Vô Kỵ chỉ cần biết nơi giam giữ Tạ Tốn ở đâu thôi, nhưng chàng hỏi đi hỏi lại mà Nam Sơn chỉ biết có như trên nên chàng đoán chắc việc bí mật và quan trọng như thế này khi nào Viên Chân lại để cho một tên tiểu tốt hay biết đến nên chàng mới thôi không hỏi y nữa. Hơn nữa từ giờ đến tết Ðoan Ngọ còn hơn một tháng thì đủ thời giờ cho mình dưỡng thương và ung dung đi cứu viện.
Ba người ở trong miếu Trung Mục mấy ngày bình yên vô sự, không thấy Thiếu Lâm Tự cho người liên lạc gì cả.
Tới ngày thứ tám Triệu Minh đã lành mạnh bẩy tám phần rồi, Vô Kỵ cũng thấy chân khí trong người đã có thể lưu thông được dần, chân tay bắt đầu có sức lực. Nếu lúc này kẻ địch có tới tuy chàng chưa đủ sức đả thương chúng thì cũng đủ sức đào tẩu được rồi. Nam Sơn rất tận tâm, không dám có ý định phản bội chút nào.
Triệu Minh cười nói:
- Vạn Thọ Nam Cương, tuy ngươi không có căn bản để học võ công nhưng làm quản gia thì lại là nhân tài thượng thặng đấy!
Nam Sơn gượng cười đáp:
- Cô nương dạy rất phải!
Lại thêm mười ngày nữa, vết thương của Vô Kỵ và Triệu Minh đã lành mạnh hẳn.
Hàng ngày được ăn toàn những món ăn ngon lành của Nam Sơn làm cho, da mặt hai người đã hồng hào, tinh lực rất dồi dào.
Vô Kỵ liền bàn với Triệu Minh làm thế nào để lên chùa Thiếu Lâm cứu Tạ Tốn.
Triệu Minh đề nghị:
- Phương pháp tốt nhất là điểm huyệt tên Nam Sơn này rồi phái y tới chùa Thiếu Lâm do thám, nhưng khốn nỗi tên này võ công tầm thường quá. Nhỡ để Thành Khôn với Hữu Lượng biết thì mưu kế của hai người sẽ bại lộ, hỏng hết đại sự. Chi bằng thế này vậy, hai chúng ta tới chân núi Thiếu Lâm Tự trước rồi tùy cả mà ứng biến. Nhưng chúng ta phải cải trang đi mới được.
Vô Kỵ vội hỏi:
- Hóa trang để làm gì? Chẳng lẽ cạo trọc đầu làm hòa thượng với ni cô hay sao?
Triệu Minh mặt đỏ bừng hờn giận đáp:
- Thế mà đại ca cũng đòi nghĩ mưu kế. Một tiểu hòa thượng giắt một tiểu ni cô ban ngày đi lại lại như vậy thì còn ra gì thể thống nữa?
Vô Kỵ vừa cười vừa nói tiếp:
- Hay là chúng ta giơ dạng thành một đôi vợ chồng nhà nông đến chân núi Thiếu Thất cầy cấy, đốn củi vậy. Giả dạng thành anh em không được hay sao mà đại ca cứ đòi giả dạng làm vợ chồng như thế? Nhỡ Chu Chỉ Nhược cô nương trông thấy có phải bên vai trái em lại bị thủng thêm năm cái lỗ nhỏ nữa không?
Vô Kỵ cười khì một tiếng không tiện nói tiếp nữa.
Sau chàng lại dò hỏi Nam Sơn về tình hình ở bên trong Thiếu Lâm Tự như thế nào. Cuối cùng chàng nói:
- Hiện giờ ngươi bị điểm trúng tử huyệt mà chúng ta mới giải huyệt được có bẩy tám thành thôi.
Nhưng trong đời này ngươi phải ở tận miền Nam mới được, chứ ngươi hễ thấy băng tuyết nhiễm lạnh là chết liền. Vậy bây giờ ngươi phải đi ngay xuống miền nam, ở những nơi càng nóng càng tốt, bằng không chỉ một chút gió lạnh ngươi cũng bị mạo cảm ho hen, lúc ấy sẽ vô cùng nguy hiểm.
Nói xong, chàng xoa bóp cho y một hồi, giả là giải cả tử huyệt cho y nữa.
Nam Sơn tưởng thật, vái chào hai người ra khỏi cửa miếu tiến thẳng về miền Nam ngay. Quả nhiên suốt đời y cử ở những miền man di tại miền Nam, cẩn thận giữ gìn không để cho bị gió lạnh, nhờ vậy sau này y sống mãi tới tận đời vua Kiến Văn nhà Minh mới mất.
Hai người chờ Nam Sơn đi xa rồi mới nổi lửa đốt luôn miếu Trung Mục cho tới khi cháy thành đống gạch vun mới lên đường.
Hai người đi được hơn mười dặm liền tới một nhà nông gia, mua lại hai bộ quần áo rồi vào trong rừng thay luôn, còn quần áo cũ của hai người thì chôn ngay xuống đất. Hai người từ từ đi thẳng tới chân núi Thiếu Thất.
Hai người đi cách Thiếu Lâm Tự chừng bẩy tám dặm, trên đường đã gặp ba hòa thượng ở trong chùa rồi.
Triệu Minh liền nói:
- Chúng ta không thể tiến thêm được nữa!
Hai người thấy gần đó có hai căn nhà, ngoài cửa có một cồn đất trồng rau và có một ông già quê mùa đang tưới ra.
Triệu Minh liền nói tiếp:
- Chúng ta xin ở nhờ nhà ông già này đi!
Vô Kỵ tiến lại gần lên tiếng hỏi:
- Thưa lão trượng, anh em chúng tôi đi đường mệt mỏi, xin lão trượng ban cho một bát nước uống để giải khát.
Ông già làm như không nghe thấy gì cả, cứ tiếp tục tưới rau như thường.
Vô Kỵ lại nói thêm một lần nữa, ông già ấy vẫn không trả lời.
Bỗng có một tiếng kẹt cửa, cánh cửa ngôi nhà lá mở toang ra.
Một bà lão tóc bạc phơ bước ra vừa cười vừa trả lời:
- Ông lão nhà tôi vừa điếc lại vừa câm, chẳng hay quan khách muốn dậy bảo gì thế?
Vô Kỵ đáp:
- Cô em gái của tôi đi đường mỏi mệt quá, không sao đi tiếp được cho nên chúng tôi muốn vào đây, xin hai cụ bát nước cho đỡ khát.
Bà cụ liền trả lời:
- Mời hai người cứ vào đây!
Hai người theo bà cụ vào bên trong. Thấy trong nhà quét dọn sạch sẽ, cả bàn ghế cũng được lau chùi rất sạch. Bà cụ tuy mặc quần áo vải thô sơ sài nhưng cũng sạch sẽ vô cùng.
Triệu Minh trong lòng mừng rỡ thầm, uống xong ngụm nước liền lấy ra một nén bạc rồi vừa cười vừa nói:
- Thưa cụ! Anh cháu đem cháu về nhà bà ngoại, trong khi đi đường cháu bị trẹo chân không sao tiếp tục đi được nữa. Tối hôm nay muốn xin cụ cho ở nhờ một đêm, sáng mai chúng cháy lại lên đường ngay.
Bà cụ đáp:
- Ngủ nhờ một đêm thì không sao, khỏi cần đưa tiền bạc cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ có một phòng, một cái giường. Dù vợ chồng tôi có nhường chiếc giường đó cho cô cậu chăng nữa, cô cậu cũng không sao ngủ chung được. Hì Hì! Cô bé kia cứ nói thật cho già nghe đi! Có phải cô lén trốn cha mẹ theo người yêu đi phải không?
Triệu Minh thấy bà già nói đúng tâm sự của mình, mặt liền đỏ bừng nghĩ thầm: "Bà cụ này sành tâm lý thật. Nghe giọng nói của bà ta hình như bà cụ này không phải là nhà nông thường" .
Nghĩ đoạn, nàng ngắm bà cụ thêm một hồi. Nàng thấy bà cụ tuy lưng còng, nhưng bước đi rất lẹ làng.
Hai mắt tuy lim dim nhưng vẫn có ánh sáng tia ra. Chưa biết chừng bà ta lại là người có võ công cao siêu là khác.
Triệu Minh cũng tự biết Vô Kỵ ăn mặc còn giống nhà nông chứ mình thì mặt mũi, cử chố, lời nói, thái độ không có một điểm nào là giống người quê mùa hết.
Vì vậy nàng liền rỉ tai bà cụ khẽ nói:
- Thưa cụ, cụ đoán đúng lắm! Cháu cũng không dám dấu cụ nữa. Ðại ca đây quen biết cháu từ hồi còn nhỏ, cha cháu hiềm nỗi nhà anh ấy nghèo hèn, không g cho. Mẹ cháu thấy cháu cứ đòi tự tử nếu không lấy được anh ấy mới cho phép cháu theo anh ta...chạy ra đây...Mẹ cháu nói phải ở trốn bên ngoài đôi ba năm chờ có con cái rồi hãy về nhà sau.
Nàng vừa kể, mặt đỏ bừng, vừa liếc nhìn Vô Kỵ, đôi mắt chứa đầy tình tứ.
Nàng lại nói tiếp:
- Nhà cháu ở trên thành cũng gọi là có chút danh tiếng. Cha cháu làm ở trong triều, nếu chúng cháu bị người ta bắt được thì sẽ mang họa tày trời. Thưa cụ, cụ làm ơn đừng nói cho ai biết nhé!
Bà cụ cười ha hả, gật đầu mấy cái rồi đáp:
- Hồi già còn trẻ cũng là một người phoảng lưu như cháu vậy. Thôi được, cháu cứ yên tâm, già sẽ nhường căn phòng cho hai vợ chồng trẻ ở tạm. Nơi đây cách đại đo hàng ngàn dặm, cam đoan với cô bé là không có ai theo tới đâu, mà dù có người theo dõi cô em tới đây làm khó dễ ta cũng không để yên cho chúng đâu.
Bà cụ thấy Triệu Minh đẹp đẽ, nhu mì, vừa gặp mặt đã nói hết nỗi lòng mình cho bà ta hay nên bà cụ liền có thiện cảm với nàng liền quyết chí ra tay trợ giúp.
Bà cụ lại muốn giúp hai người thành vợ chồng nữa nên mới nhường phòng như vậy. Triệu Minh nghe thấy bà cụ nói mấy lời như vậy, biết ngay bà ta là người trong võ lâm. Nơi đây cách chùa Thiếu Lâm không xa, không hiểu bà ta với phái Thiếu Lâm là bạn hay là thù. Vì vậy nàng vẫn hết sức dè dặt, không dám lộ chút tung tích nào cả.
Thế rồi nàng quỳ xuống vái lạy và nói:
- Cụ làm ơn giúp chúng cháu như vậy, chúng cháu thực cám ơn vô cùng. Ngưu đại ca mau cám ơn bà cụ đi!
Vô Kỵ nghe lời chạy đến vái lạy bà cụ. Bà cụ liền nhường căn phòng của mình cho hai người rồi tự kê một tấm ván ở ngoài snh đường để làm giường.
Triệu Minh kéo Vô Kỵ vào trong phòng kể rõ câu chuyện bịa đặt với bà cụ cho chàng nghe.
Vô Kỵ gật đầu hỏi lại:
- Ông cụ tưới rau hồi nãy bản lĩnh cao siêu hơn bà cụ này nhiều, không biết Minh muội có nhận thấy điều đó không?
Triệu Minh đáp:
- Thế à? Thế mà em không biết tí gì cả đấy!
- Ông ta gánh phân đi rất nhanh mà nước ở bên trong không tròng trành một chút nào đủ thấy nội công của ông ta cao siêu biết bao?
- Thế so sánh với đại ca thì ai hơn ai kém?
- Nào đã thử tài đâu mà biết được?
Chàng vừa cười vừa nói rồi ôm luôn Triệu Minh lên vai giả bộ làm gánh phân.
Triệu Minh cười khúc khích hỏi:
- Ðại ca định ví tôi như thùng phân hay sao?
Bà cụ nghe thấy hai người cười đùa trong lòng không còn hoài nghi gì nữa liền đi ra luôn.
Ðêm hôm đó hai người với hai vợ chồng lão nông phu đó cùng ăn một bàn, thức ăn có gà vịt hẳn hoi.
Vô Kỵ với Triệu Minh thỉnh thoảng giả bộ bóp tay bóp chân nhau làm như một đôi tình nhân bỏ trốn thật vậy.
Bà cụ già thấy vậy chỉ mỉm cười còn ông già làm như không trông thấy gì hết, cứ cúi đầu ăn hoài.
Cơm nước xong xuôi, Vô Kỵ với Triệu Minh vào trong phòng đóng cửa lại.
Trong khi ăn, hai người giả bộ đùa giỡn nhau, ngờ đâu cả hai đều động lòng thật sự. Triệu Minh mặt đỏ bừng khẽ nói:
- Hồi nãy chúng ta giả bộ đấy thôi! Ðại ca đừng có cho là thật đấy nhé!
Vô Kỵ liền ôm nàng vào lòng hôn hít khẽ đáp:
- Nếu chỉ là giả bộ thôi thì đôi ba năm nữa làm sao sinh con đẻ cái được?
Triệu Minh hổ thẹn nói tiếp:
- ủa! Thế ra đại ca núp ở bên ngoài đã nghe lỏm hết những lời tôi nói rồi à?
Tuy với Triệu Minh cười đùa ăn nói rất phóng túng, bây giờ Vô Kỵ cũng nghĩ mình đã có hôn ước với Chu Chỉ Nhược rồi. Chàng chỉ mong cứu xong nghĩa phụ và thành hôn với Chu Chỉ Nhược xong mới dám nghĩ đến chuyện thành hôn với Triệu Minh.
Lúc này chàng đang ôm Triệu Minh trong lòng, tuy thấy trong người rạo rực thật nhưng vẫn biết kìm chế nên hôn nàng xong chàng liền ẳm nàng lên giường đặt nằm xuống rồi chàng ra nằm lên một cái ghế, vận Cửu Dương Thần Công chân khí chạy khắp người hai vòng sau đó mới tựa lưng vào vách ngủ luôn.
Triệu Minh nằm trằn trọc mãi không ngủ được cho tới khi nghe thấy tiếng gà gáy sáng. Ðang mơ mơ màng màng thì bỗng nhiên nàng nghe thấy có tiếng chân đi rất lẹ và chỉ thoáng một cái bóng ngay trước cửa nhà này.
Nàng vội giơ tay ra lay gọi Vô Kỵ.
Ngờ đâu, Vô Kỵ thấy động cũng hay biết và giơ tay lên định lay nàng.
Tay hai người khẽ chạm vào nhau rỗi khẽ nắm chặt lấy.
Bỗng nghe thấy tiếng ngoài của có một tiếng thánh thót vọng vào:
- Vợ chồng họ Ðỗ kia, có chúng ta tới đây, mau mau ra mà chịu chết.
Một lát sau thấy bà cụ ở trong cửa trả lời:
- Có phải Thanh Hải Tam Kiếm đấy không? Vợ chồng chúng tôi ở Sơn Tây xa lánh tới đây là vì sợ hãi Thanh Hải Ngọc Chấn Quang của quý vị đây. Mà người ta khi đã biết lỗi chịu cúi đầu nhận lỗi vái lạy thì kẻ thù cũng tha thứ cho liền, ba vị hà tất phải đuổi tận, giết tuyệt không chịu buông tha cho chúng tôi như thế?
Người ngoài cửa cười ha hả trả lời:
- Nếu hai vị sợ thực sự thì cứ việc quỳ xuống vái lạy ba lạy, anh em Ngọc Chấn Quang chúng ta sẽ xí xóa cho liền.
Chỉ nghe tiếng "lách cách" rồi cánh cửa kêu "kẹt" một tiếng bà cụ liền mời những người đó vào trong nhà.
Người đạo sĩ đi giữa liền hỏi:
- Chẳng hay hai vợ chồng lão định xin lỗi hay định quyết chiến?
Bà cụ chưa kịp trả lời thì ông cụ bên trong đã bước ra. Chỉ thấy xương trong người ông ta kêu như rang lạc. Hiển nhiên ông ta có nội công rất đặc biệt.
Bà cụ cũng múa hai tay rất dẻo như một cô gái độ mười tám, đến đứng cạnh chồng.
Ðạo sĩ nọ lại lên tiếng hỏi:
- Ðỗ tiên sinh, chẳng nói chẳng rằng, có phải khinh Thanh Hải Tam Kiếm chúng tôi không?
Bà cụ vội đỡ lời:
- Chồng tôi già điếc, chẳng nghe thấy gì đâu.
Ðạo sĩ râu ngắn kêu "ủa" một tiếng nói tiếp:
- Ðỗ tiên sinh có tiếng là người nghe tiếng gió cũng có thể biết là ám khí hay vũ khí của đối phương, sao bây giờ lại bị điếc như vậy? Thật đáng tiếc!
Ðạo sĩ đứng bên cạnh rút trường kiếm ra rồi hỏi:
- Sao hai vị không lấy khí giới ra?
Bà cụ liền giơ tay lên, mỗi tay đã có ba thanh đơn đao, dài không đầy nửa thước.
Ông già điếc cũng giơ hai tay lên, trong tay cũng có sáu con đao như vợ vậy.
Chỉ thấy đao ở tay trái ông già lăn sang bên phải còn đao ở phía bên tay phải lăn sang trái. Những ngón tay của ông ta như kết dính với đao, thuần thục vô cùng.
Ba đạo sĩ thấy hai vợ chồng nọ có khí giới đặc biệt như vậy đều giật mình kinh hãi vì họ chưa thấy có ai sử dụng phi đao như thế hết.
Thì ra ông già điếc kia họ Ðỗ, tên là Bách Ðang, vợ là Dịch Tam Nương. Chồng sử dụng tam câu, vợ sử dụng liên tử thương. Vì kết thù với Ngọc Chấn Quang ở Thanh Hải, đôi bên giao chiến mấy lần, có thắng có bại. Sau vợ chồng họ Ðỗ phần thì thấy bên mình ít người, phần vì không muốn dây dưa thù oán nên đã bỏ cả cơ nghiệp đồ sĩ ở Sơn Tây, cao chạy xa bay tới đây. Không ngờ ba lão đạo sĩ này là đệ tử đời thứ ba của Ngọc Chấn Quang là Vân Hạc, đạo sĩ râu ngắn, đạo sĩ béo lùn là Mã Pháp Thông, còn đạo sĩ gầy gò bé nhỏ là Vân Yến cũng vẫn tìm ra. Ba người này kiếm pháp rất cao siêu nên được giang hồ võ lâm ban cho biệt hiệu là Thanh Hải Tam Kiếm.
Mã Pháp Thông thấy vợ chồng họ Ðỗ giở khí giới đặc biệt ra, biết ngay là rất lợi hại liền rút kiếm ra lệnh cho hai người kia cùng tấn công.
Ba lão đạo sĩ liền xông lại, bao vây hai vợ chồng ông già vào giữa.
Vô Kỵ ở trong buồng theo dõi một lúc mà không biết ba lão đạo sĩ dùng bộ pháp gì mà cứ đi xuyên qua xuyên lại giữa hai vợ chồng họ Ðỗ một cách tinh diệu như thế. Vợ chồng ông già liền tựa lưng vào nhau, bốn tay thay đổi nhau múa động mười hai chiếc đao ngắn. Thì ra hai vợ chồng ông già không những có thể lăn đon đao từ tay này sang tay kia mà có thể còn trao đổi sang cho nhau nữa.
Triệu Minh thấy vậy ngạc nhiên hỏi:
- Ðại ca! Họ làm trò phép thuật gì thế?
Vô Kỵ cau mày nhưng không trả lời tiếp tục xem một hồi rồi bỗng nhiên hiểu ra liền trả lời:
- Thì ra y sợ Sư Tử Hống của nghĩa phụ ta nên mới luyện tập môn võ khí này. Nhưng địch sao nổi nghĩa phụ ta?
Triệu Minh ngạc nhiên vô cùng vội hỏi lại thì Vô Kỵ giải thích cho nàng rõ:
- Năm người này tất nhiên đều có thù với nghĩa phụ. Ông già sợ Sư Tử Hống của nghĩa phụ mới tự đâm thủng tai để khỏi nghe thấy gì nữa...
Chàng vừa nói tới đó thì đã thấy Thanh Hải Tam Kiếm liên tiếp tấn công vợ chồng họ Ðỗ nhưng đều bị họ gạt bay ra ngoài hết. Mười hai con đơn đao cứ chạy quanh người họ, bảo vệ một cách rất nghiêm cẩn.
Thanh Hải Tam Kiếm tấn công luôn năm lần thấy không ăn thua gì đành phải dành thế thủ.
Ðỗ Bách Ðang liền tiến lên dùng đon đao đâm luôn vào bụng Mã Pháp Thông. Nhân lúc ông già tiến lên tấn công Vân Hạc và Vân Yến liền thừa thế múa kiếm tấn công vào sau lưng y, nhưng kiếm thế của họ đều bị đon đao của Dịch Tam Nương gạt ra hết. Ðao pháp của hai người này, một công, một thủ, phối hợp rất chặt chẽ nhịp nhàng. Người tấn công cứ việc tấn công, người thủ cứ việc thủ không cần bận tâm gì cả. Pháp Thông bị Bách Ðang tấn công ba đao liền, chân tay cuống quýt lùi lia lịa. Bách Ðang lại càng lăn x vào tấn công nguy hiểm hơn trước nhiều. Vân Hạc thấy vậy liền rú lên một tiếng thật dài thay đổi luôn kiếm cùng Vân Yến. Hai người làm thành một thành kiếm, ngăn cản Bách Ðang ra ngoài ba thước. Tiếp theo đó ba thanh kiếm cùng múa tít, phòng vệ kín đáo khôn tả.
Vô Kỵ cười nhạt một tiếng rỉ tai Triệu Minh:
- Pho đao pháp với kiếm pháp này của chúng đều dùng để đối phó với nghĩa phụ tôi hết. Minh muội thử xem chúng trấn thủ nhiều, tấn công ít, sở trường là thủ hơn công, dù chúng có đấu thêm cả ngày nữa cũng không sao phân thắng bại được.
Quả nhiên năm người đấu mãi vẫn không sao phân thắng bại được.
Mã Pháp Thông đột nhiên la lớn một tiếng: "Hãy khoan!" rồi y nhảy ra ngoài vòng chiến. Bách Ðang cũng lui về phía sau.
Pháp Thông nói:
- Có phải hai vị luyện đao pháp này dùng để đồ sư đấy không? Dịch Tam Nương trả lời:
- Sao ba vị lại lanh tin đến thế?
Pháp Thông nói tiếp:
- Tạ Tốn đã giết chết con của Ðỗ lão tiên sinh, thù này thế nào cũng phải trả cho được. Bây giờ chúng tôi đã dò biết được kẻ thù của lão tiên sinh đang ở chùa Thiếu Lâm, sao lão tiên sinh không sớm kết liễu cho xong đi?
Dịch Tam Nương đáp:
- Ðó là việc riêng của gia đình chúng tôi, không dám phiền đạo trưởng lo âu hộ.
Pháp Thông lại nói tiếp:
- Chuyện của chúng ta, nguyên là chuyện nhỏ, hà tất phải dây dưa với nhau mãi làm gì. Chi bằng chúng ta hóa địch thành bạn, liên kết đi kiếm Tạ Tốn để trả thù, chẳng hay quý vị nghĩ sao?
Dịch Tam Nương liền đáp:
- Quý vị có thù với Tạ Tốn không?
- Không!
- Nếu không có thù với Tạ Tốn, tại sao ba vị lại luyện môn kiếm pháp chuyên khắc chế Thất Thương Quyền để làm chi?
- Tam nương sành thực, sự thật chúng tôi tới đây chỉ muốn mượn thanh đao Ðồ Long để xem thôi.
Tam nương gật đầu dùng mấy tay viết mấy chữ vào gan bàn tay chồng.
Bách Ðang cũng giơ tay ra viết mấy chữ vào gan bàn tay bà.
Hai vợ chồng Bách Ðang nói chuyện với nhau bằng cách ghi chữ lên bàn tay một hồi. Tam Nương liền trả lời ba vị đạo sĩ:
- Thế thì may mắn lắm, chúng ta năm người liên kết, vợ chồng chúng tôi chỉ cần báo thù, dù có toi mạng cũng cam tâm chứ không dòm ngó bảo đao Ðồ Long đâu.
Pháp Thông cả mừng:
- Hay lắm, chúng ta năm người hợp sức tấn công Tạ Tốn.Tam Nương giết người trả thù, chúng tôi cần bảo đao, hai bên đều toại nguyện, khỏi tổn thương hòa khí.
Năm người liền vỗ tay ăn thề, rồi tất cả cùng vào nhà trong uống nước để bàn kế hoạch trả thù cướp đao.
Thanh Hải Tam Kiếm vừa vào tới trong nhà đã để ý tới phòng trong.
Tam Nương thấy vậy liền vừa cười vừa nói:
- Ba vị khỏi phải nghi ngờ, bên trong có một đôi vợ chồng trẻ, không biết võ công gì hết, vừa trốn nhà ra đi đấy.
Pháp Thông là người rất cẩn thận, sợ đôi vợ chồng trẻ ấy tiết lộ tin tức ra bên ngoài nhưng Tam Nương đã nói tiếp:
- Chúng ta đấu với nhau nửa ngày mà vợ chồng họ vẫn ngủ say như chết vậy. Nếu Mã gia không tin, để già này đi gọi ra cho xem.
Nói xong, bà ta định đẩy cửa vào nhưng bên trong đã cài then rồi.
Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Nếu lúc này ta đánh bại năm tên này sẽ làm mất cả manh mối cứu nghĩa phụ .
Nghĩ đoạn chàng liền ôm chặt lấy Triệu Minh, cả hai đắp chăn giả vờ ngủ.
Lúc ấy Vân Hạc đã dùng sức đẩy gẫy then cửa.
Tam Nương liền cầm nến đi vào, Thanh Hải Tam Kiếm cũng nối gót theo sau.
Vô Kỵ giả bộ mơ mơ màng màng hé mắt ra nhìn Tam Nương.
Pháp Thông dí ngay kiếm vào yết hầu chàng.
Thế kiếm của y vừa nhanh vừa độc.
Vô Kỵ giả bộ kinh hãi kêu "ủa" một tiếng.
Chàng làm như không biết tránh né, lại còn đưa đầu về phía trước.
Pháp Thông vội thu kiếm lại nghĩ thầm:
- Quả thật người này không biết một chút võ công nào cả .
Triệu Minh lại giả bộ kêu khẽ mấy tiếng nhưng vẫn không thức tỉnh cuộn người ôm lấy Vô Kỵ.
Vân Hạc liền lên tiếng:
- Tam Nương nói đúng đấy, chúng ta đi ra thôi!
Chờ năm người đi ra xong, Vô Kỵ liền nhảy xuống guồng ra phía sau cửa nghe lỏm. Chàng nghe Pháp Thông nói:
- Hai vị đã dò ra đích xác Tạ Tốn ở trong chùa Thiếu Lâm rồi ư?
Tam Nương đáp:
- Thiếu Lâm Tự đã phát thiếp mời tất cả anh hùng hào kiệt của các bang phái đến tết Ðoan Ngọ tới chùa dự đại hội đồ sư. Nếu chúng không bắt được Tạ Tốn thì khi nào dám phát thiếp như thế?
Pháp Thông đỡ lời:
- Hai vị đã biết phái Thiếu Lâm sắp đem kẻ thù của hai vị ra giết rồi, vậy Ðỗ lão tiên sinh hà tất phải chọc thủng tai làm điếc như thế làm chi?
Tam Nương cười nhạt đáp:
- Tạ Tốn giết chết đứa con duy nhất của vợ chồng lão thì khi nào vợ chồng già lại để cho người khác giết y. Khi chúng tôi gặp ác tặc họ Tạ đó, già này cũng tự đâm thủng màng tai trước rồi hai vợ chồng cùng đấu trí mạng với y. Từ khi con của chúng tôi chết đến giờ, hai vợ chồng chán nản vô cùng, không còn muốn sống ở trên đời này nên không sợ làm mất lòng phái Thiếu Lâm hay phái Võ Ð 30c5 ang gì hết.
Vô Kỵ nghe nói tới đó, không thấy năm người nói gì thêm nữa vội ghé mắt nhìn qua khe cửa.
Chàng thấy năm người đó đang chấm nước trà viết lên trên bàn để nói chuyện với nhau. Chàng thấy họ cẩn thận như vậy không thể nào dò la nghe ngóng thêm được nữa liền ngồi trên ghế ngủ luôn.
Sáng hôm sau, Tam Nương liền bảo Vô Kỵ:
- Tiểu Tăng ca, ăn cơm đi. Chúng tôi còn phải gánh ba gánh củi đem lên chùa bán. Tiểu ca gánh hộ tôi một gánh có được không? Hòa thượng trong chùa có hỏi tới thì bảo là con của già nhé!
Vô Kỵ đáp:
- Bà dặn sao, tiểu tử xin làm y theo như thế! Quý hồ ông bà cho chúng cháu được ở lại nơi đây để khỏi phải chạy nay đây mai đó, không một ngày nào được yên ổn cả.
Trưa ngày hôm đó Vô Kỵ liền theo ông bà già gánh một gánh củi đi lên chùa Thiếu Lâm. Triệu Minh thì ở lại coi nhà.
Vợ chồng ông già giả bộ đi rất chậm và thở hồng hộc.
Khi vừa tới sơn đình ở ngoài cổng chùa ba người đặt gánh củi xuống ngồi nghỉ ngơi thì đã có hai hòa thượng ở đó rồi nhưng chúng không để ý gì cả.
Tam Nương lấy khăn cột đầu lau chùi mồ hôi cho Vô Kỵ rồi nói:
- Con ngoan ngoãn giúp ta, chắc con mệt lắm phải không?
Vô Kỵ ngửng đầu lên nhìn, thấy nước mắt bà cụ chạy quanh khóe mắt. Chàng mới hay bà già thấy mình động lòng thương con, không nỡ nhẫn tâm làm phật y bà cụ, chàng liền nói:
- Thưa mẹ, con không mỏi mệt gì cả, chắc mẹ mệt lắm thì phải?
Chàng gọi bà cụ là mẹ liền nghĩ đến mẹ mình liền ứa nước mắt ra luôn.
Tam Nương thấy chàng gọi mình là mẹ, nước mắt liền nhỏ dòng xuống, vội cầm cái khăn buộc đầu lên giơ bộ chùi mồ hôi nhưng thật ra là lau nước mắt cho mình và cho Vô Kỵ.
Bách Ðang vội đứng dậy gánh luôn gánh củi rồi ra hiệu cho vợ và Vô Kỵ đi luôn.
Vô Kỵ vội chạy lại dỡ lấy hai bó củi trong gánh của Tam Nương để sang gánh của mình và nói:
- Mẹ này! Chúng ta đi thôi!
Tam Nương thấy Vô Kỵ làm như vậy cảm động vô cùng nên chân đi loạng choạng, không sao tiến bước được nữa.
Vô Kỵ vội quay lại giơ tay ra đỡ.
Một hòa thượng trông thấy vậy nói:
- Thiếu niên này cũng hiếu thảo thật!
Vị hòa thượng thứ hai cũng lên tiếng nói tiếp:
- Bà cụ, có phải gánh củi đem vào chùa đấy không? Mấy ngày hôm nay Phương Trượng đã hạ chỉ pháp, cấm người ngoài vào chùa, các người đừng đi vào nữa!
Tam Nương liền tỏ vẻ phân vân thì hòa thượng thứ nhất đã lên tiếng nói:
- Gia đình nhà quê này, mẹ từ con hiếu, chúng ta đặc cách cho họ vào. Sư đệ hãy đưa họ đi lối cửa sau Hưng Tích Thử (bếp của nhà chùa). Nếu giám chùa biết thì bảo những người này đã đến bán quen rồi. Như vậy cũng không sao đâu.
Người thứ hai đáp:
- Vâng! Giám chùa cấm, không để cho người ngoài vào là để phòng bị những kẻ gian đấy thôi, còn những người trung hiếu thật thà này thì cấm đoán họ làm chi?
Thế rồi hòa thượng ấy dẫn cả ba người đi lối cửa sau vào chùa.
Khi gánh tới phòng chứa củi đã có tăng nhân của Hưng Tích Thử tính tiền nong trả cho ba người liền.
Tam Nương vội nói:
- Chúng ta lại có tiền mua rau ăn mấy ngày rồi. Ngày mai chúng ta đem mấy cân rau vào đây biếu mấy vị sư phụ ăn thử. Rau ấy là rau của chúng tôi biếu mấy vị chứ không phải trả tiền nong gì cả.
Mấy tên hòa thượng nghe thấy bà già nói như vậy đều khoái trí cười tít mắt.
Một hòa thượng bỗng nói:
- Từ nay trở đi các người không được phép lên đây bán củi nữa.
Y nói tới đó liền đưa mắt ngắm nhìn Vô Kỵ một hồi rồi nói tiếp:
- Bổn chùa đang cần một thằng nhỏ gánh nước bổ củi, tiền công mỗi tháng năm chỉ bạc, chẳng hay chú em kia có chịu đi làm không?
Tam Nương cả mừng liền nhận ngay.
Trái lại Vô Kỵ lo âu nghĩ thầm:
- Trong chùa này có quá nhiều người biết ta, nhỡ bị chúng nhận ra thì sao?
Nghĩ đoạn, chàng liền nói với Tam Nương:
- Thưa mẹ, nhà con...
Tam Nương thấy cả hội này rất hiếm có vội an ủi chàng:
- Con cứ yên trí ở lại đây làm việc nghe lời các sư phụ. Vợ con thì mấy hôm nữa mẹ sẽ đưa nó lên thăm con. Lớn như vậy mà cứ không chịu rời khỏi gia đình đi ra ngoài kiếm ăn, chẳng lẽ bây giờ vẫn còn muốn nó cho bú hay sao?
Nói xong, bà ta lại tỏ vẻ âu yếm vuốt tóc chàng mấy cái. Sự thật Vô Kỵ vẫn mong có cả hội như thế này nhưng chỉ e ngại đôi chút thôi.
Sau chàng thấy mấy hòa thượng đứng cạnh đấy khuyên bảo nên giơ miễn cưỡng nhận lời:
- Tốt hơn hết sư phụ cho tôi sáu chỉ một tháng để tôi đưa cho mẹ năm chỉ, còn chỉ thêm kia để mua vải hoa may áo cho vợ tôi ...
Ai nấy không sao nhịn được cười.
Tam Nương dặn bảo chàng vài lời rồi cùng Bách Ðang xuống núi luôn.
Vô Kỵ theo người coi Hưng Tích Thử là Tuệ Chi xuống dưới gánh nước bổ củi, dọn than.
Trong khi dọn than chàng lấy tay quệt cho dính than lên mặt, làm lem luốc, đầu tóc rối bù khiến ai trông thấy cũng không sao nhận ra được.
Chàng biết những hòa thượng trong chùa Thiếu Lâm này, ai ai cũng đều có võ công cao siêu hết nên nhất cử nhất động đều cẩn thận hết sức.
Bảy tám ngày sau Tam Nương đem Triệu Minh đến thăm chàng hai lần.
Chàng làm lụng hết sức chăm chỉ nên rất được lòng các hòa thượng.
Chàng dò hỏi mấy hòa thượng làm bếp thì không ai biết Tạ Tốn bị giam ở đâu cả.
Tới ngày thứ chín, chàng nghe thấy có tiếng hò hét ở đằng xa vọng lại. Chàng mới nhảy ra bên ngoài, vào trong rừng liền thấy có mấy người đang đấu với nhau. Nhưng do trời tối quá nên không trông thấy mặt những người đó. Mãi sau, chàng mới nhận ra trong số đó có Thanh Hải Tam Kiếm đấu với ba hòa thượng.
Tam kiếm giở Tam Tài Trận ra ngờ đâu mới đấu thêm được một vài hiệp nữa lại đã có một tên bị giết chết.
Nghe tiếng kêu la, chàng nhận ngay ra người đó là Mã Pháp Thông. Còn lại một người, cánh tay phải bị thương liền bị ba hòa thượng kia bủa vây chặt không sao phản công được.
Liền có một giọng khàn khàn hỏi:
- Phái Thiếu Lâm chúng ta xưa này không có thù oán gì với Thanh Hải Ngọc Châu Quan hết. Tại sao các người trong lúc đêm khuya lại đến đây làm gì?
Người còn lại của Tam Kiếm là Vân Hạo rầu rộ đáp:
- Ba anh em chúng ta bị bại trận, chỉ tại tài kém thôi, khỏi cần hỏi nhiều, muốn giết cứ giết đi!
Giọng khàn khàn cười nhạt hỏi tiếp:
- Các người tới đây vì Tạ Tốn hay vì Ðồ Long đao? Hì! Hì! Chúng ta chưa hề nghe qua Tạ Tốn giết hại một người nào trong Thanh Hải Ngọc Châu Quan hết, như vậy chắc chắn các người đến đây là vì bảo đao? Với tài ba này mà cũng đòi xông lên Thiếu Lâm Tự, thực là coi thường thiên hạ võ lâm quá!
Nhân lúc lão hòa thượng đang nói, Vân Hạc liền tiến lên đâm luôn một nhát kiếm. Lão hòa thượng đó đánh chậm một chút liền bị đâm trúng vào vai trái.
Hai hòa thượng đứng bên cạnh liền múa song đao cùng chém xuống.
Vân Hạc đã bị chém ngay ra làm ba mảnh.
- Ba hòa thượng liền đem xác của Thanh Hải Tam Kiếm trở về chùa.
Vô Kỵ đang định đi theo xem sao bỗng dưng nghe thấy ở bụi cây bên cạnh phía bên phải có tiếng một người hô hấp rất nhẹ nên liền nghĩ thầm:
- Nguy hiểm thật, không ngờ còn có người mai phục ở đây nữa?
Chàng phải nằm yên chờ đợi.
Nửa giờ sau chàng lại nghe thấy có tiếng vỗ tay hai cái trong bụi lau đó.
Ðằng xa cũng có tiếng vỗ tay đáp lại.
Tiếp theo đó liền có sáu hòa thượng ở trong bụi lau nhảy ra cùng quay trở về chùa.
Vô Kỵ chờ sáu người hòa thượng đi khỏi mới rời khỏi chỗ nấp, trở về căn nhà nhỏ ở trong bếp.
Các hỏa công hòa thượng vẫn đang ngủ say, chàng nghĩ thầm:
- Nếu ta không trông thấy thì làm sao biết được chỉ trong nháy mắt Thanh Hải Tam Kiếm đã bị chết thảm ở nơi đây .
Trải qua đêm đó, chàng biết trong chùa phòng bị rất cẩn mật nên chàng cẩn thận hơn.
Hết chương 90