Bốn mùa, Trời và Đất Chương 1

Chương 1
Trời và Đất

Tôi sống giữa trời và đất, trong tôi có một điều gì đó bất tử và thần thánh, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay ngoáy lỗ mũi nếu có một mình trong phòng, tâm hồn tôi đủ chỗ chứa tất thảy sự thông thái của Ấn Độ, nhưng có lần tôi đã choảng nhau với một gã say rượu trong quán cà phê, tôi có thể nhìn mặt nước và đàn chim bay hàng giờ liền, nhưng tôi cũng đã có dự tính tự vẫn vì một tờ tuần san đã viết về cuốn sách của tôi với giọng hỗn xược, tôi là bằng hữu với Khổng Tử trong sự thấu hiểu việc đời và sự lãnh đạm thông thái, nhưng tôi không thể chịu nổi việc báo chí không nhắc tới tên tôi trong số những người có mặt, tôi đứng ven rừng mắt long lanh sáng, ngắm sắc màu của những tán lá mùa thu, nhưng tôi không thể cảm thụ thiên nhiên một cách khác hơn là sự quan ngại và ngờ vực, tôi tin ở sức mạnh siêu việt của trí tuệ, và tiêu phí phần lớn những buổi tối của đời mình bằng những câu chuyện tầm phào với những nhóm người ngốc nghếch, tôi tin ở tình yêu, nhưng nhiều lần chỉ chung đụng với đám phụ nữ làm tiền, tôi tin ở trời và đất, vì tôi là con người, giữa trời và đất, amen.


Những người dũng cảm

Tôi chỉ còn tôn trọng những con người biết cảm nhận một cách vô ích. Những người đủ dũng cảm để suy nghĩ vô ích. Tất cả mọi người đều đã quá thực dụng... Ai cũng thật tauglich(1)_. Tôi kính trọng những người dám dùng những từ như: “tôi”. Hay: “Ta yêu mi, nỗi buồn đẹp và lạnh lùng ơi.” Tôi không bao giờ còn tôn trọng những con người mà tôi tin rằng giữa ban ngày anh ta cũng nhớ ra điều gì đó với lời mở đầu như: “Đặc biệt lưu ý tới các khả năng hiện có.”

Lễ Hạ trần

Một trái bom được phủ trong hoa.

Mạo hiểm

Bạn đang sống, và bỗng nhiên mạo hiểm ập xuống. Điều mạo hiểm đó là gì? Bạn không biết một ai, không có niềm vui rẻ mạt, sung sướng, vớ vẩn nào mỉm cười với bạn, bạn chỉ có một mình. Thế mà trong những giờ qua đã xảy ra chuyện gì đó với bạn. Cuộc đời, lúc bốn giờ chiều, bỗng hồi hộp và nguy hiểm. Đâu đâu cũng thấy những dấu hiệu cảnh báo, những điều thường nhật trở nên có ý nghĩa. Một cánh cửa mở ra, cứ như sứ giả của định mệnh nhấn tay nắm cửa. Một tia nắng xuyên qua trái tim bạn, như lưỡi dao mảnh của một sát thủ giấu mặt. Bạn dỏng tai nghe, lắng từng tiếng động nhỏ. Sự mạo hiểm ập xuống cuộc đời buồn tẻ nặng nề của bạn là gì vậy? Rồi bỗng nhiên bạn chợt hiểu ra và tái mặt.

Bạn hiểu rằng mình đang sống. Đó là sự mạo hiểm duy nhất.

Van Gogh

Một bức vẽ của ông có tựa đề: Họa sĩ đi làm buổi sáng. Trên bức tranh, ta thấy thế giới mà họa sĩ muốn khắc họa: những cánh đồng, thung lũng, những ngôi nhà. Nhưng thế giới ấy chỉ của một mình ông, thế giới của họa sĩ! Thế giới ấy không liên quan gì đến những cuốn sách địa lý. Cánh đồng xanh ấy, bầu trời xanh ấy, những mái nhà màu đỏ ấy chỉ có một lần: trong một khoảnh khắc khi họa sĩ nhìn thấy nó như thế.

Đó là cái nhìn đầy cảm xúc và chuyên nghiệp. Người “họa sĩ điên” đã nhìn thế giới khách quan như một chiếc kính viễn vọng. Người họa sĩ lớn có ảo ảnh về thế giới, nhưng sau đó thể hiện cái ảo ảnh ấy một cách trung thực và khách quan như người vẽ chính của một văn phòng kiến trúc. Chính vì thế mà ông khác với một tay thợ vẽ không có lấy một ảo ảnh nào về thế giới, nhưng vẫn cứ vạch những đường nét và phết màu lên thành hình ảnh. Họa sĩ lớn nhìn lên bầu trời và vẽ mặt đất, một cách trung thực. Thợ vụng vẽ bầu trời, hăm hở, trong khi nhìn xuốn bàn chân mình lo ngại.

Bạn đồng hành

Đúng, Chúa là người bạn đồng hành lặng lẽ trong mọi thương vụ của chúng ta. Người muốn thanh toán sòng phẳng. Người không duy cảm, không can dự; cứng rắn và khách quan. Hãy cẩn thận khi chia chác với Người.

Balatonfüred_(1)

Gyônyôrde(2)_, hàng cây mà dưới tán lá của chúng những nhân vật trong truyện ngắn của Vôrôsmarty - những “thợ săn tim Füred” - đã tản bộ cùng ý trung nhân của họ, những phế tích của Nhà hát Kisfaludy, những dấu chân của Jókai và bà Blaha trong rừng: đây là một biedermeier(3)_ Hungary trong sáng nhất.

Nhưng phong cảnh ở đây hiền hòa như thể những người bệnh tĩnh dưỡng dưới những hàng cây này, ở nguồn nước khoáng này, dưới bầu trời xanh nhạt này đã thuần dưỡng thiên nhiên vậy. Cảnh sắc cũng hiền hòa theo người bệnh; hơi xanh xao và yểu điệu một cách quý phái, như người đã biết đến sự va chạm n hẹ nhàng, lịch lãm đầu tiên của cái chết. Một vùng phong cảnh thân thiện và quyến rũ. Như muốn nói: “Người chớ vội vàng! Hãy tĩnh dưỡng! Người có nghe tiếng rì rào của cây lá? Chúng muốn nhắn gửi điều gì đó.” Ta dừng chân, nghe tiếng lá rì rào, và chợt hiểu ra rằng ta đã vội vàng vô ích.

Người được chọn

Một người, không ngồi trên chiếc máy bay rơi và chôn vùi tất cả số hành khách trên chuyến bay, lặng lẽ giơ chiếc vé có đánh số chỗ ngồi đã mua từ trước. Đúng, lẽ ra anh ta cũng đã nằm trong số nạn nhân của chuyến bay.

Nhưng anh ta không chết, và lúc này, anh đứng đây với mạng sống được số phận và sự ngẫu nhiên ban tặng, với cuộc đời như một món quà tặng khó hiểu và vô cớ. Giờ đây anh biết xoay xở thế nào với nó? Anh có thể phung phí nó vì nó là quà tặng. Nhưng cũng có thể nâng niu nó khỏi trúng gió, khỏi tháo dạ và những bức xúc, vì đó là cuộc đời được lựa chọn, quý giá và khác thường, và với nó rõ ràng định mệnh muốn một điều gì đó. Anh bối rối nhìn quanh. Tới lúc này anh chỉ sống. Giờ đây anh còn biết mình đang sống - và sự kinh ngạc này suýt nữa quật ngã anh.

Gặp gỡ

Đúng, sau này, sau này chúng ta sẽ gặp gỡ mọi người. Sự gặp gỡ không hẳn là nồng nhiệt; khi con người ta đã thực sự ràng buộc số phận mình vào một ai đó thì ta không nhảy cẫng lên, không reo hò, mà nhìn thẳng vào những người cùng số phận một cách lo lắng và nghiêm túc. “A ha, hóa ra các người là như vậy!” - ta nghĩ. Khi đó thì ta đã biết họ, về mọi phương diện, ta đã thấy con người trên bàn giải phẫu tử thi và thấy kẻ thề bồi lòng chung thủy trọn đời trong giáo đường, thề thốt một cách giả tạo trước quan tòa, ta đã nhìn thấy kẻ giết trẻ em và giết mẹ, thấy con người, như một nghệ sĩ lớn hướng về phía Chúa trong sự mê hoặc của cảm hứng sáng tạo, như một anh hùng lặng lẽ chấp nhận số phận. Đến một ngày chúng ta sẽ gặp gỡ mọi người và chấp nhận họ. Giây phút ấy sẽ yên tĩnh. “Đúng, đúng! - ta sẽ lẩm bẩm. Trong những giây phút như thế chúng ta bắt đầu tuổi già.

Mùa thu nhỏ

Giữa hai ngày nóng nực, oi nồng là một mùa thu nhỏ. Cây cối, những viên đá, mặt đường loáng ướt, thành phố sực mùi chua nồng như mùi phòng bệnh, nơi những thân thể khốn khổ đau đớn toát mồ hôi lạnh. Nhưng ánh nắng sớm mai khác mọi hôm: nó vàng vọt, tang tóc hơn. Không gian có mùi men chua, như mùi sâm banh hết lạnh còn sót lại trên bàn vào buổi sớm, sau một đêm thả giàn. Những mùi ấy kích thích và đáng sợ. Đó là giây phút rã rượu, mùa hè đầy hoa, nóng bức, sau cuộc vui thể xác. Ta tỉnh rượu và đau đầu. Ta còn chưa tự kiểm lại cuộc đời, nhưng ta đã tính đếm thời gian, như một gã phong lưu tính đếm số vàng còn lại của mình. Cuộc vui đã kết thúc. Hãy kéo mũ xuống trán. Đó là mùa thu nhỏ.

Dân chủ

Tôi đã nghe nhà dân chủ giận dữ ấy, người muốn đem bom, địa ngục và bảy tai họa Ai Cập giáng xuống các các chính thể độc tài, và tôi nghĩ:

- Đúng, cuối cùng thì dân chủ sẽ thắng, nhưng không phải theo cách như thế và cái chính là không phải bằng những công cụ như thế. Dân chủ không thể chiến thắng trong một khoảnh khắc lịch sử nào đó, trên chiến trường, giữa tiếng còi xung trận và phấp phới cờ bay, khi xác hàng trăm triệu tên độc tài nằm ngổn ngang trên chiến địa, và những đội quân xung kích quang vinh, hùng mạnh và hoàn hảo của Nền Dân Chủ diễu hành trên những tử thi. Dân chủ không thể chiến thắng như thế.

- Nhưng nó sẽ thắng, một cách thầm lặng, trong tôi và trong anh. Đến khi tất thảy chúng ta đều trở nên có văn hóa hơn, nghĩa là con người hơn, nếu tất cả chúng ta đều hiểu biết hơn, nghĩa là giỏi giang hơn, kiên nhẫn hơn, đàn ông hơn - vì độc tài bao giờ cũng điên rồ và nữ tính -, khi đó dân chủ sẽ chiến thắng. Khi nào ư? Thứ Ba? Hay thứ Bảy? Tôi không tin. Thắng lợi cuối cùng không dễ dàng và chính xác như thế.

Nhà ở

Lần nào đọc thấy thông báo về nhà cửa trên báo - dù đó là nhà trong khu trung tâm hay ngoại vi - tôi vẫn cảm thấy sự bất an và thấy tim đập rộn lên không tự chủ nổi, cứ như tôi phải ngay lập tức cầm mũ lên, và vội lao đi để xem, để thuê lấy căn nhà, nơi mà cuối cùng tôi cảm thấy như được ở nhà mình.

Thứ Hai, mồng Một

Hôm nay là thứ Hai và mồng Một, thế mà tôi không bắt đầu một việc gì. Tôi chỉ còn muốn tiếp tục - dù hay dù dở, vừa hì hục, gầm gừ, rên rỉ, bằng kính mắt và những công cụ đã mài sắc - công việc mà tôi bắt đầu từ thứ Hai tuần trước. Tôi không còn muốn thay đổi vào thứ Hai và mồng Một, cũng không muốn làm nổ tung thế giới nữa. Tôi chỉ còn muốn sống trên thế giới này, cả thứ Hai và mồng Một, đúng đến khi nào làm xong công việc và hoàn thành trách nhiệm của mình. Tôi khiêm tốn vậy ư? Không, tôi tham vọng thế đấy, thứ Hai và mồng Một.

Những giờ

Những giờ của cuộc đời và của lịch sử không phải bao giờ cũng điểm - với sự trang nghiêm và chính xác đáng sợ - đúng vào lúc trưa hay lúc nửa đêm. Trong những thời kỳ hạnh phúc người ta đọc trên trắc biểu thời gian thế này: tám rưỡi đã qua được năm phút. Hay là: Hai mươi phút nữa sẽ là ba giờ. Khoảng thời gian giữa “đã” và “sẽ” được gọi là hòa bình.

Từ 1867 đến 1912_(1) người ta cảm thấy như lúc nào cũng là hai giờ mười lăm hay tám rưỡi. Sau đó kim đồng hồ bắt đầu phi mã, và tất cả các đồng hồ nhất loạt chỉ mười hai giờ. Bây giờ chúng ta lại sống như một ai đó, ở một nơi nào đó, cầm đồng hồ bấm giờ trong tay, đếm nhịp vỗ cánh của những phút giây.

Người hưởng thụ

Lão bảy mươi bảy tuổi. Lão đi tìm một thứ thuốc lá gì đó trong khu nghỉ dưỡng có bể tắm nước khoáng để chữa bệnh tim. Một cô hộ lý thường đi cùng lão; thỉnh thoảng lão quay về phía cô gái với nụ cười lịch lãm, nom giả tạo thế nào đó, cứ như họ vừa mới quen nhau trên lối đi dạo, và đang tâm tình với nhau về những tình tiết của sự chung đụng ban đêm. Một ông lão chứng nào tật nấy.

Lão đeo kính một mắt và đi ghệt màu trắng, đeo cravat lụa xám, đeo nhẫn có khắc ấn, đầu đội mũ cói mịn nhẹ như kết từ lông chim. Mỗi ngày lão diện một bộ cánh khác, và sự xuất hiện ngoài bãi tắm của lão làm lóa mắt những người hâm mộ lão. Lão bắt quen với tất cả mọi người; quý phái nhưng gần gũi. Những câu chuyện của lão - pha tạp tiếng Đức, Pháp, Latin và tiếng Anh - cứ tuôn ra như bong bóng từ nguồn nước khoáng chứa axit cacbonic mà lão vẫn uống. Lão kể về đàn bà, về những canh bạc, những người Anh sang trọng. Có lần ở Pizza, một cô người Anh nói... Một lần ở Paris, thái tử Tây Ban nha bảo... Một vầng hào quang lờ mờ của sự phiêu lưu sáng lờ mờ quanh cái đầu hói, láu cá, ỡm ờ và bất hạnh của lão.

Bàn tay đeo nhẫn khắc ấn nhăn nheo, quý phái và trụy lạc của lão đã vuốt ve bao nhiêu đàn bà, đã chơi biết bao nhiêu cỗ bài, đã sờ nắn bao nhiêu bàn tay của những kẻ sang trọng đáng ngờ và khó tin, thỉnh thoảng lão đặt tay lên phía trái tim với cử chỉ mỏi mệt. Đúng, canh bạc lớn đã kết thúc. Cược đặt cho nó là lạc thú. Một cái cược lớn và buồn. Lúc này lão cũng có thể nói lão đã hối hận điều gì đó, và khi thắng cược lão đã để mất niềm vui. Nhưng trong thực tế lão không ân hận gì. Lão - kẻ thưởng lãm - đang khoác tay cô hộ lý, rảo bước nhịp nhàng trên hành lang về phía phòng khám, nơi những giọt thuốc trợ tim quý giá đang chờ lão. Lão vội đi tới cuộc phiêu lưu, một cuộc phiêu lưu cuối cùng, bí ẩn nào đó. Lão kẹp chiếc kính một mắt lên mắt trái, và ranh mãnh nháy mắt với cái chết - lão nhìn nó như nhìn một nhà chức trách khó chịu, phải miễn cưỡng chịu đựng sự có mặt của gã; nhưng dù sao lão cũng phải để gã biết: gã không thuộc hội những người tử tế.

Cáo phó

Ông đã chết. Ông đã trốn khỏi nỗi nhục nhã bạo lực và độc tài đã giết chết ông. Tôi viết gì đây lên bia mộ ông?

Tôi mắc nợ ông nhiều, bởi ông chết cũng có phần vì tôi, vì danh dự và đẳng cấp con người của cả tôi. Vì thế tôi dùng những từ lớn nhất có thể khắc lên bia mộ một con người. Tôi viết: “Ông biết ý nghĩa của cuộc đời: tình thương yêu và danh dự.”

Lời hoa

Tháng Sáu. Bỗng nhiên ta nhận thấy trong nhà, ngoài trời, cuộc sống đâu đâu cũng đầy hoa. Một sự rực rỡ lạ kỳ, bất thường. Chúng bao phủ lên chúng ta một điều gì đó mệt mỏi và nghi kỵ, một cái gì đó hôi hám và chết chóc trùm lên cuộc đời. Chúng có cả triệu ngôn từ, nhưng tôi chỉ biết đến những khái niệm cổ truyền: hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa anh thảo. Trong ngôn ngữ hoa thì chúng là chủ và vị ngữ. Sau chúng là những tính từ xếp hàng dài dằng dặc: từ hoa cúc tới hoa húng quế.

Mùa hè nóng nực cất lời như thế, nó nói với ta bằng lời hoa. Nó muốn nói gì? Trong một chớp mắt giữa cuộc sống và cái chết, nó muốn nói điều gì đó. Nó nói thế này: “Thế giới không chỉ có những điều hữu ích, còn có những điều vu vơ. Hãy hít thở, hãy hồi tưởng, hãy phung phí. Đẹp là thứ vu vơ. Anh có cảm thấy không?” Vâ ng, tôi nhìn quanh, ngỡ ngàng, thấy và cảm nhận.

Với một người nằm xuống

Tôi vừa hay tin anh mất, bạn ơi. Trong một khoảnh khắc tôi thấy anh lớn hơn tầm cỡ thực trong đời - sự phóng đại của cái chết. Anh là người vĩ đại? Tôi không rõ. Nhưng anh là một con người và một nghệ sĩ.

Gương mặt anh méo mó vì bệnh tật và sự trớ trêu của số phận. Ở tuổi năm mươi, anh vẫn như một chú bé nhút nhát và hay bỡn cợt. Cứ như anh vĩnh viễn nhăn nhó với thiên hạ bằng gương mặt méo mó kia. Anh sinh ra đã câm điếc, rồi bằng một nghị lực phi thường anh đã học nói, học cả các thứ tiếng. Về cuối đời, anh đã câm điếc bằng bốn thứ tiếng. Anh nói tiếng người bằng một thứ tiếng thú nào đó, khục khặc, ú ớ. Cứ như trong khi nói anh phải vật lộn với ma quỷ. Anh là Caliban(1)_.

Nhưng rồi anh đã nói với thế giới điều anh muốn nói; anh đã nói bằng những bức họa, bằng những bức họa càng ngày càng cứng cỏi hơn, kiệm lời hơn. Ở giai đoạn cuối anh chỉ vẽ những vật nhỏ, trong những không gian màu xám khổng lồ. Tôi không hiểu điều đó, nhưng tôi tin anh, tin rằng như thế là đúng, và tin rằng anh không thể vẽ những ảo ảnh anh thấy bằng cách khác.

Đàn bà đã lợi dụng anh, nhưng họ không hề xúc cảm, chỉ như lũ bệnh hoạn lợi dụng một con thú. Anh đã nhún vai và yêu họ. Thế nhưng trong anh có một điều gì đó đam mê, quá độ và không khoan nhượng, một thứ gì đó vĩnh hằng, cao cả quá mức. Đúng, anh bạn, anh là con người, người nhớ tới chân lý, và muốn diễn đạt nó. Hẳn anh là một nghệ sĩ. Tôi biết, anh chẳng quan tâm đến điều đó; tuy nhiên, tôi nghiêng mình trước vong linh anh, như thế.

Giáo đường

Trong một thời gian dài người ta coi các giáo đường là những di sản văn hóa. Ta đi lại dưới những mái vòm trang trí kiểu đăng ten, ngắm nghía những bình đựng nước thánh, những chiếc ghế dài khắc chạm, những báu vật của nó một cách lịch lãm, có khi hào hứng. Giáo đường Firenze(1)_, Chatres(2), Paris, Kassa.

Nhưng rồi cuộc đời bao phủ lên ta bằng nỗi buồn, bằng trải nghiệm và sự tuyệt vọng của nó. Và đến một ngày ta bắt đầu ghen tị với những người già cả, những ông lão, những bà già rách rưới, họ tới các giáo đường - ở Firenze, Chatres, Paris hay Kassa - để cầu nguyện hay ngủ gà ngủ gật, hoặc chỉ để hồi tưởng trong thứ ánh sáng lờ mờ, và họ không hề có khái niệm gì về các báu vật trước mặt, ở nơi họ đang phủ phục. Giáo đường đã được xây dựng cho những người như thế. Sự không ý thức của họ là ý nghĩa đích thực của giáo đường.

 

Giấc ngủ đông

Đang là mùa đông và giấc ngủ sâu cứ dìm ta xuống, như loài gấu ngủ đông, như người đã chết. Giá như ta được ngủ! Chìm sâu trong tiết đông và trong nỗi cô đơn, trong sự đơn độc lạnh lẽo, lông lá và hôi hám nào đó, chỉ gầm gừ và ngất ngây nhớ đến những bụi phúc bồn tử, đến những cử chỉ của đời sống, đến nắng chói chang - ngủ trong sâu thẳm, cũng không còn cảm thấy bị xúc phạm, trong nỗi cô đơn thờ ơ và ngột ngạt như số phận, trong nỗi cô đơn câm lặng như cuộc đời.

Ngủ kỹ hơn, say hơn cả những kẻ đã chết. Ngủ và tha thứ. Ta muốn ngủ - cảm phiền các người - vì ta muốn tha thứ.

Xác hải âu

Lúc hoàng hôn, thủy triều đưa về cảng một xác hải âu. Nó dang đôi cánh bơi dập dềnh, đều đều và cẩn trọng trên mặt nước màu xanh đen ngầu bọt, như thể nó đang nghỉ ngơi sau một chuyến viễn du ảm đạm và táo bạo nào đó giữa hai bờ châu lục. Hai lục địa ấy, hai bến bờ ấy là cuộc sống và cái chết.

Con hải âu chết dang hai cánh và nghiêng đầu sang một bên. Giờ đây nó chỉ còn là sự thuần phục, hiền lành mềm mại dập dờn trên sóng nước. Tôi nhoài người trên hàng lan can bờ cảng và nhìn xác con hải âu rất lâu. Chúng chết ở đâu và khi nào nhỉ?... Trong một tích tắc chúng bỗng rơi xuống từ trên không trung vì mệt mỏi, giữa những con tàu, giữa trời và biển?... Hay chúng chết vì chứng angina pectoris_(1)? Hay vì bệnh mỡ bao tim?... Chúng ta không hề biết. Có lẽ chúng chết vì sống thế là đủ.

Sáng ra bão tắt, vịnh cảng vắng hoe, gió và nước đã chôn cất con hải âu. Mặt nước phẳng lặng như mặt đá cẩm thạch của một nấm mồ vĩ đại, vòm trời xanh nhạt như trần vòm của một lăng mộ bí ẩn và quý phái. Nấm mồ hải âu bình dị, giản đơn, trang nghiêm và không dấu tích như nơi yên nghỉ của các bậc vương giả. Cuộc sống và cái chết của chúng là điều bí ẩn. Hãy ngả mũ, nghiêng mình.

Thủy tinh

Một ngày cuối tháng Chín, tất cả sáng rõ và hiền hòa đến nao lòng, giống như thế giới - tuyệt phẩm mong manh này - được giấu sau một lớp kính.

Giờ đây, trong cái tủ kính tháng Chín, có thể thấy thế giới đúng là một tuyệt tác. Những lùm cây ướt át, tơi tả, những gã xa vợ, những ả xa chồng chưa tỉnh rượu. Những vườn cây điểm trang rầu rĩ như bệ đặt linh cữu, những cây bạch dương với những búi tầm gửi nom như các chú ngựa xõa bờm kéo quan tài. Những thảm cỏ dưới luồng ánh sáng chiếu rọi tưng bừng, chớm lạnh của nắng tháng Chín. Tất cả mới tĩnh lặng làm sao. Người hùng sắp tới, giáp trụ từ đầu tới gót chân, và bắt đầu phạt ngang những bông thược dược.

Tất cả giờ đây xa xăm và phi thực tế. Nếu chạm vào không khí ta nghe thấy âm thanh lạnh, như thủy tinh va chạm vào nhau. Tôi nhã nhặn đứng trước tủ kính, nhìn những món hàng bày bên trong, và không khao khát một điều gì.

Szeged_(1)

Vẻ u buồn trên dòng sông Tisza(2)_, những đại lộ còn in bóng lang thang của Juhász Gyula(*)_, sông Tisza như một con thú dữ đã được thuần dưỡng uể oải trườn xuôi, những ngọn nến cô đơn trong những nẻo khuất của đồng bằng vẫn leo lét cháy, món xúp cá đã cô đúc tất cả tinh túy ẩm thực của năm thế kỷ, bầu trời xanh trên thành phố và thành phố đã b ắt rễ trên lớp cát của vùng đồng bằng bao la này với những đỉnh tháp, những nhà văn, những người Hung gốc gác, thầm lặng. Vẻ u buồn và êm đềm. Hai giờ đêm, tôi đi dưới chân cầu, không nghe tiếng động nào khác, ngoài tiếng nước chảy ì oạp. Tất cả mới quen thuộc làm sao! Mới xưa cũ và gần gũi làm sao! Tôi nghe tiếng nước chảy ì oạp lúc nửa đêm lần cuối cùng là khi nào?... Anna(3)_ đã đi qua đâu đây, trong bóng tối này, Anna - Nàng Thơ. Và dòng nước cứ cuộn chảy dưới sâu kia, trong bóng tối, như những câu thơ của một thi phẩm bất hủ.

Người chết

Tôi đến để làm lành với ông. Mộ ông trơ trụi, mộc mạc. Một người chết cô đơn, có thể nhận thấy con người đang tan rữa dưới nấm mồ kia, ngay cả khi đã chết, không thỏa hiệp với chúng ta, với những người đang sống, với những địch thủ và với thế gian này.

Nhưng giờ đây không còn có thể tranh cãi với ông. Trong cuộc đời, ông là người thua cuộc, cũng như tất cả những người đã chết; nhưng trong cuộc đối thoại vĩ đại, trong cuộc tranh luận tuyệt vọng với mọi người, ông - kẻ đã chết - ở thế thượng phong. Chính vì thế mà tôi đứng lặng bên nấm mồ ông, không bức xúc và không có nguyên do gì. Đó là sự im lặng có có lý, lịch lãm. Sự im lặng, khi ta đứng trước nấm mộ của những người đã khuất, giải tỏa được một điều mà những người đang sống dù có dùng hết vốn từ của mình cũng không làm nổi.

Sự sinh nở

Người chưa nhìn thấy sự sinh đẻ thì chưa biết một điều gì đó về cuộc sống, chưa biết một điều chắc chắn và “cơ bản”, như trong nhà trường người ta thường nói - chưa am hiểu cái cơ cấu, chưa biết đến cái công xưởng bí ẩn và đáng sợ mà sự sống ra đời. Những sức mạnh vận động trong khi sinh nở, sức lực của cuộc sống và cái chết: hàng giờ liền cả người mẹ và đứa trẻ thường xuyên ở ranh giới giữa sống và chết, trong tăm tối, với bản năng câm lặng. Trong những giờ phút như thế, cơ thể người mẹ phải chịu sức căng của những sức mạnh giống như trong một trận động đất. Người đứng xem sẽ chẳng lấy làm kinh ngạc nếu thấy tro than cùng khói tuôn ra từ tử cung người mẹ thay vì máu và placenta(1)_. Vâng tôi đã nhìn thấy sự sinh nở. Nhìn thấy rồi im lặng, không cất nên lời. Rồi đến lúc đứa bé khóc, người xem lẩn ra khỏi phòng và cảm thấy rằng Michelangelo chỉ là tay thợ vụng, và Newton, với tất cả những tính toán của ông, chỉ là một người làm khoa học nghiệp dư.

Tuyết tháng Ba

Món parfé_(2) tan, tráng một lớp men trang trí bằng hoa violet.

Tặng phẩm

Và dẫu sao cả ngày nay, như thế này, mãi mãi cuộc sống vẫn cho ta biết bao điều! Nó cho một cách lặng lẽ, bằng hai tay: buổi sáng và buổi chiều, hoàng hôn và những vì sao, mùi hương ngai ngái của cây cỏ, những con sóng xanh của dòng sông, ánh sáng phản chiếu từ một đôi mắt, sự cô đơn và những tiếng động. Cuộc sống cho ta bao điều, ta thật phong lưu, ta được ban tặng thật hào phóng, trong mọi thời đoạn của ngày, trong mọi khoảnh khắc. Đó là quà tặng, những tặng phẩm tuyệt vời. Ta cúi sát mặt đất, cảm ơn cuộc đời như thế.

Người ra đi

Giờ đây, người ra đi đã khởi hành. Nhưng chúng tôi còn nhìn thấy anh trong một giây, anh đứng trong cửa sổ toa xe chật cứng người di tản, đôi mắt thẫn thờ, tay đỡ chai vang rizling_(1) Kecskemét(2)_ mà tôi đưa cho anh lúc tạm biệt. Anh đã ra đi, và chúng tôi nói về anh trên đường từ nhà ga trở về, về số phận giờ đây đang đưa anh tới một không gian xa xôi và thời gian xa lạ, chúng tôi nói về số sách và những di sản anh để lại, tế nhị như thường nói về việc của người đã khuất. Nhưng những chuyện này anh không nghe được nữa, anh đang đi xa dần.

Chỉ những kỷ niệm của anh còn lại trong thành phố, những kỷ niệm hỗn độn, và hình ảnh anh buồn bã, thơ ngây. Lúc này chúng tôi thấy thương anh, người ra đi. Chúng tôi cảm thấy ít nhiều có lỗi với anh, vì thế mà chúng tôi nói về anh, như những người đàn ông. Anh am hiểu văn học và có phong cách, - chúng tôi nói. Anh không gặp may mắn với phụ nữ. Anh hoàn toàn không may mắn trong đời. Giờ đây anh sống ở Paris, lầm lì và bất hạnh, anh hôn những người đàn bà da đen dưới chân cầu, và tranh cãi về văn học Hungary với những kẻ lưu vong người Latvia. Anh sẽ cô đơn như một vì sao, và bất hạnh như Belzebub(1)_, anh lấy trăng làm gối, lấy ghế đá của morgue_(2) làm giường... Thế mà vì sao tôi vẫn ghen tị với anh?

Mưa

Mưa ấm: những giọt mưa ấm như nước mắt các nàng. Không vị, không mùi, chỉ ấm. Đến tối thì ta cũng sẽ quên.

Tôi nếm mưa, và chợt nghĩ mình còn nhớ đến cả những cơn bão khác. Tôi đã nếm những giọt nước mắt khác, cảm thấy lăn dài trên mặt những giọt nước mắt định mệnh kiểu khác.

Lúc nào tôi cũng nhớ, tất cả đều làm tôi nhớ.

Tang

Tang không phải là lễ, với những tấm thảm treo màu đen pha bạc khoa trương, với nhạc tang và hương trầm, và những lời phân ưu đúng quy cách lạnh lùng. Tang là một vụ nổ: vụ nổ lớn nhất trong đời người. Mỗi người mang tang đều hơi giống Job(3)_, trên đống rác, không tài sản và con cái, giữa những mảnh vụn vỡ của cuộc đời, ghẻ lở, ngước mặt lên bầu trời đầy mây đen rách nát. Người sống lặng sâu trong tang tóc, không tắm gội, hôi hám, trong một nỗi cô đơn ôi thiu và gớm ghiếc nào đó. Tang là như thế. Tất cả những thứ khác chỉ là thủ tục.

Kiệt tác

Lúc tảng sáng, ngồi trong căn phòng tối, vào ngày giỗ cha, tôi thắp một ngọn nến dưới bức hình ông. Tôi ngồi trong căn phòng tối, cảm thấy lạnh và nhìn ngọn lửa nến leo lét.

Tất cả hoàn toàn không thể hiểu nổi: bức ảnh, ngọn nến, căn phòng tối, cả việc cha tôi đã chết và tôi đang sống. Không thể hiểu nổi, nhưng mọi sự vẫn được sắp xếp một c ch tài tình, như một kiệt tác.

Mùa hè của những bà già_(1)

Khoảng giữa tháng Mười, và trời bỗng như mùa hè. Mùa hè vàng mật, thơm mùi nước nho, có tiếng ong vo ve ru ngủ, mùa hè của những bà già. Hè, rừng lốm đốm đỏ như màu máu. Hè, cứ như Pan_(2) vừa trở về từ xứ lưu đày, và giờ đây đang thổi khèn trên phố Mikó, dưới cửa sổ nhà tôi. Tôi thấy cảnh binh đã lôi người đi như lôi một gã lang thang, vì người cài những chùm lá vàng lên mái tóc, và biên phạt vì người vì đã làm huyên náo phố phường.

Trong ánh nắng thu, tim ta đập gấp gáp hơn. Ta hít hà như muốn tìm một mùi hương nào đó, ta đi dưới nắng vội vã và chếnh choáng, trong mùi hương thơm, trong mùi ngai ngái của lá héo. Cứ như người hấp hối bỗng cảm thấy dễ chịu, bỗng ngồi dậy uống một ly vang Tokaj(1)_, trong một khắc say sưa bởi sự ngọt ngào vô nghĩa của cuộc sống, mắt vằn đỏ, và kêu lên với gương mặt như đang lên cơn sốt. Rồi ngả đầu lên gối. Chúng ta sống như thế, vào giữa tháng Mười.

Ngày mai phải sưởi. Rồi sau đó phải chết. Ra đây em, ra ngoài này ngồi dưới nắng - em có nghe thấy tiếng ong? - hãy lắng nghe, rồi uống nước nho, hãy mỉm cười, gấp lên em, và sống.

Thiếu nữ

Thỉnh thoảng ông thẩm phán đến và giảng giải về hậu quả của chiến tranh, về thực chất hậu quả ấy sẽ như thế nào. Ông đã ngoài sáu mươi, bận lễ phục, đầu hói, bộ ria kiểu Anh đã chớm bạc, cố đi nhón trên đầu ngón chân, vừa nói vừa điệu bộ giơ ngón út và ngón trỏ lên trước mặt, nói bằng giọng mỏng êm dịu, như mới vỡ giọng, liên tục nhấp nhổm, hôn tay phụ nữ và làm động tác như rập cựa giày, và nói tóm lại là ông rất muốn trở thành tướng quân của nước Anh hay nước Pháp, đồng thời là viện sĩ Hàn lâm, dùng trà với Quốc vương, đàm luận chính trị trong Quý tộc viện nhiều hơn ra lệnh trong trại lính, nếu có thể thì không bao giờ phải đi trận mạc, và ông tròn môi nói đại loại: “Thưa các quý ông, tôi thuộc về các ngài.” Trong khi đó, tôi đợi ông co một chân lên và làm động tác cúi chào cung kính, thậm chí nếu từ trên cái đầu hói của ông thõng xuống hai lọn tóc, với những dây chun buộc tóc màu xanh nhạt, tôi cũng sẽ không ngạc nhiên. Vì ông giống như một thiếu nữ ở tuổi dậy thì; nhưng ông không biết điều đó.

Thánh lễ lúc nửa đêm

Thánh lễ lúc nửa đêm Giáng Sinh trong Giáo đường Kassa; sau hai mươi năm, lần đầu tôi trở lại tham dự. Sự bàng hoàng của tôi mang vẻ lạnh lùng, không xúc cảm. Có điều gì đó sang trọng và vĩnh hằng trong Giáo đường, trên gương mặt mọi người, trong những bóng người mặc đồ màu xám - vàng đi đi lại lại, trong sự tĩnh lặng buốt giá; và sau tất cả những điều đó là tuổi thơ.

Đúng, Thành phố và Giáo đường còn đó - phải tách chúng ra khỏi tuổi thơ, khỏi mọi người, khỏi cái thời sự, cái thay đổi và cái tàn lụi - những thứ xa lạ đến khủng khiếp - ngay trong thành phố này, lúc này, vì từ trong máu thịt và trong ký ức, chúng mãi mãi thân thuộc: đối với chúng ta, chỉ những gì gắn bó mật thiết nhất mới có thể mất đi vĩnh viễn. Kỷ niệm đã chết và đã nguội lạnh. Nhưng Thành phố và Giáo đường còn kiêu hãnh, lạnh lùng đứng đó trên mọi kỷ niệm và đổi thay, với sự lãnh đạm đã nằm ngoài con người, với cách thức mà chỉ những kiệt tác mới biết nhìn xuống kẻ đã sáng tạo ra nó, và kẻ mà nó đã sáng tạo ra.

Bệnh mùa hè

Bệnh mùa hè diễn ra như một vở kịch: với sốt cao, đến gần mê sảng. Cơn sốt quật ngã những người bản chất phô trương, họ sẽ chết. Những người khác trở về từ cuộc phiêu lưu nóng bỏng ấy, nhợt nhạt và hơi loạng choạng vô đích giữa những cảnh sắc của mùa hè bên kia đại dương, họ hít thở hơi ẩm và những mùi vị đời sống với sự hào hứng chua chát của người trở về, họ hồi tưởng và làm quen dần với đời sống cùng lúc là hoa hồng và bệnh kiết lị, tình yêu và bệnh cúm, dưa hấu và thuốc Calmopyrin. Cuộc sống gồm những chi tiết như thế, đó là hiện tượng có tính định mệnh. Vào mùa hè chúng ta hiểu ra điều đó nhanh hơn.

Bệnh tật

Bệnh tật - một cái cũi tinh vi. Nó đã hơi là thiên đường, và hơi giống như căn hầm - nơi những gã đao phủ Trung Hoa ẩn nấp, hơi giống nhạc thính phòng, với nhiều kỷ niệm về Mozart, và hơi giống cái chợ súc vật gần Székesfehérvár(1)_, với ruồi trâu và phân súc vật, hơi giống như một trong những “thứ cuối cùng”, và đúng là có một chút gì đó cuối cùng. Trong nó có khay đựng thức ăn trên giường và nhịp điệu những bài thơ của Rilke, thứ âm nhạc vừa là của sự buồn nôn vừa là âm nhạc bí ẩn tuyệt vời của trời đất. Và trên tất cả nó là một chance(2), mà định mệnh trao lại, một cơ hội: sống hay chết. Hãy lựa chọn.

Bác sĩ

Trong cuộc đời những người đã trưởng thành, dần dà bác sĩ sẽ làm thay vai trò của người thầy, của các bậc phụ huynh nghiêm khắc, nhưng hay rầy la một cách âu yếm, vai trò của Uy Tín. Không có cảm giác nào đáng ngại hơn là chạm trán với bác sĩ gia đình trong tiệm ăn, ở tuổi ngoài bốn mươi, và nhìn nhân vật tuyệt hảo ấy vừa xài món thăn lợn, vừa trò chuyện với vợ con ông.

Freud

Ông mất trong một ngôi nhà trên đồi Primose ở London, vào tuổi tám mươi. Và cái bầy đàn mà học thuyết của ông đã đâm trúng tim và làm tổn thương rên rỉ, giờ đây bỗng lăn xả vào những ký ức về ông để ngấu nghiến cắn xé và phủ nhận những học thuyết ấy.

Freud là người nổi loạn và một nhà văn lớn, và cũng như mọi kẻ nổi loạn đích thực và nhà văn lớn chân chính, ông là người có phương pháp, lạnh lùng, điềm tĩnh và có mục đích. Tìm ra chân lý chưa đủ, còn phải nói ra chân lý. Nói ra chân lý chưa đủ, còn phải viết thành lời văn, chắc chắn không thể thay đổi, như người ta khắc lên đá cẩm thạch. Viết hay và thông minh chưa đủ. Nhà văn lớn không phải là người sáng tạo cái đẹp, không chỉ là người hoàn thiện văn bản. Nhà văn lớn trước hết là người sáng tạo ra khái niệm.

Freud là một nhà văn lớn, một người sáng tạo khái niệm. Ý nghĩa về mặt y học, về mặt điều trị bệnh của những học thuyết và thí nghiệm của ông trở nên nhỏ bé bên cạnh ý nghĩa về mặt văn chương. Những khái niệm mà ông đã sáng tạo ra còn tồn tại, là nội dung hữu cơ của vòng tuần hoàn tinh thần của nhân loại: “sự mặc cảm”, “cảm thức thiểu năng, “sự kìm nén” và tất cả những gì trong một thời gian dài người ta chỉ chơi trong salon, và những gì ngày nay là thực tế như đúngkhông. Đó là sự trả thù của Freud.

Chắc hẳn là ông đúng. Ông là một sức mạnh đơn độc, một tâm hồn thuộc về Kinh Thánh, không thể an ủi nổi. Ông đã hiểu tất cả, và như một người chính trực, ông không thể tha thứ nổi.

Đồng hồ

Tôi nói chuyện điện thoại với một người ở Paris, giữa những lời nói vội vã và nhiệt thành, tôi bỗng nghe thấy, từ khoảng cách xa xôi cả ngàn cây số, trong một căn phòng ở Paris, chiếc đồng hồ quả lắc điểm 11 tiếng trầm trầm. Âm thanh kia thật diệu kỳ và đáng sợ, làm ta hồi hộp, và như phi thời gian. Tiếng kêu của chiếc đồng hồ lan tỏa trong vũ trụ, khơi gợi không khí trong một căn phòng, nó đưa ta đến không gian của một căn hộ. Trong một khoảnh khắc tôi vừa ở Buda, vừa ở Paris... Không còn điều gì bí ẩn trên thế giới, tôi nghĩ. Tôi mừng vì điều đó. Và cũng tiếc cho điều đó.

Renoir_(*)

“Renoir không muốn vẽ giỏi hơn Chúa” - một nhà phê bình viết về ông như thế.

Một lời nhận xét đáng sợ và tàn nhẫn. Đúng một cách đáng sợ và vô vọng một cách tàn nhẫn. Chắc hẳn, một nghệ sĩ lớn luôn muốn tái sinh, muốn tái sáng tạo, muốn lập lại trật tự thế giới - với ý muốn điên rồ khác hẳn Chúa. Chính vì thế anh ta là nghệ sĩ. Nhưng cũng chắc chắn rằng, ý muốn của anh ta rồ dại và vô vọng. Và chắc chắn rằng Chúa chỉ rộng lượng với kẻ nào muốn làm khác cách làm của Người. Vì Chúa đo lường những gì thuộc về con người theo cách khác, và Người quan sát cuộc đua tuyệt ấy vọng một cách chăm chú và kiên nhẫn.

Những giá trị

Người quý phái thực sự biết giá trị của những con số - vì chỉ những kẻ nhỏ nhen mới vung vãi những con số - nhưng họ không biết giá trị của đồng tiền. Mỗi một con số không chỉ có nghĩa là một hay mười; theo Spengler(*) thì chữ số còn có ý nghĩa sâu sắc, bí ẩn hơn, đôi khi còn thiêng liêng nữa, và sự gần gũi của các nền văn hóa có thể đo bằng chính ý nghĩa và tầm quan trọng của các con số. Có những con số “linh thiêng” và những con số “định mệnh”, có những con số mang tính chất tín ngưỡng, và không chỉ đối với người mê tín hay các thầy mo... Dần dà con người mới hiểu nổi ý nghĩa cổ xưa của các con số trong một nền văn minh thương mại. Nhưng là hiểu từ từ. Chỉ có một: cái chết. Một: cuộc đời. Một: tính cách. Hai: tình yêu. Ba: gia đình. Nhưng cũng có vô cùng, mà dấu ấn của nó được che đậy và bao trùm bởi các con số. Tôi đếm như thế, chậm chạp và lắp bắp; tôi đếm, vì tôi sống.

Tổ quốc

Trong Tổ quốc chính thức, Tổ quốc lịch sử, Tổ quốc có quốc huy và luật pháp, quân đội và cảnh sát, cờ và khẩu hiệu, lúc nào cũng phải tìm lại - với sự chú ý, bền bỉ, dịu dàng và cảm thông ngày càng nhẫn nại hơn, đau đớn hơn - Tổ quốc thực sự của mình, Tổ quốc đó có thể là ngôn ngữ, có thể là tuổi thơ, một con phố nhỏ hai bên viền bởi dãy cây tiêu huyền, cổng một ngôi nhà, nơi vào buổi nào đó ta đã đứng nghe một giai điệu lan tỏa trong không gian qua cửa sổ để ngỏ của một căn hộ trên gác, có thể là từ này: “hoàng hôn...” Tôi mãi đi tìm Tổ quốc ấy, với tình yêu và sự chú ý bền gan hơn cách thức mà Tổ quốc kia - Tổ quốc chính thức, lịch sử, có quốc huy và quốc kỳ, che giấu.

Ở Trung Quốc

Tôi đọc cuốn sách thông thái của Lâm Ngữ Đường(*)_, về dân tộc Trung Hoa, về đất nước Trung Quốc. Cuốn sách làm ta thấy thanh thản và nâng ta lên. Tôi tìm thấy trong đó cách nhìn cuộc sống mà tôi vẫn tin vào sức mạnh của nó: đó là cách nhìn của trí tuệ thận trọng và bền bỉ, mẫn cảm mà mực thước, gần gũi nhưng vẫn phổ quát, lắt léo và khôn ngoan, lãnh đạm và kiên nhẫn. Đó là cách nhìn duy nhất xứng đáng với con người.

Tất cả người Trung Quốc đều là các nhà thơ. Họ yêu cuộc sống, nhưng hơn cả cuộc sống, họ còn tôn trọng ý thức đang nảy sinh, nó chế ngự con người giữa cái sống và cái chết, nó dạy con người sự khiêm nhường và cao thượng trong cuộc phiêu lưu của cuộc đời. Mỗi người Trung Quốc đều là “một con chó già ranh mãnh” và đồng thời là một nhà thơ trữ tình. Họ thông thái vì biết rằng không cần trở nên quá thông thái: cuối cùng cuộc đời sẽ dàn xếp tất cả. Là nhà thơ vì họ biết rằng ý nghĩa của cuộc đời là cảm xúc và ý tưởng được diễn đạt hoàn hảo. Hãy lên đường và sống ở Trung Quốc một chút.

Làm chủ

Con người ấy hoàn toàn làm chủ sự bất hạnh: anh ta đối với nó thận trọng như với một thứ hóa chất nguy hiểm; anh dùng găng tay cao su, đeo mặt nạ xem xét nó, với sự nghi ngại và hiếu kỳ chuyên nghiệp. Anh biết số phận hẩm hiu không là gì khác hơn tiếng sét giáng xuống từ cuộc gặp gỡ tinh quái của bầu không khí tâm linh thường trực và những điều rủi ro ngẫu nhiên của thế giới. Vì vậy mà anh xa lánh tất thảy, cả trong đời tư và trong cuộc sống xã hội. Có thể sống hoàn toàn thoải mái như vậy, giữa những hiểm họa đã giảm thiểu. Chỉ có điều, ở trước cái chết mà anh đã thấy từ trước, như sự nhắc nhở của một chiếc đồng hồ báo thức, anh sẽ nhận ra: không đáng sống như thế.

Cúc đại đóa

Chỉ vài ngày nữa là có thứ hoa chính thức và trang trọng của mùa đông, hoa cúc đại đóa. Nó sẽ có mặt trong những quầy bán hoa, trong các phòng khách và ngoài nghĩa địa.

Một loài hoa bông lớn và trang trọng, lạnh và lộng lẫy. Nó giống như gương mặt một con thú đẹp - con chow-chow(1)_ hay một ch ú sư tử nhỏ - hay như mái tóc xù màu vàng nhạt của một nữ diễn viên điện ảnh, như mái đầu bé nhỏ tóc rối của một đứa trẻ người Anh con nhà giàu sang. Thứ hoa thật trang nghiêm bên linh cữu, hay trên bàn các salon. Nó không có mùi thơm. Một vẻ đẹp lạnh lùng, giống như người đàn bà độ tuổi ba mươi, xinh đẹp, sang trọng, sạch sẽ và chải chuốt, được cuộc đời ban cho tất cả trừ hạnh phúc. Cúc đại đóa là loài hoa lãnh cảm.

Hoa hồng, hoa cẩm chướng, hoa quế quê mùa đều khiêm nhường núp dưới bóng cúc đại đóa. Tôi kính nể nhìn những bông cúc đại đóa. Rồi tôi cúi xuống, ngắt vội một nhánh hoa quế cài lên khuy áo.

Bach

Ông có hai chục đứa con, ông là người hát và chơi đàn phong cầm ở Weimar, ở Kôethen và Leipzig, ông rất nghèo, và viết những bài thánh ca, những bản hợp tấu, những tổ khúc như lũ chúng tôi viết một bài báo quèn, tầm phào ngày chủ nhật... Ông viết như cây cối thở, như rừng vừa im lặng vừa cất tiếng, ông viết như Đức Chúa Trời khi chưa có Trời và Đất, chỉ có giai điệu, âm hưởng, chất liệu và điều không thể hiểu. Ông viết giữa hai mươi đứa trẻ, nghèo khổ như một người hành khất, ông hát cho nhà thờ, ông không có một chiếc áo khoác tử tế... Hãy lắng nghe, lắng nghe. Giờ là lúc Bach lên tiếng. Hãy im lặng, lắng nghe.

Bản án

Viết về căn bệnh, đơn giản và khách quan, một căn bệnh đơn giản thường thấy, căn bệnh mà một ngày bất kỳ ai cũng có thể mắc phải: viết như một bản án. Vì nó đúng là một bản án, một trong những bản án thô sơ và bí ẩn của cuộc sống. Xung quanh, gia đình, những cô hộ lý, đúng, cả bác sĩ, đều nói với bệnh nhân bằng vẻ ngờ vực, họ vặn vẹo loanh quanh, rồi trói nghiến anh lại và hành hạ, vì họ không thể moi nổi sự thật ở anh ta bằng cách khác. Xung quanh bệnh nhân, tất cả đều là người kết án. Vì sao mà ốm? - họ hỏi; và họ trả lời: - Vì anh bị lạnh, vì anh không cẩn thận, vì anh đã làm - hay không làm việc này, vì anh bất hạnh thay vì lẽ ra anh nên sung sướng, đúng thế đấy. Họ gật gù và kết tội. Rồi họ nhanh chóng hành động, như một ủy viên công tố, một người thi hành án, một kẻ giúp việc cho đao phủ. Và đúng như thế: ở đáy cùng bệnh tật, bản án ấy vẫn cháy bỏng, người bệnh cũng biết điều đó. Bản án ấy là gì? Có lẽ là vì anh không đủ dũng khí để sống, không đủ can đảm yêu cuộc sống. Đúng, không thể sống thiếu tình yêu. Chính vì thế hãy cho tôi một viên aspirin, và quấn quanh cổ tôi bằng một chiếc khăn ướt.

Thu

Mùa thu là sự thay đổi, và mỗi thay đổi là một cuộc khủng hoảng trong đời con người. Không chỉ có “nỗi buồn mùa thu” như các nhà thơ nghĩ, còn có tháo dạ mùa thu, sự nhạy cảm mùa thu, nỗi sợ chết và tham vọng mùa thu. Vâng, có cả bệnh tật mùa thu, đặc biệt trong những ngày có nước nho mới, và có nỗi hồi hộp mùa thu, chẳng kém gì cơn sốt mùa xuân. Đúng lúc này tôi đau răng, vì đang thu. Nào, hỡi những thi nhân, hãy cất lời ca.

Võng

Ngoại trừ trên những chiến hạm, võng còn thấy ở nơi nào k hác nữa? Ở đây, ở Zugliget, tôi còn nhìn thấy một lần, vào buổi chiều giữa những thân cây trong khu vườn hoang, một chiếc võng, một cô gái nằm võng, duỗi đôi chân trần đi tất lụa mỏng trên chiếc võng mềm đung đưa, cánh tay buông lơi, những ngón tay hờ hững đỡ một cuốn tiểu thuyết bìa đỏ... Nắng xuyên qua những tán lá, chiếu lên người thiếu nữ, lên chiếc võng, lên cuốn tiểu thuyết bìa đỏ, và tất cả hợp lại là thế kỷ 19 đang lơ lửng, có một điều gì đó biếng nhác và vô ý, đã lỗi thời nhưng vẫn mới mẻ, một cái gì đó từ Bà Bovary và từ Pasteur. Vào những chiều mùa hè, họ - Bà Bovary và Pasteur - đã bay như thế, trên võng. Và đôi khi, dù chỉ như thế, họ đã bay rất xa.

Mùa hè yên ả

Có một mùa hè yên ả, với nước phúc bồn tử, với sữa vón cục và nước chanh. Rồi cũng có một mùa hè khác, có hỏa hoạn, có máu, có vụ giết người hiếp dâm. Tôi sống ở đâu đó giữa hai thế giới ấy, tay cầm cốc nước phúc bồn tử, trong khi đợi đám lính cứu hỏa hay chờ các thám tử.

Động chạm

Đừng chỉ nhắc đi nhắc lại, mà cuối cùng hãy tin rằng, tất cả, tất cả sẽ thay đổi. Đến một ngày cuộc đời sẽ chạm vào bạn, theo một cách khác, vào lúc khác, với một ý định khác so với những gì bạn đã từng mường tượng. Sau sự động chạm đó, ngày bình thường của bạn sẽ đầy những điều kỳ diệu. Những giếng phun sẽ mọc lên trên mặt đường nhựa, một con người sẽ cởi mở tấm lòng, sư tử sẽ ăn trên lòng bàn tay. Sự động chạm có ý thức và có sức mạnh. Chúa không khi nào thất thường.

Sự rùng mình

Sự rùng mình trong thinh không, cứ như thiên nhiên bị cảm hàn, cây cối bị lạnh, cánh đồng ban đêm mù sương như một buồng xông hơi, những bông cúc đại đóa hắt hơi như lũ trẻ nhạy cảm, và có mùi hương trà ướp hoa bồ đề lan tỏa trong không gian. Thế giới như lên cơn sốt nhẹ và run rẩy. Hãy cho nó - tôi vui vẻ nghĩ - một gam aspirin vào buổi sáng và buổi tối.

Trả lời

Đôi khi - trong những khoảnh khắc không thể lường trước và mang tính định mệnh không thể trì hoãn của cuộc đời - ta phải trả lời tất cả. Ta là ai? Ta muốn gì? Ta sống để chống lại ai, vì lợi ích của ai? Vì sao? Với những khả năng, phương tiện, sự chuẩn bị như thế nào? Điều cốt yếu hơn cả: với ý đồ như thế nào? Và cũng phải trả lời cho tất cả: ta đã làm tới đâu? Ta có còn quỹ dự trữ về đức hy sinh, về sự vô tư, hay ta chỉ còn muốn cứu vãn phần dự trữ còn sót lại? Đó là giây phút cần phải trả lời trong đời. Người ta chờ lời giải đáp, trong im lặng đầy kịch tính. Nhưng đó là lúc anh biết và nhận ra rằng, chỉ có thể trả lời những câu hỏi đó bằng cuộc đời, chứ không phải bằng lời.

Bức tường

Con người này mới thông minh, hấp dẫn, có văn hóa, dễ cảm thông làm sao! Tôi hào hứng trò chuyện với anh ta. Anh trả lời chính xác, cười đúng chỗ, đăm chiêu đúng tình huống. Tôi gắng sức huy động mọi khả năng của mình, tôi đặt mũi tên lên dây cung, chú ý không để phạm sai sót: tim đập gấp trong hy vọng rằng anh là con người ấy, đúng hơn, anh là kiểu người ấy.

Nhưng mười lăm phút sau tôi nhận ra anh không phải là con người ấy. Tại sao thế nhỉ? Tôi không biết. Anh ta vẫn có văn hóa, thông minh, hấp dẫn và dễ cảm thông như mười lăm phút trước đó. Anh vẫn cười và đăm chiêu đúng chỗ, nhưng giữa chừng tôi nhận ra rằng chúng tôi đã tới một giới hạn, ở đó anh không chú ý đến tôi nữa, anh không còn nghe tôi nói gì nữa, đối với tôi anh vừa điếc vừa mù, những lời tôi nói như va phải một bức tường. Vì thế tôi im lặng, chán ngán. Anh cũng im lặng, ngờ vực. Rồi chúng tôi bắt tay nhau, đường ai nấy đi.

Tuyết rơi

Cụm từ “tuyết rơi” đối với tôi là một một trong những cảm thức cơ bản, bí ẩn nhất của cuộc đời. Giống như người ta nói: “Lẽ ra anh có thể hạnh phúc, nhưng anh đã bỏ lỡ.” Hay người ta nói: “Đất nước, đất nước, đất nước.” Hay là: “Anh còn nhớ không?” Không thể trả lời, cũng không thể phân tích cảm giác ấy. Với tôi, tuyết cùng một lúc là ngôi nhà ở Kassa, khi còn có Kassa đích thực và còn có ngôi nhà đích thực - vì những cảm xúc không liên quan gì tới những sự kiện lịch sử và cụ thể -, tuổi thơ, rồi sau đó là tuổi thanh niên, München, những chuyến đi, một khách sạn, những quả chuông ở Salzburg(1)_, nhịp đập rộn của trái tim khi rạng sáng từ cửa sổ toa tàu hạng ba trên thành phố Insbruch(2)_ tôi nhìn lên những đỉnh núi tuyết, một bông tuyết nhỏ đậu trên đầu chiếc mũi hếch ửng đỏ vì lạnh của một thiếu nữ, Tolstoy, một tách trà hoa cúc mẫu thảo trong phòng chơi bài của quán cà phê “Univers”, và còn nhiều thứ nữa mà tôi không thể kể hết, vì chúng nằm gọn trong hai từ này: “Tuyết rơi.”

Hiếu danh

Ngay cả việc lấy ra một que diêm, và đánh lửa, anh ta cũng làm như sáng sáng mình đốt lên ngọn Stromboli(3)_ theo sự ủy thác của Chúa.

Định mệnh

Một thời gian dài chúng ta tin rằng, Định mệnh sẽ đến ầm ĩ như tiếng sấm, với lửa thuốc súng, chớp giật, với tiếng kèn và tiếng oboa. Rồi đến một ngày ta làm quen với nó, và ta biết rằng Định mệnh có phong cách khá hơn thế nhiều. Ung thư phổi, sự nghèo khổ, sự lăng nhục, tình yêu chí tử... thường đến một cách lặng lẽ, cứ như chúng gõ cửa rồi hỏi nhỏ: “Có vào được không?” Rồi chúng mới bước vào.

Tuổi đời

Không có cố gắng nào vô vọng hơn là giải thích cho một dân tộc những khiếm khuyết của dân tộc đó. Thử nghiệm này vô vọng gần như việc giải thích cho một người điều gì làm y đau khổ, điều gì là giả dối và hèn nhát trong cuộc đời y. Các dân tộc chỉ phục hưng nếu tự thân vượt qua những tội lỗi của mình bằng thể xác và tinh thần của chính họ, không cần sự trợ giúp từ bên ngoài, nếu họ biết điều gì đã gây nên khổ nạn cho họ. Không thể giải thích những việc như thế, giải thích cho các quốc gia cũng không kém phần khó khăn hơn cho từng cá nhân.

Một dân tộc trưởng thành chậm hơn một con người. Những người Mỹ đang ở tuổi thiếu niên, người Đức và người Ý ở tuổi dậy thì, người Pháp ở tuổi năm mươi, người Anh đã qua tuổi năm mươi. Người Nga không có tuổi, sau một thời điểm nhất định, ta có đi tìm tuổi của người muzijk(1)_ cũng vô ích, không thể suy diễn ra tuổi tác của họ. Người Nhật cũng còn đang ở tuổi thiếu niên, người Trung Hoa đã lớn, họ im lặng và mỉm cười. Lúc này tôi cảm thấy người Hung đang ở tuổi giữa ba mươi và bốn mươi: anh ta không còn diễu võ giương oai vô cớ, mà bắt đầu nhận ra sức mạnh của mình, bắt đầu tính toán và suy ngẫm.

Mưa

Ở đâu đó trời đang mưa. Phong cảnh mà tôi thấy trong mưa cũng giống như vùng Normandie: một ngôi nhà đơn độc giữa cánh đồng lầy lội, bốc hơi mờ ảo, phía xa là thanh ngang chắn đường sắt, một con đường bê tông trơn loáng, căn nhà che rèm, cửa đóng kín, những viên sỏi lăn đi trong rãnh thoát nước mưa, đèn trong nhà chưa bật sáng, trong phòng ngoài có mùi nấu ăn, các căn phòng mờ tối, những đồ gỗ ẩm ướt, những kỷ niệm rên rỉ như lũ mèo con. Một người mặc áo gi lê sợi dệt ngồi trước bàn, không mảy may suy nghĩ, nghe mưa rơi, ngáp dài; không hề nghĩ mình có thể dùng súng để tự sát.

Lũ cướp

Rừng lúc này như vừa bị cướp bóc, cây cối trơ trụi, mặt đất bị cày xới và lầy lội như ngập ngụa trong máu, từng đàn quạ táo tác trên cảnh tang tóc không thể diễn tả nổi, những đám mây đen phủ trùm lên tội ác, như một cảnh sát trùm áo mưa lên tử thi nạn nhân, ngay sau khi phát hiện ra án mạng, trong khi chờ xe chở xác. Dọc hai bên đường những bụi cây xơ xác giơ những cành gãy nát như cầu cứu, một con ác là mắt như đeo kính kẹp mũi, cúi đầu xuống từ trên cành cao, giận dữ châm biếm hỏi: “Châu Âu sẽ nói gì về chuyện này...?”

Chủ nhật

Một chiều Chủ nhật về Kassa, lần trở lại đầu tiên sau hai mươi lăm năm. Trong không khí đậm đặc một nỗi sầu muộn, hương vị nỗi buồn trĩu nặng của thời thơ ấu. Nỗi buồn bã và thất vọng ấy, sự căng thẳng trẻ thơ vào những ngày Chủ nhật, bóng lờ mờ trong tiệm cà phê, giữa những tấm bưu thiếp, như thuở nào trong phòng trẻ con ngày Chủ nhật, khi người gia sư vừa ra về, và còn lại một mình chúng tôi với chiếc cưa và đống cành cây, những tác phẩm của Verne(*)_ và những viên đá xếp hình... Ở đâu đó vẫn nghe tiếng dương cầm. Trời mưa. Ngoài phố, dưới cửa sổ, đám làm thuê người Tốt_(1) và những chàng lính đang ca hát. Sự thất vọng ấy sâu sắc như thời gian, và không sự kiện bên ngoài nào có thể hóa giải nổi. Chiều Chủ nhật bao giờ tôi cũng muốn vào rạp xiếc. Tất cả nỗi buồn của thời thơ ấu vây hãm và đè nặng lên tôi trong những giờ như thế, con quái vật của sự buồn chán và chờ đợi khủng khiếp ấy đến nay vẫn lẩn quất trong những căn nhà này, sau các cửa sổ, dưới những vòm cổng... Và có lẽ điều đáng buồn nhất là trên thế gian này tôi không còn muốn xem chương trình của một gánh xiếc nào nữa.

Y học

Đã đến lúc những bệnh nhân cũng viết. Tôi nghĩ đến phương pháp chữa bệnh mới do người bệnh viết ra, biên tập, chứng minh. Vì họ - những bệnh nhân - cũng nắm vững về bệnh tật. Họ cũng biết bệnh đau ruột thừa bắt đầu ra sao, bệnh sốt phát ban diễn ra trong những điều kiện như thế nào, bệnh viêm màng não có những đặc điểm gì. Chúng ta cũng đã hiểu được - ít nhất là qua kinh nghiệm trực tiếp - chẳng khác gì một nhà thông thái, và bài giảng của chúng ta cũng đáng tin cậy và chuyên sâu như thế. Đến lúc chúng ta hãy lên tiếng, hãy nói ra. Điều đó rất bổ ích. Cả bệnh tật cũng rút ra từ đó những bài học.

Răng

Ban đêm tôi mơ thấy mình rụng răng; và giấc mơ này - theo mọi cuốn sách thông thái và theo các thầy thuốc lang băm - là báo hiệu của bệnh tật, chết chóc. Đến tối thì tôi thấy lạnh, rồi sốt vật vã. Sự thay đổi không làm tôi bất ngờ: giấc mơ, giống như một ngọn đèn báo hiểm họa đã bật sáng, bằng ánh sáng màu đỏ, vào ban đêm, trong bóng tối của cuộc đời.

Ngọn tháp

Bốn giờ chiều, trong cái nắng nóng bốn mươi độ, ngọn tháp màu vàng nhạt của nhà thờ Mátyás bắt đầu chiếu sáng. Ánh sáng làm nổi bật khu quảng trường và ngọn tháp cổ. Phố xá trên khu thành Vár(1)_ vắng vẻ như thể quân Thổ vừa rút khỏi. Chỉ có một người thợ nhuộm vải đang đi tới và một gã thọt bán đồ trang sức. Sau các bức rèm che cửa sổ đã buông, những phụ nữ da trắng đang mơ về người giải cứu. Trong tất cả, trong không gian, trong ngọn tháp đá nóng bỏng kia có một điều gì đó thâm trầm và độc địa. Đó là khoảnh khắc của định mệnh, của những ngày xưa và của đá cổ. Hãy gắng sống.

Dịu trời

Mấy ngày nhiệt đới: sự tồn tại như thú vật, nhầy nhụa trong ngôi nhà kính ba mươi lăm độ, ẩm ướt, đầy mùi tan vữa, trong buồng tra tấn kiểu Trung Hoa, trong sự vây bủa nóng bức của mùa hè. Báo chí đưa tin sáng ra trời sẽ dịu.

Cái dịu mát đã đến đúng lúc, kéo theo những làn gió mát và những vầng mây xám. Trong giây phút ấy, nghĩa vụ của cuộc sống dịu mát quay trở lại. Không phải là mùa hè thiêu đốt nữa mà là tâm hồn, những tội lỗi, khiếm khuyết của chúng ta. Không phải là Chúa thiêu đốt, mà là công việc, trách nhiệm và sự tuyệt vọng, chán chường. Chúng ta không còn phải đối diện với Mặt Trời nóng bỏng, mà giáp mặt với những kẻ đố kị và với những người thân yêu của chúng ta, trong khi ta đội mũ phớt, ăn vận chỉnh tề. Dịu mát ư, đúng... làm gì có dịu mát? Ngày nay, khí hậu trong con người không biết đến sự dịu mát.

Sirocco_(1)

Trong căn phòng mà cửa sổ và cửa ra vào đều đóng kín, bỗng nhiên gió sirocco bắt đầu gầm rú và thiêu đốt. Hơi thở của gió đầy chết chóc và mang vị ngọt, cháy bỏng và hèn hạ như nụ hôn của một người đàn bà bệnh hoạn. Thế giới không chỉ tồn tại trong các vùng khí hậu, không chỉ diễn ra trong vô cùng. Có những căn phòng có gió sirocco, trong cả những căn nhà cho thuê, trên gác hai. Tôi vừa rời khỏi một căn phòng như thế; hãy đợi một lát, tôi lau mồ hôi trán đã.

Khu vườn

Lúc này khu vườn đang đầy hoa. Đây là thời khắc của mùa hoa, một chương trình lớn, một ngày hội. Mọi thứ và mọi người đều được đặt đúng chỗ. Những cây dương xỉ trang nghiêm và hồi hộp xếp thành hàng danh dự cho hoa hồng đẹp như thiên thần, cho hoa cẩm chướng nồng nàn, cho hoa loa kèn trắng bợt bạt vì xúc động.

Khu vườn tràn ngập một nội dung và ý nghĩa duy nhất, cũng là ý nghĩa rất huyền bí và rất bình thường của sự tồn tại của nó. Khu vườn tràn đầy một điều gì đó mà cả người làm vườn và bọ chét, gió và nắng, Chúa và ong đã vì thế mà làm việc. Một công việc kỳ bí. Họ đã dệt và đan, xây và phá, sơn vẽ và sắp đặt, sáng tạo và thuần dưỡng suốt đêm ngày trong khu vườn, hàng tháng trời. Giờ đây tất cả đã hoàn thành, đầy đủ, và không có mục đích gì. Nó không muốn trở nên hữu ích. Chỉ muốn hiện hữu - như một bài học lớn. Anh có hiểu không?

Péter và Pál_(1)

Trời màu thủy ngân. Đất bốc khói, thở ra thứ hơi ẩm màu chì. Hoa anh túc dại mọc lẫn trong lúa mì, nom như những mụn nổi trên mặt của người mắc bệnh giang mai.

Tháng Bảy

Thành phố rên khe khẽ, như những tù binh Assyria_(2) rên rỉ dưới mỏ đồng, trong cái nóng bốn mươi độ, chân bị xích, trần truồng và vô vọng, họ bị giam cầm trong một định mệnh, lạnh lùng và tàn độc. Có ai nghe thấy những tiếng rên của chúng ta? Hãy rên nhè nhẹ, các bạn; chính ngọ, Pharaoh đang ngủ.

Một ngày ở Kassa

Thế là một hôm tôi vẫn về Kassa, tôi đi tàu nhanh như người ta đi Szeged hay Makó, không có sự hồi hộp hay xúc động khác thường gì hơn: trên đường đi tôi chăm chú đọc “Journal” của Green, và bị thu hút bởi những gì đọc được hơn là bởi chuyến đi. Con tàu dừng lại và tôi xuống Kassa, không hộ chiếu, không thị thực, tôi đi qua một khu vườn nằm giữa nhà ga và thành phố, thuê một phòng trong khách sạn, đi dạo trên phố xá, nhìn ngắm những ngôi nhà cũ và mới, tôi đến dãy nhà cho thuê, nơi chúng tôi đã ở một thời gian, và trên cái hành lang tối chạy từ cổng vào khu sân, những con dơi bay loạn xạ, tôi dừng lại trên gác trước cửa sổ căn hộ, nơi em gái và em trai tôi ra đời, đi xuống chiếc cầu thang mà cha tôi, suốt bốn mươi năm, ngày nào cũng lên xuống với điếu xì gà trong tay, dáng vui vẻ, đẫy đà và trang nghiêm, tôi vào một ngôi nhà khác, trên cổng còn gắn gia huy của chúng tôi, tôi vào một tiệm ăn, nơi không ai nhận ra mình nữa, tôi leo lên ngọn núi gần đó, nơi một lần có con mèo rừng ẩn trong nhà thờ nhỏ vào mùa đông, và chúng tôi đã sống trong căn nhà nghỉ mùa hè xiêu vẹo khi chiến tranh nổ ra. Tối hôm ấy, tôi đã đến phố làng chơi, đi trước những cửa sổ sáng đèn, và nhìn những cô gái buồn chán nằm ngủ sau những quầy kính được chiếu sáng công khai và lãnh đạm như ở Verseille, ở cuối phố tôi đã thấy biển hiệu của bà đỡ có con trai cùng học với tôi ở trường trung học - tên cậu ta là Gurka, - và lúc nửa đêm tôi đứng trước giáo đường thuộc dòng Đa-minh, dưới ánh trăng, trong ánh sáng bạc, trên quảng trường lát đá trắng kiểu Tây Ban Nha, gợi nhớ đến những vụ hành quyết thời Trung đại, và tôi nghĩ: “Tất cả vẫn thế. Rất đẹp, rất hay.”

Có lẽ chỉ Thánh đường vẫn như cũ, với vẻ đẹp uy nghi và xa vời, với những vòng cung, mái vòm, cột đỡ và ngọn tháp vững chãi... Tôi hoàn toàn đơn độc ở Kassa. Tôi vào uống vang trong một hầm rượu, rồi quay về khách sạn, ngáp dài và ngủ. Lúc đó, trong giấc mơ, trong một tích tắc - mắt nhòe lệ - tôi nhìn thấy Kassa, thành phố ngày xưa - nhưng chỉ trong một chớp mắt.

Những di vật

Hãy biết tôn trọng: có thể một lọn tóc mà anh đang vô tình cầm trên những ngón tay, một bàn tay mà anh đang nắm hững hờ, một con dao rọc giấy đang nằm trên bàn làm việc, một đôi dép nằm vạ vật trước trường kỷ, tới một lúc nào đó sẽ trở thành một di vật hoặc báu vật. Saint Genovéra_(*) cũng đã từng dùng lược, Saint Augustinus(*) buổi tối cũng tháo giầy, Saint Franz(*)_ đôi khi cũng hớt tóc, và xung quanh đã không để ý tới họ cùng những đồ vật mà họ đã sử dụng. Quá trình một vật dụng trở thành di vật là sự kiện bí ẩn nhất. Kinh nghiệm cho thấy đa số con người là bình thường không làm ta quên rằng, các bậc thánh khởi đầu đều là những con người. Không thể tin nổi, nhưng đó là sự thật.

Hình ảnh

Trong phòng chờ khám bệnh của bác sĩ có một bức họa quen thuộc, vẽ bằng những gam màu mờ nhạt: một quảng trường thành phố ở Ý, ở giữa là một người hùng, tay trái chống vào sườn, tay phải chỉ lên cao. Đó là một hoạt cảnh lớn, muôn thuở: một nhân vật đứng giữa đám đông kêu gọi sự chứng giám của Thượng Đế rằng anh ta không biển thủ, hay khăng khăng rằng anh ta có ý tốt và đã hành động vì lợi ích của nhân quần. Một cảnh cổ, trong nhạc kịch và trong lịch sử. Bao giờ cũng giống như thế và bao giờ cũng đáng ngờ. Tất cả những người đưa tay chỉ lên trời, trong khi tìm nhân chứng cho một việc nào đó trên mặt đất, đều đáng ngờ.

Chia sẻ

Các loài vật biết đến sự chia sẻ. Một sự chia sẻ sơ đẳng, đơn âm, ngọng nghịu. Con chó của tôi biết chính xác những tổn thương của chủ nó, và nếu tôi bị đòn hay bị công kích, bởi những cuộc quyết đấu trong cuộc sống hay trong văn chương, nó thường lại gần, ghếch đầu lên gối và nhìn tôi rất lâu, vẻ cảm thông như muốn an ủi chủ, khôn ngoan và lặng lẽ. Nó không nói: “Đừng sợ, rồi sẽ tốt cả thôi!” - vì nó biết sẽ không bao giờ tốt hơn. Sự chia sẻ của các loài vật cao thượng và can đảm. Chúng không dỗ dành, mà chỉ khẳng định. Sự vô tư ấy làm ta thấy mát lòng, dễ chịu.

Những bí mật

Hiện tôi đang đọc Brehm_(*) và Proust, xen kẽ nhau. Một chương về những việc xảy ra trong salon của các hoàng tử Guernantes, và ngài Charlus muốn mồi chài người quản gia như thế nào và một chương nói về việc sư tử chỉ ăn thịt người lúc nó rất đói; vài dòng về cảm giác của Albertine khi lần đầu nhận nụ hôn từ Marcel, và vài dòng về việc những con kanguro nhỏ còn sống cuộc sống của thai nhi trong túi mẹ mấy tháng sau khi đã ra đời, chúng bú mẹ, chưa mở mắt và trong mấy tháng ấy chúng không hề ỉa đái vào túi mẹ. Sự thay đổi như vậy làm tôi sảng khoái và buộc tôi suy nghĩ. Sau khi sở hữu những bí mật ấy, tôi không còn muốn phán xét cả con người cũng như các loài thú. Tôi bằng lòng với những gì mình đã hiểu: thế giới nhân sinh và thế giới động vật đều đa dạng và khó hiểu, trong salon của quận chúa Guernantes cũng như trên những cao nguyên của Úc châu. Tôi hiểu ra như thế, và sự nhận thức ấy cũng đủ cho tôi cả một đời.

Bakony_(1)

Một người đàn bà đứng tuổi, điên khùng và quả quyết, đi ngựa trong đêm và đeo một chiếc rìu nhỏ cán dài, nàng bắt đầu một ngày bằng papramorgó_(2), những móng tay vấy máu đưa tẩu thuốc lên miệng, nàng lang thang trong men say giữa những câu lạc bộ bridge và các tiệm cà phê, đánh hơi chiến lợi phẩm và tìm kiếm sự phiêu lưu, cỏ vũ mao cắm trên mũ, mặc quần kiểu Hung ống rộng. Đáng sợ và nực cười, cả ngoài pháp luật, đúng là một gã trai nghèo. Pardon(1), một ả nghèo.

Những buổi tối

Giờ đây những buổi tối đã sâu hơn, sâu hơn và mờ ảo hơn. Ý nghĩa của chúng kín đáo và đơn điệu. Người ta bảo thế, cũng như tất cả những ai bước sang tuổi già. “Hãy chú ý đến những cái bóng. Anh sẽ thấy chúng đã to lên thế nào? Vì bóng cũng là thực tại.”

Những buổi tối cũng là thực tại, như cây cỏ, nhà cửa và những khu vườn ẩm ướt mà nó bao phủ bằng những tấm voan lấm láp và tăm tối. Trong bóng tối, cuộc sống của chúng ta vẫn diễn ra, giống như trong không gian. Đột nhiên bóng tối bỗng chảy dài ra như mũi người đã chết. Nó im lặng, nhưng đó là sự im lặng đòi hỏi. Mọi người đều cúi đầu khi bước qua cánh cổng của buổi tối. Những tháp chuông cũng cất lên gióng giả, khẩn thiết và huyên náo. Có thể thấy một điều gì đó sẽ diễn ra.

Thủy triều

Nàng vừa định nói một điều gì đó, mắt nàng sáng lên thứ ánh sáng lơ đãng, như một bóng đèn nhỏ mà ta bỏ quên trong túi sáng xuyên qua lần vải mềm. Nàng đưa tay lên thái dương, suýt nữa đã nói ra sự thật. Nhưng đúng lúc đó thủy triều dâng, tràn ngập tất cả, cuốn đi tất cả.

Tôi nghe những lời trào dâng ì oàm đơn điệu, lặp đi lặp lại, cuốn đi những rác rưởi, những xác cá chết, và những cảm xúc đã chết, những đồ hộp rỗng và những lời phàn nàn sáo rỗng, tôi nghe sự tràn ngập đơn điệu và vĩnh hằng phủ lên thực tại. Thủy triều đã đến bằng những lời ngắn gọn, thỉnh thoảng tràn bờ, vượt qua những khuôn khổ của cuộc đời, và đã vỗ tới chân tường. Trong một giây phút tĩnh lặng hơn, tôi giơ tay chỉ lên bầu trời.

- Cái gì thế? - nàng ngờ vực hỏi.

- Mặt Trăng! - tôi đáp. Hãy cẩn thận! Em không thấy sao? Thủy triều đang dâng.

Tầm nhìn

Khách sạn xây trên đỉnh núi, từ ban công phòng mình, tôi nhìn ra xa, rất xa - đất nước tôi: tôi thấy một dòng sông lớn và một thành phố lớn, phía sau dòng sông và thành phố là phong cảnh những cánh rừng và đồng bằng mờ ảo làm nên đất nước. Tôi tì tay lên thành ban công hàng giờ, nhìn phong cảnh đã nhuộm sắc thu, ngút ngát.

Nhìn từ xa, thành phố lạ lẫm và bề thế. Những dãy nhà kề nhau như những hình khối: không thấy ở đâu một ngôi nhà, thay vào đó là những khối nhà và những khu nhà nhấp nhô san sát nhau. Ngày đầu tiên tôi mơ mộng nhìn phong cảnh, nhìn thành phố, nhìn cái cấu trúc tựa như mô hình ấy. Hôm sau tôi buồn chán và ngáp dài nhìn thành phố. Tôi nghĩ nhìn toàn cảnh từ xa chẳng có gì hấp dẫn. Một khu nhà chẳng khi nào hấp dẫn, luôn luôn chỉ một căn hộ, một ô cửa sổ, một căn phòng là đáng chú ý. Tôi đâu quan tâm tới “dân chúng thành phố”: tôi chỉ quan tâm tới văn sĩ như Gizella hay Henrik. Cảnh sắc màu xám của cánh rừng đẹp như tranh xa xa kia không nói lên điều gì, nhưng một cây, một cây duy nhất, lùm cây phủ bóng xuống cửa sổ nhà tôi, trên cành có chim đậu, cuốn hút tôi và làm tôi say mê. Chỉ có chi tiết là hấp dẫn. Hãy đóng cửa sổ lại.

Ngay lập tức

Tôi phải làm gì đây, ngay lúc này? Viết một cuốn tiểu thuyết mà tôi đã chuẩn bị cả hai chục năm nay - và giữa chừng tôi đã viết hai tá sách khác để trì hoãn việc ấy - đi Trung Quốc và Greenland, lập gia đình và có ít nhất ba đứa con, và trong khi đó vẫn phải sống độc lập như Robinson và Casanova, đọc ba bốn nghìn cuốn sách mà nếu không có những kiến thức trong đó tôi không thể biết gì chắc chắn về quá khứ và hiện tại của con người, kiếm tiền để trở nên độc lập, và từ bỏ mọi nhu cầu về vật chất để trở nên độc lập hơn nữa, làm bạn với cái chết và yêu cuộc sống... Đó là tất cả những gì cần thực hiện, không thể trì hoãn hơn nữa, không làm được hay thiếu chúng, sống sẽ là vô nghĩa và thừa thãi, đó là tất cả nghĩa vụ và nhu cầu của tôi, càng thực hiện sớm càng hay. Khi cái chết đến gần, người ta bắt đầu cuống quýt, như một khách lữ hành chỉ năm phút trước giờ lên đường mới nhận ra mình không còn đủ thời gian để gói ghém đồ đạc. Nhanh lên, hãy sắp xếp cuộc đời, càng sớm càng hay.

Tháng Chín

Dần dà, người ta sẽ quen với thế giới này. Vâng, đang là tháng Chín. Tôi nhâm nhi tháng Chín, như một chuyên gia nếm rượu vang và nước nho, chép miệng và nghiêm cẩn. Tôi đã biết phân biệt sức nặng riêng, độ nóng, hương vị của mỗi tháng Chín. Vâng, tháng Chín năm nay chịu được. Có đường, mạng nhện, nắng màu vàng mật, mùi tử khí, cảm thức sống ngất ngây, sự thâm trầm của tuổi tác. Một tháng Chín khá. Tôi dùng phấn đánh dấu, và chờ xem thứ men ngất ngây của nó sẽ cho thành phẩm gì vào mùa xuân?

Endymion(1)_

Đó là một giấc mơ phũ phàng, giấc mơ của con trai thần Zeusz về tuổi trẻ vĩnh hằng và sự bất tử.

Trong giấc mơ, tôi ước điều khác. Tôi xin: “Hỡi các bậc thánh, hãy giúp tôi làm lành với cuộc sống, chấp nhận cái chết, biết giã biệt đàn bà, khoái cảm, danh vọng, thắng cảnh và các vì sao, được già đi theo quy luật của cuộc đời, biết chịu đau đớn xứng đáng với phẩm giá và ý thức của con người! Đó là tất cả những gì tôi ao ước. Xin giã từ tuổi trẻ vì nó đã rời bỏ tôi. Tôi không nhìn lại phía sau một cách bực bõ hay buồn đau; tôi nhìn lại nó ngạc nhiên, với đôi mắt mờ đi vì ký ức và lòng biết ơn. Giờ đây, trong ánh sáng lạnh lùng của tuổi trung niên, tôi còn muốn thấy sự thật, không che đậy, không qua một màn sương và không cảm xúc. Đó là tất cả. Các vị có cho tôi được những điều ấy hay không?...”

Nhưng các bậc thánh vẫn im lặng.

Nhà cho thuê

Tôi đi qua mặt tiền ngôi nhà của gia đình tôi ở Kassa, và trên một cửa sổ tầng trệt, tôi liếc thấy dòng chữ viết tay: “Nhà cho thuê.” Người quản gia dẫn tôi lên gác, lấy chùm chìa khóa. Vâng, nhà trống và cho thuê đấy - bà bảo; rồi bà mở toang cửa phòng ăn.

Khi chúng tôi đi khỏi đây - nơi tôi đã sống thời niên thiếu - căn hộ được đem ra đấu giá, một người thợ nạo ống khói đã chuyển đến ở. Ông thợ nạo ống khói chỉ ở gọn trong mấy phòng trông ra vườn, còn những phòng sang hơn ông muốn cho thuê. Tôi im lặng ngắm căn phòng. Đây từng là phòng ăn, với một phần được tôn cao hơn có cột đỡ, trần hình vòm, từ đây có cầu thang dẫn xuống một phòng lớn có đặt lò sưởi ốp sứ, men màu thiếc. Từ đây mở ra căn phòng tối, phòng ngủ của cha tôi, cái hang bí ẩn như hang của người đứng đầu bộ tộc, với những hình vẽ bò rừng trên tường. Rồi đến căn phòng lớn nằm sát đường phố, mái vòm, nền đẹp, trần trang trí những đường nét quý phái, có những chỗ lõm sâu trong tường để xếp sách như trong một thư viện. Tất cả giờ đây trống rỗng, chờ người thuê. Tôi đứng nhìn quanh, cầm mũ phớt và găng trong tay, hỏi người quản gia vài câu lấy lệ.

Tôi nghĩ: “Liệu mình có muốn sống trong căn nhà này một lần nữa?” Và nghe một lời đáp dõng dạc, âm vang: “Không.” Tôi nghĩ: “Ở đây thật thích, thời niên thiếu và mọi thứ, ta có muốn quay lại nơi đây?” Và giọng nói kia như ra lệnh: “Không.” Vì thế chúng tôi cứ đứng ở giữa phòng, chăm chú nhìn những bức tường trần trụi. Rồi chúng tôi còn xem bếp. Căn bếp rộng trống huếch, tường ốp gạch men, một cảm giác sùng kính dâng lên trong tôi, trên bếp lửa người ta đã nấu đồ ăn cho những người giờ đây đang ở một thế giới khác. Phòng dành cho người làm công cũng rộng rãi, sáng sủa, đàng hoàng. Cuộc sống đã diễn ra trong những bức tường này, được hoàn tất với những nhu cầu của một xã hội công dân kiểu khác và một vẻ thanh bình kiểu khác. Tôi được biết, người nạo ống khói đã chia đôi căn hộ, ông đã cải tạo phòng trẻ con thành nhà bếp.

Tất cả đã thuộc về quá khứ, đã trở nên xa lạ. Và tôi chưa thể rời khỏi ngôi nhà. Tôi đứng trong căn phòng trống, không hề có thứ tình cảm giả tạo nào, với con mắt soi mói, tôi tìm khung cảnh của một thế giới đã mất. Chiếc tủ lớn đứng đây, chỗ này đặt dương cầm, đây là chỗ chiếc đi văng mềm, êm mà khách thường ngồi - theo cách nói vui của người nhà - chẳng khác gì “ngồi trong lòng thái hậu Trung Hoa”. Và kia, trong phòng ngủ của cha, phía trên chiếc bồn rửa nhỏ, trên tường còn dấu vết của chiếc gương mà ông thường đứng trước nó để cạo râu. Dấu vết tấm gương bỗng làm tôi nôn nao, tôi phát hoảng - bỗng nhiên cảm thấy không hiểu gì hết, tôi gần như ghê sợ nhìn những bức tường và những viên đá lát, chúng đã tồn tại sau bao lụi tàn. “Không, tôi không thuê nữa.” - tôi bảo người quản gia. - “Căn nhà hơi tối.” Và tôi vội vã bỏ đi.

Hòa bình

Hãy bắt đầu đi con ạ, đích thân con. Không thể làm theo cách nào khác đâu.

Gói tình

Tôi thận trọng mở gói quà tháng Chín, và thấy trong đó có mạng nhện, có những buổi khởi diễn trong nhà hát, những tin đồn nhảm, có nắng vàng đậm ngọt như vị mật, có hoa thược dược nâu thẫm, đỏ, xanh, vàng rực rỡ như những chiếc tên lửa và chong chóng giấy trong một lễ hội dân gian, có chút thông thái - tất cả đều mang một ý nghĩa nào đó, có sự ngỡ ngàng, vì sao tất cả những thứ đó lại kết thúc như vậy, những chùm nho, lê màu hổ phách, ánh sáng cuối ngày gãy khúc, rừng vàng xuộm và sương mù bao phủ tất cả vào khoảng sáu giờ tối. Tất cả làm tôi choáng ngợp, như một gói tình.

Gương mặt

Tôi thấy gương mặt cha lần cuối cùng trong ngôi nhà thờ nhỏ ở nghĩa địa. Ông mất đã một ngày, đó cũng là một thứ tuổi, như đứa trẻ mới sinh được một ngày; gương mặt cha đã thay đổi, không còn giống hệt những đường nét trên gương mặt quen thuộc. Mũi ông như dài ra. Người trông coi nhà thờ xếp hoa quanh quan tài, ông nói vẻ đơn giản và tin cậy, như thông báo một tin hấp dẫn nào đó: “Da đã vàng!” Đúng thật, đó là sự vàng vọt của cái chết.

Rồi người ta chuyện trò và hát. Lúc ấy, từ bậc cửa, tôi nhìn mặt cha lần cuối cùng. Một gương mặt cương nghị và thấu hiểu tất cả. (Cũng có cả những người chết ngốc nghếch.) Và còn điều này nữa, tôi không thể nào quên: gương mặt ấy không tha thứ cho chúng ta, cho con người, cho thế giới, cho bất kỳ ai.

Quan hệ

Quan hệ với người đã khuất của chúng ta luôn thay đổi, cũng như mọi mối quan hệ con người. Một dạo chúng ta say mê và hâm mộ họ, ta nói về họ như về những sinh linh hoàn hảo. Rồi sau một thời gian, ta bắt đầu chán họ, ngáp dài khi nghĩ về họ, lẩm bẩm và càu nhàu tranh cãi với họ. Lại sau một thời gian nữa, và chúng ta bực bõ mắng nhiếc họ, ta giận dữ đòi hỏi họ điều này điều nọ - cuộc đời hay hạnh phúc của chúng ta. Và mãi sau này, chúng ta sẽ hài lòng và chấp nhận họ, ta sẽ tha thứ cho họ và xin họ tha thứ, ta sẽ âu yếm đáp lại họ. Vì tất cả những gì thuộc về con người đều sống và tồn tại trong số phận con người, cả những người đã khuất.

Báu vật của người nghèo

Người hầu gái sống trong cái ổ mà người trong nhà chỉ cho cô, ngay bên cạnh bếp, đã mấy tuần nay. Cái ổ ấy rộng chừng hai mét vuông, chỉ kê vừa một chiếc giường gấp bằng sắt. Cô treo lên những chiếc đinh đóng trên cánh cửa mấy thứ giẻ rách, những đồ linh tinh.

Nhưng đến giờ, khi cô đã trở thành “người nhà”, cô kín đáo và cẩn trọng trưng ra những báu vật của mình. Cô có con búp bê nhỏ, một phẩm vật bé xíu bằng đá cẩm thạch nhân tạo: tượng một phụ nữ mặc áo hở ngang sườn. Cô kiếm được nó ở đâu vậy? Cô có một chiếc gối nhỏ bằng lụa, đã bạc màu và sờn rách. Tất cả chỉ có thế.

Những đồ vật ấy làm tôi thực sự xúc động, tôi ngắm nhìn chúng, mắt nhòa lệ. Trong thế giới tiểu tư sản mà những đồ vật xoàng xĩnh này là những đồ trang trí, chắc tôi sẽ khinh bỉ quay đi khi nhìn thấy chúng. Nhưng ở đây, trong cái ổ của người hầu gái, chúng tỏa ra sự ái mộ chẳng khác gì những cổ vật trong bảo tàng Louvre. “Cuộc đời cần đến cái đẹp, đến sự sùng mộ nào đó, nghệ thuật cần cho đời sống, cần tin vào một điều gì đó!” - những đồ vật ấy nói. - “Cuộc đời cần đến một báu vật nào đó!” Tôi lúng túng lắng nghe. Đúng, không thể sống thiếu báu vật.

Tuyết

Gió tuyết đã ba hôm. Những chuyến tàu mắc kẹt. Chợ không có thực phẩm. Trên phố xá, giữa những bờ tuyết cao hai mét, những chiếc ô tô chết máy, xe cộ đông cứng nằm im lìm. Phía ngoài rèm cửa là một tấm rèm khác đung đưa - trắng như vừa mang từ tiệm giặt là về.

Trên bức tường hông của ngôi nhà đối diện, tuyết trắng phủ lên những dây nho dại trụi lá đã đông cứng, giống như một ai đó viết lên tường những ký hiệu không thể hiểu nổi. Tôi đánh vần thứ chữ viết ấy. Tuyết, trong nó có một điều gì đó sung mãn. Đúng vậy - ta cảm thấy thế và run rẩy - tuyết ơi, hãy chôn vùi. Những bụi tuyết màu trắng, hãy bao phủ lên sự bẩn thỉu nhơm nhếch này, lên những ngôi nhà và cả hệ thống luật pháp xộc xệch, xiêu vẹo này, những hằn học bẩn thỉu và những chiếc xe mắc kẹt hồng hộc thở kia. Để sự tĩnh lặng, để màu trắng, sự băng giá tinh khiết lên ngôi. Hãy kết thúc một điều gì đó. Đến lúc đằng nào cũng sẽ kết thúc. Hỡi tuyết, hãy cứ rơi! Sự câm lặng bướng bỉnh này mới gần gũi làm sao! Một điều gì đó đã bắt đầu như thế, và có thể sẽ kết thúc như thế. Ta hãy dần quen đi.

Lửa

Lửa cháy trong lò sưởi, bập bùng như muốn nói điều gì. Thế giới không ngừng nói. Hãy chú ý, hãy cố hiểu thứ ngôn ngữ lạ lùng ấy, hãy dịch sang tiếng Hung.

Lửa nói thế này: “Hãy cháy hết mình!” Và nói thêm thế này: “Hãy cháy, hãy thiêu đốt, hãy lụi tàn!” Rồi nó lại bảo: “Hãy cháy lên, cháy lên!”

Hãy hiểu rằng không thể khác.

Andersen

Chiều mùa đông, với những tấm rèm che màu xám như thể tất cả mọi vật và mọi cuộc đời chìm trong một nguyên tố lạ lùng nào đó, thứ nguyên tố nhẹ hơn hơi nước và sương mù, thâm nhập vào mọi nơi, vây bủa mọi thứ: nguyên tố ấy là gì?

Trong truyện kể của Andersen, các đồ vật và nhân vật sống, đi lại và ngạc nhiên với sự huyền bí như thế. Chiều mùa đông, và thế giới bị vây bủa trong một nguyên tố huyền bí như trong truyện cổ. Đúng, đó là bắt đầu của sự việc, đó là “thế giới trong truyện cổ tích” - nhưng đến một ngày truyện cổ tích sẽ hết. Đó là cái kết, hãy chạy mau cùng nó.

Hoa băng

Hãy nhìn kỹ những gì thiên nhiên vẽ! Hãy xem thiên nhiên vẽ kỹ lưỡng thế nào! Với bao nhiêu âu yếm, kỹ đến từng chi tiết, bằng tuyết, bằng băng giá và cái lạnh lẽo, nó tạo nên tác phẩm nhỏ của mình từ thứ chất liệu quý nhất, thuần khiết và tinh xảo, như các nghệ nhân Nhật Bản, những người chỉ muốn nói những điều cốt lõi, muốn thể hiện hình thái kỳ ảo, sự hài hòa và các chi tiết một cách có chủ ý. Hãy nhìn bông hoa băng trên cửa sổ, hãy học ở thiên nhiên sự khiêm nhường và thiên hướng không mệt mỏi, bởi vì anh không thể hoàn thành công việc, nhiệm vụ của mình một cách đủ cẩn trọng và chi li, không thể đào bới đủ sâu trong tâm hồn và trong thế giới, cũng không thể lựa chọn một cách ngần ngại đúng mức giữa những khả năng. Hãy nhìn bông hoa băng, trong nó không có chút gì là “hợp lý” như trong những sáng tạo vật chất của thiên nhiên, tuy nhiên, biết bao nhiêu sức tưởng tượng, sự hài hòa hoàn mỹ của đường nét và cấu trúc đã phả lên cửa sổ nhà anh kiệt tác nhỏ bé ấy. Hãy nhìn kỹ bông hoa băng và xét lại bản thân mình.

Phát sáng

Một ngày mùa đông tuyết phủ trắng, nắng vàng, khi phong cảnh, nhà cửa và mọi vật bắt đầu tự phát sáng, dường như trong chúng có một nguyên tố bí ẩn nào đó - là ý nghĩa và sự diễn tả của tất cả những gì đang tồn tại - bắt đầu lên tiếng.

Mọi vật đều trắng và vàng, như trong một đám tang trẻ nhỏ.

Ở đâu đó có tiếng hát, nghe lạnh và cao vút.

Trái tim một thi sĩ lớn cũng tỏa thứ ánh sáng lạnh lùng, hờ hững giống như thế.

Bể tắm

Một bể tắm cũ kỹ, vào buổi sáng. Đã dăm chục năm nay, đến một chiếc đinh cũng không được đóng lên tường; tất cả vẫn hệt như thời Bajza(*)_ còn ngâm đôi chân mắc bệnh thống phong ở đây vậy. Khách tắm, cứ như mình đang ở một quốc gia xa lạ. Hai bà xơ mắc bệnh khớp. Mấy ông linh mục mặt đỏ gay. Mấy vị đi ghệt, để râu đuôi vịt. Những cô gái trẻ, không nghi ngờ gì nữa, trên mặt vẫn còn dính son phấn ban đêm, sớm mai vừa chạy vội vào đây từ phố Cũ để gột rửa những nhơ nhuốc của cuộc đời. Một ông đại tá đi cùng một thiếu tá. Ngột ngạt mùi bể tắm và mùi hôi chân. Trên hành lang treo chiếc lồng màu trắng, bên trong có một chú chim giẻ cùi. Tĩnh lặng, vô vọng, thời gian - quên đi tác động và biến cải ở nơi đây - như ngưng đọng.

Trên mặt nước, một chiếc mạng nhện dập dờn, mong manh như chiếc bè nhỏ xíu trong những giấc mơ.

Rừng

Thỉnh thoảng nằm nhắm mắt trên đi văng, cuộn tròn trong khói thuốc và hơi cà phê, tôi thấy một cánh rừng. Một hình ảnh tuyệt đẹp. Cây cối đứng lặng trong ánh sáng vàng rực, như những tiên nữ buồn rầu báo tin định mệnh. Mùi hương của nhựa thông, của những thân cây phủ đầy rêu, của ngưu bàng dại và lau sậy ẩm ướt ven suối lan tỏa trong không gian. Các loài nấm, khoe mẽ gợi tình, rình rập dày đặc trên lá mục. Đây đó còn bắt gặp cả cỏ lưu ly và thanh xuân thảo. Trong rừng, thi thể một đứa bé đang tan rữa. Không khí nặng mùi, sáng và đậm đặc như lanolin_(1). Mùa hè đã hết, nhưng thu chưa tới. Đây là khu rừng tuyệt vời nhất trên thế gian này. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy, giữa khói thuốc và cà phê, khi nằm dài trên đi văng; nhưng chỉ còn biếng nhác nhìn theo nó; đến đó thì tôi không muốn nữa.

Xuất hiện

Nàng không biết một thứ gì khác, ngoài xuất hiện. Nàng xuất hiện ở cửa một phòng khách, giữa đám đông, hay bước vào bồn tắm, hoặc bước lên giường - nơi người tình của nàng đang đợi, như một ca sĩ bước ra sân khấu, một Đức Giáo hoàng bước vào phòng phong vương - nơi ngài tiếp kiến phái bộ của những con chiên sùng mộ trên thế giới, như một chủ tướng đi vào thành phố vừa bị chinh phục - nơi các vị mũ cao áo dài sắp dâng chùm chìa khóa đặt trên chiếc gối bọc lụa cho ngài. Nàng bước vào như thế. Nàng xuất hiện trên bục cửa hay đặt mình lên giường, và một cảm giác chờ đợi trang nghiêm xâm chiếm người dõi theo nàng. Nhưng rồi, sau sự choáng ngợp ban đầu, là im lặng. Bằng sự xuất hiện, nàng đã nói và làm tất cả những gì nàng có thể nói và làm trong đời. Sau đó nàng chỉ ngồi, hay nằm im, hay trò chuyện. Thế giới bỗng che khuất nàng. Nàng đã làm xong việc, không còn sứ mạng nào khác nữa, nàng có thể chết, vì đã xuất hiện.

Tên gọi

Thỉnh thoảng tôi kinh ngạc vì tên nàng, cái tên cùng lúc là tên một loài cây sống trên tuyết, là tên một loại máy chữ, một loại bột nở và xà phòng trẻ em. Những khả năng của các biến thể ấy làm tôi ngỡ ngàng. Cái tên mà trong thời gian qua tôi buộc phải bỏ nhiều thời gian quan tâm đến, đối với thế giới còn có nghĩa là máy chữ, bột nở, loài cây sống trên tuyết và xà phòng trẻ em. Nhưng với tôi cái tên ấy là nàng, chỉ một mình nàng. Tất cả tương đối như thế. Có thể đến một ngày nào đó sự mê hoặc riêng tư của cái tên này sẽ hết, và tôi vào một hiệu tạp hóa, lạnh lùng kêu một bánh xà phòng, mà tên của nó, có lúc đối với tôi, có ý nghĩa như một định mệnh. Có thể.

Mùa xuân

Sự lên men, trong dòng sông, trong những con suối và ao hồ, trong lòng người, trong thần kinh các loài dã thú, trong lớp vỏ của cây cối và - chắc hẳn - có cả trong những nấm mồ, nơi người ta đang sống những cơ hội cuối cùng của kiếp người. Với những người đã chết, tháng Ba cũng là mùa xuân. Họ nằm yên, mũi đã rụng, nhưng vẫn cảm nhận thấy. Mùa xuân trọn vẹn và thông thường.

Tôi đăm chiêu, gần như u buồn ngắm nhìn những hình ảnh của mùa xuân, vì sáng tạo cũng là định mệnh, chứ không chỉ là sự tàn lụi.

Chúa nhật Lễ Lá

Đã có thể thấy trước chút ít từ quầy hàng rực rỡ của thiên nhiên - một bó nho nhỏ hoa tuyết, hoa lan tử la, hoa anh thảo - giống như trong những cửa hiệu trang nhã trên phố Fifth Avenue hay Bond Street, sau kính chỉ bày một đôi găng hay một viên kim cương để thông báo cho khách hàng biết sự phong phú của hàng hóa và khả năng lựa chọn thoải mái ở phía trong. “Hàng cực phong phú” - hoa lan tử la thông báo như thế sau cửa kính của Chúa nhật Lễ Lá. - “Xin mời vào! Hàng để cả trong kho, không nhất thiết phải mua, đủ mọi hương thơm, màu sắc và những điều kỳ diệu, cả thế giới hoa! Và tất cả đều có giá định sẵn.” Giá đó không thể hạ, là cuộc sống.

Quả địa cầu

Trên góc bàn làm việc là một quả địa cầu, giới thiệu hình ảnh địa lý của thế giới; sự tù hãm bức bối và cái mênh mông vô cùng làm nên thế giới.

Gần đây tôi ít ngó đến quả địa cầu, không mấy khi xoay xoay, không lấy ngón tay sờ lên châu Phi và Nam Mỹ, thế giới không còn gào thét, mời gọi và làm tôi đau đớn như ngày trước. Thỉnh thoảng, tôi lơ đãng nhìn lên quả địa cầu. Dần dà ta biết rằng Trái Đất thuộc về ta, của ta cũng như của mọi người, và chỉ ta quyết định sẽ giành lấy bao nhiêu và như thế nào từ cái tài sản chung ấy. Tôi không có quyền lên án bất kỳ ai, vì Trái Đất cũng là của tôi. Tôi đã làm gì với nó? Quá ít. Vì thế, tốt hơn cả là tôi không chơi với quả địa cầu một cách ngớ ngẩn như những kẻ chinh phục và tham lam, mà nhìn quanh căn phòng một chiều năm mét, một chiều sáu mét của mình, nó cũng đúng là thế giới như châu Phi, cũng nguy hiểm, bao la và mạo hiểm như thế.

Những phiền toái trong ăn mặc

Đến một ngày, dẫu sao cũng phải trút bỏ áo quần, hoặc phải ăn mặc đầy đủ và đúng cách, theo đúng ý thích, tính cách và thiên hướng của chúng ta. Việc chúng ta thường làm, trong sự lõa thể hay trong y phục, không diễn đạt một điều gì. Quần áo mà chúng ta mặc thời nay cũng ít có tính cách, chẳng khác gì sự lõa thể. Cả hai đều không còn là trạng thái đích thực. Như đã nói, tôi luôn gặp phiền toái trong ăn mặc.

Gió

Sáng sớm thức dậy, tôi đã thấy gió Tây ào ạt thổi. Gió rung cửa sổ, vật vã những cành cây tháng Ba cao vút trơ trụi trước cửa sổ. Những lúc thế này, như loài thú dữ, như cây cỏ, tôi thấy bồn chồn, tôi ngồi trên giường, lắng tai nghe và đánh hơi. Trong tiếng gió gào, tôi nghĩ:

- Gió, gió khan, mi đem gì đến cho ta, mi gieo rắc sự bất an nào khắp thế gian? Mi mang đến mùi hương của biển, hơi thở khô khan của sa mạc, khí lạnh giá buốt của những đỉnh núi tuyết, mùi xạ hương từ những cánh đồng Normandie, mùi ngọt ngào đậm đà của hoa trinh nữ từ xứ Provence và biển phía Nam, tất cả, những gì xa xôi, hấp dẫn, đáng sợ như định mệnh và vô biên, mi mang đến bên cửa sổ nhà ta, và ném vào căn phòng sớm mai bừa bộn của ta bằng hai vốc tay. Cám ơn gió đã tỉnh thức và nhắc ta nhớ về thế giới, cám ơn mi đã động chạm đến và làm trái tim ta bất an, cám ơn tình họ hàng của gió, và biết đâu mi chẳng cuốn ta tới Provence và tới cái chết. Hãy gào lên hỡi gió, như đã gào lên với Lear(1), hãy rên rỉ và vuốt ve, như bà mẹ vuốt ve đứa con đau ốm của mình, hãy đưa tin về thế giới, về người mẹ vĩ đại, cuối cùng thế nào cũng đến lúc bà sẽ vĩnh viễn ôm ta vào lòng.

Sức mạnh

Băng trên sông bắt đầu dịch chuyển, những khối băng xô đổ hàng lan can sắt ven bờ, bẻ gãy đôi những trụ sắt cỡ thân người mà người ta vẫn quấn dây vào để giữ tàu thuyền trên cảng, làm vỡ tan những cột điện chẳng khác gì ta bẻ gãy que diêm. Đó là những gì dòng sông đầy và những tảng băng trôi giận dữ đã làm mấy hôm trước.

Giờ đây tôi đi dạo trên bờ sông, trong nắng, và tôi nhìn những trụ sắt bị bẻ gãy, những cột đèn, những hàng rào lưới vỡ vụn ngổn ngang. Phong cảnh yên tĩnh, nắng chói chang và có hương thơm. Có tiếng chuông ngân, đâu đó nghe thấy tiếng nhạc. Ngày Chủ nhật và sự sùng mộ trong ngày lễ. Nhưng những đống sắt vụn và đổ vỡ kia cảnh tỉnh: đằng sau sự êm đềm là sức mạnh khủng khiếp đang vận hành, những sức mạnh có thể phá tan sự yên tĩnh này bất cứ lúc nào, những sức mạnh cùng một lúc đem đến sự sống và sự hủy diệt. Tôi sống giữa những sức mạnh. Tôi để đầu trần đứng trong tĩnh lặng và trong ánh sáng, nghe thấy tiếng gầm và nhìn thấy thác lũ của số phận mình.

Không gian

Một sớm mùa xuân trên sân bay, những con cánh cam màu bạc bay nháo nhăng trong không gian, hốt hoảng và không có chủ đích, chúng rú rít ầm vang bầu trời xanh thẫm trên thảm cỏ rạp mình trong gió tháng Tư, bay hân hoan và vô thức giữa Mặt Trời, Trái Đất và các vì sao. Một sự giải thoát nguy hiểm và bất lực, vì bay cũng là số phận, nó không chỉ là tự do, còn là sự ràng buộc, là sự hủy diệt và cái chết, cũng là định mệnh cay nghiệt và câm lặng. Không gian cay nồng như hơi mù tạt, và chiếc máy bay đang bay lượn vô tư trên đầu tôi cũng trong giây phút này đang giội bom xuống Oslo và Paris. Hãy biết sợ hãi, hỡi con người, vì mi đã chiến thắng: mi đã chinh phục không gian, một hiểm họa.

Một gã phiêu lưu

Gã dừng ở góc phố Rákóczi, ngửa mặt lên trời, và làm như đang tìm một thứ gì đó trên cõi cao xanh.

Gã không còn trẻ, trong túi gã có ba chục pengő_ và hai viên aspirin. Gã nheo đôi mắt hơi kèm nhèm nhìn những đám mây. Gã vừa từ trong tiệm cà phê và từ cõi văn chương - cả hai đều xa xưa như cả chặng thế kỷ - bước ra đường. Gã mặc một bộ nâu, thắt cravat đỏ. Răng lợi gã chẳng ra sao. Gã nhìn những đám mây và hồi tưởng. Gã đã muốn một điều gì đó, vào buổi sáng, ngày hôm qua hay một trăm năm trước. Gã muốn gì? Một chuyến phiêu lưu? Nhưng phiêu lưu gì?... Có ý nghĩa gì? Gã đã đi tìm cái gì nhỉ? Gã cúi xuống nhìn mũi giày, rồi lơ đãng nhún vai. Rồi gã đi về phía phố Dohány và về phía cõi văn chương vĩnh hằng. Gã không hiểu.

Viên

Viên đã chết. Chỉ còn lại một thành phố lớn mang một cái tên.

Nhưng tôi để tang nó như để tang một con người. Tôi gìn giữ những kỷ niệm nhỏ về nó, những hội hóa trang, Hofmannsthal, màu mắt và nụ cười phụ nữ, một chuyến dạo chơi trong rừng thu, bữa ăn tối ở Kobenzlin, mùi bia trong những căn hầm Griechenbeil mù mịt khói thuốc, hơi ấm nóng của chiếc lò sưởi ốp men trắng trong nhà trọ Hietzing, tấm voan sương mù trong vườn Schônbrunn, cái nhìn kiêu hãnh và đầy thần thái của những chú ngựa Lipica trong trường học Tây Ban Nha, tất cả những gì tôi yêu ở thành phố này, giọng nói của dân chúng, tất cả những gì quý phái và đã mất. Có thể sống theo nhiều cách, và tất nhiên có thể sống không có thành Viên. Nhưng không đáng lắm.

Bagdad

Một sáng mùa hè, trong khu vườn của tiệm cà phê trên bờ sông Duna phía Buda, nhìn ra dòng nước màu nâu nhạt, trên cao lơ lửng những đám mây, những tấm voan màu sáng bạc, nhìn lên Citadella_(1) tư lự buồn trên đỉnh núi, như bức tường thành của một lãnh chúa Tây Ban Nha, nơi xiềng xích những nhà thơ Thiên Chúa giáo, những nhà buôn người Mór và những trinh nữ Ả rập, đối diện là dãy ki ốt Hangli - nơi dưới những lều bạt đủ màu, dân Bagdad đang bàn cãi những mẹo mực thị trường và tình trường bằng thứ ngôn ngữ chợ búa - giờ thì tôi đã hiểu phía bên kia sông, sau sương mù và những tấm voan che, ở một nơi nào đó là Bagdad. Tôi ăn mật và hút thuốc. Tôi là một ông lớn phương Đông. Tôi không đi Bagdad nữa.

Ẩm

Không khí đầy hơi ẩm, và thành phố ngột ngạt trong hơi nóng mùa xuân, hổn hển dưới bầu trời màu chì, mệt mỏi và nhớp nhúa như một cơ thể đẫy đà trong buồng tắm hơi, và cứ như tất cả chúng ta đều là những culi hay nô lệ có hợp đồng, trong những đầm lầy nhiệt đới bí ẩn ngùn ngụt tỏa hơi nóng, trong bùn lầy đến ngang lưng, giữa ruồi muỗi và rừng dương xỉ, ở đâu đó trong vùng Sumatra_(2), trong mùa xuân vĩnh hằng và chết chóc. Hỡi các bạn, hãy cùng hát lên! Chúng ta là những kẻ nô lệ, đến tắc thở vì nóng và ẩm.

Mùa xuân

Hoa thủy tiên, đúng. Hoa anh thảo, hoa đậu thơm, hoa lan chuông.

Nhưng đừng quên cả hành non, củ cải đầy tháng, và rau dền. Xin đừng quên rằng những cánh rừng sản sinh ra những tác phẩm tuyệt vời ấy cũng tác động cả lên anh, lên con người. Mùa xuân, nghĩa là một điều gì đó đang diễn ra, ta tận mắt chứng kiến mặt đất đổi thay chỉ trong vài ngày, cây cối thắp lên những ngọn nến màu xanh, đất bắt đầu tràn ngập sắc xanh non và sắc vàng. Bạn nghĩ gì, nguồn năng lượng làm thế giới thay đổi đến không thể nhận ra nổi, tác động lên cây cối, đất đai, sông nước, lại không có ảnh hưởng gì đến bạn, không làm thay đổi thể xác và tâm hồn bạn, không loại bỏ và bồi đắp một điều gì đó trong con người bạn ư? Hãy để ý đến mùa xuân.

Hedvig

Ở đâu đó có một phụ nữ, tên nàng là Hedvig. Tôi không quen biết nàng, không biết nàng sống ở đâu, họ nàng là gì, nàng có chồng hay là một bà cô? Những thứ khác thì tôi biết hết về nàng. Tôi có thể sáng tạo ra nàng, vì tên nàng thể hiện cả thân thể và tính cách của nàng, số phận và ăn mặc của nàng, tôi nhìn rõ căn phòng nàng đang ở, và lúc này nàng đang xoa xoa đầu gối, phía trên giường nàng là cây thánh giá màu đen, tôi biết mùi hương của mái tóc nàng. Vì sao tôi biết ư? Vì nàng là Hedvig.

Ngày Thánh Băng(1)_

Lúc gần tối, tôi đi trong ánh sáng lạnh. Mặt trời đã lặn sau dãy núi, những cây cối hình thù trơ trụi, tả tơi hiện lên trong ánh vàng, trên đường viền chân trời, giống như những bản in của Nhật thường treo trong tiền sảnh các gia đình có học ở Pest. Trong ánh sáng giá buốt, có một thế giới mới rõ ràng, cụ thể như một bộ biến thế điện hay chiếc tủ lạnh. Tất cả đều ở đúng chỗ, các Thánh Băng đến đúng giờ, như những công chức mẫn cán, và làm mát dịu hơi nóng của mùa xuân. Thiên nhiên như giật mình vì cảm hứng của chính nó, hắt hơi một cái, và nhìn quanh lạnh lùng. Không thể liên tục ca hát và thiêu đốt! - các Thánh Băng nghiêm khắc nói. - Hãy mặc áo khoác, hãy rét run lên và suy nghĩ về bản thân mình. Chính vì đây là tháng Năm.

Con sáo

Tôi hoang mang đi trên cánh đồng mùa xuân. Nhưng rồi tôi thấy một con chim sáo, nó nhảy nhót phía trước, cách tôi vài bước chân, giữa đám cây cẩm quỳ, long đảm và đậu tằm, thế là tôi dừng lại. Một chú sáo đen, mỏ vàng, nom rất vui vẻ. Nó là một phần của vũ trụ, trái tim nó cũng chịu sự tác động của tình cảm và nỗi xúc động, số phận của nó trong thế giới này có thể thấy trước, cũng như số phận của ta, nó cũng biết đến tình yêu và cái chết, đến những lo lắng mưu sinh và niềm đam mê sống như ta, nó có thanh âm mà qua đó nó biết diễn đạt - một cách có nhịp điệu và say sưa - niềm đam mê ấy. - Ta muốn gì? - tôi nghĩ. - Vì sao ta muốn nhiều hơn và muốn một số phận khác con chim sáo?

Một người Trung Quốc

Một người Trung Quốc đi trên đường phố Nam Kinh, trong túi có khẩu súng ngắn sáu viên đạn và một tập thơ, trong đó nhà thơ viết về trăng, về ếch nhái, về vẻ đẹp của một giai nhân tên là Hoa Liễu. Người Trung Quốc ấy 36 tuổi, cha của bốn đứa con, nhà báo và nhà cách mạng. Anh đang đi trên phố, vì muốn giết một tên độc tài.

Tôi nhìn theo anh, vì tôi cần phải để mắt tới mọi việc diễn ra trên thế giới. Tôi muốn nắm tay anh và bảo: “Anh bạn da vàng của tôi ơi, hãy nghĩ đến sự bình yên của tâm hồn anh. Kẻ độc tài cũng có sứ mạng của nó trên mặt đất này. Anh chưa biết ư, hắn chính là sự trừng phạt? Chúng ta đều là những kẻ tội lỗi. Lại đây anh bạn, ta cùng uống một ly vang!” Có thể nghe lời mời này, anh sẽ rút bàn tay gầy guộc ra khỏi tay tôi? Hoặc anh sẽ gật đầu, từ phía trên xuống phía dưới, đối với người Trung Quốc điều đó có nghĩa là: “Không!” Thế giới thật bí ẩn! Người Trung Quốc đã đi khuất khỏi góc phố Nam Kinh, tôi không bao giờ thấy anh nữa.

Thất bại

Tôi muốn sống như một người phụng sự con người. Nhưng người ta không cho phép tôi phụng sự: người ta luôn đòi hỏi tôi sống kiếp tôi đòi, hai việc ấy khác hẳn nhau. Tôi có thể phụng sự, nhưng trở thành kẻ tôi đòi thì không. Vì thế mà tôi tránh xa họ, tôi đã thất bại.

Trật tự

Thứ Bảy nào, vào lúc một giờ chiều, thiết bị báo động phòng không của thành phố cũng rú lên. Người ta nhìn đồng hồ đeo tay và nghĩ: “Đúng, chính xác một giờ.” Và người ta ngạc nhiên, thật có trật tự.

Một trật tự thật nghiêm ngặt, trên khắp thế giới, gần và xa, tất cả đều nhịp nhàng, khi chiếc đồng hồ đeo tay của tôi mỗi chiều thứ Bảy chỉ đúng một giờ, tức khắc những thiết bị báo động phòng không được bố trí trong thành phố bắt đầu rú lên, như báo điềm dữ và như một biểu trưng. Một thứ trật tự nghiêm khắc, hoàn hảo và đáng sợ. Vì trật tự ấy mang ý nghĩa chết chóc và hủy diệt. Thiết bị báo động rú lên điều đó, nó hét lên cho thế giới biết một trật tự khác và một ý nghĩa khác. Tôi bắt đầu hiểu và bắt đầu quen với điều đó.

Ngôi sao

Ngôi sao trong em dậy sớm và ngủ muộn

Trong mắt em năm tháng cứ đầy lên

Em chỉ là một trong dãy số bí ẩn

Mặt nước phản chiếu ánh sáng ngôi sao em

Ánh sáng trong em cuối cùng sẽ thuộc về con người:

Em ở ngoài quang phổ, em là tia cực tím.

Mùa hè

Tỉnh giấc, tôi đã thấy những ngón tay mềm mại của mùa hè gõ nhẹ lên rèm che cửa sổ. Tôi ngồi dậy trên giường, ngái ngủ và mừng rỡ bảo: “Xin mời vào!”

Nhưng cứ như có ai thở dài và cười ngoài cửa sổ. Rồi ảo ảnh dần xa, với những bước đi nhẹ nhàng, sỏi trên lối đi ngoài vườn lạo xạo dưới những bước chân. “Có lẽ đây là mùa hè cuối cùng” - tôi nghĩ. - “Mùa hè cuối cùng còn có biển và những buổi chiều dài lê thê trên bãi biển, trong một căn phòng khách sạn mát lạnh, bức bí, cửa chớp đóng kín. Đâu đó có tiếng nhạc và biển không ngớt ầm ì, biển vươn dài trong hoàng hôn như một con báo trong rừng già lúc mặt trời lặn, khi những chú linh dương nhỏ ra suối uống nước. Mùa hè cuối cùng khi hoa hồng còn đỏ rực như máu trong vườn. Khi ta còn cảm nhận được cuộc sống nồng nàn, trọn vẹn và chân thực. Mùa hè cuối cùng khi một lần nữa gió, ánh nắng, mùi hương của thiên nhiên và mưa thơm rơi từ những đám mây còn đến bên ta. Có lẽ đây là mùa hè cuối cùng.” - tôi nghĩ, một cách rất bình thản. Và tôi khoanh tay, yên lặng lắng nghe tiếng động của những bước chân dần xa.

Thành phố

Thành phố bị bom từ sáu giờ sáng đến bốn giờ chiều. Đâu đâu cũng thấy khói mù mịt. Tối đến, một sự yên tĩnh lạ lùng bao trùm lên thành phố, như tất cả đã chìm trong nước. Những máy bay ném bom cũng im tiếng.

Thành phố đã đổ nát gần hết: còn lại mấy ngôi nhà ngoại vi và cái tháp chuông, thật kỳ lạ chưa bị dính bom. Quảng trường chính, những ngôi nhà đẹp thời xưa, nhà thờ đều đổ nát. Nhưng tháp chuông còn nguyên lành. Vì thế người gác chuông, cũng như mọi tối, lúc này vội vã leo lên một trăm ba mươi tám bậc cầu thang, và gióng lên hồi chuông đồng trên thành phố bị tàn phá.

Người gác chuông chỉ làm phận sự của mình. Đôi khi việc đó chẳng có ý nghĩa gì. Đó không phải là một biểu tượng; những biểu tượng chẳng có ý nghĩa gì khi một thành phố bị hủy diệt. Nhưng tiếng chuông bay trên thành phố đổ nát, những người bị thương và những người đang hấp hối bỗng lắng nghe tiếng chuông, và đột nhiên họ hiểu rằng tất cả những thứ khác chỉ là kệch cỡm và phù du, ý nghĩa duy nhất của thành phố là tiếng chuông này, nó không mất đi, cả khi đá sỏi đã vụn vỡ. Tất nhiên người gác chuông không nghĩ đến điều đó. Anh ta chỉ nghĩ đầu tháng có được lĩnh lương? Anh rung chuông như thế, kiên gan và lo lắng. Nhưng thành phố vẫn sống cả trong đống đổ nát, vì tiếng chuông đang vang lên không gian từ tro tàn. Phải hiểu ra điều này. Hãy rung lên những tiếng chuông.

Tay đôi

Tôi đến muộn lễ đặt bia mộ cho một người bạn, những người dự lễ đã về cả. Còn lại mình tôi với người đã khuất. Tình cảnh giống như khi các vị khách ra về, chủ nhà nháy mắt cho một người bạn để anh ta ở lại, họ uống với nhau một chai vang, trò chuyện và xả hơi những mệt mỏi của các nghi lễ tiếp khách sáo rỗng. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế đối diện với nấm mồ, châm thuốc hút và bắt đầu trò chuyện với người đã khuất.

 - Thế nào? - tôi hỏi - ông bạn, ông không thấy chán ư? Ông thấy đấy, tôi vẫn suy nghĩ bằng những khái niệm trần thế như “thời gian” và “nỗi buồn chán”. Tôi nghĩ, dù sao nằm một mình bất động dưới lòng đất, trong chiếc quan tài cứng và chờ thối rữa, cũng chán. Nhưng rồi tôi hiểu sự im lặng của ông nhất quán hơn tất cả những việc ông đã làm khi còn sống, rằng tôi chẳng có khái niệm gì về cái chết. Trong cái chết, điều tuyệt vời và đáng sợ là: ngay cả tưởng tượng ra cũng không thể. Chúng ta chỉ có thể cảm nhận sự khủng khiếp và sự lụi tàn bằng những khái niệm của cuộc sống. Từ điển, nội hàm, những phụ phẩm của cái chết hoàn toàn khác. Tôi đã hiểu chừng ấy. Dẫu sao, chỉ còn hai ta với nhau, những người khác đã về cả, ông hãy nói: ông có chán không?...

Nhưng ông không đáp lời tôi.

 

Hạnh phúc

Tôi mường tượng đến một ngày sẽ phải trả lời. Vị quan tòa sẽ bảo: “Đừng dối trá! Đâu phải tất cả là đắng cay, thất vọng, mất niềm tin. Có lúc anh cũng đã hạnh phúc. Dù không nhiều, thì cũng trong một khoảnh khắc. Hãy nói ra khoảnh khắc ấy!”

Tôi sẽ đáp ra sao? Tôi sẽ cúi đầu, gãi tai. Tôi lúng túng nhìn quanh, rồi đáp: “Vâng, tôi cũng đã từng hạnh phúc. Chắc chắn tôi đã từng hạnh phúc. Tôi còn nhớ đến niềm hạnh phúc, dư vị của nó còn trong miệng tôi đây, mùi hương của nó còn trong khứu giác tôi, nó còn lan tỏa trong hệ thần kinh tôi. Nhưng khi nào ư? Trong thời niên thiếu ư? Không, thời niên thiếu của tôi bất hạnh, tôi bị đối xử tồi. Thời thanh niên, tuổi trưởng thành?... Những kỷ niệm buồn mạnh mẽ hơn, chúng bao trùm lên tất cả. Tuy nhiên, khi nào tôi đã từng hạnh phúc?... Giờ tôi đã biết: trong một giây phút hững hờ đến nỗi tôi không còn nhớ nữa.”

Hồ nước

Nước ngầm, nước sông Duna tràn bờ và mưa đã tạo nên một hồ nước tự nhiên trước cửa khách sạn, trên những lớp cỏ mùa đông. Cái hồ nước này hôm qua chưa có ở đây, nhưng hôm nay đã hiển hiện, và trong hồ đã thấy bắt đầu cuộc sống. Đàn vịt bơi lội trên hồ, những chú hải âu lượn vòng trên hồ, và tôi sẽ không ngạc nhiên nếu đi từ phía Tejcsarnok, giữa đám cây cối, thấy hiện ra những con thiên nga và Lohengrin_(1).

Ở Mỹ, người ta xây những ngôi nhà chọc trời như thế, trong một ngày. Sự sáng tạo cũng mang tính cách Mỹ, một công việc có lẽ rất khẩn trương. Có vẻ như các phụ kiện - trong mọi lúc, để tạo ra bất cứ thứ gì - đều đã sẵn có trong kho. Chỉ cần có Thánh linh và lời phán truyền của Chúa là tất cả sẽ xong tắp lự, dù là hồ nước, biển cả hay toàn thế giới.

Hãy nói lời của Chúa, hãy mời đức Thánh linh, hãy sáng tạo!

Ánh nến

Trạm điện trung tâm ngắt mạch, cả khu phố mất điện. Một đòn đánh đúng lúc đang làm việc, đột ngột và hèn hạ. Loanh quanh một lát, tôi đành châm ngọn nến nhà thờ to tướng, mà cho đến đến lúc ấy nó chỉ là vật trang trí trên bàn, và tiếp tục công việc.

Tôi viết những dòng này trong ánh nến. Thứ ánh sáng này, trạng thái này quen thuộc và tin cẩn một cách quyến rũ. Tôi nghĩ Kazinczy, Vôrôsmarty, Petőfi và Arany đã làm việc như thế này. Họ đã làm không tồi, trong ánh nến. Rồi tôi nghĩ đến những người khổng lồ, Pascal và Shakespeare, Goethe và Hôlderline(1)_, họ đã viết trong ánh sáng lờ mờ, bập bùng của lửa nến tất cả những gì làm cho mặt đất và tâm hồn con người trở nên sáng rõ hơn. Một thứ ánh sáng không đến nỗi nào, ánh nến. Hãy hồi tưởng. Trong ánh nến có thể nhìn rất xa.

Lễ Tro

Tôi thấy nuối tiếc và ân hận... nhưng không phải những tội lỗi của xác thịt. Tôi không nuối tiếc và ân hận điều gì mà thể xác tôi đã mong muốn, đã đòi hỏi và đã phạm phải. Tôi chỉ nuối tiếc và ân hận những gì tôi đã bỏ qua, những gì vì lười nhác và ưa thoải mái hoặc đớn hèn tôi không làm nổi, những gì tôi không biết đến, những gì tôi đã bỏ qua, những gì tôi sẽ phải chết mà chưa trải qua... Tôi nuối tiếc và ân hận vì điều đó, đúng, vào sáng ngày Lễ Tro. Hãy quết tro lên trán tôi.

Đao phủ

Đao phủ sống ở đâu đó, đó là một công dân bình thường, bụng hơi phệ, xởi lởi, đứng đắn, như những đao phủ thường thế, sống trong một ngôi nhà vườn, việc làm thêm trong đời thường - khi không phải treo cổ ai - là tiện hay rèn. Đao phủ sống ở đâu đó, và bạn, đôi khi bạn thoáng nghĩ đến gã. Vì gã có liên quan đến bạn, dù rất xa vời. Những sợi dây mỏng manh và tinh tế của sự duy trì trật tự và thỏa thuận chung nối kết bạn với số phận của gã. Chắc chắn rằng thỉnh thoảng bạn còn mơ về gã, và cố kín đáo mua chuộc gã, để sau này gã tròng thòng lọng vào cổ bạn sao cho bớt đau đớn. Những tiểu tiết rất quan trọng. Và đao phủ còn tồn tại cả vì lợi ích của bạn, vì sự an toàn của bạn. Và gã cũng sống để cảnh tỉnh bạn, vì bạn là con người, nghĩa là một trong những cơ hội của đao phủ. Bạn cần biết những điều đó. Cầu Chúa phù hộ cho linh hồn bạn.

Hươu cao cổ

Mùa đông, con hươu cao cổ sống trong ngôi nhà nóc hình bán cầu, có mùi rơm khô dễ chịu, hơi ngột ngạt, ngôi nhà do thủ đô tặng, như một sự quý trọng, cũng như những tù binh quý tộc ngoại bang không bị nhốt trong nhà ngục mà được giam giữ trong lâu đài cũ nát của một đức ông mà nhà nước đã mua lại để dùng vào mục đích ấy. Con hươu cao cổ cũng được nhốt riêng với con, một chú hươu cao cổ nhỏ, trong một ngôi nhà to như một tòa dinh thự, chỉ có hai mẹ con nó. Nhưng tòa nhà mái vòm riêng biệt, những thức ăn chọn lựa kỹ, người gác và phục vụ cắt cử riêng, những khách thăm quan ý tứ không dám trò chuyện to tiếng: tất cả đều không lừa được con hươu cao cổ. Nó biết rõ rằng ngay cả sự xa hoa này cũng là kiếp nô lệ, cũng như tất cả mọi sự xa hoa gắn liền với lính canh và lưới sắt.

Hai mẹ con nó vươn cao cổ, đi vòng quanh cái nhà tù xa hoa ấy suốt ngày. Trên tường cao, những người trông thú đã cẩn thận lắp những chậu đựng thức ăn cho thuận tiện, cứ như nó đang vặt lá từ các lùm cây trong rừng già. Con hươu cứ đi vòng quanh, từ sáng đến tối, nó vươn cổ về phía bầu trời xanh bị che khuất bởi trần mái vòm, vì nó nhớ. Điều khủng khiếp nhất trong cuộc sống tù đày là con người liên tục hồi tưởng. Tất cả mọi sinh vật đều hồi tưởng, kể cả hươu cao cổ. Dù có mái vòm, có sự xa hoa, có thức ăn ngon đều vô ích. Con hươu nhớ tự do. Và chính vì thế nó vươn cao cái đầu nhỏ trên cái cổ dài nghêu, như đánh một dấu than lên không gian sinh tồn, như muốn thét lên: “Tự do!”

 Nó hơi giống các nhà thơ. Nó là nàng tiên giữa các loài vật, là thiên sứ. Nó có thể bước dài một lần sáu mét, nếu được tự do. Nhưng nó không được tự do. Chính vì thế - và vì những nguyên do khác nữa - tôi dành cho nó mọi sự cảm thông.

Đầu ngón út

Chết vì đầu ngón út của nàng, có thể. Vô nghĩa, đó cũng chẳng phải hành động anh hùng, nhưng trong nó có một khả năng, một xung lực, một sự rồ dại, một cảm thức sống nào đó. Vì đầu ngón út của nàng, được lắm... Nhưng vì nàng như hiện tại, với năm chục ký, với mũ áo, với những tham vọng và với những khát vọng còn đáng ngờ hơn của nàng, với bệnh thiếu a xít trong dạ dày, với đôi mắt cận thị nhẹ, và vì thế mà chết dần mòn trong suốt ba chục năm, mỗi ngày một tí ư?... Không, tốt hơn là chết ngay lập tức, vì đầu ngón tay út của nàng.

Cuối tháng Mười

Màu vàng xưa như thế, như màu của rừng.

Tôi đã quên đôi mắt, quên màu mái tóc nàng.

Chỉ có gió tơi tả lướt qua đây với tiếng than vãn

Và thời gian vẫn lướt qua tôi.

Giọng của gió nghe khàn rè.

Tôi thức dậy, cũng phải đọc một chút gì

Ngôi sao mùa thu sáng trên căn phòng

Cánh rừng lấp loáng.

Thông điệp gì của đam mê?

Tôi không biết.

Hơi người

Loài chó cảm nhận thấy sự hèn nhát của con người, vì hoạt động của các tuyến trong cơ thể, mùi hơi người có thể nhận biết: có lẽ anh toát mồ hôi vì sợ, mồ hôi có mùi. Loài chó cảm nhận thấy mùi hơi ấy. Nhưng không chỉ sự hèn nhát có mùi, mà cả sự ngu ngốc, sự đểu cáng, có lẽ cả sự bình thản và hạnh phúc nữa. Con người, trong nỗi đớn đau của bản thân, muốn làm nhiều cách để thế giới hiểu mình.

Như tháng Ba

Như vào tháng Ba, bốn giờ chiều vẫn chưa hoàng hôn, và đôi mắt đã quen với cái lờ mờ trong mùa đông của ta cảm nhận thấy ánh nắng nhàn nhạt này đã dai dẳng và gay gắt hơn, thế giới đã diễn đạt được ý muốn của nó, bao giờ cũng bằng ánh sáng và cuộc sống: hãy luôn tin rằng phía sau dịch bệnh và sự khốn cùng vẫn tiềm tàng những sức mạnh sáng sủa hơn, vẫn lấp ló ánh sáng, thứ ánh sáng - dẫu thế nào - đến một ngày cũng sẽ soi rọi xuống nhân gian, như nắng đầu mùa dai dẳng vào lúc bốn giờ chiều, tháng Ba.

Mùa xuân

Mùa xuân không chỉ có hương, có sắc, có nắng, có văn chương, có mốt, có củ cải và hành non, mà còn có khả năng chữa trị bệnh theo cách hoang sơ và nguy hiểm. Mùa xuân, những bể tắm, nước khoáng chữa bệnh, những món ăn hợp lý tác động đến cơ thể con người hơn bất cứ lúc nào khác: hãy thận trọng với chúng, như với những thứ thần dược bí ẩn. Uống thêm một ngụm nước khoáng, ngồi thêm năm phút trong bể tắm sủi, thêm một nắm thuốc lá mùa xuân, và sự cân bằng của cơ thể bạn bị phá vỡ. Mùa xuân là thuốc, cũng là độc dược, tựa như cuộc đời - nên sự phô diễn của nó dữ dội và tưng bừng đến thế.

Lan dạ hương

Tôi nhận được nó trong một chậu sứ, gói bằng giấy màu hồng, với thị hiếu xoàng xĩnh đến cảm động, tựa như một cảm xúc đơn giản cố gắng làm đẹp cho cuộc đời. Nhưng nó tỏa hương ngào ngạt, từ cái chậu sứ nhỏ duy nhất, mùi hương đậm đà lan tỏa khắp căn phòng. Một mùi hương đam mê. Giống như ban đêm, trong khu rừng mưa gió, một người đàn ông cô đơn đứng trên mỏm núi đá gào to tên một người đàn bà. Nhưng nàng đã chết. Cứ như tôi còn có thể bắt đầu cuộc đời một lần nữa, và còn tin vào những khát vọng của mình. Lan dạ hương gào lên như thế. Tôi nghe tiếng gào ấy rất lâu. Trời đã tối. Tôi đã mệt.

Thác nước

Sáu giờ chiều, tôi đến chân thác nước. Nước đã xối như thế từ bao giờ, bọt ngầu trắng xóa, dữ dội, ào ạt và tràn ngập, đã từ rất lâu, có khi cả ngàn năm. Sức mạnh khi nó đổ xuống vực sâu và tung vỡ, giữa những ngọn núi đá, vĩ đại như Tạo hóa và người nghệ sĩ. Vì có thể sống với sức mạnh ghê gớm, nhưng cũng có thể lụi tàn với sức mạnh ghê gớm, với ý chí vĩnh hằng. Thác nước giật lên, quằn quại như chiếc roi có gai sắt trên tấm lưng trần của người nô lệ, nó quăng mình giận dữ xuống những mỏm đá dưới khe sâu. Đôi khi cần có sức mạnh ghê gớm để chúng ta tự hủy diệt hoàn toàn, sức mạnh ghê gớm và nhiều thời gian.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t30364-bon-mua-troi-va-dat-chuong-1.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận