Chương 5 Thương mẹ biết bao Hơn nửa tháng đã trôi qua kể từ ngày Thường quyết định hành động theo gương cậu bé xứ Florence. Thoạt đầu, Thường còn lo lắng, thấp thỏm nhưng rồi thấy mẹ chẳng phát giác ra, dần dần anh cảm thấy yên tâm. Và từng đêm, từng đêm, Thường vẫn lặng lẽ tiếp tục công việc của mình.
Bà Tuệ quả chẳng hay biết gì. Bận rộn và mệt mỏi trước các buổi dạy kế tiếp nhau, lại không mảy may ngờ vực, chẳng bao giờ bà để ý cái bài tập mà bà tiếp tục chấm vào sáng sớm hôm sau có thực là đã nằm kế ngay theo cái bài tập bà đã kết thúc vào tối hôm trước hay không. Hơn nữa, khi chấm bài giúp mẹ, Thường đã cố gắng bắt chước y hệt phong cách của mẹ, từ phương pháp cho điểm đến cách viết những con số với những nét móc mềm mại, cả những dấu gạch chéo bên dưới những phép tính sai.
Những ngày đó, Thường thật sự ngạc nhiên trước những cảm xúc kỳ lạ mà mình trải qua. Anh thấy dậy lên trong lòng một niềm vui lặng lẽ chưa từng biết. Mặc dù không đem lại cho mẹ những lợi ích vật chất cụ thể như cậu bé xứ Florence đã làm, nhưng Thường cũng nhận ra việc làm âm thầm của mình đã giúp mẹ có nhiều thời giờ hơn vào mỗi buổi sáng. Trước đây, sau khi thức dậy vào lúc năm giờ, bao giờ bà Tuệ cũng vội vã ngồi vào bàn và dán chặt mình ở đó, xem xét giáo án và tiếp tục chấm nốt các xấp bài cho kỳ hết để rồi chỉ kịp ăn uống qua loa trước khi lật đật ra khỏi nhà. Cũng có lúc, bài vở nhiều, bà vội vàng đến lớp mà chẳng có thời gian đụng đến chén cơm chiên Nhi đã đăt. sẵn trên bàn, cạnh tay bà.
Nhưng từ ngày Thường lén lút chia sớt một phần khối lượng công việc, bà Tuệ có tỏ ra thảnh thơi hơn chút đỉnh. Bà không còn bỏ bữa ăn sáng đạm bạc, điều thỉnh thoảng vẫn xảy ra trước đây. Thậm chí bà còn có được dăm mười phút ngắm mình trong gương, sửa lại mớ tóc rối hoặc bẻ lại cái cổ áo chưa được phẳng phiu, ngay ngắn, cũng như kịp dặn Nhi mặc thêm áo lạnh hoặc bảo Thường trưa đi học về ghé cửa hàng mua một món gia dụng lặt vặt nào đó.
Dĩ nhiên bà Tuệ không chú ý, cũng không có thì giờ để chú ý, những giây phút thư thả hiếm hoi kia từ đâu ra. Công việc và trách nhiệm đối với gia đình đã cuốn lấy bà như một cái đĩa quay cuốn lấy dây xích. Chỉ trừ khi bà bị đứt tung vì quá sức chịu đựng, còn thì bà chỉ biết tất bật quay theo những vòng quay lạnh lùng và cố định, không có đủ sức lực và thời gian để ngạc nhiên về bất cứ điều gì.
Thường là người hay lo nghĩ. Sự giáo dục nghiêm ngặt cũng như hoàn cảnh không may của gia đình đã tạo cho anh một tính cách như thế. Vì vậy, sự vô tâm của mẹ gây cho anh nhiều cảm giác trái ngược nhau. Vừa mừng vì không bị mẹ phát hiện, Thường vừa cảm thấy lo buồn vì điều đó quả thật trái với sự nhạy cảm xưa nay của mẹ. Anh hiểu nỗi lo toan cực nhọc đã khiến tâm trí mẹ chậm chạp hơn xưa. Càng nghĩ ngợi, Thường càng cảm thấy cần phải giúp đỡ mẹ và anh lại háo hức chờ đêm xuống để lẻn vào căn phòng làm việc thân thuộc, để thắp lên ngọn đèn dầu tù mù và ngồi đối diện hằng giờ với những bài tập chi chít những chữ số.
Thỉnh thoảng, Thường cũng gặp khó khăn, nhất là khi anh phải ngồi trước những bài tập của lớp mười một, lớp Thường đang học. Có những điều anh chưa nắm vững, thậm chí có những điều anh chưa học qua. Những lúc ấy, Thường phải tập trung đầu óc xem kỹ những bài giải đúng nhất, những bài mẹ đã chấm qua và cho tới điểm mười để ghi nhớ cách giải tối ưu nhất.
Mặc dù cẩn thận và chú tâm hết mức, đôi khi Thường không tránh khỏi nhầm lẫn, nhất là khi anh chấm những bài sau cùng, lúc mắt đã muốn díp lại mà lòng thì muốn nấn ná chấm thêm. Như mới đây, khi chấm các bài tập về giải bất phương trình mũ, không hiểu Thường trông gà hóa cuốc thế nào mà một bài giải đúng hoàn toàn lại bị anh cho điểm bốn.
Có lẽ Thường sẽ không hay biết gì về sai sót của mình nếu tối đó trong bữa ăn bà Tuệ không than thở:
- Lúc này mẹ bắt đầu lẩn thẩn rồi hay sao ấy! Một bài tập không thể nào chấm sai mà mẹ lại chấm sai! Đến khi học trò đứng dậy thắc mắc, mẹ mới biết!
Rồi bà thở dài, buồn bã:
- Trong đời dạy học, đây là lần đầu tiên mẹ bị học trò khiếu nại!
Hôm đó bà Tuệ buông đũa sớm. Có lẽ nỗi bứt rứt khiến bà không cảm thấy ngon miệng. Trong lúc đó, Thường cố tỏ ra bình tĩnh. Nhưng anh và cơm mà miệng nhạt thếch. Vẻ khổ tâm của mẹ khiến lòng anh quặn thắt. Anh hiểu, không phải mẹ lẩn thẩn mà chính anh lẩn thẩn. Chính sự nhầm lẫn tại hại của anh đã làm mẹ dằn vặt. Anh không ngờ để giúp đỡ mẹ, vô tình anh đã làm mẹ buồn lòng.
Tối đó, Thường nằm trằn trọc trên giường, lòng tràn ngập hối hận. Nửa khuya, anh thức dậy lần vào phòng làm việc của mẹ. Anh đến bên bàn với quyết tâm sẽ không để xảy ra sai sót lần thứ hai. Anh lại vớ lấy xấp bài trước mặt và lần này, trước khi hạ bút cho điểm, anh dò đi dò lại thật kỹ lưỡng.
Nhưng không phải Thường muốn là được. Một tuần lễ sau, tai họa lại ập đến. Lần này mọi chuyện xuất phát từ môn hình học với một đề toán cực kỳ đơn giản về phương pháp xác định tâm hình cầu ngoại tiếp tứ diện. Thường không hiểu tại sao anh lại quờ quạng đến mức có thể cho điểm chín một bài tập gần như vẽ sai hoàn toàn.
Sự vô ý của Thường dẫn đến việc lần thứ hai bà Tuệ bị học trò khiếu nại. Không phải nạn nhân may mắn của Thường khiếu nại mà là đứa ngồi cạnh. Bà Tuệ thuật lại tin đó trong bữa cơm và ngậm ngùi kết luận:
- Mẹ lẩm cẩm thật rồi! Chỉ trong vòng một tuần lễ, mẹ đã nhầm lẫn đến hai lần, lại là những nhầm lẫn sơ đẳng nhất!
Vẻ thất vọng hiện lên trên mặt mẹ khiến Thường ray rứt vô cùng. Anh hiểu mình đã mắc phải những sai sót khó thể tha thứ, những sai sót đã khiến mẹ đâm ra mất tự tin. Đã mấy lần, Thường định mở miệng thú thật hết mọi chuyện nhưng rồi anh cảm thấy ngần ngại. Nếu anh tiết lộ bí mật, hẳn anh chẳng còn dịp nào giúp đỡ mẹ. Chắc chắn mẹ sẽ không để cho anh tiếp tục hành động theo ý mình. Mẹ sẽ cấm. Và như vậy, anh sẽ lại tiếp tục chứng kiến sự tất bật, vội vàng của mẹ bằng ánh mắt lo âu và bất lực. Đang đắn đo nghĩ ngợi, Thường bỗng giật thót khi nghe mẹ thổ lộ:
- Có lẽ mẹ xin nghỉ dạy. Mẹ không muốn tiếp tục đứng trên bục giảng khi học trò đã bắt đầu mất tin cậy nơi mẹ. Mẹ sẽ tìm một công việc khác...
Thường không ngờ sự thể lại xoay ra như vậy. Những lời thú nhận chân thành và chua xót của mẹ khiến anh không còn một chọn lựa nào khác. Thường hốt hoảng kêu lên:
- Không, không! Mẹ không thể nghỉ dạy!
Bà Tuệ nhìn Thường bằng ánh mắt ngạc nhiên:
- Sao vậy con ? Sao lại không thể ? Chẳng lẽ con muốn mẹ tiếp tục lên lớp và tiếp tục phạm phải những sai sót trước mặt học trò hay sao ?
- Không! Mẹ không sai sót! - Thường nói và anh nghe cổ mình như nghẹn lại - Chính con đã chấm những bài đó. Chính con đã chấm sai chứ không phải mẹ.
Trong một thoáng, bà Tuệ chẳng hiểu Thường muốn nói gì. Bà ngơ ngác:
- Con nói sao ? Tại sao lại dính dáng đến con ở đây ?
- Tại vì con...
- Con sao ?
Biết không thể giấu, sau một thoáng ngập ngừng, Thường thu hết can đảm rụt rè thú nhận hết mọi chuyện. Xúc động, áy náy, Thường chỉ thốt được từng tiếng một. Chưa bao giờ Thường cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với mẹ như vậy. Bà Tuệ lặng im nghe, bất động, suy tư. Ngay cả khi Thường đã nói xong, bà cũng chẳng thốt một tiếng nào. Bà ngồi như hóa đá, chẳng biết nghĩ ngợi gì, chỉ thấy trên đôi mắt vốn nghiêm nghị, khắc khổ xưa nay những giọt lệ đang lặng lẽ ứa ra và chậm rãi lăn dài trên má.
Mãi một hồi lâu, bà mới quay sang Thường và dịu dàng nói, giọng âu yếm xen lẫn trách móc:
- Cảm ơn con. Cảm ơn con rất nhiều! - Bà hắng giọng và khẽ đưa tay chùi nước mắt - Nhưng dù sao mọi chuyện cũng phải chấm dứt kể từ hôm nay. Ở đời, mỗi người đều có một bổn phận. Con phải lo học tập. Đó là bổn phận của con, Thường ạ!
- Dạ.
Thường dạ khẽ và cảm thấy nhẹ nhõm như vừa cất được một gánh nặng trên người. Thế là mẹ không quở trách gì mình! Mẹ đã bỏ qua, không những thế, mẹ còn cảm ơn mình nữa! Mẹ thật tuyệt vời! Chỉ có điều từ nay mình chẳng còn mong gì chia sẻ nỗi vất vả của mẹ nữa. Mẹ sẽ lại bươn chải một mình. Mẹ sẽ gầy yếu. Tội nghiệp mẹ biết bao!
Truyen8.mobi chúc bạn đọc truyện vui vẻ.