Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 7

Tản văn 7
THÁNG BẢY

Buổi sáng, ngay từ lúc mới thức dậy đã thấy trong không khí có gì đó như điềm dữ.

Lũ chim rục rịch bắt đầu từ hai rưỡi sáng_(1). Chúng tranh cãi từ ba giờ đến năm giờ, chúng chuẩn bị bước vào một ngày mới, vào cuộc sống. Đó là những giờ bí ẩn. Thành phố ngủ dưới những lớp voan phủ khê nồng, mệt mỏi, mơ màng chuẩn bị đón cái nóng ba mươi tư độ của ban ngày. Nhưng lúc sáng sớm, nó hít thở làn không khí dễ chịu, thanh tao, đầy hương vị, bổ dưỡng của sáng tháng Bảy. Tôi đứng trên ban công, giữa một vùng xanh, nghe tiếng rì rào thức dậy của cây cỏ. Mùa hè đây rồi, tôi nghĩ; và nó giống như một cảm xúc tràn ngập trong tôi, không khoan nhượng, và đầy những kỷ niệm giản dị, rất cụ thể: tôi cảm thấy mùi một bể bơi, như mùi một trái mơ, mùi lành lạnh của chiếc ghế bành phủ vải nhựa mà thời học sinh, vào những chiều tháng Bảy, tôi thường nằm đọc ngấu nghiến Con trai người có trái tim đáThời hoàng kim của Transylvania của Jókai. Rồi tôi thấy một sườn đồi trong hoàng hôn, cha tôi đi dưới hàng bạch dương, tay cầm khẩu súng săn, phía trước là Castor và Pollux(1)_, hai chú chó săn nhỏ, mẹ tôi mặc áo dài trắng đứng trước hiên ngôi nhà nhỏ trong vườn, và xung quanh đầy bóng râm màu nâu và xanh thẫm. Lúc đó cha tôi trạc tuổi bốn mươi, ông đội chiếc mũ cói màu vàng, trên cây súng săn lủng lẳng một xâu chim cút mắt vằn đỏ. Tôi thấy rặng liễu ven bờ sông nhỏ, một đám bụi trên đường cái quan, mặt trăng tròn đầy phía trên tượng Nepomuki Saint John(*)_ trong đêm hè nóng bức. Bọn say rượu lang thang đã vặt cụt mũi ngài.

Tôi nghe tiếng gáy của dế. Có tiếng cười con gái đâu đó trong đêm, sau rặng liễu những cô gái Slovakia đang tắm dưới sông. Đó là mùa hè, tôi nhớ về mùa hè như thế.

Năm giờ tôi trở vào phòng, đóng cửa sổ. Là nhà văn tôi cần có một không gian nhân tạo để làm việc. Không thể ra bể tắm tháng Bảy và viết. Không thể khật khưỡng dưới nắng nóng trên các quảng trường công cộng, mồ hôi chảy nhễ nhại và viết. Viết không phải là một nghề tự nhiên. Tôi làm việc trong phòng tối, dưới ánh đèn điện, trong môi trường nhân tạo. Ta hãy thủy chung với những điều kiện nhân tạo của mình. Người thợ mỏ cũng không thể làm khác, anh ta chỉ có thể tìm thấy quặng trong môi trường tăm tối, ẩm ướt. Tìm và thấy quặng là ý nghĩa duy nhất của cuộc đời anh ta. Tôi tự động viên mình như vậy, trong khi ban ngày - từ thế giới bên ngoài - những thông tin viên hớt hải đến và kể những tin dữ khủng khiếp. Họ bảo nóng đến chảy nhựa đường, một gã hồ lỳ sòng bạc bị giết chết, khối người ngất trên đường phố, không khí nóng như rang, mọi thứ đều hư hỏng, thối rữa vì nóng. Trong căn phòng tối tôi sống lặng lẽ không động tĩnh, nghe tin tức xong lại ngồi vào bàn viết một vài dòng, có thể về mùa hè, về nóng, về những vụ cháy đồng cỏ đang hủy diệt thế giới bên ngoài. Tôi biết làm gì khi đây là việc của tôi, ngay cả khi nóng bức?

Gần bảy giờ tối tôi đi ra phố. Mặt trời còn lấp lóa trên đỉnh núi János với sự giận dữ của một kẻ cuồng du trước giờ hấp hối. Chiếc xe đưa tôi tới tòa soạn lắc lư trên mặt đường lát đá còn nóng bỏng. Trong tòa soạn giờ này chúng tôi bắt đầu làm việc, khi những người khác - các vị bộ trưởng, những người tưới vườn, người lái tàu - đang đứng tắm dưới vòi hoa sen. Chúng tôi làm việc trong cái nóng lờ mờ tối, như những người đốt lò da đen trước lò hơi trên chiến hạm. Những người thợ, nhà báo, nhà văn, mặc sơ mi tay xắn cao đi lại ngoài hành lang, có khi cãi nhau vì những tình tiết nhỏ, vì những điều kiện trần trụi của công việc trí não. Chúng tôi đưa thứ tư liệu nhớp nháp, đôi khi dính cả máu mà ban ngày đã ủ chín nẫu lên khuôn. Gần nửa đêm, công việc xong, chúng tôi đi ra đường mặt mày nhợt nhạt, quần áo đã tề chỉnh hơn, giống như những người da trắng ở xứ nhiệt đới, họ buộc phải làm chủ bản thân ngay cả khi thiên nhiên khắc nghiệt và những người bản xứ nổi giận.

Ba giờ sáng tôi lại đứng ngoài ban công nghe chim hót. Tôi nghĩ văn chương là sản phẩm của những vùng khí hậu hiền hòa. Ở xứ nhiệt đới chỉ có thể sống. Và tôi còn nghĩ, uể oải vì nóng và nhớ: ở vùng nhiệt đới chắc cũng không đến nỗi tồi. Sống, hay thiếp đi trong sự ấp ủ năm mươi độ của đời sống thì không thể tồi; sống, chỉ sống thôi.

Cây

Trong không khí luễnh loãng, trong ánh nắng gay gắt mùa hè, phía trên quả đồi, bên trên cánh rừng, trên đỉnh núi có cái cây đứng lẻ loi một mình. Nó giơ những cành lá lên trời như khẩn cầu, cô đơn và kiên nhẫn. Nó đứng trên cảnh quan, trên mọi sinh vật xung quanh và than thở. Nó đứng trên cánh rừng như đứa trẻ lạc bầy, tách riêng khác biệt trên đỉnh núi, dễ tổ n thương và đau buồn như Nietzsche_(*) ở Sils Mária_(1), bên trên nền văn minh, ở ranh giới của sự điên dại và vô biên. Nó đứng trên cao, giữa mùa hè, bi thương và kiêu hãnh.

Nhưng cánh rừng dưới chân nó, với hàng trăm ngàn thân cây, mất hút trong làn hơi ẩm, thở hít làn hơi nóng, hòa quyện vào nhau, nhẫn nhịn và hạnh phúc.

Những vì sao

Mùa hè này lần đầu tiên tôi nhìn thấy những vì sao thật gần. Ban đêm, trên khu vườn chúng bỗng sáng lên lấp lánh, hàng triệu, hàng tỷ ngôi sao, cả những hệ thiên hà và những đám mây sao, cả những chòm gần gũi và dân dã, cả chòm Thất Tinh, Gấu Bé, và Gấu Lớn. Sao Bắc Cực đêm nay to bằng nắm tay và sáng nhấp nháy như có chủ ý, như chùm tia sáng của một tháp đèn biển. Có cả những vì sao sa.

Vũ trụ đêm nay như quen thuộc, thân thiện. Tất cả đều ở đúng chỗ, những chòm sao, những ngân hà như tự bao giờ vĩnh viễn vẫn như thế. Ta sẽ chết, tôi nghĩ thế, nhưng linh hồn ta có liên quan tới những vì sao. Panta rei_(1)? Ôi, sự chuyển động này mới chậm rãi làm sao! Đối với những nhu cầu thiết yếu của con người thì nhịp điệu chậm rãi này gần như một sự vĩnh hằng. Hannibal_(*) đã nhìn thấy những vì sao này, và Mozes_(*) và Kristus, và Ábraham(*)_ cũng đã thấy, cả Napoleon cũng đã chiêm ngưỡng bầu trời này từ chân những Kim Tự Tháp. Thế giới là bền vững! - tôi nghĩ và cảm thấy nhẹ nhõm. Ngôi sao chiếu mệnh của ta - từ khi ta sinh ra đến khi ta lìa đời - không thay đổi.

Lên Sao Hỏa để làm gì? - tôi nghĩ. Một tâm hồn chỉ ngắm bầu trời mùa hè như một quỹ đạo đầy những khả năng của biểu giờ bay mới nghèo nàn làm sao! Không đi đâu hết, chỉ sống trong cõi vô biên, dưới những vì sao, hít thở và chết trong vũ trụ dưới trời sao, mắt nhắm lại trong đêm hè, và nhìn lên bầu trời với đôi mắt sáng lấp lánh dưới ánh sáng của những vì sao.

Địa chỉ

Đó là cảm giác khi ta nhận thấy mình đánh mất một địa chỉ. Phải đi về phía nào đó, rẽ trái ở một góc phố, rồi đến một biển hiệu cắt tóc, rồi ký ức về một gương mặt phụ nữ từ thời niên thiếu, một cuốn vở chép nhạc, ngôi nhà một tầng, cây keo, những bậc thang khi bước lên là đến cửa, trên cửa là tên anh, chỉ cần ấn tay nắm xuống... anh quen biết tất cả những điều đó, nhưng nửa chừng trán anh bỗng toát mồ hôi lạnh, vì đồng thời anh cũng nhớ và cảm thấy chính xác, tất cả đều dối trá và giả tạo, không đúng là ngôi nhà ấy, lẽ ra anh không nên trở về đây, ở một nơi nào khác, trên một con phố khác, một cầu thang khác mở ra một cánh cửa, lẽ ra phải nhấn chuông ở đấy, bữa trưa hay công việc chờ anh ở đấy, hay tình yêu đích thực của anh. Nhưng anh đã quên mất cái địa chỉ ấy.

Byron

 Goethe nói về ông: “Anh ta chỉ vĩ đại khi làm thơ, khi bắt đầu suy nghĩ, anh ta là một đứa trẻ.”

Và Goethe không nói tiếp điều ông cảm thấy: “Thiên tài thật sự biết trở thành trẻ con khi làm thơ, và trở nên vĩ đại khi suy nghĩ.”

Cảm giác chung

Dựa vào một gốc cây, nhìn đốm sáng trên đầu điếu thuốc lá, anh ta khẽ nói:

- Bao giờ cũng có một cái gì đó để ta vin vào. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tác phẩm của một nhà văn tồi. Hay trời mưa. Hay một ai đó không tới. Và bao giờ cũng có một nguyên nhân hay cái cớ chung chung và không chắc chắn nào đó - “thời buổi”, “thời gian”, “nhân loại” thế này hay thế kia, độc ác và vô vọng - và điều này làm ta rời trang sách đang đọc để ngước nhìn lên, hay hồi hộp đi về phía cửa nếu có người bấm chuông, hoặc ta cảm thấy phải viết một lá thư hay lời tuyên bố, trong đó ta phản đối và bày tỏ với tất cả, rằng ta không có lỗi gì và không đồng nhất với nó.

Và tất cả điều đó đều đúng: cuộc nội chiến Tây Ban Nha là một trò bẩn thỉu không thể chịu đựng nổi, nhân loại đáng chịu mọi sự nguyền rủa. Chỉ có điều - trong khi ta im lặng hay to tiếng lên án và than vãn - thì ta ngầm biết rằng không phải như vậy. Cái điều gì đó mà người ta gọi là cảm giác chung không phụ thuộc vào thời tiết nóng, cũng không lệ thuộc vào những khả năng của chiến tranh, hay sự khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản. Cái điều gì đó chính là tôi, cảm giác chung ấy là bản thân tôi. Tôi đã bỏ qua điều gì đó, tôi đã không đủ mạnh, đủ can đảm, khốn nạn, hèn hạ, anh hùng, tử tế hay tàn ác để làm điều gì đó. Vì vậy mà tôi có cảm giác khó chịu, hôm qua và mãi mãi.

Anh ta ném điếu thuốc, di nát dưới bàn chân, bình thản nói:

- Hôm qua và mãi mãi.

 

Khoảnh khắc

Khoảnh khắc, khi tôi xuống núi và thế giới tràn ngập một cảm giác hạnh phúc ngọt ngào, nhẹ nhõm và vô can. Khoảnh khắc tôi thức dậy, một buổi sớm cuối tháng Mười, và nhận thấy mình đã chín muồi cho một điều gì đó, cho cuộc sống hay cái chết; và giữa hai khả năng ấy tôi không cảm thấy sự khác biệt ghê gớm. Giây phút mà thể xác đánh mất ý nghĩa của nó trong dòng chảy dồn dập tươi mát của một cảm giác sống và giây phút khi thể xác tìm thấy lại ý nghĩa kinh hoàng của nó, trong thực trạng cuộc phiêu lưu của tình yêu và cái chết. Khoảnh khắc có tiếng nhạc cất lên trong một căn phòng tranh sáng tranh tối cửa sổ khép hờ, trời sắp đổ mưa. Khoảnh khắc, khi anh còn mạnh mẽ hơn cả định mệnh.

Khoảnh khắc, đó là sự ngắt mạch trong dòng điện thời gian. Khoảnh khắc, đó là thời lượng dồn nén đến cực hạn, là định mệnh trĩu nặng.

