Cái Chết Chương 3

Chương 3
Cái làng

Những tàng lá rậm đan rợp lối đi trên đường mòn. Ánh nắng chói chan của buổi trưa miền cao nguyên chiếu le lói qua tàng cây hắt xuống đất những đốm sáng mờ ảo trông như đi lạc vào vùng huyền bí.

Con đường mòn khá rộng đủ để chúng tôi bước hàng đôi. Tôi gởi hai người quân cảnh đi trước trinh sát mặc dù chuyện đụng độ với bọn Việt-cộng giữa ban ngày ngay gần căn cứ là chuyện khó có thể xảy ra. Bọn Việt-cộng chỉ thích ban đêm. Hai người quân cảnh nữa bọc hậu, còn năm người đi giữa với tôi, Mitch và Thiel. Tất cả chúng tôi đều mang theo súng M16, M-79 và súng phóng lựu đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

Khoảng một tiếng đồng hồ trước đây, tôi nói với Thiel là muốn hắn dẫn đến chỗ Berkley bị hắn hạ. Hắn tái mặt, gật đầu miễn cưỡng áng chừng không muốn đến ngã ba tử thần đó một lần nữa. Miệng hắn lẩm bẩm thứ gì tôi nghe không rõ.

Chúng tôi bước trên đường mòn đã khá xa căn cứ. Một anh quân cảnh báo cho tôi biết là có ngã ba đường trước mặt và đang đứng chờ lệnh. Khi đến nơi thì Thiel nói là không phải ngã ba này.

- Có một ngã ba nữa trước mặt... hắn chỉ lối đi bên trái, ...con đường này dẫn đến một cái làng cách đây không xa, về phía đó.

Hắn hất hất đầu về hướng đông. Chúng tôi tiếp tục bước sâu vào khu rừng. Bầu trời tối hẳn lại, ánh sáng gần như biến mất. Càng vào sâu càng khó thở như thiếu dưỡng khí. Sức nóng hun người không biết từ đâu kéo tới đổ ập trên đầu đám người đang lầm lũi bước. Mồ hôi chảy ướt đẫm lưng, chúng tôi có cảm giác như bị nhốt vào một phòng tắm hơi đang mở hơi nóng tối đa. Ba mươi phút sau, khoảng hai nghìn yards cách ngã ba đường đầu tiên, Thiel đưa tay ngăn chúng tôi lại:

- Nó nằm chết ở khoảng này...

Hắn xem xét khoảng đất chung quanh, đưa chân hất hất lớp lá vàng khô trộn lẫn với đám vỏ cây mục rồi nói thêm:

- Dấu máu của nó vẫn còn đây!

Đúng như lời hắn nói, dưới lớp lá vàng tôi thấy cả một vũng máu khô quánh. Thiel ngồi bệt xuống ven đường, dựa lưng vào gốc cây, gục đầu vào giữa hai đầu gối, đong đưa thân mình theo một nhịp điệu vô hình nào đó.

- Thế nhánh đường này dẫn đi đâu? Tôi chỉ con đường mòn bên trái.

- Nhánh bên phải đi mãi đến đâu thì tôi không biết, Hà-nội chăng? Còn nhánh bên trái giao tiếp với một đường mòn nữa trước mặt rồi dẫn đến cái làng mà tôi nói lúc nãy. Đó là đường mòn mà chúng tôi tuần tra. Bọn Việt-cộng đến từ nhánh phải và đụng thằng Berkley.

- Từ đây đến làng bao xa?

- Không xa đâu, độ mươi phút thôi. Đi đến đó bằng xe hơi cũng được nhưng phải lái xe lên gần Phú Biên rồi theo một con đường mòn nữa mới dẫn đến làng được.

Tôi xem xét kỹ lưỡng những tàng lá chung quanh nơi xảy ra trận đụng độ. Tôi thấy có cái gì không ổn, hình như thiếu thiếu một cái gì đó! Một người lính quân cảnh gọi tôi đến và chỉ xuống đất. Trên mặt đất nằm lây lất ba vỏ đạn M16. Tôi hỏi Thiel:

- Chỉ có mấy vỏ đạn đó thôi sao? Bắn nhau cả mươi mười lăm phút mà chỉ có thế thôi à? Anh có nhớ các anh bắn bao nhiêu băng đạn trước khi lôi được xác thằng Berkley về không?

- Cả trăm, không chừng cả nghìn.

Thiel nói, đầu vẫn chôn kín giữa hai đầu gối:

- Bọn Việt-cộng, dân chúng quanh vùng đâu để mấy vỏ đạn vương vãi phung phí như thế. Thoáng một cái là chúng nó đến nhặt cho bằng hết. Lấy về để bọn nó còn nhồi thuốc súng vào rồi xài lại, nếu không đem bán ve chai cũng kiếm bạc nghìn. Bởi thế ông chỉ thấy vài ba cái còn sót lại.

Hắn chậm rãi ngẩng đầu lên, nhìn tôi, giọng thiểu não:

- Tại sao tôi đến đây với ông làm gì, hở ông Hatchett? Chúng ta đang làm gì ở đây? Nha điều tra tội ác có bao giờ rắc rối như thế đâu! Berkley đã chết! Nó bị bắn chết trong khi đụng trận. Ngay tại đây. Bởi mấy thằng Việt-cộng. Đơn giản chỉ có thế! Chuyện bé mà sao ông xé ra to vậy?

Không để ý đến Thiel, một lần nữa, tôi xem xét thật kỹ cây cối mọc um tùm xung quanh. Trong rừng núi miền tây bắc Pensylvania, quê của tôi, cây cối cũng mọc chằng chịt và rậm rạp mặc dù không bằng ở cánh rừng nóng nung người này. Khi nghĩ đến những cánh rừng ở quê nhà, tôi chợt thấy cái thiếu thiếu mà tôi không bắt được lúc nãy, khi nó vừa loé lên trong trí. Tôi hỏi Thiel dồn dập:

- Berkley nằm đây, trên đất còn đọng lại vũng máu. Reynolds lôi xác nó về trong khi các anh bắn cản cho nó. Hằng nghìn viên đạn bắn ra cùng một lúc. Mười hai thằng Việt-cộng, năm người chúng ta, mỗi đứa bắn ít nhất là hai ba băng đạn, tổng cộng đến hơn năm mươi băng đạn, mỗi băng đạn có hơn hai mươi viên. Anh nói hàng nghìn viên là đúng lắm, Thiel...

-...và anh thấy Reynolds kéo xác thằng Berkley về, đúng không? Nó nắm lấy áo thằng Berkley kéo về, thế lúc đó anh ở đâu?

Thình lình Thiel nổi xung:

- Thì vòng vòng chỗ này thôi, không xa hơn! Ông Hatchett. Tôi không biết ông đã tham dự bao nhiêu trận đánh rồi, nhưng ông biết là khi đụng độ, ông chỉ biết mỗi việc bắn ào ào vào chúng nó, tai không còn nghe, mũi không còn ngửi được gì ngoài mùi thuốc súng, người ông như mê đi, đâu còn biết gì xảy ra chung quanh. Ông hiểu chứ? Ông chỉ biết là bắn thật nhiều để kiếm đường rút, để sống sót. Hôm đó tôi và mấy thằng kia cũng làm như thế trong khi Reynolds cố kéo xác thằng Berkley về.

Tôi để cho nó xả một hơi cho đỡ tức. Đây đúng là thời điểm tôi phải cho nó biết có cái gì không ổn trong lời khai của cả bọn. Nói cho nó biết để nó ngậm bố cái miệng lại, để cho nó về nói lại với đồng bọn là chúng mày còn ngu lắm, đặt chuyện mà quên đi một chi tiết quan trọng. Tôi đã tìm thấy lỗ hổng của câu chuyện, mặc dù chưa biết tại sao Berkley chết, nhưng ít ra nó cũng làm tôi thỏa mãn được một phần trong việc điều tra.

- Anh nói đúng, tôi chưa bao giờ bị đụng trận bất ngờ như các anh. Nhưng vẫn có một điểm không đúng trong lời nói của các anh...

Thiel cướp lời, to tiếng:

- Cái gì mà không đúng? Không đúng chỗ nào? Thằng Berkley nằm chỗ này. Nhìn vũng máu kìa! Ông cũng tìm thấy mấy vỏ đạn. Thế cái gì không đúng? Hay là cây cối chung quanh đây mọc không đúng? Con đường mòn không đúng? Cái gì? Cái gì không đúng, ông nói cho tôi nghe coi!

Tôi nhìn thẳng vào mắt Thiel, muốn cho nó biết là điều tôi sắp nói ra đây rất nghiêm trọng; tôi đã suy nghĩ cẩn trọng khi tiết lộ điều này. Tôi nói rõ từng tiếng một:

- Trong một vùng nho nhỏ như thế này, cây cối mọc chằng chịt, hàng nghìn viên đạn bắn ra, thế mà không thấy một nhánh cây nào bị gãy, không một thân cây nào bị xước, cũng chẳng có một lá cây tươi nào rụng. Anh thấy có lạ không? Thiel. Anh giải thích cho tôi nghe, làm sao trong một khu vực nhỏ xíu bằng cái bàn tay, các anh và địch quân bắn hàng nghìn viên đạn, mà cảnh vật vẫn còn nguyên vẹn, không trầy trượt một chút nào. Thế các anh và mấy thằng Việt-cộng dùng loại đạn gì vậy?

Thiel trừng trừng nhìn tôi thật lâu, lâu lắm; miệng há hốc biểu lộ sự kinh ngạc, khuôn mặt co rúm lại tạo thành nhiều vết nhăn trên trán, mồ hôi nhỏ từng giọt hai bên thái dương, có lẽ vì sức nóng. Đôi mắt hắn hướng về phía mấy nhánh cây rồi lại nhìn qua tôi. Một bên mép hắn giật liên hồi như bị kinh phong. Cuối cùng hắn chôn mặt vào giữa hai đầu gối, giọng thều thào:

- Tôi... không biết! ...Tôi không biết!

Tôi quay sang Mitch và mấy người quân cảnh:

- Thôi đi về! Ngày mai chúng ta sẽ đi thăm cái làng đó!

Thiel mệt mỏi đứng dậy, phủi quần cho rũ bụi:

- Thế ông lại bắt tôi đến cái làng chó chết đó nữa phải không?

- Không! Chúng tôi đi một mình được rồi.

** *

Bữa tiệc sinh nhật trong khu vực của ngành Quân Báo trung đoàn đang tưng bừng náo nhiệt khi tôi về đến căn cứ, sau khi gọi phôn cho Nha Điều Tra Tội Ác để báo cáo diễn tiến cuộc điều tra. Nhiệm vụ của ngành Quân Báo (Military Intelligence) là hỏi cung đám tù nhân chiến tranh (POW) và nhiệm vụ của ngành Quân Cảnh (Military Police) là canh giữ tù, vì thế ban chỉ huy của hai đơn vị thường được sắp xếp bên cạnh nhau. Bộ phận tách rời của ngành Quân Báo tại căn cứ Victoria gồm có Tom Fingers, người ăn mừng sinh nhật hôm nay, viên sĩ quan Sommers, và ba người nữa. Những người này, cùng với Mitch và hai người quân cảnh đang ngồi uống bia ở sân cỏ phía ngoài lều chỉ huy. Tom Fingers uống đã ngà ngà khi tôi đến.

Ở Việt-nam, đôi khi chúng tôi quên hẳn cuộc chiến tranh tàn khốc đang xảy ra trên khắp đất nước miền Nam, giây phút này là những lần hiếm hoi đó. Lính tráng bỏ hết công việc, ngồi quây quần lại với nhau trong một buổi chiều gió heo may dưới bầu trời đầy mây xám, uống bia, nói chuyện tếu, và nướng thịt sườn.

Summers hỏi khi tôi vừa ngồi xuống ghế nhập bọn:

- Mitch có nói với tôi là anh để ý đến Bravo 457.

- Bravo 457?

- Đó là địa danh chúng tôi gọi cái làng nhỏ mà anh muốn đến ngày mai. Làm thế nào thì cũng phải có một cái tên chứ! Nói đến Bravo 457 thì ai cũng hiểu.

- Thế anh có rành cái làng đó không?

Sommers, vừa mới tốt nghiệp trường Luật thì bị động viên, trông trẻ măng và dáng thư sinh mặc dù khoác áo lính phong trần với mái tóc ngắn cũn cỡn. Giống như tôi và Mitch, Sommers không mang cấp bậc nhưng tôi đoán hắn ít nhất phải đeo lon trung úy, hoặc giống tôi, chuẩn úy. Sommers ngồi ngó ngoáy không yên, hai chân bắt chéo:

- Chúng tôi có một tay cung cấp tin tức tuyệt khéo tại Bravo 457. Chúng tôi tạt ngang đôi lần, hỏi chuyện những người trong làng, từng người một - dĩ nhiên - để không ai biết người nào đã cung cấp tin tức về sự di chuyển của bọn Việt-cộng trong vùng. Dân làng - phần lớn là đàn bà, con nít, và ông già - không tin cậy lắm và họ gần như bất hợp tác nhưng chúng tôi cũng kiếm được người chịu bán tin tức, mà lại tin tức chính xác nữa chứ. Mấy tháng trước đây thì thằng nhỏ đó vẫn còn dùng được.

- Còn những người khác theo Việt-cộng à?

Sommers nhăn mặt:

- Khó nói lắm. Có thể theo Việt-cộng, cũng có thể chính họ là Việt-cộng, hoặc có thể họ không muốn dây dưa với lính Mỹ cũng như Việt-cộng. Một điều hiển nhiên là họ thích đô-la nhưng theo nhận xét của tôi thì họ muốn được yên thân, không muốn đụng chạm bên nào cả. Thế anh muốn biết gì về cái làng đó, Hatch?

- Tôi chỉ muốn quan sát thôi. Đúng ra tôi muốn biết đó có phải là nơi bọn lính đến xả trại không? Đại khái nghỉ chân uống loong bia, tán gẫu với dân làng...

- Tôi không hiểu rõ điều anh muốn nhưng tôi nghĩ, nếu anh OK, tôi, Fingers, một người nữa cùng với tay thông dịch sẽ đi với anh đến cái làng đó ngày mai. Lâu lắm rồi tôi chưa ghé qua đó và tôi không biết tình trạng thằng nhỏ cung cấp tin tức ra sao?

- Sao?

- Độ hai tháng nay tin tức thằng nhỏ đó cung cấp không còn chính xác nữa. Trước đây chúng tôi mua được những tin tức đáng đồng tiền bát gạo lắm. Gần đây có nghe báo cáo bọn Việt-cộng di chuyển dọc theo đường mòn tiến vào làng, thế mà thằng nhỏ lại nói là không có một tên Việt-cộng nào lai vãng gần khu làng cả. Tôi e rằng nó đã đi theo phía bên kia. Lâu lắm rồi chúng tôi không dùng đến nó.

- Thế mấy cái báo cáo kia chính xác đến độ nào?

- Chắc chắn phải chính xác 100%. Một đơn vị của sư đoàn. Họ gởi đội tuần tra ra ngoài mỗi khi chúng tôi ra lệnh qua lữ đoàn.

- Anh nói là đơn vị cỡ như đơn vị 2/11 của hạ sĩ Reynolds?

- Tôi không thể nói rõ với anh được, lệnh bảo vệ bí mật nhưng cũng gần gần như thế. Còn chuyện ngày mai thì sao? Anh có muốn chúng tôi tháp tùng không?

- Ồ! Thế thì tốt quá đi chứ!

Sommers cụng loong bia với tôi, nói thêm:

- OK, anh sẽ không hối tiếc đâu. Nếu anh muốn moi thêm tin tức mà không cần phải hỏi han gì hết thì phải nhờ đến tay Fingers...

Sommers vừa nói vừa vỗ vỗ vào vai Fingers:

- ...hắn ta có biệt tài làm được chuyện đó giúp anh... phải không Fingers?

Fingers uống đã nhiều, có lẽ đã say nên không trả lời câu hỏi của Sommers. Đầu gật gù, Fingers đè tay vào thành ghế đang cố đứng lên, rồi khật khưỡng bước đi. Nhìn con người say mèm của Fingers, thật khó mà đoán được hắn có biệt tài gì.

Sommers quay sang phía tôi:

- Ngày mai chúng ta lái xe đến đó sau buổi cơm trưa.

- Tôi nghĩ chúng ta nên cuốc bộ. Có con đường mòn dẫn đến làng mà tôi muốn quan sát thêm.

Sommers nốc cạn hớp bia cuối cùng và thấy Fingers khệ nệ khiêng tới một thùng bia nữa:

- Cuốc bộ hả? Chúng ta cuốc bộ được không, Fingers?

Fingers lè nhè:

- Cái gì? Cuốc... cuốc... bộ hả? Cố... thì cũng... được.

***

Con đường mòn từ chỗ ngã ba hôm qua, nơi Berkley nằm chết, dẫn đến làng không có gì đặc biệt. Khúc đường này tuy chật hẹp hơn, ngoằn nghoèo hơn nhưng lại đổ dốc nên ai nấy đều bước đi thoải mái.

Đến xế trưa thì chúng tôi bước vào làng. Sommers nói với tôi rằng vào làng mà mang theo cả tiểu đội quân cảnh sẽ không moi được tin tức gì đâu. Làm như thế có vẻ dằn mặt dân làng quá, để họ ghét rồi thì cạy mồm họ cũng không nói. Nhưng anh đừng lo, cứ bỏ tiểu đội quân cảnh lại đi, tôi luôn luôn có hai trung đội đóng quân chỉ cách khu làng có một dặm về hướng Phú Biên. Có chuyện gì xảy ra, họ sẽ tiếp ứng ngay trong vòng hai phút.

Chỉ có năm sáu cái nhà đổ nát, mọc xiêu vẹo nằm sâu mãi gần cánh rừng, tiếp giáp với làng; còn những căn khác, tương đối vững chãi hơn, nằm theo một hàng dọc, chạy sát bìa rừng. Những căn nhà này được dựng lên bằng những miếng gỗ dán (plywood) khá to đã bị gãy bể, những loong thiếc, những thùng đồ hộp, những vỏ kiện hàng, nghĩa là bất cứ cái gì nhặt được từ đống rác của căn cứ để có thể chắp vá thành một căn nhà, nên trông thật tồi tàn, chật hẹp và ẩm thấp. Những đám khói dày đặc xám xịt từ bếp nấu lan rộng trong không khí rút hết phân tử oxygen. Lãng đãng trong không khí, vương vãi một mùi hăng hắc khó chịu, mùi mốc meo quyện lẫn với mùi hôi thúi của phân người và phân súc vật, mùi người lâu ngày không tắm. Tất cả xốc vào mũi làm tôi nghẹt thở.

Dân làng gồm khoảng 24, 25 người. Họ không mấy chú ý khi chúng tôi từ con đường mòn tiến vào khu làng. Khoảng mươi căn nhà nằm san sát bên nhau, chỉ riêng một cái đứng sừng sững, trông biệt lập so với những cái khác đánh mạnh vào sự tò mò của tôi ngay tức khắc. Căn nhà này tương đối mới dựng lên, hình như chưa có ai ở. Cái làm tôi chú ý nhất là những tấm gỗ dán to bản, còn nguyên si, mới toanh, được dựng lên vững chãi.

Khoảng vài chục đàn bà và ông lão cúi gập người trên những đống lửa nướng lộ thiên, hoặc ngơ ngác đứng dưới mái hiên nhìn chúng tôi đi qua, dăm người đàn bà ngồi bệt dưới đất ôm con vào lòng, những đứa con đôi mắt cũng ngơ ngác không kém gì mẹ chúng. Riêng tiếng khóc bi ai của một người đàn bà còm cõi vang lên giữa buổi xế trưa nắng quái đâm thẳng vào tai mọi người làm tất cả đều phải quay lại nhìn.

Người đàn bà ngồi xổm trước ngạch cửa trông ốm yếu, quần áo bạc phếch. Một tay ôm lấy ngực như muốn đè nén nỗi đau đớn, tay kia thả rũ trước mặt. Bà chùi nước mắt, vừa khóc vừa kể lể, tiếng than van nghe thật thảm thiết. Đôi khi trong lúc khóc than, bà đưa những ngón tay xương xẩu cào cào trong không khí như muốn nắm giữ lấy một cái gì đó vô hình trước mặt. Tuy chúng tôi không hiểu bà than khóc gì, nhưng nhìn bà cũng đủ hiểu những đau đớn bà phải gánh chịu, một nỗi cô đơn cùng cực mà phận người phải chịu đựng đọa đày theo năm tháng.

Khi chúng tôi bước vào làng, không hiểu lý do gì mà bà cứ nhìn tôi chằm chằm như muốn thổ lộ điều gì đó. Tiếng khóc than của bà làm chúng tôi đi chậm lại. Khi đi ngang nhà, bà đứng dậy, lấy tay áo quyệt giòng nước mắt đang rơi lã chã trên khuôn mặt nhăn nhúm lớp da mồi. Tiếng khóc bỗng dịu xuống, bà đưa mắt nhìn theo tôi, khá lâu, rồi đột nhiên lại bật lên tiếng khóc nghe thảm thiết hơn, não nề hơn bao giờ. Tôi bước về phía căn nhà cuối dãy mà bà vẫn đứng đó, đôi mắt dõi theo bước chân của tôi.

Sommers, người thông ngôn, và một người quân báo đang kéo một ông lão đứng riêng ra để hỏi chuyện. Fingers cứ cắm cúi rảo bước loanh quanh như người đi lạc đang tìm đường về. Trông Fingers thật vô dụng giữa số người chúng tôi, đang bận bịu với công việc. Hình như cơn say hôm qua vẫn còn váng vất nên Fingers không được tỉnh táo lắm. Hắn yên lặng, đi đi lại lại giữa đám dân làng, mồ hôi nhỏ ướt cả khuôn mặt.

Mitch và tôi đứng ngay cửa căn nhà vừa mới dựng. Tấm gỗ dán còn in nhãn hiệu Mỹ, mới toanh như vừa kéo trong kho quân nhu ra chứ không phải những tấm vá víu nhặt từ đống rác. Cánh cửa đóng nhưng không khoá, tôi lấy chân đẩy cánh cửa vào. Cánh cửa hé đủ rộng để tôi thấy căn phòng ngoài thật rộng rãi, sàn nhà nhớp nhúa, dọc theo tường xếp một dãy gỗ dán, còn nguyên, từng tấm to đứng dựa vào tường. Phía góc phòng có kê một cái bàn nhỏ và hai chiếc ghế. Cuối căn phòng lớn có hai cánh cửa nữa, có lẽ dẫn vào hai căn phòng khác, nhỏ hơn. Tôi không thấy nồi niêu xoong chảo dùng để nấu ăn, không một vật dụng cá nhân, không một ảnh tượng của tôn giáo nào, không thấy nệm để ngồi, cũng không có phòng ăn riêng biệt; tóm lại căn nhà trống không. Tôi chợt có cảm giác căn nhà này không phải là để ở, mà là một địa điểm buôn bán, một quán rượu, hoặc một căn nhà thổ tương tự như những ổ nhện mọc nhan nhãn ở Phú Biên.

Liếc đuôi mắt về phía sân làng qua đám khói tỏa lên từ những đống lửa đốt bằng gỗ tạp, tôi ngạc nhiên khi thấy Sommers và người thông ngôn đang rảo bước về phía chúng tôi, nhanh chóng hoàn tất công việc thu lượm tin tức từ đám dân làng. Cũng như tôi, khi bước ngang căn nhà người đàn bà đang ngồi khóc, Sommers quay đầu nhìn dáng người đàn bà tiều tuỵ, trong khi bà vẫn khóc lóc thở than và đôi mắt vẫn không ngừng theo dõi mọi hành động của tôi.

Khi dùng chân đẩy cửa, tôi đã thấy vương vướng cái gì ở bên trong, nên không thể mở toang cánh cửa được. Ghé mắt nhìn, tôi thấy một lớp đất tươi dày cộm rải đều ngay phía sau cánh cửa. Lần này thì tôi dùng tay đẩy, đẩy mạnh cho đến khi cánh cửa mở toang hẳn ra.

Bên trong, ngay phía sau giá bếp, tôi thấy một dãy ly đã được rửa sạch úp ngay ngắn, một hộp thìa quấy cocktail dùng dang dở, một thùng đá lạnh còn đọng nước đá tan nằm ngay dưới đất, nhưng không thấy bia rượu đâu. Hai ngọn đèn dầu hôi ở ngay phía sau giá pha rượu. Tôi bước sâu về phía hai cánh cửa của căn phòng nhỏ. Đúng như tôi dự đoán, cái mà tôi nghi ngờ đã thành sự thật, ở trong hai căn phòng này chỉ thấy toàn là giường.

Mỗi phòng chứa hai cái giường làm bằng gỗ kê sát vách tường, đối diện nhau. Một tấm nệm mỏng phủ tấm drap trải giường đã ngả sang màu cháo lòng, và một chiếc gối nhỏ cũng đã cáu bẩn. Giữa hai chiếc giường là một sợi giây thép chạy suốt chiều dài của căn phòng, một tấm chăn mỏng được treo lên như một tấm màn ngăn đôi căn phòng để mỗi bên đều cảm thấy kín đáo. Ở phía cuối giường có chiếc bàn đêm cũ rích làm bệ cho một thau nước, gần đó vài chiếc khăn tắm, giẻ chùi nằm vương vãi trên thành giường, và những móc treo quần áo được đóng chặt vào thành gỗ. Chắc chắn một lần nào đó đã có người máng chiếc áo lính lên một trong những cái móc này.

Tôi kiểm soát lại hai căn phòng xem có gì chứng minh đã có một anh lính Mỹ đến đây nghỉ chân, - mẩu tàn thuốc lá, quần áo cũ, những vỏ đồ hộp, loong bia, tạp chí Mỹ - nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một thứ gì, ngoại trừ giá pha rượu và bàn ghế thưa thớt đặt trong phòng.

Bước ra ngoài, tôi nheo mắt để cản bớt ánh sáng và suýt đụng phải một ông già đang nói huyên thiên với người thông ngôn. Sommers và Fingers đang đứng gần đó, lắng nghe. Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe người thông dịch nói với tôi:

- Ông già này muốn nói chuyện với anh. Ông ta muốn nói với nhân viên của nha điều tra tội ác.

- Cái gì? Ông già này hả?

Tôi băn khoăn tự hỏi sao ông già có thể phân biệt được Sommers, người của Quân Báo và tôi, nhân viên điều tra tội ác. Và tôi chợt nhớ đến người đàn bà nước mắt đoanh tròng, mãi đăm đăm nhìn tôi từ nãy giờ. Tôi nhìn qua vai ông già, bà đứng bất động, tiếng khóc đã ngưng bặt nhưng vẫn chăm chú nhìn chúng tôi.

Tôi hỏi người thông ngôn:

- Làm sao ông ta biết tôi là ai?

Người thông ngôn chuyển dịch câu hỏi, ông già trả lời ngay. Tay thông ngôn quay sang tôi:

- Ông ta nói là ông Tiger cho ông ta biết.

- Ồ! khoan đã...

Sommers chụp lấy vai tôi, ra hiệu cho tôi lui về phía sau. Sommers ngoắc tay gọi Tom Fingers và Mitch. Chúng tôi đứng riêng hẳn ra một chỗ, không muốn cho ai nghe những gì trao đổi. Người thông ngôn vẫn đứng lại với ông già. Người đàn bà đưa mắt nhìn theo chúng tôi.

Sommers nhướng mắt về phía tôi:

- Anh có biết Tiger không?

Tôi lắc đầu:

- Tôi đang cố hiểu tại sao ông già lại biết tôi?

Fingers bây giờ mới xen vào:

- Tất cả dân làng ở đây đều biết anh là ai. Họ còn biết anh đến đây làm gì nữa kia!

Tôi đứng như trời trồng, miệng há hốc biểu lộ sự ngạc nhiên thật sự:

- Tại sao anh biết họ biết tôi?

Sommers giải thích:

- Tôi đã nói với anh là Fingers này có biệt tài, một trong những biệt tài của tay quân báo này là nói thông thạo và hiểu rành tiếng Việt. Fingers cứ lảng vảng ở chỗ người thông ngôn hỏi chuyện và nghe ngóng dân làng kháo chuyện nhau. Họ đâu có biết Fingers rành tiếng Việt nên tha hồ nói với nhau mà không giữ ý tứ. Ngay cả tay thông ngôn cũng không biết Fingers rành tiếng Việt. Chúng tôi bắt được những tin tức quan trọng cũng là nhờ Fingers nghe lén như thế.

Tôi nhìn Fingers cảm phục. Hoá ra lúc nãy Fingers cứ quay đi quay lại chỗ đám dân chúng, tôi lại cứ ngỡ anh ta còn váng vất cơn say tuý luý hôm qua.

- Thế anh nghe họ nói gì về tôi?

- Họ biết anh là nhân viên điều tra tội ác và đến đây để điều tra về cái chết của người lính Mỹ xảy ra tại làng này tuần trước.

- Ngay cả bây giờ tôi cũng không dám chắc là Berkley chết ở đây. Thế có ai nói chắc chắn về chuyện đó không? Có người nào thấy sự việc xảy ra không?

- Không! Nhưng chúng ta biết chắc là chuyện đó đã xảy ra tại đây.

Tôi không đoan quyết lắm, nhưng màn bí mật đã được hé mở dần dần. Tôi lẩm bẩm một mình:

- À! Thằng Thiel, chỉ có mỗi nó biết là mình sẽ đi đến làng để điều tra. Đúng rồi, chính nó đã nói cho những đứa khác, rồi một đứa trong bọn lại đi nói với tay nào đó tên Tiger. Nhưng, thằng cha Tiger là ai? Tôi đặt câu hỏi với Sommers.

- Việt-cộng một thời. Ít ra là chúng tôi nghi như vậy. Tiger chỉ là tên riêng thôi. Hắn kinh doanh rất thành công, là một người tai to mặt lớn ở Phú Biên. Và nếu tin tức của chúng tôi đúng, hắn là cán bộ cao cấp Việt-cộng. Nó là kẻ thù của chúng ta. Tin tôi đi, Hatch!

- Thế dân làng ở đây có biết Tiger là Việt-cộng không?

Sommers trầm ngâm:

- Có thể là không! Đối với họ, hắn chỉ là một người buôn bán, một người dân, một vị anh hùng, một người tạo ra tiền cho dân chúng trong làng. Hắn không dại gì mà đi tuyên bố với dân làng hắn là Việt-cộng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy hắn dính líu vào một cái chết. Đối chiếu lại những tin tức trước đây, mọi việc đều rõ ràng lắm rồi.

- Rõ ràng thế nào?

- Thằng nhỏ cung cấp tin tức cho chúng tôi đã chết, Hatch! Mấy tối hôm trước, bọn Việt-cộng vào làng ban đêm mang thằng nhỏ đi, dùng mã tấu chém chết. Đó, người đàn bà mà chúng ta thấy lúc nãy là mẹ nó, khóc lóc than van thương con cả mấy ngày nay.

Tôi nhìn trở lại người đàn bà thì không thấy nữa, có lẽ bà đã chui vào căn nhà tối tăm, chật hẹp.

- Cha mẹ của bà ta nghe đâu bị lính Tây giết thời đánh nhau với Việt-minh. Chồng của bà lại bị lạc đạn chết, chẳng biết là đạn Mỹ hay đạn Việt-cộng nữa, khi bọn Việt-cộng chiếm Phú Biên vào dịp Tết Mậu Thân. Đúng là trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Và bây giờ, đứa con duy nhất lại bị mấy thằng Việt-cộng giết. Bên nào cũng có thù riêng cả, nên chẳng biết bà theo mình hay theo Việt-cộng?

- Tôi nghĩ là bà ta chẳng theo bên nào hết.

Sommers gật đầu:

- Đúng thế!

- Tôi phải điều tra thêm ông già còn biết gì nữa không?

- Cẩn thận! Cứ tảng lờ đi như không biết gì về Tiger. Hắn chỉ là dân buôn bán thôi. Chúng ta cũng nên để nó tin là mình chỉ biết hắn đến thế, không hơn không kém. Sẽ có lợi hơn cho chúng ta sau này. Những tin tức ông già sắp nói chắc chắn phải mất tiền mới mua được, vì thế ông già mới đòi gặp anh cho bằng được.

- Bao nhiêu, anh biết không?

- Còn tuỳ vào lòng tham của ông già. Nếu anh cần tiền, tôi có một mớ đây, lấy mà xài.

Sommers móc trong túi quần ra một đống giấy bạc trăm dúi vào tay tôi:

- Đừng trả hố quá! Trả hết từng đó là được rồi. Cả nắm đó cũng đáng năm sáu tháng lao động của ông ta rồi.

Thoạt tiên, tôi hơi ngần ngừ về việc mua tin tức, vì ông già có thể là một nhân chứng tương lai. Trả tiền cho nhân chứng thì trái luật. Bọn quân báo thì không sao, còn tôi thì không được. Mặt khác, nếu ông ta không khai những chi tiết quan trọng như - tên, ngày giờ, hoặc ông ta có chứng kiến chuyện Berkley bị chết - thì uổng quá. Thôi thì liều phạm luật vậy.

Những tin tức tôi thâu lượm được từ ông già không như mong ước nhưng cũng không đến nỗi tệ. Với những tin tức đó, ông ta không thể là một nhân chứng hùng hồn tại toà án quân sự được. Miệng ông già ngậm một dọc tẩu, phì phèo nhả một luồng hơi thuốc có mùi hăng hắc làm tôi khó chịu phải đứng xa cả sải tay. Ông ta xếp cẩn thận mớ tiền tôi vừa xoè ra, cất vào túi áo rồi buông thõng một câu:

- Có mấy người lính Mỹ đến đây ban đêm.

Tôi đánh hơi đã hỏi đúng chỗ, nói với người thông ngôn:

- Hỏi xem bao nhiêu đứa? Chúng chỉ đến ban đêm thôi sao?

Ông già đưa sáu ngón tay lên cho tôi thấy. Người thông ngôn nói thêm:

- Chỉ ban đêm mà thôi. Mấy người lính đến từ con đường mòn như các ông.

Đến lượt ông già lại liến thoắng một lúc với người thông dịch. Anh thông dịch quay sang tôi:

- Ông ta nói mấy người lính đến đây ban đêm và ở lại với mấy cô gái điếm được ông Tiger lái xe chở từ Phú Biên đến vào buổi chiều. Sau đó, ông Tiger rời làng. Mấy anh lính Mỹ không đến đây mỗi đêm nhưng nếu đến thì luôn luôn ở lại suốt đêm cho đến tảng sáng mới ra về. Rồi ông Tiger trở lại làng để chở mấy cô gái điếm về Phú Biên.

- Thế ông ta có biết gì về vụ nổ súng tuần trước không? Xảy ra lúc nào? Ông ta có chứng kiến không?

Lại chờ một vài phút tôi mới nghe câu trả lời qua người thông dịch:

- Ông ta nói là chuyện xảy ra tuần trước. Ổng ở trong nhà nên không biết rõ lắm. Ông ta chỉ nghe tiếng súng nổ từ phía nhà ông Tiger, nơi mà mấy anh lính Mỹ ngủ lại với mấy cô gái. Ông ta nhớ là khoảng năm sáu phát súng gì đó. Nhưng không nổ cùng một lúc, nổ từng tiếng một nên ông ta mới đếm được rõ ràng. Rồi từ căn nhà chòi ông thấy đám lính Mỹ chạy ra khỏi nhà cõng trên vai một anh lính nữa. Họ chạy ngược lại lối đi họ đến lúc tối.

- Thế ông ta có biết nhận diện được mấy người lính Mỹ đó không? Trắng hay đen?

- Không, trời tối quá nên ông ta không thấy mặt mũi ra sao cả.

Tôi chỉ vào huy hiệu của sư đoàn sáu được thêu trên ve áo:

- Hỏi ông ta xem bọn nó có mang huy hiệu này không?

Thật sự có đến hàng trăm huy hiệu khác nhau trong vùng này nhưng tôi muốn biết ông ta có thấy những huy hiệu tương tự hay không để dẫn suy luận của tôi đến tiểu đội 2/11. Ông già lắc đầu nói no... no. Vậy là ông ta chưa bao giờ thấy một huy hiệu nào gần gần như thế.

- Ông ta còn thấy gì nữa vào đêm đó?

Một lô tiếng Việt trao đổi qua lại, và tôi được thông dịch là ông ta chỉ biết đến thế thôi. Tôi tóm lược những chi tiết vừa được nghe:

- Tuần qua ông ta nghe nhiều tiếng súng bắn từ căn nhà của ông Tiger rồi một đám lính Mỹ chạy ra ngoài mang theo một cái xác và những người này chỉ đến vào ban đêm để du hí, nhưng không phải mỗi đêm, dịch vụ du hí do ông Tiger cung cấp?

- Đúng thế, thưa ông!

Anh thông ngôn này không những làm nhiệm vụ chuyển dịch mà còn dùng sự hiểu biết riêng để cân nhắc, đo lường mức độ chính xác của những lời khai. Vì thế, tôi hỏi anh:

- Anh có tin tưởng ông già này không?

- Vâng! Tôi tin là ông ta nói sự thật.

- Còn chuyện này nữa. Hỏi xem ông Tiger cho ông ta biết về tôi lúc nào? Và cho biết những gì?

Phải chờ một lúc tôi mới nghe được câu trả lời:

- Ông ta nói là Tiger lái xe jeep từ Phú Biên đến làng sáng nay. Chính ông ta là người giúp thằng cha Tiger khiêng những thùng giấy từ căn nhà chòi chất hết lên xe. Ông ta không biết mấy cái thùng đó chứa cái gì, nhưng rất nặng. Tiger nói là phải mang những cái thùng giấy này ra khỏi đây ngay vì hôm nay sẽ có một ông Mỹ cao cao đến đây để điều tra những chuyện đã xảy ra tuần trước. Tiger nói là không muốn nói chuyện với nhân viên điều tra tội ác.

- Bao nhiêu thùng? Lớn cỡ nào?

- Ông ta nói khoảng mười thùng. Lớn lắm, gần như không chất lên hết xe của Tiger.

- Thế Việt-cộng có thường lai vãng khu này không?

Sommers xen vào ngay:

- Ê! Hatch, bước qua lãnh vực của quân báo rồi đấy nhé!

- Xin lỗi, nhưng cho phép tôi hỏi vì đây là câu hỏi cuối cùng.

Anh thông ngôn ngành quân báo liếc nhìn Sommers để chờ lệnh cho phép hỏi hay không. Sommers gật đầu nhẹ sau khi nói chỉ một câu đó thôi nghe bạn. Tôi được chuyển dịch một chút sau đó:

- Không, ông ta không thấy Việt-cộng đến đây bao giờ cả.

Người thông dịch đưa tay sửa lại cái nón sắt cho ngay ngắn, nói thêm:

- Ông ta nói dối chuyện này, ông Hatchett.

Trước khi rời làng trở về căn cứ, chúng tôi hỏi toàn thể dân chúng trong làng là có ai nghe thấy chi tiết nào liên quan đến vụ nổ súng nữa không? Tôi chỉ thấy những bộ mặt ngơ ngác, nhìn chúng tôi chòng chọc. Khi bước ra khỏi khu làng, tôi liếc mắt về phía cái chòi của người đàn bà. Bà ta lại xuất hiện trước cửa chòi, ngồi xổm, đong đưa thân hình, hai cánh tay ôm vòng hai đầu gối xương xẩu, lọn tóc rối loà xoà trước trán, đôi mắt trợn trừng, vô hồn dõi theo mỗi bước chân của tôi cho đến khi chúng tôi mất hút ở đầu dốc của con đường mòn.

Sommers, Mitch và tôi đi thụt lùi lại phía sau để bàn chuyện trên đường về căn cứ Victoria. Sommers lên tiếng:

- Chuyến đi này thu thập được nhiều chi tiết quan trọng.

- Vâng! Nếu tin lời của ông già, thì chắc chắn chuyện xảy ra tại đó. Tôi chỉ thắc mắc tại sao nó xảy ra và ai là người bắn. Vấn đề lớn của tôi bây giờ là phải chứng minh được Reynolds và cả tiểu đội của nó có mặt tại nhà thằng cha Tiger đêm hôm đó. Chỉ cần chứng minh như thế là đủ rồi. Tôi cần phải lột mặt nạ mấy thằng ăn chơi trác táng này trước toà. Nói thì nói vậy nhưng chuyện không dễ, nhưng với vài kỹ thuật hỏi cung, tôi hy vọng là sẽ dùng Collins để cho bọn thằng Reynolds một cú bất ngờ.

Mitch hỏi gặng:

- Collins! Cái thằng ở Cam-ranh hả?

- Tôi đã buộc chân nó rồi. Ngày hôm qua khi báo cáo về trung tâm của Nha Điều Tra Tội Ác, tôi có yêu cầu giữ Collins tại căn cứ Quân Cảnh ngay khi nó vừa bước xuống trực thăng và cũng không cho nó gọi điện thoại đi đâu. Nó sẽ xuất hiện vào lúc bọn thằng Reynolds không ngờ nhất. Nó không biết là ở Victoria đang tiến hành một cuộc điều tra về cái chết của Berkley, mà bọn nó là nghi can số một. Tôi sẽ nói chở ngược Collins lại đây khi cần thiết. Hy vọng là nó sẽ khai.

Mitch thắc mắc:

- Anh nghĩ gì về mấy cái thùng giấy nặng mà Tiger chất lên xe? Nếu nó có giá trị, tại sao nó lại dấu ở cái chòi ngay giữa cánh rừng lâu vậy?

- Ý nghĩ đầu tiên của tôi là nó để đó cho bọn Việt-cộng đến lấy nhưng nghĩ thêm một chút thì tôi thấy thằng Tiger không dại gì để cho dân làng biết hắn móc nối với Việt-cộng. Nó chỉ cất giấu ở đó thôi vì không còn chỗ nào khác. Tôi đoán là hàng quân đội, quân trang quân dụng không chừng.

- Sao anh nghĩ như thế?

- Thì anh còn nhớ đại úy Boggs phàn nàn rằng đơn vị mất rất nhiều đồ không? Lương khô này, ống nhòm hồng ngoại tuyến này, máy truyền tin này, còn nhiều thứ nữa kia, chưa kiểm tra hết đâu! Tôi sẽ hỏi lại Boggs xem bản báo cáo tồn kho đến đâu rồi.

- À! Thằng Tiger dự trữ hàng để chuyển cho Việt-cộng. Chúng nó thiếu thốn nên nhận bất cứ cái gì đều tốt cả. Nhưng sao anh biết chắc là hàng quân đội? Sommers hỏi gặng.

- Chắc lắm. Mọi việc đã rõ gần như ban ngày. Thằng Reynolds và đồng bọn đâu biết sự việc nghiêm trọng đến vậy đâu. Nó cứ nghĩ thằng Tiger chỉ là một tay buôn bán thuần tuý, kiếm chút tiền từ thị trường chợ đen. Việc buôn bán có thể xảy ra tại làng đó, hoặc có thể tại Phú Biên. Hàng PX mua rẻ rề cứ bán ra là có lời. Nhưng nó vượt giới hạn quá xa khi lấy cắp những hàng quân đội và quân dụng để đem đi bán.

- Anh có nghĩ là thằng Tiger dùng gái để trả công cho bọn nó không?

- Tôi hy vọng là chúng nó còn nhận được nhiều hơn thế nữa. Mấy đứa gái điếm chỉ là màn mở đầu thôi. Nó sẽ hỏi đến những vũ khí chiến lược quan trọng hơn. Thằng Reynolds ăn mãi quen miệng sẽ không nhịn được, rồi cả bọn dần dần lún vào vòng cương tỏa của thằng Tiger. Đến lúc đó thì nói đi bắn Tổng Thống, bọn Reynolds cũng làm nữa là vài ba cái hàng quân đội nho nhỏ.

- Ồ! Vậy thì trùng hợp với lời khai của Willard khi nó kể là Berkley nói rằng cả bọn đổ đốn lắm rồi và đang xuống dốc không phanh.

- Ừ! Rất đúng. Bọn nó chơi gái do thằng Tiger cung cấp và đổi lại, thằng Reynolds đánh cắp những hàng quân đội bán cho Tiger. Bọn chúng có thể đôi lần trao đổi tại Phú Biên. Tôi nghĩ mấy cái ống nhòm hồng ngoại tuyến hiện đang nằm trong tay thằng Tiger. Có thể bọn Việt-cộng đang xử dụng mấy cái ống nhòm này để theo dõi chúng ta nếu thằng Tiger là cán bộ cao cấp Việt-cộng. Tôi không biết đạn dược tồn kho của căn cứ Victoria cái gì còn cái gì mất, nhưng một đơn vị mà bị mất hai cái ống nhòm hồng ngoại tuyến là điều không thể tưởng tượng được. Gặp thằng trung úy gà chết Macy thì thằng Reynolds khiêng đi cả kho đạn dược cũng được nữa là hai cái ống nhòm con con đó.

Mitch lo lắng:

- Thì cũng đoán thôi, chúng ta vẫn chưa biết chắc thằng Tiger đang tích trữ thiết bị quân đội ở đây!

- Suy luận đi, bất luận hàng gì, chắc chắn là những món hàng đó thằng Tiger không có quyền giữ ở một đất nước đang có chiến tranh. Hàng quốc cấm, anh biết không? vì thế nó mới vội vàng tải lên xe để chở đi. Nó không muốn cho tôi thấy những món hàng đó. Nếu chỉ là đồ tư trang cá nhân, hơn ai hết, nó biết rằng tôi không chú ý đến và cũng không có quyền tịch thu...

Chúng tôi im lặng đi giữa hai hàng cây, im lặng để nghiệm thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề. Tôi chợt nghĩ đến một chuyện, vừa nghĩ đến là tôi bỗng đứng bất động ngay giữa đường như bị thôi miên:

- Tôi mới có một ý nghĩ khủng khiếp...

Sommers và Mitch cũng dừng lại, hỏi dồn:

- Cái gì?

- Thằng nhỏ đưa tin. Anh nói rằng gần đây nó không còn đưa tin tức chính xác nữa. Kết luận của anh căn cứ vào bản báo cáo của tiểu đội tuần tra 2/11, đúng không?

Sommers gật đầu:

- Chúng tôi có so sánh hai bản báo cáo. Chúng tôi muốn thử nghiệm độ chính xác của tin tức từ thằng nhỏ. Nếu OK, chúng tôi có thể dùng nó vào những việc khác, lớn hơn, trả nhiều tiền hơn.

- Bây giờ chúng ta thử suy đoán xem. Tiểu đội thằng Reynolds chắc là không đi tuần như nhiệm vụ đã được giao phó vì chúng nó nằm lì tại nhà thằng Tiger để hú hí với gái. May ra thì nó gởi một thằng đứng trông chừng ở ngã ba đường mòn, thế thôi. Chuyện dễ hiểu vì thằng Tiger là cán bộ cao cấp Việt-cộng, và nó đang dùng được bọn Reynolds để trao đổi hàng quân đội, vũ khí chiến lược thì không dại gì nó để bọn Việt-cộng lai vãng ở khu này. Nó phải ra lệnh cho lính của nó tránh xa khu làng, để cho tiểu đội thằng Reynolds yên tâm chơi gái, và để chúng tiếp tục thuồn hàng chiến lược ra ngoài.

Mitch thêm vào:

- Vậy là tiểu đội 2/11 hầu như không gặp một sự nguy hiểm nào cả, mặc dù chúng không biết.

- Đúng! Và thằng Reynolds phải viết bản báo cáo khi trở về căn cứ. Nếu nó không theo dõi con đường mòn thì làm quái gì nó biết được sự di chuyển của bọn Việt-cộng. Chắc chắn không! Vì thế chúng phải tạo ra một vài chi tiết tưởng tượng để báo cáo. Điều tôi muốn chứng minh là không hẳn thằng nhỏ của anh đưa tin sai lạc. Có thể nó chẳng phản lại ta. Điều đó hợp lý vì nếu nó theo Việt-cộng, tại sao bọn Việt-cộng lại giết nó?

- Tôi thắc mắc là tại sao thằng nhỏ đưa tin lại không báo cáo gì về chuyện bọn Reynolds. Có thể nó không biết thằng Reynolds là ai và cũng không biết tiểu đội có nhiệm vụ gì nhưng, trời ơi! chuyện lớn lao thế mà nó chẳng nói gì với tôi cả. Cả đám ở lại suốt đêm chơi gái thì không gì nó phải báo cho tôi biết một tiếng chứ!

- Thế anh có hỏi nó không?

Sommers gầm gừ trong miệng nói không, lầm lũi bước đi:

- Thì tôi có ngờ vực gì đâu mà hỏi!

- Nhiều khi thằng nhỏ không muốn đụng chạm đến Tiger vì nó thấy tay này chỉ khai thác mối lợi từ mấy tay lính Mỹ. Cũng có thể nó nhận tiền từ thằng Tiger. Thằng nhỏ không thể nào biết Tiger là tay cán bộ Việt-cộng gộc giống như bọn Reynolds. Ồ! Câu chuyện càng suy luận càng thấy nhiều nguồn tin thất thiệt quá.

- Cứ bình tĩnh. Tôi sẽ xem xét lại tất cả các bản báo cáo để loại bỏ những tin tức ma. Hai tuần trước, tiểu đội 2/11 báo cáo là có một trung đội Việt-cộng di chuyển trên đường mòn, ngang qua làng. Dám chuyện đó láo chứ không thật đâu.

- Thế thằng nhỏ đưa tin của anh nói gì?

- Tôi đâu biết. Khoảng thời gian đó, tôi đã không liên lạc gì với nó nữa, nghĩ rằng nó đã theo Việt-cộng.

Tôi quay sang Mitch:

- Tôi muốn truy tố mấy thằng này, không những truy tố mà phải truy tố gấp. Không thể để tình trạng này kéo dài thêm một ngày nào nữa. Tôi đã có kế hoạch để đưa chúng vào bẫy, nhưng rất cần tài đóng kịch của anh. Bọn nó phải mở miệng khai hết với chúng ta.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t97245-cai-chet-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận