Chương 9 Khoảng mười ngày sau trận đánh nhau với Lợi sứt, tôi đem cho Tiểu Li một chiếc lá thuộc bài.
Tôi đưa chiếc lá cho nó:
- Cho mày nè!
- Lá gì vậy?
- Lá thuộc bài.
- Lá thuộc bài là lá gì?
- Mày ngu quá! Lá thuộc bài là lá thuộc bài chứ lá gì! Ép nó trong tập, mày học qua một lần là thuộc liền!
Tiểu Li thích lắm. Nó nâng niu chiếc lá trên tay như một báu vật.
Chừng mấy ngày sau, nó chạy qua khoe tôi:
- Chiếc lá thuộc bài hay ghê anh hén?
- Ừ. Mày ép nó vào tập chưa?
Tiểu Li gật đầu, mặt tươi rói:
- Ép rồi! Từ khi có nó, em học bài mau thuộc ghê!
Tôi nhún vai, vẻ tự hào:
- Tao đã bảo mà lại!
Tiểu Li nhìn tôi:
- Anh có ép nó trong tập không?
- Có.
Nó lại hỏi:
- Anh học có mau thuộc không?
- Tao hả? Tao... - Tôi ngập ngừng - Tao... cũng như mày thôi!
Tôi không dám nói với Tiểu Li là từ khi có chiếc lá thuộc bài, tôi cũng chẳng sáng dạ ra được chút nào.
Bao giờ tôi cũng học trước quên sau, học sau quên trước.
Để Tiểu Li khỏi dò hỏi lôi thôi, tôi nói lảng sang chuyện khác:
- Ngày mai tao sẽ làm một chiếc vợt.
Tiểu Li trố mắt:
- Chi vậy?
- Để bắt bướm.
Tiểu Li reo lên:
- Hay quá hén! Em thích những con bướm lắm! Cánh nó đủ màu, đẹp ghê!
Tôi lên giọng hào hiệp:
- Tao sẽ bắt bướm cho mày ép vào tập.
Tiểu Li mừng lắm:
- Ừ, anh bắt cho em đi!
Đang nói, bỗng dưng nó rụt cổ:
- Eo ơi, không được! Ép vào tập những con bướm sẽ chết mất!
Tôi bật cười:
- Thì chết chứ sao! Bị đè bẹp dí làm sao sống được!
Tiểu Li chớp mắt:
- Vậy em không ép nó đâu! Chỉ bắt chơi thôi. Chơi xong thả ra.
Tôi bĩu môi:
- Thả ra thì bắt làm gì?
- Thì chơi.
- Hừ, chơi! Chơi là phải ép vào tập! Như vậy những con bướm luôn luôn là của mình.
Tiểu Li cắn môi:
- Nhưng như vậy thì ác lắm! Những con bướm sẽ chết!
- Bướm thì ăn thua gì! Mày làm như người ta không bằng!
Nói xong, tôi giận dỗi quay mặt đi. Hừ, mình có lòng tốt muốn bắt bướm cho nó chơi, nó lại bảo mình ác! Đúng là đồ... con gái!
Tiểu Li đứng lặng lẽ bên cạnh tôi, chân dí dí xuống đất. Chắc nó đang nghĩ cách làm hòa với tôi.
Quả nhiên, một lát sau nó chạm khẽ vào tay tôi, hớn hở nói:
- Em nghĩ ra rồi!
Tôi hỏi, đầu không quay lại:
- Ra cái gì?
- Anh muốn ép vào tập phải không?
Tôi "hừ" một tiếng:
- Biết rồi mà mày còn hỏi!
- Em cũng thích ép vào tập.
Tôi quay phắt lại:
- Thật không?
Tiểu Li lộ vẻ lúng túng:
- Thật! Nhưng không ép bướm mà ép hoa!
Tôi thở dài chán nản:
- Tao nói ép bướm, mày lại nói ép hoa. Lãng xẹt!
Nhưng tôi cũng hỏi:
- Hoa gì?
Mắt Tiểu Li sáng lên:
- Hoa cúc.
- Hoa cúc trước sân nhà mày đó hả?
- Ừ.
Tôi tặc lưỡi:
- Hoa đó mà ép làm gì? Xấu hoắc!
Thấy tôi chê hoa nhà nó trồng, Tiểu Li hơi buồn buồn. Nó hỏi, giọng kém hào hứng:
- Chứ anh thích hoa gì?
Bị "phỏng vấn" thình lình, tôi nhíu mày:
- Tao hả? Tao thích hoa... phượng.
- Hoa phượng hả?
- Ừ, hoa phượng. Hoa phượng ép trong tập trông đẹp lắm!
Tiểu Li quên mất nỗi buồn hoa cúc, nó gật gù:
- Em cũng thích hoa phượng.
Tôi khoe:
- Nhụy hoa phượng ăn ngon lắm. Nó chua chua, ngọt ngọt. Khi nào đến hè, cây phượng trước sân trường mình trổ hoa, tao sẽ hái xuống cho mày ăn.
Tiểu Li lắc đầu:
- Em không ăn đâu. Em chỉ ép nó vào tập thôi.
Tôi khịt mũi:
- Thì mày ép vào tập. Còn tao, tao ăn.
Tiểu Li nhìn tôi:
- Anh nói thật hén?
- Nói thật cái gì?
- Khi nào cây phượng trường mình trổ hoa, anh hái xuống cho em.
- Ừ, lúc đó tao sẽ hái cho mày.
Nhưng mùa hè năm đó, tôi không thực hiện được lời hứa với Tiểu Li. Cây phượng trước sân trường tôi chưa kịp trổ hoa, Tiểu Li đã ra đi.
Một buổi tối tôi đang ngồi học bài, bỗng thấy Tiểu Li chạy qua.
Nó đứng trước cửa, ngoắc tôi:
- Anh Thư!
Tôi ngẩng đầu lên:
- Gì đó? Vô đây đi!
Tiểu Li vẫn đứng ngoài cửa:
- Anh ra đây, em nói cái này nè!
Tôi chạy ra và ngạc nhiên khi thấy mắt Tiểu Li đỏ hoe. Tôi hỏi:
- Mày mới bị ăn đòn hả?
Tiểu Li lắc đầu, môi nó mím lại.
Tôi ngơ ngác:
- Chứ tại sao mày khóc?
Nó sụt sịt một hồi rồi mới đáp:
- Vài ngày nữa nhà em dọn đi.
Tôi vẫn chưa hiểu ra:
- Đi chừng nào về?
- Không về nữa! Đi luôn!
Tôi bàng hoàng nắm chặt hai tay nó:
- Đi luôn là sao?
- Là đi luôn chứ sao! Dọn nhà đi nơi khác!
- Sao vậy?
- Em không biết! Em chỉ nghe mẹ em nói vậy.
Tôi đứng ngẩn ngơ một hồi lâu, tay vẫn nắm chặt lấy Tiểu Li như sợ buông ra nó sẽ bay đi mất. Mãi một lúc, tôi mới mở miệng được, lòng cố bám víu một hy vọng cuối cùng:
- Nhưng mày phải ở lại học nốt năm học này chứ?
Tiểu Li khẽ lắc đầu:
- Em cũng nói vậy nhưng mẹ em không chịu. Ngày mai mẹ em lên trường xin cho em nghỉ học.
Vừa nói, Tiểu Li vừa nức nở. Còn tôi, tự bao giờ nước mắt đã ướt đẫm trên má. Gặp lúc khác, tôi đã xấu hổ quay mặt đi. Nhưng lúc này, tôi chẳng buồn che giấu Tiểu Li nỗi xúc động buồn bã của mình.
Đứng lóng ngóng một hồi, chẳng biết làm gì tôi cho tay vào túi rờ rẫm. Đụng phải viên bi, tôi lấy ra cho Tiểu Li:
- Cho mày nè!
Tiểu Li lặng lẽ cầm lấy viên bi rồi bất thần nó chạy vụt về nhà.
Tối đó, tôi trằn trọc hoài không sao ngủ được. Cứ nghĩ đến chuyện phải chia tay với Tiểu Li, đến những ngày sắp tới phải đi học một mình, tôi cảm thấy một nỗi đau khổ vô bờ bến tràn ngập trong lòng và tôi úp mặt vào gối khóc rưng rức.
- o O o -
Bây giờ tôi khác hồi nhỏ là tôi không khóc dù lòng tôi cũng đang trĩu nặng những đau buồn. Việc lá thư tình đầu đời của tôi bị từ chối thẳng thừng và tàn nhẫn chẳng khác nào một nhát dao đâm vào tim tôi, nhói buốt.
Đối với tôi, Việt An trước sau vẫn chập chờn như một cái bóng, hư hư ảo ảo. Tôi dại khờ hăm hở lao theo một cách vô vọng, chẳng được kết quả gì, lại còn bị Hải gầy suốt ngày giỨễu cợt.
Nhưng lần này, Hải gầy không buồn mắng tôi là con lừa nữa. Thấy tôi buồn xo, nó cũng ngồi im lặng ngắm... ruồi bay. Chắc nó cũng đang buồn nỗi buồn thất nghiệp. Nghề "thầy dùi" của nó coi như đi tong, chẳng còn dịp đem ra... hại bạn nữa. Tôi đã rầu, dòm qua thấy nó ngồi sờ râu hệt như Khổng Minh ngồi chờ thời ở Ngọa Long Cương, tôi phát rầu thêm.
- Có mấy cọng râu lún phún mà sờ hoài! - Tôi vô cớ xẳng giọng.
Hải gầy chép miệng:
- Chứ không sờ râu thì biết sờ... cái gì?
- Sờ cái cục đá của mày đó!
Hải gầy ngơ ngác:
- Cục đá nào?
- Cục đá ở trên cổ mày chứ cục đá nào!
Hải gầy nhổm người lên:
- Nè, nè, không phải ỷ mình thất tình rồi muốn nói gì nói à nghen!
Tôi nhún vai:
- ý cái khỉ mốc! Trăm sự cũng tại mày mà ra.
Hải gầy nhăn nhó:
- Sao lại tại tao? Thằng này lạ! Yêu người ta không được rồi đổ thừa!
Tôi bĩu môi:
- Tao mà thèm đổ thừa!
- Chứ sao mày bảo tại tao?
- Chứ sao mày bảo Việt An yêu tao?
Hải gầy gãi cổ:
- Thì tao "cảm thấy" như vậy.
- Hừ, "cảm thấy"! "Cảm cúm" thì có!
Hải gầy vò đầu:
- Thật tao chẳng hiểu ra làm sao nữa! Đúng như Cervantès nói "Giữa cái có và cái không của người đàn bà, không có chỗ đứng cho một cây kim gút". Lúc vầy, lúc khác!
- Dẹp ông Cervantès của mày đi! Nè, tao hỏi thật, mày đã yêu ai bao giờ chưa?
- Tao hả? - Hải gầy xốc lại cổ áo - Trước nay tao yêu hàng tỉ người!
Tôi liếm môi:
- Vậy trong những trường hợp như thế này, mày làm sao để nó yêu mày?
Hải gầy đực mặt ra:
- Tao không biết!
Tôi ngạc nhiên:
- Mày đã từng yêu một tỉ người sao lại không biết?
Hải gầy nuốt nước bọt:
- Tao yêu một tỉ người nhưng một tỉ người kia đâu có yêu lại tao.
Tôi thở một hơi dài não ruột và nói bằng một giọng thất vọng không giấu giếm:
- Vậy mà tao cứ tưởng mày ngon lành! Hèn gì mày làm quân sư chỉ đâu hỏng đó!
Hải gầy cố vớt vát uy tín:
- Nhưng tao thuộc hàng lố danh ngôn về tình yêu...
Tôi cắt ngang:
- Danh ngôn thì làm được quái gì! Chỉ tổ rối trí!
Thấy tôi chê bai "kho tàng kiến thức" của nó, Hải gầy đỏ mặt, phản ứng:
- Giỡn hoài mày! Đó là những câu nói có tính chất tổng kết của nhân loại để tùy trường hợp mà mình áp dụng. Chẳng hạn như mày bây giờ có thể áp dụng lời dạy của Donnay: "Là người tình đầu tiên của một phụ nữ không có nghĩa gì cả, phải là người yêu sau cùng của họ kia".
Tôi không hiểu:
- Nghĩa là sao?
Hải gầy gật gù giải thích:
- Nghĩa là bây giờ mày đừng thèm yêu Việt An nữa, để cho nó muốn yêu ai thì yêu. Đến khi nào nó chán rồi, muốn lấy chồng, thì mày nhào vô làm người yêu sau cùng của nó. Như vậy đúng bài bản hơn!
Tôi chắp hai tay:
- Thôi, thôi, cho tao xin! Mày có muốn áp dụng thì áp dụng, chứ tao thì tao "cạch". Cái đó là "ranh ngôn" chứ danh ngôn khỉ mốc gì!
Hải gầy cười hì hì:
- Mày không muốn áp dụng thì thôi, tao còn câu khác...
Tôi vội vã xua tay:
- Thôi, thôi, tao cóc cần danh ngôn!
Hải gầy tỏ vẻ băn khoăn:
- Chứ bây giờ mày tính sao?
Tôi cau mặt:
- Còn tính sao gì nữa! Nó đã ném trả lá thư vô mặt mình thì mình phải biết điều mà rút lui chứ sao!
- Vậy là đành chấp nhận outside?
Cái thằng! Tôi đã nói vậy rồi mà nó cứ hỏi tới hỏi lui.
Tôi bực mình gắt:
- Ừ, outside! Mà mày cũng go out đi cho tao nhờ!
Thấy tôi phát khùng, Hải gầy bỏ đi mất.
Kể từ hôm đó, coi như tôi đã tình nguyện rút lui khỏi... chiến trường thầm lặng. Gọi là rút lui cho oai, chứ thật ra tôi đã bị Việt An "đẩy lui" không thương tiếc. Thực tế phũ phàng đã cho thấy là dù tôi có suit l'amour hay fuit l'amour gì gì đi nữa thì l'amour nó cũng fuit tôi. Tôi chỉ là con cừu ngu ngốc trong truyện của Rabelais. Vậy mà trước nay tôi cứ mơ mộng, tôi khoái nghe Hải gầy "bơm" tôi lên tận mây xanh và tưởng mình là... sư tử Phi châu, vồ đâu trúng đó.
Tôi không thèm nghe lời Hải gầy nữa, tôi "tẩy chay" danh ngôn. Tôi nhất định trở về với... cội nguồn dân tộc, chỉ làm theo ca dao "cây nhà lá vườn":
Có thương thì thương cho chắc
Còn như trục trặc thì trục trặc cho luôn!
Tôi trục trặc cho luôn bằng cách lờ hẳn Việt An, lần này lờ thực sự chứ không phải lờ "chiến thuật" như hôm trước. Sau một "tai họa" như thế, chỉ có muối mặt mới dám gặp nó.
Ngồi học trong lớp, tôi chỉ trò chuyện với Hải gầy. Lúc thầy cô giảng bài, tôi nhìn chăm chăm lên bảng, không hề liếc ngang liếc dọc, làm như ngoài cái bảng ra, trong lớp chẳng có cái gì đáng nhìn.
Tiếng trống tan học vừa vang lên, tôi vội vàng lỉnh ra ngoài ôm cặp vù thẳng một mạch, không rề rà lượn quanh Việt An như trước đây. Chỉ tội Hải gầy, tôi vọt nhanh quá, nó chạy theo tôi muốn đứt hơi. Nhưng biết làm sao được, tôi muốn đi thật xa, xa lắc xa lơ, biến mất trong không gian càng tốt, trước khi tụi con gái ùa ra khỏi lớp, trước khi Việt An kịp nhìn thấy tôi lầm lũi chạy trốn như một con thú nhỏ tội nghiệp.
Thực ra, chạy trốn tình yêu không phải là chuyện dễ dàng. Hình bóng Việt An lúc nào cũng chập chờn trong đầu tôi. Lắm lúc đang ngồi học, tôi cứ muốn quay đầu nhìn trộm nó một cái. Có một giọng nói thì thầm trong tôi: "Chỉ nhìn một cái thôi! Nhìn chứ đâu phải chuyện gì ghê gớm!". Nhưng một giọng nói khác vang lên đầy phẫn nộ: "Nhìn cũng không được! Nó đã thẳng tay từ khước tình cảm của mày, mày còn nghĩ tới nó làm chi?" - "Nghĩ tới hồi nào? Chỉ nhìn thôi! Nhìn nhưng không... nghĩ!" - "Đã không nghĩ thì nhìn làm quái gì? Dẹp đi!". Cái giọng nói sau dữ dằn quá chừng, tôi đành phải "dẹp đi". Dẹp mà trong lòng buồn thỉu buồn thiu!
Tôi "trục trặc cho luôn" được ba ngày thì Việt An đột ngột đến nhà tôi.
Hôm đó là ngày chủ nhật, tôi đang ngồi đọc sách thì nghe có tiếng gõ cửa. Ngẩng đầu lên, tôi giật bắn người khi thấy Việt An đứng ngay trước mặt.
Tưởng bị hoa mắt, tôi thò tay xuống gầm bàn cấu đùi mình một cái. Thấy đau, biết là mình không mơ, tôi vội vàng kéo ghế mời Việt An ngồi, trong bụng thấp thỏm không biết nó tới tìm tôi có chuyện gì. Chẳng lẽ nó tới chửi "bổ sung" cái chuyện đưa thư bữa trước?
- Việt An tới tìm tôi có chuyện gì không? - Tôi hoang mang hỏi.
Việt An mỉm cười:
- Tới chơi thôi!
Nụ cười của nó sao mà bí ẩn quá chừng! Tôi không tin là nó tới chơi. Hẳn là nó có một "âm mưu đen tối" gì đây! Tôi hồi hộp nhủ bụng và lóng ngóng rót đổ cả nước ra bàn. Sự bối rối của tôi khiến Việt An động lòng. Nó nói:
- Rót từ từ thôi! Rót nhanh quá rồi lại than "đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu!".
Câu nói của Việt An khiến tôi đỏ bừng mặt. Rõ ràng nó chửi khéo tôi chuyện hai câu thơ bữa trước. Nhưng đây chắc chỉ mới là phần đầu. Lát nữa nó sẽ "làm khổ" tôi về chuyện lá thư. Nó sẽ hoạnh họe "Tại sao anh viết thư cho tôi?", "Bộ anh tưởng tôi thích đọc thư anh lắm hả?". Lúc đó, tôi sẽ cứng họng và đực mặt ra như phỗng.
Càng nghĩ càng lo, tôi tìm cách "câu giờ":
- Sao Việt An biết nhà tôi ở đây?
Việt An cười, vẫn nụ cười khả nghi:
- Tôi hỏi anh Hải.
Chết rồi, lại thằng Hải gầy nối giáo cho giặc! Nó làm quân sư cho tôi, bị tôi chê lên chê xuống, nó tức mình chạy qua làm quân sư cho Việt An chắc? Nó khai ra địa chỉ của tôi làm chi cho Việt An mò tới "giết" tôi, lại đúng vào ngày chủ nhật đẹp trời như thế này. Hải gầy ơi là Hải gầy, ngày mai ngươi sẽ biết tay ta!
Việt An cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Nhà anh có bán nước đá không?
Tôi ngạc nhiên:
- Không! Sao Việt An hỏi vậy?
- Tại tôi thấy mấy bữa nay mặt anh lạnh băng!
Tôi mím môi, không trả lời. Nó bắt đầu khiêu chiến đây! Tôi hồi hộp cảnh giác.
Quả nhiên, Việt An tiếp tục "truy" tôi:
- Sao lúc này anh không mua kẹo cho tôi nữa?
Tôi chưa thấy ai độc ác như Việt An. Nó đã thẳng tay bóp chết tình yêu mới chớm nở của tôi, làm tôi khổ lên khổ xuống. Tôi đã biết thân biết phận "lui về ở ẩn", vậy mà nó còn tìm tới châm chọc vết thương lòng của tôi. Tôi giận dỗi đáp:
- Hết tiền rồi!
Việt An tỉnh khô:
- Hết tiền thì tôi cho mượn.
Quỉ quái gì thế này không biết! Tôi giở giọng liều mạng:
- Tôi mượn tiền không bao giờ trả đâu!
Việt An không hề nao núng:
- Tôi đâu có cần anh trả!
Tôi trố mắt:
- Vậy là sao?
Việt An mỉm cười:
- Không sao cả! Anh ngốc lắm!
Sau khi chửi tôi ngốc, Việt An đứng dậy cáo từ. Chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, tôi tin nó ra cửa trong một tâm trạng bần thần khó tả.
Trước khi ra về, Việt An nhìn thẳng vào mắt tôi, nói:
- Ngày mai anh đừng giở bộ mặt đưa đám ra nữa! Trông xấu lắm!
Tôi ấp úng:
- Tôi... tôi...
Thấy tôi cứ "tôi, tôi" hoài, Việt An nhắc giùm:
- Anh định nói chuyện lá thư chứ gì?
Tôi lập tức nín bặt và đứng chết trân, hệt như Từ Hải lúc sa cơ.
Việt An chớp mắt, nó nhìn xuống đất, và mỉm cười nói khẽ:
- Tôi cần gì phải đọc lá thư của anh! Anh thật ngốc!
Lần thứ hai trong mười phút đồng hồ, Việt An bảo tôi ngốc. Nhưng lần này, "chửi" xong, nó hấp tấp bước đi, không thèm chào tôi, cũng không thèm ngó tôi lấy một cái. Nếu ngó, nó sẽ thấy tôi vẫn còn giữ nguyên bộ mặt đưa đám, nhưng thay vì đưa đám ma tôi chuyển sang đưa đám... cưới!