Cái Chết Chương 2

Chương 2
Cái Chết

Bao nhiêu năm sau này mỗi khi nghĩ đến Việt-nam - mảnh đất nơi tôi đến thi hành nhiệm vụ quân sự - tôi đều hình dung tất cả những người dân Việt tôi gặp gỡ trên đường phố chật hẹp ở Pleiku, hoặc từng người nặng nề lê bước trên con đường mòn lầy lội, đến những người cúi gập thân hình dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng lúa ngập bùn, ngay cả những người được thuê mướn làm việc quanh trại lính của sư đoàn 6 bộ binh (tôi nghĩ họ đều là Việt-cộng), đều có thể lấy mất đầu tôi bất cứ lúc nào. Tôi không dám nghĩ trong đám dân chúng lại có người có thiện cảm với chúng tôi hoặc có người giữ thái độ trung dung về cuộc chiến tàn khốc đang xảy ra ở vòng đai thành phố.

Tôi thật sự bỡ ngỡ trong mấy tuần đầu, run lẩy bẩy khi nghe tin tức thương vong từ những trận đánh, ngay cả cảnh vật, âm thanh và mùi đất của thành phố sống chen chúc những người nghèo khổ, trông thật lạ lẫm trên mảnh đất mà tôi đến chiếm đóng.

Đối với dân chúng, tôi hình như không tìm thấy một điểm tương đồng nào cả ngoài sự kiện là chúng tôi đối đầu với cùng một kẻ thù. Thời gian trôi qua, tôi đã bắt đầu tập làm quen với sinh hoạt quanh trại, sự sợ hãi lắng dần xuống. Đã có lúc tôi cảm thấy thoải mái, bằng lòng với công việc, hiểu rõ dân tình hơn; và mặc dù cuộc chiến là sợi giây duy nhất ràng buộc giữa tôi với những người Việt, tôi đã giao thiệp rộng rãi với lòng tự tin lớn dần - cho dù sự giao thiệp vẫn còn e dè và cẩn trọng nhưng cái nhìn của tôi đối với họ khơi động sự tò mò trong tôi nhiều hơn là nỗi ám ảnh sợ sệt như thuở ban đầu. Tôi hăng say với công việc được giao phó, đôi khi phải dời căn cứ đi thật xa, đến mãi những vùng chiến tranh sôi động của vùng cao nguyên.

Vậy mà khi gần đến ngày mãn dịch trở về nước - sau gần một năm sống trên vùng đất đỏ - cái cảm giác lo sợ trở lại như những ngày đầu tiên. Tôi đã vượt qua gần hết chặng đường. Không như những bạn đồng đội khác, tôi vẫn còn sống, và tôi hy vọng vẫn còn lành lặn khi lên chuyến bay về nước. Chính vì thế mà trong những ngày cuối cùng ở Việt-nam, tôi ở lì trong doanh trại, chứ không xả trại đàn đúm với đám bạn bè ở những nơi mà cả năm tôi chỉ đến có một lần.

Gần đến ngày đáp chuyến bay về nước thì tôi nhận được cú phôn của Mitch từ căn cứ Victoria, tiền đồn của lữ đoàn 3 thuộc sư đoàn 6. Mitch nói là muốn tôi nói chuyện với một người. Tay này có câu chuyện hết sức kỳ bí, đến nỗi Mitch không biết phải bắt đầu như thế nào; đúng ra Mitch không biết phải tiến hành cuộc điều tra ra sao!

Và đây chính là câu chuyện khiến tôi nghĩ đến mối giây liên hệ đã ràng buộc chúng tôi lại với nhau: những người dân Việt và lính Mỹ.

* * *

Cả ba chúng tôi ngồi xuống cái bàn nhỏ đặt trong lều tại căn cứ Victoria; tôi quan sát binh nhất Willard trong khi hắn kể câu chuyện ly kỳ mà Mitch đã báo cho tôi biết. Hắn kể chuyện bằng một giọng đều đều, không lôi cuốn; cử điệu bình thản không lộ một vẻ gì khẳng định trong lời nói:

- Câu chuyện kỳ lạ lắm, thưa ông Hatchett. Quá trùng hợp. Vì thế tôi quyết định phải nói chuyện với ông để tuỳ ông phán quyết có nên báo cho Nha Điều Tra Tội Ác (Crimes Investigation Division = CID) hay không?

Hắn liếc mắt nhìn xuống cái bao giấy đựng đầy các thứ lỉnh kỉnh. Willard mang theo cái bao giấy khi đến gặp chúng tôi và luôn luôn giữ sát bên mình. Tôi chưa hỏi những thứ gì bên trong vì muốn hắn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện trước. Không cần biết cái bao giấy chứa đựng cái gì nhưng linh tính báo cho tôi biết rằng, những vật lỉnh kỉnh trong đó phải dính líu đến câu chuyện mà hắn sửa soạn đi vào chi tiết. Willard ôm sát lấy cái bao giấy vào lòng đến nỗi tôi cứ ngỡ trong đó phải là chiếc vương miện nạm đầy kim cương của Nữ hoàng Anh.

Vẫn bằng một giọng đều đều đến buồn nản, Willard tiếp tục:

- Cả đời tôi gắn bó với Berkley. Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Kansas, lớn lên đi học cùng trường, ngay cả tôi cặp bồ với con em gái của nó. Chúng tôi ghi tên nhập ngũ và cùng dự một khóa huấn luyện căn bản, và được lệnh tham chiến tại Việt-nam cùng một lần. Trước khi lên đường, tôi theo học khóa cao cấp ở trường Ám Hiệu tại Fort Gordon còn nó tu nghiệp một khóa bộ binh tại Fort Polk. Đến Việt-nam thì nó được bổ xung vào đại đội 2 thuộc lữ đoàn 11 bộ binh, còn tôi thì làm việc tại bộ chỉ huy Trung đoàn. Chúng tôi lâu lâu gặp nhau tại lữ đoàn, uống với nhau ly cà phê và trao đổi một vài tin tức từ quê nhà. Chúng tôi thân nhau đến thế nên tuần trước khi nó tâm sự với tôi là có một vài đứa ở trung đoàn đang rình rập để thanh toán nó, tôi tin ngay. Ý tôi muốn nói là chúng tôi thân nhau và biết nhau quá rõ nên tôi chắc chắn là khi nó nói như thế chắc chắn phải có lý do. Thưa ông Hatchett, thằng bạn tôi lo sợ trông thấy rõ, nó phân vân không biết phải làm gì. Ngay đêm đó, nó chết; đúng như lời nó đã tiên đoán.

Tôi cau mày:

- Thế Berkley có nói đến tên những đứa nào không?

Thật ghê tởm - khi đồng đội giết lẫn nhau - chuyện đó không bình thường, nhưng khi nó xảy ra trong một tình huống được khéo che đậy, thường là lợi dụng những cuộc giao tranh - trong tình trạng đầu tên mũi đạn - thì khó mà kiểm soát được.

Willard xếp hai tay lên trên miệng bao giấy. Hắn có đôi bàn tay lớn, sần sùi, tôi nghĩ đến bàn tay của những nông phu miền Kansas. Mái tóc bết thành từng cuộn, khuôn mặt tái mét, hắn lên tiếng:

- Không, Berkley không nói đến một tên nào cả, nhưng nó chết khi đi tuần tra trên đường mòn, chắc chắn phải là một trong những thằng đi tuần với nó. Cả nhóm chỉ có sáu tên đi tuần buổi tối hôm đó.

Tôi quay sang Mitch:

- Ông có biết tiểu đội tuần tra nằm ở đâu không?

- Biết chứ! Biết rõ nữa là khác. Đó không phải là một đại đội đầy đủ, chỉ là một bộ phận tách rời trực thuộc trung đoàn. Nhưng thật không ngờ chuyện lại xảy ra khốn nạn đến thế.

Tôi hiểu được sự ghê tởm trong giọng nói của Mitch, và tôi quyết định sẽ gặp toàn bộ tiểu đội tuần tra ngay sau khi Willard kể xong câu chuyện.

Willard kể tiếp:

- Berkley chỉ nói thoáng qua cái lý do mà bọn chúng sẽ thanh toán nó là cả đám xuống dốc lắm rồi, bọn nó tồi tệ hơn bao giờ, và Berkley không muốn thấy bọn nó như thế. Ông biết, mặc dù biết rõ nhưng nó phân vân không biết có nên báo cáo hay không? Cũng chẳng có ai, ngoài tôi, để bàn chuyện.

Mitch đỡ lời:

- Tôi hiểu.

Tôi tóm lược lại câu chuyện xem còn thiếu sót chi tiết nào không:

- OK, Berkley đi tuần với bọn nó, trong đó có một vài thằng đốn mạt, và khi trở về người bạn anh chết. Nếu vậy phải có một trận đụng độ nào đó, phải không?

- Gần gần như thế. Bọn tôi theo dõi cuộc đi tuần ở trên bộ chỉ huy lữ đoàn. Tôi nghe bọn nó hét trong máy truyền tin là bị phục kích, bị tấn công hay bị đụng độ gì đó và phải rút lui. Tiểu đội đã được lệnh không được lộ mục tiêu, chỉ đi tuần, quan sát và báo cáo thôi, nhưng đôi khi cũng không tránh khỏi những trận như thế. Có đứa hét đòi yểm trợ. Chúng muốn phóng pháo. Có thằng muốn hỏa châu. Chúng muốn rút ngay khỏi nơi đó. Đã có thằng rụng rồi, thằng dẫn đường, và chúng đang cố mang xác về. Bắn che để bọn tao rút. Tôi nghe loáng thoáng trong máy tiếng la hét hỗn độn rồi tiếng M16 im bặt. Tất cả bỗng rơi vào thinh lặng, một sự yên lặng chết người. Tôi biết là bọn chúng đã tắt máy truyền tin và tìm đường rút lui về căn cứ. Thật không ngờ đi tuần chỉ cách căn cứ độ vài nghìn yards mà đã có thương vong và cũng không ngờ đó là đội tuần tra 2/11 và đứa bị bắn chết lại là Berkley, thằng bạn thân của tôi.

- Thế chuyện đó xảy ra lúc nào?

- Vào lúc một giờ sáng thứ Ba tuần trước.

- Ngoài chi tiết mà anh vừa kể xong, còn chi tiết nào khác để anh tin tưởng rằng bọn chúng thanh toán Berkley trong khi đụng độ với bọn Việt-cộng?

Willard ngơ ngác, ngập ngừng một giây để lượng định sự quan trọng của câu hỏi, rồi chậm rãi nói từng chữ một như cố tìm đúng chữ để diễn tả tâm trạng của hắn:

- Tôi không nghĩ...

Hắn im bặt...rồi tiếp tục:

- Như thế này... tôi chỉ nghi ngờ thôi... vì Berkley đã đoán trước cuộc thanh toán. Tôi nghĩ là giết một người bạn đồng đội thật khó mà hiểu được, nên tôi phải cân nhắc mọi sự kiện đã thâu thập được. Việc giết người đã ghê tởm, giết một người đồng đội lại càng ghê tởm hơn, tôi so sánh những sự kiện đó để đối chứng với sự nghi ngờ nhúm lên trong trí. Ông hiểu ý tôi chứ! Tôi có thể sống với sự nghi ngờ đó cả đời nhưng tôi biết tôi phải kể lại chuyện này với ông sau khi tôi đến trung tâm giữ xác Berkley. Cái mà tôi thấy bắt buộc tôi phải làm một cái gì đó cho thằng bạn tôi... Ồ! Mẹ nó sẽ khóc không còn một giọt nước mắt khi nghe tin này.

Binh nhất Willard vò chặt miệng bao giấy trong tay, cuộn nó lại rồi lại mở ra, biểu lộ một sự bất an.

- Thế anh thấy gì ở trung tâm giữ xác?

Bây giờ hắn mới mở cái bao giấy ra:

- Tôi được phép đến trung tâm nhận xác vào ngày hôm sau, thứ Tư. Tôi nghĩ đến để chào vĩnh biệt nó, lấy một vài món đồ cá nhân để mang về cho bà mẹ. Tôi còn nghĩ là nên gọi điện thoại ở đây báo tin cho mẹ nó biết. Tôi nói chuyện với mẹ nó dễ hơn là khi người ta đưa tin. Vậy mà tôi vẫn không làm được...

Willard thở ra một hơi dài và giọng nói đã bắt đầu run rẩy:

- Tôi hỏi người giữ xác cái bật lửa Zippo của Berkley. Nó khoe với tôi một ngày trước khi nó chết - trên chiếc bật lửa có khắc tên và đơn vị của nó - nhưng kiếm mãi vẫn không thấy cái Zippo. Những vật cá nhân kia thì có mà cái bật lửa không thấy trong túi quần của nó thì thật lạ vì nó hút thuốc như xe lửa phun khói. Tôi thường nói với nó là mày bớt hút thuốc đi không thì có ngày đi luôn hai lá phổi.

Willard nhếch môi, vẻ chua chát:

- Tôi cho là khi kéo xác nó về, chiếc Zippo đã rơi rớt trên đường. Xác Berkley nằm dài trên bàn chỉ còn chiếc quần đùi, tôi thấy nguyên một tràng đạn ghim chéo ngang lồng ngực; đạn ghim vào người như thế thì chắc chắn nó phải chết ngay. Ngoại trừ một viên đạn bắn xéo phía trên bể cả mảng xương vai còn những viên khác đều chạy từ lồng ngực xuống đến bụng. Người ta đã chùi hết máu. Chiếc áo lính của nó nằm rơi rớt trên sàn. Nhìn thấy bảng tên của nó trên miệng túi tôi biết ngay cái áo lính của Berkley, tôi cúi xuống nhặt lên... Đột nhiên, tôi bật khóc, ôm chiếc áo lính của thằng bạn đính đầy máu trong tay, tôi khóc, khóc cho tôi, khóc cho mẹ nó, khóc cho cả anh em đồng đội... rồi tôi như người mộng du, đi về trại mang theo chiếc áo mà không hay biết... và tôi chợt thấy một sự kiện, một sự kiện kinh hoàng làm tôi chết sững người...

Hắn moi trong túi ra chiếc áo lính, nắm lấy hai cánh tay áo và đưa lên ngang tầm vai. Tôi thấy ngay bảng tên BERKLEY nằm phía trên miệng túi. Tôi còn thấy cả cấp bậc của Berkley trên ve áo. Chiếc áo trông bẩn thỉu và khô cứng vì máu thấm khá nhiều.

Willard đứng lên, bước lui lại phía sau một chút, hai tay vẫn cầm chiếc áo mở rộng để mọi người thấy rõ ràng hơn:

- Mãi đến ngày hôm sau tôi mới khám phá ra chi tiết bất thường này...

Trong khi nói, đôi mắt hắn vẫn nhìn tôi không chớp, theo dõi tôi đang ngó chằm chằm vào chiếc áo đẫm máu. Mitch cũng chăm chú nhìn tôi. Ngoại trừ một vũng máu lớn nằm ngay phía trước, tôi không thấy một chi tiết khác thường nào trên chiếc áo này cả. Quan sát một lúc, tôi đành chịu thua:

- Anh thấy gì trên chiếc áo này?

Mitch đẩy chiếc ghế về phía sau, đứng bật dậy:

- Không có một lỗ đạn nào cả, Hatch. Không có một lỗ đạn nào trên chiếc áo này cả, anh thấy không? Áo dính rất nhiều máu nhưng đạn bắn nát lồng ngực mà áo không thủng một lỗ nào thì lạ thật!

* * *

Mitch bẻ quặt tay lái trên con đường bụi mù của căn cứ Victoria. Dọc theo doanh trại, phía trong hai hàng rào thép gai, những ụ chiến đấu được đắp bằng bao cát mọc lên như nấm; cứ mỗi bốn cái lại có một đài chỉ huy, cũng làm bằng bao cát. Tôi dừng lại trước một đài chỉ huy.

- Mỗi đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát một ụ chiến đấu 24 giờ mỗi ngày...

Mitch nói với tôi trong khi sửa lại chiếc mũ lưỡi trai.

- ...tiểu đội 2/11 chịu trách nhiệm 5 ụ chiến đấu mà ông thấy đây. Cắt ngang dãy hàng rào thép gai trước mặt là đường mòn và cổng dẫn bọn nó ra ngoài đi tuần, hy vọng là không ai thấy.

Tôi nhận thấy con đường và cái cổng cuộn tròn bằng những sợi thép gai sắc lẻm chung quanh hai khúc cây to đan với nhau thành hình chữ thập. Tôi còn thấy những pháo sáng treo lủng lẳng dọc theo hàng rào kẽm và ít nhất là có hai trái mìn Claymore chôn hờ dưới đất hướng về phía cổng để chận đứng một cuộc tấn công có thể xảy ra.

- Trước đây ít lâu có người báo cho tôi biết là bọn gác cổng tiểu đội 2/11, tiểu đội trưởng là hạ sĩ Reynolds, lén đem gái điếm qua cổng trại vào căn cứ này rồi hú hí ở dưới mấy cái ụ chiến đấu, ông có ngờ bọn nó dám liều đến vậy không?

- Thật là lũ điên! Tôi chép miệng, ...bọn nó cả gan dám làm chuyện tầy trời mà không nghĩ đến sự nguy hiểm cho toàn trại. Chúng nó vừa loạn vừa ngu xuẩn nữa.

- Tôi đã bắt được chúng tại trận với bốn con điếm. Tôi trả bốn đứa con gái lại cho bọn cảnh sát dưới tỉnh, và tôi viết giấy cảnh cáo hạ sĩ Reynolds và cả tiểu đội. Bọn nó còn say sưa, hút cần sa, hai thằng lại ngủ trong khi làm nhiệm vụ canh gác có chết không chứ! Nhưng thế vẫn còn hiểu được chứ đưa người lạ vào căn cứ thì dại dột không tả được!

- Thế bọn nó có bị đưa ra toà án quân sự không?

- Chúng nó bị trừng phạt khá nặng. Tôi còn nhớ là Reynolds bị cắt tháng lương nhưng cũng hiểu là tay chỉ huy trưởng lúc đó, trung uý Macy, là thằng tồi. Chẳng có một chút nghị lực, lúc nào cũng sợ chết. Tôi nghe nói càng gần đến ngày về, Macy đó càng co rúm người lại rồi nó giao hết mọi việc cho thằng Reynolds. Nói nó thay mặt chỉ huy thì hơi quá nhưng cũng gần gần như thế. Tay Macy chỉ ngong ngóng ngày về. Mãi đến tuần qua thì hắn được lên máy bay. Lữ đoàn mới chuyển một tay mới về chỉ huy, để xem tay này có làm gì nên chuyện không!

Mitch bỏ số nhấn ga:

- Từ ngày về đây công tác, cả đại đội chỉ có đám thằng Reynolds gây nhiều chuyện nhất. Cứ xuống đến Phú Biên là gặp bọn nó, không ở trong mấy quán bar mất an ninh thì lại làm giặc trong xóm nhà thổ, xử dụng quân xa trái phép, say sưa và gây rối loạn. Cái tội lớn nhất vẫn là ăn cắp quân trang quân dụng đem bán ra chợ đen. Hút sách, nhậu nhẹt... đủ cả. Bọn nó đi lính mà cứ như đi du hí không bằng.

Chiếc xe nhồi lên qua mấy cái ổ gà trên con đường bụi đỏ mịt mù. Tôi trở lại câu chuyện của binh nhất Willard:

- Cái áo lính của Berkley, ông có nghĩ là có khi nào nó đi tuần mà không mặc áo không?

- Không thể được, có người giải thích cho tôi...

- Sao?

- Sau khi Willard cho tôi xem cái áo, tôi có gặp một thằng bạn đại úy. Giống như ông, tôi nghĩ có thể Berkley đã cởi áo ra khi đi tuần và nó bị bắn, rồi mấy thằng bạn mặc áo vào cho nó trên đường rút về căn cứ. Tôi có hỏi thằng bạn là có khi nào mày hoặc lính của mày đi tuần tra ban đêm mà ở trần không? Nó phá lên cười nói là không bao giờ cả. Thứ nhất, muỗi nó sẽ nuốt sống mày ngay. Cả một rừng muỗi, mày biết không? sau nữa trời cao nguyên rất tối, cho dù có ánh trăng nhưng cây cối đan chằng chịt nên không thể trông rõ mặt người, bọn nó lại không được phép mang theo đèn pin vì để giữ bí mật. Đi trong đêm như thế nên cành cây quật vào người, gai đâm xước da là chuyện thường, bởi thế phải luôn luôn mặc áo. Có thằng chắc ăn còn mặc thêm một cái áo giáp phía ngoài nữa kia. Nghe thằng bạn giải thích xong thì tôi quyết định gọi cho anh liền.

- Nhưng nó phải cởi áo ra khi bị bắn... trừ phi bọn Việt-cộng có một loại đạn mới. Hoặc giả nó không cài nút áo, ông nghĩ sao? Có thể lắm chứ!

- Thế cả lớp xương vai bị bắn vỡ thì giải thích làm sao? Nếu nó có mặc áo giáp thì lại càng không hiểu được vì áo giáp không có ống tay, dùng để che ngực, bụng và bả vai. Tôi đã nói với anh là câu chuyện khó hiểu lắm, chắc chắn phải có một cái gì bí ẩn ở bên trong. À! Đến rồi đây, gặp mấy thằng này may ra mình hiểu thêm đôi chút.

Chúng tôi bước vào khu vực của tiểu đội 2/11. Tôi nhìn quanh lều, những bức tường được đắp bằng bao cát cao hơn thước dùng để trú ẩn tránh mọc-chê và hoả tiễn. Tôi nhìn thấy ba người lính đang bận rộn lau chùi nhà vệ sinh bằng gỗ, bốn người nữa đang chùi rửa và đánh bóng xe của đại đội, và cả một hàng người đi quanh trại để nhặt rác.

Tấm bạt ở cửa lều được vắt lên một bên để không khí lùa vào. Ở phía trong, tôi thấy khoảng 6 người lính nằm mọp lau sàn nhà gỗ, chùi và đánh bóng tất cả những vật dụng khác.

Nhìn cảnh tượng đó, Mitch mỉm cười thích thú:

- Đã có sự thay đổi. Tôi bắt đầu thích tay chỉ huy trưởng này rồi đấy. Anh thấy chúng nó bò ra sàn để chùi rửa không!

Khi tiến đến gần căn lều của viên chỉ huy trưởng, tôi đã nghe tiếng ồn ào ở phía trong. Giọng nói gằn mạnh, chắc nịch, trổi hẳn lên giữa nhiều tiếng động khác:

- Hạ sĩ Reynolds, tôi không cần biết trung úy Macy trước đây làm việc thế nào nhưng bắt đầu kể từ giờ phút này, mọi việc phải thay đổi. Căn cứ vào bản tồn kho của tôi, không thấy 50 thùng lương khô, mất hai máy truyền tin, không một cái xe nào còn bánh xơ-cua. Tôi chưa kiểm tra lại kho vũ khí... còn chỗ ngủ của binh sĩ thì đúng là một ổ chuột...

Im lặng một chút rồi giọng nói tiếp tục, âm điệu mạnh mẽ hơn bao giờ:

- ...ngày mai sẽ có một cuộc kiểm tra toàn diện lúc 9 giờ sáng. Và anh phải tìm cho được hai ống nhòm hồng ngoại tuyến. Đem trình diện tôi ngày mai. Anh nghe rõ chưa?

- Thưa nghe rõ, đại úy Boggs! Tôi có thể lấy cắp hai cái hồng ngoại tuyến đó của đơn vị bên cạnh được không?

- Nói vậy đủ rồi, tôi không muốn nghe nữa. Phải tìm cho ra!

Chúng tôi vén cửa lều và bước hẳn vào trong.

- Các anh là ai?

Boggs nhìn thẳng về phía cửa, hỏi, giọng nói vẫn gằn mạnh. Viên chỉ huy nhìn chúng tôi như một con thú đói lâu ngày mà chúng tôi là miếng mồi ngon, béo bở. Chợt nhớ ra một chuyện, Boggs thở ra, giọng hoà hoãn hơn:

- À! Quân cảnh. Có người đã báo cho tôi biết là các anh trên đường đến đây. Tôi là đại úy Boggs, chỉ huy trưởng mới ở đây.

- Tôi là Hatchett, nhân viên điều tra tội ác, còn đây là ông Mitchley, nhân viên điều tra quân cảnh tại căn cứ Victoria.

Với khuôn mặt lạnh lùng vô cảm, Reynolds từ từ xoay đầu nhìn xoi mói về phía chúng tôi.

Đại úy Boggs lên tiếng:

- Hạ sĩ, những người này muốn nói chuyện với anh.

Vừa nói xong, Boggs đi vụt ra cửa. Đứng ở cửa lều, viên chỉ huy xoay người lại:

- Các anh có thể dùng cái lều này để làm việc, ông Hatchett. Tôi kiếm lều khác cũng được.

Rồi liếc mắt về phía Reynolds:

- Hạ sĩ, những ai đi tuần với anh tuần trước, cái đêm mà, à!... tên của hắn là gì, cái tay bị bắn chết đêm đi tuần?...

- Berkley, thưa ông! Binh nhất Berkley.

Reynolds nhìn thẳng về phía trước, tránh ánh mắt chúng tôi.

- Còn những tay khác là Watson, Thiel, và Jefferson, thưa ông! Cả Collins nữa, nhưng nó đi công tác ở Cam-ranh rồi, vài ngày nữa mới về. Ông có muốn tôi gọi bọn nó không?

- Thôi, để tôi gọi, còn anh cứ ở lại đây. Tôi mới nhận nhiệm vụ thứ Tư vừa tuần trước... Boggs phân trần với chúng tôi... nên chưa biết hết sinh hoạt ở đây.

Tôi gật đầu. Boggs đi rồi, Reynolds thở ra một hơi dài:

- Chà, tôi muốn đi về nhà cha nó cho rồi, thằng chả làm quá sức, cứ như chết đến nơi không bằng.

- Anh muốn về đâu? Tôi cố giữ giọng nói bình thản, làm như chỉ là một cuộc nói chuyện qua loa vây thôi... về nước hả?

- Muốn quá đi chớ! Fort Dix, ở New Jersey. Tôi được lệnh thuyên chuyển về làm huấn luyện viên quân trường cho khóa căn bản. Tôi sinh ra và lớn lên chỉ cách quân trường Dix khoảng chục dặm. Cha ơi là nóng. Từ nhà đến quân trường như thế thì quá tiện.

Hắn ngồi phịch xuống chiếc ghế của đại úy Boggs. Trán hói nhẵn, khuôn mặt lạnh như tiền, giọng nói tự nhiên không tỏ vẻ gì sợ sệt. Hình phạt kỷ luật trước đây đối với hắn, hình như, chỉ là một trò đùa thay đổi không khí. Hắn xếp xếp lại đống giấy tờ trên bàn và cầm lên tờ giấy báo cáo tồn kho.

- Làm thế quái nào mà tôi biết được thằng nào ăn lương khô nhiều hơn tiểu chuẩn cấp phát? Nếu câu lạc bộ cứ nấu ăn cho ngon đi, thì chẳng có ma nào thèm ăn lương khô. Rồi còn hai cái ống nhòm hồng ngoại tuyến nữa, làm sao tôi biết nó ở đâu?

Hắn vứt tờ giấy sang bên, giọng mệt mỏi:

- Mấy cha thấy không? Cả một đống bề bộn. Chán quá, hai tuần nữa tôi bước ra khỏi đây rồi thằng cha Boggs muốn làm gì thì làm. Tôi cóc cần.

Lương khô (đọc là Lerps nhưng tên thật là LRRP = Long Range Reconnaissance Patrol), theo đúng tên gọi là lương thực đã được sấy khô, dễ ăn mà khi hành quân thường mang theo. Một gói lương khô Lerps, nhẹ cân hơn lương khô loại C, nhưng chỉ cần đổ nước sôi vào là có ngay một bữa ăn đầy đủ chất đạm, bảo đảm cho cuộc hành quân dài ngày. Gói lương khô này rất có giá trị trên thị trường, nhất là thị trường chợ đen.

Ống nhòm hồng ngoại tuyến dùng vào ban đêm để kiểm soát sự di chuyển của quân địch. Những đêm không trăng thì nhìn không được rõ lắm vì nó dùng ánh sáng phản chiếu từ mặt trăng, nhưng bù lại nó rất hữu dụng khi đi tuần tra. Thật khó mà hiểu được, một đơn vị bị mất hai cái cùng một lúc.

Hạ sĩ Reynolds quay sang chúng tôi:

- Thế các ông muốn biết gì về cái đêm mà Berkley bị bắn?

- Tôi chờ mấy tay kia đến rồi nói chuyện luôn. Thế anh cầm đầu toán đêm hôm đó à?

Hắn nhíu mày. Trông hắn hơi trẻ khi giữ chức xử lý thường vụ thay mặt tay trung úy Macy.

- Tôi chịu trách nhiệm cả toán mỗi đêm, thưa ông..., ông...?

- Hatchett!

Tướng Reynolds to lớn, kềnh càng như con bò mộng. Chấc hắn phải chơi trong đội football trước khi nhập ngũ.

- Ông Hatchett... hắn hạ thấp giọng, mắt nhìn về phía cửa lều... thường thì tôi cầm đầu toán.

Tấm bạt ở cửa lều được vén lên và ba người lính bước vào, hai trắng một đen. Jefferson, anh lính da đen, chắc vừa chùi rửa quân xa vì quần áo sũng nước và dính bê bết bọt xà-bông. Thiel, tay nhỏ con nhất trong bọn, mái tóc đen nhánh phủ trên khuôn mặt chạy dọc đôi lông mày thật rậm. Thật khó mà đoán được con người Watson thuộc loại nào; một thằng trẻ măng với vóc dáng to lớn không thua gì Reynolds, tóc vàng hoe, nước da đỏ hồng.

Tôi hất đầu ra hiệu cho Reynolds đứng đậy để nhường ghế cho tôi. Mitch ngồi ở cạnh bàn. Cả bốn tay lính đứng hàng dọc trước mặt chúng tôi chuẩn bị trả lời những câu hỏi, hai tay bắt chéo sau lưng. Tôi đặt câu hỏi chung cho cả nhóm nhưng chú ý quan sát khuôn mặt của từng đứa:

- Tuần qua các anh đi tuần đụng phải địch quân, hai bên bắn nhau và sau đó binh nhất Berkley bị địch quân bắn chết?

- Không hẳn như thế... Hạ sĩ Reynolds điềm tĩnh.

Ba tên kia mắt dán xuống sàn nhà, chỉ có Reynolds trả lời.

- Anh nói rõ thêm được không?

- Vâng, thưa ông. Berkley không phải bị bắn chết trong khi đụng độ. Khi chúng tôi gặp bọn Việt-cộng, Berkley đã chết rồi. Đúng ra nó chính là lý do mà chúng tôi phải bắn xối xả vào bọn Việt-cộng. Nếu nó cứ đi cẩn thận như chúng tôi thì giờ này chắc nó vẫn còn sống. Để tôi nói rõ thêm một chút nhé, ông Hatchett...

Hai tên lính kia, ngoại trừ Thiel, ngẩng đầu lên nhìn về phía Reynolds, xem chừng đang đo lường từng lời nói của tên hạ sĩ.

- Xin anh cứ tiếp tục.

Reynolds đổi thế chân cho đỡ mỏi:

- Việc tuần tra của chúng tôi đêm hôm đó cũng giống như bao đêm khác, nghĩa là đi tuần dọc theo đường mòn khoảng ba nghìn yards đổ lại. Chúng tôi chỉ theo dõi sự di chuyển của bọn Việt-cộng, nếu có, và báo cáo về bộ chỉ huy để họ quyết định, thế thôi. Chúng tôi đã được lệnh không được đụng độ với địch quân. Ông hiểu chứ? Sư đoàn này chỉ có nhiệm vụ theo sát những di chuyển của địch quân dọc theo đường mòn Hồ chí Minh. Nhưng đường mòn này không giống như những đường mòn khác. Đây là cả một hệ thống đường lớn, đường nhỏ, đường rộng, đường hẹp nối dài từ Hà-nội vào đến Sài-gòn và cái đường mòn mà chúng tôi tuần tra chỉ là một phần nhỏ của nó. Chúng tôi đã tuần tra một vài lần trước đó, mỗi khi có lệnh từ lữ đoàn.

Hạ sĩ Reynolds rút ra một điếu thuốc, mời chúng tôi rồi tự nhiên châm lửa, hút:

- Berkley đi trước dẫn đường, cách chúng tôi khoảng 50 yards. Nó đứng chờ chúng tôi ở một ngã ba của đường mòn. Đột nhiên tôi nghe tiếng đạn bắn ở phía trước, tôi cố nhìn xem Berkley ở đâu nhưng trời tối quá. Chúng tôi nằm rạp xuống, bò dần về phía trước xem chuyện gì xảy ra. Khi bò đên gần ngã ba thì đã thấy nó nằm lù lù một đống ngay giữa đường. Và chúng tôi bắn xối xả về phía bọn Việt-cộng.

Watson thêm vào:

- Hoả lực mạnh lắm. Khoảng hơn chục thằng Việt-cộng là ít, phải không Reynolds?

- Ít nhất phải là một tá. Giống như chúng tôi, bọn chúng đi tuần... Reynolds hít một hơi thuốc, ...dĩ nhiên chúng tôi phải bắn trả và tìm cách lấy xác Berkley về. Tôi tin chắc là nó đã chết nhưng chúng tôi không thể bỏ xác nó lại được.

Hắn ngưng nói, đưa mắt nhìn về phía Jefferson. Tôi khuyến khích:

- Rồi sao nữa?

Tôi để ý đến cử chỉ của Thiel. Nó là đứa duy nhất không muốn nhìn thẳng vào mắt tôi và Mitch, ngay cả không dám nhìn đồng bọn của nó. Thiel tỏ vẻ không tha thiết gì với câu chuyện, nếu không muốn nói là không muốn nhắc đến sự việc xảy ra đêm hôm đó. Nó cúi gằm mặt xuống đất, bận bịu bóc từng mảng sơn khô dính trên bàn tay, vo lại rồi ném xuống đất.

Reynolds đưa tay về phía Jefferson:

- Tôi ra lệnh cho Jefferson gọi máy về lữ đoàn xin mọc-chê yểm trợ để chúng tôi rút về căn cứ. Mấy thằng này bắn che trong khi tôi bò dần lên phía trước. Cuối cùng tôi cũng kéo được xác Berkley về phía sau. May quá, cũng không cần mọc-chê hổ trợ mà cũng lấy được xác về.

- Như thế là các anh bốn người và Collins đi chung với nhau khi Berkley trinh sát phía trước một mình. Thật may mắn các anh không một ai bị thương trong trận đụng độ bất ngờ đó.

- Đường rừng cây mọc chằng chịt nên chúng tôi dễ rút. Jefferson giải thích.

- Thế anh kéo xác Berkley về bao xa?

- Độ chừng 50 bộ, kéo về phía có con dốc nhỏ là xong. Chỉ xa khoảng đó thôi, phải không Watson? Rồi tôi xốc nó lên vai chạy thẳng về căn cứ Victoria trong khi mấy đứa kia vẫn bắn cản cho tôi. Nhưng bọn Việt-cộng không bám theo chúng tôi, tôi nghĩ khi đụng độ bọn chúng cũng ngạc nhiên không kém gì chúng tôi.

- Anh mang được xác Berkley về là một điều đáng khen.

- Tôi không thể bỏ xác nó lại, thưa ông Hatchett. Nó ở trong tiểu đội của tôi, nó lại là đứa tốt. Tôi thật không đành để nó lại trên đường mòn, dù sống hay chết. Nó là một thằng thật dễ thương.

Tất cả mọi đứa, trừ Thiel, gật đầu đồng ý. Tôi vẫn theo dõi từng cử chỉ của bọn chúng:

- Thế trận đụng độ kéo dài bao lâu? Thiel, anh đoán khoảng bao nhiêu lâu?

Thiel giật mình, ngẩng đầu lên, ngơ ngác:

- A, xin lỗi..., xin lỗi... ông hỏi gì?

Reynolds đỡ lời:

- Khoảng 10 phút, có thể 20 phút.

Thiel lẩm bẩm:

- Ừ! Khoảng đó.

Jefferson thở dài:

- Vậy mà xem chừng lâu lắm.

Tôi gật đầu đồng ý. Chúng nó vừa tả lại một cuộc chạm trán bất ngờ, đôi bên bắn nhau khoảng mươi phút rồi mạnh ai nấy rút. Tôi không thấy có gì khác lạ trong câu chuyện cả. Không biết phải hỏi thêm những gì, tôi xếp xếp lại đống giấy trên bàn của đại úy Boggs, ngửa người ra sau nhìn cả bốn thằng cho rõ. Nhìn từng thằng một và ánh mắt tôi dừng lại ở Reynolds:

- Anh kéo xác Berkley thế nào? Anh nắm xác nó ở đâu để kéo?

Hình như biết trước thế nào cũng bị hỏi câu đó, không một chút chần chừ, Reynolds nói:

- Ban đầu tôi nắm dưới nách nó để kéo, nhưng xương bả vai của nó đã bị bể nát nên khó giữ chặt được cả cánh tay, nên tôi nắm lấy cái áo lính kéo về phía sau, như thế này...

Hắn luồn ra đứng ngay phía sau Jefferson, vòng cả hai tay qua vai thằng bạn, túm lấy chỗ túi áo của thằng này và làm cử chỉ kéo ngược về.

- À! ra là thế, anh túm lấy chiếc áo lính để kéo về.

- Thưa ông, đúng vậy.

- Thế chiếc áo có cài cúc không?

- Tôi nghĩ là có... vâng, tôi tin là có cài cúc. Vâng... đúng thế, ai lại mở cúc ra bao giờ!

- Mũ sắt chứ?

- Không, hắn đội mũ thường... Reynolds nhíu mày hơi khó hiểu một chút rồi lấy lại được vẻ bình tĩnh ngay... cả giày bốt-đờ-sô nữa. Berkley mang giày để lỡ bị chất vấn vì quân phục.

Thiel trông thảm não lắm, ngơ ngơ ngáo ngáo như người mất hồn nhưng ba đứa kia khuôn mặt tươi tỉnh hẳn ra khi nghe hạ sĩ Reynolds nói về đôi giày trận. Tôi chẳng thèm để ý, để cho chúng hí hửng vì chúng vẫn chưa biết những chi tiết khác thường trên chiếc áo mà tôi và Mitch đang điều tra. Cứ để cho bọn nó nghĩ là chúng tôi rất tin những lời khai rồi thế nào chúng cũng có sơ hở.

- Thế nó có cột dây giày không?

- Ồ! Không. Berkley ít khi buộc dây giày nên nó cứ bị vấp ngã hoài. Nhưng đêm đó, dây giày có buộc, áo cài nút, mũ đội lên đầu....

- Nó có mặc áo giáp?

- Không, Berkley rất ghét áo giáp. Nó nói mặc làm gì khi nó không cản được đạn hoàn toàn. Nó còn nói là mặc áo chỉ bảo vệ được ngực và bụng, còn hạ bộ và mặt phơi ra như thế thì cũng chết.

- Như thế là anh nắm lấy áo và kéo ngược về.

- Rất đúng, thưa ông Hatchett.

Hắn thả mẩu thuốc lá xuống đất, lấy chân dí lên trên cho tắt lửa.

- Sao mấy câu hỏi vừa rồi liên quan đến quân phục không vậy? Thế quân đội lại để ý đến thời trang nữa sao?

Cả bọn chúng nó với khuôn mặt lạnh lùng hướng về phía tôi, chờ câu trả lời. Chẳng có đứa nào để ý đến câu hỏi diễu của Reynolds. Tôi dựa người vào thành ghế, quan sát thật kỹ, bình tĩnh trả lời:

- Lâu lâu thì cũng phải kiểm tra về quân phục khi đi ra ngoài. Các anh không nhớ câu nhìn quân phục biết tư cách sao?

Tôi cho đó là một câu trả lời tuyệt vời vì qua mặt được tay cáo già Reynolds. Tôi không muốn nó chú ý đến chiếc áo không có một lỗ đạn của Berkley, cứ để cho nó yên trí về câu chuyện mà hắn vừa kể. Ngay sau khi hỏi cung xong, chúng tôi theo cả bốn đứa ra ngoài. Đôi mắt tôi vẫn không rời Thiel khi cả đám bước xa dần. Tôi biết chắc là chúng vừa đi vừa cãi cọ sôi nổi. Bước quá khỏi tầm nghe, bỗng nhiên cả đám dừng chân, tôi thấy Reynolds chụp lấy hai bả vai của Thiel, xoay một vòng 180 độ, nói như tát nước vào mặt, chỉ chỉ ngón tay vào khuôn mặt tái mét của thằng Thiel.

Cảnh tượng đó cũng không qua được đôi mắt của Mitch:

- Đáng lẽ chúng ta phải hỏi cung riêng từng thằng để so sánh lời khai.

- Đúng! Đáng lẽ ra là như thế nhưng chúng ta muốn hỏi từng đứa lúc nào chả được. Tôi muốn xem cả nhóm phản ứng thế nào trước. Hơn nữa, anh biết là nếu có chuyện gì xảy ra đêm hôm đó thì bọn nó cũng dựng nên câu chuyện và học thuộc lòng từng chi tiết rồi.

Mitch lẩm bẩm một mình:

- Cái áo không có một lỗ đạn thì kỳ lạ thật? Nếu Berkley có mặc áo, bị bắn chết trong khi đụng độ thì dám bọn Việt-cộng có loại một loại đạn chiến lược nào đó! Hoặc giả, bọn Việt-cộng bắt sống nó, cởi áo ra, cho nó một băng đạn rồi mặc áo lại. Có thể như thế không?

Tôi chép miệng thở dài:

- Ước đoán của anh có thể lắm.

Đại úy Boggs tiến về phía chúng tôi. Mitch hỏi bâng quơ:

- Con đường này dẫn đi đến đâu?

Trước khi trả lời câu hỏi của Mitch, Boggs hất đầu:

- Xong rồi hả?

- Vâng, xong rồi. Cảm ơn ông.

- Muốn tôi giúp cái gì cứ nói! OK?

- Vậy thì tốt quá. Sáng ngày mai, sau giờ kiểm tra toàn trại, khoảng 11 giờ ông gọi Thiel lên gặp tôi ở đài chỉ huy. Tôi cần nó trong vài tiếng đồng hồ.

- Chỉ thằng Thiel thôi à! Còn những đứa kia thì sao?

- Chỉ thằng Thiel thôi và cũng đừng nói cho ai biết điều này, kể cả thằng Thiel. Cũng đừng cho nó biết trước là ngày mai lên gặp tôi. Gần 11 giờ ông xách nó lên gặp tôi là được rồi. OK?

- Được mà!

Mitch thắc mắc:

- Anh tính làm chuyện gì với thằng Thiel?

- Ngày mai, tôi, anh, Thiel và một vài tay quân cảnh, nai nịt gọn gàng đi ra đến chỗ Berkley bị bắn chết. Thiel là thằng yếu bóng vía nhất trong đám và nó là thằng mà tôi muốn tách rời ra khỏi nhóm để moi thêm một vài chi tiết nữa. Tôi muốn nó chỉ rõ chỗ nào trên con đường mòn Hồ chí Minh mà Berkley bị chết. Bây giờ tôi hoàn toàn đồng ý với Willard. Tôi không nghĩ Berkley bị bọn Việt-cộng bắn chết. Ít nhất là không phải vì trận đụng độ bất ngờ đêm hôm đó.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t97244-cai-chet-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận