Bồng Bềnh Thiên Sứ Truyện 25


Truyện 25
Cái rùng mình của vũ trụ

 

Cơn động đất bất ngờ xảy đến và đột ngột qua nhanh. Chỉ độ vài giây. Hạnh kịp cắt ngang câu chuyện với Đỗ, đang gọi cô từ Paris, là những đợt rung, lắc, chao, nghiêng từ nền, trần, tường... đã ngừng. Chỉ những vật nho nhỏ như lọ hoa bằng đất nung, cái đĩa sứ có ảnh chùa Một cột, quả địa cầu bằng thủy tinh đặt trong chiếc tủ kính trước bàn làm việc của cô thì còn tiếp tục chuyển dịch theo quán tính của nó.

Vài phút sau, tất cả mọi người có mặt trong công ty đều chạy hết ra khoảng sân. Cây sung xù xì sum suê án ngữ phần diện tích đáng kể của mặt sân trong phút chốc như che hết ánh sáng mặt trời. Bầu trời sẫm lại. Vài đám mây sập sựng như không bay qua khỏi ngọn sung. Gió như ngừng thổi.


Hè phố, con đường ngược xuôi trước mặt cũng khựng lại, người nhìn người và nháo nhác nhìn từ phía rồi nhìn đất thấp trời cao.

Khi thấy đồng nghiệp rối rít gọi cho người thân, Hạnh mới nhớ mình quên cái di động trên bàn. Cô chạy trở vào, vừa cầm điện thoại đã nghe chuông reo. Hạnh nghe giọng gấp gửi của Hội, cha đứa con gái của cô: “Anh vừa gọi điện cho con, trường nó cũng rung lắc nhè nhẹ. Chỗ em có làm sao không?”. Hạnh thở phào: “Cũng rung lắc nhè nhẹ, không sao cả!”, và không chờ nghe thêm, cô tắt máy lật đật bấm ngay số điện thoại của Tứ. Số máy không liên lạc được. Sợ di động mình trục trặc, Hạnh gọi Tứ bằng máy bàn. Tứ đang ở ngoài vùng phủ sóng. Gần như luôn luôn là thế! Lúc nào Hạnh cần, Hạnh thảng thốt gọi là Tứ ở đâu đó, mất hút. Với cô, Tứ ở đâu không quan trọng. Điều quan trọng đối với cô là anh vẫn bình yên trên mặt đất không bình yên này. Số máy thứ hai Hạnh gọi là số máy của cha mẹ. Ông bà đang ở cách cô gần một ngày ngồi ô tô. Mẹ Hạnh bắt máy: “Tự dưng má thấy bồn chồn, gọi cho con nãy giờ không được!”. “Má, ở đây vừa có trận động đất!”. Giọng má hốt hoảng: “Con có bị làm sao không?” Nghe giọng lo lắng của mẹ, Hạnh thấy ngượng. Lẽ ra, đấng sinh thành, phải là những người cô gọi đầu tiên sau cái rùng mình thình lình của trời đất. Cô gắng gỏi: “Má đừng lo, con không sao đâu!”

 

 

2

 

Trấn an mẹ như thế, nhưng Hạnh biết, nỗi lo đã như một cơn dịch thập thò ở ngưỡng cửa của hàng triệu gia đình sống nơi mà cơn dư chấn vừa đi qua. Đêm phập phà phập phồng. Hạnh tắt tivi, tắt nhạc, cô không tắt chuông điện thoại (cô luôn chờ Tứ gọi) nhưng cơn buồn ngủ không chịu đến. Cô bật đèn, mở vài trang sách, chữ nghĩa cứ trôi tuột. Hạnh nghe cửa phòng con gái xịch mở. Nó không thay áo ngủ, vẫn mặc bộ đồ ở nhà. Nó đi vào phòng vệ sinh. Cô nghe tiếng xả nước. Tiếng giỏ rác sập lại. Hôm nay ngày nó hành kinh. Nó giữ riêng cho mình nhiều điều, riêng những dấu hiệu đổi thay của cơ thể thì nó không giấu: “Mẹ, sao vú bên trái lại nhỏ hơn bên phải một chút? Có phải vì trái tim nằm bên trái? Con có giống mẹ không?”. Và mỗi khi kỳ kinh nguyệt nó lại đòi: “Mẹ mua cho con hai bịch băng vệ sinh, một không cánh, một có cánh, loại siêu mỏng!”, dù có đang làm gì đi nữa Hạnh cũng phóng xe tìm mua đúng thứ băng vệ sinh mà con yêu cầu. Nó khép cửa phòng vệ sinh, trở về phòng ngủ. Cô thấy đèn trong phòng con bật lên ít phút rồi tắt, chỉ còn ánh vàng mờ của đèn ngủ. Hạnh tốc mền ngồi dậy hai lần, hai lần nằm trở lại, hít thở, nhắm mắt, xua đi ý nghĩ lộn xộn trong đầu, cố tập trung đếm đi đếm lại gần cả ngàn con cừu chạy lúp xúp trên đồng cỏ mượt xanh, cánh đồng quen thuộc trong tưởng tượng mỗi khi giấc ngủ không đến. Lần thứ ba, cô trở dậy, ra khỏi mùng. Trong ánh đèn ngủ, Hạnh vẫn nhận ra từng ngóc ngách quen thuộc, từng vật dụng quen thuộc trong căn phòng 57 mét vuông mà mẹ con cô sống nhiều năm qua, chợt thấy nó như rộng ra, khoảng cách hai chiếc giường ngủ của hai mẹ con như cũng rời xa hơn. Cô rón rén bước tới bên phòng ngủ của con gái và khẽ vén tầm rèm lên. Nó nằm sấp, úp mặt xuống gối, tóc xập xòa, dáng nằm trông mỏi mệt. Cô trả tấm rèm về chỗ cũ và tần ngần nhìn bức chân dung của con gái được phóng to treo trên tường. Trong ánh sáng mờ mờ, cô vẫn nhìn rõ nụ cười với hàm răng trắng sáng của con gái trong bức ảnh nó chụp hồi hè qua. Miệng cười nhưng đôi mắt đen ngấn của nó vẫn buồn. Đó là đôi mắt của cô. Tứ nói: “Em cười mà mắt em như khóc?”. Hạnh không cười nữa: “Tại mình gặp nhau quá muộn!”. Tứ lại cười: Gặp sớm chưa chắc mình đã quyến luyến như thế này”. Hạnh ứa nước mắt: “Không chỉ quyến luyến, với em là định mệnh!” Hạnh tin là như thế, luôn tin là như thế. Bởi cô không thể rứt khỏi Tứ. Ở đâu, lúc nào, trong cô cũng đầy ắp Tứ. Anh còn hiện diện bằng bức chân dung trên đầu giường ngủ của cô. Tứ khoanh tay ung dung nhìn cô, cười. Nụ cười của Tứ đã khiến con gái cô nhăn mặt, thốt lên: “Chắc gì chú ấy thương mẹ bằng ba!”. Hạnh muốn nói cho con nghe về niềm hạnh phúc mà chỉ với Tứ cô mới cảm nhận được, kể cả nỗi khắc khoải chờ mong cũng tràn ngập hân hoan khi cách xa anh. Nhưng rồi lần lữa mãi, cô vẫn không tìm được “cái không khí” gần gũi để có thể bộc bạch những điều thầm kín với con gái. Nhiều lúc cái nhu cầu chia sẻ ứ lên tận cổ, chỉ muốn bật thành lời thì con gái lại chúi mũi vào việc học, nghe nhạc, đọc báo hay háo hức ngồi trước computer “chat” với bạn bè. Dần dần, Hạnh nghiệm ra rằng, chính cái sự thiếu cơ hội để có thể trò chuyện giãi bày là nguyên nhân dẫn đến nỗi cô đơn đặc quánh trong mỗi người. Hạnh nhớ nhiều lần mẹ cô ấm ức: “Suốt ngày công việc tối mặt tối mũi, chỉ còn buổi tối là có thể nói chuyện được với nhau, nhưng vào mùng một lát là ba mày ngáy như sấm”. “Má có hạnh phúc?”, nhiều lần cô muốn hỏi nhưng chưa bao giờ cô hỏi. Cô biết, với mẹ cô, hạnh phúc là sự hy sinh, hy sinh bản thân, hy sinh cả nhu cầu được chia sẻ. Còn với Hạnh, cô không thừa hưởng được ở mẹ đức hy sinh. Cô sợ thứ hạnh phúc của kẻ tận hiến, thứ hạnh phúc không rõ hình hài. Cô khao khát mùi vị, âm thanh, ánh sáng và cả bóng tối của hạnh phúc. Cô cần cái cảm giác hạnh phúc như cần không khí để thở. Từ khi cô không chịu nổi mỗi đêm ngủ mà không được nhìn thấy Tứ, dù chỉ là bức chân dung của anh, con bé dần dần xa mẹ. Nó không còn huyên thuyên trò chuyện với mẹ như mọi khi. Cả cái ghiền được ôm mẹ khi ngủ nó cũng cố chịu, dù Hạnh biết điều đó cũng khó như cai sữa.

Hạnh rời bức ảnh con gái, cô đi về phía cửa sổ. Từ khung cửa hẹp ở tầng ba, trong ánh đèn đường, cô nhìn về phía tòa cao ốc đang xây dở trước mắt, cách nơi cô ở một dãy phố. Dãy phố nhà lầu sung túc vênh vang như lùi lại, thấp đi trước tòa cao ốc mọc lên sừng sững. Hạnh đã đăng ký mua một căn phòng trong tòa nhà đang xây đó. Trước khi quyết định mua căn phòng trên tầng mười lăm, cô đã chở con gái cùng đi đến công ty nhà đất, hai mẹ con xem tới xem lui sơ đồ của cả tòa nhà và chính con gái cô đã chọn căn phòng cao chót vót ấy. Nó bảo ở trên cao sẽ hít thở được không khí trong lành. Mẹ con cô sẽ không quấy rầy ai, và cũng không bị ai quấy rầy. Hai mẹ con còn tránh được tiếng ồn đến ngột ngạt của xe cộ, khói bụi, người ngợm và cũng sẽ không phải ngửi thấy cái mùi cống rãnh, mùi rau cải úng, mùi chuột chết... mỗi khi mặt nước sông Sài Gòn dềnh lên. Và nó còn tí ta tí tởn muốn tự mình thiết kế trang trí nội thất cho căn phòng lồng lộng gió trời. Căn phòng đó, theo hợp đồng mua bán sẽ xong trước Tết âm lịch. Có lẽ vì thời gian thúc bách nên tòa nhà thi công suốt ngày lẫn đêm. Tiếng máy tiếng búa rền rền khiến cô không nghe tiếng bước chân của con gái. Nó đến bên mẹ, đứng cạnh mẹ, cũng nhìn về phía tòa cao ốc đang xây dưới ánh trăng nhờn nhợt. Hạnh chợt giật mình khi nghe giọng sẽ sàng: “Mẹ, mình đổi lại đi mẹ, mình đừng mua căn phòng đó nữa, ở trên đó cao quá...”.

Sợ độ cao, sợ những cơn địa chấn bất thình lình không chỉ lởn vởn trong tâm trí của con gái Hạnh. Nhiều ngày trôi qua, không khí làm việc của công ty vẫn còn có cái gì đó không thể trở lại bình thường. Thoạt nhìn thì ai cũng đi làm đúng giờ, cũng hoàn tất công việc được giao, cũng mong đến ngày nhận lương nhận thưởng. Nhưng thần sắc từng người vẫn không giấu được nỗi bất an. Như một bóng ma, chúng lượn lờ khi ẩn khi hiện. Trong giờ làm việc, ai cũng căng mắt dỏng tai nghe ngóng động tĩnh xa gần của trời đất. Ai thạo việc tìm thông tin trên mạng thì gõ tới gõ lui những cụm từ “động đất”, “những trận động đất ở châu Á”, “những trận động đất lịch sử nhân loại”... Ai ngại chúi mũi vào màn hình computer thì tìm báo tìm sách đọc đi đọc lại, không chỉ về những thảm họa, những nguy cơ, những dự báo mà còn về cách phòng chống nếu chẳng may cơn động đất có cường độ lớn hơn trận động đất 5,5 độ richte vừa qua. Chỉ có Nguyệt, người đàn bà tóc bạc soi sói, làm việc cùng phòng với Hạnh, lại chẳng để mắt đến sách báo hay liếc xem những thông tin được kết nối toàn cầu. Chị đẩy giọng kính lão trên sống mũi, lướt mắt nhìn mọi người: “Theo tôi, các vị đừng trông chờ vào cái thói đỏng đảnh của đất trời mà phải tận dụng thời gian và tận lực sống”. Câu nói của Nguyệt khiến cả phòng bất ngờ. Bởi từ lâu Nguyệt được mọi người gán cho biệt danh “giám đốc” xí nghiệp kẹo. Chị tiêu xài dè sẻn từng chút, không dám trang điểm khi đi làm, tóc bạc không dám mua thuốc nhuộm vì sợ hao khoản tiền tiết kiệm hàng tháng gửi ngân hàng. Tính ky bo khiến chị sống lẻ loi, cách biệt, chẳng thân với ai và cũng chưa bao giờ được cất nhắc đề bạt giữ bất kỳ một vị trí khiêm tốn nào mặc dù chị đã làm việc tận tụy ở công ty này trên dưới hơn chục năm. Vậy mà đùng một cái, Nguyệt làm cả phòng ngạc nhiên khi sau mấy ngày nghỉ, chị vào công ty với mái tóc đen mượt chải bồng bềnh, lại còn khệ nệ rinh vào một thùng rượu Sim mua tít ngoài đảo Phú Quốc. Hóa ra chiều thứ sáu chị đã cùng “với ai đó”, nhân vật đã khiến chị làm một cuộc cách mạng triệt để cho chính mình, mua vé máy bay ra hòn đảo còn đầy ắp vẻ đẹp hoang sơ đó. Gần hết giờ làm, thùng rượu Sim được mở ra. Trưởng phòng Hoàng, người cao ráo đẹp trai nổi tiếng khó tính, nhất là việc chọn bạn đời, đã hơn bốn chục mà vẫn phòng đơn gối chiếc, sốt sắng chở Hạnh ngược xuôi đi hết mấy con phố để mua bằng được thịt nguội ở hiệu Như Lan, trái cây ở chợ Bến Thành. Khi rượu và mồi bày ra, sếp Nguyễn, giám đốc công ty cũng có mặt. Sếp cầm chai rượu, săm soi cái nhãn hiệu và hỏi người mua nó: “Sim này có phải Sim tím của Hữu Loan?”. Nguyệt khui một chai khác, rót ra đủ từng ly cho tất cả mọi người có mặt trong phòng, trả lời: “Cũng là loại Sim đó nhưng không chát như Sim của Hữu Loan!”, rồi Nguyệt tả cho mọi người nghe cái rừng sim bạt ngàn ở triền núi ven đảo, nơi có thể thoải mái mặc áo sứt chỉ đường tà... Sếp chép miệng: “Thăm thú vài ngày thì được chớ ở đó lâu dài chắc buồn chết!”. Nguyệt e dè nhấp một ngụm rượu: “Tôi chưa thấy ai buồn mà chết cả!”. Uống thêm một ly mặt sếp đỏ bừng: “Tôi muốn nói đến cái chết... ở trong lòng!”. Hoàng đưa ly cụng với ly sếp: “Ngồi ở cái ghế cao đó mà sếp cũng...”. Sếp cắt ngang: “Chỗ ngồi là cái đếch gì, quan trọng là có được chỗ trong tim ai đó...!”. Câu nói có từ văng tục của sếp lập tức xóa đi cái vẻ lành lạnh đạo mạo quan cách hàng ngày của vị đứng đầu một công ty đang ăn nên làm ra và cũng tạo được một lực hút nào đó khiến mọi người như nhích gần nhau. Hạnh bồi thêm: “Vậy cái chỗ của sếp trong tim ai đó có bị... dư chấn sau cơn động đất vừa qua?”. Sếp trợn trạo nuốt miếng chả, nói như mắc nghẹn: “Trận động đất vừa rồi khiến tôi... sững người để sau đó thấy cần phải... gia cố nhiều thứ, từ nhà cửa tới tình cảm...!”. Mặt Hoàng cũng đỏ rần, anh bốc lên: “Còn tôi không gia cố như sếp mà xây dựng, phải bắt tay vào xây dựng!” và chẳng đợi ai tra hỏi, Hoàng nói luôn: “Cuối tháng này tôi cưới vợ!”. Trong số những người nâng ly chúc mừng “sự kiện” sắp chung đôi của Hoàng có ông Phú, người sẽ đủ tuổi hưu vào cuối năm. Khác với sếp Nguyễn và trưởng phòng Hoàng, rượu vào khiến mặt ông Phú trắng bệch và lạnh như pho tượng bị bỏ quên ngoài trời. Pho tượng bất ngờ mở miệng: “Còn tôi, tôi muốn sống cho ra sống trong quãng đời còn lại!”. Nguyệt đang cúi gom mấy cái vỏ chai rượu cho vào thùng vội ngẩng lên: “Sẵn có sếp và các bạn đông đủ ở đây, chúng tôi cũng xin báo luôn, tôi và anh Phú sẽ vịn nhau sống trong tháng ngày còn lại”. Mọi người mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau và nhìn vào gương mặt tự tin pha chút kiêu hãnh của hai con người tìm gặp nhau trong gấp gửi muộn màng. Sếp Nguyễn phá vòng vây bối rối: “Thật bất ngờ, các vị làm cho tôi bất ngờ quá!” và sếp cũng buột miệng nói luôn: “Lòng người còn chứa đựng biết bao nhiêu điều bất ngờ huống chi là lòng... đất!”.

 

 

3

 

Lòng đất nông sâu sôi sục âm ỉ ra sao Hạnh không rõ nhưng bầu trời xám một màu chì, sà thấp, trút nước rào rào. Mưa kéo dài gần một giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu tạnh. Sấm chớp nhoang nhoáng kéo theo chuỗi chuỗi âm thanh đì đùng và những tiếng nổ chát chúa làm rùng rình mặt đất. Hạnh nghe tiếng khóc thét của trẻ con vọng ra từ một ô cửa sổ nào đó bên tòa nhà đối diện. Cô sốt ruột con gái ở nhà một mình. Lúc nhỏ, mỗi lần nghe tiếng sấm, nó ghì chặt mẹ. Chỉ khi được mẹ ôm chặt vào lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng: “Có mẹ, không sao đâu con!”, nó mới bình tĩnh trở lại. Hạnh lật đật lên xe, tạt qua quầy bán thuốc bên đường mua cái áo đi mưa dùng một lần, tròng vào người rồi vội chạy về nhà trong gió mưa buốt lạnh.

 

Con gái Hạnh lóng nhóng chờ mẹ nơi cửa. Vừa kéo cánh cửa sắt, nó vừa nói: “Con gọi cho mẹ nhiều lần không được. Mưa gió sấm chớp như vầy sao mẹ không ở công ty đợi mưa tạnh!” Nhìn ánh mắt lo lắng của con gái, Hạnh biết cái vỏ bọc lạnh lùng của nó chứa đựng một trái tim đa cảm, yêu thương. Hạnh cởi bỏ tấm áo mỏng dính, cơn lạnh chạy rùng rùng từ chân tóc cho đến đôi bàn chân bợt bạt ngâm trong đôi giày sũng nước. Con gái lật đật lấy chiếc khăn lông đưa cho mẹ. Hạnh lấy khăn lau đầu tóc mặt mũi rồi vào phòng tắm tắm lại bằng nước nóng. Khi ra khỏi phòng tắm, cô thấy con gái bưng hai tô mì tôm bốc khói đặt trên bàn ăn. Nó nói: “Mình ăn mì đi mẹ, khỏi nấu nướng gì, tối có đói thì mình đi tìm cái gì đó ăn!”. Hạnh nhìn con gái, cười trêu: “Lần đầu tiên mẹ được ăn tô mì ngon như vầy. Hèn gì trời mưa dai dẳng...”. Tối, hai mẹ con Hạnh không ra đường. Sau cơn mưa, mặt đường trước mặt chung cư mẹ con Hạnh ở chìm hẳn dưới nước. Nhiều chiếc xe tắt máy không chạy được khiến chủ nhân phải nhảy xuống nước còng lưng đẩy, mặt nước sóng sánh trườn lên mặt phố mặt nhà. Từ chỗ ở trên tầng ba nhìn xuống, Hạnh thấy cảnh tượng giống như mùa nước nổi thị thành. Cái màu vàng bông điên điển của đồng nước được thay bằng cái màu xám xịt của khói xe và nhộn nhạo người người. Khi nước rút, mặt đường lộ ra thì trời đã khuya. Hai mẹ con nhai sạch một đĩa trái cây và xem hết hai tập phim Hàn. Truyện phim giản đơn, dẫn dắt dài dòng, hình ảnh đơn điệu nhưng tâm trạng được diễn rất thật. Thật đến nỗi, Hạnh thấy mình trong nhân vật bà mẹ trên phim, một bà mẹ loay quay xoay xở, nhiều lúc hụt hơi vì mải đuổi theo những giấc mơ đứt nối của mình.

Con gái ôm gối lò dò sang giường Hạnh. Đã lâu hai mẹ con không ngủ chung giường. Nó chui vào mùng, nhẹ nhàng nằm xuống cạnh mẹ. Hạnh thấy tim mình đập mạnh. Cô muốn quay sang ôm con nhưng rồi nỗi sợ mơ hồ thoáng đến. Cô sợ con gái đã quên cái mùi của mẹ, quên hơi ấm của mẹ, như chính Hạnh, cô cũng không còn nhớ nổi cái mùi của mẹ. Cô đánh mất nỗi khao khát được ôm từ lúc cô thành thiếu nữ, lúc cô dối mẹ để hẹn hò lần đầu và cũng lần đầu cô không đủ thành thật để thú tội với mẹ. Lần khuất tất đó không ngờ đã trở thành một vách ngăn, một khoảng cách giữa hai mẹ con không sao xóa được. Hạnh nằm im vờ như đang ngủ. Rất dịu dàng cô nhận ra cánh tay con gái quàng qua lưng mẹ, rồi cô cảm nhận cái hình hài máu thịt đang ôm riết mình và đang thuộc về mình. Cũng rất dịu dàng, tình mẹ con ấm áp miên man lan tỏa và lấn át tất cả: cô đơn, tuổi tác, bệnh tật; sự lãng quên; lấn át cả nỗi sợ khối thiên thạch khổng lồ đang lơ lửng đâu đó, sợ cái rùng mình bất thần của vũ trụ... Hạnh cựa mình và quay lại ôm chặt con gái, để cái đầu của nó rúc vào ngực mình. Cái di động đặt trên đầu giường chợt reo. Vòng tay con gái ôm chặt mẹ hơn. Chuông điện thoại reo thêm hai lần nữa. Hạnh nhoài ra khỏi vòng ôm con gái. Cô áp cái di động vào tai. Không phải là Tứ mà là Đỗ: “Anh vừa về khi chiều, mưa quá chưa đến thăm em được!”. Hạnh tắt điện thoại. Cảm xúc đầy ắp mới đây chợt như một cơn gió ngập ngừng giây lát rồi thoát ra khỏi căn nhà mẫu tử. Con gái trở thế, nó nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng, bất động. Hạnh cũng nằm bất động, chỉ còn cựa quậy ý nghĩ về Tứ, dù lúc đó cô chỉ muốn quay lại với con, kéo con vào lòng, ôm siết và nói: “Mẹ chỉ cần có con, con là tất cả đối với mẹ!”. Chợt, cô nghe giọng nói con gái, cái giọng của một người trưởng thành: “Chú ấy vẫn không gọi cho mẹ à?”. Hạnh nhận ra đó là câu hỏi bất an. Bất an cho cô và bất an đối với sự an lành của con bé. Rồi nó xoay người, bật ngồi thẳng dậy và kéo mẹ ngồi theo. Nó nhìn thẳng vào mắt Hạnh: “Mẹ... cố quên chú ấy đi!”. Không chờ câu trả lời, không nhìn thần thái của mẹ, nó xuống giọng, nói như năn nỉ: “Mẹ... mẹ cố nối lại với ba đi!”. Cả hai yêu cầu của con gái, đối với Hạnh, cũng khó như hái sao trên trời. Điều đó còn có nghĩa là cô phải khước từ cái quyền được sống, dù sống phải gia cố nhọc nhằn như Nguyễn, sống hối hả như Hoàng, sống gấp gửi muộn màng như Nguyệt như Phú hay sống ân cần chu đáo như Đỗ... cô sẽ tiếp tục tồn tại, sẽ sống nốt cuộc đời như mẹ, như bao nhiêu người đã sống, đang sống và sẽ sống; sống cuộc đời với cái ách nặng trĩu trên lưng. Nhưng giọng con gái nài nỉ và ánh mắt nó lại đầy quyền lực, thứ quyền lực cao hơn mọi quyền lực, quyền lực được trọn vẹn yêu thương. Anh mắt nó lướt nhanh về phía bức chân dung của Tứ, nụ cười của Tứ. Anh mắt có sức mạnh của cơn lốc. Hạnh lật đật vươn tay về phía bức chân dung, xoay mặt Tứ vào tường. Con gái lại tiếp tục phát huy quyền năng. Nó cầm điện thoại bấm sẵn số máy và đưa cho Hạnh: “Mẹ gọi cho ba đi, gọi ngay đi mẹ!”. Như bị thôi miên, Hạnh nói không cần biết đến tín hiệu từ người nghe, nói liên tục, rằng, thiên tai, dịch bệnh có thể ập đến bất kể lúc nào; rằng đã đến lúc không thể sống cho riêng mình mà phải sống vì cái sinh linh mà mình đã tạo ra, phải sống vì con gái... Hạnh nói một mạch, mệt lả như không còn sức để nói, không còn hơi để thở. Chợt cô nghe tiếng nói từ điện thoại bên kia nhưng không phải là tiếng Hội mà là của một người đàn bà. Chị ta, từ tốn, nhẹ nhàng: “Xin lỗi chị, đã muộn rồi, anh Hội
đang ngủ!”.

Hạnh và cả con gái nữa, đều nhận ra đã muộn. Ngay cái động tác đưa tay xoay bức chân dung của Tứ trở về vị trí cũ cô cũng không sao thực hiện được. Tất cả như vuột khỏi tầm tay Hạnh, cả nụ cười của Tứ, môi anh sẽ không còn nở được nụ cười, dù là nụ cười từ bức chân dung.

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86998


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận