Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 9

Tản văn 9
THÁNG CHÍN

Bắt đầu bằng tơ nhện, mùi lên men của nước nho, hoa thược dược, những buổi biểu diễn ra mắt trong nhà hát và chiến tranh Nhật - Trung; gần đây các mùa thời gian thường bắt đầu bằng chiến tranh. Chúng tôi nhìn bầu trời xanh thẫm, nghe tiếng vo vo của đàn ong say mật, tiếng nổ của những trái bom xa. Những quả bom nổ ở phương xa, ở Tây Ban Nha và Trung Quốc. Thiên nhiên đang tiến đến kết cục, và con người cũng không ngồi yên.

Bắt đầu bằng tiếng bom nổ và mạng nhện, và cuối cùng, cuối tháng Chín, tất nhiên kết thúc bằng một bài thơ(1), bài thơ ghi chép tất cả những gì có thể nói về thời khắc này. Bài thơ ấy lơ lửng một mình trong văn học thế giới, như một viên đạn lạc không liên quan gì tới hệ mặt trời, mà từ đó nó cất cánh bay lên. Nội dung của nó đơn giản. Chỉ nói về những bông hoa vườn nở dưới thung lũng, và một thi nhân hai mươi tư tuổi lắng nghe tuổi già, lắng nghe sự phù sinh, sự mong manh của ái tình. Ngoài những thứ đó còn có cả vạn vật, có tất cả những cảm nhận của con người liên quan tới sống và chết.

Tôi lẩm nhẩm bài thơ này trong khi dắt chó đi dạo, như một nhà văn Nga, trong mùa thu ngọt ngào mùi nước nho, và thoáng chút hơi mù tạt.

Trong nhà ép nho người ta đang rót đầy các thùng gỗ, trong các nhà máy người ta đang nạp bom, ở một nơi xa nào đó, khắp nơi trên thế giới già cỗi này. Bài thơ bắt đầu vang lên mạnh mẽ, cuối tháng Chín, hệt như đâu đó một dàn nhạc vô hình bắt đầu cất tiếng. Nó gần gũi tôi như một kỷ niệm riêng. Tôi thích từng từ trong bài thơ: kể cả nó viết hoa vườn thay cho hoa mùa thu, takara thay cho takarta, với những biến ảo bi lụy và xưa cũ. Nhạc điệu của bài thơ, cái nội hàm gần như độc lập với ý nghĩa của các từ, được ký thác huyền bí như được viết bằng những nốt nhạc. Cuối tháng Chín bài thơ bỗng vang lên, từ độ lùi xa đã trăm năm, đánh thức - trong thời gian và trong sự phù sinh - ký ức về một tình yêu và kiểu sợ hãi cái chết điệu đàng và sang trọng, thực thà và vô tư đến kinh ngạc. Với bài thơ ấy trong tim, chiếc gậy hèo trong tay, tôi dắt con chó đi giữa mùa thu. Trời chiều còn nóng. Thiên nhiên dùng đường nho bồi bổ thêm cho mạch đập đang yếu dần của nó. Chiếc hồ giếng phun nhấp nhoáng như mắt một ông lão, tinh ranh và giảo quyệt.

Mùa thu bắt đầu từ Hővôsvôlgy, phía sau Vámház, đi vòng quanh bãi Nagykovácsi qua Szép Juhászné về phía thành phố. Khi tới Olaszfasor, nó đã mang vẻ phố phường, dưới một lớp áo choàng may bằng vải bông thô. Bắt đầu khoảng bốn năm giờ chiều, khi ở Veronika_(1) có tiếng nhạc Digan, trong hàng kem Hővôsvôlgy, những triệu phú về hưu, đau ốm và cau có, bỏ đường vào cà phê. Ở đâu đó vang lên tiếng nhạc, một trích đoạn opera xưa cũ và bay bổng, ví như khúc dạo của vở Udine. Những lá nho màu đỏ như máu trang điểm mái tóc của các nàng tiên đá được đặt ven những con đường trong khu vườn. Tất cả hơi ngọt ngào, lòe loẹt, và dồn nén quá mức, như hồi kết trong một vở opera Ý. Tôi đi qua trước Veronika, và biết chắc rằng cuộc sống còn giữ cho mình điều gì đó vừa như thuốc đắng vừa như ngọt ngào, say ngất và lịm ngọt. Tôi dừng lại, nhìn quanh, và chờ đợi.

Những ngày

Bây giờ thì chắc chắn thứ Ba là “ngày tốt” và thứ Sáu - hệt như trong tiềm thức dân gian - là “ngày xấu”, còn lại là những ngày bình thường: thứ Hai và thứ Tư, ngày thứ Bảy đáng ngờ và ngày Chủ nhật tồi tệ... Trong chúng ta dần dần hình thành một thứ lịch không liên quan gì tới những quy luật của Lịch Gregorian(2)_, và nhiều lần phù hợp hơn lịch chính thức. Anh không chết vào ngày hai mươi tháng Tư mà vào một ngày, chỉ của mình anh, và anh không hạnh phúc vào thứ Tư, mà vào một khoảng tách biệt của thời gian, trước đó chưa hề có và sau đó sẽ không có nữa, và nó không có loại thứ cấp cũng như tên gọi. Phải sống gần như trong thời đồ đá: không có lịch, giữa sống và chết, trong thời gian.

Tù ngục

Tất cả những ai đã đến một nơi nào đó trong cuộc đời, người đã arrival_(1), đến một ngày sẽ nhận ra cuộc đời mình trở thành tù ngục. Một ngục tù dễ chịu! Đầy những đồ gỗ đẹp, những trò giải trí sang trọng và tẻ nhạt, phạm nhân trò chuyện thầm thì với nhau bằng các tín hiệu, có ngày lễ và thời gian biểu nghiêm ngặt... Tay chân anh, tâm hồn và trái tim anh đã bị trói chặt từ khi nào? Anh không còn nhớ nữa. Kiếp tù đày sẽ kéo dài đến bao giờ? Tất nhiên là chung thân. Những con mắt vô hình dõi theo mỗi cử chỉ, mỗi bước chân anh. Đôi khi anh tự thoát bỏ ngục tù của mình, nhưng rồi lại nhẫn nhục lủi thủi quay về. Và một đêm bỗng anh thức dậy và nhận thấy mình mơ về cái chết thật gần gũi thân thiết, như một tù nh ân mơ đến chiếc giũa và thang dây.

Đồng

Lão chuyên quấy rầy và than phiền với tôi. Lão ngán thế giới này, mà theo lão, cẩu thả và suy đồi, và không chịu tiến bộ. Tôi nghĩ chính lão cẩu thả và suy đồi, và không muốn tiến bộ, nhưng không thể nói với lão điều đó.

Sau khi chia tay lão, tôi xem xét lại những lời kết tội của lão và thấy thế giới vô can. Thế giới phát triển đâu có chậm như lão nói. Nghĩ mà xem, giả sử người ta phải mất ba bốn trăm ngàn năm để nhận ra rằng có thể mài được các viên đá, rồi lại mất một hai trăm ngàn năm nữa để phát hiện ra đồng, rồi lại mất hàng chục ngàn năm để phát hiện ra nếu trộn chín phần đồng với một phần thiếc thì sản phẩm đúc chảy sẽ là đồng đỏ. Thế nên những gì xảy ra trong khoảng giữa thời Caesar(*)_ và thời Lenin đúng ra là một cuộc chạy đua cuồng nộ, hơn là sự uể oải chậm chạp.

Rentier_(1)

Ông ta bốn mươi ba tuổi. Được cha để lại cho mấy ngôi nhà. Ăn mặc đàng hoàng, tề chỉnh. Trên tấm danh thiếp, phía dưới tên, ghi là: Rentier.

Đó là nghề của ông ta, không có gì khác. Buổi sáng ông thức dậy, nhìn qua cửa sổ, ngáp dài, dụi mắt, rồi là rentier, tới khi ngủ. Ông là rentier đến mức không thể hiểu khác, giống như không thể không nhận ra người thợ nạo ống khói khi gặp anh ta mặc bộ đồ đen nhọ nhem, trên vai khoác cái nạo muội than và vác thang đi trên phố. Người ta thì vội vã, tranh thủ, xây nhà, đi chiến trận, tới hiệu cầm đồ, đốt lò tàu chiến. Ông ta thì làm rentier.

Nghề nghiệp hoàn toàn chiếm hết thời gian của ông. Một người hay than phiền. Ông chán ghét thời đại này, cái thời không biết tôn trọng các rentier, và nói nhiều về người lao động, thậm chí về những kẻ thiếu thốn hơn là về những rentier dẻo dai, không mệt mỏi, những người làm rentier không mệt mỏi suốt ngày đêm, thậm chí cả trong mưa bão. Như một phiên bản cuối cùng của một chủng nòi sang trọng đang tuyệt diệt, ông đi lại trong thế giới, mạnh mẽ và như bị xúc phạm. Ông không có thời gian làm gì, không can dự tích cực vào việc gì, làm rentier chiếm hết thời gian của ông.

Tôi nhìn vào mắt ông thông cảm, nghe ông phàn nàn, nắm chặt tay ông. Đương nhiên người ta dễ thương hại một thợ mỏ mắc bệnh phổi đã nhiều tháng nay mất việc. Nhưng hãy thương rentier, nếu anh là người có tài năng.

Những ngày không giấc mơ

Những giấc mơ của ta biến đi đâu khỏi ban ngày?

Ban đêm tôi còn mơ - nhưng ban đêm kẻ buôn lậu nào chẳng mơ. Cái giấc mơ khác kia, giấc mơ ban ngày theo ta suốt trên đường phố và trong salon, trong công xưởng và giữa đám đông, giấc mơ thực thấp thoáng và chập chờn, trên xe buýt, trong khi mua vé hay dưới hàng cây trên con đường trong vườn, sự váng vất khi ta đi từ phòng này sang phòng khác, cái chủ đích, sự thức tỉnh phi vật chất và hình ảnh, rằng ta sống, giữa hai chiều hư không, cái giấc mơ dai dẳng về cuộc đời: đã biến đi đâu?

Portia_(1)

Giá như là tôi, tôi không lấy Portia làm vợ.

Valéria

Thỉnh thoảng, trong đám đông, nàng im lặng hàng giờ. Chốc chốc nàng đưa tay vuốt hai thái dương xinh đẹp, nàng kín đáo và vui vẻ. Rồi bất chợt nàng cất tiếng, giọng dứt khoát và có chủ ý, và nàng kể một câu chuyện không đầu không đuôi, cũng chẳng có khúc giữa và nội dung gì, nàng kể rất bạo dạn, kiêu hãnh, vui vẻ và có ý thức. Trong khi kể ở nàng toát ra vẻ kìm nén sự mãn nguyện. Rồi với vẻ hớn hở nàng im lặng hàng tuần liền.

Có lẽ nàng cũng đã quyết định lựa chọn người yêu như thế. Nàng đã im lặng hơn hai chục năm, rồi bất chợt với giọng rất phấn khích, nàng bảo: “Endre.” Chẳng ai hiểu. Tất cả hơi ngạc nhiên. Endre cũng vậy.

Nàng làm người ta nhớ đến cô chị nhà Rostov, trong tiểu thuyết của Tolstoy, vợ của chàng Berg. Nàng mang tên mình như đeo một thứ đồ trang sức. Trước khi đến gặp gỡ mọi người nàng cài nó lên trán. Cái tên lấp lánh. Giống như không phải một con người, mà là một cái tên xuất hiện. Mọi người nhìn lên, nhận ra nàng, và nói nhỏ: “A ha, Valéria.”

Việc riêng

Tôi có mang theo máy chữ; nhưng ở đây, trong khách sạn, mỗi tiếng động nhỏ đều lọt qua những bức tường giấy, tôi xấu hổ không dám viết; tôi sợ họ nghe thấy.

Chỉ có tác phẩm là chung. Viết là việc riêng tư.

Nghi lễ

Ông Z. vào bể tắm, trưa nào ông cũng chịu nạn dưới cái vòi phun lớn đổ nước vào bể tắm chung. Người nhìn qua chỉ thấy ông Z. mặc quần bơi, thân trần hết cúi lại ngửa dưới dòng nước. Nhưng ai hay để ý và nhìn kỹ sẽ thấy trong nhịp điệu ông Z. cúi xuống rồi ngẩng lên, rồi vục đầu xuống nước có sự thể hiện của một nghi thức tượng trưng và hữu ý. Ông dang rộng hai tay, gập đầu xuống ngực, cúi chào. Miệng ông mấp máy dưới dòng nước xối. Có thể thấy ông đang sám hối.

Những lúc như thế ông nhớ tới sông Hằng hay có thể là sông Nin. Trưa nào ông cũng gột rửa tâm hồn như thế, đúng một tiếng, và bao giờ cũng với những động tác ấy. Lúc đó nom ông cổ xưa, bình dị và trịnh trọng. Rồi ông mặc quần áo, và quay về nhà máy sản xuất bàn chải.

Cửa sổ

Chiều tối, trong một thành phố lạ, từ một khung cửa sổ xa lạ thò ra một cánh tay phụ nữ, kéo những cánh cửa khép lại.

Trong các phòng đang sáng, đèn bỗng tắt. Phía sau cửa người ta bắt đầu sống cho buổi tối, cho gia đình, cho tình yêu hay một ý nghĩ, cũng có thể chỉ là bữa ăn tối bắt đầu. Bằng động tác ấy, cánh tay phụ nữ kia đã khép lại cả một thế giới. Trong kia đã bắt đầu một điều gì đó riêng tư và đầy những cảm xúc cao quý, một điều gì đó cố hữu và bí ẩn. Một bữa ăn tối cũng có thể huyền bí sau những cánh cửa sổ đã khép.

Người lữ khách dừng chân bên cửa sổ vừa khép lại. Phố xá đã tối và có sương rơi. Người châm thuốc hút, nhìn lên khung cửa, biết rằng mọi cố gắng để nhích gần lại thế giới kia đều lố bịch và vô vọng. Người có thể đi lên và gõ cửa. Nhưng người chợt nhớ ra mình đã quên tín hiệu gõ cửa bí mật.

Biển phương Nam

Rồi cuối cùng đa số người ta đều bằng lòng với một bể cá, không lớn hơn chiếc thùng rác, và trong đó có ba chú cá vàng bơi.

Ái tình mùa thu

E., một người đàn ông trưởng thành, yêu H., một người đàn bà đã trưởng thành. Cả hai đều khỏe mạnh. E. có vợ, H. có chồng. E. không yêu vợ, H. căm ghét chồng. Họ yêu nhau từ mùa hè, trên một chiếc thuyền con.

Bạn bè hào hứng kể về tình yêu của họ. Về một sự việc đơn giản, đúng ra đáng vui hơn đáng buồn - về tình yêu tự nguyện, cháy bỏng, vô tư giữa một người đàn ông và một người đàn bà - ai cũng kinh ngạc, bực tức hay giễu cợt, cứ như E. mắc một chứng bệnh hiểm ác thối tha nào đó. Và như thể cặp yêu đương kia tự sát hay ít nhất cũng phạm phải một tội lỗi ghê gớm. Rồi họ ôm bụng mà cười, vì E. hồi hộp, thỉnh thoảng lại đưa tay lên ngực, và nhìn lên trời; còn H. thì khóc và tái mặt. “Họ yêu nhau!” - cả những người không quen cũng nói, tay chỉ lên trời đầy vẻ ghê tởm. Nếu cảnh sát có ra tay, tạm giữ và phạt E. và H. - giống như thời Trung đại người ta trói người đàn bà vào cột rồi cắt tóc -, chụp ảnh đưa vào hồ sơ lưu tội phạm thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Tôi gọi E. ra một chỗ vắng và trút tội lên đầu anh:

- Chỉ được yêu đúng luật, - tôi nói và giơ ngón tay trỏ, - đúng như và ở những nơi mà các quy định công quyền cho phép. Ví dụ trên giường người tình. Hay trong nhà thổ.

Dù sao

Nhưng dù sao, dù sao, dù sao tôi vẫn bay trên những đỉnh núi Alps, trong phòng tôi nghe những âm thanh đến từ Australia, ban đêm tôi gọi điện thoại cho người tôi yêu thương, và dù tất cả thật khó hy vọng, nhưng từ cõi xa xăm tôi vẫn cảm thấy một điều gì đó thật gần gũi và đơn giản, mà con người sống trước tôi không thể cảm nhận được. Tôi biết, bản chất của cuộc sống không vì thế mà thay đổi, ta không vì thế mà tốt hơn, cao thượng hơn, chân thực hơn. Nhưng ta trở nên con người hơn. Dù sao, dù sao.

Keo kiệt

Ông già đã ngoài tám mươi, cách đây mấy ngày ông vấp ngã ngoài hiên nhà, bị gãy chân. Nhưng những khúc xương vôi hóa ấy đã liền lại. Bây giờ ông đi từ nhà ra hàng hiên bằng xe đẩy. Khi chúng tôi tới thăm, thấy ông đội mũ lưỡi trai vải ngồi dưới đèn dầu, gầy guộc và thẳng đuỗn, và phì phèo điếu xì gà ngắn ngủn qua một ống hút dài.

Sau đó chúng tôi an tọa ngoài vườn, còn ông ở lại trên hàng hiên. Ông nói chuyện với con dâu. Ông bảo: “Thận ta vẫn còn tốt. Cả gan nữa. Dạ dày cũng khá.” Ông nói chậm rãi, như một kẻ tính đếm những báu vật cuối cùng trong số tài sản đã tiêu phí. Rồi ông tiếp: “Mắt ta cũng còn sáng. Chỉ cái sự đi lại, con ạ.” Im lặng. Rồi ông nói, một cách đàn ông và tưng hửng: “Cái sự đi lại, là bố đã xài hết.”

Gặp mặt

Gặp mặt sau hai mươi năm. Họ biết hết về tôi, nhưng trong bữa tối họ làm ra vẻ như suốt hai chục năm qua họ chẳng nghe nói về tôi lần nào. Họ giữ thứ bậc. Có thể thấy, từ rất lâu, cách đây hai mươi-hai nhăm năm, giữa chúng tôi đã hình thành một thứ bậc cổ xưa nào đó, mà sau này chúng tôi không có cách nào, không có quyền gì để phá vỡ nó. Péter, người không thành đạt lắm trong cuộc đời, thì quanh chiếc bàn trong buổi gặp gỡ này, vẫn là người “đầu bàn”, người nói nhiều nhất, và Jóska, người đã trở thành một đức ông phong lưu, vẫn há hốc mồm khiêm nhường lắng nghe. Có một danh sách theo thứ bậc kỳ lạ nào đó, đã hình thành từ thuở nhỏ, và sau này không thể bước qua. Bình thiên hạ xem ra dễ hơn nhiều so với chinh phục một người bạn cùng lớp, người biết về anh một điều gì đó. Điều gì? Không thể biết chắc. Chỉ thấy hắn nhìn anh ngờ vực, với sự hoài nghi - có thể là có lý - mãi mãi.

Brueghel_(*)

Những người nông dân này hôi hám ngoài đời thực, trong niềm vui sống của họ, từ thời Trung đại họ đã đầy chấy rận, thô bạo và hay gây sự, mặc dầu nhìn bề ngoài họ tỏ ra vui vẻ, ngay cả khi - phía sau sự vui vẻ ấy - họ đang bị làm hại. Mặc dù vậy họ cũng không thể giống những người nông dân trong thực tế vào những thời điểm đầy biến động chính trị; Brueghel đã nâng những người nông dân ấy ra khỏi giai tầng của họ, cho họ Tổ quốc và số phận mới. Tổ quốc ấy ở đâu? Chỉ mình ông - Brueghel Cha - biết.

Xuất khẩu

Tôi mua một nhánh hồng trong trại làm vườn trên đảo, một trong những nhánh cuối cùng còn lại trong vườn hồng. Người đàn bà bán hoa gói nhánh hồng, viết nguệch ngoạc gì đó rồi đưa cho tôi.

- Cái gì thế này? - tôi hỏi.

- Chứng nhận, - bà ta bảo, - để ông được mang hoa ra khỏi đảo.

Tôi cám ơn bà vì cả dòng chữ và bông hoa, trả tiền rồi vui vẻ ra về. Giữa đường, tôi cảm thấy hài lòng, vì ngạch xuất khẩu của chúng ta đang phát triển, và công việc của tôi cũng không đến nỗi tồi, vì thi thoảng thôi, nhưng có lúc tôi đã cần tới giấy phép xuất hàng.

Thực hành

Viết, diễn đạt cũng như suy nghĩ và cuộc sống, qua một tuổi nào đó chẳng có ý nghĩa gì, nếu ta không diễn đạt được bằng lời và bằng hành động cái sự thật đơn giản và nguy hiểm mà ta đã biết trong cuộc đời.

Nhưng sự thật này bị người ta gán cho chúng ta. Ngày nay, hơn bao giờ hết. Vì thế mà tôi không quan tâm đến những hồi âm của văn chương mình. Hôm nay nhà văn viết, vì không thể làm gì khác, vì thân phận buộc anh làm thế. Tôi không thể xin cho nhà văn được miễn nhiệm. Cũng không thể yêu cầu người ta phải hiểu, phải tha thứ. Không có sự tha thứ. Hãy cùng quăng đi mặt nạ, nhà văn và độc giả, hãy nhìn thẳng vào nhau và cười lớn. Ngươi sẽ được điều ngươi muốn, ta sẽ cho ngươi những gì ngươi ép buộc ta. Ta không còn nợ nần gì nhau nữa, trên đất này; cả trái đất cũng như thế.

Raguza_(1)

Thành phố này muốn nói lên điều gì đó, muốn kêu lên với thế gian này, một điều gì lớn lao và vang xa, như Venice. Nhưng tiếng kêu nghẹn lại trong cổ. Vì thế nó chỉ sống - từ hàng thế kỷ nay - với giọng khàn đục.

Tỉnh lẻ

Tôi thật chán ghét loại nhân viên đáng ngờ ngồi sau cửa kính nhà hàng cà phê, vờ vịt đọc ba thứ báo ngoại, và từ cái ý thức rằng người ta phải kiếm tiền và cũng có cuộc sống tình dục, thông thường là không mấy vui vẻ, mà hắn nghĩ mình là “dân thủ đô”; và nói về tỉnh lẻ, phong cách tỉnh lẻ, dân tỉnh lẻ một cách khinh miệt. Hắn đâu biết rằng trước đây ba trăm năm, khi tại vị trí cái nhà hàng cà phê trên đại lộ này, dân chài, thợ săn còn lang thang trên những con đường lầy lội, thì ở Kassa người ta đã ngồi trong salon bàn chuyện văn chương. Cứ như không phải chính các vùng tỉnh lẻ đã mang lại cho đất nước này tất cả những gì là tinh thần, quan niệm thật sự “thủ đô”! Tôi thậm ghét cái “tính cách thủ đô” vô lối và vớ vẩn, từ các bục danh dự đáng ngờ dám lên tiếng can dự vào những việc của đời sống và tâm hồn, trong khi tri thức văn hóa của gã kém xa tri thức trung bình và hiển nhiên của một thầy tu trong nhà thờ tỉnh lẻ. Tôi coi khinh cái thói thị thành lòe đời, cái thói ngồi lê đôi mách, cái vẻ trịch thượng thảm hại, sự thông thái rởm lố bịch ấy! Tôi càng ngày càng là dân tỉnh lẻ có ý thức hơn.

 

Âm nhạc

Tôi thích cả điều này, khi đài phát thanh truyền một vở nhạc kịch từ Roma, và trong giờ nghỉ tôi nghe tiếng một nhạc công trong dàn nhạc - giữa hai đoạn fuga - đưa tay lên che miệng và ho nhẹ.

Bệnh nhân

Những cơn sốt nhẹ, với cảm hàn và tháo dạ, đến với chúng ta như một đam mê tội lỗi; và đúng vậy, người nhà vây quanh giường ta nằm, nghi ngại và lắc đầu, cứ như ta chui lủi ở đâu về. Lão khốn nạn, lão đã vụng trộm làm gì vậy? Chắc đã xả láng ở đâu đó.

Mặc áo đuôi tôm

Cứ như ông nhà văn này luôn luôn mặc áo đuôi tôm trong khi viết; đặc biệt khi ông muốn trở nên gần gũi và đơn giản. Ông bắt đầu bằng âm điệu cứ như ghé sát vào tai độc giả mà thì thầm điều gì đó. Bạn sẽ chú ý đến tiếng nói của ông với cảm giác được tôn trọng. Nhưng sau đó bạn sẽ thấy ông thầm thì bằng bộ khuếch đại âm thanh; rất nhỏ, nhưng sao cho cả thiên hạ cùng nghe thấy.

Căn phòng

Buổi tối tôi vào phòng một thi sĩ đã quá cố. Chỉ vào trong chốc lát; ai đó bật điện lên, chỉ trỏ, giải thích một điều gì đó, rồi tôi đi qua căn phòng mà thi nhân đã sống và làm việc.

Ông mất nửa năm rồi. Căn phòng đã hơi lộn xộn. Người ta đã lục lọi trên vài giá sách. Chiếc giường nhỏ đã được đẩy sang chỗ khác. Trên bàn viết, giữa những đồ vật nghèo nàn thảm hại c ủa nghề viết có một chiếc cân, mà - với sự cẩn trọng của một thương gia - ông thường cân thư từ, bưu phẩm hàng ngày. Có lần ông đặt bản thảo một tập thơ lên cân. “Nhẹ bẫng,” - ông tự giễu.

Căn phòng đã cũ nát, nhưng vẫn đầy sự lan tỏa của cuộc đời nhọc nhằn và khôn nguôi trăn trở. Mùi của nó cũng như mùi một một phòng hóa nghiệm mà hàng chục năm người ta đã ngào trộn các chất liệu nguy hiểm, khổ đau màu xanh, hận thù màu xanh nhạt, với làn hơi màu đen của cái chết. Trên tường có chân dung Freud, bút tích của Arany.

Tất cả những thứ đó tôi chỉ thấy thoáng qua. Tôi tưởng tượng, nếu thấy tôi ở đây, ông sẽ phá lên cười, xúc động, “trong căn phòng mồ côi của thi nhân”. Chiếc bút mực của ông vẫn nằm trên bàn, như ông đã vứt lại, khi người ta mang ông đi khỏi đây để chết. Từ bậc cửa tôi ngoái nhìn lại cây bút. Nếu đôi khi nó lại viết một điều gì đó, thì tôi cũng không ngạc nhiên.

Những buổi tối

Những buổi tối, khi con chó cứ quẩn quanh tôi, như nó cảm thấy cái chết của tôi đã gần. Tôi nhìn nó ngờ vực, vừa sắp xếp lại thư từ bản thảo. Tôi không hề biết gì. Và điều đó làm tôi yên lòng. Nhưng con chó không yên. Nó nhìn tôi ngờ vực. Rồi nó nằm xuống cạnh lò sưởi, với một động tác bất lực, như người đã hiểu ra và đã trấn tĩnh lại.

An ủi

Những ngày hoang mang này, khi tất cả những gì tôi đã viết trở nên đáng ngờ, khi không thể mường tượng được liệu tôi có còn bao giờ viết nổi những dòng văn mạnh mẽ, chân thực và tử tế nữa hay không, khi không còn dám mở tờ báo hôm đó có đăng bài viết của mình, khi biết chắc rằng mình không có bạn, và những địch thủ đến giờ chưa xé xác mình chỉ vì họ thờ ơ và quên bẵng đi mà thôi: những ngày như thế, chỉ riêng việc tay thợ cạo, trong lúc quết xà phòng, cúi gần tôi và thân mật bảo: “Tôi đã đọc bài viết của ông về cái chợ mới, ông biên tập viên ạ,” - và anh ta kể về một bài báo hôm đó của tay bạn tôi mới viết, là tôi đã thấy được an ủi.

Thứ bậc

Những tên gọi cũng là thứ bậc: với một đức thánh Tây Ban Nha hay một thái tử nước Áo, thì mang tên là Izidor hay Ignác cũng có cái lợi. Nhưng anh thì hãy cứ là Béla thôi. Như thế chắc ăn hơn.

Chủ nhật

Chủ nhật đối với tôi là một ông đội mũ có chỏm hình trụ nắm tay cậu con trai mặc quần dài, áo thủy thủ, gương mặt xanh tái đi trong cảnh sắc màu thuốc nước. Họ đứng trên bờ cảng, nhìn những chiếc thuyền buồm đang chở trà, rượu rum, đường mía về nước. Những ống khói cao vút nhả khói thẳng lên bầu trời xám nhạt, mùi mỡ động vật và rượu vang. Một người Ý, trên vai là một chú khỉ, đẩy một đàn dương cầm nhỏ vừa đi vừa khe khẽ hát. Nghe cả tiếng gió giật những tấm vải và buồm của những con thuyền neo đậu trên cảng. Trong kho chứa hạt, lũ chuột đánh chén no nê. Một phụ nữ trạc bốn mươi, mặc áo lụa xám, tay áp sách kinh cầu nguyện lên ngực, cúi đầu đứng giữa căn phòng buông rèm trắng và nghĩ: “Một gã vô lại.” Trong quán kem lũ thanh niên nam nữ mặt đỏ hồng đang ngồi uống nước lê. Trời mưa.

27 tháng Chín

Ban đêm, khi tôi còn đang ngủ, đã xảy ra một chuyện: mùa hè đã hết. Tỉnh dậy, tôi nghe tiếng gió thổi, nhìn lùm cây nâu sẫm trước cửa sổ, và không cảm thấy một chút “nỗi buồn mùa thu” nào. Tôi mừng vì hè đã hết. Mừng vì nó không mang lại điều gì. Tôi mừng vì không chao đảo trong niềm tin ký thác vào sự bất hạnh. Tôi mừng vì không còn những ảo vọng về “giải pháp”. Xin mời, mùa thu! - tôi nghĩ. Hãy trưng những đạo cụ, đồ lề hỗ trợ của ngươi ra, hãy buông dây thả tấm rèm màu mòn cũ từ trên trần nhà mục nát, hãy làm rụng lá những lùm cây, hãy để gió thở than, hãy nguyền rủa và chôn vùi, như các nhà thơ đang lướt những ngón tay run rẩy và cuống quýt trên các dây đàn luýt, mỗi bài thơ đổi lấy tám pengő_. Xin chào ngươi, tín sứ của mùa đông và sự lụi tàn. Ta không cưỡng lại. Ta thỏa hiệp. Ta chờ ngươi.

So sánh

Như một loài hoa, bất khả

Như một con gấu, hôi hám và mồ côi

Trắng, như những thiếu nữ ngày xưa

Như quỷ dữ, buồn và cô độc

Như loài linh cẩu Jordan

Phù sinh như máu thịt, như từng tế bào

Như tội lỗi, lạ lùng, mật ngọt

Vô nghĩa, như một giấc mơ

Đắng, như mật chết

Như giấc mơ lẳng lơ của cô gái đồng trinh

Như mưu đồ của kẻ sang giàu, thối rữa

Như một chữ số, tàn độc

Và lạnh, như tảng băng trong nhà xác.

Nhắc nhở

Đừng muốn trở thành anh hùng. Hãy cứ là người vô tư và cẩn trọng. Như thế là đã đủ.

Tốc độ

Đó là những cơn sốt nhẹ, chúng giải phóng cơ thể khỏi quy luật nặng nề. Chúng tôi bay và mỉm cười.

Buổi chiều, trong sương mù, chúng tôi đi từ phía Balaton, và chỉ hai giờ sau đã tới nhà tôi ở Buda. Chiếc ô tô chưa bao giờ chạy ngon như thế. Tôi lái không hề gặp trở ngại gì; chúng tôi gần như bay, không cao, có lẽ cách mặt đất mười cm. Khi về đến nhà, tôi đo thân nhiệt: 38,6.

- Anh đi nhanh lắm phải không? - hôm sau người ta hỏi.

- 38,6 độ trên giờ. - tôi đáp.

Âu yếm

Hai ngày nay lá rụng. Những cành cây khẳng khiu như cánh tay thò xuống thấp, vuốt ve mặt đất run rẩy vì lạnh.

Chiều mưa

Có điều gì kín đáo, mẫn cảm, bí ẩn ở đây nhỉ? Ánh sáng này, sự nóng ẩm này, mặt đường trơn loáng, những căn phòng buông rèm, những phụ nữ đi ngoài phố đội mũ và trùm kín áo mưa, sự bí mật và vội vàng này, cứ như cả thành phố cùng hàng triệu dân, những ông bà già, cả những người bần hàn và phong hủi, đều biết về một cuộc gặp kín nào đó, c ứ như có một niềm vui nào lấp ló sau màn sương và mưa - một cái gì đó ấm áp, hấp dẫn và che giấu, một điều gì thân xác và đồng lõa, không có tên gọi, không có số nhà, số điện thoại, và tin cẩn, thân thiện và vô tư, như một mối tình thoáng qua. Tất cả là gì thế nhỉ? Một chiều mưa.

Thu

Một mùa hè nữa đã qua đi, và không xảy ra chuyện gì. Tôi thấy bực bõ trong người.

Thu đã về đâu đó trong không gian; nhưng mới chớm đến như niềm sợ hãi cái chết đầu tiên. Cứ như cả thế giới bắt đầu uống thuốc cardiasol-ephedrin một cách dè dặt.

Không khí đậm đặc, ẩm ướt. Hoa quả, cả đào mùa thu, tất cả như được tráng men. Chúng có vẻ gì đó dân dã, tàn phai.

Nho hiền lành, như một bức họa. Nhưng một năm nữa nó có thể trở thành motip giết người và điều kiện giảm nhẹ tội_(1).

Những bà già, đây là mùa hè của họ, năm nay thấy các bà như trẻ lại. Họ đội những chiếc mũ nhỏ, chỏm cao, bồn chồn và huyên náo. Trong không gian, ái tình như lên men. Cây cối quanh những bể bơi trút lá xuống mặt nước. Những người trông coi bể đã nghỉ; sự bừa bãi, một cuộc phiêu lưu hoang dã, nguội lạnh, chết chóc đã bắt đầu.

Nhiệm vụ

Tôi cho một thiên tài trẻ tuổi uống say rồi bảo anh ta:

- Có lẽ sáng tạo không phải là việc của anh. Cần có một định mệnh thần thánh nào đó để một người có thể sáng tạo.

- Chỉ cần anh phản kháng lại là đủ. Thế giới như nó vốn như thế; nhưng xin anh đừng đồng tình với nó. Sự phản kháng này có thể hiệu quả và cao thượng. Dẫu sao nó cũng cần thiết để anh lưu lại dấu vết trên thế gian này. Viết sách thì kẻ đần độn chăm chỉ nào chẳng làm được. Cưỡng lại được thì rất ít người.

- Hãy kết hợp lại với nhau, những người phản kháng; ngay cả để chống lại nhau.

Một cuộc gặp gỡ

Người ta còn ghi lại: “Ngài Descartes(*)_ nồng nhiệt chào đón sự ra mắt của chàng Pascal trẻ tuổi.”

- Ô, có cả chuyện đó ư? - có thể Descartes đã nghĩ, nồng nhiệt và sung sướng.

- Ô, có cả chuyện đó ư? - sau này ông có thể nghĩ, buồn bã và ghen tị.

Joyce

Ông viết như viết những cuốn sách posthumous(1)_, sách của người đã chết, không còn quan tâm đến cách nhìn nhận của những người sống, và ông viết ra tất cả những gì khủng khiếp và hãi hùng, không còn là pour épater bourgois(1)_, mà đã vượt qua tất cả sự đồng thuận, với sự ích kỷ và độc ác của người đã chết, pour épatter les vivants_(2).

Nho

Ngọt, nhiều nước, chán. Sự say sưa có thể ép ra từ nho cũng chỉ như que diêm đối với hỏa hoạn, đó là sự nhen nhóm.

Thủy tinh

Ngày cuối tháng Chín, trong veo và mỏng mảnh dễ vỡ như thủy tinh. Lá, hoa quả rụng lên mặt đất, tiếng rơi thanh như bị vỡ.

Tản văn tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t30351-bon-mua-troi-va-dat-tan-van-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận