Cà Phê Cùng Tony Coi mắt

Coi mắt
(Truyện ngắn được bầu chọn là 1 trong 10 truyện ngắn hay nhất mọi thời đại)

Nàng là con gái rượu của một gia đình trâm anh thế phiệt ở thủ đô. Xinh đẹp tuyệt trần, môi đỏ như máu, da trắng như tuyết, tóc vàng như nghệ. Giỏi giang khôn tả. Ăn học vừa chính quy vừa tại chức mãi đến 30 mươi cái xuân xanh mới nhớ nhiệm vụ thiêng liêng của phụ nữ là lấy chồng. Bèn thảng thốt đi tìm 1 nửa còn lại. Nàng tất tả đi du lịch, đi toàn vé hạng C mong làm quen với bậc không doanh nhân cũng là đứa sang trọng mới ngồi ở khoang nầy. Cứ 2-3 tuần nàng lại ra sân bay để tìm chồng, leo lên rất nhiều phi cơ nhưng toàn xui xẻo ngồi cạnh tụi mà nàng cho rằng rất nhảm nhí, không xứng với nàng. Lắm khi, vừa leo lên máy bay nàng nhìn quanh xem có ai hay ho không, vẫn không, thế là nàng khóc.

Anh cũng là bậc đại trượng phu lưng 6 tấc rộng thân 15 thước cao ( hỏi diện tích của anh lớn hơn diện tích Từ Hải bao nhiêu cm vuông?). Nổi danh như cồn ở đất phương Nam vì tài võ nghệ thao lược và văn chương khét tiếng. Chỉ tội lưng hơi gù 1 tý nhưng anh hay an ủi " lưng gù nhưng tấm lòng chân thật" kiểu Lưu Dung. Anh và nàng gặp nhau ở một quốc gia xa xôi, tình trong như đã, mặt ngoài còn e, anh bèn xấn tới đưa cái card rồi khen nàng đẹp, nàng cứ giấu mãi khuôn mặt đỏ bừng trong làn tóc vàng như nghệ lõa xõa. Nàng thích anh thật rồi.

Rồi anh theo nàng về ra mắt bố mẹ. Biệt thự rất to và có cái cổng rất cao trên một con phố rất hẹp của 1 trong 5 cái cửa ô cổ kính. Bố nàng là giáo sư tiến sĩ về văn học dân gian Việt Nam, chuyên sưu tầm vè và ca dao tục ngữ của 53 dân tộc còn lại (trừ người Kinh vì có nhiều tiến sĩ khác sưu tầm rồi), mẹ nàng cũng tiến sĩ giáo sư về tàu điện ngầm đào tạo ở Liên Xô trong thập niên 70 nên sau khi về nước trở thành chuyên gia nội trợ giỏi. Trong nhà, số lượng tủ sách và tủ rượu là ngang nhau. Các vật dụng trong nhà được sắp xếp theo hệ nhị phân một cách khoa học đến mức mà người thấp hơn trình độ đại học vào nhà có thể bị hoa mắt và không tìm được chỗ cũ sau khi sử dụng xong. Nghe đồn lúc xxx để sinh ra nàng, ông bố và bà mẹ đã phải tính toán hàm số, vẽ bao nhiêu là sơ đồ, đưa ra rất nhiều giả thuyết và chứng minh rạch ròi.

vào đúng thời khắc đã được lập trình đấy, bà tiến sĩ điện ngầm liền hạ sinh ra nàng. Bầu trời nhan sắc Việt có thêm 1 ngôi sao lung linh tỏa sáng.

Nàng lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình, các giáo sư viện sĩ, cầm kỳ thi họa đều giỏi cả. 8 tuổi đã thuộc làu Tứ thư và 10 tuổi thì Ngũ Kinh cũng rành rọt. 13 tuổi giải nhất cắm hoa toàn thành và 14 tuổi, đoạt giải nhì trong cuộc thi "mũi thêu đẹp" toàn quốc. Vừa trang trí bánh kem vừa gảy đàn bầu, vừa ăn vừa thổi sáo, vừa ngủ vừa kéo violon. Ba lần vừa đi chợ vừa bắt cướp chỉ với quả chuối đang ăn dở trên tay, nàng ném 1 phát bọn cướp đạp phải lăn đùng ra giẫy giụa. Nàng đa tài đến mức nếu Thúy Kiều sống lại cũng phải ghen tỵ, bước ra sông Tiền Đường thốt lên rằng trời đã sinh ra Kiều mà còn sinh ra Tuyết, nói rồi hộc máu chết ( Chắc lộn qua Chu Du, chứ Kiều nào có đố kỵ như thế).

Còn anh thì nào có kém cạnh gì. Sinh ra và lớn lên ở 1 tỉnh miền Tây Nam Bộ, anh nổi tiếng thần đồng từ bé, rạng danh vùng sông nước châu thổ. Lên 14 tuổi, vừa mới dậy thì vỡ giọng, anh đã đoạt ngay giải nhất tiếng hát người leo dừa toàn Bến Tre. Anh cứ leo lên đỉnh cây dừa và ngồi hát vang trên đó, hái từng quả dừa ném xuống sông kêu bủm bủm văng nước đầy mặt ban giám khảo, nên ban giám khảo năn nỉ nói thôi mày xuống giùm tao, tao cho mày giải nhất. 3 lần leo lên sắp tới đỉnh Olympia thì cả 3 lần đều bị đau răng, bèn bỏ cuộc. Anh còn là quán quân giải bơi lội vượt sông Vàm cỏ mở rộng ( lưu ý là Vàm Cỏ Đông chứ không phải Vàm Cỏ Tây đâu đấy nhé) và đồng thời đoạt giải cầu thủ có gương mặt khả ái nhất trong cúp tranh vô địch bóng chuyền toàn quốc. Anh đã lên ngôi về mặt nhan sắc trong một rừng các quần đùi áo số mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đội bóng của anh đoạt luôn giải phong cách vì không có màn rượt đuổi trọng tài. Ở nước ta, các trận đấu thể thao trừ cờ vua cờ tướng, còn lại từ bóng đá bóng rổ cầu lông bóng bàn..... thường có hơi hướm thi đấu võ thuật giữa đội ngũ cầm còi và các người chơi sau mỗi trận đấu, nên trọng tài ở ta, tiêu chuẩn đầu tiên là phải có khả năng chạy nhanh nếu muốn sự nghiệp cầm còi lâu lâu 1 chút.....

Cũng đã mấy lần, nàng dắt vài chàng mà nàng có vẻ hơi ưng ưng ra mắt bố mẹ. Ông bố sau khi kiểm tra IQ tổng quát với hàng loạt các bài trắc nghiệm trên phòng khách, thì tới lượt phải nhảy xuống nhà bếp thi vấn đáp với bà mẹ. Bà mẹ thường kiểm tra khả năng phản ứng nhanh nhạy của ứng viên với việc chửi phủ đầu lúc ứng viên vừa ngồi xuống, kiểu như hôm nay mày trốn vợ sang đây à. Hầu hết các chàng trai đều bị đánh trượt do quá bất ngờ kiểu Mỹ Tâm Oh First kiss, you make me happy, you make me crazy.... Mặc dù nàng cũng chuẩn bị rất kỹ cho các ứng viên bằng 1 bộ đề có 1 số câu hỏi thường gặp, các dạng trả lời kiểu thi bằng lái xe, ví dụ không cần đọc, cứ có chữ " tất cả" là đánh dấu vào, hay câu nào dài nhất là đáp án đúng. Lúc các ứng viên thi thố tài sắc, nàng thường tổ chức việc quét sân hòng hóng hớt nghe chuyện. Thế nhưng, trí tuệ của nàng không thể nào lường trước được mưu mẹo của 2 bậc sinh thành, để rồi cứ lần hồi nhìn từng chàng từng chàng một dắt xe ra khỏi nhà, chân bước liêu xiêu, đầu không ngoảnh lại, bỏ mặc sau lưng thềm đầy nắng, lá và người con gái xinh đẹp với chiếc chổi tre hờ hững trên tay. Khi bóng dáng của ứng viên vừa khuất đầu phố, nàng buông chổi, òa khóc, nước mắt nước mũi ràn rụa như một đứa trẻ.

Thật ra thì ông bô bà bô cũng nóng lòng không kém. Mấy chục năm đi đám cưới người ta, chỉ mong một ngày tổ chức rình rang để thu lại. Ông tiến sĩ nhẩm tính thời bao cấp thôi coi như bỏ qua, sau vụ lạm phát 700% giữa thập niên 80 giá trị đồng tiền không biết bao nhiêu để quy ra thóc hiện tại. Trước năm 2000, 2 ông bà đã đi 362 đám cưới, mỗi đám 50 nghìn, sau là 100 nghìn với 214 đám, từ đầu năm 2008 đến nay do việc mất giá của đồng Việt, họ đã phải tăng tiền mừng lên 200 nghìn, tổng cộng có 37 đám. Chi phí riêng cho việc cưới xin đã có sẵn trên file excel trong máy điện toán trong phòng làm việc của ông. Mong thu hồi vốn, bà tiến sĩ điện ngầm càu nhàu, đổ cho ông tiến sĩ văn học đã đưa các câu hỏi quá khó, đánh đố làm trượt hết các thí sinh tiềm năng. Ông tiến sĩ văn học thì khăng khăng lỗi là do bà, dẫn chứng là xưa nay học trò thi trượt đều là ở vòng vấn đáp cả.

Sau nhiều đêm trằn trọc suốt đêm nghe tiếng sông Hồng thở than, ông bà bèn hạ mức độ khó của đề thi xuống. Các câu hỏi được ông lập tức cắt bớt theo hướng có luyện thi thì có đậu. Bà quyết định sẽ thôi không hỏi những câu cắc cớ, nanh nọc nữa. Họ lo lắng cô con gái rượu của họ để lâu có thể biến thành cồn, không bán được. Đã mấy tháng trôi qua, họ chẳng thấy bóng dáng của ứng viên nào. Mãi đến hôm nay, nghe đứa con gái báo sắp có người bạn về thăm bố mẹ, ông bà tỏ ra mừng vui hớn hở khôn xiết. Từ sáng, bà tiến sĩ điện ngầm đã trang điểm thật kỹ, vận bộ áo dài màu tím hoa cà có thêu con rồng bay từ đầu gối tới tận vai, tóc uốn mấy lọn hất ngược ra sau. Ông tiến sĩ văn học diện bộ complet màu kem, chiếc áo sơ mi màu hồng cánh sen và chiếc cà vạt màu xanh nước biển, sự đối lập biền ngẫu chan chát trong việc pha màu được ông suy diễn sẽ tạo ấn tượng mạnh. Ông pha sẵn 1 ấm chè San tuyết thật to ngồi đợi, sốt ruột lâu lâu lại nhìn đồng hồ. Hà Nội mùa thu năm nay sao lạ quá, mưa đổ tầm tả, cả ngày chưa dứt. Nước bắt đầu không rút kịp, dâng lên ngập vỉa hè. Ông lo lắng thằng con rể tương lai trong phương Nam lặn lội ra, không biết có bị nước ăn chân không. Bà tiến sĩ thì cầm sẵn chai thuốc DEP ngồi đợi, định bụng thằng nhỏ vừa vào là lao đến, kéo quần nó lên bôi thuốc liền. Bà hiểu rất rõ tác hại của bệnh nước ăn chân, phải kiên quyết phòng hơn là trị.

Máy bay chờ anh phải lượn lờ trên không trung một lúc rồi đợi mưa bớt nặng hạt, phi công liền cho rẽ mây đáp xuống phi trường. Vừa mở cửa máy bay bước ra, anh chợt thảng thốt vì "bên em là biển rộng". Phía trước phòng đợi, các doanh nghiệp nhanh chóng trang bị đội thuyền ghe và tàu cao tốc thay thế đội ngũ taxi thường ngày. Tài xế taxi nhanh chóng được huấn luyện các nghiệp vụ lái tàu như lặn, bơi, cút, .... Anh đang lớ ngớ trước 1 rừng cơ man nào là tàu cao tốc đang đứng đón khách thì một chiếc trờ tới. Sau hồi khẩu chiến mặc cả, anh cũng được mặc áo phao và lên tàu. Chiếc tàu nhanh chóng rẽ nước lướt qua sông Hồng, đến đoạn khách sạn Daewoo thì diễn ra hiện tượng tắc sông, dân phương nam gọi là kẹt thuyền. Trên đường phố, các phương tiện cơ giới đường thủy thi nhau chen lấn. Tiếng đập của cánh vịt, tiếng động cơ nổ, tiếng rú thất thanh của 1 em nào đó vô tình thò chân xuống nước bị cá rỉa...vang vọng 1 góc đường. Thấy tình cảnh không ổn, anh bất ngờ tung ra 1 quyết định hết sức táo bạo, anh quyết định ...bơi. Cởi hết quần áo bỏ vào 1 bao nylong to, anh nhảy ra khỏi thuyền, bơi về hướng nhà nàng. 1km đầu anh bơi bướm, đường bơi của anh điêu luyện đến mức những người biết bơi đều thấy chóng mặt. Bay bướm quá. Nhưng tới mấy km sau, do sức cùng lực kiệt, anh chuyển qua bơi sải, bơi ếch, bơi tự do. Chỉ còn 100m nước rút thì tới ngõ của nhà nàng, anh quá mệt, chuyển qua bơi chó. Bơi chó là kiểu bơi cuối cùng của anh.

Tồng ngồng đứng trước nhà nàng, trên người anh chỉ có mỗi một cái nây-y bé xíu hình tam giác cân màu hồng phấn (chú thích: nây y là nội y, tự nhiên tới đoạn nhạy cảm này cái nói tiếng Tàu, chán quá. Kiểu phim Việt Nam, tới đoạn cởi đồ tắm sông thì thể nào cũng có đoàn tàu chạy qua). Anh e dè bấm chuông cửa. Sân nhà đã biến thành 1 hồ bơi. Các chậu hoa là các hòn non bộ. Một đàn cá trắm và cá giếc vẫy đuôi mừng anh. Nàng mừng rỡ lội nước ra mở cổng, quần xắn cao tận bẹn, chi chít ven đùi là những bông hoa nhỏ, dấu ấn của một thời bị trái rạ đậu mùa do bà tiến sĩ quên tiêm chủng cho cháu nó. Đàn cá trông tưởng cá sấu đồi mồi, hãi quá không dám rỉa. Anh vừa lội vào nhà, bà tiến sĩ đã từ nhà bếp vọt lên, tươi cười đứng trên thềm tự bao giờ. Bà liến thoáng " Ôi anh đến thăm, phúc quá phúc quá". Ông tiến sĩ giả vờ thơ ơ, mắt dán vào màn hình tivi, thật ra là đang hóng hớt chuyện ngoài sân. Ai nói câu gì ông đều nghe hết, lâu lâu lại mỉm cười vì... hiểu.

Trên màn hình tivi đang diễn ra trận đấu bóng đá, giữa đội U35 VN và U35 Mông Cổ. Sân vận động Mỹ Đình tích nước thoát không kịp, biến thành 1 hồ bơi không lồ. Nhanh như cắt, ban tổ chức quyết định chuyển sang thi đấu bóng nước, các cầu thủ vội vã trút bỏ xiêm y trên người, tổ chức các pha ném bóng và té nước quyết liệt vào nhau. Các cầu thủ dân sông nước như Tài Em, Minh Phương, Tấn Tài...bơi như rái cá, trong khi đội Mông Cổ quen cỡi ngựa thì hì hục ngoi lên hụp xuống chỉ mong không bị uống nước. Thẻ vàng thẻ đỏ được rút ra liên tục cho hành vi nhận nước (dìm đầu đội bạn xuống nước 1 cách cố ý). Đội nhà ghi điểm quá trời, trong khi đội bạn thì vừa bơi vừa khóc, chỉ mong hết giờ. Hết thúc trận đấu, bác sĩ phải đưa ghe vào sân, vớt các cầu thủ đội bạn lên khán đài nhằm hô hấp nhân tạo, vì bụng ai cũng ứ đầy nước. Các nhân viên nữ trong đội châm cứu bấm huyệt Nguyễn Tài Thu lợi dụng tha hồ hôn môi các hot boy cầu thủ đẹp trai đến từ xứ Thành Cát Tư Hãn. Ông tiến sĩ văn học vừa xem, vừa suy nghĩ sẽ phải đối xử với thằng này ra sao. Mưa gió thế này, uống ít rượu Làng Vân có phải ngon không. Đầu ông bất giác nghĩ về đĩa thịt chó và vài lá mơ thơm ngát.

Rồi anh cũng thay đổi xiêm y, lên nhà trên thi trắc nghiệm với ông tiến sĩ văn học trước. Ông nhìn anh có vẻ đắc ý lắm, nom sao mà ưa nhìn đến thế. Nhìn mãi rồi cũng ưa. Ưa nên lại nhìn. Nước da anh rám nắng miền nhiệt đới trông khỏe mạnh biết bao. Lại thêm mái tóc loăn xoăn trông nghệ sĩ phết. Nhìn anh, ông cứ gật gù mãi một lúc thì mỏi cổ quá nên thôi không gật nữa. Anh đang hì hục stick vào phần multiple choice, lại tẩy xóa và highlight các câu trả lời. Thỉnh thoảng ngước mắt nhìn ông cầu cứu. Ông vội gõ xuống bàn 3 cái, anh liền chọn đáp án C. Anh vốn thông minh và được đào tạo bài bản chính quy về các ám hiệu trong thi cử từ bé. Được một lúc thì anh cũng nộp bài. Ông tiến sĩ rọc phách ( thói quen, cứ phải cầm dao rọc phách mới công bằng, mặc dù nét chữ, giọng văn kia là của gà nhà mình), sau đó đưa vào máy chấm. Anh đạt 27/30, vừa đủ điểm D (đạt), không bị H (hỏng)-( cái này ông copy từ phần thi lý thuyết của ....thi bằng lái xe ô tô). Anh sau đó xuống nhà dưới thi vấn đáp với nữ tiến sĩ điện ngầm.

Trong lúc anh thi vấn đáp, ông tiến sĩ văn học bèn nghĩ ra cách giúp anh. Ông núp sau cái tủ lạnh, đằng hắng liên tục, coi câu nào khó quá thì liệu ra tay giúp cho cháu nó. Còn nàng thì ngồi trong nhà bếp, trộn 1 đấu thóc vào 1 đấu gạo vào nhau, tổ chức nhặt thóc cho nó nữ tính giống chị Tấm. Thật ra tâm trí nàng rối bời, căng thẳng theo dõi câu chuyện ngoài kia.

- " Thế anh đã có nhà chưa? " Bà vừa hỏi anh vừa rót nước mời anh uống

- " Ý bác gái hỏi là nhà ở đấy đúng không ạ"

Bà phật ý lắm " Ớ cái anh này, tôi hỏi không nhà ở chứ là nhà gì"

" Dạ ngoài một số nhà ở, cháu còn có nhà máy" -anh trả lời.

Bà tiến sĩ giật mình thảng thốt. Anh bồi thêm " Dạ ngoài nhà máy, cháu còn có nhà may ". Ông tiến sĩ toát mồ hôi, vội mở tủ lạnh ra lấy 1 cục đá ra liếm và lau trên trán cho hạ nhiệt. Ông không ngờ nó giàu đến thế. Còn nàng thì hài lòng lắm, cứ lấy nhầm thóc bỏ vào gạo loạn xì ngầu cả lên. Bà tiến sĩ bất giác nhìn xuống cái áo dài đang mặc, không biết có hợp thời trang không, thằng này mà có nhà may là nó rành về fashion lắm đây. Anh đoán thế nên mới vội nịnh đầm ngay: " áo dài của bác gái đang mặc rất đẹp, nó thuộc về trường phái thời trang thu đông với chủ đề Hoài cổ ". Bà tiến sĩ điện ngầm cười hỷ hả, khoái quá đi mất. Cái thằng thế mà ranh.

Bà chợt nhận ra vị thế của mình. Bà vội nghiêm túc lại. Giám khảo bây giờ hay xuề xòa lắm, ai đời nhận xét về giọng hát trong một cuộc thi sao mai sao chổi gì đấy, mà cứ liếng thoáng " em hát có 2 nốt bị phô, còn lại là rất tốt, chị rất hài lòng về cái váy của em, hôm nay trông em rất đẹp, chị xin cám ơn em". Chuyên môn không tập trung, cứ xoáy vào quần quần áo áo thế này là không ổn. Bà liền nghiêm giọng hỏi

- " Thế cháu có hộ khẩu thành phố chứ. Cố gắng kiếm cái hộ khẩu thủ đô cháu ạ".

Ông tiến sĩ lo sốt vó. Cục đá trên tay ông dường như tan nhanh hơn, chảy nước đầy nhà. Trong nhà bếp, nghe câu hỏi, nàng sợ hãi làm rơi 1 hạt thóc xuống đất mà cũng chẳng buồn nhặt lên. Câu hỏi khó quá, trả lời thế nào đây. Nàng biết anh không quan tâm mấy đến những thủ tục giấy tờ. Trả lời không hay lại bị out mất.

Anh thoáng suy nghĩ trong phút chốc, rồi mới từ tốn trả lời. Anh lễ phép hỏi lại cho rõ:

" bác vui lòng cho cháu hỏi có phải cái cuốn sổ ghi tên các thành viên trong gia đình đấy phải không ạ? Thế nó có quan trọng không hả bác".

Anh vừa hỏi, làn mi cong chớp chớp liên hồi, nét ngơ ngác mà ta hay bắt gặp ở 1 người ngoại quốc cư trú tại Việt Nam lâu năm, nói tiếng Việt quá sõi nhưng chẳng bao giờ hiểu nổi thủ tục giấy tờ của chúng ta. Bà tiến sĩ điện ngầm bĩu môi:

" Gớm, cứ làm như trên giời mới xuống ấy, hộ khẩu ai chả biết. Giờ nhá, làm gì đi đâu người ta đều yêu cầu ngoại hình ưa nhìn và hộ khẩu thành phố nhá. Cứ như cái Tuyết nhà tôi, nó đi xin việc ở đâu người ta cũng say mê cả".

Rồi bà chép miệng, tỏ vẻ thất vọng lắm :

" Anh cũng nên kiếm 1 cô gái thủ đô mà lấy làm vợ, để có hộ khẩu nhé. Khối anh ở tỉnh chỉ mong cái đấy thôi".

Anh chợt hiểu ra, líu ríu xin lỗi:

" Dạ cháu cũng ít ở Việt Nam nên cũng không rành cái này lắm, mong bác bỏ qua".

Anh vội nảy ra một sáng kiến, kéo cái giỏ xách tới, anh lấy ra đưa cho bà 1 cuốn hộ chiếu. Từ trong hộ chiếu ấy, vài cái thẻ rơi ra. Bà nhặt lên và hỏi : " thế cái gì đây, toàn tiếng ngoại quốc".

Anh đáp:" Dạ đấy là cái thẻ xanh green card của Mỹ đấy ạ, cháu không có hộ khẩu thành phố nhưng có thẻ cư trú của Mỹ, visa 10 năm của châu Âu và thẻ PR Permenent Resident của Hồng Công, là những nơi cháu hay lui đến. Không biết có thể thay thế được không, nhưng cháu cũng xin dâng bác xem qua".

Nghe đến chữ thẻ xanh của Mỹ, ông tiến sĩ văn học sướng tê tái. Ông muốn đi Mỹ tham quan nhằm sưu tầm thơ, vè và đồng dao của người Anh Điên từ lâu lắm rồi nhưng chưa có dịp. Nay nếu cái Tuyết lấy được thằng này thì sẽ là cơ hội lớn cho ông. Ông vội tất tả chạy lên kệ sách, lôi cuốn English for Today ra học ngay. Ông tự nhủ, từ nay, ông sẽ phải trau dồi tiếng Anh nhiều vào mới được.

Bà điện ngầm ngẩng tò te. Từ xưa đến giờ, đây là câu hỏi gai góc khiến bao chàng trai rơi lệ, muốn xe toang cái hộ khẩu tỉnh lẻ của mình. Và niềm tự hào hãnh diện bao lâu nay của người dân thành phố cũng đã bị anh xe toang. Quá sốc trước câu trả lời của anh, bà cứ luôn miệng lẩm bẩm " lẽ nào lại thế, lẽ nào lại thế". Lẩm bẩm hồi lâu, bà quên mất câu tiếp theo cần phải hỏi là gì, đành ngồi thừ mặt ra. Ông tiến sĩ đang cầm cuốn sách, chợt ngẩng mặt nhìn lên, sao lâu quá không thấy ai nói gì, thi vấn đáp chả nhẽ chỉ có 2 câu. Ông quyết định rút di động ra, nhắn tin mớm đề bài cho bà.

Nghe tít, tít, bà vội mở điện thoại di động ra xem. Nắm được vấn đề, bà cười tươi thắm lại ngay:

-Thế cháu đi xe gì , mẹc sơ đét hay bờ mờ vê kép ? (BMW-bà vốn vẫn chịu ảnh hưởng của lối phát âm Liên Xô).

Ông tiến sĩ bèn chạy xuống gần vách với nhà dưới, áp sát tai vào vách hòng nghe cho rõ, tên các nhãn hiệu xe bây giờ toàn na ná nhau, nghe rõ đâu phải chuyện dễ. Còn nàng thì thôi không sục sạo thóc và gạo nữa, tập trung hết sức vào phần listening, nàng có kinh nghiệm qua các lần thi tóp phơ ( TOEFL), chứng chỉ Cờ ( chứng chỉ C) cũng như qua các cuộc thi "thiếu nữ nói tiếng Anh giỏi" toàn quận.

Trong lúc anh đang hì hục cộng trừ nhân chia và lục lọi trong trí nhớ của mình nhãn hiệu những chiếc xe mà anh đang sở hữu, bà tiến sĩ điện ngầm kiên nhẫn ngồi đợi. Hồi lâu, bà bèn lên tiếng phá tan im lặng:

- Thôi được rồi cháu ạ, bác hỏi cho biết vậy thôi chứ gia đình bác chẳng quan trọng gì chuyện vật chất cả đâu. Bản thân gia đình bác là một gia đình cơ bản mà. Cháu lưu ý là gia đình cơ bản đấy nhé - Bà cười giả lả, tiếp tục châm nước chè mời anh. Còn anh,

Hết chuyện vì tác giả mỏi tay không viết nữa

Nguồn: truyen8.mobi/t127702-ca-phe-cung-tony-coi-mat.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận