Cô Gái Có Hình Xăm Rồng Chương 9

Chương 9
Thứ Hai, 6 Tháng Giêng Thứ Tư, 8 Tháng Giêng

Blomkvist đọc mãi tới tận sớm ngày Chúa Hiển Linh 1 mới dậy. Một chiếc Volvo màu lam, kiểu mới đã đậu ở bên ngoài nhà Vanger. Vừa lúc anh đưa tay mở cửa, thì nó mở và một người đi ra. Họ suýt đâm vào nhau. Người này có vẻ đang gấp. 


- Ố? Tôi giúp được anh gì không?? 

- Tôi đến gặp Henrik Vanger. – Blomkvist nói 

Mắt người đàn ông sáng lên. Anh ta mỉm cười, chìa tay ra. 

- Chắc anh là Mikael Blomkvist, người sẽ giúp Henrik biên soạn lịch sử dòng họ, đúng không? 

Họ bắt tay nhau. Vanger có vẻ tung hỏa mù che giấu mục đích Blomkvist đến đây. Ông ta thừa cân – kết quả của quá nhiều năm tháng đàm phán kinh doanh bên bàn giấy và trong phòng họp – nhưng Blomkvist nhận thấy ngay nét giống nhau giữa mặt người đàn ông và mặt Henrik Vanger 

- Tôi là Martin Vanger – anh ta nói -  Hoan nghênh đến Hedestad. 

- Cảm ơn. 

- Tôi đã thấy anh trên tivi. 

- Hình như ai cũng đã thấy tôi trên tivi. 

- Wennerstrom… không được lòng người lắm ở cái nhà này. 

- Henrik có nói điều đó. Tôi đang chờ nghe hết câu chuyện. 

- Mấy hôm trước ông ấy bảo tôi là mướn anh. – Martin Vanger cười – Ông ấy nói anh nhận việc ở tận đây có lẽ vì Wennerstrom. 

Blomkvist do dự trước khi quyết định là nói thật. 

- Đấy là một lý do quan trọng. nhưng nói cho ngay thẳng thì là tôi cần rời Stockholm và trôi nổi đến Hedestad đúng lúc. Ít nhất là tôi nghĩ như thế. Tôi không thể nói việc tòa án xét xử là không xảy ra bao giờ. Mà muốn gì thì tôi cũng sắp vào tù rồi. 

Martin Vanger gật đầu, bỗng nghiêm túc. 

- Anh có thể kháng án không? 

- Chuyện ấy sẽ không có lợi gì cả. 

Martin liếc đồng hồ. 

- Tôi phải ở Stockholm đêm nay, cho nên tôi phải đi gấp.Vài ngày nữa tôi sẽ về. Hãy đến và ăn tối. Tôi thật tình muốn nghe những gì đã thật sự diễn ra ở phiên tòa ấy. Henrik ở trên gác. Anh vào ngay đi. 

Ngồi bên bàn cà phê trong phòng làm việc, Henrik đọc các báo địa phương Hesdestad Courried, Dagens Industri, Svenska Dagbladet  và hai tờ báo chiều của cả nước. 

- Tôi bất ngờ gặp Martin ở ngoài kia. 

- Vội đi để cứu đế chế đấy. –Vanger nói – Cà phê? 

- Vâng cho xin – Blomkvist ngồi xuống, nghĩ tại sao Henrik nom vui thế. 

- Anh được nhắc đến ở trên báo. 

Vanger đẩy qua một tờ báo chiều, mở đến trang có đầu đề Một vòng truyền thông ngắn gọn. Bài báo do một người giữ chuyên mục viết, trước đây anh ta làm cho tạp chí Monopoly Financial, tự làm cho mình nổi tiếng là một ngư i hăng hái chế giễu bất cứ ai say sưa đến một vấn đề gì hoặc những kẻ thích liều mạng. Những người bảo vệ phụ nữ, chống chủ nghĩa chủng tộc, hoạt động môi trường đều có thể tính đến chuyện sẽ nhận được phần bị chế giễu của mình. Người ta biết người viết chưa từng ủng hộ một niềm tin duy nhất nào của chính bản thân. Bây giờ, mấy tuần sau phiên tòa xử vụ  Wennerstrom, anh ta đang chĩa súng bắn vào Blomkvist, người được anh ta tả là một kẻ ngu ngốc hoàn toàn. Chân dung Erika thì bị vẽ thành một ả truyền thông đĩ đợm bất tài. 

Một tin đồn loan đi rằng Millenium đang bên bờ sụp đổ bất chấp sự thật Tổng biên tập của nó là một người bảo vệ quyền lợi phụ nữ mặc váy mini cũn cỡn và thích chõ mồm vào tivi. Tờ tạp chí đã sống sót mấy năm nhờ cái hình ảnh đã được các biên tập viên đem đi tiếp thị thành công – các biên tập viên này là những phóng viên trẻ gánh vác việc điều tra báo chí và vạch vòi những tên lưu manh vô lại trong giới kinh doanh. Mánh quảng cáo này có thể ăn thua với đám vô chính phủ trẻ chỉ muốn nghe một luồng thông tin nhưng nó không nên cơm cháo gì ở tòa án quận. Như Kalle Blomkvist vừa được tìm ra mới đây. 

Blomkvist bấm di động tìm xem Berger có gọi anh không. Không có tin gì. Vanger lặng lẽ chờ không nói năng gì. Blomkvist biết ông già cho phép anh phá vỡ im lặng. 

- Cậu này dê cỏn. – Blomkvist nói. 

Vanger cười thành tiếng nhưng nói: 

- Có thể như thế. Nhưng anh ta không phải là người bị tòa án nghị án. 

- Đúng. Và anh ta sẽ không bao giờ bị cả. Anh ta không nói cái gì độc đáo bao giờ hết; anh ta chỉ là nhảy lên đoàn xe chiên trống cổ động rồi đến cuối cùng mới ném đá bằng những lời lẽ phá phách nhất mà anh ta có thể phủi tay. 

- Tôi đã sống lâu nên có nhiều kẻ thù. Nếu như có điều gì mà tôi học được thì đó là chớ có dấn vào một trận đánh mà anh cầm chắc sẽ thua. Mặt khác, không cho kẻ đã lăng mạ mình phủi tay lủi thoát. Chờ thời rồi khi vào vị trí mạnh rồi đánh trả - ngay cả khi anh không có nhu cầu đánh trả nữa. 

- Cảm ơn ông cho lời khuyên khôn ngoan, Henrik. Bây giờ xin ông nói về gia đình ông. 

Anh để máy ghi âm lên bàn, giữa hai người rồi bấm nút ghi. 

- Anh muốn biết điều gì? 

- Tôi đã đọc hết cặp hồ sơ thứ nhất, về việc mất tích và các cuộc tìm kiếm, nhưng có nhiều Vanger được nhắc tới quá nên tôi cần ông giúp tôi nhận dạng ra tất cả họ. 

Salander đứng gần mười phút trong gian sảnh vắng tanh, mắt chằm chằm vào tấm biển đồng đề “Luật sư N.E. Bjurman” rồi mới bấm chuông. Khóa cửa kêu đánh cách. 

Hôm nay là thứ Ba. Đây là lần thứ hai họ gặp nhau và cô có một cảm giác không hay về chuyện này. 

Co không sợ Bjurman – Salander ít khi sợ ai hay thứ gì. Mặt khác, cô thấy không thoải mái với người bảo hộ mới này. Người trước, luật sư Holger Palmgren là một loại khác hẳn: lịch sự, tử tế. Nhưng ba tháng trước ông bị một cơn đột quị và theo một số tôn ti trật tự quan liêu, Nils Erik Bjurman đã nhận giám hộ cô. 

Với Salander, trong mười hai năm chịu chế độ giám hộ về xã hội và tâm thần thì hai năm cô ở một bệnh viện cho thiếu nhi, ở đấy, chưa lần nào cô trả lời giống nhau cho câu hỏi đơn giản này : “Hôm nay cháu thế nào?” 

Khi cô mười ba, theo luật của chính phủ về quyền giám hộ trẻ vị thành niên, tòa án đã quyết định nên đưa cô vào phòng bệnh có khóa ở Bệnh Viện Tâm Thần Thánh Stefan cho thiếu nhi tai Uppsala. Quyết định này ban đầu dựa trên việc người ta cho rằng cô hay bị quấy nhiễu về mặt cảm xúc và cô hung bạo nguy hiểm cho các bạn cùng lớp hay có thể cho cả chính bản thân cô. 

Các thầy giáo hay bất cứ quyền uy nào toan khai mào trò chuyện với cô gái về những cảm giác, đời sống tình cảm hay tình hình sức khỏe của cô đều vô cùng thất vọng, họ đã gặp phải một sự im lặng sưng sỉa và một cái nhìn trừng trừng rất lâu lên sàn nhà, trần nhà, tường vách. Cô khoanh tay lại và từ chối tham gia bất cứ khám nghiệm tâm thần nào. Không chỉ chống lại mọi ý định cân đo, lập biểu đồ phân tích hay giáo dục, cô còn chống lại cả việc học ở trường – các vị phụ trách có thể đưa cô lên lớp học, có thể xích cô vào ghế, nhưng họ không thể bắt cô thôi bịt tai, giơ bút lên viết nhăng nhít một cái gì đó trong không khí. Cô hoàn thành chín năm học bó buộc ở trường mà không có một mảnh bằng chứng nhận. 

Kết quả là người ta đem gắn điều này vào với việc quá khó chẩn đoán các khiếm khuyết tâm thần của cô. Tóm lại Salander là đứa cứng đầu cứng cổ 

Lúc cô mười ba, cũng đã có quyết định nên cử một người đỡ đầu để trông nom lợi ích và tài sản của cô cho tới khi cô trưởng thành. Người đỡ đầu là luật sư Palmgren; tuy vào cuộc khá khó khăn, ông cũng đã thành công ở chỗ mà các nhà tâm thần học và các bác sĩ thất bại. Dần dần, ông cũng đã giành được ở cô gái không những một sự tin cậy nhất định mà còn cả một chút nho nhỏ về tình cảm nữa. 

Khi cô mười lăm, các bác sĩ ít nhiều đều tán thành rằng gì thì gì, cô cũng không hung bạo đến mức nguy hiểm, cô cũng không cho thấy có một nguy hiểm nào trước mặt với bản thân. Gia đình cô đã được xếp loại là không bình thường về mặt ý thức hành vi và cô thì không có họ hàng để trông nom được phúc lợi của cô cho nên đã quyết định nên đưa Lisbeth Salander ra khỏi bệnh viện tâm thần thiếu nhi ở Uppsala, cho cô được thả về xã hội với sự chăm sóc của một gia đình. 

Đây không phải là một hành trình suôn sẻ. Chỉ sau hai tuần là cô trốn khỏi gia đình chăm sóc đầu tiên. Nhanh chóng theo nhau, gia đình thứ hai và thứ ba rớt ra ngoài vệ đường. Đến bước này, Palmgren đã phải bàn bạc nghiêm túc với cô, thẳng thừng nói với cô rằng nếu cô cứ kiên trì lối mòn này thì cô sẽ lại bị đưa vào viện tâm thần mất thôi. Đe dọa này đã có kết quả là cô chấp nhận gia đình chăm sóc thứ tư – một cặp vợ chồ ng già sống ở Midsommarkransen. 

Nhưng như thế không có nghĩa là cô tự trông coi được mình. Năm mười bảy tuổi Salander bị cảnh sát bắt bốn lần: hai lần say ma túy quá phải đến phòng cấp cứu, một lần chỉ mới chớm bị ma túy tác hại. Một lần cô được tìm thấy say rượu như chết, quần áo xộc xệch ở trên ghế hậu của một chiếc xe đỗ ở Soder Malarstrand cùng một người đàn ông cũng bí tỉ như thế nhưng già hơn nhiều. 

Lần bị bắt cuối cùng xảy ra trước sinh nhật lần thứ mười tám của cô ba tuần, lần này, hoàn toàn tỉnh táo, cô đá vào đầu một người đàn ông qua đường bên trong cổng ga đường hầm Gamla Stan. Cô bị tố cáo hành hung và đánh đập. Salander nói người đàn ông đã sờ soạng cô và lời khai của cô có nhân chứng ủng hộ. Công tố viên miễn truy tố. Nhưng lý lịch cô đã khiến tòa án quận đòi cô phải có thẩm định của bác sĩ tâm thần. Do cô, như thói quen vẫn thế, từ chối trả lời và tham gia khám bệnh, các bác sĩ được Cơ quan quốc gia về Y tế và Phúc lợi  tham vấn và đưa ra một ý kiến dựa trên “các quan sát bệnh nhân”. Khi gặp phải một phụ nữ cứ im lặng ngồi trên ghế, hai tay khoanh lại, môi dưới bĩu ra thì chính xác mà nói làm sao còn có thể quan sát được cái gì rõ ràng đây. Quyết định duy nhất đưa ra là chắc cô đã bị một kiểu rối loạn cảm xúc nào đó, tính chất của nó thuộc vào loại phải được chữa trị. Bản báo cáo pháp y yêu cầu có sự trông nom ở một sơ quan tâm thần khép kín. Một trợ lý của người đứng đầu tổ chức xã hội phúc lợi đã viết một ý kiến ủng hộ kết luận này của các chuyên gia tâm thần. 

Về phần lý lịch cá nhân, người ta kết luận rằng cô có nguy cơ nghiêm trọng về lạm dụng rượu và ma túy, rằng côthiếu tự nhận hiểu bản thân. Lúc đó hồ sơ của cô mang đầy những thuật ngữ như hướng nội, rụt rè trong xã hội, thiếu đồng cảm, gắn bó với cái tôi, bệnh lý tâm thần và hành xử phi xã hội, khó khăn trong hợp tác, và không thể tiếp thu trong học tập. Bất cứ ai đọc hồ sơ của cô cũng đều nảy ý muốn kết luận Salander là một người kém phát triển nghiêm trọng. Một điểm nữa chống lại cô là tuần tra đường phố của các cơ quan xã hội đã mấy lần quan sát thấy cô “với nhiều đàn ông khác nhau” ở trong khu vực quanh Mariatorget. Cô đã một lần bị chặn lại và bị khám xét ở Tantolunden, lại cũng với một người đàn ông già hơn nhiều. Người ta sợ rằng Salander có thể đang hành động như, hay có nguy cơ trở thành, một gái điếm. 

Khi tòa án quận – nơi sẽ quyết định tương lai cô gái – gặp để quyết định về vấn đề này, kết quả hình như là đã được định đoạt trước cả rồi. Cô rõ ràng là một đứa trẻ có vấn đề và xem ra tòa án sẽ không đi đến một quyết định nào khác hơn là chấp nhận khuyến cáo của các nhà tâm thần học lẫn yêu cầu của xã hội. 

Sáng phiên tòa họp, Salander được mang từ bệnh viện tâm thần thiếu nhi đến, nơi cô bị giữ từ vụ xảy ra ở Gamla Stan. Cảm thấy giống như một người tù ra khỏi trại tập trung: Cô không có hy vọng sống sót hôm đó. Người đầu tiên cô nh n thấy ở tòa án là Palmgren, phải mất một lúc cô mới hiểu ra ông ở đây không phải với vai trò người đỡ đầu mà đúng hơn là người đại diện pháp lý của cô. 

Cô ngạc nhiên thấy ông trước sau đứng về phía cô và ông đã kháng án mạnh mẽ lại chế độ giữ người ở bệnh viện. Cô đã không phản bội lại ông như nhướng một lông mày lên mà trái lại, cô lại nghe chăm chú từng lời ông nói. Trong hai giờ đồng hồ Palmgren đã đối chất xuất sắc với ông thầy thuốc, bác sĩ Jesper H. Loderman, người đã ký tên vào bảng khuyến cáo đưa nhốt Salander ở bệnh viện. Mỗi chi tiết của ý kiến đều được soi rọi tỉ mỉ còn mỗi lời khẳng định thì vị bác sĩ lại được yêu cầu giải thích rõ cơ sở khoa học. Cuối cùng rõ ràng do người bệnh từ chối làm một xét nghiệm duy nhất cho nên thực tế mà nói các cơ sở để cho bác sĩ kết luận chỉ là chuyện đoán mò. 

Vào cuối phiên tòa, Palmgren cho biết rằng ép buộc người bệnh vào bệnh viện tâm thần thì chắc chắn là không chỉ trái với các quyết nghị của Quốc hội trong các trường hợp tương tự mà trong các trường hợp cá biệt, có thể còn là vấn đề lợi dụng cho những sự trả thù về chính trị và truyền thông. Cho nên vì lợi ích của riêng mỗi người hãy cố tìm lấy một giải pháp thích hợp khác. Trong tình hình như thế này, lời lẽ của ông là lạ lẫm với các sự thương thảo, các thành viên của tòa án đã phải thấp thỏm mà uốn éo quanh co. 

Giải pháp đề ra cũng là thỏa hiệp. Tòa kết luận Lisbeth Salander có bị rối loạn về cảm xúc thực sự nhưng tình trạng của cô không cần phải đưa vào nội trú, tòa án cũng xét lại khuyến cáo về chế độ giám hộ của ông giám đốc xã hội phúc lợi. Mỉm cười thâm hiểm, ông chủ tịch phiên tòa quay sang Holger Palmgren, người cho đến nay vẫn là người đỡ đầu của cô gái, hỏi liệu ông có muốn cáng đáng việc giám hộ cô gái không. Rõ ràng ông chủ tịch nghĩ rằng Palmgren sẽ tháo lui và cố đẩy trách nhiệm sang một ai khác. Trái lại, Palmgren tuyên bố ông sẽ vui sướng đảm nhận làm người giám hộ cho Salander – nhưng với điều kiện : “rằng quý cô đây phải tin cậy tôi và chấp nhận tôi là người giám hộ của cô”. 

Ông quay lại đối mặt với cô gái. Những đối đáp qua lại suốt ngày phần nào làm cho cô hoang mang. Cho đến lúc này, chưa hề một ai đã hỏi ý cô. Cô nhìn Holger Palmgren một lúc lâu rồi gật một cái. 

Palmgren là một pha trộn hiếm hoi giữa người làm luật và người làm công việc xã hội thuộc trường phái xưa. Ban đầu ông là một thành viên được đề cử theo chính sách của văn phòng xã hội phúc lợi và ông đã bỏ gần hết cả đời để giải quyết vấn đề thanh niên. Một cảm thức dè dặt về lòng tôn trọng, gần như gần gũi với tình bạn đã mau chóng hình thành nên giữa Palmgren và phòng bệnh thiếu nhi của ông, không nghi ngờ gì đó là khó khăn lớn nhất ông từng phải xử lý. Quan hệ của họ kéo dài mười một năm, từ lần sinh nhật thứ mười ba của cô gái cho tới năm ngoái, khi cô đến gặp Palmgren ở nhà trước Noel vài tuần, sau lần ông để lỡ mất một trong các cuộc họp hàng tháng đã lên lịch của hai người. Cửa nhà vẫn đóng nhưng cô gái đã nghe thấy những tiếng động trong căn hộ ông vọng ra; cô bèn leo một ống dẫn nước nhảy vào ban công trên tầng bốn. Cô thấy ông nằm trên sàn gian sảnh, còn tỉnh nhưng không thể cử động, nói năng. Cô gọi xe cứu thương và đi cùng ông đến bệnh viện Soder, cảm thấy mỗi lúc một hoảng sợ hơn. Trong ba ngày, cô ít rời dãy hành lang bên ngoài phòng cấp cứu. Như con chó giữ nhà tin cậy, cô cứ ngóng vào từng bác sĩ y tá ra vào cửa phòng. Cô đi đi lại lại dọc hành lang như một cô hồn, đăm đăm nhìn vào mỗi bác sĩ bước đến. Cuối cùng một bác sĩ mà cô không thể tìm ra tên đã đưa cô vào một gian phòng để giải thích về tình hình nguy kịch. Ông Palmgren đang suy kiệt về sức khỏe sau cơn xuất huyết não nặng. Không hy vọng ông khôi phục được ý thức. Ông mới sáu mươi tư tuổi. Cô không khóc mà cũng chẳng biến đổi vẻ mặt. Cô đứng lên, rời bệnh viện và không quay lại. 

Năm tuần sau, sở Giám hộ mời Salander đến gặp người giám hộ mới. Phản ứng đầu tiên của cô là lờ đi lời triệu tập nhưng Palmgren đã cho in đậm vào ý thức của cô rằng mọi hành động đều có hậu quả. Đã học phân tích được hậu quả do đó cô đi đến kết luận rằng cách tốt nhất để ra khỏi tình thế tiến thoái đều khó hiện nay là hãy bằng hạnh kiểm của mình – vờ như quan tâm đến những điều họ nói – mà làm cho sở Giám hộ hài lòng. 

Thế là, Tháng mười hai – tạm ngừng điều tra về Mikael Blomkvist – cô đến văn phòng của Bjurman ở St. Eriksplan, ở đấy một bà có tuổi thay mặt sở đã đưa cho luật sư Bjurman hồ sơ toàn diện của Salander. Bà ân cần hỏi Salander tình hình ra sao và bà hình như hài lòng với sự im lặng câng câng mà Salander đáp trả lại bà. Sau chừng nửa giờ bà để Salander vào tay săn sóc của luật sư Bjurman. 

Salander đã rắp bụng trước là không ưa luật sư Bjurman. Cô nghiên cứu trộm ông trong khi ông đọc hồ sơ lý lịch cô. Tuổi: hơn năm chục. Chú ý đến thân thể. Chơi tennis vào ngày thứ Ba và thứ Sáu. Tóc vàng và thưa. Cằm hơi xẻ. Dùng nước hoa Hugo Boss sau khi cạo râu. Com lê màu lơ. Cà vạt đỏ với kẹp vàng và các khuy măng sét cổ tay phô phang có ba chữ tắt đầu tên NEB. Kính gọng thép. Mắt xám. Xét qua các tạp chí trên bàn thì thích săn và bắn. 

Trong những năm cô biết Palmgren, ông luôn mời cô cà phê rồi chuyện gẫu. Ngay các chuyện bỏ trốn tồi tệ nhất của cô ra khỏi các gia đình bảo trợ hay việc cô đều đặn trốn học cũng không làm cho đối xử của ông bị sóng sánh. Lần duy nhất ông thật sự ngạc nhiên là khi cô xông vào đánh cái thằng ba que giở trò với cô ở Gamla Stan. Cô có hiểu cô đã làm gì không? Cô đã hành hạ một con người khác đấy Lisbeth. Ông nói nghe như một ông giáo già và cô đã kiên nhẫn lờ đi từng lời trách móc của ông. 

Bjurman không có thì giờ cho những chuyện vặt ấy. Ông lập tức kết luận là theo nội quy của chế độ giám hộ thì Palmgren đã có mâu thuẫn trong các nghĩa vụ của mình, ở chỗ ông rõ ràng đã cho phép Salander tự cai quản lấy việc nội trợ và tài chính. Bjurman bắt đầu bằng một kiểu thẩm vấn: Cô kiếm được bao nhiêu tiền? Tôi muốn mộ t bản sao chụp các chi thu tài chính của cô. Cô qua thời gian cùng với ai? Cô có trả tiền thuê nhà đúng hạn không? Cô có uống rượu không? Palmgren có tán thành những cái khoen cô đeo trên mặt kia không? Cô có quan tâm đến vệ sinh không? 

Palmgren đã trở thành người đỡ đầu của cô ngay sau khi mọi trò xấu xa kia xảy ra. Ông đã nài ít nhất mỗi tháng một lần cô và ông gặp nhau, đôi khi nhiều hơn. Sau khi cô dọn về Hornsgatan thì họ đã gần như là hàng xóm. Ông sống ở Hornsgatan, cách một hai khối nhà và họ chạy qua chạy lại cùng đi uống cà phê ở Giffy hay một vài quán gần đó. Palmgren chưa bao giờ thử cưỡng ép, nhưng vài ba lần ông đã thăm cô, mang mấy món quà mọn cho sinh nhật cô. Cô đã được mời hẳn hoi là hễ thích thì cứ việc đến ông, một đặc quyền mà cô ít lạm dụng. Nhưng khi cô dọn đến Soder, cô bắt đầu qua đêm Noel với ông sau khi đã đi thăm mẹ cô. Hai người ăn jambon và đánh cờ. Cô không thực sự thích chơi cờ, nhưng sau khi học các quy tắc, cô không chịu thua ván nào hết. Ông góa vợ và Salander coi đó như là nghĩa vụ của cô thương cảm ông trong mấy ngày nghỉ lễ cô đơn này. 

Cô tự coi mình là mắc nợ ông và cô luôn trả nợ. 

Palmgren đã cho cô thuê lại căn hộ của mẹ cô ở Lundagatan cho đến khi cô cần nơi ở của riêng mình. Căn hộ vào khoảng trên 150 mét vuông, xoàng xĩnh, không tân trang nhưng ít ra nó cũng là một mái nhà trên đầu cô gái.

Nay Palmgren đã chết, môt mối dây khác để thiết lập xã hội đã bị cắt. Nils Bjurman là một người hoàn toàn khác. Cô không thể qua tối Noel ở nhà ông. Việc ông làm đầu tiên là đặt ra các quy tắc mới về quản lý tài khoản của cô ở ngân hàng Handelsbanken. Với Palmgren, áp dụng linh hoạt các điều kiện canh giữ để cho phép cô gái được cai quản lấy tiền nong của mình là không thành vấn đề. Cô trả các hóa đơn và có thể dùng khoản tiền tiết kiệm khi cô thấy là phải. 

Tuần trước Noel, sắp gặp Bjurman, cô đã chuẩn bị tinh thần; khi ở nhà ông, cô sẽ cố nói rõ rằng Palmgren đã tin cô và không bao giờ tìm dịp để làm khác đi. Palmgren đã để cô tự quản lấy công việc của mình và không can thiệp vào đời sống của cô. 

- Đó chính là một trong các vấn đề đấy – Bjurman nói, đập đập tay vào hồ sơ lý lịch cô. Rồi ông nói một thôi một hồi về các quy tắc và điều hành của chính phủ về chế độ giám hộ - Ông ta để cho cô tung tẩy tự do, phải thế không? Tôi nghĩ ông ta chối được thế nào chuyện đó chứ. 

Vì ông ta là một tay dân chủ xã hội điên rồ, suốt đời làm việc với đám trẻ. 

- Tôi không còn là một đứa trẻ nữa, - Salander nói, tựa hồ thế cũng đã đủ giải thích rõ rồi. 

- Không- cô không là một đứa trẻ. Nhưng tôi được chỉ định làm người giám hộ của cô và chừng nào tôi còn vai trò này thì về pháp luật và tài chính tôi còn phải chịu trách nhiệm về cô. 

Ông mở một tài khoản mới mang tên cô và dặn cô phải báo cáo việc đó cho văn phòng nhân sự của An ninh Milton và từ nay cứ làm như thế. Những ngày tốt đẹp xưa đã hết rồi. Trong tương lai, các hóa đơn của cô sẽ do Bjurman trả và mỗi tháng ông sẽ cho cô một khoản trợ cấp. Ông bảo ông chờ đợi cô nộp các hóa đơn chi tiêu mọi khoản của cô. Cô sẽ nhận mỗi tuần 1.400 curon “cho ăn uống, quần áo, vé xem phim và các thứ đại loại”. 

Salander kiếm hơn 160.000 curon một năm. Cô có thể kiếm gấp đôi nếu làm trọn giờ và nhận mọi việc Armansky trao. Nhưng cô chi tiêu ít và không cần tiền nhiều. Tiền nhà của cô một tháng cỡ 2000 curon và tuy thu thập cô khiêm tốn vẫn có 90.000 curon trong tài khoản tiết kiệm. Nhưng cô không cần mở nó ra nữa. 

- Điều này liên quan đến việc tôi chịu trách nhiệm về tiền bạc của cô. – Ông ta nói – Cô cần dành dụm tiền cho tương lai. Nhưng khỏi lo, tôi sẽ quan tâm đến tất cả các việc đó. 

Ta đã tự trông nom ta từ lúc ta mười tuổi rồi cơ, cái đồ bò lổm ngổm nhà ngươi! 

- Cô cư xử đã đủ tốt theo như yêu cầu của xã hội cho nên cô không cần vào viện nhưng xã hội này vẫn phải chịu trách nhiệm với cô. 

Ông ta đã hỏi riết cô về những việc An ninh Milton đã giao cho cô. Theo bản năng, cô nói dối phận sự của mình. Trả lời ông, cô tả lại các tuần đầu tiên đến làm ở đó. Bjurman nghe có cảm tưởng cô là một chân pha cà phê và văn thư – những việc khá thích hợp với bất cứ ai hơi lù đù – và ông ta có vẻ hài lòng. 

Cô không biết vì sao lại nói dối, nhưng cô tin chắc đó là một quyết định khôn ngoan. 

Blomkvist đã qua năm giờ với Vanger và mất cả phần lớn ban đêm cùng cả ngày thứ Ba để đánh máy các ghi chép của anh cũng như xâu các mảng phả hệ Vanger lại thành một tổng thể dễ nhận thấy. Hiện ra ở đây, lịch sử gia đình này là một dị bản khác hẳn với cái đã được trình bày và làm hình ảnh chính thức của gia đình. Mỗi gia đình đều có cất giữ vài ba mẫu xương cốt trong tủ, nhưng gia đình Vanger thì có hẳn cả một đống. 

Blomkvist đã phải nhắc nhở mình rằng, công việc đích thực của anh không phải là viết tiểu sử gia đình Vanger mà là tìm ra chuyện gì đã xảy đến với Harriet Vanger. Tiểu sử nhà Vanger sẽ chả có gì khác với trò bày tranh ở gallery. Sau một năm anh sẽ nhận đồng lương vô lí của mình – Bản hợp đồng Frode thảo đã được ký. Anh hy vọng phần thưởng đích thực sẽ là thông tin về Wennerstrom mà Vanger nói là có nắm được. Nhưng sau khi nghe Vanger, anh bắt đầu nghĩ rằng năm sắp tới sẽ không uổng phí. Một quyển sách về họ Vanger sẽ có giá trị đáng kể. Khá dễ hiểu thôi, nó là một câu chuyện tuyệt vời. 

Trong đầu anh không bao giờ thoáng có ý nghĩ là anh có thể phát hiện ra kẻ giết Harriet Vanger – đó là trường hợp cô bị giết chứ không phải chết vì một tai nạn vớ vẩn nào đó. Blomkvist tán thành với Vanger rằng không thể tồn tại các cơ may cho một cô gái mười sáu tuổi tự ý bỏ nhà đi rồi sống ẩn nấp trong ba mươi sáu năm, bất chấp sự dò xét của tất cả bộ máy quan liêu của chính phủ. Mặt khác anh không loại trừ khả năng Herriet đã bỏ trốn, có thể đến Stockholm rồi sau đó một cái gì đó đã xảy đến với cô – ma túy, đĩ điếm, một vụ tấn công hay thuần túy một tai nạn. 

Về phần ông, Vanger cũng tin rằng Harriet đã bị giết chết và một thành viên gia đình chịu trách nhiệm về chuyện này – có thể cộng tác với một người nào khác. Lý lẽ của ông dựa trên việc Harriet đã mất tích trong cơn hoang mang vào giữa lúc hòn đảo bị cắt ra với đất liền và mọi con mắt đều bận hướng vào vụ tai nạn. 

Berger đã đúng khi nói: Nếu như anh có mục đích tìm ra bí mật của một vụ án mạng, thì khi nhận lấy nhiệm vụ đó, đầu óc anh đã mất bình thường rồi. Nhưng Blomkvist bắt đầu thấy số phận của Harriet đóng vai trò trung tâm trong gia đình, và đặc biệt với Henrik Vanger. Bất kể đúng hay sai, các lời kết tội của Vanger đối với họ hàng đều có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử gia đình. Sự kết tội đã được đưa ra công khai trong hơn ba chục năm, nó đã gia thêm màu sắc cho các cuộc tụ họp gia đình cũng như khơi dậy những thù oán độc địa, những cái góp phần làm cho tập đoàn Vanger mất ổn định. Một nghiên cứu về việc Harriet mất tích sẽ giống như một chương hoàn toàn riêng biệt, cũng như cung cấp một sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử gia đình và một lượng dồi dào về tư liệu gốc. Harriet có là việc đầu tiên của anh hay không, liệu anh có viết mau lẹ để làm xong một biên niên gia đình hay không thì điểm xuất phát vẫn cứ cần là phải dựng nên một loạt các nhân vật. Đây là lý do chính vì sao anh đã chuyện trò rất lâu với Vanger ngày hôm đó. 

Gia đình gồm khoảng một trăm người, tính cả con cái của các anh chị em họ bậc một lẫn anh chị em họ bậc hai. Gia đình lớn rộng đến nỗi anh phải tạo ra một cơ sở dữ liệu trong iBook của mình. Anh dùng chương trình NotePad ( www.ibrium.se), một trong những sản phẩm đầy giá trị mà hai người ở đại học Kỹ thuật Hoàng gia đã tạo ra và phát hành như chương trình tự nguyện miễn phí trên Internet. Một phần chương trình của nó cũng có ích cho một nhà báo điều tra. Mỗi thành viên trong gia đình lại có phần tư liệu của bản thân lấy ra từ trong cơ sở dữ liệu. 

Dòng họ có thể được vạch ngược lên tới đầu thế kỷ mười sáu, khi tên gọi còn là Vangeersad. Theo Vanger, tên này có thể bắt nguồn từ họ Geerstat của Hà Lan; nếu đúng là thế thì có thể vạch lui dòng họ lại tới thế kỷ mười hai. 

Thời hiện đại, gia đình đến ở miền Bắc nước Pháp, đầu thế kỷ mười chín, tới Thụy Điển cùng với Quốc vương Jean Baptiste Bernadotle. Alexandre Vangeersad là một người lính và tuy không quen biết nhà vua nhưng ông đã nổi lên như một người đứng đầu giỏi giang của một doanh trại. Năm 1818 ông được cấp phong vùng đất Hedeby như một phần thưởng cho sự phục vụ nhà vua. Alexandre cũng có tài sản của mình, ông lấy nó để mua những khoảnh đất rừng rộng lớn ở Norrland. Con trai ông, Adrian, sinh ở Pháp nhưng theo yêu cầu của bố đã chuyển đến Hedeby, tại khu vực hẻo lánh của Norrland kia, xa cách các phòng khách sang trọng ở Paris để tiếp nhận lấy việc cai quản đất đai cơ nghiệp. Ông làm nghề rừng và nghề nông, áp dụng các phương pháp mới nhập từ châu Âu. Và ông lập nhà máy bột giấy và giấy, Hedestad chính là đã được xây dựng lên ở xung quanh nó. 

Cháu trai của Alexandre tên là Henrik đã rút ngắn tên mình lại thành Vanger. Ông mở giao thương với Nga, tạo ra một hạm tàu buôn nhỏ gồm những thuyền buồm để phục vụ vùng Baltic và Đức, cũng như nước Anh với công nghiệp thép của nó hồi giữa những năm 1800. 

Vị Henrik cao niên ấy đã đa dạng hóa các xí nghiệp của gia đình và lập ra một doanh nghiệp mỏ khiêm tốn cũng như vài công nghiệp thép đầu tiên của Norrland. Ông rời hai người con trai, Birger và Gottfried, họ đã là những người đặt nền móng cho sự nghiệp tài chính của gia tộc Vanger. 

- Anh có biết luật thừa kế cổ tí nào không? – Vanger hỏi. 

- Không. 

- Tôi cũng lơ mơ nốt. Theo truyền thống gia đình, Birger và Gottfried đã chiến đấu như cọp – họ lừng tiếng là dân cạnh tranh cho quyền lực và ảnh hưởng vì chuyện làm ăn của gia đình. Đấu tranh cho quyền lực đã đe dọa chính ngay cả sự sống còn của công ty ở nhiều mặt. Vì lý do ấy, ngay trước khi bố chết, họ đã quyết định đặt ra một hệ thống theo đó tất cả thành viên trong gia đình sẽ nhận được một phần thừa kế - một cổ phần – trong doanh nghiệp. Dụng ý này tốt, điều này không phải nghi ngờ, nhưng nó dẫn tới một tình hình là lẽ ra có thể đưa người có tài và những đối tác tiềm năng từ bên ngoài vào thì chúng tôi có một ban lãnh đạo chỉ gồm toàn thành viên gia đình. 

- Và nay còn áp dụng? 

- Đúng. Nếu một thành viên gia đình muốn bán cổ phần của mình thì cổ phần ấy phải ở trong gia đình. Hiện nay hội nghị hàng năm của các chủ đồng sở hữu gồm có 50% thành viên gia đình. Martin nắm hơn 10% các cổ phần này, tôi có 5% sau khi bán một số của tôi cho Martin cùng mấy người khác.Ông anh Harald của tôi sở hữu 7% nhưng những người đến hội nghị cổ đông thì phần lớn chỉ sở hữu 1% hoặc 0,5% thôi. 

- Nghe cái kiểu cứ như thời trung cổ ấy. 

- Nó lố. Có nghĩa là bây giờ nếu Martin muốn đưa ra một chính sách nào đó, nó sẽ phải mất thì giờ “Vận động hành lang” để bảo đảm có ít nhất 20 đến 25% cổ đông ủng hộ. Đây là mảnh chăn chắp vá, gá ghép của các liên minh, bè phái và mưu mẹo. 

Vanger tóm tắt lịch sử lại: 

- Gottfried chết năm 1901 không có con cái. Hay đúng hơn, xin tha lỗi cho tôi, ông là bố của bốn đứa con gái, nhưng ngày ấy con gái thật sự không được đếm xỉa. Họ sở hữu cổ phần nhưng đàn ông trong gia đình mới là bận tâm về quyền sở hữu. Mãi đến lúc, vào thế kỷ hai mươi, phụ nữ giành quyền được đi bầu, họ mới được cho phép dự các đại hội cổ đông. 

- Rất tự do. 

- Không cần châm biếm. Lúc ấy khác. Muốn gì – Birger, em của Gottfried cũng có ba con trai: Johan, Fredrik và Gideon Vanger. Tất cả đều ra đời vào cuối thế kỉ mười chín. Chúng ta có thể lơ Gideon đi; ông ta bán cổ phần rồi di cư sang Mỹ. Vẫn có một nhánh của gia đình ở bên đó. Còn Johan và Fredrik Vanger thì đã làm cho công ty biến thành Tập đoàn Vanger hiện tại. 

Vanger lấy ra một album ảnh, cho Blomkvist xem những bức ảnh trong gallery các nhân vật mà ông vừa nói tới. Các bức ảnh từ đầu những năm 1900 cho thấy hai người đàn ông với cái cằm nghị lực và tóc chải ém mượt xuống về đằng sau đang nhìn vào ống kính không hề hé ra cho lấy một nụ cười nào. 

- Johan là thiên tài của gia đình. Là kỹ sư ông đã phát triển công nghiệp chế tạo với nhiều sáng chế mà ông đăng ký lấy bằng. Sắt và thép trở thành cơ sở của hãng nhưng kinh doanh cũng mở rộng sang nhiều địa hạt khác gồm cả dệt may. Johan Vanger chết năm 1956 và có ba con gái: Sofia, Marit và Ingrid, những người phụ nữ đầu tiên giành quyền tham dự hội nghị cổ đông. Người anh em khác, Fredrik, là bố tôi. Ông là một doanh nhân và là người lãnh đạo công nghiệp đã biến các sáng chế của Johan thành ra thu nhập. Bố tôi sống mãi đến năm 1964. Ông hoạt động tích cực trong quản lý công ty cho tới khi chết, tuy ông đã chuyển giao việc điều hành hàng ngày cho tôi vào giữa những năm 50 rồi. Đúng là giống thế hệ trước – nhưng ngược lại, Johan chỉ có con gái – Vanger cho Blomkvist xem các bức mấy phụ nữ thân thể vạm vỡ, đội mũ rộng vành và mang dù. – Còn Fredrik bố tôi lại toàn con trai. Chúng tôi có 5 anh em: Richard, Harald, Greger, Gustav và tôi. 

Blomkvist đã vẽ cây dòng họ lên mấy tờ giấy A4 dán liền. Anh gạch dưới tên của tất cả những ai trên đảo Hedeby dự cuộc họp gia đình năm 1966, vậy là những ai, về lý thuyết có thể có ít nhất một cái gì đó dính dáng đến việc Harriet Vanger mất tích. Anh bỏ đi những trẻ dưới 12 tuổi – anh sẽ vẽ đám này ra một chỗ nào đó. Sau nhiều lần cân nhắc anh cũng bỏ Henrik Vanger ra. Nếu vị trưởng lão này có liên quan gì đó đến việc con gái của ông anh mất tích, thì hành động của ông trong 36 năm qua sẽ được cho là biểu hiện thần kinh không bình thường. Mẹ của ông, năm 1966 đã 81 tuổi, cũng có thể hợp lý đem loại trừ. Còn lại là 23 thành viên gia đình, những người mà theo Vanger, cần được gộp vào trong nhóm “nghi can”. Bảy trong số đó nay đã chết, nhiều người hiện cũng đã lên hàng lão đáng kính nể rồi. 

Blomkvist không muốn chia sẻ niềm tin chắc nịch của Vanger rằng một thành viên gia đình đã đứng đằng sau vụ Harriet mất tích. Một số người khác cũng cần được cho thêm vào danh sách nghi can. 

Dirch Frode bắt đầu làm việc với tư cách luật sư cho Vanger vào mùa xuân năm 1962. Và ngoài gia đình ra, ai là gia nhân khi Harriet “bốc hơi”? Gunnar Nilsson – có bằng chứng ngoại phạm hay không chưa nói rõ – thì mười chín tuổi, còn bố anh ta, Magnus thì gần như chắc chắn là có mặt trên Đảo Hedeby cũng như họa sĩ Norman; và mục sư Falk. Falk nữa, có vợ không? Chủ nông trại Aronsson ở OsterGarden, cùng con trai ông, Jerker Aronsson, sống ở trên đảo, khá gần với Harriet Vanger trong thời gian cô ta lớn lên – họ đã có quan hệ với nhau như thế nào? Aronsson vẫn có vợ? Vào lúc ấy còn những ai khác sống ở trại này?

FREDRIK VANGER 

(1886-1964) 

lấy Ulrika (1885 - 1969) 

Richard (1907 - 1940) 

Lấy Margareta (1906 - 1959) 

Gottfried (1927 - 1965) 

Lấy Isabella (1928 - ) 

Martin (1948 - ) 

Harriet (1950 - ?) 

Harald (1911 - ) 

lấy Ingrid (1925 - 1992) 

Birger (1939 - ) 

Cecilia (1946 - ) 

Anita (1948 - ) 

Greger (1912 - 1974) 

lấy Gerda (1922 - ) 

Alexander (1946 - ) 

Gustav (1918 - 1955) 

Không vợ, không con 

Henrik (1920 - ) 

lấy Edith (1921 - 1958) 

Không con

JOHAN VANGER 

(1884 – 1956) 

lấy Gerda (1888 - 1960) 

Sofia (1909 - 1977) 

Lấy Ake Sjogren (1906 - 1967) 

Magnus Sjogren (1929 - 1994) 

Lấy Sara Sjogren (1931 - ) 

Erik Sjogren (1951 - ) 

Hakan Sjogren (1955 -  ) 

Marit (1911 - 1988) 

lấy Algot Gunther (1904 - 1987) 

Ossian Gunther (1930 -) 

lấy Agnes (1933 - ) 

Jacob Gunther (1952 - ) 

Ingrid (1916 - 1990) 

lấy Harry Karlman (1912 - 1984) 

Maria Karlman (1944 - ) 

Gunnar Karlman (1948 - ) 

Khi Blomkvist viết tất cả các tên, bản danh sách lên đến những 40 người. Đã 3 giờ 30 sáng và hàn thử biểu chỉ âm 6 độ F. Anh thèm cái giường của mình ở Bellmansgatan. 

Anh bị người làm công ở Telia đến đánh thức. Đến 11 giờ, anh đã tỉnh hẳn và cảm thấy không còn ngỡ ngàng về nghiệp vụ nữa. Mặt khác, điện thoại của anh vẫn cứ ngoan cố im lìm. Anh thấy có lẽ cũng cần ương bướng và sẽ không gọi cho tòa soạn nữa. 

Anh mở email, xem lướt 350 bức thư gởi anh trong tuần qua. Anh lưu hơn 10 cái, chỗ còn lại là thư rác và các chương trình thư điện anh thuê bao. Bức đầu tiên là từ : ĐỒ DÒI BỌ KHỐN NẠN, ĐỒ CON LỢN THỐI THA. Anh cho nó vào hồ sơ có tên “NHỮNG PHÊ BÌNH THÔNG MINH”. 

Anh gởi cho Erika, chỉ để nói “Anh đã mở được Net, sẵn sàng liên lạc với em khi em tha thứ cho anh. Hedeby là một n ơi thô mộc, đáng đến thăm. M.”. Khi thấy đã đến giờ ăn trưa, anh để iBook vào ba lô, và đi bộ đến quán Cà phê và bánh đầu cầu Susanne. Anh ngồi vào cái bàn ở góc quen thuộc. Đem cà phê và bánh kẹp thịt đến, Susanne tò mò nhìn vào máy tính của anh. Chị hỏi anh đang làm gì. Lần đầu tiên Blomkvist dùng đến câu chuyện hỏa mù che mắt. Họ đùa với nhau. Susanne giục anh, khi nào sẵn sàng nói thật được thì nhớ nói với chị một tiếng. 

- Phục vụ Vanger đã ba mươi lăm năm, tôi biết phần lớn những đồn đại về gia đình này. – Chị nói rồi lệnh khệnh đi vào bếp. 

Với đám con, cháu, chắt mà anh không ngại cho gộp vào, hiện nay gia đình anh em Fredrik và Johan có xấp xỉ 50 người còn sống. Gia tộc này co xu hướng sống thọ. Fredrik sống đến bảy mươi tám, còn em của ông, Johan, thì bảy mươi hai. Trong các con của Fredrik đang còn sống, Harald chín mươi hai và Henrik tám mươi hai. 

Ngoại lệ duy nhất là Gustav, chết vì bệnh phổi ở tuổi ba mươi bảy. Vanger giải thích rằng Gustav luôn ốm đau và đã đi con đường của ông ấy, không bao giờ thật sự hòa hợp với đám còn lại của gia đình. Ông ấy không lấy vợ và không có con. 

Những người chết non khác thì đổ quỵ vì những yếu tố khác chứ không phải vì bệnh tật. Richard Vanger bị giết trong chiến tranh mùa đông khi mới ba mươi ba. Gottfried Vanger, bố của Harriet, chết đuối năm trước năm cô mất tích. Harriet thì mới mười sáu. Mikael ghi lại nét đối xứng kỳ lạ trong cái nhánh đặc biệt này của gia đình – ông, bố, con gái, tất cả đều gặp phải bất hạnh. Người con còn lại duy nhất của Richard là Martin, người đến năm mươi tư tuổi vẫn chưa lấy vợ. Nhưng Vanger giải thích rằng cháu ông thật sự là ở ẩn với một người phụ nữ đang sống ở Hedestad. 

Blomkvist ghi lại hai yếu tố ở trong gia đình này. Thứ nhất là không có Vanger nào trong gia đình này đã li hôn hay tái hôn, ngay cả khi vợ của họ chết trẻ. Anh nghĩ điều này thông thường thôi, theo như các thống kê. Cecilia Vanger đã li thân với chồng trong nhiều năm, nhưng bề ngoài họ vẫn là vợ chồng. 

Nét đặc biệt khác là trong khi con cái của Fredrik Vanger, kể cả Henrik đều đóng vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp và ban đầu sống tại hoặc gần Hedestad, thì nhánh gia đình của Johan Vanger, chỉ đẻ ra toàn con gái, lại đều kết hôn và phân tán đến Stockholm, Malmo, và Goteborg hoặc nước ngoài. Và họ chỉ đến Hedestad vào mùa hè hay các cuộc họp gia đình quan trọng hơn. Ngoại lệ duy nhất là Ingrid Vanger có con trai là Gunnar Karlman, lại sống ở Hedestad. Gunnar Karlman là tổng biên tập của tờ Hedestad Courier

Suy nghĩ như một thám tử tư, Blomkvist cho rằng động cơ ẩn bên dưới việc giết Harriet có thể tìm ra ở trong cấu trúc của công ty – việc ngay từ đầu Henrik Vanger đã cho biết Harriet là đặc biệt với ông; động cơ có thể là để hành ngay chính bản thân Vanger, hay có thể Harriet đã phát hiện ra vài ba thông tin nhạy cảm liên quan đến công ty, do đó trở thành mối đe dọa của một ai đó. Đây chỉ thuần túy là suy diễn; nhưng bằng cách này anh đã nhận dạng ra được một nhóm g ồm 13 cá nhân mà anh coi là có tầm quan trọng tiềm năng. 

Câu chuyện của Blomkvist với Vanger hôm trước đã làm sáng tỏ ra một điểm khác. Từ đầu, ông già đã nói với Blomkvist về rất nhiều thành viên của gia đình ông bằng cái giọng khinh rẻ và bêu xấu. Anh sửng sốt về điều này. Blomkvist nghĩ sự nghi ngờ của vị trưởng lão về gia đình ông liệu đã có làm méo mó đi mất phán xét của ông đối với việc Harriet mất tích hay không, nhưng nay anh bắt đầu nhận thấy Vanger đã có một đánh giá đúng mức khiến cho anh phải ngạc nhiên. 

Qua hình ảnh đang nổi lên, anh thấy một gia đình thành đạt về xã hội và tài chính nhưng lại bị vẹo vọ khá rõ ở mọi phương diện thông thường khác. 

Bố của Henrik Vanger là một người lạnh lùng, dửng dưng cho lũ con ra đời rồi để mặc cho vợ trông nom chúng cùng với hạnh phúc gia đình. Cho đến tuổi mười sáu, đám trẻ vẫn ít khi thấy bố trong những dịp gia đình hội họp, đặc biệt chúng được yêu cầu có mặt, nhưng nào có gặp ông bố. Henrik không nhớ nổi một vẻ yêu thương nào, dù là nhỏ nhất ở bố ông. Trái lại, người con thường được dạy rằng mình bất tài, thường thấy mình là mục tiêu của những lời phê phán. Ít dùng đến trừng phạt thân xác; chuyện đó không cần. Muộn mằn mãi sau này, qua các thành công với Tập đoàn Vanger, anh con trai mới được bố nể trọng. 

Người anh cả đã nổi loạn. Sau một phen cãi cọ - mà lý do vì sao thì gia đình không được bàn đến – anh con trai chuyển đến học ở Uppsala. Ở đây các hạt giống của sự nghiệp quốc xã đã được gieo xuống, chuyện này Vanger đã nhắc đến, rồi cuối cùng là dẫn tới các chiến hào ở Phần Lan. Điều mà ông già trước đây không nói, là hai người anh khác cũng có sự nghiệp giống y như vậy. 

Năm 1930, theo bước chân Richard, Harald và Greger đến Uppsala. Hai người thân nhau nhưng Henrik không dám chắc họ đã sống như thế nào với Richard. Khá rõ là mấy anh em đều gia nhập phong trào phát xít Per Engdahl, Nước Thụy Điển Mới. Harald trung thành theo Per Engdahl trong nhiều năm, đầu tiên với Liên hiệp Quốc gia Thụy Điển, cuối cùng sau chiến tranh thì với Phong trào Thụy Điển Mới. Harald tiếp tục là Đảng viên cho tới những năm 90 khi Engdahl chết, trong một số thời kỳ nhất định ông đã là một trong những người đóng góp chủ chốt vào phong trào phát xít trùm chăn nằm im của Thụy Điển. 

Học y ở Uppsala, Harald Vanger gần như ngay lập tức nhập bọn với đám người bị ám ảnh với các thứ vệ sinh chủng tộc, sinh học chủng tộc. Harald làm việc ở viện Sinh học chủng tộc Thụy Điển một thời gian; là bác sĩ, ông trở thành một nhà vận động hàng đầu cho việc loại bỏ những người không hoàn hảo trong đám dân chúng. 

Trích Henrik Vanger, băng 2, 02950: 

Harald còn đi xa hơn. Năm 1937, với một cái tên giả, cảm ơn Chúa, ông viết chung một quyển sách tên là Châu Âu mới của Nhân dân. Mãi tới những năm 70, tôi mới tìm ra nó. Tôi có một bản mà anh có thể đọc. Chắc nó là một trong những quyển sách đáng ghét nhất từng được xuất bản bằng tiếng Thụy Điển. Harald không chỉ bênh vực cho việc loại bỏ mà còn cho cả việc cho phép tự ý chết- tích cực kết án chết những người vi phạm vào các thị hiếu mỹ học của ông cũng như không phù hợp với hình ảnh của ông về chủng tộc Thụy Điển hoàn hảo. Nói cách khác, trong một bản văn được viết bằng thứ văn xuôi kinh viện không thể chê vào đâu được và mang đầy đủ các luận cứ y học cần thiết, ông đã kêu gọi giết người hàng loạt. Trừ bỏ những ai bị khuyết tật. Không cho dân Saami sinh sôi; họ chịu ảnh hưởng Mông Cổ. Những người bị bệnh tâm thần sẽ coi cái chết như là một hình thức giải phóng, họ có coi như thế không? Những phụ nữ buông tuồng, những kẻ lang thang, những người Gi1pxi và người Do Thái – cậu có thể tưởng tượng ra họ. Trong các hoang tưởng của anh tôi, trại giết người Auschwiz có thể được đặt ở Dalarna. 

Sau chiến tranh, Greger là giáo viên trường trung học cơ sở và cuối cùng là hiệu trưởng của trường dự bị đại học Hedestad. Henrik nghĩ sau chiến tranh ông ta không còn thuộc đảng phái nào và đã từ bỏ Quốc xã. Ông chết năm 1974 và mãi tới khi đọc hết thư tín của ông anh, Henrik mới được biết trong những năm 50, Greger đã gia nhập cái nhóm vô tích sự về chính trị nhưng hoàn toàn lập dị có tên là Đảng Quốc gia Bắc Âu. Ông là hội viên của nó cho tới khi chết. 

Trích, Henrik Vanger băng 2, 04167: 

Kết quả là ba ông anh tôi đều bệnh hoạn về chính trị. Ở các mặt khác họ bệnh hoạn như thế nào? 

Người anh duy nhất đáng được phần nào thông cảm trong con mắt Henrik là Gustav quặt quẹo chết năm 1955 vì bệnh phổi. Gustav chẳng bao giờ quan tâm đến chính trị, ông ta hình như có một kiểu tâm hồn nghệ sĩ, không thích con người, không hề quan tâm chút nào đến kinh doanh hay làm việc trong Tập Đoàn Vanger. 

Blomkvist hỏi Vanger: 

- Nay còn lại có ông và Harald , vậy tại sao ông ấy lại chuyển về Hedeby? 

- Anh ấy chuyển về nhà năm 1979. Anh ấy sở hữu cái nhà đó. 

- Lạ nhỉ, sao ông lại sống gần người anh mà mình không ưa đến vậy? 

- Tôi không ghét anh tôi. Tôi thương anh ấy. Anh ấy ngu ngốc hoàn toàn, anh ấy ghét tôi. 

- Ông ấy ghét ông? 

- Đúng, tôi nghĩ đó là lý do tại sao anh tôi trở lại đây. Để cho những năm cuối cùng còn sống anh ấy được ghét tôi một cách trực diện. 

- Tại sao ông ấy ghét ông? 

- Vì tôi lấy vợ. 

- Tôi nghĩ chỗ này là ông sẽ cần phải giải thích đây nha. 

Henrik thôi tiếp xúc với các ông anh đã lâu. Ông là người duy nhất cho thấy thích nghi với việc kinh doanh làm ăn – ông là hy vọng cuối cùng của ông bố. Ông không thích chính trị và tránh xa Uppsala. Thay vào đó, ông học ở Stockholm. Sau khi đã mười tám tuổi, mỗi kỳ nghỉ hay mùa hè, ông đều làm việc ở một trong các văn phòng của tập đoàn Vanger hay làm công việc quản lý ở một trong các công ty của nó. Ông trở nên quen thuộc với mọi ngóc ngách mê cung của doanh nghiệp gia đình. 

Ngày 10 tháng 6 năm 1941, vào giữa chừng một cuộc chiến tranh tổng lực, Henrik được cử đi Đức sáu tuần xem xét các văn phòng kinh doanh của Tập đoàn Vanger tại Hamburg. Ông mới hai mươi mốt, và người đại diện của Tập đoàn Vanger tại Đức, một thành viên kỳ cựu trong công ty, Hermann Lobach là người đi kèm và cố vấn của ông. 

- Tôi sẽ không làm anh mệt vì mọi chi tiết, nhưng khi tôi đến đó, Hitler và Stalin vẫn là bạn tốt của nhau và chưa có Mặt trận phía Đông. Ai cũng tin Hitler là không thể bại. Có một cảm giác vừa lạc quan lại vừa thất vọng. Tôi nghĩ những chữ ấy rất chính xác. Hơn nửa thế kỷ sau, vẫn khó nói đúng với tâm trạng đó. Đừng hiểu lầm tôi – tôi không là một tay Quốc xã, trong mắt tôi Hitler nom vẻ như một nhân vật bé nhỏ trong một màn kịch con con. Nhưng gần như không thể không bị nhiễm phải cái nhìn lạc quan về tương lai đang tràn ngập ở trong đám thường dân tại Hamburg. Mặc dù sự thật là chiến tranh đang gay gắt hơn, nhiều trận bom đã ném xuống Hamburg trong thời gian tôi ở đó, dân chúng hình như đều nghĩ, quá lắm thì chuyện này chỉ là một phiền toái tạm thời – sớm sẽ hòa bình, Hitler sẽ thành lập Châu Âu mới của ông ta. Dân thích tin rằng Hitler là Thượng đế. Cái này nghe y hệt như tuyên truyền. 

Vanger mở ra một trong nhiều quyển album ảnh. 

- Đây là Lobach. Ông ta biến mất năm 1944, bị cho là mất tích trong một trận ném bom. Trong mấy tuần ở Hamburg, tôi trở thành ra thân với ông ta, sống với ông và gia đình ở một ngôi nhà lịch sự trong vùng lân cận giàu có của Hamburg. Ngày ngày, chúng tôi ở cùng nhau. Ông ta chả có gì là Quốc xã hơn tôi nhưng để cho làm ăn dễ dàng, ông đã vào đảng. Cái thẻ đảng này mở các cánh cửa và tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho tập đoàn Vanger – mà kinh doanh thì đúng là việc chúng tôi đang làm. Chúng tôi đóng toa chở hàng cho các xe lửa của họ - tôi đã luôn nghĩ liệu có toa nào của chúng tôi được nhằm đưa đến Ba Lan không. Chúng tôi bán vải vóc để may quân phục và đèn điện tử cho radio – tuy chúng tôi không biết họ dùng những thứ đó vào chuyện gì. Lobach thì biết cách tìm ra hợp đồng; ông ta dễ được lòng và bản tính tốt. Một người theo chủ nghĩa Quốc xã hoàn hảo. Dần dần, tôi bắt đầu thấy ông cũng là một người đang tuyệt vọng cố giấu đi một bí mật. Trong những giờ phút đầu tiên của ngày 22 tháng 6 năm 1941, Lobach gõ cửa buồng ngủ của tôi. Buồng tôi ở cạnh buồng vợ ông, ông ra hiệu tôi im lặng, mặc quần áo vào và đi với ông. Chúng tôi xuống gác, vào ngồi ở phòng khách hút thuốc. Lobach đã thức cả đêm. Ông mở radio, tôi nhận thấy một điều nghiêm trọng nào đó sắp xảy ra. Chiến dịch Barbarossa đã bắt đầu. Đức đã xâm chiếm Liên xô vào đêm trước Hạ chí, - Vanger phác một cử chỉ nhẫn chịu. – Lobach lấy ra ba cái cốc, rót đầy rượu aquavit cho mỗi chúng tôi. Ông ta rõ ràng xúc động. Tôi hỏi thế này có nghĩa là gì, thì với cái đầu nhìn trước được mọi thứ, ông đáp lại rằng đây có nghĩa là kết thúc của Đức và Quốc xã. Tôi chỉ tin ông có một nửa – Dầu sao Hitler vẫn có vẻ là không thể chiến bại – nhưng chúng tôi đã uống rượu mừng cho sự sụp đổ của nước Đức. Rồi ông chuyển chú ý sang những vấn đề thực tiễn hơn. 

Blomkvist gật đầu tỏ ý vẫn nghe. 

- Thoạt tiên, không có khả năng liên lạc với bố tôi để xin chỉ thị, nhưng theo sáng kiến của Lobach, ông quyết định dừng ngay chuyến thăm Đức của tôi và cử tôi về nhà. Thứ hai, ông yêu cầu tôi làm một việc gì đó cho ông. 

Vanger chỉ vào bức chân dung ba phần tư mặt đã ố của một phụ nữ tóc vàng. 

- Lobach lấy vợ đã bốn mươi năm nhưng năm 1919, ông gặp một phụ nữ đẹp theo kiểu man dại bằng nửa tuổi ông và ông đã vô vọng mà phải lòng cô ta. Cô ấy là một thợ may nghèo, đơn giản. Lobach tán tỉnh và như quá nhiều đàn ông giàu có khác, ông cho cô ấy sống trong một căn hộ cách văn phòng ông một khoảng vừa phải. Cô thành người tình của ông. Năm 1921, cô ấy sinh một con gái, mang tên thánh Edith. 

- Người đàn ông giàu, người phụ nữ nghèo và một đứa con của tình yêu – những cái không thể gây ra nhiều tai tiếng trong những năm 40, - Blomkvist nói. 

- Hoàn toàn chính xác. Nếu như không vướng một điều. Người đàn bà ấy là người Do Thái, do đó Lobach là bố của một người Do Thái lại ở đúng cái nước Đức Quốc xã. Ông bị họ gọi là một “kẻ phản bội lại giống nòi”. 

- A… cái này khiến tình hình thay đổi đi đây. Đã xảy ra chuyện gì? 

- Mẹ của Edith bị dẫn đi năm 1939 và mất tích, chúng tôi chỉ có thể đoán được số phận bà ra sao thôi. Dĩ nhiên được biết cô con gái bà chưa bị liệt vào danh sách đem đi tập trung, người mà bây giờ sở cảnh sát Gestapo lùng tìm, việc của họ là mò ra những người Do Thái chạy trốn. Mùa hè năm 1941, tuần mà tôi đến Hamburg, mẹ của Edith không hiểu sao lại liên hệ được với Lobach, và ông đã bị gọi đi thẩm vấn. Ông nhận có mối quan hệ kia và có con, nhưng ông nói ông không biết con gái ông hiện đang ở đâu và ông không hề có liên lạc với nó từ mười năm nay. 

- Vậy cô con gái ở đâu? 

- Ở nhà Lobach, ngày nào tôi cũng thấy cô ta. Một cô gái 20 tuổi dịu dàng êm ả. Dọn dẹp buồng tôi và giúp nấu bữa ăn tối. Vào năm 1937, việc khủng bố người Do Thái đã được tiến hành nhiều năm và mẹ Edith đã cầu xin Lobach giúp đỡ. Ông đã giúp – Lobach yêu đứa con bất hợp pháp cũng ngang những đứa con hợp pháp của ông. Ông giấu cô ở một nơi không ngờ nhất mà ông có thể nghĩ ra – ngay ở trước mũi của mọi người. Ông đã cố có được các tư liệu giả mạo và ông lấy cô vào làm người trông nom nhà cửa. 

- Vợ ông có biết cô ấy là ai không? 

- Không, hình như bà ấy không biết. Chuyện đã trót lọt được bốn năm nhưng nay Lobach cảm thấy cái dây thòng lọng đang thít lại. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi Gestapo đến gõ cửa. Lúc ấy ông đem con gái đến giới thiệu với tôi. Cô ấy rất ngượng, không dám nhìn cả vào mắt tôi. Cô chắc đã phải thức mất nửa đêm để chờ gọi đến. Lobach cầu van tôi cứu mạng cô. 

- Thế rồi sao? 

- Ông ấy xếp đặt mọi việc. Tôi được bảo ở lại ba tuần nữa rồi bắt chuyến tàu đêm đi Copenhagen, đi tiếp bằng phà qua eo biển – một chuyến đi tương đối an toàn trong thời chiến. Nhưng sau hôm chúng tôi nói chuyện hai ngày, một tàu chở hàng của tập đoàn Vanger phải rời Hanburg đi Thụy Điển. Lobach muốn cử tôi không chậm trễ đi cùng con tàu chở hàng này để rời Đức. Việc thay đổi kế hoạch đi của tôi đã được sở An ninh bằng lòng; nó là một thủ tục, không phải là một vấn đề. Nhưng Lobach muốn tôi lên con tàu này. 

- Cùng với Edith, tôi chắc thế. 

- Edith đã được đưa lậu lên tàu, giấu trong một trong ba trăm cần cẩu chứa máy móc. Việc của tôi là bảo vệ cô và không để cho thuyền trưởng làm điều gì ngu xuẩn nếu cô bị lộ khi còn ở vùng biển của Đức.Nói khác đi là tôi được bảo chờ cho tới khi đã ở khá xa nước Đức mới đưa cô ra khỏi chỗ nấp. 

- Nghe thật đáng sợ. 

- Thoạt nghe thấy đơn giản, nhưng hóa ra lại là một chuyến đi ác mộng. Thuyền trưởng tên là Oskar Granath, còn lâu ông ta mới bằng lòng chịu trách nhiệm về thằng oắt tì con thừa kế của ông chủ hãng tàu. Chúng tôi rời Hamburg vào khoảng 9 giờ tối, cuối tháng Sáu. Chúng tôi đang trên đường ra khỏi cảng trong thì còi báo động không kích rú lên. Một trận bom của Anh – trận nặng nhất tôi từng trải qua và bến cảng dĩ nhiên là mục tiêu chính. Nhưng chả hiểu sao chúng tôi đã qua thoát và sau một vụ máy bị hỏng và một đêm giông bão trong vùng nước đầy mìn, chiều hôm sau chúng tôi đến Karlskrona. Chắc anh sẽ hỏi tôi cô gái rồi ra sao. 

- Tôi nghĩ là tôi biết. 

- Dễ hiểu là bố tôi đã điên tiết lên. Tôi đã liều mọi thứ vì câu chuyện mạo hiểm ngu ngốc của tôi. Mà cô gái thì có thể bị trục xuất ra khỏi Thụy Điển bất cứ lúc nào. Nhưng như Lobach với mẹ cô ấy ngày xưa, tôi cũng vô vọng yêu mất cô ấy. Tôi ngỏ lời với cô ấy và đưa ra một tối hậu thư cho bố tôi – hoặc bố chấp nhận hôn nhân này hoặc bố tìm một con bò béo ú khác ra mà trông nom công việc làm ăn của gia đình. Bố tôi đã chấp nhận. 

- Nhưng bà ấy chết? 

- Đúng, quá trẻ, vào năm 1958. Cô ấy bị khuyết tật tim bẩm sinh. Thế nên tôi không có con được. Và đó là lý do tại sao anh tôi ghét tôi. 

- Vì ông đã lấy bà ấy. 

- Vì, dùng đúng chữ của anh tôi thì tôi đã lấy một con đĩ Do Thái. 

- Thế thì ông ấy điên. 

- Tôi không tài nào nói hay được hơn anh nữa đâu.

 

Hết chương 9. Mời các bạn đón đọc chương 10!

Nguồn: truyen8.mobi/t39758-co-gai-co-hinh-xam-rong-chuong-9.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận