Thư ký Lưu đã dặn đi dặn lại với cô và gia đình, đây là nhiệm vụ chính trị cũng là vinh hiển của nhà họ Chung. Vì thế, Tư Tồn và ba mẹ đã hứa với đồng chí Lưu Xuân Hồng, nhất định sẽ chăm sóc tốt cho Mặc Trì để Thị trưởng Mặc và Chủ nhiệm Trần khỏi lo lắng mà tập trung vào công việc. Chuyện này đã hứa sao có thể nuốt lời được chứ? Cô biết bản thân làm không tốt nên đã rất nỗ lực sửa đổi, nhưng ngay cả một cơ hội nhỏ, sao Mặc Trì cũng không dành cho cô?
Tư Tồn mím chặt môi, nuốt nước mắt vào lòng, thu hết dũng khí, lên tiếng sau một thoáng im lặng: “Tôi không đi đâu! Tôi đã hứa với Thư kí Lưu là sẽ chăm sóc anh rồi”.
Mặc Trì đúng là rơi vào tình thế dở khóc dở cười: “Cô cho rằng đây là công việc sao? Có biết kết hôn với tôi chính là cả đời này cô sẽ phải ở bên cạnh một người tàn tật hay không?”
Tư Tồn bướng bỉnh đáp: “Tôi đã hứa thì phải làm đến cùng”.
Thấy cô cương quyết không chịu hiểu mình, Mặc Trì thở dài, thôi thì đành để từ từ tìm cơ hội nói chuyện xem sao. Không cần biết kết quả thế nào, anh không thể để mình liên lụy đến cô gái ngốc nghếch này được.
Một lát, thấy Mặc Trì không nói thêm gì, Tư Tồn liền dè dặt đề nghị: “Anh mau ăn đi, cháo nguội cả rồi kìa!”.
Mặc Trì chán nản đáp: “Không cần cô lo, mau ra ngoài đi”.
Ngày qua tháng lại, vậy là đã được một tuần kể từ khi Tư Tồn sống trong nhà họ Mặc. Mặc Trì vẫn một mực không để Tư Tồn chuyển sang phòng anh ở. Bản thân Tư Tồn cũng ngại không dám ở cùng phòng với Tịnh Nhiên lâu nên đành tạm thời ngủ ở phòng khách. Buổi sáng, sau khi vợ chồng Thị trưởng Mặc đi làm, Tịnh Nhiên đi học, phòng của Mặc Trì lập tức trở thành cấm địa, Tư Tồn đành cùng cô giúp việc dọn dẹp nhà cửa, hoặc ngơ ngẩn ngồi trước cửa phòng khách nhìn ra bên ngoài.
Vì cùng trang lứa (tính ra Tư Tồn còn nhỏ hơn em chồng sáu tháng tuổi), tính tình Tư Tồn và Tịnh Nhiên khá hợp nhau. Họ nói chuyện hợp ý như thể hai chị em vô cùng thân thiết. Chập tối, khi đi học về, việc đầu tiên của Tịnh Nhiên là vào phòng khách nói chuyện với Tư Tồn một lúc. Có lần, Tư Tồn buột miệng nói mình thích ăn thịt sấy, thế là ngay bữa tối hôm sau trên bàn ăn đã có một đĩa thịt sấy xào cần tây. Biết Tịnh Nhiên đã dặn cô giúp việc làm, trong lòng Tư Tồn trào lên cảm giác vô cùng ấm áp.
Thế nhưng, trong mối quan hệ giữa cô và Mặc Trì, không có mảy may tín hiệu nào cho thấy sự tiến triển. Tư Tồn trong lòng hãy còn e sợ Mặc Trì, bản thân anh cũng nhất quyết cự tuy t cô. Tư Tồn biết không thể vội vã. Mẹ anh cũng chẳng đã nói, chuyện của họ vội vàng cũng không được, phải từ từ, chậm rãi mới xong.
Cơ thể Mặc Trì vốn yếu ớt, không chịu được đợt rét tháng Ba đang sắp tràn về. Trần Ái Hoa liền dặn Tư Tồn trải thêm lên giường cho anh một tấm đệm nữa. Thật ra, việc này cô vốn không phải đích thân làm, bình thường đã có cô giúp việc lo liệu, nhưng đây là cơ hội Trần Ái Hoa muốn tạo ra để Mặc Trì và cô có thêm thời gian gần gũi nhau.
Ôm tấm đệm tới trước phòng Mặc Trì, Tư Tồn gõ cửa cho phải phép rồi nhanh chóng bước vào. Mặc Trì đang không khỏe, phải dựa vào thành giường nghỉ ngơi. Tấm đệm dày choán cả mặt giúp Tư Tồn trốn được ánh mắt ác cảm mà Mặc Trì đang hướng về phía cô. Dẫu vậy, bầu không khí im lặng rợn ngợp cả căn phòng khiến cô không khỏi kinh hồn bạt vía: “Dì bảo tôi trải thêm đệm cho anh”.
“Không cần! Đã bảo cô là không được tự tiện vào phòng tôi rồi cơ mà”, Mặc Trì lãnh đạm nói.
Tư Tồn thầm cảm thấy oan ức, vốn biết anh không ưa gì cô, không cho phép cô tùy tiện vào phòng, nhưng cô đã chẳng gõ cửa xin phép rồi đấy thôi. Lẳng lặng, Tư Tồn đưa mắt nhìn, thấy một chỗ trống phía cuối giường, liền đặt chiếc đệm xuống đó. Nhưng ngay lập tức cô giật thột phát hiện rằng, chỗ đó đáng ra vốn phải là bên chân trái của Mặc Trì.
Cảm giác sợ hãi vừa nhen nhóm bùng lên thì trong lòng Tư Tồn nỗi thương xót đã dâng đầy. Một thanh niên vốn đang lành lặn, bỗng chốc bị mất một chân như anh, trong lòng sao có thể thoải mái được chứ?, cô thầm nghĩ. Vậy nên trước giờ tâm tư con người ấy mới chưa từng vui vẻ, cảm giác đó cô có thể hiểu được. Nghĩ vậy, Tư Tồn liền đẩy chiếc xe lăn đến gần anh, nhẹ nhàng nói: “Tôi đỡ anh ngồi sang đây để trải đệm nhé?”
Mặc Trì quay đầu nhìn cô rồi quay sang hướng khác ho lên khù khụ. Tư Tồn mạnh dạn chạm vào cánh tay anh hỏi lại: “Tôi đỡ anh dậy, được không?”
“Tôi nói rồi, không cần!”. Mặc Trì hất cánh tay Tư Tồn ra, song quá đà nên mu bàn tay đập thẳng vào mặt cô. Anh giật mình nhìn một mảng đỏ rực rõ dần trên khuôn mặt trắng trẻo của Tư Tồn. Đôi mắt cô phút chốc rớm đỏ lên, ngân ngấn đầy nước.
“Tôi xin lỗi...”, Mặc Trì hoảng hốt nói. Anh không biết phải nói gì để thanh minh cho việc mình vừa vô ý gây ra. Bỗng Tịnh Nhiên không biết từ đâu chạy đến, vừa hay giải cứu anh khỏi tình trạng khó xử: “Anh! Hôm nay tan học sớm, lát em xuống bếp làm món trứng sốt cà chua cho anh ăn nhé”.
“Ơ… Tư Tồn, chị làm sao thế?”. Tịnh Nhiên nhìn khuôn mặt đỏ lựng của Tư Tồn, rồi lại nhìn anh trai mình đang lúng túng, cao giọng hỏi: “Anh! Anh đánh chị sao?”
“Không có!”, Tư Tồn nghe vậy vội vàng cướp lời, “Tịnh Nhiên hiểu lầm rồi, không phải như cô nghĩ đâu!”
Nhìn Tư Tồn ra sức biện minh cho Mặc Trì, Tịnh Nhiên không khỏi bật cười: “Em biết anh trai mình không đánh người, nhưng chị dâu à… chị bảo vệ anh trai em ghê quá đấy!”.
Thấy Tịnh Nhiên nói trúng tâm tư, Tư Tồn không tránh khỏi ngượng ngùng, khuôn mặt càng lúc càng đỏ hơn, cô những mong Mặc Trì giúp mình giải vây, nhưng người chồng lạnh lùng này không đời nào làm vậy đâu!
Thấy tấm đệm ở cuối giường, lại thêm dáng vẻ bối rối của hai người, Tịnh Nhiên lập tức hiểu ra Tư Tồn đến trải thêm đệm giúp anh trai. Cô liền nhanh chóng đẩy chiếc xe lăn tới gần giường, nũng nịu nói với anh: “Anh, em đỡ anh ngồi lên xe lăn để chị dâu giúp anh trải đệm nhé. Anh cứ như vậy trong lòng em thấy buồn lắm!”
Tư Tồn ngạc nhiên chứng kiến cảnh Mặc Trì chủ động đưa tay để Tịnh Nhiên đỡ anh ngồi dậy.
“Chị dâu! Chị cũng lại đỡ anh đi, chúng ta cùng giúp anh ấy nào”.
Tư Tồn vội nắm lấy cánh tay còn lại của Mặc Trì, cùng Tịnh Nhiên đỡ anh ngồi sang xe lăn. Tịnh Nhiên lại nói: “Chị đắp thêm chăn cho anh đi. Anh mặc ít quần áo quá!” Tư Tồn nghe thế, lấy chiếc chăn nhẹ đắp lên chân cho Mặc Trì rồi lấy thêm áo ấm khoác lên người cho anh, sau đó cô mới nhẹ nhàng trải đệm lên giường. Đối với người như Mặc Trì, chiếc giường có lẽ là nơi khoan khoái, dễ chịu nhất. Một mùi hương cỏ cây thoang thoảng như hơi thở mùa xuân len lỏi vào khứu giác, còn đang vấn vương trong tâm trí Tư Tồn. Cô biết trong xà phòng giặt nhà Thị trưởng có cho thêm một chút hương liệu tạo mùi.
Trải giường xong, Tư Tồn dịu dàng nói: “Xong rồi! Để tôi đỡ anh lên giường nhé?”
Mặc Trì im lặng đẩy chiếc xe lăn đến bên bàn đọc, lãnh đạm đáp: “Tôi muốn ở đây đọc sách một lúc, hai người ra ngoài trước đi”.
Tư Tồn không biết có phải mình đã làm sai điều gì, ngó sang Tịnh Nhiên có ý thăm dò, nhưng Tịnh Nhiên chỉ khẽ ho nhẹ vài tiếng rồi mau mắn kéo tay cô ra khỏi phòng.
Như lệ thường, Tư Tồn cùng Tịnh Nhiên dùng bữa tối trong phòng ăn, còn đồ ăn của Mặc Trì sẽ được cô giúp việc đưa lên tận phòng cho anh. Thị trưởng Mặc cùng Trần Ái Hoa thường xuyên bận rộn công việc bên ngoài, chẳng mấy khi về nhà ăn cơm. Ăn xong, Tư Tồn trở về phòng, còn Tịnh Nhiên sẽ ngồi làm bài tập.
Màn đêm khuya khoắt đã buông, Tư Tồn ngồi bó gối trên giường, chăm chú nhìn con búp bê cô dâu kiểu Nga mà Tịnh Nhiên tặng mình lúc mới đến. Nghĩ vẩn nghĩ vơ, nghĩ xa nghĩ gần, cô thấy mình cũng là tân nương như bao người, mà sao trong gia đình xa lạ này, đến một chút biểu hiện cùng không khí dành cho cô dâu cũng không có.
Mặc Trì thì luôn từ chối chuyện cô là người vợ hợp pháp của mình, ngay đến việc nhìn mặt cô cũng không muốn. Chẳng biết những cô dâu mới ở các gia đình khác thế nào, song chắc rằng, họ không phải chịu cảnh lạnh nhạt giống cô thế này. Hôm đó, khi Mặc Trì bảo cô về nhà, lẽ ra cô nên nghe theo anh mới phải. Ngặt nỗi, cô đã từng hứa với đồng chí Lưu Xuân Hồng là sẽ chăm sóc tốt cho Mặc Trì. Bây giờ, lời hứa không thực hiện được, cô biết ăn nói sao đây?
Cốc, cốc, cốc! Tiếng Tịnh Nhiên từ ngoài cửa vọng vào: “Tư Tồn, chị còn thức đó không?”
Tư Tồn mỉm cười đứng lên ra mở cửa. Tịnh Nhiên nhẹ nhàng bước vào, ôm lấy chiếc gối của Tư Tồn: “Em vừa làm bài xong, muốn sang đây nói chuyện với chị một lát”. Vừa nói Tịnh Nhiên vừa trèo lên giường, thoải mái kê đầu vào gối.
“Mặt chị còn đau không? Anh em không cố ý đâu, chị đừng trách anh ấy nhé!”, Tịnh Nhiên nhẹ nhàng nói.
Tư Tồn đưa tay sờ lên mặt: “Chị biết, nên có trách gì anh ấy dâu. Mới lại giờ cũng không còn đau nữa rồi”.
“Thật ra, anh là người anh trai tốt nhất trên thế gian này. Chẳng bao lâu nữa chị sẽ thấy. Anh ấy bên ngoài tuy lạnh lùng nhưng bên trong lại vô cùng ấm áp, dịu dàng. Sau này hiểu rồi, chị nhất định sẽ yêu anh ấy thôi!” Khuôn mặt Tư Tồn bỗng chốc thoáng ửng hồng khi nghe nói tới đó. Yêu ư? Cô đã lớn lên trong một môi trường mà chuyện tình cảm chỉ biết giấu kín trong lòng. Chỉ qua sách vở hay những câu chuyện được truyền lại từ xa xưa, mới biết rằng tình yêu là thứ tình cảm tuyệt với nhất trong cõi nhân gian này. Nếu không, làm sao có chuyện một người vì yêu mà bất chấp gian nguy, thề nguyền cùng nhau sống chết? Chữ “yêu” thiêng liêng ấy, chẳng biết một ngày nào đó có thể đến với cô và Mặc Trì hay không?
Tịnh Nhiên tươi cười nói tiếp: “Anh em tư chất thông minh, lại ham học, cũng thích thể thao, chơi piano rất cừ, không kiêu ngạo hay ỷ mình là con trai Thị trưởng. Anh luôn vui vẻ giúp đỡ người khác. Hơn nữa, không chỉ tốt bụng mà còn là một thanh niên rất tuấn tú nữa đấy!” Quả thật, bản thân Tư Tồn chưa từng có cơ hội nhìn kĩ Mặc Trì, nhưng cứ nhìn Tịnh Nhiên xinh đẹp như hoa trước mặt cô đây mà suy ra, hẳn là dung mạo của anh trai Tịnh Nhiên cũng cực kì anh tuấn.
Tịnh Nhiên vẫn thao thao bất tuyệt: “Chị có phát hiện ra rằng, tính khí anh ấy tuy tệ nhưng lại không hề cáu kỉnh với em không?” Tư Tồn nhớ lại, thấy quả đúng như những gì Tịnh Nhiên nói.
“Chị có biết vì sao không?”, nụ cười trên môi Tịnh Nhiên dần tắt, giọng cô cũng trầm hẳn xuống, “Bởi, người hại anh ấy mất đi chân trái năm đó chính là em. Vì không muốn em cả đời mang nỗi ăn năn trong lòng mà sống, nên anh lúc nào cũng đối xử tốt với em”.
Tư Tồn ngạc nhiên, mở lớn hai mắt, buột miệng hỏi: “Sao lại là em?”
Tịnh Nhiên vùi mình xuống gối, ánh mắt ngập tràn sự hối hận và tội lỗi. Im lặng một hồi cô mới chầm chậm kể: “Năm 1969, khi đó em mới lên mười, còn anh ấy bước vào tuổi mười ba. Một đêm nọ, ba mẹ bất ngờ bị giáng chức, nhà cửa bị niêm phong, anh trai cùng em và ba phải chuyển đến sống tại ngôi làng của chú Cù, là thư kí trước đây của ba em”.
Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, lại là con gái một gia đình bần nông, Tư Tồn chưa từng gặp phải, thậm chí chưa bao giờ tưởng đến tất cả những điều Tịnh Nhiên nói.
“Chẳng bao lâu sau đó, chú Cù cũng bị giáng chức, còn lại m ỗi mình thím ngày ngày nai lưng làm việc, lo bữa ăn cho cả hai gia đình. Nhờ vậy, nhà em mới không bị chết đói. Còn nhớ, ngày đó, trẻ em trên phố đều được tham gia lực lượng Hồng vệ binh hoặc Hồng tiểu binh, nhưng em và anh trai đều không có tư cách tham gia. Bởi ba mẹ bị xếp vào hàng lãnh đạo Tẩu tư phái , bản thân bọn em thuộc vào nhóm “Năm phần tử xấu” . Bọn trẻ đứa nào đấy nấy cũng ức hiếp em, thế nên anh đã đánh nhau với bọn chúng không ít lần. Hồi ấy, anh tuy vóc người cao to, khỏe mạnh nhưng tụi trẻ đó ỷ đông hiếp yếu, đánh anh đến bầm dập cả mặt mày. Đêm đêm, khi em chỉ biết trốn dưới chăn để khóc, anh đến bên dỗ dành và nói rằng: “Bất kể thế nào, anh cũng sẽ không rời xa, sẽ luôn bên cạnh bảo vệ em”.
Tư Tồn chăm chú nghe Tịnh Nhiên kể. Cô không ngờ rằng, bên dưới lớp băng giá lạnh ấy lại là một Mặc Trì vì em gái mà sẵn sàng xả thân như vậy.
“Bạn bè em đều trở thành Hồng vệ binh, được đeo phù hiệu đỏ, trông vô cùng oai phong. Em quá thích những chiếc phù hiệu xinh xắn ấy nên đã xin chúng. Nhưng chúng không những không cho, còn mắng em là loài chó tạp chủng. Tức giận vô cùng, em liền chửi nhau với chúng. Bọn chúng liền lấy đá ném em, lại còn đánh em nữa. Lúc đó, anh ở đâu xuất hiện như một vị thần, đẩy em ra sau, lấy thân mình cản những viên đá đang rào rào ném tới, rồi kéo em chạy về nhà. Nhưng cả hai chúng em đều không ngờ, phía sau một nhóm Hồng vệ binh đuổi tới, không nghe anh giải thích lấy một lời mà cứ thế cầm thuổng đánh tới tấp. Thấy tình huống không hay, anh đẩy em đi, bảo em mau chạy trốn. Trong cơn hoảng loạn bỏ chạy, em vẫn nhìn thấy vô số nắm đấm, gậy gộc cứ thế trút xuống người anh”.
Vì ẩu đả với Hồng vệ binh, Mặc Trì bị liệt vào tội chính trị và bị tống vào trại tạm giam. Lúc ấy, anh đã bị thương rất nặng, bởi một thân một mình sao có thể chống chọi nổi với đám đông cuồng loạn kia. Trên đầu máu me đầm đìa, toàn thân đầy vết thương, ngực đau đến nghẹn thở, chân phải hình như bị gãy, đau như kim châm muối xát, nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là chân trái vì đầu gối bị thuổng sắt chém sâu nhìn thấu cả xương. Ngưu Côn ở Ủy ban Cách mạng lại không đồng ý cho bác sĩ đến chữa trị, nên chưa đầy mấy ngày sau, vết thương đã thối rữa rồi bốc mùi.
Thấy anh đáng thương, cai tù liền lén lút rỉ tai, khuyên anh nói vài câu mềm mỏng với Ngưu Côn để có cơ hội được đưa đến bệnh viện, băng bó vết thương, giảm bớt nỗi đau đớn mà anh đang phải gánh chịu. Song lúc đó, Mặc Trì tuổi còn trẻ, rất cứng đầu, không chịu nghe theo, thức ăn cai tù mang tới còn bị anh ném đi. Người cai tù tốt bụng kia rồi cũng không buồn để ý tới anh nữa. Trước giờ, chưa từng thấy anh bướng bỉnh đến ngốc nghếch như vậy bao giờ.
Trong những ngày bị giam cầm, Mặc Trì vẫn ngoan cố dùng cách thức của bản thân để chống lại số mệnh. Anh không ăn không uống, chỉ giật mạnh song sắt liên hồi, lớn tiếng đòi tự do và quyền được chữa trị. Ở tuổi mười ba, Mặc Trì không hay biết rằng, chính sự đấu tranh này càng đẩy số phận anh rơi xuống vực thẳm.
Vết thương của Mặc Trì, sau một tuần trong trại giam, bị viêm nhiễm, nghiêm trọng hơn, anh rơi vào hôn mê do thiếu nước. Người cai tù tốt bụng nọ, thấy tình cảnh nguy ngập đó, đã xin với cấp trên cho mời bác sĩ đến chữa trị cho anh.
Sau khi được truyền mấy chai nước muối, Mặc Trì có dấu hiệu dần hồi phục nhưng cơ thể vẫn còn sốt rất cao. Bác sĩ chẩn đoán, chân trái của anh bị thương nặng, lại không được cứu chữa kịp thời đã bị hoại tử khiến xương chân chuyển thành màu đen. Không hề bàn bạc cũng như hội chẩn, ông chọn cách được cho là đơn giản mà hữu hiệu nhất: cưa chân.
Mặc Trì- sau phẫu thuật- tỉnh lại trong đau đớn tột cùng. Từ đó trở đi cũng mất một bên chân, vĩnh viễn trở thành người tàn tật . Anh bị đưa trở lại trại tạm giam, nhưng được người cai tù tốt bụng sắp xếp cho ở cùng hai người tù chính trị khác để họ chăm sóc cho anh. Mặc Trì nằm trên sàn, không hay biết tình trạng của đôi chân, cứ nghĩ mình đã nhận được sự chữa trị, sức khỏe sẽ dần hồi phục.
Hai người bạn tù thấy anh tỉnh lại liền vội vàng lấy nước cho uống. Mặc Trì uống nước khó nhọc, giọng khàn đặc: “Đã làm phiền mọi người rồi, cháu nhất định sẽ dưỡng thương thật tốt, không gây thêm phiền phức cho mọi người nữa”. Hai người nghe xong câu này của Mặc Trì, không nén nổi thương cảm liền quay mặt khóc. Đứa trẻ chưa hiểu chuyện gì liền ngọ nguậy người, dựa lưng vào tường, định đưa lời an ủi thì đột nhiên phát hiện chân trái của mình đã bị cưa mất một nửa.
Mặc Trì kinh hãi hét lên. Hai người bạn tù sợ anh tự làm hại bản thân, liều mạng ôm chặt lấy thân hình nhỏ bé ấy. Mặc Trì lúc ấy không ngừng gào thét ầm ĩ: “Các người mau trả lại chân cho tôi, trả lại cho tôi!” Khi đã kêu gào đến kiệt lực, anh tuyệt vọng đổ gục xuống đất, đôi mắt mở to chứa đầy căm hờn cùng phẫn hận.
Vết thương của Mặc Trì không liền được miệng do buồng tạm giam lạnh lẽo thiếu sáng nhưng theo quy định, anh vẫn phải cùng các phạm nhân khác ra ngoài lao động cải tạo. Anh khi ấy yếu đến mức ngồi còn không vững, song người cai tù không thể trái lệnh, vẫn giải anh đến khu lao động. Đó là một khu mỏ lớn, và công việc của Mặc Trì là nhặt đá. Anh nằm soài ra đất, khó khăn lắm mới nhấc nổi hòn đá lên, rồi lại phải thêm một lần nữa gồng mình ném chúng vào sọt tre. Mỗi động tác đều kết thúc bằng một hồi thở hổn hển. Mặc Trì khi đó nghiến răng, nỗ lực hết mình để sống. Sống rời khỏi chốn lao tù và bảo vệ cô em gái nhỏ. Mặc dù rất cố gắng nhưng động tác của anh vẫn chậm hơn người khác. Có lần khi đi tuần, Ngưu Côn bắt được cảnh ấy, không nói không rằng đạp thẳng vào chân trái thương tật của anh, trong nháy mắt máu tươi lại loang lổ thấm trên tấm gạc. Dầu đau đến nghẹt thở, Mặc Trì không biết lúc ấy lấy đâu ra dũng khí và sức mạnh mà loạng choạng đứng dậy, lao thẳng vào Ngưu Côn chống trả. Không đề phòng, Ngưu Côn có chút bất ngờ, nhưng liền đó, hắn túm lấy Mặc Trì rồi cả hai cùng ngã lăn ra đất.
Sau cú đánh bất ngờ, Ngưu Côn nổi cơn tam bành, bò dậy đạp Mặc Trì một cú trời giáng. Không một ai dám xông vào cản hắn. Đến khi hắn bỏ đi rồi mới có người dè dặt đến bên Mặc Trì đang nằm lại trong vũng máu. Cặp mắt tuy đờ đẫn, nhưng Mặc Trì lạnh lùng gắng gượng bò về phía nhà giam, để lại sau lưng những vệt máu dài.
Vết thương ở chân Mặc Trì bị nhiễm trùng, thậm chí còn gây nguy hiểm đến tính mạng. Vị bác sĩ từng cưa chân cho anh được điều đến khám một lần nữa. Lần này, với sự đãi ngộ tốt hơn, anh được nằm ở phòng y tế. Bên ngoài phòng bệnh, hai Hồng vệ binh luôn luôn canh gác, đề phòng tù nhân thừa cơ trốn thoát.
Sự đau đớn từ vết thương ở chân cộng thêm nỗi phẫn uất trong lòng khiến Mặc Trì không ngừng lớn tiếng la hét hàng đêm. Bác sĩ không thể kiên nhẫn thêm được nữa. Rốt cuộc, tối nào bọn họ cũng cho anh uống vài viên thuốc an thần. Vậy là Mặc Trì đã đạt được mục đích của mình. Anh gom tất cả số thuốc an thần được phát trong hai tuần lại, rồi lợi dụng lúc không ai để ý uống hết một lần. May thay, hôm đó vị bác sĩ kia lần đầu tiên phá lệ đi thăm khám cho anh, vừa hay phát hiện ra chuyện đáng sợ này. Cuối cùng, Mặc Trì cũng tỉnh lại sau một đêm cấp cứu, nhưng từ đó về sau, anh bỗng chốc trở thành một con người vô cùng lặng lẽ, không còn lớn tiếng la hét, ngay cả hé miệng một câu cũng không.
Nằm cùng phòng bệnh với Mặc Trì là người đồng sự cũ của ba anh- chú Lâm. Thương anh, chú quyết định viết một bức thư gửi Tỉnh ủy, xin cho anh được chữa trị cẩn thận. Chẳng bao lâu sau, lãnh đạo tỉnh đưa chỉ thị xuống, cho điều Mặc Trì lên bệnh viện tỉnh, thậm chí còn được kiểm tra và điều trị bằng những máy móc hiện đại thời đó. Nhưng đã muộn màng. So với tuổi thì cơ thể anh phải gánh chịu những vết thương quá nặng, quá sâu. Mặc cho được cứu chữa tận tình, bệnh cũng không thể triệt tiêu tận gốc. Bệnh viêm phổi mãn tính và phong thấp như kí sinh trùng sống bám vào anh từ ấy.
Ba năm sau đó, Mặc Trì tiếp tục nằm viện, một mặt vì cơ thể cần được tiếp tục điều trị, mặt khác ở đó anh được Tỉnh ủy bảo vệ tốt hơn. Trong ba năm ấy, mối liên lạc giữa anh với ba mẹ và Tịnh Nhiên cũng đứt đoạn, vì thế mà không hề hay biết, đó là tao đoạn ba mẹ anh phải sống trong chuồng bò, chịu đựng biết bao khổ cực, cũng không biết cô em gái bé bỏng phải lang thang mặc rách ăn thừa, nếu không nhờ một thầy giáo tốt bụng thương tình giúp đỡ thì đến giờ không còn giữ được mạng sống.
Năm 1973, cuối cùng may mắn cũng mỉm cười với gia đình từng nếm trải bao nhiêu khổ cực này. Sau khi Thị trưởng Mặc và Trần Ái Hoa được trả tự do, họ lập tức đi tìm Tịnh Nhiên và nhận được tin Mặc Trì đã trở thành người tàn tật, mất đi một bên chân. Thị trưởng Mặc đau đớn vội lên tỉnh thăm đứa con trai khốn khổ đang nằm viện. Bác sĩ cho biết, suốt ba năm qua- vì tinh thần bị kích động quá lớn- anh tuyệt nhiên không nói một câu nào. Vốn là một người mạnh mẽ mà nghe vậy, Thị trưởng Mặc không thể kìm lòng mà tuôn rơi nước mắt.
Ngôi nhà trước đây của nhà họ Mặc vẫn bị niêm phong nên Trần Ái Hoa đã thuê một căn phòng nhỏ chưa đến mười mét vuông để cả gia đình sinh sống. Vợ chồng họ vẫn phải lao động cải tạo và Tịnh Nhiên cũng còn đi học. Ngày hôm ấy, mây đen vần vũ báo hiệu một cơn mưa rất lớn, trường cho học sinh tan sớm. Tịnh Nhiên vui vẻ, tràn đầy sức sống chạy về nhà, nhưng đập thẳng vào mắt cô là hình ảnh Mặc Trì nằm trên giường, cổ tay bị cắt, máu chảy đầy xuống đất. Tịnh Nhiên kinh hãi, khóc lóc và quáng quàng chạy đi tìm thầy giáo, đưa Mặc Trì đến bệnh viện. Cô bé sợ đến mức không dám rời khỏi Mặc Trì dù chỉ một khắc. Nghe tin, Trần Ái Hoa cũng vội chạy đến. Khi bắt gặp đôi mắt vô hồn của Mặc Trì cùng cổ tay đã bị băng trắng trên giường bệnh, lòng bà đau đớn, khóc đến ngất đi. Đến bên Mặc Trì sau đó, nắm lấy bàn tay yếu ớt của con trai, Thị trưởng Mặc run rẩy ấn tay vào mũi Mặc Trì, lớn tiếng mắng mỏ: “Con là một kẻ hèn nhát! Nhu nhược!”, phong độ của người trí thức trong ông giây phút đó bùng lên mạnh mẽ, “Một kẻ hèn nhát của nhà họ Mặc chúng ta! Ông nội con vì bảo vệ đồng đội mà hi sinh anh dũng trong khi bao vây tiễu trừ quân địch, bác cả của con vì cuộc chiến kháng Mỹ viện Triều cũng không tiếc thân mình, ba con cả đời ngay thẳng bị người ta xử oan, nhưng nhà họ Mặc chúng ta không sụp đổ, bởi con trai nhà họ Mặc đều đường đường là một nam tử hán. Con mới chịu một chút oan ức, mất đi một bên chân mà hết lần này đến lần khác tìm cách đào ngũ thì ba không đồng ý, ông nội con và bác cả trên trời lại càng không đồng ý. Người nhà họ Mặc chúng ta không ai là kẻ hèn nhát. Con còn hèn yếu như vậy thì không phải con trai của Mặc Bỉnh Tiên ta!”
Thị trưởng Mặc mắng sối xả một hồi, hơi thở hào hển, trừng mắt nhìn Mặc Trì. Ánh mắt ông sắc sảo, nghiêm nghị, như muốn vực dậy sức sống của đứa con trai đáng thương. Mặc Trì sững người, khuôn mặt lạnh lùng dần biểu cảm trở lại. Trần Ái Hoa cũng từ từ tỉnh táo, bà ôm chặt lấy Mặc Trì, giống như gà mẹ bảo vệ gà con, đôi môi không ngừng run rẩy: “Bỉnh Tiên, ông đừng mắng con, nó là con trai của chúng ta, là con trai yêu quý của chúng ta...”.
Quá lâu không cảm nhận được hơi ấm từ cái ôm của mẹ, Mặc Trì dựa sát vào lòng bà, đột nhiên nói khẽ: “Ba mắng đúng lắm, con không nên hèn nhát, con sai rồi… con... phải tiếp tục sống tốt”.
Đây là lần đầu tiên trong ba năm Mặc Trì cất lời, giọng anh khàn khàn yếu ớt và có chút biến điệu, nghe như tiếng nói của một người khác vậy. Tịnh Nhiên bé nhỏ- vẫn khóc suốt từ lúc bước vào bệnh viện- giờ chỉ biết ôm chặt lấy cánh tay Mặc Trì. Cả nhà ôm nhau khóc. Giây phút đó, Thị trưởng Mặc mới cảm nhận được sự hiện hữu của gia đình nhỏ mà ông hằng yêu thương, trân trọng. Ngoài cửa sổ, mây đen dần tan, bầu trời đang bừng sáng trở lại.