CHƯƠNG 16
“Ngài Littmus mới chỉ là một thiếu niên khi trận chiến Fort Sumter nổ ra,” bà Franny bắt đầu câu chuyện.
“Fort Sumter?” tôi hỏi lại.
“Trận chiến ở Fort Sumter đã khơi mào cuộc nội chiến,” Amanda nói.
“Được rồi,” tôi nhún vai.
“Chà, ngài Littmus lúc bấy giờ mới mười bốn tuổi. Ông cao lớn và khỏe mạnh nhưng vẫn chỉ là một cậu bé. Cha của ông, Artley B. Block, đã đầu quân trước đó, và Littmus nói với mẹ rằng ông không thể cứ đứng ngoài nhìn miền Nam bị đánh, nên ông cũng phải tham gia chiến đấu.” Bà Franny nhìn quanh thư viện rồi thì thầm, “Đàn ông con trai luôn muốn chiến đấu. Họ luôn tìm cho mình một lý do để tham gia chiến tranh. Đó là điều đáng buồn nhất. Họ luôn có ý niệm rằng chiến tranh là cái gì đó rất vui. Và không một bài học lịch sử nào có thể thuyết phục họ khác đi được.”
“Dù sao thì ngài Littmus cũng gia nhập quân đội. Ông khai gian tuổi của mình. Đúng thế, như ta đã nói, ông là một thiếu niên cao lớn. Quân đội chấp nhận ông, thế là ngài Littmus ra trận, bỏ lại sau lưng mẹ và ba chị em gái. Ông ra đi để trở thành một anh hùng. Nhưng rồi ông nhanh chóng nhận ra sự thật.” Bà Franny nhắm mắt lại, lắc lắc đầu.
“Sự thật nào ạ?” Tôi hỏi.
“Cuộc chiến đó là địa ngục,” bà Franny nói, mắt nhắm nghiền. “Địa ngục hoàn toàn.”
“Địa ngục là một từ bậy,” Amanda nói. Tôi liếc trộm nó một cái. Mặt nó nhăn lại hơn cả bình thường.
“Chiến tranh,” bà Franny nói trong khi mắt vẫn nhắm, “cũng nên là một từ bậy.” Bà lắc đầu một lần nữa rồi mở mắt. Bà chỉ vào tôi rồi chỉ vào Amanda. “Cháu, cả hai cháu, đều không tượng tượng được đâu.”
“Không, bà ạ!” cả Amanda và tôi đồng thanh kêu lên. Chúng tôi nhìn nhau một cái thật nhanh rồi quay sang nhìn bà Franny.
“Các cháu không tưởng tượng được đâu. Littmus bị đói liên miên, luôn bị hành hạ bởi đủ loại sâu bọ, chấy rận. Vào mùa đông ông bị lạnh đến mức ông nghĩ mình sẽ đóng băng đến chết. Vào mùa hè, chà, không gì có thể tệ hơn chiến tranh vào mùa hè. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Thứ duy nhất khiến Littmus quên đi rằng mình bị đói, bị ngứa, hay bị nóng lạnh là khi ông bị kẻ thù nhắm bắn. Và ông đã bị bắn thật. Lúc đó ông vẫn chỉ là một đứa trẻ.”
“Ông có chết không?” tôi hỏi bà Franny.
“Trời ơi,” Amanda nhạo báng.
“Nếu lúc đó ông của ta bị giết chết,” bà Franny nói, “thì bây giờ ta đâu có ngồi đây mà kể chuyện này. Ta sẽ không tồn tại. Ông ấy phải sống, nhưng ông đã thay đổi để trở thành một người đàn ông khác hoàn toàn. Ông đi bộ trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Ông đi bộ từ Virginia về Georgia. Ông không có lấy một con ngựa. Không một ai có ngựa trừ những kẻ đến từ miền Bắc. Ông đã đi bộ suốt quãng đường ấy, thế nhưng khi ông trở về nhà, thì nhà đã không còn ở đó nữa.”
“Thế nó đâu rồi ạ?” tôi hỏi. Tôi không thèm quan tâm liệu Amanda có nghĩ rằng tôi ngu ngốc hay không. Tôi muốn biết câu trả lời.
“Sao chứ,” bà Franny kêu lên to đến mức khiến cả Winn-Dixie, Amanda Wilkinson và tôi đều nhảy dựng lên, “những kẻ đến từ miền Bắc đã đốt cháy nó! Đúng thế, đốt cháy thành tro bụi.”
“Những người chị em của ông thì sao?” Amanda hỏi. Nó đi quanh bàn rồi ngồi xuống sàn nhà, ngước lên nhìn bà Franny. “Chuyện gì đã xảy ra với họ?”
“Chết. Chết vì sốt thương hàn.”
“Ôi không,” Amanda kêu lên khe khẽ.
“Còn mẹ ông?” tôi thì thầm.
“Cũng chết.”
“Còn bố ông?” Amanda hỏi. “Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy?”
“Ông chết trên chiến trường.”
“Littmus trở thành mồ côi?” tôi hỏi.
“Đúng thế, Littmus thành trẻ mồ côi.”
“Câu chuyện buồn quá,” tôi nói với bà Franny.
“Chắc chắn là như thế,” Amanda nói. Tôi ngạc nhiên rằng nó cũng có thể đồng ý với tôi về một điều gì đó.
“Ta vẫn chưa kể xong đâu,” bà Franny lên tiếng.
Winn-Dixie bắt đầu ngáy, và tôi phải lấy chân huých nó để bắt nó im lặng. Tôi muốn nghe nốt phần còn lại của câu chuyện. Tôi cần phải biết ngài Littmus đã sống sót như thế nào sau khi đánh mất tất cả những gì ông yêu quý.
CHƯƠNG 17
“Ngài Littmus trở về nhà sau chiến tranh,” bà Franny tiếp tục kể, “và nhận ra rằng mình chỉ còn một mình. Ông ngồi xuống nơi đã từng là bậc trước của ngôi nhà, và khóc, khóc mãi. Ông khóc như một đứa trẻ. Ông nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ những người chị em của mình và nhớ cả chính mình khi vẫn còn là một cậu bé. Cuối cùng ông cũng thôi khóc, và ông có một cảm giác hết sức lạ lùng. Ông thèm đồ ngọt. Ông muốn một que kẹo. Đã hàng năm trời ông không được ăn cái kẹo nào. Ngay lập tức ông đưa ra quyết định. Littmus W. Block nhận ra rằng thế giới là nơi đau thương với quá nhiều điều xấu xa, nên điều ông sắp sửa làm là mang một chút vị ngọt vào trong đó. Ông lại đi bộ đến Florida, và trên suốt chặng đường, ông vẽ ra cho mình một kế hoạch.”
“Kế hoạch gì ạ?” tôi hỏi.
“Kế hoạch về một nhà máy sản xuất kẹo.”
“Rồi ông có xây nó không?” tôi hỏi.
“Dĩ nhiên là có. Nó vẫn còn ở đó bên bờ sông Fairville.”
“Cái tòa nhà cũ kỹ đấy á?” Amanda kêu lên. “Cái tòa nhà to lớn bị ma ám đấy á?”
“Nó không bị ma ám,” bà Franny nói. “Đấy là nơi sản sinh ra của cải gia đình ta. Tại đó cụ của ta đã sản xuất ra Littmus Lozenge, thương hiệu kẹo nổi tiếng toàn thế giới.”
“Cháu chưa bao giờ nghe cái tên đó,” Amanda nói.
“Cháu cũng vậy,” tôi đế vào.
“Chà,” bà Franny giải thích, “họ không còn sản xuất loại kẹo đó nữa. Người ta dường như mất đi sự thèm khát những cái kẹo Littmus Lozenge. Nhưng ta vẫn còn một vài chiếc.” Bà mở ngăn kéo trên cùng của chiếc bàn, nó đầy kẹo. Bà mở ngăn kéo bên dưới, nó cũng đầy kẹo. Cả cái bàn của bà Franny Block ngập tràn kẹo.
“Các cháu có muốn thử một cái Littmus Lozenge không?” Bà hỏi tôi và Amanda.
“Có chứ ạ,” Amanda trả lời.
“Chắc chắn rồi,” đến lượt tôi. “Liệu Winn-Dixie có thể có một cái được không?”
“Ta chưa từng thấy con chó nào có hứng thú với kẹo cứng, nhưng nếu muốn, nó có thể thử.”
Bà Franny đưa cho Amanda một cái Littmus Lozenge và cho tôi hai. Tôi bóc một chiếc đưa cho Winn-Dixie. Nó ngồi dậy, khịt mũi, vẫy đuôi và lấy cái kẹo từ giữa hai ngón tay tôi hết sức nhẹ nhàng. Nó cố gắng nhai, và khi thấy không hiệu quả gì, nó nuốt chửng luôn cái kẹo. Rồi nó lại vẫy đuôi với tôi và nằm xuống.
Tôi ăn chiếc kẹo Littmus Lozenge của mình một cách từ tốn. Nó khá ngon, có vị bia rễ cây pha lẫn dâu tây và một cái gì đó khác. Tôi không gọi tên nó được, nhưng đó là thứ khiến tôi tự nhiên cảm thấy buồn. Tôi nhìn Amanda. Nó đang ngậm cái kẹo của mình đầy vẻ suy tư.
“Cháu có thích không?” bà Franny hỏi tôi.
“Có bà ạ,” tôi trả lời.
“Còn cháu thì sao, Amanda? Cháu có thích Littmus Lozenge không?”
“Có ạ, nhưng nó khiến cháu nghĩ đến những thứ làm cháu buồn.”
Tôi tự hỏi trên đời này có thứ gì có thể khiến Amanda cảm thấy buồn. Nó không phải người mới ở thị trấn. Nó có bố mẹ, tôi đã thấy nó đi cùng họ ở nhà thờ.
“Có một thành phần bí mật ở trong đó,” bà Franny nói.
“Cháu biết,” tôi nói với bà. “Cháu có thể cảm nhận hương vị của nó. Nó là gì ạ?”
“Sự buồn phiền,” bà Franny trả lời. “Không phải ai cũng có thể cảm nhận nó. Đặc biệt là trẻ con rất khó nhận ra sự tồn tại của chúng.”
“Cháu nhận ra nó,” tôi nói.
“Cháu cũng vậy,” đến lượt Amanda.
“Vậy thì,” bà Franny, “rất có thể hai cháu có nỗi buồn của riêng mình.”
“Cháu phải rời Watley và bỏ lại tất cả những người bạn của mình,” tôi nói. “Đó là một nỗi buồn của cháu. Rồi Dunlap và Stevie cũng luôn luôn trêu chọc cháu nữa. Và quan trọng nhất, nỗi buồn lớn nhất là mẹ đã bỏ cháu từ khi cháu còn bé xíu. Cháu chẳng nhớ gì về mẹ cả; cháu luôn hy vọng có thể gặp lại mẹ và kể chuyện cho mẹ nghe.”
“Nó khiến cháu nhớ về Carson,” Amanda nói như thể sắp khóc vậy. “Cháu phải đi đây.” Nó đứng dậy gần như là vụt chạy ra khỏi Thư viện Tưởng niệm Herman W. Block.
“Carson là ai vậy?” tôi hỏi bà Franny.
Bà chỉ lắc đầu. “Sự ưu phiền,” bà nói. “Đây là một thế giới đầy những ưu phiền.”
“Nhưng làm thế nào mà bỏ nỗi ưu phiền vào trong kẹo được ạ?” Tôi hỏi. “Làm thế nào để cho kẹo có vị buồn phiền?”
“Đó là một bí mật. Đó là lý do tại sao Littmus trở nên giàu có. Ông sản xuất ra một loại kẹo cùng một lúc có vị vừa ngọt vừa buồn.”
“Cháu có thể lấy một cái cho bà Gloria Dump bạn cháu được không ạ? Một cái cho bác Otis ở cửa tiệm thú cưng Gertrude nữa? Một cái khác cho ngài mục sư? Và một cái nữa cho Sweetie Pie?”
“Cháu có thể lấy bao nhiêu tùy thích.”
Thế là tôi nhét kẹo Littmus Lozenge đầy túi mình và cảm ơn bà Franny vì câu chuyện. Tôi lấy quyển Cuốn theo chiều gió (nó là một quyển sách rất to) và gọi Winn-Dixie dậy. Hai chúng tôi rời khỏi thư viện đi đến khu vườn của bà Gloria Dump. Tôi đạp xe ngang qua nhà Dewberry. Dunlap và Stevie đang chơi bóng ở sân trước và tôi chuẩn bị sẵn tinh thần để hét lên với chúng; nhưng rồi tôi nghĩ đến lời của bà Franny, rằng chiến tranh là địa ngục, và tôi nghĩ đến điều bà Gloria Dump nói, rằng không nên quá khắt khe với chúng, nên tôi chỉ vẫy tay với chúng. Chúng đứng đó nhìn tôi chằm chằm, nhưng khi tôi gần đi khuất, tôi thấy Dunlap giơ tay lên vẫy chào lại.
“Chào,” nó hét lớn. “Chào, Opal.”
Tôi vẫy mạnh hơn và nghĩ về Amanda Wilkinson, về việc rõ ràng là nó cũng thích những câu chuyện hay như tôi vậy. Và tôi lại tự hỏi... Carson là ai?
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !