Cây Phong non trùm khăn đỏ Chương 6


Chương 6
Tôi đến nơi, và không ghé vào đâu hết, lập tức đi ngay về làng. Tôi ngồi trên thùng sau một chiếc xe gặp ở dọc đường, cố không suy nghĩ gì hết.

 Tôi vừa sợ lại vừa mừng. Xe đi trên cánh thảo nguyên dưới chân núi, dọc theo con đường thuở trước tôi với Axen vẫn gặp nhau. Nhưng bây giờ đó không còn là một con đường làng nữa, mà là một con đường cái lớn trải đá, có nhiều cầu bê tông và những biển hiệu đi đường. Tôi đâm ra tiếc con đường thảo nguyên trước kia. Tôi không còn nhận ra được đoạn đường chạy qua con mương, nơi xe tôi đã bị sa lầy, không tìm thấy tảng đá trên đấy Axen đã ngồi đợi tôi. Xe chưa chạy đến đầu bản tôi đã gõ vào buồng lái.

- Gì thế… – Người lái xe thò cổ ra hỏi.

- Đỗ lại, cho tôi xuống đây.

- Ở giữa đồng thế này à… Sắp đến nơi bây giờ đấy mà!

- Cám ơn! Đây chẳng còn xa mấy nữa – Tôi nhảy xuống đất – Tôi đi bộ một tí – Tôi nói và chìa tiền ra.

- Thôi! – Anh ta nói – Chỗ anh em đồng nghiệp với nhau ai lại lấy tiền.

- Cầm lấy, có đóng dấu trên trán đâu mà biết.

- Cứ trông dáng điệu thì biết.

- Thôi đã vậy thì cũng được. Mạnh khoẻ nhé.

Chiếc xe bon đi. Tôi vẫn đứng trên đường, chưa định thần lại được. Tôi quay lưng che gió và châm thuốc hút. Mấy ngón tay cứ run run khi đưa điếu thuốc lên môi. Tôi rít vài hơi, dẫm tắt mẩu thuốc lá và bước đi. “Thế là đến nơi rồi! ” – Tôi lẩm bẩm trong miệng. Tim đập mạnh đến nỗi tai ù lên, đầu như có ai lấy búa gõ liên hồi. Xóm làng thay đổi rõ rệt, lớn hơn trước, rất nhiều ngôi nhà mới lớp đá đen đã xuất hiện. Những sợi dây điện chăng dọc theo các phố, loa phóng thanh đang nói trên cây cột, cạnh trụ sở ban quản trị nông trang. Lũ trẻ con chạy đến trường học. Một đoàn thiếu niên lớn hơn đang đi với người giáo viên trẻ tuổi chuyện trò gì đó. Có lẽ trong bọn chúng có cả những đứa đã lấy đá và gậy ném tôi… Thời gian vẫn trôi đi, mãi không hề ngừng lại. Tôi rảo chân bước vội. Cái sân có mấy cây liễu và dãy tường đất đây rồi. Tôi dừng chân để thở lại cho đều. Tôi ngập ngừng bước đến cổng, người lạnh toát đi vì lo âu và sợ hãi. Tôi gõ cổng. Một cô bé tay xách cặp chạy ra. Chính là cô bé đã thè lưỡi ra nhạo tôi dạo trước, bây giờ đã đi học. Cô bé đang vội đến trường, ngỡ ngàng nhìn tôi nói:

- Không có ai ở nhà cả!

- Không có ai à…

- Vâng. Mẹ đi sang chơi bên lâm trường. Còn bố đi chở nước cho máy kéo.

- Thế Axen đâu… – Tôi rụt rè hỏi, miệng như bỗng khô hẳn đi.

- Axen à… – Cô bé ngạc nhiên – Axen đi từ lâu rồi…

- Thế không về đây lần nào à…

- Năm nào hai vợ chồng chị ấy cũng về đây. Mẹ bảo anh ấy tốt lắm! …

Tôi không hỏi thêm gì nữa. Cô bé chạy đến trường và tôi quay trở lại. Tin này làm tôi ngẩn cả người ra, đến nỗi chẳng còn thiết hỏi xem Axen lấy ai, lúc nào và đi đâu. Biết mà làm gì… Không hiểu sao tôi chưa bao giờ nảy ra cái ý là Axen có thể tìm thấy một người khác. Mà lẽ ra, tất nhiên phải như thế. Chả nhẽ suốt trong từng ấy năm nàng cứ ngồi đấy mà chờ tôi dẫn xác về ư…

Tôi bước đi trên đường cái, không chờ gặp xe qua đường nữa. Phải, con đường tôi đang đi đã thay đổi: nó đã được đầm phẳng và trải đá. Chỉ có thảo nguyên là vẫn như xưa, cũng vẫn cánh đồng cày ải tối sẫm và những gốc ra. bạc trắng. Thảo nguyên chạy dài từ các dãy núi xuống tận chân trời thành những triền đất thoai thoải, rồi nhường chỗ cho những dỉa cát loang loáng bao quanh hồ Ixứckun xa tít. Mặt đất đã sạch hết tuyết, trải rộng ra trơ trụi, ẩm ướt. Đâu đây đã có tiếng máy kéo xình xịch trên cánh đồng cày xuân.

[Bạn đang đọc truyện tại Website: http://santruyen.com - Website đọc truyện dành cho Mobile]

Đêm hôm ấy tôi lần về đến huyện lỵ. Đến sáng hôm sau tôi quyết định sẽ đi về trạm xe. Tất cả đều đã chấm dứt, đã mất hết. Nhưng phải sống và làm việc, rồi sau đó sẽ ra sao thì không biết…

Con đường Thiên Sơn vẫn ầm ĩ tiếng máy như mọi khi. Xe hơi chạy nối đuôi nhau từng đoàn, nhưng tôi cứ cố nhìn cho ra được một chiếc xe của trạm nhà. Cuối cùng tôi giơ tay lên.

Chiếc xe đang dở đà chồm qua trước mặt rồi phanh rít lại. Tôi nắm lấy quai vali, người lái xe từ buồng lái bước xuống. Tôi trông mặt thì ra Ermêk, một người bạn đồng ngũ đã trải qua thời kỳ nghĩa vụ quân sự Ở tiểu đội tôi phụ trách. Hồi ấy cậu còn là một thiếu niên vừa mới lớn lên. Ermêk đứng lặng thinh mỉm cười bỡ ngỡ.

- Cậu không nhận ra được à…

- Đồng chí trung sĩ… Ilyax! Ilyax Alabaiev! – Cuối cùng anh ta đã nhớ ra.

- Chính thị! – Tôi mỉm cười mà trong lòng thấy chua xót: hẳn là tôi đã thay đổi rất nhiều, nên mọi người mới khó nhận ra như vậy.

Chúng tôi lên xe đi, nói hết chuyện nọ sang chuyện kia, nhớ lại hồi tòng ngũ. Tôi cứ lo mãi: chỉ mong anh chàng đừng hỏi đến cuộc sống của tôi. Nhưng Ermêk xem ra không biết gì hết. Tôi thấy yên dạ.

- Cậu về nhà từ bao giờ…

- Tôi làm đây đã được hai năm rồi…

- Thế Alibêk Gianturin bây giờ ở đâu…

- Tôi không rõ. Tôi không được gặp anh ấy. Nghe nói anh ta bây giờ làm trưởng ban cơ khí của một trạm xe nào trên Pamir…

“Giỏi lắm Alibêk ạ! Giỏi lắm, bạn của tôi ạ! Anh thật là một tay gighit cừ khôi! … – Tôi thấy mừng thầm trong bụng – Thế là anh ấy dù sao cũng đã đạt được ý nguyện rồi – Hồi còn ở bộ đội anh đã học hàm thụ trường chuyên nghiệp ô tô cầu đường rồi sau lại sửa soạn thi tốt nghiệp đại học hàm thụ. ”

- Amangiôlôv vẫn làm trưởng trạm chứ…

- Không, có trưởng trạm mới. Amangiôlôv được thăng chức về bộ rồi.

- Cậu nghĩ sao, liệu họ có lấy mình vào làm không…

- Sao lại không, thế nào cũng lấy chứ. Anh là lái xe ưu tú, ngay hồi ở bộ đội cũng đã được xếp vào loại giỏi cơ mà.

- Trước thì thế đấy! – Tôi lẩm bẩm trong miệng – Cậu có biết Giantai không…

- Ở trạm không có ai như thế cả. Cũng chưa nghe nói đến bao giờ.

“Phải, ở trạm cũng đã thay đổi không phải là ít… ” – Tôi nghĩ thầm rồi hỏi:

- Còn chuyện rơ – moóc thì sao, vẫn kéo qua đèo đấy chứ…

- Thường vẫn kéo – Ermêk thản nhiên đáp – Cũng tùy loại hàng. Nếu cần họ sẽ lắp vào và cứ việc kéo. Xe bây giờ khoẻ lắm.

Cậu ta không biết những chiếc rơ – moóc ấy đã bắt tôi phải trả bằng giá nào. Dù sao tôi cũng đã quay về trạm xe thân thuộc. Ermêk mời tôi về nhà, thết cơm, mời uống rượu mừng cuộc gặp gỡ, nhưng tôi từ chối: đã lâu nay tôi không uống. Tại trạm xe anh em đón tiếp tôi cũng khá vồn vã. Tôi rất cám ơn những anh em biết tôi khi trước đã không hỏi chuyện lôi thôi. Họ thấy một người đi lưu lạc ra ngoài, nay trở về làm ăn tận tình, thế là tốt rồi, việc gì còn phải khuấy động đến quá khứ nữa… Tôi cũng cố sức quên, quên vĩnh viễn. Đi ngang qua trạm chuyển tải, chỗ gia đình tôi ở ngày trước, là tôi phóng như bay, mắt không nhìn sang hai bên, thậm chí cũng chẳng ghé vào cột lấy xăng nữa. Song không có cách gì cứu giúp được tôi, tôi đã không tự lừa dối được. Tôi làm việc đã được khá lâu, sống đã quen, đã bắt mạch được chiếc xe, đã thử thách động cơ trên mọi tốc độ và đường dốc. Nói tóm lại là đã nắm được việc… Ngày hôm ấy tôi bình thản cho xe chạy, không nghĩ ngợi gì, tay cầm bánh lái, mắt nhìn ngó hai bên. Bấy giờ là mùa xuân, cảnh vật chung quanh đang đẹp. Xa xa, lác đác có những mái lều mới dựng lên; những người chăn súc vật đã ra các đồng cỏ mùa xuân. Những làn khói xám bốc lên từ mái lều. Ngọn gió đưa lại tiếng ngựa hí xốn xang. Những bầy cừu đi quanh quẩn bên cạnh đường. Lòng bỗng nhớ lại thời trẻ thơ và thấy buồn man mác. Chợt đến chỗ rẽ ra hồ tôi giật thót người lên: những con thiên nga! Lần thứ hai trên đời tôi được trông thấy bầy thiên nga mùa xuân bay về trên hồ Ixứckun. Đàn chim trắng cứ lượn vòng trên mặt hồ Ixứckun xanh biếc. Không hiểu sao tôi bỗng rẽ ngoặt ra khỏi đường cái; và cũng như lần ấy cho xe chạy qua dải đất hoang ra thẳng bờ hồ. Ixứckun, Ixứckun, bài ca dang dở của tôi! … Sao tôi còn nhớ lại ngày hôm ấy, khi cũng tại mỏm núi cheo leo trên mặt nước này, tôi đã dừng lại với Axen… Phải, mọi vật vẫn như xưa; những đợt sóng xanh bạc đầu như thể nắm tay nhau chạy từng hàng lên bờ cát vàng. Mặt trời đang khuất dần sau rặng núi, và những khoảng nước phía xa như nhuộm hồng. Bầy thiên nga đang lượn đi lượn lại, cất tiếng kêu rộn rã thảng thốt. Chúng bay vút lên cao, dang rộng đôi cánh vun vút chao xuống nước làm loang ra những vòng rộng sủi bọt. Đúng, mọi vật đều như xưa, chỉ không có Axen ở bên tôi. Bây giờ em ở đâu, cây phong nhỏ bé trùm khăn đỏ của tôi…

Tôi đứng hồi lâu trên bờ, rồi quay về trạm xe và không ghìm được nữa, tôi lao vào thói cũ… Tôi lại vào quán rượu để dập tắt nỗi đau buồn tê tái trong lòng. Mãi đến khuya tôi mới ra về. Bầu trời tối mịt phủ đầy mây đen. Gió từ hẽm núi thổi ra hun hút, hung dữ vặn cong cây cối, rít lên trên những sợi dây điện, đập vào mắt như những vốc sỏi lớn. Hồ nước kêu lên than vãn. Khó nhọc lắm tôi mới lần về được đến nhà tập thể và cứ để nguyên quần áo lăn ra ngủ.

Sáng hôm sau tôi không sao nhấc đầu dậy được, cơn say làm người đau như dần. Ngoài cửa sổ, mưa rơi lâm thâm xen kẽ với tuyết, trông mà phát ngán. Tôi nằm lì đến ba tiếng đồng hồ không muốn dậy đi làm. Đây là lần đầu tiên tôi như thế; đến cả công việc cũng không còn đem lại nguồn vui nữa. Nhưng sau tôi tự thấy xấu hổ và dậy đánh xe đi. Chiếc xe chạy uể oải, đúng hơn là chính tôi uể oải, và thời tiết cũng chẳng ra gì; những chiếc xe chạy ngược lại đều lốm đốm bụi tuyết, thế nghĩa là tuyết đã xuống nhiều trên đèo. Tuyết thì tuyết, tôi cần gì, dù cho có nổi cơn bão tuyết cũng mặc kệ, tôi chẳng còn gì mà sợ nữa, chết là hết…

Tâm trạng tôi lúc này thật đen tối. Tôi nhìn vào chiếc gương con mà thấy tởm: râu đâm tua tủa, mặt sưng phù lên, nhão ra như sau một cơn ốm. Lẽ ra phải ăn dăm ba miếng dọc đường vì từ sáng đến giờ chưa có gì lót dạ cả, nhưng tôi chẳng thấy đói, chỉ muốn uống rượu. Xưa nay vẫn thế; đã một lần thả lỏng cho mình thì sau khó lòng mà giữ được. Tôi đỗ xe lại bên quán điểm tâm. Sau cốc đầu tôi thấy phấn chấn lên và tỉnh người ra. Chiếc xe bon đi vui hơn. Một lát sau tôi lại rẽ vào nơi nào dọc đường, uống hết trăm gam rượu rồi lại gọi thêm nữa. Con đường vút qua loang loãng, hai que gạt nước đưa đi đưa lại trước mắt. Tôi cúi xuống, răng nhai nhai điếu thuốc lá. Chỉ còn trông thấy những chiếc xe ngược chiều chạy vút qua làm các vũng nước bắn tung lên mặt kính. Tôi cũng mở hết tốc lực vì trời đã muộn. Đêm xuống bất chợt tới giữa núi, âm thầm, dày đặc. Và đến bây giờ rượu vốtca mới ngấm. Người tôi choáng váng. Tôi đã thấm mệt. Những vệt đen chập chờn trước mắt. Trong buồng lái ngột ngạt, tôi bắt đầu thấy buồn nôn. Chưa bao giờ tôi say đến thế. Mồ hôi vã ra ướt đẫm cả mặt. Tôi tưởng chừng như không phải đang đi trên xe mà là đang cưỡi trên hai luồng ánh sáng từ đèn pha dọi ra đang chạy ở đằng trước đưa tôi đi đâu không rõ. Cùng với hai luồng ánh sáng ấy, khi thì tôi chúc đầu lao xuống một vực sâu tràn ngập ánh sáng, khi thì bò lên cao trên những ánh lửa rung rinh trườn theo các vách đá, khi thì lại bắt đầu chạy ngoằn ngoèo theo hai luồng ánh sáng lia từ bên này sang bên nọ. Tôi mỗi lúc một kiệt sức, nhưng tôi không dừng lại vì biết rằng chỉ cần buông tay lái ra là sẽ không thể nào lái xe đi được nữa. Tôi cũng không biết đích xác mình đang đi ở chỗ nào, chỉ nhớ là đang ở đâu trên đèo. Ôi, Độ Long, Độ Long, con quái vật khổng lồ của giải Thiên Sơn! Ngươi thật ghê gớm! Nhất là đang giữa đêm khuya, nhất là đối với một người lái xe đang say rượu!

Chiếc xe hơi khó nhọc leo lên một đoạn dốc nào đó rồi lại bon xuống chân núi. Bóng đêm quay cuồng nghiêng ngả trước mắt. Hai bàn tay không còn tuân theo ý tôi nữa. Chiếc xe bon trên đường mỗi lúc một nhanh thêm, lao thẳng xuống dốc. Rồi bỗng nghe đánh rầm một tiếng nặng trịch, có cái gì nghiến cót két ánh đèn pha loé lên, rồi bóng tối trùm lên mắt. Ở một nơi nào rất sâu trong tiềm thức loé lên ý nghĩ: “Tai nạn! ” Tôi không nhớ mình đã nằm đấy bao nhiêu lâu. Chỉ biết là đột nhiên có tiếng nói từ đâu xa lắm vẳng lại như qua hai lỗ tai bịt bông: “Nào, soi vào đây! ” hai tay ai sờ vào đầu, vào vai, vào ngực tôi: “Còn sống, chỉ say mềm thôi” – Tiếng người ấy lại nói. Người kia đáp: “Phải dẹp vào lấy đường cho xe đi! ”

- Nào, ông bạn, thử nhúc nhích một tí xem. Ta sẽ đánh xe sang bên – Hai bàn tay lại khẽ ẩy vào vai tôi.

Tôi rên lên một tiếng, khó nhọc nhấc đầu lên. Một dòng máu chảy từ trán xuống mặt. Chỗ ngực có gì vướng làm tôi không ngồi thẳng lên được. Người kia quẹt diêm lên nhìn tôi. Sau lại quẹt thêm một que nhìn tôi lần nữa như thể chưa tin ở mắt mình…

- Thế ra anh đấy à, anh bạn! Làm sao lại như vậy hở… – Anh ta buồn bã thốt ra trong bóng tối.

- Cái xe… bị hỏng tợn à… – Tôi vừa nhổ máu ra vừa hỏi.

- Không, chẳng hư hại lắm. Chỉ nằm quay ngang ra giữa đường thôi.

- Vậy thì để tôi đi bây giờ, buông tôi ra! – Tôi đưa hai bàn tay tê dại run run ra định mở công tắc và ấn đề – mar.

- Khoan đã! – Người ấy giữ chặt lấy tôi – Đừng giở quẻ nữa. Xuống đi. Cậu ngủ đây đêm nay rồi sáng mai sẽ hay… Họ lôi tôi ra khỏi buồng lái.

- Đánh xe lui sang vệ đường ấy, Kêmen ạ, ta sẽ xem sau!

Anh ta kéo cánh tay tôi choàng qua vai và dìu tôi đi trong bóng tối đến một nơi nào cách xa đường cái. Chúng tôi đi mãi mới đến một cái sân nhà ai không rõ. Người ấy đỡ tôi bước vào nhà. Trong gian phòng ngoài có một ngọn đèn dầu hoa… đang cháy. Người ấy đặt tôi ngồi xuống ghế đẩu và bắt đầu cởi chiếc áo ngoài ra. Lúc bấy giờ tôi mới nhìn lên mặt anh ta. Tôi đã nhớ ra. Đấy chính là người trạm trưởng cầu đường Baitemir, người đã cùng với tôi kéo chiếc xe trên đèo dạo trước. Tôi thấy ngượng, nhưng dù sao cũng mừng, muốn xin lỗi, cám ơn anh ta, nhưng giữa lúc đó có tiếng những thanh củi rơi xuống đất làm tôi phải quay lại. Tôi ngước mắt nhìn và khó nhọc đứng dậy từ từ như thể có một vật gì nặng ghê gớm vừa trút xuống đôi vai. Trong khung cửa, cạnh những thanh củi rơi lăn lóc, Axen đang đứng thẳng đờ ra như súc gỗ, nhìn tôi với đôi mắt không hồn.

- Sao thế này… – Axen khẽ thì thầm trong miệng.

Suýt nữa thì tôi bật kêu lên tiếng “Axen”, nhưng đôi mắt xa lạ, cách vời của nàng làm tôi không thốt ra được nửa lời. Người tôi nóng ran lên vì tủi nhục. Một khoảnh khắc im lặng rợn người bao trùm lấy căn phòng. Tôi không hiểu nếu không có Baitemir ở đây thì sự việc sẽ kết thúc ra sao. Anh ta dìu tôi ngồi xuống như không có chuyện gì xảy ra cả.

- Có gì đâu, Axen – Baitemir thản nhiên nói – Anh lái xe bị sây sát chút ít, nằm một lát rồi sẽ lại sức thôi… Em mang hộ lọ iôt vào đây.

- Iôt à… – Giọng nàng trở nên ấm áp vào lo lắng – Bên hàng xóm mượn mất lọ iôt rồi.. Em đi lấy về bây giờ! – Nàng sực nhớ và chạy ra ngoài cửa. Tôi cắn môi ngồi yên không nhúc nhích. Hơi men như bay đi đâu hết, tôi tỉnh hẳn trong nháy mắt. Duy máu vẫn còn rần rật hai bên thái dương.

- Phải rửa sạch đi đã – Baitemir vừa xem những vết sây sát trên trán tôi vừa nói. Anh ta cầm chiếc thùng xách nước đi ra ngoài. Từ phòng bên, một thằng bé trạc năm tuổi, chân đi đất, mình mặc mỗi chiếc áo sơmi nhỏ xíu, ló đầu ra. Nó giương đôi mắt to đứng nhìn tôi đầy vẻ tò mò. Tôi nhận ra đứa bé ngay. Tôi không hiểu bằng cách nào, nhưng dù sao tôi cũng đã nhận ra nó, lòng tôi đã nhận ra nó.

- Xamát! – Tôi nén giọng thì thầm và vươn người tới phía con. Vừa lúc ấy Baitemir hiện ra trong khung cửa và không hiểu sao tôi bỗng thấy hoảng sợ. Có lẽ anh ta đã nghe thấy tôi gọi tên con. Tôi đâm ra lúng túng như tên kẻ trộm bị bắt quả tang. Để đỡ ngượng, tôi bỗng vừa lấy tay che vết xước trên mắt vừa hỏi:

- Con anh đấy à… – Sao tôi lại phải hỏi thế làm gì… Cho đến nay tôi vẫn không tài nào tha thứ cho mình được câu hỏi đó.

- Con tôi đấy! – Baitemir đáp với cái giọng quả quyết của một người chủ nhân. Anh ta đặt chiếc thùng xuống đất, bế Xamát lên tay – Dĩ nhiên là con tôi, con đẻ của tôi đấy, phải không Xamát… – Anh ta vừa nói vừa hôn thằng bé và cọ ria vào má nó. Trong tiếng nói và cử chỉ của Baitemir không hề thoáng có chút gì giả tạo – Sao con không ngủ đi… Chà, con ngựa nhỏ của bố, cái gì cũng muốn biết cả, thôi chạy vào giường!

- Thế mẹ đâu… – Xamát hỏi.

- Mẹ về ngay bây giờ. Đây rồi. Thôi con đi ngủ đi.

Axen chạy vào, lặng lẽ nhìn vội chúng tôi có vẻ lo lắng, đưa cho Baitemir lọ iốt và dẫn con vào ngủ.

Baitemir nhúng ướt khăn, lau mặt tôi cho hết máu.

- Chịu khó một tí nhé! – Anh ta nói đùa và bôi thuốc xót vào những chỗ bị sây sát rồi nghiêm mặt nói – Phải cho cậu xót nữa vào mới đáng tội, nhưng thôi, cậu đang là khách ở đây… Thôi, xong rồi, sẽ lên da. Axen, giá cho bọn này được ấm trà nhỉ…

- Có ngay đây.

Baitemir trải chăn bông lên tấm nỉ và đặt lên đấy một chiếc gối.

- Cậu sang đây mà nghỉ đi một lát – Anh ta nói.

- Thôi được, cám ơn! – Tôi lẩm bẩm.

- Ngồi xuống, ngồi xuống, cứ tự nhiên như ở nhà vậy – Baitemir cố nài.

Tôi đứng ngồi như trong giấc mơ. Trái tim như thể có ai bóp chặt lại trong ngực. Mỗi thớ thịt trong người tôi đều căng thẳng trong cơn lo lắng và chờ đợi. Chao ôi, không biết mẹ tôi đã sinh tôi ra trên đời này làm gì!

Axen bước ra và cố không nhìn chúng tôi, cầm lấy chiếc ấm xamôvar đem ra sân.

- Để anh giúp cho một tay, Axen ạ – Baitemir nói với theo. Anh đã toan ra sân với vợ thì Xamát lại chạy ra. Nó không muốn đi ngủ tý nào.

- Sao thế, Xamát… – Baitemir hiền từ lắc đầu.

- Chú ơi, chú ở trong phim ảnh bước ra đấy à… – Đứa con chạy lại gần, nghiêm trang hỏi tôi.

Tôi băn khoăn cố đoán xem như thế là thế nào, còn Baitemir thì cười phá lên.

- Chà chà, thằng bé ngu si của bố! – Baitemir cười, ngồi xổm xuống bên cạnh thằng bé – Làm người ta cười đến vỡ bụng… Vợ chồng tôi vẫn sang bên mỏ xem chiếu bóng – Anh quay lại phía tôi – Cả nó cũng đi theo…

- Đúng rồi, chú ở trong phim ra đấy! – Tôi nói để góp phần vào cảnh vui chung.

Nhưng Xamát lại cau mặt:

- Không phải! – Nó tuyên bố.

- Sao lại không phải…

- Thế thanh kiếm để chú đánh nhau đâu…

- Chú để ở nhà…

- Chú sẽ cho cháu xem chứ… Mai chú cho xem nhé…

- Chú sẽ cho xem. Nào, lại đây. Tên cháu là gì, Xamát có phải không…

- Xamát! Thế gọi chú là gì…

- Gọi là… – Tôi im bặt – Gọi là chú Ilyax – Tôi khó nhọc thốt ra.

- Đi vào ngủ đi, Xamát, muộn rồi – Baitemir nói xen vào.

- Bố ơi, con ở đây tí tẹo nữa nhé! – Xamát xin phép bố.

- Thôi được! – Baitemir bằng lòng – Bố mẹ sẽ mang nước chè vào bây giờ.

Xamát bước đến chỗ tôi. Tôi vuốt bàn tay nó, thằng bé giống hệt tôi, giống quá thể. Đến hai bàn tay cũng thế, cái miệng cười cũng y như tôi.

- Lớn lên cháu sẽ làm gì… – Tôi hỏi cốt để bắt chuyện với con.

- Cháu sẽ làm lái xe.

- Cháu thích đi ô tô à…

- Thích lắm ấy… nhưng những lúc cháu giơ tay lên thì chẳng có ai chịu chở cả…

- Mai chú sẽ chở cháu đi, có thích không…

- Có. Cháu sẽ cho chú mấy con xúc xắc của cháu! – Nó chạy vào buồng lấy xúc xắc.

Bên ngoài cửa sổ, ống khói chiếc xamôvar đã phụt lửa lên. Axen và Baitemir đang nói chuyện gì với nhau.

Xamát mang cái túi nhỏ bằng da cừu núi dựng xúc xắc ra.

- Chú chọn đi, chú! – Nó đổ ra trước mặt tôi mở tài sản sơn đủ màu của nó.

- Tôi muốn nhặt lấy một quân xúc xắc để làm kỷ niệm, nhưng không dám. Cánh cửa mở rộng và Baitemir bưng chiếc xamôvar đang sôi vào. Axen vào theo. Nàng bắt đầu pha trà, còn Baitemir đặt lên tấm thảm dạ chiếc bàn tròn nhỏ đóng chân thấp và trải khăn ra. Tôi cùng Xamát nhặt những quân xúc xắc bỏ vào trong chiếc túi nhỏ.

- Mang của cải ra khoe đấy, rõ hợm hĩnh! – Baitemir âu yếm búng vào tai Xamát.

Một phút sau chúng tôi đã quây quần bên chiếc ấm xamôvar. Tôi và Axen làm như chưa hề biết nhau. Chúng tôi cố sức thản nhiên, và hẳn là vì thế nên đều ít nói. Xamát ngồi lên đầu gối Baitemir, nép sát vào người bố, đầu ngọ nguậy:

- Eo ôi, râu của bố lúc nào cũng chích đau đau là! – Và nó lại rúc vào, chìa má ra dưới hàng râu.

Tôi thật khổ tâm khi ngồi cạnh đứa con, không dám gọi nó là con mà phải nghe nó gọi một người khác là bố. Thật khổ tâm khi biết rằng Axen, Axen yêu dấu của tôi, đang ở ngay bên cạnh mà tôi không có quyền được nhìn thẳng vào mặt. Sao nàng lại đến đây… Nàng đã yêu, và đã lấy chồng… Tôi còn có thể biết được gì, một khi nàng không còn muốn tỏ ra là có biết tôi, như thể tôi là người hoàn toàn xa lạ, chưa hề quen biết… Chả nhẽ nàng thù ghét tôi đến thế… Còn Baitemir… Lẽ nào anh ta lại không đoán ra được tôi là ai… Lẽ nào anh ta lại không nhận thấy Xamát giống tôi… Vì sao anh ta lại không nhắc đến cuộc gặp gỡ trên đèo khi kéo chiếc xe tải ngày trước… Hay đã quên thật rồi…

[Bạn đang đọc truyện tại Website: http://santruyen.com - Website đọc truyện dành cho Mobile]

Khi đi ngủ lại càng thấy khổ tâm hơn nữa. Họ dọn chỗ cho tôi ngủ trên tấm nỉ ở ngay đấy. Tôi nằm quay vào tường, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn vặn nhỏ. Axen thu dọn ấm chén.

- Axen! – Baitemir khẽ gọi qua cánh cửa phòng bên để ngỏ.

Axen bước lại:

- Em chịu khó giặt đi một chút.

Nàng cầm lấy chiếc sơmi kẻ ô vuông dính đầy máu của tôi và bắt đầu giặt, nhưng rồi bỗng dừng tay lại. Tôi nghe thấy nàng đi lại phía Baitemir.

- Thế đã tháo nước ra khỏi két chưa… – Nàng khẽ hỏi – Nhỡ nó đóng băng lại…

- Tháo ra rồi, Kêmen tháo ra rồi! – Baitemir đáp, giọng cũng khẽ như thế – Chiếc xe hầu như chưa việc gì… Đến sáng mai ta sẽ giúp một tay…

Thế mà tôi quên khuấy đi; chẳng còn bụng dạ nào nghĩ đến những két nước với môtơ nữa.

Axen giặt nốt chiếc áo và, khi treo nó lên trên bếp lò, buông một tiếng thở dài nặng trĩu.

Nàng tắt đèn và đi ra.

Trong nhà tối hẳn lại. 5e0 Tôi biết rằng cả ba chúng tôi đều không ngủ, mỗi người riêng một tâm tư. Baitemir nằm chung giường với thằng bé. Anh ta lẩm bẩm nựng con, đôi lúc lại ôm lấy Xamát mỗi khi nó trở mình, giãy đạp trong giấc mơ. Axen thỉnh thoảng lại thở dài một tiếng ấm ức. Tôi tưởng như đang nhìn thấy đôi mắt long lanh của nàng trong bóng tối, hẳn là ướt đẫm nước mắt. Axen đang nghĩ gì, nghĩ đến ai… Giờ đây nàng đang có ba người bên cạnh… Có khi nàng cũng như tôi, đang điểm lại trong ký ức tất cả những gì tươi đẹp và đau thương đã từng ràng buộc hai chúng tôi. Nhưng bây giờ nàng đối với tôi đã vô cùng cách biệt, cả tâm tư của nàng cũng thế. Qua mấy năm nay Axen đã thay đổi nhiều, mắt nàng đã khác trước… Đó không còn là đôi mắt tin cậy, sáng ngời lên vì trong trắng và vô tư như trước nữa. Chúng đã nghiêm khắc hơn. Nhưng đối với tôi Axen vẫn là cây phong bé nhỏ của thảo nguyên trùm khăn đỏ xưa kia. Trong mỗi nét mặt, cử chỉ của nàng tôi đều tìm thấy một cái gì gần gũi, thân thuộc. Và trong lòng tôi lại càng thấy cay đắng, càng thấy tủi hờn và đau xót. Tôi tuyệt vọng cắn răng vào mép gối, mãi cho đến sáng không hề chợp mắt.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/16197


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận