Tôi vội vã mặc quần áo. Một cảm giác lạnh buốt, day dứt, đâm nhói vào tim tôi. Tôi vừa đi vừa xỏ tay vào chiếc áo da lông cừu, bước vội xuống sân và lẩn nhanh ra khỏi cổng. Phía trước mặt có một người đội chiếc mũ da cáo đo đỏ xù lông đang đi thẳng lại phía tôi. Ôi, giá mắt tôi có thể bắn ra những luồng đạn! Giantai đang đi làm, nhà hắn ở gần đây. Cả hai chúng tôi đứng ngẩn người ra trong giây lát. Tôi làm ra vẻ như không trông thấy hắn. Tôi quay ngoắt lại và rảo bước về phía trạm xe hơi. Giantai ném theo một tiếng đằng hắng đầy ý nghĩa. Chân hắn bước trên tuyết lạo xạo, không gần lại mà cũng chẳng xa thêm. Chúng tôi cứ đi theo chân nhau như thế về đến tận trạm xe hơi. Tôi không rẽ vào gara mà đi thẳng đến văn phòng. Trong phòng làm việc của kỹ sư trưởng, chỗ vẫn thường hội ý buổi sáng, đang có những tiếng nói râm ran khẽ vẳng ra. Sao tôi thấy muốn được vào đây thế; giá được ngồi lên một bậu cửa sổ, vắt chéo chân lên châm thuốc hút, nghe anh em lái xe cãi cọ và mắng nhiếc nhau không hề có ác ý. Chưa bao giờ tôi tưởng tượng con người có thể ao ước điều đó thiết tha như vậy. Nhưng tôi không dám vào. Không, quả tình không phải tôi sợ. Lúc này nỗi hằn học, cơn bướng bỉnh đầy ý thách thức liều lĩnh, bất lực, vẫn sôi sục trong người tôi. Và thêm vào đấy là tâm trạng rối loạn sau cái đêm ở nhà Kađitsa… Mà mọi người tuyệt nhiên chưa hề có ý muốn quên việc thất bại của tôi: chính họ đang bàn chuyện tôi trong phòng ấy. Có ai quát lên:
- Không còn ra thể thống gì nữa! Phải đưa hắn ra toà mới đúng, đằng này các anh lại cứ xuê xoa! Lại còn cả gan nói là ý kiến hắn đúng nữa chứ! Chiếc rơ-moóc thì vứt lại trên đèo!…
Tiếng một người khác ngắt lời:
- Đúng! Chúng mình đã thừa biết những tay như thế. Thông minh lắm. Muốn làm ầm ĩ lên để lĩnh tiền thưởng, ra cái điều ta đã ra tay giúp cho trạm xe thoát khỏi nước bí đây… Rốt cuộc lại xôi hỏng bỏng không!
Họ bắt đầu cãi nhau ầm ĩ. Tôi bỏ đi: chả nhẽ lại đứng sau cánh cửa mà nghe trộm. Nghe có tiếng mấy người nói đằng sau, tôi càng rảo bước thêm. Anh em vẫn còn bàn cãi xôn xao, Alibêk đang vừa đi vừa nói rất hăng, hình như đang chứng minh điều gì cho một người nào không rõ:
- Còn các phanh rơ-moóc thì chúng mình sẽ làm lấy ở trạm, bắc tuy- Ô từ bộ phận ép hơi ra, đặt vào má, có phải là việc gì khó khăn lắm đâu!… Ilyax kia hay sao ấy nhỉ? Ilyax, đứng lại đã! – Alibêk gọi tôi.
Tôi cứ thẳng đến gara. Alibêk đuổi kịp, túm lấy vai tôi.
- Rõ đồ quỷ! Cậu hiểu không, thế mà mình cũng đã làm cho các cậu ấy tin rồi đấy. Chuẩn bị đi, Ilyax! Cậu đi với mình làm lái kép nhé? Đi thí nghiệm kéo rơ-moóc!
Nỗi hằn học lại tràn vào lòng tôi: định ra tay cứu giúp kéo cái thằng bạn bại cuộc này theo đấy. Làm lái kép! Tôi hất tay anh chàng ra khỏi vai:
- Cút mẹ nó đi với thứ rơ-moóc ấy của cậu!
- Sao lại cáu kỉnh thế? Chính cậu có lỗi… à mà mình quên khuấy mất. Vôlôđka Sưriaev không bảo gì cậu à?
- Không, không gặp. Sao?
- Còn sao nữa! Cậu đi đâu mất tăm thế? Axen cứ đứng chờ ngoài đường, hỏi anh em trạm ta xem cậu đi đâu, đang lo đấy! Mà cậu thì…
Chân tôi muốn khuỵu xuống. Trong lòng bỗng thấy nặng trĩu, ngán ngẩm không sao chịu được, đến nỗi giá được chết ngay đi tại chỗ tôi cũng vui lòng. Alibêk vẫn cứ níu tay áo tôi mà giảng giải về những bộ phận phụ gì lắp thêm vào rơ-moóc… Giantai đang đứng cạnh lắng tai nghe.
- Lui ra! – Tôi giật phắt tay lại – Sao các người cứ bám lấy tôi là cái cóc khô gì? Xin đủ! Đây chẳng cần rơ-moóc nào cả. Và cũng chẳng đi làm kép lái phụ gì hết… Đã rõ chưa?
Alibêk nhíu mày, nghiến răng lại, làm những thớ thịt dưới hai mang tai nổi lên cuồn cuộn:
- Chính cậu bắt đầu, chính cậu làm hỏng việc, rồi chính cậu lại định chuồn trước hả? có đúng thế không?
- Cậu muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Tôi đến cạnh xe, hai tay cứ run bần bật, không còn nghĩ được gì nữa, rồi bỗng dưng nhảy xuống cái hố xây bên dưới xe, nằm vật ra thềm gạch cho mát đầu.
- Này, Ilyax! – Có tiếng thì thầm bên tai.
Tôi ngẩng đầu lên: lại ai nữa thế này? Giantai đầu đội mũ lông đang ngồi xổm bên miệng hố trông như một cái nấm, nhìn tôi bằng đôi mắt ti hí xảo quyệt.
- Cậu cho hắn một trận là phải lắm, Ilyax ạ!
- Cho ai?
- Cho Alibêk, cái ông tích cực ấy! Thật như một hòn đá giáng vào giữa hàm răng! Nhà phát minh phải tịt ngay.
- Thì việc gì đến cậu nào?
- Việc gì thì chắc cậu cũng thừa hiểu ra rồi: bọn lái xe chúng mình cần quái gì những cái rơ-moóc ấy. Bọn mình biết thừa là sự thể sẽ như thế nào mà: tăng hiệu suất vận chuyển lên, giảm bớt được chuyến đi, thế là cứ việc nai lưng ra, còn tỷ lệ tiền cước hàng chở một cây số thì họ sẽ hạ xuống, vậy tội gì mà chịu thiệt như thế. Danh giá được một ngày, còn sau đó thì sao? Bọn mình không giận cậu đâu, cậu cứ thế mà…
- Bọn mình là những ai? – Tôi cố hỏi cho thật thản nhiên – Bọn mình đây là cậu à?
- Có phải mình tớ đâu – Giantai bắt đầu chớp mắt lia lịa.
- Nói láo, đồ trứng rận ghẻ kia! Tao sẽ cứ đi kéo rơ-moóc cho mày biết tay… Có toi mạng thì tao cũng sẽ làm kỳ được. Còn bây giờ cút! Mày sẽ còn biết tay tao!
- Thôi thôi, đừng quá quắt! – Giantai hầm hè đáp – Tao biết tỏng mày rồi, trong sạch lắm đấy… còn về chuyện kia thì một khi còn chơi bời được hãy cứ chơi đi…
- A, cái thằng này! – Tôi giận quá gầm lên và lấy hết sức tống vào quai hàm hắn.
Giantai đang ngồi như thế nào trên miệng hộ, thì cứ thế mà ngã nhào ra. Chiếc mũ lông lăn lóc trên mặt đất. Tôi nhảy ra khỏi hố, chồm lên người hắn. Nhưng Giantai đã đứng lên được, nhảy sang một bên và gào váng cả sân:
- Đồ du côn! Đồ ăn cướp! Muốn đánh nhau à? Sẽ có kẻ trị được mày! Mày tưởng mày có thể tha hồ trút giận lên đầu tao phỏng?… Người từ bốn phía đổ xô lại. Cả Alibêk cũng chạy đến.
- Làm sao thế? Sao cậu lại đánh nó?
- Vì tôi nói sự thật đấy! – Giantai hết sức rống lên – Vì tôi đã nói thẳng sự thật vào mặt nó!… Chính mình lấy trộm chiếc rơ-moóc, đánh đổ trên đèo, ỉa bậy ra đấy, đến lúc người ta thực tâm bắt tay vào sửa chữa lỗi lầm thì lại gây sự đánh nhau. Bây giờ thì việc này không có lợi cho hắn mà, đánh sổng mất danh vọng rồi còn gì!
Alibêk đến cạnh tôi, mặt trắng nhợt ra, giận quá nói lắp bắp:
- Đồ khốn nạn! – Anh hích vào ngực tôi – Phá bĩnh, trả thù vì chuyện trên đèo đấy hẳn! Không sao, không có anh chúng tôi cũng vẫn xoay xở được. Chả cần đến các vị anh hùng!
Tôi nín lặng, không đủ sức nói được điều gì nữa. Những lời bịa đặt trắng trợn của Giantai làm tôi đớ người ra không nói được câu nào. Anh em đứng chung quanh hầm hầm nhìn tôi.
Trốn! Phải trốn khỏi nơi này… Tôi nhảy vọt lên xe hơi và phóng ra khỏi trạm. Dọc đường tôi uống rõ say. Tôi chạy vào một quán nhỏ bên đường: chưa ăn thua gì cả; tôi lại đỗ xe, nốc cạn một cốc đầy. Hơi men bốc lên, những đoạn cầu, những tấm biển tín hiệu và những chiếc xe ngược chiều chỉ còn thấy vút qua loang loáng. Lòng tựa như vui lên. “Chà! – Tôi nghĩ – Đã đi tong hết thì thôi! Mình còn cần gì nữa, ngồi lái xe thì cứ việc lái đi. Còn Kađitsa… Cô ta thua kém gì mọi người? Trẻ, đẹp. Yêu mình tha thiết, chẳng còn tiếc gì… Mình thật đã ngốc lại vô ơn!”
Tôi về đến nhà thì trời đã tối. Tôi đứng trong khung cửa, người lảo đảo. Chiếc áo ngoài đeo một bên vai lủng lẳng sau lưng. Nhiều khi tôi vẫn không xỏ áo vào tay phải, để ngồi lái cho thoải mái. Thuở nhỏ, những khi đi ném đá tôi vốn đã có thói quen như thế.
Axen bổ nhào ra đón tôi:
- Ilyax, anh làm sao thế? – Rồi hình như nàng đã đoán được sự tình – Sao anh cứ đứng đấy thế? Anh bị mệt, lạnh cóng rồi phải không? Cởi áo ngoài ra đi! Axen toan giúp tôi cởi áo, nhưng tôi lặng lẽ ẩy ra. Phải thật phũ phàng để che đậy nỗi xấu hổ. Tôi loạng choạng bước đi trong phòng, vấp phải cái gì đổ đánh rầm một tiếng, rồi nặng nề rơi phịch xuống ghế.
- Có việc gì thế, anh Ilyax? – Axen lo lắng, nhìn vào đôi mắt say lờ đờ của tôi.
- Sao, còn không biết nữa à? – Tôi cúi đầu: thà đừng nhìn còn hơn.
Tôi ngồi yên đợi Axen lên tiếng trách móc, than thân trách phận và nguyền rủa. Tôi sẵn sàng nghe hết, không biện bạch. Nhưng vợ tôi cứ lặng yên như không có mặt trong phòng vậy. Tôi rụt rè ngước mắt lên. Axen đang đứng bên cửa sổ, quay lưng về phía tôi. Và tuy không trông thấy mặt, tôi cũng biết nàng đang khóc. Một niềm xót thương da diết cấu xé lòng tôi.
- Em biết không, anh muốn nói với em, Axen ạ! – Tôi ngập ngừng mở đầu – Anh muốn nói… Tôi nghẹn ngào không nói được nữa. Tôi không đủ can đảm thú nhận. Không, tôi không thể giáng cho Axen một đòn như vậy được. Tôi thấy ái ngại, mà đáng lẽ không nên như thế mới phải… – Có lẽ chúng mình chưa về làng thăm thầy mẹ được ngay đâu – Tôi nói lảng sang chuyện khác – ít lâu nữa hẵng hay. Bây giờ thì chưa nghĩ đến việc ấy được…
- Chúng mình hoãn lại vậy, chẳng đi đâu mà vội – Axen đáp, lau nước mắt và đến bên tôi – Giờ đây đừng nghĩ đến việc ấy nữa, Ilyax ạ. Rồi sẽ êm đẹp cả thôi. Anh nên nghĩ đến mình thì hơn. Anh bỗng đâm ra khác thường thế nào ấy. Em không nhận ra anh được nữa, Ilyax ạ!
- Thôi được rồi! – Tôi ngắt lời Axen, lòng tức giận vì đã tỏ ra hèn yếu – Anh mệt lắm, muốn ngủ một tí.
Hôm sau trên đường về tôi gặp Alibêk ở bên kia đèo. Anh ta kéo theo chiếc rơ-moóc. Đèo Độ Long đã phải khuất phục.
Trông thấy tôi, Alibêk nhảy ra khỏi buồng lái trong khi xe vẫn chạy, giơ tay lên vẫy. Tôi cho xe chạy chậm lại, Alibêk đứng trên đường, gương mặt hớn hở đắc thắng.
- Chào cậu, Ilyax! Xuống đây hút thuốc đã – Anh ta nói.
Tôi hãm xe lại. Trong buồng xe Alibêk có một cậu lái kép trẻ măng ngồi sau tay lá. Bánh xe được quấn những sợi xích vặn chéo lại. Chiếc rơ-moóc có lắp phanh hơi. Điều đó tôi trông thấy ngay. Nhưng không, tôi chẳng dừng lại. Anh thành công ư? Hay lắm! Còn tôi thì xin đừng đụng đến.
- Đỗ lại, đỗ lại! – Alibêk chạy theo tôi – Tớ có việc báo cho cậu, dừng lại, Ilyax! Chà, thằng quỷ, làm sao thế?… Thôi được…
Tôi phóng xe đi. Kêu thì cứ việc kêu. Tôi với anh không còn có việc gì nữa hết. Việc của tôi hỏng bét từ lâu rồi. Tôi đã đối xử không hay, tôi đã để mất Alibêk, người bạn tốt nhất của tôi. Vì Alibêk đúng, đúng hoàn toàn, giờ thì tôi đã hiểu. Nhưng lúc ấy tôi không thể dung thứ được: Alibêk đã thành công một cách quá nhanh chóng và đơn giản trong khi tôi phải căng thẳng tột độ tốn bấy nhiêu hơi sức, bấy nhiêu tinh lực mà vẫn không xong. Alibêk xưa nay vẫn là người chín chắn, biết suy nghĩ. Anh không đời nào đi vượt đèo kiểu du kích như tôi. Mang theo lái kép đi cũng là rất đúng. Dọc đường hai người còn có thể thay nhau lái, để đến khi vượt đèo sức vẫn còn nguyên. Trên đèo thì máy xe, ý chí và bàn tay con người quyết định tất cả. Hơn nữa Alibêk cùng với tay lái kép lại đã giảm thời gian vận chuyển xuống gần một nửa. Tất cả những điều đó anh đều suy tính. Anh lắp vào rơ-moóc những chiếc phanh ăn vào buồng hơi ép ở máy xe và cũng không quên những sợi xích tầm thường nhất, đem quấn vào hai bánh phát động. Nói chung anh đã vũ trang đầy đủ để chiến đấu với đoạn đường đèo, chứ không hò hét xông bừa ra trận địa. Sau Alibêk, những người khác cũng bắt đầu kéo theo rơ-moóc. Vì bất cứ việc gì, cái chính vẫn là khi khởi sự. Trong khi ấy số xe cũng được tăng lên: trạm bên cạnh đã gửi đến giúp thêm. Con đường cái Thiên Sơn ầm ì tiếng bánh xe hơi suốt ngày suốt đêm trong một tuần rưỡi. Tóm lại, tuy gặp khó khăn, chúng tôi cũng đã thực hiện được đúng hạn lời đề nghị của nhà máy điện, không lỡ việc. Tôi cũng góp sức vào đấy… Giờ đây, qua bấy nhiêu năm trời và mọi việc đã lắng vào dĩ vãng, tôi kể lại chuyện đó một cách bình thản như thế này, nhưng trong những ngày sóng gió ấy, tôi đã không ngồi được vững trên yên. Tôi đã không biết cầm cương cuộc sống… Nhưng để tôi kể tiếp cho tuần tự.
Sau khi gặp Alibêk, tôi về đến trạm xe thì trời đã tối. Tôi đi bộ về nhà tập thể, nhưng dọc đường lại rẽ vào quán rượu. Suốt mấy ngày ấy tôi cứ muốn uống cho thật say mềm để quên hết mọi sự đời mà ngủ như chết, một ý muốn điên cuồng, phi nhân tính, không tài nào cưỡng lại được. Uống đã nhiều mà rượu vốtca vẫn như không có tác dụng gì cả. Tôi bước ra khỏi quán, lòng càng thêm bực tức, trí óc càng thêm rối loạn. Tôi đi lang thang khắp thành phố giữa đêm khuya, và không còn ngần ngại gì nữa, tôi rẽ ra phố Bờ sông đến nhà Kađitsa.
Sự việc cứ thế mà tiếp diễn. Tôi cuống cuồng lên như người rơi vào giữa hai luồng đạn. Ban ngày đi làm, ngồi sau tay lái, rồi đêm đêm lại lập tức đến với Kađitsa. Ở bên Kađitsa tôi thấy thoải mái, yên tâm hơn. Tôi như đang trốn tránh chính mình, trốn mọi người và trốn lẽ phải. Tôi cảm thấy như chỉ có Kađitsa mới hiểu tôi và yêu tôi. Về đến nhà là tôi lại cố bỏ đi cho mau. Axen, Axen yêu quí của tôi! Giá Axen biết được rằng chính lòng tin cậy, chính tâm hồn trong trắng của nàng đã xua đuổi tôi đi! Tôi không lòng nào lừa dối, biết rằng mình không xứng đáng với Axen, không đáng hưởng những gì nàng đã làm cho tôi. Mấy lần tôi về đến nhà say bí tỉ. Thế mà Axen cũng không hề có lấy một lời trách móc. Cho đến nay tôi vẫn không sao hiểu được: đó là vì thương hại, vì nhu nhược, hay trái lại, vì kiên nghị và tin tưởng ở con người? Phải, tất nhiên là Axen đã chờ đợi, đã tin tưởng rằng tôi sẽ tự chủ, sẽ chế ngự được mình và trở thành con người như trước. Nhưng giá Axen cứ chửi mắng, bắt tôi phải thực thà nói hết sự thật ra còn hơn. Có lẽ nếu Axen biết tôi không phải chỉ bị những buồn phiền trong công tác giày vò mà thôi, thì nàng đã bắt tôi phải nói rõ ngọn ngành. Axen đã không hình dung được những gì đã xảy ra với tôi trong những ngày ấy. Còn tôi thì cứ thương hại nàng lần lữa gác mãi chuyện này sang hôm sau, đến bận khác, thế rồi chẳng kịp làm được điều tôi có bổn phận phải làm vì Axen, vì tình yêu của chúng tôi, vì gia đình chúng tôi…
Lần cuối cùng Axen gặp tôi nàng vui mừng, phấn chấn. Má nàng ửng hồng, mắt nàng sáng long lanh. Mặc dù tôi còn mặc áo ngoài và đi ủng. Axen cũng cứ lôi thẳng tôi vào phòng trong.
- Xem kìa, anh Ilyax! Xamát đứng được rồi!
- Thế à! Nó đâu?
- Dưới gầm bàn kia kìa!
- Nó đang bò dưới đất đấy chứ!
- Rồi anh xem! Nào con, đứng lên cho ba xem! Nào đi, đi Xamát!
Xamát hình như cũng hiểu được là mọi người đang muốn nó làm gì. Nó vui vẻ bò ra khỏi gầm bàn, vịn vào thành giường, khó nhọc đứng lên. Nó đứng một lúc, mỉm cười gan dạ, loạng choạng trên đôi chân mềm mại, bé tí, rồi ngã bổ chổng xuống nền nhà, môi vẫn nở nụ cười gan dạ như cũ. Tôi nhảy tới, bế xốc nó lên xiết chặt vào người và hít lấy hít để mùi sữa thơm thơm trên da thịt nó. Cái mùi mới thân thuộc làm sao, thân thuộc như Axen vậy.
- Anh làm con chết ngạt mất, Ilyax, cẩn thận chứ! – Axen bế lấy thằng bé – Sao, anh bảo thế nào? Anh cởi áo ngoài ra đi. Nó sắp lớn đến nơi rồi, bấy giờ thì mẹ nó cũng sẽ đi làm việc. Mọi việc sẽ ổn thoả, tất cả sẽ tốt đẹp. Đúng thế phải không nào, con nhỉ? Còn anh thì cứ… – Axen nhìn tôi, đôi mắt buồn buồn và tư lự. Tôi ngồi xuống ghế. Tôi hiểu rằng vợ tôi đã dồn tất cả những điều muốn nói, tất cả những gì tích tụ lại trong lòng suốt những ngày vừa qua vào mấy lời ngắn ngủi ấy. Đó vừa là lời cầu mong, vừa là lời trách móc, vừa là niềm hy vọng. Giờ đây tôi phải lập tức kể cho vợ tôi nghe hết mọi sự hoặc là bỏ đi ngay. Thôi, thà đi còn hơn. Axen đang vui sướng lắm, nàng không hề hay biết gì cả. Tôi rời ghế đứng dậy.
- Anh đi đây.
- Anh đi đâu bây giờ? – Axen giật mình – Hôm nay mà anh cũng không ở nhà ư? Không thì cũng uống nước đi đã chứ.
- Không được. Anh phải đi – Tôi lẩm bẩm – Mình cũng biết đấy, công việc bây giờ như thế…
Không, không phải công việc đã thúc bách tôi ra khỏi nhà. Mãi đến sáng mai tôi mới phải lên đường.
Leo lên buồng lái, tôi gieo mình rơi phịch xuống đệm và rên lên vì đau khổ, loay hoay mãi không cắm được chìa khoá vào ổ mở điện. Sau đó tôi đánh xe ra đường và phóng đi cho đến khi khuất hẳn những ánh đèn trên các cửa sổ. Đến chỗ hẽm núi ngay bên kia cầu, tôi lái sang vệ đường, đánh xe vào giữa những bụi rậm và tắt đèn pha đi. Tôi quyết định ngủ lại đây. Tôi rút thuốc lá ra. Trong hộp diêm chỉ còn lại mỗi một que. Nó bùng lên trong khoảng khắc rồi vụt tắt. Tôi lẳng cả hộp diêm lẫn thuốc lá ra cửa sổ, kéo chiếc áo ngoài trùm đầu và co chân lên nằm còng queo trên ghế.
Mặt trăng rầu rĩ treo trên những triền núi tối tăm lạnh lẽo. Gió trong hẽm núi buồn bã rít lên từng hồi, lay động cánh cửa buồng lái khép hờ khiến nó kêu cót két. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thấm thía cảnh trơ trọi một mình, xa cách mọi người, xa cách gia đình và bè bạn ở trạm xe đến thế. Không thể tiếp tục sống thế này được nữa. Tôi tự hứa: hễ về đến trạm tôi sẽ gặp Kađitsa ngay, xin cô tha thứ cho tôi và quên đi hết những gì đã có giữa hai người. Như vậy ngay thật và phải lẽ hơn.
Nhưng cuộc sống đã xoay vần cách khác. Tôi không ngờ không hề nghĩ rằng sự thể lại xảy ra như thế. Sáng hôm sau nữa tôi mới quay về trạm chuyển tải. Không có ai ở nhà, cửa để ngỏ. Thoạt tiên tôi tưởng Axen vừa chạy đi xách nước hay lấy củi ở đâu đấy. Tôi nhìn quanh. Trong phòng đồ đạc ngổn ngang. Chiếc bếp lò đen sì nguội ngắt to ra một mùi lạnh lẽo hoang vắng. Tôi bước lại chiếc giường con của Xamát: chiếc giường trống không.
- Axen! – Tôi hoảng hốt thì thầm – Axen! – Bốn bức tường thì thầm đáp lại.
Tôi cắm đầu lao ra cửa.
- Axen!
Không một ai thưa. Tôi chạy sang các nhà bên cạnh, đến cột bơm xăng: chẳng ai hiểu đầu đuôi ra sao cả. Họ nói hôm qua vợ tôi đi đâu cả ngày, gửi thằng bé ở nhà người quen, mãi đến đêm mới về. “Bỏ đi rồi, biết chuyện rồi!” – Tôi giật thót người lên vì điều phỏng đoán khủng khiếp ấy.
Có lẽ chưa bao giờ tôi phải lao xe đi trên triền núi Thiên Sơn như cái ngày oan nghiệt ấy. Tôi luôn luôn tưởng chừng như sắp đuổi kịp Axen ở sau chỗ ngoặt phía trước, hay trong hẽm núi xa xa kia, hoặc ở nơi nào đó dọc dường. Như một con chim ưng, tôi phóng theo các xe đi trước, hãm lại, chạy ngang hàng, đưa mắt nhìn vào buồng lái, thùng xe rồi lại dận hết ga vọt lên trước, giữa những tiếng chửi rủa của các tay lái xe ném theo sau. Tôi cứ lao đi như thế ba tiếng đồng hồ liền không nghỉ, mãi cho đến khi nước trong két sôi lên sùng sục mới thôi. Tôi nhảy ra khỏi buồng lái, vốc tuyết ném lên két nước và rót thêm nước vào. Két nước bốc hơi nghi ngút, chiếc xe thở ra như một con ngựa vừa rong ruổi đường xa. Tôi vừa định ngồi vào lái thì bỗng trông thấy chiếc xe của Alibêk đang kéo rơ-moóc. Tôi mừng quá. Tuy tôi với anh ta lâu nay không chuyện trò và chào hỏi gì nhau, nhưng nếu có Axen ở đằng ấy thì thế nào anh ta cũng nói. Tôi chạy ra giữa đường giơ tay lên:
- Đỗ lại, đỗ lại, Alibêk! Dừng lại!
Người lái kép đang ngồi sau vôlăng đưa mắt hỏi Alibêk. Anh hầm hầm quay mặt đi. Chiếc xe chạy vụt qua. Tôi cứ đứng trên đường, mình đầy bụi tuyết, tay vẫn giơ cao. Mãi hồi lâu tôi mới bỏ tay xuống lau mặt. Biết làm thế nào được, có vay thì có trả. Nhưng tôi chẳng còn bụng dạ nào mà bực tức nữa. Như vậy nghĩa là Axen không đến đấy. Thế lại càng nguy hơn. Vậy thì Axen đã về làng, ngoài ra chẳng còn đi đâu được nữa. Axen làm thế nào bước qua được ngưỡng cửa nhà bố mẹ, nàng đã nói được những gì? Và gia đình đã nhìn nhận sự trở về nhục nhã của nàng ra sao? Về một mình, tay bế con thơ! Phải về làng ngay mới được.
Tôi hối hả dỡ hàng rồi để xe ngoài đường, chạy vào phòng điều vận nộp giấy tờ. Trong phòng thường trực, tôi vấp phải Giantai, chà, nụ cười khẩy của hắn mới trân tráo, khả ố làm sao!
Kađitsa nhìn tôi một cách lạ lùng khi tôi thò đầu vào cửa ghisê ở phòng điều vận và ném giấy tờ lên bàn.
Có điều gì lo lắng, ân hận thoáng hiện lên trong mắt cô.
- Nhận đi, mau lên! – Tôi nói.
- Có việc gì thế?
- Axen không có nhà. Bỏ đi rồi!
[Bạn đang đọc truyện tại Website: http://santruyen.com - Website đọc truyện dành cho Mobile]
- Anh nói gì thế? – Kađitsa tái mặt đi, đứng nhổm dậy từ sau bàn giấy và cắn môi thốt ra – Tha lỗi cho em, Ilyax! Chính em đã… đã…
- Thế nào, em cái gì? Nói cho có đầu có đuôi, kể hết ra xem nào! – Tôi lao vào trong cửa.
- Chính em cũng không biết mọi sự đã xảy ra thế nào. Em nói thật đấy, Ilyax ạ. Hôm qua bác thường trực đến gõ vào cửa sổ bảo có cô nào muốn gặp em. Em nhận ngay ra Axen. Chị ấy lặng lẽ nhìn em rồi hỏi: “Có thật thế không?” Còn em, em bỗng không còn biết gì nữa, buột ra: “Phải, có như thế. Tất cả đều có thật. Anh ấy ở với tôi đấy!” Chị ấy vụt lùi ra xa cửa sổ. Em thì ngã gục xuống bàn khóc nức lên, nhắc đi nhắc lại như một con ngốc: “Anh ấy là của tôi! Của tôi!” Em không gặp lại chị ấy nữa… Tha lỗi cho em!
- Khoan đã, sao Axen biết được?
- Đó là tại Giantai. Chính tại hắn, hắn vẫn thường dọa em. Chả nhẽ anh lại còn không biết rõ cái thằng khốn nạn ấy nữa! Anh đi đi, Ilyax, về với Axen, tìm chị ấy đi. Em sẽ không quấy rầy hai người nữa, em sẽ bỏ đi nơi khác…
Chiếc xe đưa tôi đi trên cánh thảo nguyên đang giữa mùa đông. Mặt đất tê cóng lại, một màu xám ngắt. Gió uốn quăn những bụi cây loà xoà trên các đống tuyết như bờm ngựa, lôi từ dưới các con mương lên những chiếc hoa cù gai vô gia cư và lùa chúng đi. Xa xa, những bức tường đất dãi dầu mưa gió và các khu vườn trơ trụi trong làng vẽ thành những vệt đen xẫm.
Vào khoảng chập tối, tôi về đến làng. Tôi dừng xe bên cái sân quen thuộc, vội vàng châm thuốc lá hút lấy hút để, hòng xoa dịu nỗi lo âu, đoạn dập tắt đầu mẩu rồi bấm còi. Nhưng Axen chẳng thấy đâu, chỉ thấy mẹ nàng khoác chiếc áo bông lên vai bước ra. Tôi bước ra bậc xe khẽ nói:
- Chào mẹ!
- A, ra mày còn dám vác mặt đến đây? – Bà đáp, vẻ dữ tợn – Và sau những việc như thế mà mày còn dám gọi tao là mẹ nữa ư? Cút đi, cút ngay cho rảnh mắt! Quân đầu đường xó chợ! Mày đã quyến rũ con tao, bây giờ lại còn đến đây! Đồ mặt dày mày dạn! Mày đã làm hại cả đời chúng tao…
Bà cụ không để cho tôi kịp mở miệng ra nữa. Bà cụ không ngớt mồm chửi bới, mắng nhiếc tôi hết sức nhục nhã. Nghe tiếng bà cụ, người lớn trẻ con từ các sân nhà bên cạnh bắt đầu chạy sang.
- Xéo đi ngay, không thì tao gọ 4e4 i làng nước đến bây giờ! Mày thật đáng nguyền rủa! Đừng để tao nhìn thấy mặt mày lần nào nữa! – Người đàn bà đang cơn giận dữ xông đến gần tôi, ném chiếc áo bông xuống đất.
Tôi không còn cách gì khác là ngồi vào tay lái. Phải đi thôi, một khi Axen cũng không còn muốn nhìn mặt tôi nữa. Sỏi đá và gậy gộc ném tới tấp vào xe. Đó là lũ trẻ con tiễn tôi ra khỏi làng…
Đêm hôm ấy tôi đi lang thang mãi trên bờ hồ Ixứckun. Mặt hồ tràn ngập ánh trăng, đang nổi sóng cuồn cuộn. Ôi Ixứckun! Từ ngàn xưa nước hồ vẫn ấm áp, nhưng đêm ấy hồ đã trở nên giá buốt lạnh lùng. Tôi ngồi trên đáy một con thuyền lật sấp. Từng đợt sóng hung hăng tràn lên bãi cát, thuyền lật sấp. Từng đợt sóng hung hăng tràn lên bãi cát, xô vào cổ giày ủng và rút đi với một tiếng thở dài nặng trĩu…
… Có ai bước đến bên cạnh, nhẹ nhàng đặt tay lên vai tôi: đó là Kađitsa.