Chương 23 Langdon nghe ra sắc thái ngờ vực trong giọng Sato, và anh chẳng mong muốn điều đó chút nào. Một hình xăm nữa.
Langdon lo lắng ép sát mình bên cạnh bàn tay đã duỗi ra của Peter và xem xét bảy biểu tượng nhỏ xíu giấu kín bên dưới những ngón tay co quắp không còn sinh khí.
- Hình như là các con số, - Langdon nói vẻ ngạc nhiên - Mặc dù tôi không nhận ra chúng.
- Nhóm đầu tiên là một số La Mã, - Anderson góp ý.
- Thực tình tôi không nghĩ vậy, - Langdon đính chính - Không hề có số La Mã I-I-I-X. Nếu viết đúng phải là V-I-I.
- Thế phần còn lại thì sao? - Sato hỏi.
- Tôi không chắc. Trông như là tám-tám-năm trong số Ả-rập vậy.
- Số Ả rập à? - Anderson hỏi - Trông chúng giống các con số thông thường.
- Các số chúng ta thường dùng chính là số Ả-rập - Langdon quen với việc phải giải thích điều này cho sinh viên của mình đến nỗi anh đã chuẩn bị hẳn một bài giảng về những tiến bộ khoa học của các nền văn hoá Trung Đông xưa kia, một trong những tiến bộ đó là hệ thống chữ số hiện đại của chúng ta, với nhiều ưu điểm hơn hẳn chữ số La Mã, chẳng hạn phát minh ra con số 0 và xây dựng được “hệ đếm theo vị trí”. Dĩ nhiên, Langdon luôn kết thúc bài giảng với một câu nhắc nhở rằng cũng chính nền văn hoá Ả-rập đã cống hiến cho nhân loại từ al-kuhl, thứ đồ uống mà các tân sinh viên Harvard ưa chuộng và thường biết đến với tên gọi rượu.
Langdon xem xét kỹ hình xăm, cảm thấy rất khó hiểu.
- Tôi thậm chí còn không, chắc lắm về con số tám-tám-năm. Kiểu viết vuông vức trông rất lạ mắt. Có lẽ không phải là các con số.
- Vậy chúng là gì chứ? - Sato hỏi.
- Tôi không chắc. Toàn bộ hình xăm trông rất giống kiểu chữ… rune(40).
- Nghĩa là sao? - Sato hỏi.
- Hệ thống chữ cái rune chỉ bao gồm những đường thẳng. Các chữ viết đó được gọi là chữ rune và thường được dùng để khắc lên đá bởi vì các đường cong rất khó chạm khắc.
- Nếu đây là văn tự rune thì nghĩa của chúng là gì? - Sato hỏi.
Langdon lắc đầu. Kiến thức của anh cũng chỉ giới hạn ở bảng chữ cái rune cơ bản nhất là Futhark - một hệ thống chữ của người Giéc-manh thế kỷ thứ III - nhưng đây không phải là chữ Futhark.
- Thật tình, tôi thậm chí còn chưa dám chắc đây là chữ rune. Các vị cần hỏi một chuyên gia. Có hàng chục hình thức khác nhau như Halsinge(41), Manx(42), hay chữ chấm Stungnar…
- Peter Solomon là một hội viên Tam điểm, phải không?
Langdon tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Phải, nhưng chuyện đó thì liên quan gì đến chuyện này? - Anh đứng thẳng lên, cao hơn hẳn người phụ nữ nhỏ bé.
- Ông cứ trả lời tôi đi. Ông vừa nói rằng các chữ cái rune được sử dụng để chạm lên đá, và theo tôi biết thì thành viên của Hội Tam điểm nguyên thuỷ là những người thợ đá. Tôi nói đến điều này là vì khi tôi yêu cầu văn phòng tìm kiếm mối liên hệ giữa Mật Thủ và Peter Solomon, kết quả của họ dẫn tới một mối liên hệ cụ thể - Bà ta dừng lại, như để nhấn mạnh ý nghĩa của những điều vừa khám phá - Hội Tam điểm.
Langdon thở hắt ra, cố kìm để khỏi nói thẳng với Sato những điều mà anh phải liên tục nhắc nhở sinh viên của mình: “Google” không có nghĩa là nghiên cứu, vào thời buổi mà việc tìm kiếm thông tin bằng các từ khoá ồ ạt, và phổ biến như hiện nay thì dường như mọi thứ đều có liên hệ với nhau. Thế giới đang trở thành một mạng lưới thông tin đan xen nhau và càng lúc càng trở nên dày hơn.
Langdon kiên nhẫn nói.
- Tôi không ngạc nhiên khi Hội Tam điểm xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của nhân viên bà. Hội Tam điểm là một mắt xích rất rõ rệt giữa Peter Solomon và bất kỳ chủ đề bí ẩn nào.
- Phải, - Sato đáp, - đó là một lý do nữa khiến tôi ngạc nhiên, bởi buổi tối hôm nay ông chưa hề nhắc đến Hội Tam điểm. Sau hết, ông vừa giảng giải về những tri thức bí mật dành cho một thiểu số được khai sáng. Nghe có vẻ rất Tam điểm, phải không nhỉ?
- Đúng vậy… và nó cũng rất Rosicrucian(43), Kabbalistic(44), Alumbrados, hay bất kỳ hội kín nào.
- Nhưng Peter Solomon là một hội viên Tam điểm, một hội viên rất có thế lực là đằng khác. Dường như các hội viên Tam điểm đều sẽ rất quan tâm nếu chúng ta nói về các bí mật. Ai chẳng biết rằng Hội Tam điểm rất thích những bí mật.
Langdon nghe ra sắc thái ngờ vực trong giọng Sato, và anh chẳng mong muốn điều đó chút nào.
- Nếu bà cần thông tin gì về Hội Tam điểm, tốt hơn cả là nên trực tiếp hỏi một hội viên của họ.
- Thực ra tôi lại thích hỏi người tôi tin tưởng hơn, - Sato đáp.
Đối với Langdon, câu nói ấy vừa ngu ngốc vừa khiêu khích.
- Tôi xin mở ngoặc, thưa bà, toàn bộ triết lý Tam điểm được xây dựng trên cơ sở lòng trung thực và chính trực. Các hội viên Tam điểm là những người đáng tin cậy nhất mà bà có thể gặp được.
- Tôi thì lại thấy bằng chứng rất thuyết phục chứng minh ngược lại.
Langdon càng lúc càng không ưa Giám đốc Sato. Sau nhiều năm viết về truyền thống mô tả bằng hình tượng mang tính ẩn dụ và các biểu tượng của Hội Tam điểm, anh biết rằng hội này luôn là một trong những tổ chức bị hiểu sai và vu khống một cách thiếu công bằng nhất trên thế giới. Họ thường xuyên bị quy kết cho đủ thứ chuyện, từ thờ cúng quỷ dữ tới âm mưu lập một chính phủ cai trị toàn thế giới, nhưng chính sách của họ là không bao giờ phản ứng lại những kẻ chỉ trích mình, để tránh phải trở thành một mục tiêu dễ công kích.
- Nói gì thì nói, - Sato tiếp tục, giọng chua cay - chúng ta lại đi vào ngõ cụt, thưa ông Langdon. Dường như ông đã bỏ sót… hoặc giấu giếm tôi điều gì đó. Cái gã mà chúng ta đang phải đối phó bảo rằng Peter Solomon chọn riêng ông mà thôi - Bà ta ném cho Langdon một cái nhìn lạnh lẽo - Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta chuyển cuộc nói chuyện này về tổng hành dinh CIA. Biết đâu ở đó chúng ta lại gặp may hơn.
Lời doạ dẫm của Sato chẳng đe doạ nổi Langdon, nhưng lại tác động đến dòng suy tưởng của anh. Peter Solomon chọn riêng ông mà thôi. Câu nói này, kết hợp với chi tiết đề cập đến Hội Tam điểm, bỗng khiến Langdon giật mình. Anh nhìn xuống chiếc nhẫn trên ngón tay Peter. Chiếc nhẫn là một trong những vật sở hữu giá trị nhất của Peter - một vật gia bảo của dòng họ Solomon, mang biểu tượng phượng hoàng hai đầu - biểu tượng tối mật cho tri thức của Hội Tam điểm. Cái nhẫn vàng lóe sáng trong ánh đèn, gợi lại một ký ức bất ngờ.
Langdon sững sờ khi nhớ lại tiếng thì thào kỳ quái của kẻ bắt giữ Peter: Thật sự thì nó vẫn chưa hé mở gì với ông à? Tại sao ông lại được chọn nhỉ? Trong một khoảnh khắc kinh hoàng, mọi ý nghĩ của Langdon chợt tập trung lại, và màn sương được vén lên.
Ngay lập tức, mục đích khiến anh có mặt ở đây trở nên sáng rõ như ban ngày.
***
Cách đó mười dặm trên đường Suitland Parkway, trong lúc lái xe về phía nam. Mal’akh nghe thấy tiếng rung rõ rệt trên mặt ghế cạnh gã. Đó là chiếc iPhone của Peter Solomon, một thứ tỏ ra rất đắc dụng ngày hôm nay. Ảnh người gọi hiện trên màn hình, một phụ nữ trung niên quyến rũ với mái tóc đen dài.
KATHERINE SOLOMON ĐANG GỌI
Mal’akh mỉm cười, phớt lờ cuộc gọi. Số phận đang đưa ta lại gần hơn.
Gã đã lừa được Katherine Solomon tới nhà mình vào chiều nay chỉ vì một lý do - để xác định xem cô có thông tin gì giúp được cho gã không… có lẽ là một bí mật gia đình có thể giúp Mal’akh xác định được thứ gã tìm kiếm. Tuy nhiên, rõ ràng là anh trai Katherine đã chẳng nói gì với cô về những gì ông ta đang bảo vệ suốt nhiều năm qua. Thế nhưng Mal’akh lại biết được một điều khác từ Katherine. Một điều khiến cô phải mất vài tiếng cuộc đời trong ngày hôm nay.
Katherine đã xác nhận với gã rằng toàn bộ công trình nghiên cứu của cô nằm ở một địa điểm, cất giữ an toàn trong phòng thí nghiệm của cô.
Ta phải phá huỷ nó.
Nghiên cứu của Katherine rất có khả năng mở ra một cánh cửa hiểu biết mới, và một khi cánh cửa ấy chỉ hé ra thôi, những người khác sẽ tiếp bước. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi mọi thứ thay đổi
Ta không thể để chuyện đó xảy ra. Thế giới phải nguyên trạng như nó vẫn thế… mông lung trong bóng tối ngu dốt.
Chiếc iPhone phát tín hiệu báo Katherine vừa gửi tới một thư thoại. Mal’akh nhận tin.
- Anh Peter, vẫn là em đây - Giọng Katherine nghe đầy lo lắng - Anh ở đâu vậy? Em đang nghĩ về cuộc trò chuyện của em với bác sĩ Abaddon… và em rất lo. Mọi thứ vẫn ổn chứ? Hãy gọi cho em. Em ở phòng thí nghiệm.
Thư thoại kết thúc.
Mal’akh mỉm cười. Katherine nên lo cho bản thân thay vì anh trai mụ. Gã ngoặt khỏi đường Suitland Parkway để sang phố Silver Hill.
Đi thêm chưa đầy một dặm nữa, trong bóng tối, gã nhận ra đường nét mờ mờ của toà nhà SMSC nép mình dưới bóng cây dọc đại lộ phía bên tay phải gã. Toàn bộ quần thể được bao quanh bởi một hàng rào thép gai cao ngất.
Một toà nhà được bảo vệ ư? Mal’akh cười thầm. Sẽ có người mở cửa cho ta vào.
Chú thích:
(40) Hệ chữ cái rune là một tập hợp những chữ cái có liên hệ với nhau dùng để viết nhiều ngôn ngữ Giéc manh khác nhau trước khi có hệ chữ cái La tin, từng được sử dụng ở Bắc Âu, Anh, bán đảo Scandinavia, và Iceland từ khoảng thế kỷ III đen thề kỷ XVII - ND.
(41) Hệ chữ cái rune rút gọn, chủ yếu tìm thấy trong các văn bia có niên đại vào thế kỷ X đến XII ở vùng Halsingland thuộc Thuỵ Điển. Hệ chữ này dường như là dạng đơn giản hoá của chữ rune Rok ở Thuỵ Điển - Na Uy và không có các nét đứng - ND.
(42) Manx là một ngôn ngữ Goidelic, có liên hệ gần gũi với ngôn ngữ Xen-tơ ở Ireland và Scotland - ND.
(43) Rosicrucianism (Hội Thập tự Hoa hồng) là thuyết thần học của một hội kín thần bí, hình thành ở Đức thời kỳ Trung cổ muộn, với học thuyết “xây dựng dựa trên những chân lý bí truyền của quá khứ cổ xưa”, những thứ “được giữ kín trước người phàm, đem lại sự hiểu biết về tự nhiên, vũ trụ vật chất và lĩnh vực tinh thần” - ND.
(43) Kabbalah (nghĩa là “tiếp nhận”) là một nguyên tắc và trường phái tư tưởng liên quan đến khía cạnh bí truyền của Do Thái giáo. Nó là một tập hợp những lời răn bí truyền nhằm giải thích mối quan hệ giữa một Đấng Sáng tạo toàn năng, bất tử với cái vũ trụ hữu hạn và có sinh có diệt do Ngài tạo ra. Kabbalah tìm cách định nghĩ bản chất của vũ trụ và con người, bản chất và mục đích của tồn tại, và nhiều câu hỏi khác. Nó cũng thể hiện phương pháp giúp hiểu những khái niệm này - ND.