Cô Gái Mang Trái Tim Đá Chương 19


Chương 19
Kinh nghiệm của anh trong chuyện tình dục thực sự có ích.


Sau lưng tôi là cuộc sống duy nhất tôi từng biết, và trước mặt tôi trải ra một cuộc sống tôi chẳng thể nào tưởng tượng nổi. Vừa đi, tôi vừa ngoái lại nhìn hình bóng cha Sunder dần khuất trong màn đêm. Ông đã luôn hiện diện trong cuộc đời tôi từ những hồi ức đầu tiên, vậy mà giờ ông không còn bên tôi nữa. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra là cả tôi lẫn anh đều không có chút ý tưởng nào về nơi chúng ta sẽ đến cả.

Anh dẫn đường, vờ như biết mình đang làm gì, đưa chúng ta ra xa khỏi Engelthal. Tôi ngờ rằng anh đang lo lắng không biết liệu có một toán nữ tu đang chạy theo truy lùng chúng ta không; có lẽ điều anh bận lòng hơn cả là tôi có thể nhụt chí mà quay trở lại. Thế nên anh cứ tiếp tục tiến về phía trước, dù thực tế anh vẫn phải chịu đau đớn vì những vết bỏng, và tôi đã phải hộc tốc để theo kịp anh. Chân tôi ngập trong bùn nhưng tôi quyết tâm cho anh thấy dù anh đi nhanh thế nào, tôi cũng bắt kịp được. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng với mình vì chính tôi cũng không biết đó có phải sự thật không.

Tôi có thể thấy chiến tranh đã dạy anh quên đi những đau đớn thể xác và tiến bước chỉ bằng ý chí bản thân. Tôi đã giúp đỡ quá trình hồi phục của anh, tôi biết những nỗ lực này còn vượt xa tất cả những gì anh đã làm khi được đưa đến Engelthal, và tôi rất ngưỡng mộ sức chịu đựng của anh - cho tới khi, sức chịu đựng ấy bất thình lình suy kiệt.

Anh trượt chân xuống bùn và loạng choạng ngã. Anh cố đứng ngay dậy nhưng không được: ngay khi đứng lên được, anh lại mất thăng bằng một lần nữa. Lần này, khi ngã xuống, anh lấy tay chống, nhưng vùng da co rúm trên ngực đã làm anh rên lên đau đớn. Theo bản năng, anh thu tay lại và chúi mặt xuống bùn.

Tôi cúi xuống đỡ anh và hành động tức thì của anh là đẩy tôi ra. Rồi, có lẽ nhận ra để tiếp tục tiến bước thì chúng ta phải phối hợp cùng nhau, anh để tôi giúp anh đứng dậy. Anh nói, cố ra vẻ đùa cợt, “Tôi nghĩ một con quỷ đã cố kéo tôi xuống đấy.”

Một lúc sau, anh đã hồi phục nên chúng ta có thể rời tới trú dưới một gốc cây. Rồi chúng ta ngồi đó, thân lấm đầy bùn, chờ mưa tạnh. Chúng ta rúc vào nhau để lấy hơi ấm và đây là lần đầu tiên tôi ở gần một cơ thể khác, nói gì đến cơ thể một người đàn ông, nhưng nó lại chẳng giống với những gì tôi từng tưởng tượng. Tôi biết giây phút này thế nào cũng đến và từng nghĩ nó sẽ hồi hộp khủng khiếp, nhưng tôi chỉ cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ rằng mình đã sai lầm khi quyết định rời khỏi Engelthal.

Đây là điểm khởi đầu của cuộc sống chung giữa hai chúng ta: trong làn mưa lạnh giá, không thể tiến lên phía trước, đợi buổi sáng đến và có lẽ - có lẽ - mặt trời sẽ mang tới chút nắng ấm. Có lẽ, tôi nghĩ, đây là dấu hiệu để tôi quay lại. Tôi sẽ trở lại trước khi bất cứ ai biết là tôi đã biến mất, và tôi sẽ giả ốm trong phòng. Một hay hai ngày gì đấy, tôi sẽ trở lại làm việc, và đời cứ thế trôi đi như trước.

Nhưng không. Agletrudis còn lâu mới ỉm hành động của tôi đi, và tôi cũng không thể để mặc một người đàn ông đang đau yếu bên vệ đường được, đặc biệt lại là một người tôi cảm thấy thực sự phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể không nghĩ tới sự bình lặng của tu viện và vị trí của tôi ở đó. Nhà tôi là ở phòng viết, giữa những cuốn sách. Nhưng dưới một cái cây, trong cơn bão, với một người đàn ông tôi hầu như không biết nhưng cũng là người tôi đã đặt cả tương lai vào: sao đó có thể là kim chỉ nam của đời tôi cơ chứ?

Và chẳng có cách nào khác ngoài việc đợi cho đêm tối qua đi.

Rồi mặt trời cũng mọc nhưng vẫn chưa thể xuyên qua những đám mây xám xịt, cơn mưa thưa dần nhưng vẫn chưa chịu tạnh hẳn. Chúng ta bắt đầu đi tiếp, nhưng vẻ mạnh mẽ của anh đã tan biến. Mọi nỗ lực bước đi đều là sự thách thức, và mọi bước đi thành công đều là một niềm hân hoan lớn. Tôi luôn ở cạnh anh với mỗi thắng lợi nhỏ bé này, tôi quàng tay qua người anh, lo ngại rằng nếu lại ngã xuống thì anh sẽ không đứng dậy được nữa.

Rồi may mắn cũng đến với chúng ta, dưới hình dạng một chiếc xe bò. Tiếng chân bò gõ lọc cọc trước mặt chúng ta, anh bèn vẫy tay ra hiệu cho người đàn ông dừng lại. Anh hỏi người đó đang đi về đâu - câu trả lời là Nürnberg, tới chợ - nhưng khi anh xin được đi nhờ, người nông dân đã thẳng thừng từ chối. Có chỗ nào để ngồi giữa một đống lợn thế này cơ chứ, ông ta nói, chỉ vào chỗ hàng đang chở.

“Hai con giá bao nhiêu?” anh hỏi.

Người nông dân ra giá và anh lấy số tiền tương ứng trao cho ông ta, rồi chậm rãi trèo lên chiếc xe bò. Anh cố nâng một con lợn lên nhưng không đủ sức bèn gọi tôi và cả hai ta hợp lại đủ để làm việc đó. Ngay khi con lợn chạm chân xuống đất, nó vội rú lên eng éc và chạy biến vào rừng, và chúng ta lại cho con thứ hai một kết cục tương tự. Anh quay về phía người lái xe đang há hốc mồm và nói, “Giờ đã có chỗ cho chúng tôi rồi đấy.”

Người nông dân càu nhàu thừa nhận rằng ông ta nên làm thế. Tôi có thể thấy ông ta chẳng vui vẻ gì khi có bạn đồng hành là người, nhưng ông ta cũng thừa biết anh sẽ không cho ông ta cứ thế lái đi mà bỏ chúng ta lại đâu. Vì ông ta đã nhận tiền rồi, tặc lưỡi đồng ý có vẻ dễ dàng hơn là tiếp tục tranh cãi.

Những con lợn chen lấn nhau trong suốt chuyến đi, đâm bổ vào chúng ta với vẻ tò mò, dò la chúng ta với mấy cái mũi khụt khịt của chúng. Lúc đầu tôi còn cố xua chúng đi, nhưng những nỗ lực cuối cùng cũng nguội đi vì tôi nhận ra chúng chẳng còn chỗ nào để đi cả. Nếu tôi đẩy được một con ra, ngay lập tức một con khác sẽ nhảy vào thế chỗ. Chúng kêu eng éc liên tục nhưng tiếng ồn cũng chẳng là gì so với mùi hôi, và khi cuối cùng chúng ta cũng tới được ngoại ô Nürnberg, tôi tin chắc Chúa đã viện đến phân lợn để gửi thông điệp của Người.

Người nông dân thả chúng ta xuống một nhà trọ, tôi đoán có lẽ ông ta có thâm thù gì đó với người chủ. Chúng ta hiển nhiên là hai người lạ, lại bốc mùi, đang cố xin thuê một phòng. Chủ nhà trọ có vẻ do dự, chẳng biết xử trí thế nào với một người đàn ông bị bỏng và một nữ tu đi cùng một bầy gia súc, lại còn định thuê chung một phòng nữa chứ. Nhưng anh đã dúi cho ông ta thêm một ít tiền và tôi đề nghị sẽ cầu Chúa chúc phúc cho ông ta, đảm bảo với ông ta rằng dù trông tôi có thế nào thì Chúa cũng vẫn cứ nghe lời cầu nguyện của tôi như bình thường. Ông ta cuối cùng cũng dè dặt kiếm cho tôi và anh một phòng cuối dãy, biệt lập khỏi những phòng trọ khác, và chúng ta chỉ được phép vào ở nếu chịu tắm rửa giặt giũ tại một con suối gần đó trước.

Chỉ có một chiếc giường duy nhất trong phòng và điều này đã nhấn mạnh chuyện tôi đang cố gắng hết sức để không nghĩ tới. Hiển nhiên là có tính nhục dục trong những cuộc trò chuyện giữa chúng ta tại Engelthal. Tôi biết tôi không bỏ đi chỉ để sống như em gái anh, nhưng tôi chẳng biết chút gì về quan hệ nam nữ cả. Những gì tôi nghĩ hẳn đã lộ hết trên mặt. Anh đi ra giữa phòng và trải vài mảnh vải ra, nói rằng anh đã quen nằm đất từ những ngày ở trong đội lính đánh thuê rồi. Anh chẳng nhìn tôi lấy một lần khi tôi cởi bộ đồ ướt nhoẹt của mình ra và trèo lên giường, và tôi vẫn luôn luôn ghi tâm sự tốt bụng đó của anh.

Dù thực sự rất mệt mỏi, tôi vẫn không tài nào ngủ được. Có lẽ anh nghe thấy tiếng chân tôi cứ cọ vào giường bồn chồn lo lắng, hoặc có thể là do hơi thở của tôi không được thoải mái. Dù vì lý do gì đi nữa, sau vài phút anh gọi, “Marianne?”

Tôi gần như hoảng sợ đến nỗi không dám trả lời nhưng cuối cùng cũng đáp lại. “Vâng.”

“Không phải một khởi đầu thực sự tốt đẹp, nhưng dù gì đi nữa nó vẫn là một khởi đầu,” anh nói. “Tôi hứa nó sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Còn tối nay thì cứ ngủ đi và biết rằng em đã an toàn rồi.”

Anh không thể tưởng tượng được những lời đó đã làm tôi trấn tĩnh đến mức nào đâu, và để đáp lại, tôi đã làm điều tôi có thể. Tôi đưa cho anh sợi dây có mặt là đầu mũi tên - không đủ can đảm để tự tay đeo nó vào cổ anh - và nói rằng cha Sunder đã ban phúc để nó luôn bảo vệ anh.

“Thế thì tôi sẽ đeo nó mãi mãi, và sẽ đeo nó đầy kiêu hãnh,” anh nói, “và tôi cám ơn em.”

Chúng ta ngủ cho tới tận tảng sáng hôm sau và quyết định ở lại thêm một đêm nữa để hồi phục trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Chúng ta phải tự quyết định tương lai của mình và thậm chí cả điều này cũng làm tôi lo sợ, vì chúng ta đã có thể tự do chọn lựa điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc đời mình. Tự do lựa chọn là việc anh không thể làm từ khi gia nhập đội quân condotta, và là điều tôi chưa từng biết tới.

Người chủ nhà trọ chuẩn bị bữa tối cho chúng ta và tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy thức ăn có thể ngon đến thế. Hãy nhớ, các nữ tu luôn được dạy rằng sự khiêm tốn của họ được đo đếm bởi sự đạm bạc trong việc nấu nướng. Anh và tôi nói chuyện luôn miệng khi ăn. Chúng ta đều muốn tới một nơi nào đó rộng lớn một chút, để hòa vào đám đông càng nhiều càng tốt, vì những lý do rất hiển nhiên. Hai thành phố lớn nhất vùng là Nürnberg, nhà trọ của chúng ta nằm ven nơi này, và Mainz. Có rất nhiều công trình đang được xây dựng tại Mainz, phần lớn là các nhà thờ mới, vì thế đó là một điểm lợi cho chúng ta. Ngoài nghề cung thủ ra thì nghề duy nhất anh được đào tạo bài bản là thợ xây, thế nên đó là việc anh định làm để kiếm sống. Sẽ chẳng dễ dàng gì, vì anh đã bỏ nghề hơn chục năm rồi và vẫn còn chưa hồi phục khỏi những vết bỏng, nhưng chúng ta chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn cả. Anh để dành được chút tiền từ hồi còn làm lính và huynh trưởng Heinrich cũng đã dúi vào tay tôi ít tiền trước khi chúng ta rời đi, vì thế chúng ta cũng có thể chống chọi được một thời gian.

Có một lý do nữa cho việc chọn Mainz: nó có một sự cân bằng lạ lùng giữa đời sống tâm linh và thế tục. Những cư dân ở đó đã giành được quyền tự bầu chính quyền của mình và tự điều hành các vấn đề tài chính, thay vì để cho Nhà thờ gánh toàn bộ trách nhiệm. Dù vị trí của tôi ở Engelthal chẳng quan trọng cho lắm, tôi vẫn cảm thấy khá hơn nếu chúng ta tới sống ở một thành phố có chút tự trị. Nürnberg quá gần Engelthal cả về địa lý và lịch sử - xét cho cùng, chính từ Nürnberg mà Adelheit Rotter đã lãnh đạo những người Beguine thành lập tu viện đấy thôi.

Đã quyết định lựa chọn Mainz, giờ chúng ta sẽ phải tìm cách đến đó. Tôi không thể đi xa hơn trong bộ quần áo nữ tu của mình, vì tôi sẽ lại có cảm giác mình đang lừa dối mọi người. Dù vẫn chưa biết phải gọi mình là gì, nhưng tôi cũng hiểu mình không còn là nữ tu nữa. Chúng ta tìm được một cửa hàng bán loại quần áo thịnh hành thời đó, và đó cũng là nơi tôi học thêm được về trang phục. Tôi thử một chiếc áo choàng kiểu Pháp với ống tay áo rộng thùng thình, loại áo tôi đã được dạy là “cửa sổ dẫn tới Địa ngục” vì chúng cám dỗ đàn ông khám phá bên trong. Kiểu quần áo như thế không dành cho tôi. Cuối cùng tôi quyết định mặc quần bó và một chiếc áo thụng giản dị. Tôi gói mấy cái áo choàng nữ tu của mình rồi cất vào trong túi đeo vai thay vì ném chúng đi. Dù có muốn đi nữa, tôi cũng chẳng thể nào ném chúng đi như một đống rác được.

Chúng ta tiến vào Mainz từ hướng Đông, qua những cánh cổng mở ra phía sông Rhine. Anh không thể tưởng tượng nổi điều đó đã cuốn hút tôi đến thế nào đâu. Mọi người cứ hò hét ầm ĩ! Tôi biết cũng không hẳn là thế, nhưng hãy nhớ rằng tôi đã sống cả đời trong tu viện. Chúng ta luồn qua đám đông gần chỗ những sạp bán thức ăn, và đi qua đám người say xỉn loạng choạng bước ra khỏi mấy quán rượu. Chẳng một ai cúi chào tôi như cách họ luôn làm nếu tôi mặc áo choàng tu sĩ. Tôi chỉ là một công dân khác mà thôi.

Chúng ta tiến về phía khu dân nghèo của thành phố, tìm kiếm những chỗ trọ rẻ hết mức. Cuối cùng chúng ta cũng tìm được một nhà trọ nhỏ ở khu định cư cho người Do Thái đằng sau cửa hàng của một cặp vợ chồng đã có tuổi. Họ hơi bối rối vì không hiểu tại sao chúng ta lại muốn sống ở đó, vì người phụ nữ đã nhận ra ngay tôi là người theo Thiên Chúa giáo. Tôi đảm bảo với họ rằng tôi không bao giờ muốn cải đạo, và thế là quá đủ. Tôi nghĩ sự chân thành của chúng ta là rất rõ ràng và họ có thể thấy chúng ta chỉ là một đôi trẻ đang yêu. Chúng ta có thực sự như thế hay không thì lại là chuyện hoàn toàn khác - tôi vẫn chưa chắc chắn lắm - nhưng ít nhất đó cũng là những gì chúng ta cho bà chủ nhà thấy. Chúng ta trả trước vài tháng tiền thuê nhà và họ thậm chí còn cho chúng ta ít bánh mì làm quà nữa.

Chúng ta đi thám thính thành phố một lúc, vì anh vẫn chưa thực sự sẵn sàng bắt tay vào công cuộc tìm việc. Tôi đã luôn chắp tay cầu nguyện trong suốt tuần đầu tiên, cầu mong chúng ta sẽ có tình cảm với thành phố này, và quan trọng hơn, cầu mong chúng ta sẽ tiếp tục có tình cảm với nhau. Mainz chỉ rộng độ một đến hai kilomet, không quá lớn, nhưng cũng phải có đến hai mươi nghìn dân. Một mật độ khá lớn vào thời đó. Có một khu dân cư trung tâm với một cái chợ ở góc Đông Bắc thành phố, và khi đến đó lần đầu tiên chúng ta đã lạc vào một lễ hội sôi động chưa từng thấy. Tòa thị chính đặt ở đó, cùng với một bệnh viện được dựng lên để tôn vinh các thánh thần, tôi đã từng gợi ý chuyển anh đến đó khi anh mới bị bỏng. Có một vườn cây ăn quả ở góc phía Tây, và cả một trại nuôi lợn do các tăng lữ dòng Antonite điều hành nữa. Vì lý do nào đó, họ tin rằng chăn lợn là sự bổ sung hoàn hảo cho việc chăm lo người ốm của mình.

Số lượng các hội thánh ở Mainz quả là đáng ngạc nhiên. Có các tu sĩ dòng Franciscan, dòng Augustinian. Dòng Teutonic, dòng Carthusian, dòng Magdalen, và… tôi không biết, nhiều đến nỗi không thể nhớ nổi. Nhưng tôi hứng thú nhất với dòng Beguine, những nữ tu thực thụ mà chẳng cần theo một hội thánh đặc thù nào. Cứ xem hoàn cảnh của tôi thì rõ, anh có thể thấy tôi cảm thấy có gì đó rất gần gũi với họ - họ không thực sự thuộc về Giáo hội nhưng cũng chẳng thuộc về giới trần tục. Họ dường như có mặt ở khắp nơi trên phố và điều đó làm tôi cảm thấy thoải mái hơn một chút. Dù đã rời bỏ Engelthal, tôi không hề có ý định rời bỏ Chúa.

Thánh đường của thánh Martin vượt trội hơn hẳn những nhà thờ khác trong thành phố. Nó được xây dựng dưới sự chỉ đạo của Tổng giám mục Willigis vào khoảng năm 1000, vì ông cần một nơi tôn nghiêm sau khi quyền được tấn phong tại Mainz của các vị vua Đức đã được củng cố. Nhưng ngay trước hôm chính thức khánh thành, nhà thờ thánh Martin bị cháy. Từ đó nó hình như trở nên khoái lửa, vì trên thực tế, đến khi chúng tôi tới thì nó đã bị lửa thiêu hai lần rồi. Tôi luôn nghĩ rằng chuyện ấy có gì đó rất hợp lý. Bị thiêu ba lần, hồi sinh ba lần.

Nhà thờ thánh Martin mang một vẻ đẹp diệu kỳ. Nó có những cánh cửa bằng đồng sáng loáng với một bức tượng đẹp mê hồn tạc cảnh Chúa bị đóng đinh, có cả những cánh cửa sổ trang trí họa tiết gân lá khiến cả gian giữa thánh đường ngập tràn những sắc màu kỳ ảo trong những ngày nắng rực rỡ. Bục chính cho dàn đồng ca được đặt sau cánh ngang còn bục phụ đặt ở hướng Đông. Mộ của một số vị Tổng giám mục như - Siegfreid von Epstein, tôi nghĩ thế, và Peter von Aspelt đặt tại đây. Trong thời gian chúng ta ở Mainz, nhà thờ còn được đặt thêm ngôi mộ của Tổng giám mục xứ Bucheck. Ta không thể nào bước chân vào nơi đây mà không cảm thấy sức nặng của lịch sử.

Sau khi chúng ta kết thúc cuộc hành trình khám phá thành phố, anh liền bắt tay vào tìm việc. Anh biết mình sẽ phải bắt đầu lại từ con số không, nhưng anh luôn tin chắc mình có thể xoay xở tất cả. Mỗi buổi sáng anh dậy thật sớm để đi đến những nhà thờ đang xây dựng, và mỗi ngày anh đều bị bọn họ từ chối. Rồi anh bắt đầu đi đến những ngôi nhà tư nhân đang xây dựng dở dang, nhưng những công trình này cũng từ chối anh nốt. Anh đã trở thành một con chó săn ngộ nghĩnh nổi tiếng quanh khu công trình xây dựng, nhưng dù anh có làm gì đi nữa, cũng chẳng ai chịu nhận anh cả.

Vấn đề đầu tiên là tại anh không chịu nói dối. Khi những người quản lý hỏi kinh nghiệm, anh luôn thật thà nói rằng mình đã không làm thợ xây một thời gian rồi. Khi họ hỏi anh làm gì trong khoảng thời gian đó. Anh trả lời rằng anh đi lính. Nếu bị vặn hỏi chính xác là kiểu lính nào, anh sẽ giữ im lặng. Nhưng lý do thật sự khiến anh bị từ chối, hết lần này đến lần khác, là vì những vết bỏng của anh. Chúng không nhiều như bây giờ đâu, nhưng cứ thử hình dung ra độ mê tín ở cái thời đó thì biết. Ai biết một người bị bỏng đã dính líu đến cái gì, đặc biệt là nếu anh ta không chịu nói rõ ra? Hẳn là anh ta đã làm một chuyện gì đó rất xấu xa, hiển nhiên rồi.

Đêm đêm anh lê bước về nhà, nhưng anh dừng lại một chút trước cửa phòng chúng ta. Anh rũ quần áo cho thật thẳng thớm, anh nắm chặt tay lại rồi xòe tay ra vài lần trước khi hắt ra một nụ cười. Tôi biết điều này vì tôi thường nhìn anh qua ô cửa sổ nhỏ. Trước khi anh bước vào, tôi sẽ chỉnh lại tư thế ngồi để anh không thể biết là tôi đã chứng kiến cảnh ấy.

Chuyện tôi khó thích nghi với cuộc sống mới thì lại khác. Tôi cảm thấy bị đè bẹp bởi sức nặng của tự do. Không còn phải cầu kinh theo lịch nữa, tôi đến thăm thú các nhà thờ trong vùng vào những lúc rảnh rỗi, nhưng cầu kinh khi đó rất khác vì tôi thực sự không bị bắt buộc. Tôi bắt đầu tự học nấu nướng, một điều tôi chưa từng làm khi còn ở tu viện. Tôi ngập trong rau xanh và hoa quả, nghĩ mình không thể phạm sai sót, cho tới khi, sau vài tuần, anh nói thích món gì đó “có chất” hơn. Có nghĩa là món gì được nấu chín, món gì liên quan đến thịt thà ấy. Nấu chín quá, nấu chưa kỹ, kết hợp không hoàn hảo cả hai trạng thái, tôi luôn phá hỏng hầu như tất cả mọi thứ tôi châm lửa vào. Anh cười xòa trước những cố gắng của tôi, giấu những mẩu thức ăn thừa vào trong túi áo và nói rằng tôi ngày càng tiến bộ. Anh lại đối xử tốt với tôi nữa rồi. Cuối cùng bà chủ nhà của chúng ta, người không chịu nổi cái mùi phát ra từ trong bếp thêm chút nào nữa, đã chỉ cho tôi đủ ngón nghề để có thể tự xoay xở được.

Nhưng nấu nướng còn khá dễ dàng nếu so với việc thực hiện bổn phận của một người yêu. Chúa ơi, thật khủng khiếp! Nhưng một lần nữa anh lại hết sức kiên nhẫn, rõ ràng còn kiên nhẫn hơn cả những gì tôi có thể mong đợi nữa. Có lẽ một phần là do những vết bỏng của anh; vài đêm anh yếu đến nỗi không chịu được việc bị đụng chạm nữa. Anh không trong sáng gì và tôi phải ngây thơ lắm mới tin vào điều ngược lại, nhưng anh chưa bao giờ xin lỗi việc mình đã gần gũi nhiều phụ nữ trước tôi. Trước và sau khi chúng ta gặp nhau là hai chuyện hoàn toàn khác, thế thôi. Cùng với việc tôi bỏ lại cuộc sống trước kia của mình ở phía sau, tôi phải chấp nhận rằng anh cũng có thể làm thế. Phần lớn thời gian việc đó cũng không quá khó khăn, dù thỉnh thoảng tôi cũng phải tống sự ghen tuông của mình vào tủ quần áo những lúc anh không để ý.

Kinh nghiệm của anh trong chuyện tình dục thực sự có ích. Lạ lùng thay, đó cũng y hệt như chuyện tôi đã dành cả đời để cố gắng, nhưng thất bại, để có thể toàn tâm toàn ý với tình yêu tâm linh. Tôi không bao giờ phải dẫn lối chỉ đường, tôi chỉ cần nhận. Anh mang đến cho tôi một thứ cảm xúc xác thịt tôi chưa từng nghĩ mình có thể sở hữu. Tôi đã phát hiện ra rằng tôi… Nhìn tôi này, bao nhiêu năm đã trôi qua, mà tôi vẫn còn đỏ cả mặt. Tôi vẫn không thể nói về chuyện đó. Cứ cho là tôi đã luôn sống theo đúng lời thề của mình, nhưng sau vài tháng ở cùng anh tôi đã nhận ra một cuộc đời đức hạnh hầu như chẳng phải cuộc sống đích thực.

Dù sao, tôi cũng đã thích nghi được với cuộc sống ngoài tu viện. Tôi vẫn đến nhà thờ thánh Martin nhưng chẳng mấy chốc tôi đã chuyển sang cầu nguyện cho sức khỏe của anh và mong anh chóng tìm được việc làm, nghĩa là giờ đây tôi cầu nguyện cho những gì tôi mong sẽ xảy ra chứ không phải cho những gì Chúa đã mang lại. Ngoài nhà thờ, tôi bắt chuyện với mấy cô Beguine trên phố và kết bạn được với vài người.

Giáo hội về cơ bản coi việc mấy kẻ vô danh tiểu tốt cứ đòi xía vào việc của Chúa là không hợp tí nào, nhưng tôi thì không thấy thế. Những người Beguine làm việc trên phố và thực hiện đúng lời thề sống trong nghèo khó của họ; họ hoàn toàn tương phản với những người sống trong nhà thờ, vì tôi đã phát hiện ra rằng phần lớn các linh mục đều không xứng đáng và thậm chí có người còn biển thủ của công nữa. Người Beguine tự cung tự cấp bằng những đồ thủ công nhỏ và những công việc trong bệnh viện, bằng lòng với những món tiền người dân tự nguyện quyên góp, thay vì áp chế thuế má bắt buộc. Hằng đêm họ sẽ quay trở lại nghỉ tại dãy nhà nhỏ của mình để lại bắt đầu quy trình vào sáng hôm sau, và sự thành tâm của họ thì không có gì phải bàn cãi. Chẳng bao lâu sau tôi đã nhận ra rằng lý do chính để Giáo hội chống lại người Beguine là vì những kẻ vô danh tiểu tốt này biến Giáo hội thành kẻ xấu.

Những người Beguine không thể hiểu tôi thật sự là ai. Tôi có thể nói hàng giờ về Kinh Thánh và tôi có thể đọc được cả tiếng Latin lẫn tiếng Đức. Tôi đã học tất cả sách của các học giả và chuyên gia. Tôi biết về Mechthild von Magdeburg, nữ tu sĩ có tầm ảnh hưởng lớn tới những người Beguine, và tôi cũng chẳng lạ gì kiệt tác của bà, Ánh sáng rực rỡ dịu dàng của Chúa Thánh Thần. Tôi biết tất cả những thứ này nhưng tôi không thể - không bao giờ - nói cho họ biết là bằng cách nào và tại sao. Tôi gây ấn tượng tốt nhưng lại rất khó hiểu. Cái họ quan tâm nhất, tuy thế, lại là tri thức khổng lồ của tôi về việc làm sách. Tôi biết nhiều hơn cả các chuyên gia của họ, những người đang soạn những cuốn Kinh Thánh cho dân nghèo được họ phân phát khắp nẻo đường góc phố.

Mùa đông đang đến gần: anh vẫn chưa tìm được việc làm, và những lời từ chối liên tục đã thành gánh nặng trên vai anh. Những người quản lý thi công ngày một trở nên thù địch với mỗi chuyến viếng thăm của anh, và hằng đêm anh lại lê bước về nhà với vẻ mệt mỏi hơn. Anh bắt đầu cằn nhằn bản thân vì không đủ khả năng để “làm chuyện bất cứ một người đàn ông tử tế nào cũng phải làm được”. Tôi lại được thêm một bài học nữa về thế giới bên ngoài, bài học về lòng kiêu hãnh đàn ông. Tôi muốn giúp anh nhưng mọi gợi ý đều chỉ làm anh giận dữ. Dù biết anh giận dữ với chính bản thân mình chứ không phải với tôi, tôi vẫn thấy mọi việc dễ dàng hơn chút nào.

Một trở ngại lớn khác là anh không có giấy tờ tùy thân, lẽ ra là thứ phải có với bất cứ một người thợ nào ở tuổi anh. Đó không phải lỗi của anh, anh đâu có dự liệu chuyện cả cha lẫn mẹ đều mất khi anh còn nhỏ đâu, nhưng như thế cũng chẳng giải quyết được vấn đề. Vấn đề nằm ở chỗ đó. Hội thợ nề rất cứng rắn và anh chỉ đơn giản là không đáp ứng được những yêu cầu của họ. Phải làm một cái gì đó, và phải thật nhanh chóng, vì chỗ tiền tiết kiệm của chúng tôi chẳng thể nào tồn tại mãi được.

Thế là tôi đã ra hai quyết định, và tôi chẳng nói quyết định nào cho anh cả. Điều đầu tiên tôi làm là đề nghị được giúp đỡ những người Beguine. Không phải với tư cách một thành viên, mà là với tư cách một lao động tự do.

Việc soạn Kinh Thánh cho dân nghèo của họ cũng không phức tạp gì, chỉ là những tấm gỗ có in tranh và chữ, nhưng tôi vẫn thấy nó rất ấn tượng. Rất ít người biết đọc nên tranh ảnh là phương thức duy nhất để truyền tải những câu chuyện tôn giáo đến với quần chúng nhân dân. Những câu chuyện trong Kinh Cựu ước và Kinh Tân ước được đặt cạnh nhau để người đọc có thể nghiền ngẫm mối liên hệ giữa chúng: thay vì coi khinh người đọc, những người Beguine đã cố gắng lôi kéo họ vào công cuộ 2e9d c suy nghĩ tìm hiểu tác phẩm. Tuy nhiên, tôi biết mình vẫn có thể cải thiện chất lượng bản thảo và gợi ý phối hợp một số cảnh thích hợp hơn. Những người Beguine không xuôi theo ngay, vì thế tôi đã cung cấp một số bản mẫu và họ đã phải công nhận rằng tôi có thể làm được. Khi họ tiếp tục cảnh giác khi cho một người ngoại đạo tham gia vào công việc của mình, tôi quyết định đây là lúc phải nói với họ về cuộc sống của tôi khi ở Engelthal.

Biết được điều này, họ vẫn chưa thể đưa tôi vào hàng ngũ của mình một cách nhanh chóng được. Họ không nói thẳng ra, dĩ nhiên, nhưng có lẽ họ nghĩ nếu họ từ chối tôi, có lẽ một chút nào đó của Engelthal sẽ tan biến theo. Dù không có khả năng trả công cho tôi, họ vẫn tặng bánh mì và củ cải thay thế. Viêc này thực sự đã làm mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn vì khi anh trở về sau chuyến săn việc tôi có thể nói với anh, một cách thành thật, rằng chỗ thức ăn đó là đồ cứu tế nhân đạo. Tôi không phải nói rằng tôi có việc làm trong khi anh thì không.

Việc thứ hai tôi làm, tôi chưa bao giờ nói với anh cho đến tận bây giờ. Hãy nhớ rằng đó là chuyện từ rất lâu rồi, và tôi mong anh sẽ tha thứ cho tôi.

Một buổi sáng nọ, anh thức dậy chuẩn bị cho chuyến đi tìm việc thường nhật của mình. Tôi vô tư hỏi rằng anh định đến những nhà thờ nào, anh bảo sẽ bắt đầu với nhà thờ thánh Christoph rồi tới nhà thờ Poor Clares và nhà thờ thánh Quintin. Sau đó thì, anh thực sự cũng không biết.

Khi anh ra khỏi cửa, gót chân lê nặng nhọc trên nền đá, tôi mặc chiếc áo choàng nữ tu lần đầu tiên kể từ khi rời khỏi Engelthal. Tôi đi đến nhà thờ thánh Quintin, biết rằng phải một lúc lâu nữa anh mới đến đó.

“Đây sẽ là một nhà thờ rất đẹp,” tôi nói với người quản lý công trình. “Gian trung tâm có vẻ khá thấp còn lối đi giữa các hàng ghế lại rất cao. Thật là một hiệu ứng thú vị.”

Ông ta cảm ơn tôi, nhưng cũng thừa biết rằng tôi đến đó không phải chỉ để nói về kiến trúc. Khá nhã nhặn - vì ai lại muốn sỉ nhục một nữ tu cơ chứ? - ông ta hỏi lý do thực sự của chuyến viếng thăm này là gì. Tôi đến đây vì một người bạn, tôi trả lời, một người đàn ông đang rất cần việc. Một người đàn ông đầy vết bỏng. Người quản lý đảo mắt trả lời, vâng, một người đàn ông như thế ngày nào cũng mò đến đây ăn vạ, thứ lỗi cho cách dùng từ của ông ta, nhưng họ đã có đủ công nhân rồi. Hơn nữa, vẻ ngoài của người đó làm những công nhân khác sợ chết khiếp.

Tôi đã dùng giọng nói ngọt như mía lùi của mình, giọng nói tôi đặc biệt dùng khi nói về Chúa. “Nhưng chắc chắn con người không thể chỉ được đánh giá bởi vẻ bề ngoài đâu. Tôi biết rằng người đàn ông này có cả trái tim tuyệt vời lẫn kinh nghiệm làm thợ nề.”

Người quản lý trả lời, lại rất nhã nhặn, rằng kinh nghiệm làm việc của anh dường như đã bị gián đoạn trong nhiều năm khi anh làm một loại lính gì đó, một người lính đánh thuê nếu ông ta không nhầm.

Tôi không xác nhận cũng không phủ nhận sự hoài nghi của người quản lý công trình nhưng tôi đã nói bóng gió, một cách khá bí ẩn, “Có những người lính chiến đấu nhân danh Chúa, làm những việc rất cần thiết nhưng không bao giờ khoe khoang nơi công cộng. Thế tôi muốn hỏi ngài một lần nữa, để xây dựng một nhà thờ to đẹp thế này, chắc chắn phải có chỗ cho một công nhân nữa chứ? Thậm chí cả với những người có lỗ hổng trong tiểu sử chứ? Bản thân tôi có thể đảm bảo cho nhân cách của anh ấy.”

Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân và hỏi, chính xác là, tôi từ đâu đến vậy. Tôi trả lời rằng tôi đến từ Engelthal, không hề nói là tôi đã không còn là nữ tu tại đó nữa. Tôi không biết người này có bị ấn tượng bởi việc đó không. Ông ta hẳn có nghe nói về Engelthal, vì cuối cùng ông ta cũng gật đầu. Ông ta nói sẽ cân nhắc xem có giúp được gì không nhưng cũng thêm rằng mình không thể hứa chắc điều gì.

“Tôi thực sự cám ơn sự quan tâm của ngài. Trong trường hợp ngài tìm được một chỗ cho anh ấy thì xin đừng nói với anh ấy rằng tôi đã đến đây. Anh ấy là một người có lòng tự trọng cao và sẽ rất tốt nếu để anh ấy tin rằng sự bền bỉ của mình đã được đền đáp.” Tôi cúi đầu chào, và để cho chắc chắn, nói thêm với người quản lý xây dựng rằng tôi sẽ cầu nguyện cho ông ta.

Sau khi thay quần áo bình thường, tôi đi thẳng tới thánh đường thánh Martin. Không phải để cầu nguyện cho linh hồn người quản lý, như tôi đã nói, mà cho chính bản thân tôi. Chuyện tôi giả dạng với bộ quần áo của Giáo hội làm tôi phát buồn nôn. Khi rời thánh đường, tôi không hề có cảm giác mình được tha thứ. Tôi đã cầu xin một dấu hiệu, nhưng chẳng có gì xuất hiện cả.

Cho tới buổi tối hôm ấy, khi anh bước qua ngưỡng cửa kiệt quệ nhưng miệng nở nụ cười và người đầy bụi đất. “Hôm nay một người quản lý đã nhận tôi rồi.”

Sau nhiều tuần anh đã tạo được ấn tượng tốt ở nơi làm việc. Khi công việc ở nhà thờ thánh Quintin xong xuôi, người quản lý đã giới thiệu anh tới nhà thờ thánh Stephan. Suốt mùa đông mọi chuyện cứ thế diễn ra, anh chuyển chỗ làm hết từ nhà thờ này tới nhà thờ khác. Anh đã có chút danh tiếng và cũng kết bạn được với vài người, và hằng ngày anh đều vui mừng khôn xiết mang một vốc tiền đầy về nhà. Tôi đun nước và đổ một thùng đầy để tắm rửa cho anh. Anh vẫn còn nhiều sẹo và các cơ vẫn còn khá cứng, tôi đã xoa bóp cho anh đến khi các khớp xương của anh trở nên mềm dẻo. Công việc rất nặng nhọc với bất cứ ai, nhưng những thương tích của anh khiến nó còn nặng nhọc gấp đôi. Tuy thế, mỗi ngày anh cũng trở nên khỏe mạnh hơn. Tôi luôn cố gắng cho anh ăn tất cả những gì chúng ta có, thông thường chỉ là củ cải và bánh mì đen, những miếng thịt lườn rẻ tiền, và tất cả những gì tôi bí mật đem về từ chỗ những người Beguine.

Chúng ta luôn có vừa đủ tiền để tiếp tục ở trọ. Bà chủ nhà vẫn luôn dạy tôi cách nấu nướng và còn giới thiệu tôi với một số người bạn của bà nữa. Cũng phải mất một thời gian thì họ mới chấp nhận tôi, vì những mối liên hệ với người Thiên Chúa luôn gây rắc rối cho những người Do Thái sống ở Mainz - người ta vẫn nhắc đến cuộc thảm sát người Do Thái trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất của Emich, và chuyện tổng giám mục đã từng cố đuổi tất cả những người Do Thái ra khỏi thành phố. Nhưng vì họ đều sống và kinh doanh trong cùng một thành phố, việc tránh mặt mọi loại người là không thể. Tôi nghĩ họ đã quyết định rằng vì tôi chưa bao giờ quá câu nệ chuyện tôn giáo với họ, họ có thể chấp nhận tôi với tư cách một công dân bình thường.

Thế là bây giờ tôi đã quen biết vài người Do Thái cùng mấy cộng sự người Beguine, và anh cũng có đồng nghiệp ở khắp các công trình trong thành phố. Tôi đã ngừng cầu nguyện để xin một dấu hiệu cho thấy tôi đã đúng khi rời Engelthal. Tôi biết mình đã có dấu hiệu đó rồi.

Vào mùa xuân, một người bạn thợ đá của anh đã đưa ra một lời đề nghị bất thường và đáng ngạc nhiên. Anh ta nói đã “quá chán ngán cái việc gõ đầu lũ trẻ ranh ngu ngốc rồi” và đang muốn có một anh bạn đồng hành. Nếu anh không phiền mức giá hơi thấp, anh ta sẽ xin Hội Thợ đá một ngoại lệ đặc biệt để nhận anh làm thợ học việc. Anh ta cảnh báo rằng sẽ không dễ dàng gì và thu nhập của anh sẽ giảm sút nghiêm trọng, nhưng cuối cùng anh sẽ có được giấy tờ tùy thân. Chúng ta chỉ bàn bạc vài phút trước khi quyết định rằng một lời đề nghị như thế sẽ không bao giờ có lại lần hai. Có chút khó khăn trong việc thuyết phục Hội Thợ đá nhưng cuối cùng họ cũng đồng ý, và anh đã trở thành người thợ học việc lớn tuổi nhất thành Mainz như vậy đấy.

Anh ngập chìm trong công việc, đến sớm về muộn. Anh làm tất cả những gì được nhờ, không bao giờ phàn nàn, và cẩn thận chú ý tới tất cả những lời chỉ dẫn. Việc anh có một cảm quan bẩm sinh với đá đã không bị bỏ phí. Những bài học của anh từ cha cũng không bị mai một theo thời gian.

Niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn thật là một món quà kỳ diệu. Chúng ta vẫn chưa có tiền, nhưng chúng ta cũng bắt đầu nói về việc sẽ tìm một nơi ở mới. “Một ngôi nhà nhỏ, có lẽ thế.” Niềm tin cho chúng ta cái cớ để mơ mộng và giấc mơ là thứ rất cần thiết vì thu nhập giảm sút đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống của chúng ta, rõ ràng nhất là trong khẩu phần ăn hằng ngày. Nếu không có mấy món “từ thiện” từ những người Beguine, có lẽ chúng ta đã không thể qua khỏi.

Dù bụng trống rỗng, chúng ta vẫn đi khắp thành phố và chỉ trỏ vào những ngôi nhà sẽ thuộc về chúng ta. Một ngày nào đó.

“Và khi chúng ta đã có nhà,” anh nói, “tôi sẽ xin em cho tôi vinh hạnh được lấy em làm vợ.”

 

Hết chương 19. Mời các bạn đón đọc chương 20!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/33886


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận