Cái Ghế Trống Chương 4


Chương 4
Chiếc Grand Rollx chạy ngang qua nghĩa trang mang tên công viên Tưởng niệm Tanner's Corner. Đang có một đám tang. Rhyme, Sachs và Thom liếc mắt sang cái nghi lễ u sầu nọ.

"Nhìn chiếc quan tài kìa", Sachs nói.

Nó là một chiếc quan tài nhỏ, của trẻ em. Những người dự đám tang, đều là những người lớn, thì thưa thớt. Chừng hai mươi người. Rhyme băn khoăn tự hỏi tại sao lại ít người vậy. Ánh mắt anh lướt lên bên trên đám tang, quan sát những ngọn đồi nhấp nhô của nghĩa trang và qua những ngọn đồi đó, là hàng dặm rừng mờ sương, những đầm lầy biến vào màu xanh da trời phía xa.Anh bảo: "Đâu phải một nghĩa trang xấu xí. Mình không ngại nếu được chôn cất tại một nơi như thế này".

Sachs, nãy giờ vẫn chằm chằm quan sát đám tang với vẻ lo lắng, đưa ánh mắt lạnh lùng sang Rhyme - rõ ràng vì cuộc phẫu thuật sắp tới, cô không thích nói bất cứ điều gì liên quan đến chuyện chết chóc.

Rồi Thom cho xe qua một khúc cua gấp và bám theo xe của Cảnh sát trưởng quận Paquenoke Jim Bell, tăng tốc đi vào một con đường thẳng tắp, cái nghĩa trang mất hút phía sau.

Như lúc trước Bell cam đoan, Tanner's Comer cách trung tâm y khoa ở Avery hai mươi dặm. Tấm biển XIN CHÀO MỪNG cho khách đến thăm biết chắc chắn rằng thị trấn có số dân là 3.018 người. Điều này hẳn là sự thực, nhưng chỉ một tỷ lệ vô cũng nhó bé đang hiện diện trên phố Chính trong buổi sáng tháng Tám nóng nực này. Cái chốn bụi bặm ấy dường như là thị trấn của những hồn ma. Một đôi vợ chồng già ngồi trên ghế dài, nhìn ra con phố vắng ngắt. Rhyme để ý thấy hai gã đàn ông ắt là dân say xỉn cư ngụ tại đây - trông ốm yếu và gầy giơ xương. Một gã ngồi trên lề đường, cái đầu đầy vảy gục vào hai bàn tay, có lẽ đangcố gắng thoát khỏi hậu quả của bữa rượu. Gã kia ngồi dựa gốc cây, nhìn chằm chằm chiếc xe bóng loáng bằng cặp mắt trũng mà thậm chí từ xa cũng đã toát vẻ hằn học. Một người phụ nữ gầy nhẳng uể oải rửa khung cửa sổ của cửa hiệu dược phẩm. Rhymechẳng còn nhìn thấy ai nữa.

"Thật thanh bình", Thom nhận xét.

"Đấy chỉ là một cách mô tả", Sachs nói, rõ ràng chia sẻ cảm giác bất an với Rhyme trước sự trống vắng của nơi đây.

Phố Chính là những tòa nhà cũ kỹ kéo dài mệt mỏi và hai dãy nhỏ hàng quán. Rhyme để ý thấy có một siêu thị, hai cửa hiệu dược phẩm, hai quán bar, một quán ăn, một cửa hiệu bán quần áo phụ nữ, một công ty bảo hiểm, một tổ hợp cửa hiệu bán hàng video, bán kẹo và làm móng. Một đại lý xe hơi A-OK nằm kẹp giữa một ngân hàng và một công ty kinh doanh các đồ nghề đi biển. Tất cả mọi người đều bán mồi câu. Một biển quảng cáo McDonald's cách thị trấn bảy dặm dọc theo đường 17. Một biển quảng các khác đã bị phai màu vì ánh nắng, vẽ hai con tàu Monitor và Merrimack thời Nội chiến. "Hãy đến thăm Bảo tàng Thiết giáp." Bạn sẽ phải lái xe đi hai mươi hai dặm.

Trong lúc quan sát tất cả các chi tiết của cái đời sống nơi thị trấn nhỏ này, Rhyme sững sờ nhận ra ở đây, với tư cách một nhàhình sự học, anh mới thiếu chiều sâu hiểu biết làm sao. Anh có thể phân tích thành công những chứng cứ ở New York, bởi anh đã sống ở đó ngần ấy năm - đã chia cắt được thành phố ra nhiều phần, đã bước đi trên các con đường của nó, đã nghiên cứu lịch sử của nó, quần thể thực vật và động vật của nó. Nhưng ở đây, ở Tanner's Conrner và những vùng ven, anh chẳng biết gì về thói quen của người dân, họ thích loại xe hơi nào, họ sống trong những kiểu nhà nào, những ngành nghề họ làm, những ham muốn thúc đẩy họ.

Rhyme nhớ lại hồi mới được tuyển dụng, làm việc với một thám tử cao cấp tại Sở Cảnh sát New York. Ông ta đã lên lớp cho đàn em của mình: "Có người hỏi tôi: thành ngữ "như cá trên cạn" có nghĩa là gì?".

Chàng cảnh sát trẻ Rhyme trả lời: "Nghĩa là không ở trong môi trường quen thuộc của mình. Lúng túng".

"Chà, đúng, điều gì xảy ra khi cá trên cạn?" Viên cảnh sát già tóc hoa râm quát vào mặt Rhyme. "Chúng không lúng túng. Chúng chết mất ngáp luôn. Nguy cơ duy nhất và lớn nhất đối với nhân viên điều tra là ở trong môi trường không quen thuộc. Hãy nhớ như vậy."

Thom đỗ xe và thực hiện trình tự hạ xe lăn xuống. Rhyme thổi vào ống điều khiển chiếc Storm Arrow và lăn về phía đoạn đường dốc đứng dẫn lên trụ sở chính quyền quần, chắc chắn đoạn đường này đã được miễn cưỡng làm thêm sau khi luật Dân chúng Mỹ với Người Khuyết tật có hiệu lực.

Ba gã đàn ông - mặc quần áo lao động và đeo bao dao gấp ở thắt lưng - đẩy cánh cửa phụ của văn phòng cảnh sát trưởng ởbên cạnh đoạn đường dốc. Bọn họ bước về phía chiếc Chevy Suburban màu đỏ tía thẫm.

Gã gầy nhất hích vào mạng sườn gã to lớn nhất - một gã khổng lồ có đuôi tóc và râu quai nón - hất đầu chỉ Rhyme. Rồi ánh mắt bọn họ - gần như nhất loạt - lướt qua cơ thể Sachs. Cái gã to lớn quan sát mái tóc cắt gọn ghẽ, vóc dáng mảnh khảnh, trangphục không chê vào đâu được và chiếc khuyên tai bằng vàng của Thom. Gương mặt chẳng biểu lộ gì, gã thì thầm với gã thứ ba, một gã trông giống như một doanh nhân miền Nam bảo thủ. Gã này nhún vai. Bọn họ không chú ý tới các vị khách nữa và trèovào chiếc Chevy.

Như cá trên cạn...

Bell, bước bên cạnh xe lăn của Rhyme, để ý ánh mắt anh đang nhìn chăm chú.

"Đó là Rich Culbeau, cái tay to lớn ấy. Và các chiến hữu của anh ta. Sean O'Sarian - cái tay gầy giơ xương - và Harris Tomel. Bản chất Culbeau không ghê gớm bằng một nửa vẻ bề ngoài đâu. Anh ta thích chơi với dân da trắng hạ lưu, nhưng thường thì anh ta chẳng gây phiền phức gì cả."

Từ ghế hành khách, O'Sarian liếc nhìn về phía họ, dù là gã liếc nhìn Thom hay Sachs hay chính anh thì Rhyme cũng không biết được.

Viên cảnh sát trưởng bước vượt lên trước. Anh ta phải mở cánh cửa trên đỉnh đoạn đường dốc dành cho xe lăn, người ta đã đóng nó lại để sơn.

"Không có nhiều băng đảng đường phố ở đây", Thom nhận xét. Rồi anh chàng hỏi Rhyme: "Anh cảm thấy thế nào?".

"Tôi ổn."

"Anh trông không ổn đâu, mặt mũi xanh xao lắm. Ngay sau khi vào bên trong, tôi sẽ đo huyết áp cho anh."

Họ vào bên trong toà nhà... Nó được xây dựng vào khoảng năm 1950, Rhyme ước chừng. Sơn màu xanh lá cây quen thuộc, cácdãy hành lang treo đầy những bức vẽ bằng ngón tay của một lớp tiểu học, những tấm ảnh chụp Tanner's Corner từ xưa tới nay và nửa tá thông báo tuyển dụng người lao động.

"Chỗ này liệu có được không?" Bell hỏi, kéo một cánh cửa mở ra. "Chúng tôi vốn sử dụng nó để cất giữ chứng cứ, nhưng chúng tôi sẽ dọn dẹp hết xuống tầng hầm."

Chừng chục cái hộp xếp dọc theo các bức tường. Một cảnh sát hì hục khuân chiếc ti vi Toshiba to tướng ra khỏi phòng. Một cảnh sát khác khuân hai hộp xếp những bình vốn đựng nước quả bây giờ đựng thứ chất lỏng gì đó trong suốt. Rhyme liếc nhìn họ. Bell cười to, nói: "Nó hoàn toàn có thể tóm tắt các loại tội phạm điển hình của Tanner's Conrner: ăn trộm đồ điện tử ở nhà dân và nấu rượu lậu".

"Đó là rượu lậu à?", Sachs hỏi.

"Rượu thứ thiệt đấy. Tất cả đều mới nấu cách đây ba mươi ngày."

"Nhãn hiệu Ocean Spray[13] à?", Rhyme nhìn những bình vốn đựng nước quả, giễu cợt hỏi.

"Đồ chứa ưa thích của đám "trăng sáng" đấy - vì chúng có cổ rộng. Anh có hay uống không?"

"Chỉ Scotch thôi."

"Hãy chỉ xài loại ấy thôi." Bell hất đầu về phía những cái chai mà viên cảnh sát xách ra ngoài cửa. "Nhân viên điều tra liên bang và cơ quan thuế Carolina lo mất thu nhập. Còn chúng tôi lo mất công dân. Cái mẻ đó chưa phải đã quá tệ đâu. Nhưng nhiều tay "trăng sáng" dám pha thêm cả formaldehyde hoặc chất làm loãng sơn hoặc thuốc trừ sâu. Mỗi năm chúng tôi mất vài người vìnhững mẻ rượu vô lương tâm."

"Tại sao lại gọi là "trăng sáng"?", Thom hỏi.

Bell trả lời: "Vì bọn chúng quen nấu ngoài trời ban đêm, dưới ánh trăng tròn - như thế thì, cậu biết đấy, bọn chúng chẳng cần đốt đèn, cũng chẳng khiến đám thuế má chú ý".

"À, ra vậy", anh chàng trẻ tuổi nói. Rhyme biết khẩu vị của anh chàng chỉ bao gồm St Emilion, Pomerol và Bourgogne trắng.

Rhyme xem xét căn phòng. "Chúng tôi sẽ cần nhiều điện hơn." Anh hất đầu chỉ cái ổ cắm duy nhất trên tường.

"Chúng tôi có thể chạy ít dây", Bell nói. "Để tôi cử người làm việc này."

Anh ta cử một cảnh sát đi bố trí dây, rồi trình bày rằng anh ta đã gọi cho phòng thí nghiệm của cảnh sát bang ở Elizabeth City vàđề xuất mượn khẩn cấp các thiết bị khám nghiệm mà Rhyme cần. Các thiết bị đó sẽ có mặt tại đây trong vòng một tiếng đồng hồ. Rhyme cảm nhận được rằng đây là tốc độ chớp nhoáng đối với quận Paquenoke và thêm lần nữa cảm nhận được tính cấp bách của vụ việc.

Trong một trường hợp bắt cóc cưỡng hiếp, thông thường anh có hai mươi tư tiếng đồng hồ để tìm thấy nạn nhân, sau khoảngthời gian đó nạn nhân trở nên mất tính người dưới con mắt kẻ bắt cóc và hắn sẽ giết họ chẳng cần suy nghĩ gì.

Viên cảnh sát quay lại với hai bó cáp điện dày hai đầu có rất nhiều phích cắm. Anh ta dùng băng dính cố định chúng xuống sàn.

"Chỗ cáp ấy tốt rồi", Rhyme nói. Rồi anh hỏi: "Chúng ta có bao nhiêu người để giải quyết vụ này?".

"Chúng tôi có ba sĩ quan, tám lính, hai nhân viên thông tin liên lạc và năm nhân viên văn phòng. Thông thường, chúng tôi phải chia sẻ người với bên Quy hoạch và Phân vùng, cũng như với bên Các Công trình Công cộng - việc vốn vẫn khiến chúng tôi rất bực mình. Nhưng vì vụ bắt cóc và vì anh đã đến đây, chúng ta sẽ sử dụng tất cả những người cần thiết."

Rhyme ngẩng nhìn chằm chằm vào bức tường. Cau mày.

"Gì thế ạ?"

"Anh ấy cần một tấm bảng viết", Thom nói.

"Tôi đang suy nghĩ về một tấm bản đồ vùng này. Nhưng phải, tôi cũng muốn một tấm bảng viết nữa. Một tấm bảng lớn vào."

"Có ngay", Bell nói. Rhyme và Sachs trao nhau những nụ cười. Đấy chính là một trong những câu mà ông anh họ Roland Bell ưa dùng.

"Tiếp theo liệu tôi có thể gặp những sĩ quan của anh tại đây không? Để hướng dẫn tường tận."

"Và điều hoà nhiệt độ", Thom nói. "Phòng này phải mát hơn."

"Chúng tôi sẽ xem có thể làm được gì." Bell nói hờ hững, chắc không hiểu nổi nỗi ám ảnh của người miền Bắc về nhiệt độ ôn hoà.

Anh chàng phụ tá quả quyết: "Nóng như thế này rất có hại cho anh ấy".

"Đừng lo lắng tới việc đó", Rhyme cất lời.

Thom nhướn một bên lông mày lên với Bell, nói rõ ràng: "Chúng ta phải làm mát căn phòng. Nếu không tôi sẽ đưa anh ấy quay lại khách sạn".

"Thom", Rhyme cảnh cáo.

"Tôi e là chúng ta không có bất cứ sự lựa chọn nào", Anh chàng phụ tá đáp.

Bell nói: "Không thành vấn đề. Tôi sẽ bố trí". Anh ta đi ra cửa và gọi: "Steve, tới đây ngay nhé".

Một thanh niên tóc húi cua mặc đồng phục cảnh sát bước vào. "Em rể tôi, Steve Farr." Anh ta là người cao nhất trong số những cảnh sát mà họ đã trông thấy - rõ ràng phải tới hơn sáu feet bảy - và có đôi tai tròn vểnh ra trông rất ngộ nghĩnh. Anh ta dường như chỉ thoáng băn khoăn khi mới thoạt nhìn Rhyme, rồi cái miệng há tròn ngạc nhiên nhanh chóng chuyển thành nụ cười thoải mái gợi cảm giác rằng anh ta có cả sự tự tin lẫn năng lực. Bell giao cho anh ta nhiệm vụ tìm một máy điều hoà nhiệt độ.

"Jim, em sẽ thực hiện ngay." Steve giật mạnh dái tai và xoay người trên gót giày y như một người lính, biến mất vào dãy hành lang.

Một người phụ nữ thò đầu qua cửa. "Jim, Sue McConnell đến. Chị ta thực sự chẳng còn tự chủ được nữa."

"Rồi. Tôi sẽ nói chuyện với chị ta. Bảo chị ta là tôi tới ngay." Bell giải thích cho Rhyme: "Mẹ Mary Beth. Một người phụ nữ tội nghiệp... Chồng mới mất vì bệnh ung thư một năm trước và bây giờ thì xảy ra chuyện này". Anh ta lắc đầu, thêm: "Tôi xin nói với anh, tôi cũng có mấy đứa con, và tôi hình dung được chị ta đang...".

"Jim, tội tự hỏi liệu chúng ta có thể kiếm tấm bản đồ đó không", Rhyme ngắt lời. "Và treo bảng lên."

Bell chớp mắt ngập ngừng trước cái giọng nhát gừng của nhà hình sự học. "Chắc chắn rồi, Lincoln. Và này, nếu dân miền Namchúng tôi ở đây có hơi chậm chạp quá đỗi với dân Yankee các anh, anh sẽ tăng tốc cho chúng tôi chứ?"

"Ồ, yên trí đi, Jim."

Một phần ba.

Một trong số ba sĩ quan của Jim Bell có vẻ mừng rỡ khi gặp Rhyme và Sachs. Chà, ít nhất là gặp Sachs. Hai người kia chỉ gật đầu chào xã giao và hiển nhiên mong cặp đôi lạ lùng này chưa từng rời khỏi New York.

Người dễ chịu là một cảnh sát trạc ba mươi tuổi, mắt lờ đờ, tên Jesse Corn. Anh ta có mặt tại hiện trường vụ án lúc sáng sớm vàvới cảm giác tội lỗi đầy đau đớn, thừa nhận rằng Garrett đã mang một nạn nhân nữa, cô Lydia, đi khỏi ngay trước mắt anh ta. Cho tới lúc Jesse sang được đến bên kia con sông, Ed Schaeffer đã gần chết vì đám ong bắp cày.

Một cảnh sát bày tỏ sự tiếp đón lạnh nhạt là Mason Germain, người đàn ông có chiều cao khiêm tốn, ngoại tứ tuần. Mắt màu thẫm, các nét thiếu sức sống, dáng điệu hơi quá hoàn hảo. Tóc anh ta chải mượt ra đằng sau, để lộ những vết răng lược. Anh ta xức đẫm nước thơm xoa mặt sau khi cạo râu, mùi xạ hương, rẻ tiền. Anh ta chào Rhyme và Sachs bằng cái gật đầu cứng nhắc, thận trọng. Rhyme hình dung ra anh ta rất mừng vì nhà hình sự học không cử động được nên anh ta không phải bắt tay. Sachs, là phụ nữ, thì cũng chỉ được hạ cố gọi bằng một từ "Cô".

Lucy Kerr là sĩ quan thứ ba và cô ta chẳng vui vẻ gì hơn Mason khi gặp các vị khách. Cô ta cao - chỉ kém nàng Sachs thướt tha yểu điệu một chút. Vóc người gọn ghẽ, trông có dáng thể thao, khuôn mặt dài, xinh đẹp. Đồng phục của Mason nhàu nhĩ và bị ố, nhưng đồng phục của Lucy được là phẳng lỳ. Mái tóc vàng tết theo kiểu Pháp thẳng tắp. Có thể dễ dàng hình dung ra cô ta như một người mẫu cho L.L. Bean hay Land's End - đi bốt, mặt quần bò và áo gi lê.

Rhyme biết rằng sự lạnh nhạt của họ vốn vẫn là phản ứng tất nhiên trước những tay cớm bỗng dưng nhúng mũi vào việc người khác (đặc biệt đó lại là một kẻ què quặt và một phụ nữ - và, tệ nữa, đó lại là dân miền Bắc). Tuy nhiên, anh chẳng quan tâm đến chuyện phải chiếm cảm tình của họ. Mỗi phút qua đi, việc tìm thấy tên bắt cóc càng khó khăn hơn. Và anh có cái hẹn với bác sĩ phẫu thuật mà anh tuyệt đối sẽ không để lỡ.

Một người đàn ông thân hình rắn chắc - người cảnh sát da đen duy nhất Rhyme trông thấy từ nãy tới giờ - lăn tấm bảng gắn bánh xe vào phòng và trải tấm bản đồ quận Paquenoke.

"Dùng băng dính dán nó lên kia, Trey." Bell chỉ bức tường. Rhyme xem xét tỉ mỉ tấm bản đồ. Đó là một tấm bản đồ tốt, rất chi tiết.

Rhyme nói: "Nào. Hãy cho tôi biết chính xác việc đã xảy ra. Bắt đầu với nạn nhân thứ nhất".

"Mary Beth McConnell", Bell trả lời. "Cô ấy hai mươi ba tuổi. Sinh viên Đại học Tổng hợp Bắc Carolina ở Avery."

"Tiếp tục đi. Chuyện gì đã xảy ra hôm qua?"

Mason nói: "Chà, lúc đó khá sớm. Mary Beth đang..."

"Anh nói cụ thể hơn được không?", Rhyme hỏi. "Về giờ xảy ra sự việc?"

"Chà, chúng tôi không biết chắc chắn", Mason lạnh nhạt trả lời. "Anh biết đấy, chẳng có cái đồng hồ nào dừng lại như ở trên tàu Titanic đâu"

"Hẳn là trước tám giờ", Jesse Corn nói. "Billy - cậu thiếu niên bị giết - đang đi bộ tập thể dục, còn hiện trường vụ án thì cách nhàcậu ấy một đoạn đường khoảng nửa tiếng đồng hồ. Cậu ấy đang học lấy mấy chứng chỉ ở lớp hè và phải trở về trước tám rưỡi để tắm, rồi tới lớp."

Tốt, Rhyme vừa tự nhủ vừa gật đầu. "Tiếp tục đi."

Mason tiếp tục. "Mary Beth đang tham gia một dự án do lớp tổ chức, đào những đồ tạo tác của người Anh điêng cổ tại Bến tàu kênh Nước đen."

"Cái gì vậy, một thị trấn à?", Sachs hỏi.

"Không, chỉ là một khu vực ven sông chưa chính thức thuộc phạm vi quản lý của bang. Chừng ba chục nóc nhà, một xí nghiệp. Chẳng có cửa hàng cửa hiệu gì. Phần lớn diện tích là rừng và đầm lầy."

Rhyme để ý các con số và chữ cái đánh dọc theo lề tấm bản đồ. "Đâu?", anh hỏi. "Chỉ cho tôi xem."

Mason đặt ngón tay vào ô G-10. "Theo như chúng tôi nhận định, Garrett xuất hiện, tóm lấy Mary Beth. Hắn chuẩn bị cưỡng hiếpcô ấy thì Billy Stail đi bộ tập thể dục qua và từ trên đường nhìn thấy, đã cố gắng ngăn chặn. Nhưng Garrett vớ một chiếc xẻng, đập vào đầu Billy. Cậu ấy chết. Hắn biến mất, mang theo Mary Beth." Mason nghiến chặt quai hàm. "Billy là một cậu bé ngoan. Thực sự ngoan. Thường xuyên đi lễ nhà thờ. Mùa giải năm ngoái, cậu ấy đã chặn được một cú chuyền trong hai phút cuối cùng của trận đấu căng thẳng với trường Trung học Albemarle và đưa bóng trở lại..."

"Tôi chắc chắn đó là một cậu thiếu niên tốt", Rhyme sốt ruột nói. "Garrett và Mary Beth đi bộ à?"

"Đúng thế", Lucy trả lời. "Garrett không bao giờ lái xe. Thậm chí không có bằng lái. Tôi nghĩ lý do là vì cha mẹ hắn đã thiệt mạng trong một vụ đâm ô tô."

"Các vị đã tìm thấy những vật chứng nào?"

"Ồ, chúng tôi tìm thấy vũ khí giết người", Mason tự hào nói. "Chiếc xẻng. Và chúng tôi cũng thận trọng khi động đến nó. Có đi găng tay. Chúng tôi thực hiện thủ tục quản lý vật chứng, đúng như sách hướng dẫn."

Rhyme chờ đợi nghe thêm. Cuối cùng, anh hỏi: "Các vị còn tìm thấy gì nữa?".

"Chà, một số dấu chân", Mason nhìn Jesse, và anh chàng này nói: "Ồ, phải. Tôi đã chụp ảnh các dấu chân ấy".

"Tất cả có thể thôi à?", Sachs hỏi.

Lucy gật đầu, môi mím chặt trước ý phê phán ngấm ngầm của cô gái miền Bắc.

Rhyme hỏi: "Các vị không khám nghiệm hiện trướng à?".

Jesse trả lời: "Tất nhiên là chúng tôi đã tiến hành khám nghiệm. Chỉ có điều không có cái gì khác".

Không có cái gì khác? Tại hiện trường vụ án, nơi một đối tượng giết chết một nạn nhân và bắt cóc một nạn nhân khác, bao giờ chẳng đủ chứng cứ để dựng hẳn một bộ phim về việc một người đã làm gì với ai đó và có lẽ cả việc mỗi diễn viên đã làm gì trongvòng hai mươi tư tiếng đồng hồ vừa qua. Xem chừng họ phải chiến đấu với hai thủ phạm: Thằng Bọ và sự kém cỏi của cơ quan thực thi pháp luật. Rhyme bắt gặp ánh mắt Sachs và nhận ra cô cũng đang nghĩ như anh.

"Ai thực hiện việc khám nghiệm?", Rhyme hỏi.

"Tôi", Mason trả lời. "Tôi tới đó đầu tiên. Tôi đang ở gần đó thì nhận được điện báo."

"Và lúc ấy là lúc nào?"

"Chín rưỡi. Một người lái xe tải từ trên quốc lộ trông thấy xác Billy và gọi 911."

Và cậu thiếu niên bị giết trước tám giờ. Rhyme không hài lòng. Một tiếng rưỡi - ít nhất là như vậy - là khoảng thời gian dài đối vớimột hiện trường không được bảo vệ. Nhiều chứng cứ có thể bị đánh cắp, nhiều chứng cứ có thể bị bỏ thêm vào. Gã trai có thể đã cưỡng hiếp và giết chết cô gái, giấu cái xác đi, rồi quay lại lấy mất một số chứng cứ, bố trí thêm một số chứng cứ khác, hòng đánh lạc hướng điều tra. "Anh khám nghiệm một mình à?", Rhyme hỏi Mason.

"Lượt đầu tiên. Sau đấy, chúng tôi cử ba, bốn cảnh sát tới. Họ rà soát khu vực ấy rất cẩn thận."

Và chỉ tìm thấy vũ khí giết người? Lạy Chúa quyền năng vô cùng... Chưa kể những hư hại do bốn cảnh sát không quen thuộc với các kỹ thuật khám nghiệm hiện trường gây ra.

"Tôi có thể hỏi được không?", Sachs lên tiếng. "Làm sao các vị biết Garrett là thủ phạm?"

"Tôi đã trông thấy hắn", Jesse Corn nói. "Khi hắn bắt cóc Lydia sáng nay."

"Điều đó không có nghĩa là hắn đã giết chết Billy và bắt cóc cô gái kia."

"Ồ", Bell nói. "Các dấu chân - chúng tôi phát hiện ra chúng ngay chỗ chiếc xẻng."

Rhyme gật đầu và bảo viên cảnh sát trưởng: "Dấu chân của hắn được lưu trong hồ sơ qua những lần bắt giữ trước?".

"Phải."

Rhyme nói: "Bây giờ, hãy cho tôi biết về sáng nay".

Jesse giành phần trả lời: "Lúc đó còn sớm. Mới bình minh. Ed Schaeffer và tôi đang canh chừng hiện trường vụ án phòng trườnghợp Garrett quay lại. Ed ở phía bắc sông, tôi ở phía nam. Lydia đến đó đặt hoa. Tôi để cô ấy một mình rồi quay lại xe. Tôi nghĩđáng lẽ ra tôi không nên để cô ấy một mình. Việc tiếp theo tôi biết là cô ấy kêu thét lên và tôi trông thấy hai bọn họ biến mất trên sông. Bọn họ biến mất trước khi tôi kịp tìm một chiếc thuyền hay một cái gì đó để sang sông. Ed không trả lời bộ đàm. Tôi lo lắng cho ông ấy và lúc tôi sang được đến bên kia thì thấy ông ấy bị ong đốt đến sống dở chết dở. Garrett đã đặt bẫy".

Bell nói: "Chúng tôi nghĩ Ed biết nơi hắn đưa Mary Beth đi. Ông ấy đã phát hiện được một tấm bản đồ trong căn chòi Garrett ẩn trốn. Nhưng ông ấy bị ong đốt và bất tỉnh trước khi kịp mô tả cho chúng tôi tấm bản đồ. Garrett đã mang nó theo sau khi bắt cóc Lydia. Chúng tôi chẳng thể tìm thấy nó".

"Tình trạng viên cảnh sát đó thế nào?", Sachs hỏi.

"Bị sốc vì nọc ong. Chẳng ai biết liệu ông ấy có tỉnh lại được không. Hay liệu ông ấy có nhớ ra được gì không nếu tỉnh lại."

Vậy là chúng ta phải dựa vào các chứng cứ, Rhyme tự nhủ. Điều này, suy cho cùng, anh vốn cũng ưa thích, ưa thích hơn nhiều so với việc dựa vào các nhân chứng. "Có manh mối nào từ hiện trường vụ án sáng nay không?"

"Đã tìm thấy cái này." Jesse mở một va li nhỏ và lấy ra một chiếc giày chạy đựng trong túi nhựa. "Garrett đánh rơi nó khi hắn tóm Lydia. Chẳng còn gì khác nữa."

Ngày hôm qua, một chiếc xẻng. Ngày hôm nay, một chiếc giày... Chẳng còn gì khác nữa. Rhyme thất vọng liếc nhìn chiếc giày lẻloi.

"Hãy cứ để nó ở đằng kia." Rhyme hất đầu chỉ một chiếc bàn. "Hãy cho chúng tôi biết về những cái chết khác mà Garrett là đối tượng tình nghi."

Bell nói: "Tất cả đều ở Bến tàu kênh Nước đen và xung quanh đó. Hại nạn nhân chết đuối dưới kênh. Chứng cứ bề ngoài cho thấy họ đã ngã đập đầu xuống kênh. Nhưng theo nhân viên khám nghiệm y tế thì họ hẳn đã 2bb0 bị đập đầu một cách có chủ ý, rồi bị ném xuống. Trước đấy không lâu, người ta trông thấy Garrett lảng vảng xung quanh nhà họ. Còn năm ngoái, một người chết vì bị ong đốt. Ong bắp cày. Y hệt trường hợp của Ed. Chúng tôi biết rằng Garrett đã gây ra việc này".

Bell tiếp tục, những Mason cắt lời. Anh ta hạ giọng: "Con gái, mới ngoài hai mươi tuổi - giống như Mary Beth. Thực sự tốt, tín đồ Cơ Đốc giáo ngoan đạo. Cô ấy đang ngủ trưa ở hàng hiên đằng sau. Garrett quẳng một tổ ong bắp cày vào. Cô ấy bị đốt một trăm ba mươi bảy phát. Suy tim."

Lucy Kerr nói: "Tôi nhận được điện và đến đó. Một cảnh tượng thực sự thương tâm, những gì đã xảy ra với cô ấy. Cô ấy chết từ từ. Hết sức đau đớn".

"Ồ, và cái đám tang mà chúng ta đi ngang qua trên đường tới đây thì sao?", Bell hỏi. "Đấy là Todd Wilkes. Thằng bé tám tuổi. Tự tử."

"Ôi, không", Sachs lẩm bẩm. "Tại sao?"

"Chà, thằng bé vốn đã ốm yếu", Jesse Corn trình bày. "Nó ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Sức khoẻ nó đã rất tệ. Nhưng chưa hết - vài tuần trước, người ta trông thấy Garrett quát tháo Todd, thực sự khiến thằng bé khốn khổ. Chúng tôi nghĩ Garrett không ngừng quấy rối và đe dọa nó cho tới lúc nó không chịu đựng được nữa."

"Động cơ?", Sachs hỏi.

"Hắn là một kẻ tâm thần, động cơ của hắn đấy." Mason cố gắng giải thích. "Người ta lấy hắn làm trò cười và hắn xử lý người ta. Đơn giản thế thôi."

"Chứng tâm thần phân liệt à?"

Lucy nói: "Theo những giáo viên tham vấn tâm lý ở trường học của hắn thì không phải chứng tâm thần phân liệt. Chứng rối loạn nhân cách phản xã hội, đấy là cách họ gọi. Hắn có chỉ số IQ cao. Hắn đạt điểm A ở hầu hết các môn - trước khi hắn bắt đầu hay trốn học vài năm trước".

"Các vị có ảnh chụp hắn chứ?", Sachs hỏi.

Viên cảnh sát trưởng mở một hồ sơ. "Đây là ảnh chụp khi làm biên bản vụ tấn công bằng ong bắp cày."

Bức ảnh chụp một gã trai gầy gò, tóc cắt cua với cặp lông mày rậm giao nhau và đôi mắt trũng. Trên má có đám ban đỏ.

"Đây là một bức khác." Bell mở một bài viết cắt từ báo ra. Bức ảnh chụp một gia đình bốn người ngồi bên chiếc bàn picnic. Lời chú thích ghi: "Gia đình nhà Hanlon tại khu Picnic Hàng năm của Tanner's Corner, một tuần trước tai nạn ô tô bi thảm trên đường 112 cướp đi mạng sống của Stuart, 39 tuổi và Sandra, 37 tuổi, cùng con gái họ, Kaye, 10 tuổi. Trong hình vẫn là Garrett, 11 tuổi, đã không có mặt trên xe khi tai nạn xảy ra."

"Tôi xem báo cáo về hiện trường vụ án ngày hôm qua được chứ?", Rhyme hỏi.

Bell mở một tập hồ sơ. Thom cầm lấy nó. Ở đây, Rhyme không có thiết bị lật trang nên anh phải nhờ vào anh chàng phụ tá.

"Cậu không thể giữ nó chắc chắn được à?"

Thom thở dài.

Nhưng nhà hình sự học đang bực bội. Hiện trường vụ án được khám nghiệm rất cẩu thả. Trong số các bức ảnh chụp lấy ngay có bức cho thấy một loạt dấu chân nhưng người ta không đặt thước để xác định kích cỡ. Người ta cũng không đặt biển đánh số để xác định dấu chân của từng người.

Sachs cũng chú ý tới điều này và lắc đầu, nêu nhận xét.

Lucy nói với giọng thanh minh: "Cô luôn luôn làm như thế à? Đặt biển đánh số ấy?".

"Tất nhiên", Sachs trả lời. "Đó là cách thức đúng quy chuẩn."

Rhyme tiếp tục nghiên cứu bản báo cáo. Nó chỉ mô tả vội vàng về vị trí và tư thế của xác cậu thiếu niên. Rhyme có thể thấy đường vẽ hình người được phun bằng sơn, ai cũng biết cách này sẽ phá huỷ các dấu vết và làm ảnh hưởng đến hiện trường vụ án.

Họ không lấy mẫu đất nào tại chỗ cái xác hay nơi rõ ràng đã diễn ra cuộc vật lộn giữa Billy, Mary Beth và Garrett. Và Rhyme có thể thấy những đầu mẩu thuốc lá trên mặt đất - chúng có khả năng cung cấp nhiều manh mối - nhưng họ không thu cái nào.

"Trang tiếp theo."

Thom lật trang.

Báo cáo về dấu vân tay thì tốt hơn chút ít. Trên chiếc xẻng có bốn dấu vân tay còn nguyên vẹn và mười bảy dấu bị mất một phần,tất cả đều được xác định chắc chắn là của Garrett và Billy. Hầu hết là dấu vân tay dạng ẩn, tuy nhiên một số dấu khá rõ rệt - có thể dễ dàng nhìn thấy mà chẳng cần dùng đến hoá chất hay nguồn sáng để hiệu chỉnh hình ảnh - ở vết đất bám trên cán xẻng. Nhưng Mason đã bất cẩn khi khám nghiệm hiện trường - dấu găng tay cao su của anh ta trên chiếc xẻng che lấp nhiều dấu vân tay của kẻ giết người. Rhyme sẽ phạt một kỹ thuật viên vì tội xử lý chứng cứ bất cẩn như thế, dù sao, cũng còn nhiều dấu vân tay hữu ích khác, lỗi ấy không gây ra sự khác biệt nào trong trường hợp này.

Các thiết bị sẽ nhanh chóng được đưa đến. Rhyme bảo Bell: "Tôi cần một kỹ thuật viên khám nghiệm giúp đỡ tôi phân tích chứng cứ, đồng thời vận hành các thiết bị. Tôi thích lấy một cảnh sát hơn, nhưng quan trọng là có kiến thức về khoa học. Và hiểu biết vùng này. Một người địa phương".

Ngón tay cái Mason xoay nhanh một vòng bên trên chiếc kim hoả có những đường gân của khẩu súng lục. "Chúng tôi sẽ bới từ đâu đấy ra được một người, nhưng tôi tưởng anh là chuyên gia. Tôi muốn nói, chẳng phải đó là lý do để chúng tôi dùng đến anh hay sao?"

"Một trong những lý do để các vị dùng đến tôi là vì tôi biết lúc nào mình cần sự giúp đỡ, Rhyme nhìn Bell. "Anh nghĩ ra ai chưa?"

Lucy Kerr là người trả lời. "Con trai chị gái tôi - Benny - nó đang học tại Đại học Tổng hợp Bắc Carolina. Sau đại học."

"Thông minh không?"

"Hội viên Phi Beta[14]. Nó chỉ... ờ, hơi ít nói."

"Tôi không cần cậu ấy tới nói chuyện."

"Tôi sẽ gọi điện cho nó."

"Tốt", Rhyme nói. Rồi tiếp túc: "Bây giờ, tôi muốn Amelia khám nghiệm các hiện trường vụ án: phòng gã trai và kênh Nước đen".

Mason nói: "Nhưng...". Anh ta hất bàn tay chỉ bản báo cáo. "Chúng tôi đã khám nghiệm rồi. Khám nghiệm hết sức cẩn thận rồi."

"Tôi muốn cô ấy khám nghiệm lại", Rhyme đáp ngắn gọn. Rồi anh nhìn Jesse. "Anh hiểu biết vùng này. Anh đi với cô ấy, được chứ?"

"Chắc chắn rồi. Tôi rất lấy làm hân hạnh."

Sachs dành cho anh ta cái nhìn giễu cợt. Nhưng Rhyme biết giá trị của một anh chàng thích tán tỉnh, Sachs sẽ cần đến sự hợp tác - cần nhiều. Rhyme không nghĩ Lucy hay Mason có thể hữu ích bằng nửa cái anh chàng Jesse Corn đã đem lòng si mê cô.

Rhyme nói: "Tôi muốn Amelia được trang bị một khẩu súng ngắn".

"Jesse là chuyên gia quân nhu của chúng tôi đấy", Bell nói. "Cậu ấy sẽ ngay lập tức kiếm cho cô một khẩu Smith & Wesson ngon lành."

"Yên tâm, tôi sẽ kiếm được."

"Tôi muốn mấy bộ còng nữa", Sachs nói.

"Chắc chắn rồi."

Bell để ý thấy Mason trông không vui vẻ gì, đang nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ.

"Chuyện gì thế?", viên cảnh sát trưởng hỏi.

"Anh thực sự muốn nghe ý kiến của tôi?", người đàn ông có chiều cao khiêm tốn hỏi lại.

"Tôi vừa hỏi, phải không?"

"Anh làm những gì anh cho là tốt nhất, Jim ạ", Mason nói giọng căng thẳng. "Nhưng tôi không cho là chúng ta có thời gian để khám nghiệm thêm nữa. Khu vực này mênh mông như thế. Chúng ta phải đuổi theo thằng nhãi kia và phải đuổi theo gấp."

Nhưng người đáp lời là Lincoln Rhyme. Ánh mắt đặt vào tấm bản đồ, ô G-10, Bến tàu kênh Nước đen, địa điểm cuối cùng Lydia Johansson được trông thấy vẫn còn sống, anh nói: "Chúng ta không có thời gian để hành động vội vàng".

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/68557


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận