Chương 3 Hồi nhỏ tôi đâu có đến nỗi ngu ngốc như vậy.
Tiểu Li bị tôi xỏ mũi dài dài.
Được tôi phân công nghĩ trò chơi mới, chắc nó nằm thao thức nghĩ ngợi suốt đêm. Nên mới tờ mờ sáng hôm sau, tôi chưa kịp leo xuống khỏi giường đã nghe tiếng nó ơi ới ngoài cửa:
- Anh Thư ơi! Anh Thư!
Tôi ngồi trên giường, chăn quấn tận cằm, thò đầu ra cửa sổ:
- Làm gì kêu om sòm vậy?
Trông thấy tôi, Tiểu Li khoa tay, khoe:
- Em nghĩ ra trò chơi mới rồi.
- Trò gì?
Nó chớp mắt:
- Chơi đi trốn đi tìm.
Tôi "xì" một tiếng:
- Tưởng gì! Tao nghĩ ra trò đó lâu rồi!
Tiểu Li chun mũi:
- Anh nghĩ ra sao anh không nói?
Tôi gãi đầu:
- Tao định nói nhưng chưa kịp nói thì mày đã nói mất.
Không để ý đến giọng điệu ba hoa của tôi, Tiểu Li hào hứng rủ:
- Ra ngoài này chơi đi!
Tôi rụt cổ:
- Chưa được đâu! Tao còn phải ngủ tiếp! Mày về đi, lát nữa chạy qua kêu tao!
Nói xong, không đợi Tiểu Li đồng ý hay không, tôi nằm lăn ra giường.
Tiểu Li đứng lớ ngớ bên cửa sổ một hồi rồi chẳng biết làm gì, nó bỏ chạy về nhà.
Tôi ngủ một mạch đến trưa trờ trưa trật mới lồm cồm bò dậy đi rửa mặt. Lúc này bố mẹ tôi đã đi làm, nhà cửa vắng tanh.
Rửa mặt xong, nghe đói bụng, tôi mò xuống nhà bếp. Trên bàn ăn, mẹ tôi đã để sẵn cho tôi một tô cơm chiên và một chén nước mắm đậy dưới lòng bàn.
Tôi ngao ngán nhìn tô cơm chiên nguội ngắt, chưa biết nên ăn hay nhịn, bỗng nghe tiếng Tiểu Li kêu ầm đằng trước:
- Anh Thư ơi! Anh Thư!
Tôi liền đậy lồng bàn lại và vội vàng chạy ra:
- Gì đó?
Tiểu Li lúc lắc hai bím tóc:
- Chơi trò chơi đi!
Tôi xoa bụng:
- Tao chưa ăn sáng. Mày ăn sáng chưa?
Nó lắc đầu:
- Chưa.
Tôi dậy trễ, chưa kịp ăn sáng đã đành. Nó dậy từ sáng sớm, sao giờ này cũng chưa ăn? Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bộ buổi sáng mày nhịn đói hả?
- Đâu có. Hồi sáng em uống sữa. Mẹ cho em một ổ bánh mì, em để dành lát nữa mới ăn.
Nghe tới bánh mì, mắt tôi sáng trưng như đèn pha. Tôi liếm môi, hỏi:
- Bánh mì có kẹp thịt không?
- Có! Có pa-tê nữa!
Con nhỏ này ác nhơn thiệt! Tôi hỏi thịt thì bảo có thịt được rồi, còn khai thêm pa-tê chi nữa cho tôi thêm... đau khổ. Tôi nhìn nó, góp ý:
- Mày sún răng không nên ăn bánh mì.
- Sao vậy?
- Hư răng hết!
Tiểu Li cắn môi:
- Em ăn hoài mà đâu có sao!
Tôi khịt mũi:
- Tại mày không biết đó thôi!
Nó lại thắc mắc:
- Sao hôm trước anh bảo chỉ ăn kẹo mới hư răng?
Tôi giật mình:
- Tao có nói vậy hả?
- Ừ.
- Hình như tao có nói bánh mì nữa chứ! Chắc mày quên rồi!
- Đâu có! Anh chỉ nói kẹo thôi. Mẹ em cũng bảo vậy.
- Mẹ mày cũng bảo vậy hả?
- Ừ.
Tôi thở dài:
- Vậy thì thôi.
Tiểu Li ngơ ngác:
- Thôi là sao?
Tôi chép miệng:
- Thôi là... mày cứ việc ăn bánh mì, còn tao... nhịn đói.
Đến đây, Tiểu Li bắt đầu hiểu ra "tâm sự" của tôi. Nó buột miệng:
- Thôi để em chạy về lấy ổ bánh mì qua anh với em ăn, khỏi để dành nữa.
Tôi hưởng ứng liền:
- Đúng rồi! Bánh mì mà để lâu ăn mất ngon!
Tiểu Li vội vã chạy về. Lát sau, nó cầm ổ bánh mì qua đưa tôi:
- Anh lấy dao cắt đôi ra đi!
- Cần gì dao! Tao bẻ bằng tay được rồi!
- Bẻ bằng tay đâu có đều.
- Đều chứ sao không!
Tôi lấy tay đo chiều dài ổ bánh mì, ước lượng điểm giữa rồi nghiến răng bẻ làm hai khúc. Mặc dù tôi cố bẻ cho hai phần bằng nhau nhưng rốt cuộc vẫn khúc to khúc nhỏ.
Tôi đưa khúc nhỏ cho Tiểu Li:
- Phần mày nè!
Nó liếc khúc bánh mì của tôi, phụng phịu:
- Anh khôn thấy mồ! Anh lấy khúc to!
Tôi tằng hắng:
- Hồi sáng mày uống sữa rồi, giờ ăn khúc nho nhỏ thôi.
Tiểu Li không nói gì nhưng mặt nó xịu xuống. Sợ nó khăng khăng đòi đổi, tôi dọa:
- Tao mà ăn không no, tao chơi đi trốn đi tìm không nổi đâu!
Nghe tôi nói vậy, quả nhiên Tiểu Li không dám vùng vằng nữa. Nó đưa khúc bánh mì "nho nhỏ" lên miệng cắn ngon lành.
Tiểu Li ăn chậm như mèo. Tôi đã "giải quyết" khúc bánh mì của tôi từ lâu rồi mà nó thì vẫn nhẩn nha nhai tới nhai lui, trông bắt ngứa con mắt. Dòm nó nhai chóp chép một hồi, vừa sốt ruột lại vừa thèm thuồng, tôi bực mình gắt:
- Lẹ lẹ lên mày! Mày ăn chậm, tao đi ngủ tiếp à!
Nghe tôi giục, Tiểu Li ăn vội ăn vàng. Nhưng khúc bánh mì của nó vẫn còn hơn phân nửa. Tôi bèn gạ:
- Hay là mày đưa tao cắn giùm cho một miếng!
Sợ tôi buồn tình đi ngủ tiếp, Tiểu Li không dám phản đối "sáng kiến" của tôi. Nó chìa khúc bánh mì ra. Tôi ngoác mồm cắn một miếng to thật to. Nhìn khúc bánh mì khuyết một phần đáng kể, chắc Tiểu Li buồn lắm nhưng nó không dám để lộ ra ngoài.
Nuốt xong, "nhiệt tình" của tôi vẫn không giảm bớt:
- Miếng nữa!
Tiểu Li lại đau khổ chìa tay ra.
Nhờ sự "giúp đỡ" sốt sắng của tôi mà nhoáng một cái, khúc bánh mì trên tay Tiểu Li biến mất y như trò ảo thuật trong rạp xiếc vậy.
Khi thấy không còn gì để dụ dỗ nữa, tôi đưa tay quẹt mép, tuyên bố:
- Bây giờ chơi trò chơi được rồi!
Tiểu Li sáng mắt lên. Nó quên phắt nỗi đau khổ vừa rồi, hí hửng nói:
- Em đi trốn trước nghen! Anh nhắm mắt lại đi!
Tôi nhắm mắt lại và tự hỏi không biết ngày mai Tiểu Li có được mẹ nó mua cho ổ bánh mì nào nữa không.
- o O o -
Sau cuộc trò chuyện với Hải gầy, tôi sinh ra nghĩ ngợi vẫn vơ. Ừ, chẳng hiểu Việt An có yêu lại mình chút xíu nào không nhỉ? Từ trước đến nay, tôi chẳng hề quan tâm đến chuyện này. Bởi vì nếu có quan tâm, tôi cũng chẳng thể nào giải đáp nổi một vấn đề "tầm cỡ" như vậy. Tôi cứ mặc nhiên coi mối quan hệ hiện nay giữa tôi và Việt An là mối quan hệ giữa hai người... yêu nhau và không thắc mắc gì lôi thôi.
Nhưng đến khi Hải gầy buộc tôi chứng minh bằng các "cơ sở khoa học" thì tôi bỗng ngớ ra và bắt đầu từ hỏi về tình cảm của Việt An. Liệu tất cả những điều đã xảy ra giữa tôi và Việt An có cho thấy một triển vọng "có ý nghĩa" nào không, hay chỉ là trò "đoán mò" như Hải gầy nhận xét?
Hải gầy là thằng bạn khốn kiếp. Thấy tôi hoang mang, nó không những không động viên, an ủi, mà mỗi khi gặp tôi, nó lại cải biên thơ của Byron và đọc ra rả:
- Ôi, sức mạnh của tình yêu! Nó có thể biến lừa thành người và biến người thành lừa.
Nó chế giễu mặc nó, tôi cứ nhe răng cười hì hì. Dù sao tôi cũng đã tự nhận điều đó và tôi vẫn nghĩ rằng khi yêu thực sự, tất cả đàn ông đều biến thành lừa hết ráo, đâu phải chỉ mình tôi.
Hải gầy vốn nổi tiếng là "vua trích dẫn". Nó có một cuốn sổ tay trong đó chép dày đặc những câu danh ngôn đông tây kim cổ. Mỗi lần tranh luận về một vấn đề gì hoặc muốn châm chích ai, nó thường nhờ "thánh hiền" hỗ trợ. Vì vậy, tụi bạn trong lớp thường gọi nó là "nhà tư tưởng". "Nhà tư tưởng" sửa thơ Byron để chửi tôi là con lừa, tôi chẳng thèm động lòng nhưng đến khi nó dẫn lời của Karl Marx thì tôi tức điên ruột:
- Nếu tình yêu không phải từ cả hai phía, tức là nếu tình yêu của bạn không làm nảy sinh tình yêu đáp lại, nếu bạn yêu, nhưng không làm bản thân mình trở thành người được yêu thì tình yêu thì tình yêu của bạn là bất lực, và đó là nỗi bất hạnh.
Tôi đỏ mặt:
- Sao mày biết tình yêu của tao không làm nảy sinh tình yêu đáp lại?
Hải gầy giở luận điệu cũ rích:
- Thì mày chứng minh đi!
- Phải có thời gian chứ!
Nó búng tay:
- Tao cho mày một tuần.
Tôi nhăn nhó:
- Một tuần thì ăn thua gì!
- Sao lại không ăn thua? Để tao kiếm cho mày một tấm giấy mời xem phim, mày rủ nó đi.
Tôi so vai:
- Thôi, tao ngại lắm! Rủi nó từ chối thì sao?
Hải gầy trấn an tôi:
- Đừng sợ! Nếu mày rủ nó đi xem phim theo kiểu thông thường, có thể nó ngại. Nhưng đây là mày "tình cờ" có một tấm giấy mời hai chỗ ngồi. Nếu đi một mình thì thừa một chỗ cho nên mày rủ nó cùng đi cho vui. Hiểu chưa?
- Chưa hiểu!
Hải gầy nổi sùng:
- Chưa hiểu cái gì?
Tôi nuốt nước bọt:
- Vậy thì tao chứng minh được cái gì?
- Sao mày ngu quá vậy? Nếu nó chịu đi chung với mày tức là nó có yêu mày, còn nếu nó từ chối tức là mày outside!
Tôi trố mắt:
- Outside là sao?
Hải gầy nhìn tôi với vẻ láu lỉnh:
- Sao mày học mau quên quá vậy? Outside tức là bị ra rìa, tức là đứng ngoài cuộc, hiểu chưa?
Tôi chưa kịp trả lời, nó đã cười hì hì, nói thêm:
- Lúc đó, tao sẽ nhảy vô thế chỗ mày!
Tôi chìa cùi chỏ ra:
- Đừng hòng!
Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, cuối cùng tôi chấp nhận phương án của Hải gầy. Kiểm tra tình cảm bằng cách mời đi xem phim dù sao cũng văn minh lịch sự hơn kiểu "điền vào chỗ trống" hay "đánh dấu chéo vào ô thích hợp" như nó xúi tôi bữa trước.
Hai hôm sau, bỏ trong túi tấm giấy mời Hải gầy đưa, tôi đến gặp Việt An, rủ:
- Việt An đi xem phim không?
Việt An hỏi với vẻ thích thú:
- Phim gì vậy?
Tôi quảng cáo:
- Phim "Yesterday"! Hay lắm!
- Anh có vé không?
Chỉ đợi có vậy, tôi hí hửng chìa tấm giấy mời ra:
- Có đây! Giấy mời hai chỗ!
Việt An cầm tờ giấy, reo lên:
- Hay quá! Để tôi rủ Hồng Hoa đi chung cho vui!
Tôi không ngờ tình huống lại xoay ra như vậy, đành bấm bụng a dua theo:
- Ừ, Việt An với Hồng Hoa đi đi!
Như sực nhớ đến tôi, Việt An hỏi:
- Anh không đi hả?
Tôi cười gượng gạo:
- Tôi xem phim này rồi.
Tối đó, tôi ngồi học bài mà như ngồi trên đống lửa. Nghĩ đến chuyện đáng lẽ giờ này tôi đang ngồi cạnh Việt An trong rạp hát, tôi cứ tức anh ách. Buồn tình chẳng biết làm gì, tôi nắn nót chép lên bài học hai câu thơ của Nguyễn Bính:
- Lòng em như chiếc lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu!
Và ngồi ngâm tới ngâm lui cho tới khi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.
Về thất bại này, sau khi nghe tôi buồn rầu tường thuật lại, Hải gầy kết luận ngắn gọn:
- Vậy là tiêu!
Nó nói kiểu đó khác nào nó giết tôi.
Tôi lập tức phản đối:
- Tiêu sao được mà tiêu!
Hải gầy vẫn khăng khăng:
- Nó không chịu đi xem phim với mày tức là tiêu rồi chứ gì nữa!
Tôi chống chế:
- Nhưng Việt An đâu có biết tao định rủ nó đi xem phim. Nó tưởng tao đem cho vé.
Hải gầy bĩu môi:
- Thôi đi mày ơi! Tụi con gái nó đâu có ngây thơ như mày tưởng. Nó làm bộ phớt tỉnh Ăng-lê để nó cho mày outside đó thôi.
Tôi hừ mũi:
- Mày lúc nào cũng outside, outside, toàn trù ẻo không hà!
Thấy tôi bắt đầu nổi sùng, Hải gầy nhún vai:
- Tao chỉ nói vậy thôi. Còn mọi chuyện là do mày.
Tôi tặc lưỡi:
- Tao sẽ kiểm tra một lần nữa.
- Bằng cách nào?
Tôi nói với giọng quả quyết:
- Rủ đi xem phim! Lần này tao sẽ rủ đích danh!
Hải gầy nhìn tôi nghi ngờ:
- Dám không?
Tôi nóng mặt:
- Sao lại không dám! Mày kiếm cho tao một vé mời khác đi!
Hải gầy làm mặt hề. Nó đứng bật dậy và chập gót chân đánh "cộp" theo kiểu nhà binh:
- Sẵn sàng!
Bốn hôm sau, cũng với tấm vé mời trong túi, tôi lại đến gặp Việt An. Nhưng lần này, tôi đi bằng những bước chân đàng hoàng, vững chải và trang bị trong lồng ngực trái tim quả cảm của Spartacus.
Như những tiết học mẫu mực, tôi mở đầu "chiến dịch" bằng phần "kiểm tra bài cũ":
- Việt An xem phim "Yesterday" thấy hay không?
- Hay, nhưng tôi không thích đoạn kết lắm.
Vì chưa xem phim này nên tôi không biết cái đoạn kết nó ra làm sao, bèn hỏi dò:
- Việt An không thích chỗ nào?
- Chỗ hai vợ chồng ra tòa ly hôn. Ban đầu họ yêu nhau ghê gớm mà cuối cùng lại không sống với nhau lâu dài được. Tình yêu như vậy nghĩ cũng buồn thật!
Việt An nói chuyện phim mà tôi cứ giật mình thon thót tưởng nó đang răn đe tôi. Để chứng tỏ mình khác xa cái thằng cha khốn nạn trong phim, tôi vung tay, hùng hổ:
- Yêu như vậy thì thà không yêu còn hơn!
Nói xong, tôi bỗng đỏ bừng mặt vì phát hiện ra tôi đang nói đúng cái câu mà hôm trước Hải gầy dùng để chế giễu "mối tình đơn phương" của tôi.
Không để ý đến sự lúng túng của tôi, Việt An mỉm cười hỏi:
- Chứ theo anh thì phải yêu như thế nào?
Tôi mím môi:
- Yêu là phải yêu cho đến già, đến khi nào chết thôi!
Việt An lườm tôi:
- Anh chỉ giỏi tài nói dóc!
Tôi gãi tai:
- Tôi nói thật đó! Nếu Việt An không tin thì...
- Thì sao?
- Thì rồi Việt An sẽ tin.
Việt An cười cười. Không biết nó có thấy cái "ý nghĩa thâm thúy" trong câu nói của tôi không!
Thấy không khí đã có vẻ thuận lợi, tôi khéo léo chuyển qua mục tiêu chính: kiểm tra tình cảm!
Phần đầu của cuộc "kiểm tra" diễn ra theo đúng kịch bản cũ:
- Việt An đi xem phim nữa không?
- Phim gì vậy?
- Phim "Hai người đàn ông trong thành phố"! Hay lắm!
- Anh có vé không?
- Có đây! Giấy mời hai chỗ!
Tôi chìa tấm giấy mời ra. Nhưng lần này không để Việt An kịp nói "để tôi rủ Hồng Hoa đi chung cho vui", tôi đã lên tiếng trước:
- Tôi chưa xem phim này.
Tôi tin rằng trước "lý do chính đáng" của tôi, Việt An không thể vịn vào bất kỳ cớ gì để cho tôi outside lần nữa. Không ngờ Việt An lại nói, mặt nó tỉnh khô:
- Vậy anh rủ Hồng Hoa đi đi! Tôi xem phim này rồi!
Lời từ chối khéo của Việt An chẳng khác nào quả đấm thôi sơn giáng vào ngực tôi. Tôi cảm thấy choáng váng và trong nỗi cay đắng sững sờ, tôi đâm mất bình tĩnh và dại dột buột miệng:
- Xạo!
Việt An giật nẩy mình. Nó nhìn tôi chăm chăm:
- Anh có điên không?
Chưa thoát ra khỏi trạng thái bàng hoàng, tôi gật đầu một cách máy móc:
- Điên chứ!
Đến khi định thần lại, biết mình lỡ lời, tôi vội vàng đính chính:
- Không... không điên...
Nhưng Việt An đã không còn ở đó nữa.
Tôi đứng bần thần một hồi rồi quay lưng thất thểu bước đi, tay xé vụn tờ giấy mời ra làm trăm mảnh. Xé tờ giấy mời hay tôi xé mối tình tôi?
Như một người lính bại trận, tôi không dám đến gặp Hải gầy mà lủi thủi về nhà, leo lên giường đắp chăn nằm... nghiền ngẫm tình đời đen bạc.
Lát sau, tôi nghe có tiếng gõ cửa lốc cốc.
- Ai đó? - Tôi hỏi giọng ngán ngẩm.
Hải gầy thò đầu vào:
- Sao rồi? Thành công hay thất bại?
Lúc này, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tôi đang muốn được yên tĩnh, không muốn gặp bất cứ ai, Hải gầy tôi lại càng không muốn gặp. Tôi đã trốn nó thế mà nó lại lù lù dẫn xác tới. Thật khổ!
Tôi ngao ngán thở dài:
- Ngày mai tao kể cho nghe!
Biết tôi đuổi khéo nhưng Hải gầy cứ trơ ra. Nó lại còn nhe răng cười:
- Outside rồi hả?
Tôi đập chân xuống giường một cái "rầm":
- Outside cái con khỉ! Mày cút giùm đi cho tao nhờ!
Thấy tôi nổi dóa, Hải gầy vội vã lui ra, miệng lẩm bẩm:
- Tiệu là vây!
Nó bỏ về gần ba mươi phút mà tôi vẫn chưa hiểu nó nói ba chữ kia là nhằm ý nghĩa gì. Không biết nó nói tiếng Miên hay tiếng Lào! Mãi đến khi ngồi dậy đi tắm, tôi mới chợt hiểu ra "tiệu là vây" tức là "vậy là tiêu", và dù đang rầu thúi ruột tôi cũng phải phì cười. Cái thằng quỷ sứ!