Nàng dâu

Nàng đến với chồng, đội mũ cói vành tròn rộng, vẻ kiêu sa nhìn quanh khu vườn nơi những đôi tình nhân thất vọng và những cặp vợ chồng già đã ngồi đó, như thể chỉ bằng một động tác thành thục nàng sẽ chữa khỏi căn bệnh của thiên hạ. Quanh nàng tất cả đều bất hạnh, nhàm chán, ganh ghét và buồn tẻ. Thì đây, có thể khác lắm chứ! - bằng một cử chỉ hạnh phúc nàng như muốn nói, và nàng khoác tay chồng, nhìn quanh đám người ngồi dưới những tán cây, mắt rực sáng.

Người đàn ông hơi thẹn, chàng cúi đầu. Bí mật thân thể của họ có thể nhận thấy từ xa, và sự trần tục ấy được chính thức hóa, như sự cụ thể hóa mùi khai nồng của một nhà vệ sinh công cộng. Hạnh phúc của họ như đã được đóng dấu, nhưng hạnh phúc thật sự là điều bí ẩn.

Họ ăn lẫn thức ăn trong đĩa của nhau, với sự háu ăn của người trẻ tuổi đang yêu sẵn sàng đánh đổi cả chân tay, chung đụng tất tật, trong cái ổ chung ngọt ngào. Có vẻ như họ mãn nguyện về điều đó. Thứ hạnh phúc như thế hơi khó thở; tôi thì chỉ chịu đựng nổi không khí vùng cao, độ cao bốn nghìn mét cô đơn, với ô dôn, với kỷ niệm. Dù sao tôi cũng phải cúi đầu trước nàng dâu, cúi chào như một gã lang thang đi Tây Tạng gặp Đức Lạt Ma, trước sự lãng mạn yên ả của một ngôi nhà nông dân ven đường.

Krúdy

Theo thời gian, càng lùi xa những kỷ niệm về con người ông, ta càng thấy những ngày, đúng hơn là những giờ ông không viết, càng trở nên bí ẩn và khó hiểu. Tất nhiên là ông ngồi quán rượu, rồi ông đến các tòa soạn, như một người Anh đi đày biệt xứ, ông nghiêng mái đầu bạc và lịch thiệp sang một bên, im lặng ngồi chờ trước bàn của những thư ký, hay trong phòng chờ của các ngài biên tập. Sau đó ông ra các quán cà phê ngoại thành, ngồi giữa những gã đua ngựa, uống bia, rượu trắng và cà phê đen. Ông không mất nhiều thời gian cho đàn bà. Ông có đọc, nhưng chỉ như người chơi trò sắp quân bài một mình. Ông làm việc nhiều, nhưng không để tâm đến những tác phẩm cấu thành từ những chất liệu cao quý nhất của mình; ông viết như một quý ông trong khi rỗi rãi. Vậy thì, trong đời ông đã làm những gì? Giờ đây cuộc đời ông, qua lớp sương mù huyền ảo của những tác phẩm, bí ẩn một cách Á Đông. Tôi nhớ một buổi chiều, khi chúng tôi ngồi yên lặng hàng giờ liền trong tiệm cà phê của khách sạn “London”, tôi đọc báo, Krúdy mượn một chiếc kéo cắt móng tay của người coi nhà vệ sinh, và thận trọng cắt bỏ những sợi chỉ tở ra trên ống tay chiếc sơ mi lụa giặt nhiều đã bạc phếch của ông.

Tình yêu

Trong tình yêu việc hành xử “tự nhiên” cũng khó khăn chẳng khác gì trong nghệ thuật. Cảm xúc và khao khát chỉ lên tiếng trong những ngôn ngữ hình thức nhất định. Giữa chừng là những nụ cười, những cái liếc mắt, những lời nói nửa chừng, phép xã giao. Không thể khác. Giống như một kẻ nào đó trong khi giết người vẫn nói những lời tán tụng.

Người Pháp, người La Mã, người Trung Quốc biết rõ điều này. Chỉ yêu không đủ; giữa chừng còn cần nghĩ tới một điều gì đó. Giữa hai đợt sóng cảm xúc ta phải lấy hơi, giữa hai động tác “tự nhiên” phải cứu vãn những điều kiện cơ bản cho sự chung sống của con người, sự tế nhị, văn minh. Cần có cả văn hóa và sự tinh tế cao siêu nào đó. Như kẻ trong khi siết cổ nạn nhân đến chết, vẫn luôn mồm nói: “Xin lỗi.”

Con chó

Đây là con chó nòi giữ nhà, nhưng chẳng ai muốn nó phải trông coi ng i nhà trong phố này, ngày đêm nó nằm ngoài ban công. Nhà đã có cảnh sát coi giữ, và những điều luật của chúng ta, rồi người quản gia, và những thiết bị điện rắc rối, chuông và khóa, chúng ta bảo vệ ngôi nhà khỏi những ông bạn hờ như thế.

Thế nhưng con chó vẫn giữ nhà, vì đó là thứ luật lệ từ trái tim của nó. Nó đứng trên ban công và cất tiếng sủa tất cả những người lại qua, vu vơ và không cần thiết. Nó để ý tới mọi tiếng động, thừa hành trách nhiệm mẫn cán như muốn chứng tỏ ý nghĩa sự tồn tại của mình với tất cả, với một quyền lực cao hơn, dưới bầu trời sao, nơi chó và con người sinh sống, trong những chuồng chó và nhà ở, thiếu tin cậy và vô vọng. Lần nào khi tôi đi qua phía dưới ban công con chó cũng sủa. Những lúc như thế tôi ngả mũ và nói với lên:

- Hay lắm, mày thấy không. Cứ sủa đi, dưới gầm trời này, dù có là thừa, vì đó là việc của mày. Chính ta cũng đang làm như thế.

Tolstoy

Ông chưa đến bốn mươi, khi viết xong Chiến tranh và Hòa bình. Lúc đó ông đã biết tất cả về con người, về bản chất và thân phận của họ. Vốn tri thức của ông là thực tế, phi thường, ông biết về thanh niên và những người già, về tham vọng và tình ái bằng sự hiểu biết bí ẩn của thiên tài và nghệ sĩ. Trong một câu phụ, mô tả một nét tính cách, ông tỏ ra là một nhà phân tích tâm lý am tường hơn cả những nhà thông thái sau ông chuyên khảo cứu chuyên môn này. Nhưng có lẽ ông cũng am hiểu về các vì sao không kém một nhà thiên văn học hàng đầu.

Sự am hiểu của nhà văn đứng trên cá thể. Nhà văn không “có học thức”, chỉ chuyên gia “có học thức”. Lần nào nghe người ta khen một nhà văn có kiến thức, tôi cũng thấy hoài nghi. Chẳng khác nào khi người ta tế nhị khen một người phụ nữ thích thiên nhiên và âm nhạc. Như thế nghĩa là sắc đẹp và nữ tính của nàng có vấn đề. Tất nhiên nhà văn phải hiểu biết, vì anh ta nắm được chất liệu cơ bản, từ đó mà sinh ra sự hiểu biết chuyên môn.

Goethe không vĩ đại khi nghiền ngẫm công trình Farbenlehre_(1), mà là khi ông làm thơ tám dòng, khi ông ngạc nhiên về việc mình đang sống và sẽ chết. Khi đó ông thực sự “có học thức”. Tolstoy không hiểu gì về chiến lược, nhưng ông am hiểu Napoleon, hiểu cái chất liệu con người tạo ra Napoleon. Kiến thức này mới đáng tin cậy hơn.

Biển

Trong những giấc mơ đôi khi tôi nghe tiếng biển. Những lúc như thế tôi bị xâm chiếm bởi một khát vọng không thể làm chủ nổi, một nỗi hoài nhớ sâu sắc và đau đớn, đến nỗi nước mắt tôi trào ra trong giấc mơ, chảy xuống mặt. Trong những sớm mai này tôi thức dậy, thấy bên mép còn đọng lại chút vị mặn, giống như - trong sự thật kỳ lạ của giấc mơ - đúng là tôi đã vùi mặt trong biển cả.

Du khách

Những người khách du lịch, dân du mục được cơ khí hóa. Schopenhauer thù ghét họ.

Vay nợ

Văn học thế giới đầy những khoản vay nợ nhỏ, kiểu tình bằng hữu. Byron cho Puskin, Stendhal cho Flaubert vay, Baudelaire mượn của Poe(*)_, rồi có trả lại, như Valéry(*)_ đã chỉ ra qua những hóa đơn. Trong ba trăm năm các nhà văn đã đến vay nợ Shakespeare những khoản nho nhỏ như đến nhà băng vậy. Không thể khác. Chỉ có thợ vụng mới tin rằng gã đã đến nơi không có tổ tiên và những người đi trước. Nhà văn khiêm tốn biết mình mắc nợ tiền nhân. Goethe áy náy về việc này và rất nhớ những người đã cho mình vay, những người Hy Lạp hay Shakespeare, và ông đã trả nợ dần suốt đời mình.

Gần bốn mươi

Gần bốn mươi tuổi đời, mỗi người đều chất chứa một nỗi thù ghét dồn nén nào đó. Rất ít người biết họ thù ghét điều gì, thù ghét ai. Họ cứ vật vã và không hiểu, rồi lẩm bẩm và tự trả lời, hoặc im lặng, vì “không đáng”, rồi họ bất chợt hét lên, đập tay xuống bàn, hoặc gia nhập một đảng phái chính trị nào đó. Ở đó cuối cùng họ tha hồ thù ghét. Gần bốn mươi tất cả mọi người đều đủ chín để làm chính trị.

Một mình

Trong cuộc sống của mỗi con người và mỗi dân tộc, sẽ đến một ngày, khi phải hiểu rằng ta không thể trông cậy vào ai trên thế giới này: ta chỉ có một mình. Cái ngày đó cũng đúng như thứ Ba hay thứ Năm, như những ngày khác. Buổi sáng tàu hỏa vẫn chạy, và ta vào quán cà phê mua thuốc lá. Rồi gần mười một giờ, giữa hai bản tin, ta biết đã xảy ra chuyện gì đó; ta nhìn lên trần nhà, lau trán và hơi đỏ mặt. Trong những giây phút như vậy ta biết không thể nào khác, ta chỉ còn lại một mình trên thế gian này. Đó là giây phút mà tất cả mọi người - đôi khi nghiến răng lại, dù không muốn - sẽ trở nên can đảm.

Những cái tên

Tôi thích những tên này. Ágnes, vì nàng hiền dịu và tóc vàng. Edit, vì nàng dửng dưng, kiêu kỳ và mang tính cách phương Bắc. Eszter, vì nàng mập mạp và đam mê. Anna, vì nàng như một thiếu phụ chắp tay cầu nguyện, hạnh phúc, thuần phác và nhân từ. Ilona, vì nàng gần gũi như một lát bánh mì. Solang, vì nàng như một mác mỹ phẩm lạ, đắt tiền và ngột ngạt. Những cái tên khác tôi không thích.

Thỏa hiệp(1)_

Nàng bận áo nhung đen, cài một bông hoa hồng vàng. Người ta gọi nàng là Adél. Nom nàng giống như nước Áo trước ngày ký Thỏa hiệp.

Kỷ niệm Breton_(2)

Vùng đất này thường trở lại trong tôi với sự quen thuộc tuyệt vời, cả khi tỉnh táo và trong giấc mơ. Như thể tôi đã bỏ quên ở đó thứ gì. Ở chợ cá Morlaix(3)_. Những mỏm đá đỏ trên bờ biển ở Trégastel(4)_, nước xanh thẫm, thiên nhiên nghiêm nghị và khoe mẽ. Ở Roscoff_(5) có một cây vả đã hàng trăm tuổi trên một khu bãi. Ở Sant-Malo(6)_ những người dân chài sống và làm việc theo nghi lễ cổ xưa thời Trung đại, theo những nghi lễ bản địa cũ của thành phố một cách khó nhọc và thầm lặng. Tất cả những thứ đó chỉ là phụ, là thứ giả trang của kỷ niệm. Đi u thường xuyên gợi cho tôi nhớ đến vùng đất này, lên tiếng và vẫy gọi, mang tính số phận, hệt như có lần tôi đã sống ở đó. Có những vùng đất như thế. Và nếu đã một lần ta thuộc về chúng, thì thật khó cưỡng lại chúng.

France

Thông minh và hư hỏng. Sự hư hỏng có ý thức, chín muồi ấy, sự đồi bại được tinh chế, có học thức và mang tinh thần sang trọng ấy đã mang đến cho văn chương ông một thứ hương vị đặc biệt. Ông hư hỏng giống như một cha cố làm tròn bổn phận của mình một cách hoàn hảo, nhưng - khi còn lại một mình trong buồng mình - ông ta không tin ở điều gì.

Phong cách của ông vượt trên phong cách, lúc nào cũng có thể cảm thấy điều đó. Phong cách hay không thể nhận ra nổi. Phong cách của France rất xuất sắc, nhưng từ mỗi câu văn của ông đều toát ra điều ngược lại. Ông đón nhận một cách say mê tất cả những gì thuộc về con người và thần thánh, nhưng ngay sau đó lại tung hê tất cả, và thờ ơ, và bắt đầu chơi trò vờn bóng với chúng bằng một động tác hời hợt. Ông nói về Chúa - đồng thời nháy mắt - như kẻ biết một điều gì đó về Người, nhưng lúc này chưa muốn nói.

Hiệu thuốc

Những phút trong hiệu thuốc, khi ta ghé vào mua vài lưỡi dao lam, đột nhiên, như xộc vào mũi, như nhắc ta nhớ đến một cuộc tấn công thể xác, những ký ức về các thứ mùi: những kỷ niệm về mùi của cuộc phiêu lưu đầu tiên, của buồng tắm gia đình, của những lần dọn dẹp nhà cửa, của mùa hè, mùa đông. Chúng hòa trộn với amonia hydrate, nước hoa, thuốc diệt muỗi, xà phòng giặt kiềm tính có thể giặt nhiều quần áo, phẩm xanh, nước hoa oải hương, những gói thuốc có mùi thơm lạnh đặt trong tủ đồ lót, long não, naphtalin, birkenwasser mà cha tôi thường dùng, buổi sáng buồng tắm bao giờ cũng trở nên trang trọng, và còn có mùi cồn, mùi sơn móng tay, mùi dầu bôi tóc, cùng những thứ mỹ phẩm bí mật và riêng tư khác, hợp chất của các loại kem và hương vị, thô vụng và mạnh mẽ như cuộc sống cuối cùng cũng hư hỏng và tàn lụi, bất chấp long não và nước hoa oải hương.

Lịch thiệp

Người thật lịch thiệp chỉ gửi tặng hoa cho người phụ nữ mà ta không có ý muốn gì ở nàng. Người phụ nữ kia, nghĩ rằng ta muốn chiếm được cảm tình của nàng, sẽ ghét hoa được tặng. Giống như ta mua chuộc vị bác sĩ, mà sinh mạng ta phụ thuộc vào sự mẫn cán và tận tâm của ông, bằng xì gà.

Thế giới

Phải mất một thời gian ta mới học được, rồi lại thêm một thời gian nữa ta mới nhận thức được rằng quy luật của thế giới sơ khai đúng như những câu tục ngữ chỉ giáo. Phải học được rằng điều gì anh không muốn đạt được thì người ta sẽ đem đến và nó sẽ tới, điều gì đó hoặc người nào đó không quan trọng đối với anh thì anh sẽ trở nên quan trọng và có giá đối với họ, người đàn bà mà anh lạnh lùng sẽ để mắt tới anh, đồng tiền mà anh không cúi xuống nhặt đến một ngày tự nó sẽ bước vào cuộc đời anh... Đúng, cuộc đời giống hệt như trong những cuốn tiểu thuyết xoàng.

Nhưng nó cũng hơi giống như trong những tiểu thuyết khá, trong đó không diễn ra điều gì theo tục ngữ và đúng quy tắc. Điều này lại cần thêm thời gian nữa. Khi đó anh sẽ thấy người đàn bà mà anh yêu sẽ phớt lờ anh, dù anh có làm đủ trò ảo thuật lạnh lùng, đồng tiền do anh làm ra, bất chấp những cố gắng của thẩm phán và luật sư cũng không quay về với anh, thành công mà anh không giành giật, nhưng anh đáng được hưởng sẽ dương dương tự đắc đi lướt qua anh, trong vòng tay hắn là một cô ả lẳng lơ nào đó. Những lúc như thế anh sẽ hấp háy mắt, không hiểu nổi. Đúng là khó.

Về một thành công

Khởi đầu anh ta làm luật sư ở Arras(1)_, nhưng tính anh nhẹ nhàng, đầy sự thông cảm và thiên vị đối với những thân chủ của mình, nên chẳng bao lâu sau anh bỏ cái nghề cần lắt léo và táo tợn ấy, chuyển sang làm thẩm phán, nhưng ngay lần đầu tiên khi cần tuyên án tử hình một tên kẻ cướp giết người, anh thấy ghê sợ cái nghề này và xin nghỉ. Từ đó trở đi anh không ngừng đấu tranh chống lại tính cách nhạy cảm, những biểu hiện yếu đuối của mình. Những cố gắng của anh đã mang lại thành công. Mười năm sau, ở Paris, chính anh là Robespierre(*)_.

Robinson

Sau này chúng ta nhận ra tất cả mọi cuộc phiêu lưu, bắt đầu bằng những cánh buồm no gió và những chú cá heo, đều kết thúc theo một kiểu Robinson nào đó. Chúng ta ngồi trên hòn đảo cô đơn, quần áo tơi tả, rét run, giữa những mảnh vụn ký ức: ở đâu đó có một chai rượu rum dẹt nằm trên mặt đất, một chiếc ô che nắng, có thể cả một khẩu súng ngắn, vài quả cam và bánh nướng... Nhưng chúng ta không nghe thấy gì khác, chỉ có tiếng sóng biển của nỗi cô đơn, ta biết ta chỉ còn lại một mình trên thế gian, và giờ đây ta phải một mình xây dựng từ đống đổ nát và vụn vỡ này hệ thống luật pháp mới của riêng ta và niên lịch ứng với riêng ta; ở đâu đó có tiếng dê kêu be be, và ta chờ thứ Sáu, người quen nói bằng các động từ nguyên thể, đem đến tin tức về một nhân loại hoang dã và tàn bạo. Mọi phiêu lưu đều kết thúc như thế. Hãy làm dấu thánh và cầu nguyện.

Điện thoại

Tới tận bây giờ, cứ mỗi lần chuông điện thoại reo, là như có một luồng điện nhẹ chạy suốt qua tôi, cứ như sau tiếng chuông reo là đến một Tiếng Nói, mà tôi đã chờ đợi từ cái lóe sáng đầu tiên của trí tuệ - Tiếng Nói ấy, cuối cùng sẽ bảo, sẽ mời, sẽ chỉ đường và ngay lập tức tất cả sẽ đơn giản hơn và có ý nghĩa hơn. Nhưng đến giờ mọi cuộc gọi đều nhầm lẫn hoặc vô nghĩa. Một điều gì đó còn chưa hoàn hảo: phát minh ấy hay là cuộc đời ứng với nó.

Họ hàng

Trong đời sống văn chương ít có cá tính; chỉ có những loại người đi lại lăng xăng trên bề mặt, những nhà văn Đức, Nga, Pháp, Anh lai ghép thành Hung hay Pest, các đàn anh và bậc thầy, các Sir và Ngài Giáo sư, giữ một mối quan hệ họ hàng kín đáo trong ứng xử và phong cách, còn mạnh hơn cả những quan hệ huyết thống, và họ viết bằng tiếng Hung những bài nghiên cứu Đ c, hài kịch Pháp, tiểu thuyết Nga, kịch xã hội và tiểu thuyết trinh thám Anh. Họ là họ hàng, đôi khi họ nghiến răng cố chống lại quan hệ họ hàng chẳng hay hớm gì này, nhưng không sao phủ nhận nổi những bậc tổ tiên kỳ bí của họ, cái bóng ma xa lạ sẽ có lần lên tiếng trong họ tất cả những gì họ tin là của riêng và là cá tính của họ. Chuyện gì đã xảy ra với những người ấy? Chuyện thường thấy hàng ngày: ở họ diễn ra mối hiểm họa thường nhật, đó là văn học thế giới.

Thám tử

Tôi chán truyện trinh thám, vì nó quá chi tiết, chi ly. Cốt lõi của nó xét cho cùng tất cả chỉ là: nhân vật đã sống, đã sống giữa mọi người và vì là một con người, vậy nên hắn phải chết. Thế thì cần gì đến dấu chân, tàn thuốc xì gà và sợi tóc… Chỉ riêng lời văn mộc mạc cũng đủ làm người ta lạnh sống lưng.

Casanova_(*)

Nếu chúng ta thật chú ý đến những chuyện kể của anh ta, và gạt bỏ những dải băng, tua riềm, những mặt nạ, sau những thứ giả trang thể xác và tâm hồn ta bóc trần sự thật, mới thấy trong trường đời đầy phiêu lưu của mình, chàng đã cặp kè với cả những người đàn bà hạng hai, hạng ba, và đã chi trả cho sự chiều chuộng của họ những món tiền hậu hĩnh. Ý nghĩa thật của “Cuộc phiêu lưu tình ái lớn” cuối cùng chỉ là chàng tặng nhẫn, tặng xe ngựa kéo, tiền mặt cho một phụ nữ hoặc chồng nàng, và mua lấy năm-sáu chục ký thịt, kèm theo đó là những nụ cười và sự dịu dàng. Số tiền cần thiết cho các phi vụ ấy chàng thường kiếm trong sòng bạc, và có lẽ nhờ những cuộc chơi không hoàn toàn đúng luật. Chàng chưa hề yêu bao giờ. Chàng là nhà điền kinh, là đô vật, là người leo dây, là kẻ lừa bịp trong cuộc phiêu lưu, và bao giờ cũng là người dễ bị lừa của cuộc phiêu lưu, nhà thiết kế và phát minh thiên tài, nhà ảo thuật máu lạnh, người khôn khéo và tỉnh táo giữa vòng lửa pháo hoa mà chàng tự thắp lên, trong túi đầy dao găm, quân bài tráng kẽm và thang dây, cuối cùng chàng tiết lộ hết và cười hềnh hệch tự giễu mình và giễu cả cuộc phong tình… Cuộc đời trường thọ của chàng đầy rẫy đàn bà, tù ngục, bệnh phong tình, lạc thú và bất hạnh. Chàng chẳng được cho không thứ gì, và mọi thứ chàng đều trả quá giá. Một người đẹp nông thôn tự hiến thân cho một gã chăn cừu Toscana(1)_, được Casanova chinh phục bằng ít nhất mười đồng ducat_(2), hai xe ngựa kéo và vô số lời giả dối. Chàng là người hoang phí và bị lừa mị lớn nhất trong lịch sử nhân sinh. Chàng chết trong nỗi đắng cay, mắc chứng thống phong, tai vẫn cài lông ngỗng, những ngón tay vấy mực, rét mướt, cùng khổ.

Kỷ niệm

Vì nó bắt đầu như một bài thơ: vào một đêm, bằng thứ âm nhạc câm lặng, không thanh âm - (Không tiếp tục).

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t30346-bon-mua-troi-va-dat-tan-van-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận