Câu Chuyện Ngày Xuân Chương 3.2

Chương 3.2
Không khí miền Bắc cuối thu lành lạnh phả vào mặt,

Mặc Trì thấy lòng dễ chịu đôi chút. Anh đang làm gì thế này? Vì một câu nói của Tư Tồn mà bỏ ra ngoài sao? Thế mà vừa rồi chính anh cũng nói những điều làm tổn thương cô. Ngộ nhỡ, mẹ về nhà hỏi anh đâu, chẳng phải đã làm khó cô rồi ư? Bản thân anh không vui có thể tự ý ra ngoài tìm khuây khỏa, còn Tư Tồn thì sao? Chắc chắn chỉ ngồi khóc một mình mà thôi. Nghĩ đến đây, Mặc Trì không đành lòng liền nói: “Bác Chương! Chúng ta mau quay về thôi”.

Mới đi một vòng, Mặc Trì đã muốn quay về khiến bác Chương có chút khó hiểu, nói: “Rất lâu rồi cháu mới chịu ra ngoài, để bác Chương đưa cháu đi dạo, thăm thú xem thành phố bây giờ thay đổi thế nào, được không?!”

Thành phố quả thật như hoàn toàn lột xác. Cửa hàng bách hóa, hiệu sách, nhà hàng bị đóng cửa trong thời kì Cải cách văn hóa nay đã mở trở lại, phù hiệu đỏ ngập tràn đường phố giờ cũng không thấy bóng dáng đâu nữa. Người qua kẻ lại trong những bộ cánh màu sắc tươi sáng, trên khuôn mặt đã không còn ẩn chứa nỗi lo lắng bất an. Cảnh tượng vui mừng hồ hởi cứ thế tiếp nhau hiện ra trước mắt Mặc Trì. Một loạt những cửa hiệu, những bộ quần áo đẹp đẽ bày trong gian tủ kính lướt qua bên ngoài xa lập tức cuốn hút anh.

Mặc Trì chợt nhớ ra, hình như Tư Tồn không có nhiều quần áo, đếm đi đếm lại chắc chỉ hai bộ là cùng. Nghĩ vậy anh liền nói: “Bác Chương, cháu muốn vào cửa hàng xem một chút”.

Bác Chương nhanh chóng dừng xe, lấy chiếc xe lăn ra, cẩn thận đỡ Mặc Trì xuống. Ở những nơi mua bán sầm uất thế này, rất hiếm khi thấy người tàn tật lui tới nên sự xuất hiện của Mặc Trì quả thật đã thu hút rất nhiều ánh nhìn. Song anh chẳng buồn bận tâm, nhờ bác Chương đưa thẳng đến gian hàng quần áo nữ.

Quả nhiên, xã hội đổi mới thật rồi. Bộ mặt thành phố cũng thay da đổi thịt. Những bộ y phục với nhiều sắc màu tươi sáng và đa dạng về chủng loại xuất hiện như nêm, những món đồ đều được bày bán trong tủ kính của cửa hàng Bách hóa Hữu Nghị. Một chiếc áo chẽn in hình bông tuyết đập vào mắt Mặt Trì, trông rất dày dặn ấm áp, cổ bẻ cách điệu nhìn cũng rất có phong cách. Còn nhớ, lúc anh còn nhỏ, mẹ cũng có một chiếc như vậy, khiến một nữ đồng chí trong Chính phủ cứ suýt xoa mãi. Chiếc áo anh chọn ở cửa hàng có đủ năm màu, mỗi màu đều có điểm thu hút riêng: xanh lá cây, xanh lam, ghi xám, đen và ca rô. Mặc Trì quyết định: “Tôi lấy hai chiếc màu đen cỡ nhỏ nhất”.

Bác Chương thấy vậy nói: “Sao cháu không lấy màu xanh lam hay xan h lá cây, vừa đẹp lại vừa tươi trẻ”.

Mặc Trì vừa trả tiền vừa đáp: “Chỉ là cháu thấy màu đen trông rất trang nhã”. Nhìn qua là đoán được đây là chất liệu của loại hàng cao cấp. Những màu xanh đỏ lòe loẹt- trong mắt anh- chỉ làm hỏng giá trị của bộ quần áo.

Mặc Trì từ cửa hàng ra liền lên xe về thẳng nhà. Anh tỏ ra dửng dưng, vờ như vô tình bỏ quên áo trên bàn uống trà ở phòng khách, rồi nhờ cô giúp việc đưa lên phòng. Không thấy bóng dáng Tư Tồn trong thư phòng, Mặc Trì có chút bất an. Đang ngần ngại không biết có nên sang phòng cô xem thế nào hay không, thì đúng lúc nghe thấy giọng nói vui vẻ của Tịnh Nhiên.

“Anh, anh mua áo mới cho em phải không?” Vừa tan học về, Tịnh Nhiên tay đã cầm hai chiếc áo khoác chạy thẳng lên tầng, “Chiếc còn lại chắc chắn là của chị dâu rồi!”

Mặc Trì khẽ mỉm cười, có một cô em gái thông minh, lại hiểu tâm ý người khác thật không gì bằng, liền nói: “Phải, em mau mặc thử đi!”

Tịnh Nhiên giống như một chú nai nhỏ, chạy ngay đến phòng Tư Tồn. Sau một hồi xì xào bàn tán, cô liền kéo chị dâu ra ngoài.

Hai người mau mắn thay đồ. Tư Tồn cúi thấp đầu, chân tay luống cuống không biết phải làm sao. Chiếc áo Mặc Trì mua, cô mặc vừa vặn, màu sắc của nó còn làm tôn lên nét thanh tú trên khuôn mặt với nước da trắng hồng, đôi mắt sáng lấp lánh, sống mũi cao, đôi môi mọng đỏ khiến Tư Tồn trông càng xinh đẹp hơn bội phần. Nhìn Tư Tồn lúc này, ai dám bảo là một cô gái lớn lên ở nông thôn, thậm chí còn có chút giống Hoa kiều ở hải ngoại mới về. Giây phút nhìn Tư Tồn diện áo mới, Mặc Trì thấy tim mình đập cuồng loạn trong lồng ngực. Sao trước đây anh có thể không nhìn ra Tư Tồn vốn là một cô gái vô cùng xinh đẹp? Mặc Trì khẽ ho một tiếng, che giấu cảm xúc, vờ quay sang hỏi Tịnh Nhiên: “Em có thích không?”.

Tịnh Nhiên vốn thân hình mảnh mai, mặc gì cũng vô cùng xinh đẹp, liền ranh mãnh đá bóng sang chân Tư Tồn, “Anh đang hỏi chị kìa”, nhưng Tư Tồn chỉ im lặng cúi đầu.

Thấy Tư Tồn im lặng không nói, Mặc Trì trong lòng không khỏi lo lắng, không biết cô ấy còn giận mình nữa không?

“Chị dâu! Chị thích lắm phải không? Chị mau nói gì đi chứ!”, Tịnh Nhiên nhìn Tư Tồn líu ríu hỏi.

Tư Tồn lúc này mới miễn cưỡng gật đầu, lí nhí đáp: “Thích”.

Thật là vô cùng nhẹ nhõm, Mặc Trì tìm cách chuyển luôn đề tài: “Mấy bài toán hôm qua, em đã hiểu hết chưa? Lát nữa đến thư phòng, anh sẽ giảng tiếp cho em”.

Những thí sinh dự thi đại học đều bắt buộc phải điền tên trường mình muốn thi vào phần đăng kí nguyện vọng. Với thành tích học tập xuất sắc, Tịnh Nhiên không mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định thi vào Khoa Kinh tế trường Đại học Bắc Kinh; còn Tư Tồn, theo lời gợi ý của Trần Ái Hoa, đăng kí vào trường Đại học Phương Bắc. Mặc Trì hiểu suy nghĩ của mẹ, có lẽ bà không muốn để Tư Tồn đi học quá xa. Tâm ý của anh cũng có chút phức tạp, nửa muốn Tư Tồn có thể cùng Tịnh Nhiên đến Bắc Kinh học, nửa muốn cô ở lại thành phố này. Nhưng nghĩ đến việc, khó khăn lắm mới thuyết phục được mẹ đồng ý cho Tư Tồn dự thi, Mặc Trì không dám bàn luận thêm gì. Vả lại, nếu so sánh với Tịnh Nhiên về kiến thức cơ bản, Tư Tồn dự thi trường đại học ở đây sẽ chắc chắn hơn nhiều.

Ngày thi đang đến mỗi lúc mỗi gần, Tịnh Nhiên cũng không khỏi cảm thấy lo lắng, ngày nào cũng học đến tận đêm khuya. Tư Tồn càng không dám qua loa đại khái. Lượng kiến thức rất lớn cần học chỉ dồn vào trong một tháng, Mặc Trì luôn bắt cô học đủ mười tám tiếng mỗi ngày, các môn Ngữ văn, Chính trị và cả Toán nữa. Không thể yên tâm, tối nào Mặc Trì cũng kiểm tra cô bằng rất nhiều câu hỏi. Khi thấy sự tiến bộ ngày một rõ rệt của Tư Tồn, Mặc Trì tuy không nói ra nhưng áp lực trong lòng đã vơi nhẹ đi nhiều. Thêm nữa, nhìn kết quả bài thi thử mà Tịnh Nhiên mới mang về cho Tư Tồn làm, Mặc Trì thầm nghĩ, mười phần thì cô đã cầm chắc chín phần trong tay rồi.

Không ngờ, năm ngày trước kì thi, lúc mang bữa sáng đến phòng cho Mặc Trì, Tư Tồn thấy anh vẫn nằm trên giường. Rón rén lại gần giường mới thấy Mặc Trì đang trằn trọc lăn qua lăn lại, khuôn mặt đỏ rực lên. Tư Tồn vô cùng sợ hãi khi sờ lên thấy toàn thân anh nóng như lửa đốt. Tư Tồn hoảng loạn gọi người tới, cô giúp việc lập tức chạy lên, xem qua tình hình của Mặc Trì rồi nhấc điện thoại gọi xe cứu thương, sau đó mới gọi cho bà Trần Ái Hoa, nhắn bà đến thẳng bệnh viện. Xe cứu thương tới, cô giúp việc gọi Tư Tồn giúp thay áo cho Mặc Trì. Trước tình cảnh đó, Tư Tồn thực sự khâm phục sự bình tĩnh của cô giúp việc, trong lòng không ngừng tự trách bản thân, sao mình lại có thể quá hoảng loạn như vậy.

Ở bệnh viện, có một vị bác sĩ thường xuyên khám bệnh cho Mặc Trì nên rất hiểu tình trạng cơ thể anh. Ông nhanh chóng kiểm tra nhiệt độ, thử máu và đo nhịp tim. Mặc Trì lúc này đã sốt cao hơn bốn mươi độ, hơn nữa còn bị co rút tràng vị. Sau khi khám một lượt, vị bác sĩ đó cho biết tình hình của Mặc Trì đang vô cùng nguy hiểm, nếu không mau hạ sốt rất có thể sẽ ảnh hưởng đến bệnh viêm phổi mãn tính.

Mặc Trì nhanh chóng được truyền hai chai dịch để hạ sốt và chống tiêu viêm. Vốn đã không đồng ý việc thi cử của Tư Tồn, cộng thêm việc thấy Mặc Trì thức đêm thức hôm chuẩn bị bài vở cho cô, nay nhìn con trai ốm nặng nằm đó, Trần Ái Hoa vô cùng tức giận, quay sang trách mắng Tư Tồn: “Đều tại cô cả đấy!” Tư Tồn chỉ biết mím chặt môi, cố nén những giọt nước mắt đang chực trào ra, rồi lặng lẽ ở bên cạnh trông nom Mặc Trì. Khi nâng đầu dậy cho anh uống nước ấm, bàn tay chạm vào phần gáy nóng hầm hập và bỏng rát của anh khiến trái tim cô nhói đau.

Mặc Trì hoàn toàn rơi vào trạng thái mê man, hễ nước vào đến miệng lại ho hết ra ngoài, bác sĩ nói cứ đã này sẽ còn nôn mửa nghiêm trọng hơn. Trong dạ dày vốn không có chút thức ăn nào, anh chỉ toàn nôn ra dịch vàng và cả máu nữa. Mỗi lần như vậy, chất dịch và máu đều bắn hết lên người Tư Tồn. Nhưng cô ch lau người qua loa rồi lại ôm lấy đầu Mặc Trì, kiên nhẫn cho anh uống nước. Vẻ như rất khó chịu, anh cứ lắc đầu mãi không thôi. Tư Tồn chỉ còn biết ôm chặt anh vào lòng, nhẹ vuốt tóc và khẽ gọi tên anh để Mặc Trì dần dần trấn tĩnh lại.

Sau khi truyền hết hai chai dịch, Mặc Trì không những không hạ sốt mà còn chìm sâu hơn vào mê man. Mồ hôi lạnh vã ra ướt đẫm mái tóc anh khiến Tư Tồn vô cùng lo lắng. Trước đây khi còn sống ở quê, cô nhớ có cách hạ sốt rất nhanh. Tư Tồn liền chạy đi lấy một chậu nước lạnh, nhúng khăn vào, vắt kiệt nước rồi áp lên trán cho anh. Hết chậu này đến chậu khác. Cuối cùng, sờ lên đã thấy trán anh mát hơn nhiều. Tư Tồn mừng đến rơi nước mắt, không ngừng thì thầm: “Đã ổn rồi, tốt quá rồi…”

Mặc Trì cuối cùng cũng mở to hai mắt, nhưng ánh nhìn hoàn toàn trống rỗng mơ màng. Anh chăm chú nhìn Tư Tồn một hồi lâu rồi nói: “Bài số ba em đã hiểu kĩ chưa?”

Bài tập gì chứ?! Thấy thần trí của Mặc Trì không được tỉnh táo, Tư Tồn vội vã chạy đi gọi bác sĩ. Kiểm tra xong, bác sĩ nói Mặc Trì vẫn sốt rất cao không hạ, tình hình lúc này rất xấu. Tư Tồn nghe vậy nước mắt ngắn nước mắt dài: “Nhưng anh ấy đã hạ sốt rồi mà!”

Bác sĩ nhìn chậu nước lạnh để bên cạnh, đưa lời giải thích: “Nước lạnh chỉ có thể làm giảm nhiệt độ của da, chứ không phải là biện pháp hữu hiệu để hạ sốt hoàn toàn.” Ông bèn kê thêm cho Mặc Trì hai ống thuốc hạ sốt, còn không quên dặn Tư Tồn phải liên tục theo dõi tình hình của anh.

Mặc Trì ốm đúng lúc khi kì thi đại học đang đến rất gần. Trần Ái Hoa buộc phải ở nhà chăm sóc Tịnh Nhiên. Trong khi đó, Thị trưởng Mặc cũng mải bận rộn với công việc, không có cả thời gian đến bệnh viện thăm con. Chỉ có Tư Tồn không lúc nào vợi bớt hoang mang lo lắng, chẳng rời Mặc Trì lấy nửa bước. Tay Mặc Trì tím bầm lại vì phải truyền và tiêm liên tục, Tư Tồn nhìn mà lòng xót đau. Cô chẳng biết làm gì hơn ngoài nắm chặt lấy bàn tay dài mảnh khảnh của anh, nhẹ nhàng xoa lên vết bầm tím. Chỉ hận mình không thể mang sức khỏe của bản thân truyền sang cho Mặc Trì qua đôi bàn tay đang nắm chặt này.

Cô giúp việc đều đặn mỗi ngày mang ba bữa cơm đến bệnh viện cho hai người. Mặc Trì không ăn được gì, Tư Tồn cũng chẳng tâm trí nào mà ăn. Đồ ăn lần nào cũng để lạnh ngắt, còn nguyên không ai động tới, cô giúp việc hết mang đến lại mang về. Trần Ái Hoa những khi tranh thủ đến thăm Mặc Trì, thấy vậy không khỏi chau mày. Nhìn Tư Tồn quên cả bản thân hết lòng hết dạ chăm sóc cho Mặc Trì, bao nhiêu bực tức trong người bà hồ như tiêu tan hết. Bà liền dặn dò y tá chuẩn bị cho Tư Tồn một chút sữa và ngũ cốc. Nhưng cô không ăn, chỉ lặng lẽ nhẫn nại bón cho Mặc Trì từng chút sữa một. Trong cơn hôn mê, Mặc Trì nuốt được thì ít, nôn ra thì nhiều. Nhưng dầu sao cũng mang lại cho Tư Tồn ít nhiều hi vọng.

Bệnh viêm phổi mãn tính bao năm nay của Mặc Trì rốt cuộc cũng được dịp kéo đến hoành hành khiến anh sốt cao không ngừng, ho khan liên tục, lồng ngực căng lên hạ x uống giống như ống bễ cứ rung lên từng hồi. Dù đã được y tá tiêm thuốc hạ sốt và chống viêm nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Bác sĩ thậm chí còn nói, nếu tình trạng của anh tiếp tục xấu đi thì Tư Tồn bắt buộc phải gọi Thị trưởng Mặc tới, ngộ nhỡ xảy ra chuyện gì thì bệnh viện sẽ không gánh nổi trách nhiệm này.

Tư Tồn quỳ xuống bên giường Mặc Trì, đã mấy ngày nay cô không nghỉ ngơi, tóc tai bù xù, gương mặt trắng bệch. Cô giúp việc muốn đến trông giúp để cô về nhà nghỉ một lát, nhưng Tư Tồn sống chết không chịu, chỉ mãi lặp đi lặp lại một câu: “Tôi muốn ở cạnh anh ấy”. Cô giúp việc chỉ đành lắc đầu thở dài.

Khi bác sĩ và cô giúp việc đi rồi, Tư Tồn vẫn quỳ ở cạnh giường, nhìn khuôn mặt đang đỏ rực lên vì sốt của Mặc Trì. Mới có mấy ngày mà anh gầy rộc hẳn đi, những đường nét tươi trẻ trên gương mặt của tuổi thanh xuân hồ như rủ nhau biến mất, đôi môi khô nứt nẻ bợt bạt. Sợ anh bị sặc, Tư Tồn không dám cho anh uống nhiều nước, thay vào đó dùng tăm bông thấm chút nước lăn nhẹ lên môi cho anh. Mặc Trì vì sốt cao, háo nước nên mút lấy mút để, Tư Tồn nhìn mà không kìm nổi, nước mắt cứ thế tuôn như mưa.

Thế rồi, miệng chỉ lẩm bẩm duy nhất một câu không ngừng: “Anh mau khỏe lại! Anh mau khỏe lại nhé!”. Một hồi sau, cô mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Đêm khuya, Tư Tồn choàng tỉnh, còn chưa kịp bật đèn đã vội vàng quờ tay sờ lên trán Mặc Trì, thấy không còn nóng như trước nữa. Mừng rơi nước mắt, cô vội vã chạy đi tìm bác sĩ trực kiểm tra lại bệnh tình cho anh. Rốt cuộc, Mặc Trì cũng hạ sốt, bác sĩ nói, ngày mai anh sẽ tỉnh lại. Tư Tồn phần nào an tâm, nhoài người xuống bên giường, kê đầu cạnh anh, ngủ thiếp đi.

Mặc Trì tỉnh dậy vào sáng sớm hôm sau, sau năm ngày trời hôn mê. Anh khẽ rên lên một tiếng, đánh thức Tư Tồn bừng tỉnh khỏi giấc ngủ. Sắc mặt tuy hốc hác, nhưng đôi mắt đã lấy lại vẻ tinh anh vốn có. Anh nhìn khắp một lượt mới biết mình đang ở trong bệnh viện. Nhận ra Tư Tồn đang ngồi bên giường, anh liền khàn giọng hỏi: “Bây giờ là mấy giờ rồi?”

Nhìn Mặc Trì tỉnh dậy sau một cơn hôn mê dài tưởng như bất tận, Tư Tồn như trút được cả trái núi đè nặng tâm tư bao ngày qua. Cô nhào vào lòng anh, nước mắt lưng tròng, nói năng lộn xộn, không đầu không cuối: “Anh tỉnh lại rồi! Anh có biết anh dọa em sợ đến chết khiếp không? Đều do em không tốt, mới khiến anh ốm đến mức này. Anh trách em đi, mắng em đi, chỉ cần anh mau khỏe lại…”

Mặc Trì bóp chặt hai vai Tư Tồn lại hỏi: “Hôm nay là ngày mấy rồi?”

“Ngày mùng chín tháng Mười hai”.

Mặc Trì nghe vậy không khỏi hoảng hốt. Hôm nay chính là ngày đầu tiên của kì thi đại học, liền đẩy Tư Tồn ra rồi nói: “Em còn ở đây làm gì? Mau đi thi đi!”

Những ngày ở bên anh trong bệnh viện, Tư Tồn tự lúc nào đã quên bẵng chuyện thi đại học, giờ nghe đến thấy thật xa xôi. Với tấm thân chỉ còn da bọc xương, giọng nói khàn khàn của Mặc Trì cũng trở nên rất đáng sợ. Đẩy cô ra rồi, anh đổ người xuống giường, hơi thở gấp gáp, cơn ho kéo đến không dừng. Tư Tồn trước nay chưa từng thấy người nào ho khan đến mức muốn long tim long phổi ra như thế. Cô cuống cuồng đến bên, giúp anh xoa ngực, điều hòa lại nhịp thở, nói trong tiếng khóc: “Em không thi nữa đâu, em chỉ muốn ở bên cạnh anh thôi!”

Mặc Trì bấm chuông gọi y tá mang xe lăn tới, rồi nhờ Tư Tồn đẩy xe đến phòng làm việc của Viện trưởng. Anh gọi điện thoại về nhà, bảo Tịnh Nhiên giúp Tư Tồn chuẩn bị giấy tờ, tiếp đó gọi bác Chương lái xe đến bệnh viện, cuối cùng nhắn cô giúp việc mang bữa sáng đến cho Tư Tồn. Anh muốn cô phải đến trường dự thi.

Kì thi đại học chính thức bắt đầu lúc tám giờ, Tư Tồn ngồi trong phòng thi mà mắt vẫn ngấn lệ. Môn thi đầu tiên chính là môn Ngữ văn sở trường của cô. Nhưng đầu óc Tư Tồn cứ mơ mơ màng màng như đi trên mây, bởi đã nhiều ngày rồi cô chẳng được nghỉ ngơi gì. Cô ra sức lấy tay dụi mắt để lấy lại bình tĩnh. Lần thi thử vừa rồi, vì hiểu nhầm đề thi môn Ngữ văn mà cô làm hỏng bài, thế nhưng không biết lỗi còn giận dỗi với Mặc Trì một hồi. Lúc này đây chính là kì thi thật, không thể không đọc kĩ đề. Kì thi chính thức này, cô nhất định phải đạt kết quả tốt. May ra vì thế, bệnh tình của Mặc Trì mới thuyên giảm đi ít nhiều.

Tư Tồn tập trung tinh thần rồi đặt bút viết. Môn Ngữ văn dù gì cũng đã ôn tập khá tốt, cô làm bài trong tâm thế rất thoải mái, bài viết cũng đặc biệt trôi chảy. Hạ bút làm xong bài, cô thậm chí vẫn còn đủ thời gian rà soát lại thêm một lượt nữa. Buổi trưa, lúc rời khỏi trường thi, Tư Tồn đã thấy xe bác Chương đang chờ sẵn ngoài cổng. Sự ưu đãi đặc biệt này không khỏi thu hút ánh nhìn của các thí sinh khác, trong khi Tư Tồn cảm thấy vô cùng ngượng ngùng. Tịnh Nhiên đã ngồi trong xe, vui vẻ vẫy tay với cô, nhìn nét mặt tươi tắn, xem ra đã làm bài rất tốt. Tư Tồn vội vàng lên xe.

Cơm trưa ở nhà đã sẵn sàng trên bàn chờ hai cô gái. Bữa cơm giữa giờ thi không quá thịnh soạn, đồ ăn cũng không quá nhiều dầu mỡ. Trần Ái Hoa thậm chí còn dặn cô giúp việc chỉ làm vài món rau ăn với cháo và màn thầu. Bà không hỏi han về chuyện thi cử, cũng không đả động gì đến bệnh tình của Mặc Trì, Tư Tồn dầu nóng ruột muốn hỏi mà không dám, lời nói cứ mắc nơi cổ họng. Rút cùng, cô chỉ ăn được mấy miếng đã phải cấp tập đến trường thi tiếp.

Bầu không khí thi cử nghiêm túc như được thể tiếp thêm nỗi lo lắng cho Tư Tồn. Kì thi còn chưa kết thúc mà cô đã sợ hãi nghĩ tới kết quả, chưa kể nỗi ám ảnh về những phần bài chưa kịp ôn tập khiến cô không tài nào ngủ được. Ngộ nhỡ thi không đậu chẳng phải làm cho Mặc Trì thất vọng lắm sao.

Toán là môn thi cuối cùng, cũng là môn học Tư Tồn yếu nhất. Khi đề thi được phát đến tay, Tư Tồn lo lắng đến nỗi toàn thân toát mồ hồi lạnh, đầu bút không ngừng run rẩy. Dãy số trong đề thi trước mắt cô giờ đây giống như đám nòng nọc đang bơi loạn xạ. Các công thức đã học, n hững ví dụ đã làm, tất cả đều mất tăm mất dạng, đầu óc chỉ còn là một khoảng trống rỗng, trước mắt một màn đen phủ trùm. Tư Tồn nín thở định thần, cuối cùng cũng nhận ra, đề bài trước mắt đâu đến nỗi quá khó, thậm chí cô còn có thể làm được tám chín phần. Nhưng hai bài toán lớn cuối cùng thực sự khiến Tư Tồn toát mồ hôi hột. Hoàn toàn không tìm được chút manh mối nào để giải. Công thức, suy luận, kẻ thêm đường… những gì Mặc Trì thường dạy cho cô đều không thể rập khuôn vào bài được. Từng giây từng phút kéo nhau trôi qua, còn ba mươi phút... còn mười lăm phút nữa là phải nộp bài rồi. Tim Tư Tồn đập càng lúc càng nhanh. Đến năm phút cuối trước khi hết giờ, Tư Tồn vẫn hoàn toàn bất lực trước hai bài toán lớn.

Đột nhiên, cô nhớ đến tuyệt chiêu “hạ sách cuối cùng” mà Mặc Trì đã từng dạy. Tức là, trong trường hợp gặp phải bài toán không thể giải được, hãy viết hết ra một lượt những công thức có khả năng liên quan đến, nếu may mắn có công thức đúng, thầy cô có thể nương tay mà cho điểm. Được Mặc Trì “quân sư” như vậy, Tư Tồn luôn chăm chăm học thuộc tất cả các công thức. Thật chẳng ngờ cũng có lúc dùng đến. Sau khi đọc nhanh lại đề một lượt, cô mang hết thảy các công thức, định lí nhớ được viết ra. Tiếng chuông hết giờ vang lên, lúc Tư Tồn đứng dậy nộp bài cũng là lúc thấy toàn thân mềm nhũn, người đổ xuống bất tỉnh.

Thư phòng trong những ngày đông thật ấm áp. Tết Nguyên Đán đang đến gần mang theo bầu không khí vui mừng hoan hỉ tưới đầy ắp không gian. Mặc Trì đã được xuất viện. Hôm nay, anh bận chiếc áo ngủ bằng bông, chân phủ một lớp chăn mềm, thỉnh thoảng vẫn ho khan nhưng sức khỏe đã dần dần bình phục.

Nghe mấy tiếng ho khan của Mặc Trì, Tư Tồn vội mang nước cho anh uống rồi khẽ hỏi: “Anh không sao chứ?”

Mặc Trì uống nước ấm xong chỉ cười, nhẹ lắc đầu. Từ khi Mặc Trì ngã bệnh, Tư Tồn nâng niu anh chẳng khác nào một viên pha lê, một chút cũng lo anh lạnh, một chút cũng sợ anh mệt. Cô hồ như quên mất bản thân mình- theo bác sĩ chẩn đoán- cũng bị suy dinh dưỡng và thiếu máu. Tháng trước, chuyện cô ngất xỉu ở phòng thi được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu còn đăng cả lên nhật báo. Tờ báo đó còn bình luận rằng, đây là trường hợp điển hình cho trạng thái tâm lí không ổn định của các thí sinh. Thật ra, Tư Tồn ngất đi cũng chỉ vì suốt cả tuần liền tinh thần đã bị kéo căng ra bởi lo lắng và mỏi mệt quá độ.

Bác sĩ nói, cô đang tuổi ăn tuổi lớn, sau này không được tự giày vò bản thân như vậy nữa. Hôm ấy, biết Tư Tồn bị ngất trong phòng thi phải đưa vào viện, Mặc Trì liền vội vàng ngồi xe lăn đến phòng bệnh thăm cô. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh chỉ sau vài ngày đã hốc hác đi nhiều, lòng anh không khỏi thấy nhói đau. Nếu không phải vì chăm sóc cho anh, sao cô có thể mệt đến mức ấy? Vừa tỉnh lại, mới nhìn thấy Mặc Trì, Tư Tồn đã òa lên khóc: “Em thi hỏng rồi, em đã không làm được hai bài toán lớn”. Mặc Trì dở khóc dở cười, vội an ủi cô: “Trời ơi, em thật... ngốc”. Thấy Tư Tồn tủi thân vẫn không ngừng thút thít, Mặc Trì liền nói tiếp: “Vốn dĩ anh cũng không hi vọng môn Toán em sẽ được điểm cao. Bởi em thường không làm được bài toán lớn mà. Không thi đỗ cũng không sao, cùng lắm sang năm thi lại”. Quả nhiên, Tư Tồn vẫn mang dáng dấp của một cô gái nhỏ, nghe Mặc Trì dỗ dành vài câu đã nín khóc, trong lòng nhẹ nhõm đi nhiều nên thiếp vào giấc ngủ ngon lành.

Tư Tồn và Mặc Trì cùng nằm viện khiến Trần Ái Hoa và Tịnh Nhiên bận túi bụi. Lúc hai người xuất viện, cũng là khi Trần Ái Hoa cùng Hội phụ nữ đi về các vùng nông thôn khảo sát tình hình, còn Tịnh Nhiên và các bạn đi Nam Kinh dã ngoại.

Dù thi cử không tốt như mong đợi, tinh thần của Tư Tồn cũng không hề sa sút. Từ khi ra viện, không ngày nào là cô không chăm sóc chu đáo cho Mặc Trì. Trải qua đợt bệnh nặng này, khoảng cách giữa họ như được rút ngắn thêm một bậc. Mặc Trì không còn lúc nóng lúc lạnh, Tư Tồn cũng không còn run rẩy sợ hãi khi đứng trước anh, quan hệ giữa họ có phần tựa như những người bạn thân thiết, lại có phần giống như anh em.

Khó khăn lắm mới có được dịp tự do thoải mái thế này, hàng ngày Tư Tồn đều muốn tới thư phòng đọc sách. Niềm thích thú với văn học thôi thúc cô tìm đọc những cuốn sách văn học nổi tiếng, tiểu thuyết và thơ ca. Thậm chí, cô còn trích dẫn cả kinh điển trong những cuộc nói chuyện với Mặc Trì. Nhìn sự tiến bộ ngày một trông thấy của Tư Tồn, Mặc Trì không khỏi mừng thầm, trong lòng thầm nghĩ, chẳng phải Tư Tồn rất thông minh hay sao? Vậy mà cứ đối diện với môn Toán là lại trở nên hết sức hồ đồ?

Lúc vào thư phòng, Tư Tồn thường rất hay quên bật đèn, cứ thế ngồi trong bóng tối mà đọc sách. Mặc Trì có chút lo lắng, không biết mắt cô có vì thế mà bị cận hay không?

Còn Tư Tồn, dưới sức ảnh hưởng của Mặc Trì, thành ra càng ngày càng mê mẩn với văn học cổ điển và thư pháp. Thị trưởng Mặc từng nói, “nét chữ nét người”, nên từ nhỏ đã bắt Mặc Trì luyện thư pháp. Ngày trước, anh thậm chí còn từng đoạt giải thưởng thư pháp của thành phố. Trải qua đại nạn trong Cách mạng Văn hóa, có những tài hoa anh không thể tiếp tục phát huy được nữa do cơ thể đã bị tổn thương nghiêm trọng. Thi thoảng chỉ mở cuốn thư pháp ra xem, nhìn những nét chữ bay lượn trong đó, lòng Mặc Trì mới mau chóng nguôi dịu những nỗi buồn bực. Kể từ khi Tư Tồn bước chân vào nhà họ Mặc, lúc vì giận mẹ, lúc lại bận rộn với chuyện học hành thi cử của Tư Tồn, Mặc Trì hồ như đã để cuốn sách thư pháp ấy rơi vào quên lãng.

Ngồi xe lăn, Mặc Trì không thể nào nâng cao cổ tay trên mặt bàn vì như vậy sẽ rất mỏi. Trong phòng có một bàn uống trà nhỏ, Tư Tồn liền phủ chăn lên trên, biến nó thành chiếc ghế đẩu cho anh ngồi. Khi nhìn từng nét chữ khỏe khoắn thanh mảnh hiện dần trên trang giấy, Tư Tồn không khỏi tột cùng kinh ngạc, không ngờ anh lại tài hoa đến vậy!

“Em có biết gì về thư pháp không?”, Mặc Trì hỏi.

“Em không biết, ở nông thôn đâu có điều kiện để học”, Tư Tồn thật thà đáp.

“Vậy để anh dạy em!” Không hỏi cô có muốn học hay không, Mặc Trì trực tiếp đưa lời đề nghị, đồng thời thay cô quyết định luôn việc học. Thư pháp là môn học thú vị, có thể khiến người ta quên đi phiền muộn, quan trọng hơn thư pháp còn thể hiện nét người. Tư Tồn nếu không thi đỗ cũng không thể cứ mãi ở nhà được, anh sẽ nhờ mẹ giúp cô trở thành giáo viên dạy Ngữ văn. Nét chữ đẹp chính là bộ mặt của người giáo viên.

Khi tờ giấy Tuyên Thành to rộng được trải trên bàn, Mặc Trì dạy cô viết chữ “Vĩnh” đầu tiên. Anh giảng giải cặn kẽ: “Chữ Vĩnh này gồm tám nét cơ bản trong chữ viết Trung Hoa, đó là: chấm, ngang, sổ, mác, gập, phẩy, hất, móc. Phép luyện chữ “Vĩnh” được gọi là “Vĩnh tự bát pháp”, em hiểu không?”.

“Em hiểu rồi”, Tư Tồn đứng bên cạnh bàn hồi hộp nắm lấy cây bút lông nhẹ đáp.

“Hiểu rồi thì em hãy viết một trăm lần theo chữ anh vừa viết đi”.

Tư Tồn thầm nghĩ, thế là những ngày thư thái nhàn nhã của mình hết thật rồi, Mặc Trì đã trở lại là một thầy giáo nghiêm khắc, cẩn thận, tỉ mỉ dạy cô viết thư pháp. Thái độ của Tư Tồn khi mới bắt đầu học không lấy gì làm nghiêm chỉnh cho lắm. Bảo cô luyện chữ “Vĩnh” bát pháp thì cô không muốn viết một trăm lần, cũng không phân tích nét bút, không nghiên cứu sự kết hợp các nét. Thế nên chữ viết ra trông giống như đàn bướm bay lượn lộn xộn khiến Mặc Trì cực kì tức giận: “Đến trẻ con em cũng sẽ không dạy nổi đâu”.

Mặc Trì kiên quyết nói rằng, cô phải viết cho kì được mới thôi. Thật ra, Tư Tồn "thông minh vốn sẵn tính trời”, chỉ cần bỏ ra một chút công sức sẽ tiến bộ trông thấy. Cô chăm chỉ chép từ Cổ thi thập cửu thủ đến Đường Tống bát đại gia, chữ viết càng ngày càng có chút thần sắc.

Trong lúc Tư Tồn tập viết chữ, Mặc Trì tận dụng chút thời gian về phòng ngủ trưa. Tư Tồn trong lòng tự nhủ, thư pháp chẳng thể luyện một ngày mà thành, trước mắt lại không phải chịu áp lực thi cử nên khi đã viết mệt, cô liền nằm bò ra bàn ngủ thiếp đi.

Cảnh tượng Tư Tồn tay cầm bút lông, gục đầu nằm ngủ, bím tóc nhỏ sổ tung, khuôn mặt ửng đỏ đập ngay vào mắt Mặc Trì khi anh vừa bước vào thư phòng. Tiếng lộc cộc phát ra từ xe lăn của Mặc Trì cũng không đủ sức làm Tư Tồn tỉnh giấc. Mặc Trì khẽ mỉm cười, nhìn Tư Tồn lúc này trông giống như một chú mèo lười biếng, bất chợt trong đầu nảy ra một ý nghĩ tinh nghịch, liền cầm bút chấm mực, vẽ thêm cho cô bộ râu với hai bên ria mép. Ngòi bút lông lành lạnh làm Tư Tồn khẽ chau đôi mày thanh tú, miệng khẽ mấp máy nhưng vẫn chưa có vẻ gì muốn tỉnh. Mặc Trì mở sách ra đọc nhưng mắt cứ bị hút về phía Tư Tồn đang ngon lành ngủ với bộ râu mèo phía xa, đôi môi cong lên thành một nụ cười hoàn mĩ.

Một lát sau, Tư Tồn tỉnh dậy, ho nhẹ một tiếng, dụi mắt rồi mơ hồ nhìn quanh, thấy Mặc Trì đang nhìn chằm chằm về phía mình, liền khẽ cười ngượng nghịu, cặp ria mèo cũng theo đó mà cong lên.

Nhìn bộ dạng đáng yêu ấy của Tư Tồn, Mặc Trì không nhìn được bật cười thành tiếng. Tưởng rằng vì chuyện mình ngủ quên mà bị cười nhạo, Tư Tồn vội vã cầm bút lông lên, càu nhàu nói: “Em mới ngủ được một lúc thôi, sẽ tiếp tục viết ngay đây”. Cô gái nhỏ lúc mới đến sợ sệt là vậy, bây giờ đã dám trừng mắt với anh. Về phía bản thân mình, Mặc Trì đối với cô cũng ngày càng cảm thấy thoải mái, tự nhiên hơn.

Vẻ ngây ngô không hề hay biết về khuôn mặt bị vẽ khiến Tư Tồn trông càng đáng yêu hơn bội phần. Mặc Trì như được tiếp thêm động lực, muốn trêu cô thêm chút nữa, liền nói: “Hôm nay không viết nữa. Viết chữ không phải luyện một ngày mà đẹp ngay được. Sắp Tết rồi, nghe nói trên phố rất náo nhiệt, chúng ta ra ngoài chơi đi”.

“Được thôi”, Tư Tồn đáp không chút do dự. Sắp Tết rồi mà cô vẫn chưa được đi chơi đâu cả.

Cô đẩy Mặc Trì về phòng, giúp anh thay áo khoác, đi giày, phủ thêm lên chân anh một chiếc chăn dày nữa. Mặt trời tuy chưa lặn nhưng chỉ muộn chút nữa thôi gió lạnh sẽ lùa khắp phố phường, không thể không giữ ấm cho Mặc Trì. Tươm tất cho Mặc Trì xong, Tư Tồn chạy về phòng mình, khoác chiếc áo bông mới được anh mua cho, không kịp soi gương đã vội đẩy anh ra ngoài.

Hai người chẳng mấy chốc đã ra khỏi con phố nhỏ yên tĩnh, vòng qua một vài con phố lớn khác mới đến con phố nhộn nhịp nhất của thành phố: Phố Nam Sơn. Đường phố tràn ngập không khí của ngày Tết. Cửa hàng nào cũng treo đèn lồng đỏ và khẩu hiệu chào mừng năm mới. Phố chưa bước vào giờ tan ca chiều chưa mấy đông đúc, nhưng người nào người nấy một khi đã nhìn thấy khuôn mặt vẽ râu mèo của Tư Tồn đều không khỏi bụm miệng cười. Lần đầu tiên được nhìn thấy sự phồn hoa nhộn nhịp của thành phố, những con đường sạch sẽ, những ngôi nhà khang trang và những cửa hàng đá quý sang trọng, Tư Tồn không khỏi thấy choáng ngợp, hết nhìn trái lại nhìn phải. Trong khi đó, Mặc Trì nãy giờ vẫn âm thầm theo dõi phản ứng của mọi người, trong lòng cực kì đắc ý.

Hai người vì háo hức đi vội nên đều không ai mang theo tiền. Mặc Trì thấy thế liền dịu dàng bảo Tư Tồn thích gì cứ ghi ra, lần sau sẽ quay lại mua, nhưng cô chỉ lắc đầu nguây nguẩy, nói mình chẳng thiếu thứ gì cả.

Mặc Trì khẽ cười: “Đâu cứ phải chờ thiếu mới mua, nếu thích thì lúc nào em cũng có thể mua được mà”. Nhìn vẻ mặt ngơ ngơ ngác ngác của Tư Tồn, Mặc Trì càng muốn trọc thêm: “Thôi, người quê mùa như em không hiểu được đâu”.

Quả là anh rất thích thú mỗi lần thấy Tư Tồn ngẩng mặt lên rồi trợn mắt nhìn mình, nhất là khi trên khuôn mặt ấy còn có cả cặp râu mèo ngộ nghĩnh. Cuối cùng, anh không nhịn nổi mà cười to thành tiếng thật sảng khoái.

“Anh cười gì chứ? Người nhà quê buồn cười lắm phải không?”, Tư Tồn hỏi với vẻ không vui.

Mặc Trì ngưng cười, mặt thoáng đỏ bừng lên. Tư Tồn thấy Mặc Trì lúc cười trông rất đẹp, vẻ nghiêm túc lạnh lùng dường như biến mất, chỉ còn thấy một con người trẻ trung và tràn đầy sức sống.

Bỗng một chiếc xe gắn cờ dừng lại bên cạnh họ. Mặc Trì thoáng nhìn đã nhận ra là xe của bố mẹ đang trên đường về nhà, trong lòng có chút lo lắng khi chuyện ám muội của mình sắp bại lộ. Mới nghĩ tới đó, Trần Ái Hoa đã từ trong xe bước ra, đi đến bên khẽ hỏi: “Hai con ở đây làm gì vậy?”

Tư Tồn nhìn Mặc Trì đang cười gượng gạo ở phía sau, rồi quay lại trả lời, vẻ lo lắng: “Chúng con ra ngoài đi lòng vòng một chút. Bọn con sẽ về ngay đây”.

Trần Ái Hoa chỉ vào khuôn mặt bị vẽ của Tư Tồn mà nói: “Xem con kìa, đang làm gì vậy?”

Không nhịn được, Mặc Trì bật cười lớn tiếng. Tư Tồn lúc này mới chột dạ, bèn chạy ngay ra xe ô tô cúi xuống soi gương. Chỉ thấy phản chiếu trong đó một khuôn mặt trắng nõn nã với bộ râu mèo đang nhìn mình trân trân.

Tư Tồn mặt đỏ bừng lên vì xấu hổ, liền hét lên với Mặc Trì: “Là anh làm phải không? Anh cố ý đưa em ra ngoài để “triển lãm”, đúng không?” Vừa nói vừa đưa tay lên mặt hòng lau đi vết mực, nhưng càng lau càng không sạch, chỉ thấy mặt đỏ ửng hết lên.

Trần Ái Hoa không nhịn được cũng cười ồ lên, đến Thị trưởng Mặc ngồi ở trong xe cũng phải bật cười thành tiếng.

Hiếm có buổi tối nào cả nhà được quây quần đông đủ bên mâm cơm như thế này. Thị trưởng Mặc cũng phấn chấn vì lâu lắm rồi mới thấy Mặc Trì vui vẻ như thế. Ông biết, đều nhờ công của Tư Tồn cả.

Mặc Trì chẳng ngờ da mặt của Tư Tồn lại mịn màng và ăn màu đến vậy, đã dùng cả nước lạnh, nước nóng, xà phòng thơm, dầu gội đầu và xà phòng giặt mà không sao tẩy sạch được vết mực, lại còn khiến da mặt trông như sắp rách đến nơi. Lúc ăn cơm, Trần Ái Hoa cười nhẹ nói: “Chắc là phải mất mấy ngày đấy, con đừng cố xóa nữa. Từ từ rồi sẽ hết thôi”. Trong khi đó, bộ dạng bối rối của Tư Tồn chỉ càng khiến cho Mặc Trì cười mãi không ngớt.

“Anh còn cười được nữa? Đều tại anh cả đấy”, Tư Tồn xấu hổ nói. Bỗng nhớ ra mình đang ngồi ăn cơm cùng vợ chồng Thị trưởng Mặc, cô ngượng ngùng không biết giấu mặt đi đâu, lại xen lẫn cả sợ hãi, cúi đầu chú tâm ăn uống.

Mặc Trì khẽ cười, nói: “Em đừng ngại. Lúc ở nhà họ là ba mẹ của chúng ta, không phải là lãnh đạo”.

Câu nói ấy của Mặc Trì khiến Tư Tồn ngại đến nỗi chỉ còn nước muốn độn thổ. Song, tiếng chuông điện thoại bỗng đâu vang lên kịp thời như thể giải cứu cho cô. Trần Ái Hoa mau mắn đi nghe điện thoại, trong khi Mặc Trì quay sang kể chuyện dạy Tư Tồn luyện viết thư pháp cho cha nghe, cô được Thị trưởng Mặc nhất mực cổ vũ. Ông còn dặn Mặc Trì: “Con cũng nên cố gắng luyện lại thư pháp đi, nếu bỏ phí thì thật đáng tiếc lắm”.

Trần Ái Hoa hình như nhận được tin gì đó rất vui, giọng nói có phần vút cao hơn bình thường, thậm chí lúc kết thúc cuộc gọi còn rối rít cảm ơn. Bà trở lại bàn ăn, mang theo nét mặt hồng hào phấn khởi, phấn chấn nói: “Điện thoại của lão Cao ở phòng giáo dục, kết quả thi đại học có rồi. Tịnh Nhiên nhà chúng ta đạt điểm cao nhất tỉnh.”

Lời vừa dứt bà đã quay người bước trở ra chỗ để điện thoại, nói vọng vào: “Tôi phải gọi cho chiến hữu của ông ở Nam Kinh, nhờ ông ấy nhắn Tịnh Nhiên mau chóng quay về thu xếp hành lí”.

“Bà quay lại đây đã nào”, thị trưởng Mặc lên tiếng ngăn cản, nhưng giọng nói xem ra đã tràn ngập niềm vui, “Vội gì chứ? Mấy ngày nữa Tịnh Nhiên về rồi. Kết quả chính thức còn chưa được công bố, công bố rồi cũng phải ba tháng sau mới nhập học, vội vàng thu dọn đồ đạc làm gì?”

“Ôi, tôi vui quá nên hồ đồ mất rồi”, Trần Ái Hoa khẽ cười nói, “Tịnh Nhiên nhà ta đúng là rất có chí, bình thường đã xếp hạng nhất toàn trường, bây giờ lại đạt điểm thi cao nhất tỉnh nữa, trường Đại học Bắc Kinh đúng là không thành vấn đề”.

Mặc Trì đặt đũa xuống, hỏi mẹ: “Bác Cao có nói kết quả thi của Tư Tồn thế nào không ạ?”

Trần Ái Hoa thốt lên một tiếng “ôi”, có lẽ bà vì Tịnh Nhiên mải vui mà quên cả việc hỏi điểm thi cho Tư Tồn.

Thị trường Mặc đỡ lời: “Kết quả mới có, chưa chắc đã kiểm tra ngay hết được. Để mấy hôm nữa rồi hỏi tiếp vậy”.

Tư Tồn nín lặng ăn cơm. Đã sớm biết mình thi không tốt, nhưng khi đặt cạnh một người ưu tú như Tịnh Nhiên, cô không tránh khỏi cảm thấy có chút chua xót trong lòng.

Mặc Trì nhìn bộ dạng như muốn khóc của Tư Tồn, bèn gắp cho cô một miếng thịt gà: “Nhà mình hôm nay có một nữ trạng nguyên, lại thêm một con mèo mướp nữa. Đúng là song hỉ lâm môn”.

Nguồn: truyen8.mobi/t82788-cau-chuyen-ngay-xuan-chuong-32.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận