phát nhạc ngẫu nhiên, đeo tai nghe vào và trèo lên xe mà
chạy vòng quanh các ngõ ngách trong thành phố thân quen, bạn sẽ thấy có nhiều sự trùng hợp đến ngỡ ngàng.
Có những cái trùng hợp khiến bạn mỉm cười vu vơ.
Cũng lại có những sự trùng hợp khiến bụi tự nhiên bay vào mắt, gió tốc ngược làm khóe mi cay xè.
Cuộc đời vốn là một quyển sách bỏ trống thật nhiều, và ta chỉ viết lên đó một đoạn trong mỗi khoảnh khắc.
Có những khoảnh khắc gặp gỡ mở ra một câu chuyện không bao giờ có hồi kết, dù một trong hai nhân
vật chính đã rời đi và viết ra một câu chuyện khác mà không còn người kia. Câu chuyện của người ở lại sẽ chẳng bao giờ được đặt dấu chấm hết, vì nó có những khoảnh khắc bỗng dưng nỗi nhớ tràn về để nối dài đến vô tận.
Trời chiều Bảo Lộc ôm ấp nhiều nỗi nhớ.
Gió như tiếng thì thào của một người giấu mặt, chỉ còn lại những lời xa vắng để kẻ khác đuổi theo.
Nắng chiều buồn bã bên ngoài khung cửa, đỏ rực cả một vùng trời hoang vu.
Chiều buồn mà chênh vênh, lòng người cũng tự nhiên trôi ngược về miền nhớ thật xa.
Bạn bè hay hỏi: “Đã bình yên chưa?”.
Thật ra, ngồi trong trời chiều ám đỏ, lòng bâng quơ nhớ về một người cũng là một sự bình yên.
Hay như một chiều mát trời, nắng nhợt nhạt và gió hiu hiu, ngồi trên chiếc xe máy đã cũ vì năm tháng cùng ta đi qua thật nhiều ngả đường hợp tan, đeo tai nghe và để nhạc tự phát ngẫu nhiên, chạy chầm chậm nhìn ngắm đường phố cũng chính là một sự bình yên.
Hoặc như chiều nay, cũng chính trên chiếc xe cũ từng nhiều lần cùng ta đến nhà một người, cùng với tai nghe phát nhạc khe khẽ, một mình lang thang trên con đường ngày xưa từng cùng một người rất thương dạo quanh mỗi chiều nắng đẹp, mỉm cười ngây ngốc vì đã quá lâu không trở lại mà vẫn chẳng bị lạc, cũng chính là một sự bình yên.
Con đường vẫn bụi mù đất đỏ, đã hẹp lại, nhiều đá chênh vênh.
Rồi có những sự trùng hợp khiến người ta nhói đau thật nhiều như thế đấy, tự nhiên list nhạc phát đến ca khúc Còn nguyên vết thương sâu.
“Dẫu dĩ vãng xưa không còn đây
Mà sao em mong đi tìm chi chốn này? Đã không còn ai tay nắm tay chiều nay”
Tự nhiên gió thổi qua, bụi làm mắt nhòe đi trong nhức nhối.
Trong lòng mỗi người đều có một cõi sâu thẳm cất giấu điều riêng tư nhất của chính mình. Một tình yêu thầm kín, một nỗi đau muốn chôn giấu, hay như tôi - một cõi bình yên.
Cái hồi còn bên nhau, cũng phải nhiều năm trước, ngày ấy sao mà bình yên thế! Để bây giờ nhớ lại, dù tiếc, dù đau, lòng vẫn cứ bình yên như vậy, như người vẫn ngồi ngay bên cạnh, lí lắc kể những câu chuyện cười, thỉnh thoảng lại vu vơ cất lên hát một câu, khiến ta cứ mãi cười khúc khích.
Trí nhớ của mỗi người đều là một chiếc máy quay. Có lúc nó hiện đại đến mức ghi lại thật rõ nét, cũng có khi cũ kĩ tới độ nút tắt chẳng chịu hoạt động, cứ ghi lại mãi không ngừng, rồi chất đầy lòng người bởi những cuốn phim buồn vui hợp tan - những cuốn phim dù chiếu đi chiếu lại cũng chẳng bao giờ cũ.
“Đã bình yên chưa?”.
Câu hỏi mà chưa bao giờ chịu trả lời một ai lại văng vẳng trong đầu.
Chiều nay, ta đứng ngay tại khúc cua đất đỏ, nhớ như in nơi này từng có một đống cát. Hồi đấy chưa lớn, trẻ con và hóm hỉnh, lúc đi ngang qua còn cười hỏi tại sao không cho xe leo qua đống cát mà phải tránh. Người nghe vậy tức thì dừng xe lại, ta ngồi phía sau khúc khích bảo: “Thôi được rồi, không cần chạy ngược lại để leo lên đống cát đó đâu”.
Chiều nay, ai đi ngang qua sẽ thấy có một con nhóc quần lửng cười ngốc nghếch trên chiếc xe chỉ còn một mình, giữa con đường vắng chẳng còn đống cát nào chắn ngang.
“Đã bình yên chưa?”.
Khi mà đứng tại con đường này của nhiều năm sau, ta mỉm cười mà nước mắt chầm chậm lăn.
Bình yên, hạnh phúc, nhiều khi chẳng phải là cách gọi tên một cảm giác, mà là tên của một khoảnh khắc ai
đó mang đến. Hay như nhớ, như đau, cũng chẳng phải là một trạng thái, chỉ đơn giản là tên gọi một khoảnh khoắc ai đó để lại khi ra đi mà thôi.
“Giờ đây đến nơi xưa thật buồn bã, Có những dấu chân xa lạ.
Mùa thu đã thay bao lần màu lá,
Quá khứ vẫn chưa một ngày phôi pha. Cũng đã cố quên đi từ lâu.
Mà sao em không nguôi được đi nỗi sầu?
Trái tim còn nguyên những vết thương thật sâu”