi trẻ, tay trong tay, mắt ngời sáng, tiếng la hét tắc nghẹn trong cổ họng. Chim chóc rít lên trong niềm hạnh phúc quá độ, đói khát và sành sỏi.

Mùa xuân nào cơn lũ xanh cũng cuốn đi tất tật những gì trong đời tôi là nhà cửa, hàng rào, sự yên tĩnh. Trong mấy tuần ấy tôi bơi theo dòng nước giữa những chậu máng và mái nhà, không nhà cửa, trong cuộc phiêu lưu chung, ầm ĩ như dòng Mississippi, và nguy hiểm như cuộc đời.

Ánh sáng

Những phụ nữ tóc vàng có thứ ánh sáng xuyên thấu các vùng tình yêu của họ. Mỗi một mái tóc vàng phụ nữ chiếu rọi miền biên của ký ức, như ánh sáng Bắc cực chiếu rọi trên một đất nước rét mướt run rẩy và đã đầy sức cám dỗ về mặt thương mại.

Puskin

Ta nói ra một cái tên và ta nghe một thanh âm. Âm thanh này là của ông, chỉ của một mình ông. Sự trầm bổng, gần gũi của nó lưu lại trong tâm thức ta như chất giọng riêng đặc biệt của một ca sĩ lớn. Khi nói tên Puskin, tôi nghe thấy tiếng chuông của cỗ xe trượt tuyết, tiếng vút của roi thúc ngựa, tiếng cười phụ nữ, tiếng đàn dương cầm, một giọng đàn ông kìm nén, cuối cùng là một tiếng súng ngắn đanh gọn. Tôi thấy những gương mặt, của Onegin và Tatjana, của Lenskij, thấy những trang phục của trăm năm trước, những lối cúi chào cổ xưa, một nòng súng lục vương vất khói, một người đàn ông ba mươi bảy tuổi gục ngã, gương mặt lai da đen, đa cảm và thất thần, méo xệch đi trong sự kinh hoàng trước cái chết.

Ông đã ngẩng cao đầu kiêu hãnh đón nhận thành công. Cũng như mọi tâm hồn thơ, trong số những người đi trước, Byron đã tác động đến ông sâu sắc nhất. Thời đó mọi thi sĩ đều ước được chết vì sốt rét ở Missolunghi_(1) vì một sự nghiệp xa lạ, cao thượng và vô vọng nào đó. Cảnh đấu súng, như đã được Puski n dàn dựng từ trước, như đã được viết trong Onegin, nhà thơ bị thương vùng bụng, trên đỉnh cao của sự nghiệp, ngã xuống trên “cánh đồng của lòng tự trọng” - và một dân tộc lắng nghe tiếng rên rỉ của ông, Sa hoàng tự tay dùng bút chì viết lên những mảnh giấy nhỏ những dòng thăm hỏi, lo lắng, trìu mến và khi nhà thơ qua đời, ngài đã lệnh ban cho người nhà thi sĩ mỗi năm 40 ngàn rúp! - chứng tỏ sự quý trọng cuộc đời và tác phẩm của thi nhân. Nhà thơ lớn không thể nhầm. Ông nghe theo bản năng, viết, sống, và chết như đáng phải thế.

Sâm banh

Ngày đầu hè, có vị chát và sóng sánh như ai mở sâm banh, và giờ đây bọt tuôn trào với những hạt ngọc cacbon lấp lánh trên những đài hoa, trong mắt và trong nụ cười phụ nữ, trong tiếng chim hót. Thiên nhiên dễ dãi và vui vẻ như chếnh choáng say. Thảm lúa mì non cũng chao nghiêng, nhẹ như một hơi men. Tôi muốn cất tiếng hát. Nhưng tôi nghĩ đến hóa đơn, sau khi uống sâm banh bao giờ cũng có người phải trả. Vì thế tôi im lặng, giữa thảm lúa say, như người vừa lạc vào quán rượu.

Tuổi trẻ

Tôi còn trẻ! Bạn bè tôi động viên: bây giờ cuộc đời mới bắt đầu, và nói chung, cuộc sống thuộc về tôi.

Có thể, tôi nghĩ, có thể là bây giờ cuộc đời ta mới bắt đầu. Rồi tôi lại nghĩ: vào tuổi tôi Tolstoy đã viết xong tác phẩm chính của đời ông, bằng tuổi tôi Petőfi đã chết được một thập niên. Tôi rùng mình và khấp khởi. Rùng mình vì đời không có quy luật, và khấp khởi mừng vì rõ ràng tôi đâu có đủ điều kiện và tài năng để viết gần được như Tolstoy và Petőfi. Sứ mạng và tầm vóc của tôi khác. Khiêm tốn hơn, nhiều lần khiêm tốn hơn. Và khác, khác hẳn họ... tôi còn bao nhiêu thời gian nữa để hoàn thành sứ mệnh của mình? Tôi nhìn lên đồng hồ rồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Rồi nhún vai. Cứ sống đã.

Quy luật

Chịu đựng lời khen của họ.

Không phật lòng khi họ bảo: “Tớ vừa đọc Chiến tranh và Hòa bình. Nói thật: chán. Nhiều đối thoại quá.”

Hãy bình tĩnh, lịch thiệp mỉm cười, khi họ vào phòng và nói một cách thiện ý: “Tớ có một đề tài tiểu thuyết, tớ kể cho cậu, cậu có thể viết”. Và khi ta im lặng, họ còn khuyến khích thêm: “Tớ không đòi chia phần nhuận bút đâu.”

Hãy im lặng khi người ta khen riêng một cái gì đó mà anh hổ thẹn, và hôm nó ra mắt, anh không dám cả ra đường.

Hãy chấp nhận là có hai thế giới, có đạo đức riêng, quy luật riêng, tỉ lệ riêng, đức tin riêng. Sống sao để cả hai cùng chịu đựng được anh. Sống nhẫn nhục. Từ tốn chào các trợ lý bộ trưởng, những độc giả đặt báo dài hạn và các văn sĩ tồi.

Im lặng.

Im lặng, bằng cách nào?

Hôm qua, tôi vừa đọc thấy trong một tập thơ: “Im lặng, như một trái bom.”

Ceméte_(1)

Hôm qua, khi đi qua một cánh rừng tôi chợt nhớ đến Ceméte. Đó là một bãi t ắm, ở cạnh Eperjes, trong rừng: khu tắm là một ngôi nhà dài, một tầng, có vài phòng ở, một phòng ăn có sảnh trước, đối diện là nguồn nước có mùi thum thủm và cánh rừng. Rừng mang chút hoang sơ, còn khá nguyên vẹn, tĩnh mịch, đầy những bụi cây quả nhỏ, những bụi phúc bồn tử, cỏ lưu ly, những bụi dương xỉ và những chú hoẵng, những khoảng tối mờ sâu hun hút chỉ có trong những khu rừng thật, như thể rừng là nơi trú ngụ vĩnh hằng, vô tận của của sự sống, có chút gì ảm đạm như một bãi tha ma, lại hơi giống một phòng chơi cho con trẻ... Rừng bao quanh Ceméte là như thế. Khách tắm trong những bồn gỗ. Buổi tối, ngoài sảnh tiệm ăn có nhạc công Digan biểu diễn dưới ánh trăng, những chú hoẵng im lặng bước ra bãi cỏ ngập ánh trăng, lắng nghe. Trên các bàn ăn, ngọn lửa nến cháy lật phật trong những chụp thủy tinh. Không cần trả phí vào bãi tắm. Hoàn toàn không có gì. Tôi chợt nhớ và xúc động. Nếu như nó không phát triển, không “theo kịp thời đại”, nếu người ta không mắc điện, nước máy và không có thầy dạy tennis, nếu cứ để nguyên rừng, đàn hoẵng, phúc bồn tử và những thứ khác bên cạnh những bồn tắm bằng gỗ, trong ký ức tôi dự đoán một tương lai tốt đẹp cho Ceméte.

Tang

Người đàn bà bán gà ngoài chợ vừa mất. Bà đã già, đang ngồi ăn trưa thì xây xẩm mặt mày, đến tối đã khâm liệm và nhập quan. Dạo này ông chồng ra chợ ngồi bán gà, bên cạnh những người buôn bán mọi khi.

Ông buồn và lóng ngóng. Ông già thương nhớ vợ, cố giấu sự cô độc, ông có biết bán chác gì bao giờ, nom ông ngồi lặng lẽ, xớ rớ giữa lũ gà, mãi chẳng có người mua cho ông con nào. Những kẻ bán quanh ông chèo kéo khách, họ la hét qua đầu ông, cướp lời ông, bất chấp, lọc lõi và không mệt mỏi.

Tất nhiên chúng tôi đến mua của ông, ông già góa vợ. Ông đưa gà cho chúng tôi vẻ ngượng ngùng, rồi lí nhí cám ơn.

Ngọc trai Nhật

Người ta tách miệng trai, trích một lỗ trên phần mềm lầy nhầy, đặt nào đó một hạt sạn rồi thả trai về biển. Trong nỗi đau đớn, con trai bắt đầu sáng tạo: một viên ngọc. Đó là ngọc trai Nhật.

Đa số các nghệ sĩ cũng là những sinh linh bị tổn thương như thế. Một vật thể lạ lạc vào tâm hồn, do cái kích nhân ấy nghệ sĩ bắt đầu sáng tạo. Sản phẩm tạo ra giống ngọc thật cả về chất liệu và cấu trúc. Chỉ xuất xứ của nó là khác. Không có sự can thiệp nhân tạo, chỉ những người đặc biệt và được chọn lựa mới có khả năng tạo ra ngọc thật. Đó là hiện tượng hiếm nhất và quý nhất. Nhưng chỉ có người tinh tường mới cảm nhận được sự khác biệt.

Cây bút

Tất cả những gì quan trọng đối với tôi, tôi đều viết bằng bút. Nhưng sau đó phải đánh máy, vì chữ tôi viết không thể đọc nổi. Văn học không chỉ là cảm hứng và say mê, còn là sự khổ công. Ai không biết điều đó, chỉ là văn sĩ nửa mùa chuyên phàn nàn, ca cẩm.

Cây bút, thứ vũ khí gia truyền của tổ tiên, ta giơ cao ngươi. Cây bút mới, lấp lánh trong nắng sớm. Ta nhìn ngươi như thôi miên, công cụ duy nhất, vũ khí duy nhất của ta. Như một người thợ thủ công, từ thời đại kỹ thuật mới trở về công xưởng của cha ông, trở về với những dụng cụ thô sơ, ngạc nhiên và sung sướng nhận ra nét thân quen và những công năng của chúng. Trong cây bút có một điều gì đó gần gũi con người, như một giác quan; một cái gì đó sơ khai và hoàn hảo. Những gì anh viết bằng bút, là viết bằng trái tim và tính cách của anh. Những gì anh viết bằng máy, là chỉ viết bằng dự định, bằng chủ ý.

Viết bằng bút. Đúng vào lúc không thể trì hoãn nữa. Nhẹ nhàng, thúc bách và rắn rỏi. Trước mỗi từ đều giơ cao cây bút, lựa chọn từ ngữ, nhìn vào không trung, vào cõi vô cùng, vào giấc mơ và vào thực tại. Rồi vẽ con chữ lên giấy, một chữ duy nhất, trung thực, bằng tay, bằng bút.

Tử đinh hương

Khi tôi ốm, một người không quen biết gửi tặng một bó hoa tử đinh hương. Tử đinh hương và hoa hồng. Người ta đem hoa tới vào buổi tối, không có danh thiếp và địa chỉ. Tới nay tôi vẫn không biết người gửi là ai.

Những bông tử đinh hương tuyệt vời. Từng chùm dày và bù xù như đầu một cậu bé người Anh trong phụ bản màu của những báo ảnh dịp Noel. Những bông hồng đỏ cánh dày như muốn thổ lộ với thế gian điều gì đó đau đớn và không thể lấy lại được.

Những bông hoa được đặt lên bàn, và ban đêm phòng bệnh khép lại, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy chúng, lờ mờ như những sinh linh kỳ diệu nào đó của một thế giới khác. Như thể chúng muốn nói lên điều gì đó, chỉ một từ. Từ đó là gì? Mãi tôi không hiểu. Gần sáng tôi chợt nhớ ra: đó là tiếng nói của tử đinh hương. Rồi tôi ngủ thiếp đi.

Đất

Trước cửa khách sạn, một đám người mặc quần vải bông dày, đội mũ cói đang đào đất.

Đất đào lên từ dưới lớp nhựa đường thế này có màu xám nhạt. Trong đất có những gì? Không một ai biết. Biển bỗng nhiên cạn kiệt, và ốc, trai, những loài thủy sinh vật, những khoáng chất hòa trộn với nhau. Mấy trăm ngàn năm đã nghiền, đã luyện chúng thành đất.

Tôi vốc lên một nắm, bóp nát trong lòng tay. Rất quen thuộc, gần gũi như những thứ thường ngày, như cuộc sống và cái chết. Đất không vị, không mùi. Trong đất có tất cả mọi khả năng. Tôi vân vê nắm đất, đưa lên ngửi.

Tôi hồi tưởng, làm quen với đất. Chúng tôi làm quen nhau, chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ. Ta hãy quen dần nhau đi, đất ơi!

Nhịp tim

Càng biết nhiều hơn, biết chắc chắn hơn về nghiệp viết, thì nửa giờ hay vài phút trước khi thực sự bắt tay vào viết ta càng hồi hộp hơn. Nhịp đập gấp hơn của trái tim, sự căng thẳng cảnh báo ta không thể trì hoãn thêm, phải bắt tay ngồi viết, nghĩa là sắp xảy ra một việc không khi nào có thể sửa đổi. Với kinh nghiệm và năm tháng, nhịp đập gấp của con tim những lúc như thế không hề giảm. Dù ta viết gì - một bài báo nhỏ, hay một bài văn rắc rối và khó nhằn, một tình tiết tiểu thuyết - mỗi chữ viết ra đều t ừ thứ chất liệu ấy, và trách nhiệm của ta cũng là một tất yếu. Mỗi từ đều đồng nhất với ta, với cái tôi đích thực nhất của ta. Dẫu nhà văn muốn lừa dối, muốn coi nhẹ công việc của mình, cũng vô ích: tiếng đập của con tim anh trước khi ngồi viết sẽ nhắc anh rằng anh viết bằng cuộc sống và cái chết, bằng lòng tự trọng và số phận, bằng trái tim và lý trí của chính mình. Vì thế mà không có văn “lớn” và văn “nhỏ”. Chỉ có văn học đích thực. Và chính vì thế mà tất cả những tác phẩm đích thực mới có tính định mệnh và sầu thảm. Dường như ta đã phạm phải điều gì, và mỗi hành động đều vô vọng.

Tiếng vó ngựa

 Trong một thành phố lạ tôi tỉnh dậy lúc gần năm giờ sáng, một chiếc xe ngựa kéo lọc cọc ngoài cửa sổ. Tiếng gõ nghe vừa quen vừa lạ. Như thể tôi nghe thấy trong mơ.

Tôi ngồi dậy trên giường, lắng nghe, hồi tưởng. Tôi nghĩ: đây đâu phải âm thanh của thời tôi đang sống. Tiếng vó ngựa là âm thanh của thế kỷ XIX. Tôi nghe tiếng vó nhỏ dần, tò mò và gợi nhớ. Bà Bovary(1)_ bị quyến rũ trong chiếc xe một ngựa kéo có mui che. Những nữ nhân đương thời đã đi tàu điện đến nơi hò hẹn. Tạm biệt mi, tiếng vó ngựa, cũng như tất cả những gì ta yêu thích.

Buổi sáng

Buổi sáng ngủ cuộn tròn trong tấm mền bông màu vàng, như một tiểu thư trẻ tai tiếng lẳng lơ đã mấy năm nay là tình nhân của những viên thư lại và những chàng diễn viên phụ, nàng ngủ mơ màng, bàn tay trắng mềm, móng sơn đỏ chót thõng ra khỏi mền, đôi chân cũng sơn móng đỏ, mũm mĩm như chân trẻ con, hơi co lên, đôi môi còn thẫm son sót lại từ đêm, như trong mơ nàng đã đi mò ăn ở đâu đó và nhúng cái mũi hếch vào một thùng mỡ lạ sực hương thơm và dính nhớp nháp. Giờ đây nàng thở đều đều vẻ no nê, và đang mơ về những tay công chức và những chàng diễn viên phụ. Buổi sáng nay như thế. Tôi ngồi xuống bên giường nàng, thân thiện, và nhìn nàng tự kiềm chế.

Tâm trạng

Tôi chợt nhận ra mình đâu có thích Tabán(1)_. Thực ra tôi thích đường Rákóczi, với những cửa hàng rẻ tiền và náo nhiệt của nó, những quán kem và quán cà phê lúc nào cũng có những công chức xách cặp ngồi chụm đầu vào nhau, như nhóm người Nga âm mưu lật đổ ở Genève, với ánh sáng điện như những luồng bọt sâm banh của sự sung mãn và hân hoan chảy từ nóc nhà xuống những phố xá tăm tối, với những gái làng chơi vẽ mặt trắng bệch và má đỏ hồng đào, với những kẻ trộm cắp giết người vô công rồi nghề lang thang từ phố Síp đến phố Kỵ Sĩ, những quán ăn vứt đầy ruột bắp ngô mà dân quê lang bạt đến vất vưởng chờ đợi với nét mặt chăm chú và nhẫn nại như thể trong ánh điện sắp hiện lên miền đất hứa, với những cửa hiệu phủ mền màu hồng và vàng kem, bày cả một phòng ngủ lộng lẫy kê hai giường, có chiếu đèn trang trí, và vô số những thứ đồ quyến rũ - và tất cả những gì gợi đến khát vọng và tiện ích, ý tưởng và tâm trạng, sự vô vọng và ngờ vực ở Budapest, đều chảy dọc suốt phố xá và tụt xuống cống rãnh. Tất cả đều thật, sờ nắn được, ngửi thấy. Đó là thực trạng. Halászbástya_(1) chỉ là điểm du lịch, một điểm quan sát lịch sử dành cho khách lạ. Còn đường Rákóczi với chúng tôi là nhà, giữa Rókus và những khách sạn hạng xoàng - chúng tôi sống ở đây, lang đang ở phố này, chết cũng ở đây. Nó là tâm trạng thật của chúng tôi.

Bản thảo

Từ nhà in, sau khi sắp chữ xong, người ta gửi trả lại bản thảo. Giờ đây nom nó như một kẻ bỏ trốn đi lang thang trở về. Hư hỏng và nhem nhuốc, đầy những chỗ gấp góc, những vết ngón tay dầu mỡ, những dấu bút chì xanh đỏ. Như một gã vừa làm chuyến phiêu lưu vào cuộc đời, vào đời sống văn chương, cũng không kém phần hiểm nguy và mạo hiểm hơn cuộc đời các thủy thủ, những người thợ săn hay thợ nề.

Lúc này tôi ít liên quan đến nó. Tôi chỉ có trách nhiệm với nó ở mức như cha mẹ với đứa con đã thành niên. Có thể nó làm tôi hổ danh. Nhưng tôi không thể làm gì hơn cho nó. Nó có thân phận, số mệnh và tính cách riêng.

Tôi đã dành cho nó một năm của cuộc đời ngắn ngủi. Một năm, ngày và đêm. Giờ đây khi đã xuất giang, nó đã hơi hư hỏng, cũ nát. Thân mình nó đầy những dấu hiệu bí ẩn. Có vẻ văn chương cũng đáng ngờ. Chẳng khác gì nó vừa lên sở cẩm, để người ta xét hỏi, dò xem, lấy vân tay nó vậy.

Tôi đặt bản thảo vào ngăn kéo, và chờ cảnh sát đến.

Maupassant(*)

Xuyên suốt qua những câu văn chính xác, rắn rỏi và thủy chung của ông là sự điên khùng, giống như cái chết nói về những hiện tượng của cuộc sống, khăng khăng về mối quan hệ hữu cơ của chúng. Ông viết về hiện thực, khách quan và kỹ lưỡng, vậy mà thế nào ta cũng thấy như phía sau những dòng chữ có một gã hô gố cười và gào thét.

Gió

Tôi đi trên phố nhỏ ẩm ướt, khi một ngọn gió ào tới. Gió mạnh nhưng không khó chịu, chỉ người họ hàng gần gũi mới chạm vào ta như thế. Tôi ngước lên và ngỡ ngàng. Tôi cảm thấy mùi hương của biển và vị chát từ những đỉnh núi tuyết. Tôi cảm thấy sự không cùng và cõi hư vô, và cả một điều gì đó cao sang bởi tôi là con người và tôi liên quan đến gió, đến biển cả, đến những ngọn núi và đến sự lụi tàn.

Chim bồ nông_(1)

Đêm đêm tôi đọc những bài thơ của một thi sĩ đã chết. Ông để lại vài bài thơ tuyệt hảo, và nhiều câu tuyệt hay.

Thi sĩ chết trong nghèo đói, và người thân của ông dõi theo ông trên cõi cao xanh, họ đói, khổ và bất lực. Một ông chủ nhà máy giấy cho không giấy, một nhà in nhận in, đóng quyển những bài thơ ông để lại không lấy tiền, bạn bè viết lời giới thiệu, tuyển lựa thơ. Người vợ góa của nhà thơ được tặng bốn nghìn cuốn. Bây giờ mỗi ngày bà bán một quyển lấy tiền nuôi gia đình.

Nhà thơ đã chết vẫn lo cho gia đình như thế, suốt bốn ngàn ngày. Lo ăn cho vợ con bằng những bài thơ. Tôi nhìn tập thơ và nghĩ: một con bồ nông. Bồ nông thiên thần.

Hoa mẫu đơn

Trong các khu vườn nở đầy hoa mẫu đơn, thế giới bỗng trở nên nặng nề và nóng ấm, như trĩu nặng bởi cảm giác và sự phát hiện, cất tiếng ngọng nghịu như người chếnh choáng say. Đây không còn là tình yêu, cũng không phải mùa xuân lắm điều và đỏng đảnh; đây chính là cuộc đời, với gánh nặng, hương vị, và thân phận của nó.

Con nhím

Khi Ede yêu Etelka, chàng muốn biết tất cả, và cũng như khi một người phụ nữ đang yêu trang điểm bằng lông và hoa, Ede bỗng chạy trốn thứ văn hóa truyền khẩu, và chàng khao khát những kiến thức thực tế.

- Anh biết gì về thế giới? - chàng ngạo mạn hỏi.

- Rất ít, - tôi đáp.

- Anh có biết, - chàng hỏi, - con nhím ăn gì không?

- Lá cây, - tôi đáp.

- Không! - chàng hét lên đắc thắng. - Loài nhím ăn sâu bọ. Etelka bảo thế.

Thế là tôi hiểu rằng chàng đang yêu.

Tiết mục đệm

Bây giờ hóa ra tiết mục đệm lại hay hơn vở chính, một vở diễn lịch sử. Tôi chống khuỷu tay, ngồi trên chuồng gà nhìn đám khán giả.

Nom họ mới thú vị làm sao! Họ đánh hơi, nhìn phải, nhìn trái, như họ muốn bảo “chúng tôi đây”. Còn chưa thể biết điều gì thật chắc chắn. Họ chào ngắn gọn hơn hôm qua hay dài hơn và trầm hơn: như tôi đã nói, chưa thể biết điều gì chắc chắn. Đột nhiên họ nhớ đến những tội lỗi của mình, và đỏ bầm mặt, nói lúng búng về những chuyện khác. Rồi họ nhớ ra, ở đâu đó hai năm về trước, trong đám đông họ đã nói: “Dù sao cũng không thể nói rằng, thưa các vị, mọi thí nghiệm đều đơm hoa kết trái!” - và họ bắt đầu hổn hển thở. Lúc này họ - những khán giả - cũng sắm vai. Thỉnh thoảng tôi vỗ tay, từ trên chuồng gà. Họ còn tài hơn diễn viên chuyên nghiệp, đặc biệt trong những sắc thái.


Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t25777-bon-mua-troi-va-dat-tan-van-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận