Đứng trước ngôi nhà trống hoác, lạnh lẽo, nó thấy mình như bị đông cứng lại.
Người mẹ đâu rồi? Và đứa trẻ nữa? Nó đã chào đời chưa? Họ đi đâu? Tại sao họ lại bỏ đi? Sao nó không hay biết gì cả?
Nó đã bị bỏ rơi?
Ngôi nhà câm lặng, không một câu trả lời. Nó nấn ná rất lâu bên ngôi nhà ấy. Với chút hy vọng mong manh… Đứa trẻ sẽ được đưa từ nhà hộ sinh về, sạch sẽ thơm tho. Những giày xinh. Mũ xinh. Quần áo trắng tinh. Miệng thơm mùi sữa. Đầu óc trong veo. Và nó sẽ có một khởi đầu mới…
Nhưng mặc nó có đợi đến bao lâu, cũng sẽ chẳng có một ai trở về được nữa. Họ đã bị tai nạn. Bản tin tối hôm trước phát trên truyền hình, nó không để ý. Năm thanh niên đang say máu trong cuộc đua xe, quệt phải cặp vợ chồng đang trên đường đến nhà hộ sinh. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay, nhưng người mẹ đã tắt thở. Đứa trẻ bị sặc nước ối, chết ngay từ trong bụng mẹ.
Nó đã không hề biết đến điều này.
Và nó tự phải hiểu ra rằng, thực ra ngay cả những việc nó đã tính chắc, thì cũng chẳng có gì đảm bảo cả.
Cảm giác bị bỏ rơi khiến nó tê tái.
Hội những người thích tự do - 1
- Thôi, bỏ hết đấy! - “Lò lửa” sùng sục lao đến. Vẫn giày đỏ, áo hai dây đỏ, túi xách đỏ kẹp bên nách. - Đi chỗ này với tao một tí.
- Mày thật là… - Phong càu nhàu, khó chịu ra mặt - Cả ngày không thấy đâu. Lúc người ta đang bận thì…
- Bận… bận! Mày biết đặc điểm của dân thành thị là gì không? Bận rộn là câu cửa miệng và buồn chán là bệnh kinh niên.
- Tao bận thật mà.
- Thì tao đâu có bảo mày nói dối.
- Cãi nhau với mày cứ tức anh ách ấy.
- Thôi, đứng dậy, thay quần áo đi. Bỏ em Hạ của mày ở đấy. Em ấy tự phải biết cách xoay xỏa. Chả ai lo cho ai được đâu. Mỗi người có cuộc sống của mình và phải tự biết cách chịu trách nhiệm về cuộc sống ấy.
Phong phì cười.
- Hóa ra mày cũng biết tuôn ra những câu sặc mùi công thức ấy. Nói thế hóa bằng chả nói nữa cho xong.
Diệp toét miệng:
- Thì ở lâu với mày cũng bị nhiễm thôi. Nhưng tao thấy em Hạ của mày cần thay đổi không khí một chút. Năm, sáu năm ở Thành phố tôi luyện con người ta nhiều hơn mày nghĩ đấy. Mày thử nhìn lại chính mày mà xem. Hồi còn học phổ thông, mày bị mẹ bắt ra chợ mua rau. Khi ấy mày thế nào. Mày sợ như nửa đêm phải ra bãi tha ma. Người gặp người sao mà phải sợ. Ấy vậy mà mày nhìn ai ngoài chợ cũng như phường trộm cắp. Bà bán thịt nào cũng như muốn cắt tiết mày. Mày còn nhớ không? Mày chạy vào nhà tao, bắt tao đi chợ cùng. Mua xong mớ rau với ít tôm, mày dắt tao chạy ngay ra khỏi chợ, mặt mũi tái mét. Có tao với mày đây, không thì lại bảo tao bịa.
- Ờ… thì…
- Đã nói, tao nói luôn cho hết cơn. Ngày ấy mày thấy đám đông thì co rúm lại. Tim đập chân run. Bây giờ thì sao? Mày cãi tay bo với con mụ bán gạo vì bán cho mày gạo mốc. Mày tát vào con mẹ ăn xin giả vờ mù lòa, lừa lúc mày quay đi, thó mất cái ví trên bàn. Nói thật nhé. Tao thích mày như bây giờ. Nó thực tế hơn. Nói chung mình phải sống là mình và vì mình. Tự do muôn năm!
- Thôi được rồi. Tao đi với mày. Nghe mày nói mệt
- Đấy, có thế chứ.
Diệp cười hả hê, đoạn lục tủ quần áo, chọn cho Phong một bộ váy màu tím nhạt.
- Hôm nay tiết trời mát mẻ, mày mặc bộ này được đấy.
- Lại còn thế nữa. Mày chỉ đạo tao khiếp quá.
Diệp chả buồn nghe Phong ca thán. Nó xuống sân, nổ máy, chờ Phong khóa cửa. Cũng chả nói là đi đâu, chỉ cắm đầu cắm cổ phóng đi như điên trên phố. Diệp ôm cứng lấy nó, nghe tiếng gió tiếng người ào ào thổi qua tai mà vãi
linh hồn.
Xe đỗ lại phải đến vài giây, Phong vẫn ngồi im vì đang còn ngây ngất với tốc độ. Diệp sốt ruột giục:
- Mẹ xuống đi cho con nhờ. Muốn ôm, tối về cho ôm thoải mái. Không những ôm, mà muốn làm gì đây cũng chiều luôn!
Giọng nó oang oác khiến cho cánh đàn ông ngồi gần đấy cười phá lên. Một gã người lòng khòng như sợi rau muống, đứng dậy - cất giọng à ơi:
- Có thiếu người ôm không mấy em?
Diệp trừng mắt:
- Ông anh định cướp bồ của thằng em đấy à?
Sợi rau muống trân trân nhìn hai đứa. Được thể Diệp kéo Phong vào sát người mình, thơm đánh choét vào má, giọng giả lả:
- Yêu em quá đi mất.
Phong định đẩy Diệp ra, thì bị nó cấu cho một cái
đau điếng.
Sợi rau muống thả người rơi phịch xuống ghế, mắt lấm lét nhìn Diệp. Phong nghe loáng thoáng tiếng mấy gã tặc lưỡi:
- Bọn này xăng pha nhớt mày ạ. Cái đám này dạo này ở đâu ra mà lắm thế, ở đâu cũng gặp. Mà trong ngon thế… đúng là phí của…
Hai đứa đi khuất vào thang máy, Diệp buông Phong ra, cười ngả nghiêng.
- Mày thấy đã chưa. Lũ đàn ông dê già. Bà thì bà tát nước vào mặt.
Phong vừa kịp hiểu ra trò đùa tai quái của Diệp. Nó chỉ còn biết tặc lưỡi nhìn con bạn vẫn trong cơn hưng phấn.
Trạng thái hưng phấn của Diệp còn có chiều hướng thăng hoa hơn khi thang máy mở ra, thả hai đứa ra một cái ban công cao chót vót. Nó ôm cứng lấy Phong, cười ha ha. Phong đứng chết trân giữa ban công lồng lộng gió. Vừa may có tiếng người gọi í éo:
- Diệp! Ở đây. Diệp!
Diệp buông Phong ra, tay quyệt nước mắt, nhìn ra.
- A, đây rồi. Nhà mình đây cả rồi. Lại đây mày. Chào cả nhà. Đây là bạn em. Phong. Còn đây, mày làm quen đi, Hội những người thích tự do.
Tám cặp mắt nhất tề nhìn xói vào Phong. Nó chợt thấy bủn rủn cả người.