Trong vòng hai ngày tiếp theo, bức tượng dang dở cuối cùng của cô - con sư tử/khỉ run sợ - đã được tạc một đôi chân để đứng. Khi nó hoàn thành, cô lại nằm lên một phiến đá mới và ngủ khoảng mười hai tiếng trước khi lao vào tạc một bức tượng mới. Trong lúc đó, tôi ngồi một mình trên gác với ký ức về những bóng ma nhảy múa mà lẽ ra tôi không thể thấy được.
Con quỷ lùn mới của cô (một khuôn mặt người cắm trên thân hình dị dạng của một con chim) mất bảy mươi tư giờ đồng hồ để hoàn thành, trước khi cô đi lên phòng tắm rửa một chút rồi ngấu nghiến tất cả những gì tìm được trong tủ lạnh. Tôi đã nghĩ rằng cô, như bình thường, sẽ quay trở về phòng ngủ một giấc cho lại sức, nhưng không, cô đi thẳng xuống cầu thang để nằm dài lên trên một khối đá nữa. Sau khi mơ thấy giấc mơ đá, cô lại bỏ ra hơn bảy mươi tiếng để ức chế đối tượng mới nhất của cô. Khi cô xong việc, một con cóc mặt đầy mụn cơm với cái mỏ đại bàng đang gào thét đã hiện ra.
Marianne Engel trở lại giường và ngủ rất ngon, nhưng mười tiếng sau cô đã vào bếp uống cả một bình cà phê và ăn nửa cân thịt hun khói. (Khi không phải tạc tượng, cô được phép ăn thịt.) Ngay khi vét sạch cái đĩa, cô lại bước xuống cầu thang tầng hầm. “Một con nữa đang gọi.” Khi tôi hỏi làm sao cô có thể ngủ trên đá sau khi đã uống nhiều cà phê như thế, cô đáp chẳng vấn đề gì. “Con này đã nói chuyện với tôi khi tôi đang tạc con cóc rồi.”
Dù đó mới chỉ là tuần thứ hai của tháng Mười một, Marianne Engel đã bắt đầu tạc bức tượng thứ ba trong tháng. Sự gia tăng số lượng hình như còn chưa đủ để làm tôi bực mình, giờ còn thêm cả sự thay đổi về độ tập trung nữa: cô say sưa làm việc hơn bất cứ lần nào tôi chứng kiến trước đây. Mồ hôi chảy khắp người cô, đọng lại thành dòng trên bụi đá, và cô phải mở toang những cánh cửa gỗ sồi khổng lồ để đón gió thu mát lạnh. Cô không bao giờ tắt một trăm ngọn nến đỏ cháy rực xung quanh mình và vòng lửa của chúng bập bùng trong gió như những ngọn lúa mì nhảy múa trên cánh đồng. Nhìn đám dụng cụ cứ lướt vun vút của cô, tôi không thể không nghĩ tới hình ảnh một người nông dân đang vung lưỡi hái lên trong nỗ lực chạy đua với mùa đông đang đến gần.
Khi bức tượng thứ ba hoàn thành, Marianne Engel ngay lập tức bắt tay vào làm cái tiếp theo.
Những tiếng búa đục đã dần quen thuộc đến nỗi ngôi nhà trở nên thinh lặng quá đỗi khi cô ngơi tay làm việc. Thỉnh thoảng nó - tiếng ồn ấy, không phải sự yên lặng hiếm hoi đâu - còn làm tôi lao ra khỏi nhà. Tôi không bao giờ đi đâu xa, thường chỉ trốn sau mấy góc pháo đài để nhìn những người dân đến thăm nhà thờ Romanus. Cha Shanahan sẽ đứng trên bậc thềm trước, vui vẻ mời họ vào và nài nỉ họ đến vào tuần sau. Họ đều hứa là sẽ đến, và hầu hết đều làm đúng như thế.
Shanahan có vẻ là một người khá chân thành, theo chuẩn của linh mục, dù tôi phải thừa nhận rằng mình cũng không hẳn là một người đánh giá vô tư cho lắm. Tôi luôn luôn có cảm giác phấn khích/khó chịu với bọn đàn ông mặc áo chùng: vì tôi ghét cái thể chế mà bọn họ bảo vệ. Tôi còn muốn coi thường họ trên tư cách con người nữa. Nhưng tôi thường nhận ra mình không thể ghét người, chỉ ghét cái bộ áo chùng thôi.
Tôi có thể tưởng tượng ra phản ứng tự nhiên của độc giả, họ cho rằng tính vô thần của tôi đã được nuôi dưỡng từ những trải nghiệm cay đắng trong cuộc đời: thời thơ ấu không nơi nương tựa, sự nghiệp khiêu dâm, thói nghiện hút, một vụ tai nạn đã thiêu tôi thành miếng khoai tây chiên. Suy nghĩ đó không hề chính xác.
Chẳng có lý do logic nào để tin vào Chúa. Có những lý do cảm tính, dĩ nhiên, nhưng tôi tin rằng chẳng có gì tồn tại chỉ vì nó làm người ta cảm thấy an tâm. Chuyện tôi tin vào Chúa cũng lố bịch như tôi tin rằng có một con khỉ vô hình sống trong mông tôi; tuy nhiên, tôi sẽ tin cả hai nếu cả hai đều được chứng minh một cách khoa học. Đây là vấn đề cốt lõi của những người theo thuyết vô thần: không thể chứng minh sự không tồn tại của một điều gì đó, nhưng những người theo thuyết hữu thần vẫn có xu hướng đặt chủ đề đó ra trước mặt chúng tôi để chứng minh rằng “Thiếu bằng chứng không phải là bằng chứng thiếu,” họ hợm hĩnh nói. Ồ, đúng thôi. Tất cả những gì cần làm là hô biến ra một cây thập tự giá bốc lửa giữa trời, KHÔNG CÒN KHỈ TRONG MÔNG NỮA À? được tất cả mọi người trên thế giới nhìn thấy một lúc, THẾ CÒN RẮN TRONG XƯƠNG SỐNG THÌ SAO? để chứng minh với tôi rằng Chúa thực sự tồn tại.
Marianne Engel tạt lên nhà nhờ tôi pha ít cà phê hòa tan. Tôi nghĩ đây là một yêu cầu khá kỳ cục, vì tầng hầm cũng có một máy pha cà phê thường, nhưng cái nhà này sống được là nhờ tiền của cô, nên tôi khó có thể từ chối được.
Ngay khi tôi quay lại, cô giật cái bình ra khỏi tay tôi, tóm lấy thìa, rồi quay trở lại xưởng. Tôi nghĩ một thoáng, tự nhủ rằng cô không thể nào lại… và rồi ngó xuống từ bậc thang trên cùng để thấy rằng cô thực sự đang làm thế thật.
Vừa rít những hơi thuốc lá dài cô vừa nốc cà phê hòa tan, nhai rào rạo hạt cà phê như một vận động viên bóng chày nghiền nát món thuốc lá nhai, rồi uống cà phê vừa pha trong cái cốc ngoại cỡ để cho trôi hết.
Chuông cửa reo.
Nếu bạn giống hầu hết những người bình thường khác, chuông cửa reo thì bạn sẽ ra mở cửa; nhưng đối với tôi, việc này phức tạp hơn. Đối với tôi, đó thực sự là một bài kiểm tra ý chí. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khách là một nữ hướng đạo sinh bán bánh quy? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu cô ấy nhìn tôi một cái, vãi tè và bất tỉnh? Làm sao tôi có thể giải thích được với người ta về việc có một nữ hướng đạo sinh bất tỉnh và ướt hết cả quần nằm trước hiên nhà tôi? Đối với một người có ngoại hình như tôi đây, đó thực sự là một lời mời những người dân địa phương đốt đuốc đuổi đi đến tận cái cối xay gió cũ ấy chứ.
Tôi quyết định thử vận may và đối mặt với thách thức, thậm chí cả khi đó là một nữ hướng đạo sinh chăng nữa. Khi mở cửa ra, tôi nhìn thấy một người đàn ông và một phụ nữ trạc tuổi trung niên, có lẽ là vợ chồng, mặc quần áo lịch sự. Người phụ nữ giật lùi lại như thể cô là ma cà rồng còn tôi là mặt trời ấy. (Thỉnh thoảng tôi thấy việc cho ai đấy vào vai ma quỷ cũng là một trò khá thú.) Người đàn ông theo bản năng nhảy ra trước mặt người vợ ma cà rồng của mình, lấy tay làm lá chắn che chở cho cô. Môi cô vén lên để lộ hàm răng.
“Vâng?”
“Tôi, à… chúng tôi,” vị anh hùng lắp bắp, không biết tôi là cái thứ gì, trong khi người phụ nữ mỗi lúc một co rúm lại. Người đàn ông, lấy hết can đảm, lúng búng, “Chúng tôi muốn đến nhà thờ! Có thế thôi!” Phòng trường hợp tôi vừa bị bỏng vừa thiểu năng, anh ta trỏ tay về phía nhà thờ thánh Romanus. “Chúng tôi thấy nó… à, à… đóng cửa, và rồi chúng tôi thấy nơi này có, anh thấy đấy, những bức tượng gargoyle với những thứ, tương tự thế, giống nhà thờ, và… vì thế, anh biết đấy, hiển nhiên là chúng tôi nghĩ nơi này có, à, à, à, liên quan đến nhà thờ. Hay đại loại thế.” Anh ta ngừng lại. “Có phải không?”
“Không.”
Marianne Engel đang hí hoáy làm trò gì mới với mấy bức tượng đá của mình: trang trí mỗi bức tượng đã hoàn thành bằng một con số. Cái đầu tiên là 27, cái thứ hai là 26, cái thứ ba là 25; cô hiện đang làm cái thứ 24.
Khi tôi hỏi cô về việc đó, cô nói, “Ba Vị Chủ Nhân của tôi gần đây đã nói với tôi rằng tôi chỉ còn hai mươi bảy trái tim nữa thôi. Đây là để đếm ngược.”
Tôi đợi cho đến khi thấy những người tham gia lớp học nghiên cứu Kinh Thánh vào tối thứ Năm do cha Shanahan giảng dạy bắt đầu tản ra. Đã tới lúc đến nhà thờ thánh Romanus và than phiền về mấy giáo dân đã nhầm pháo đài là một kiểu chương trình từ xa của Hội thánh.
Tôi bước lên những bậc thang dẫn tới cửa chính nhà thờ, nhìn trái nhìn phải, rồi đi thẳng qua cổng. Tiếng bước chân của tôi vang vọng khắp nơi, nhưng Shanahan - đang đứng giữa các hàng ghế, ngước nhìn lên những ô cửa sổ, chẳng có vẻ gì chú ý cả. Ông đang trầm tư mặc tưởng trước một tấm kính màu vẽ cảnh Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Thật lạ khi thấy ai đó lại ngồi ngắm thứ ấy trong đêm, vì chẳng có chút ánh sáng nào rọi vào để Jesus trông tỏa sáng và quyền thế cả.
Ông không mảy may biết đến sự có mặt của tôi cho tới khi tôi cất tiếng, hỏi ông đang nghĩ ngợi gì thế. Cái giọng thảm hại của tôi làm ông giật mình, cái mặt phủ nhựa của tôi cũng mang đến hiệu quả tương tự khi ông quay lại nhìn, nhưng ông đã nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Một nụ cười thoáng hiện trên khuôn mặt, ông nói, ít nhất một lần, ông có thể trả lời trọn vẹn câu hỏi của tôi.
“Thật lạ lùng khi người ta có thể nhìn vào cái này hằng ngày,” - ông nói, ám chỉ Chúa - “mà vẫn luôn tìm thấy một điều mới mẻ. Bốn góc của thập tự giá tượng trưng cho bốn nguyên tố trên Mặt đất, dĩ nhiên, nhưng anh có thấy cách Chúa bị đóng đinh, với đôi tay dang rộng và đôi chân Người khép lại với nhau không? Nó tạo thành một hình chạc ba, và ba là số của Chúa. Ba ngôi. Hồi sinh sau ba ngày. Thiên đường, Địa ngục và Luyện ngục. Anh nắm được ý tưởng ở đây rồi đấy. Thế là bốn gặp ba, Mặt đất gặp Thiên đường. Thật là hoàn hảo, dĩ nhiên, vì chẳng phải Jesus là con của cả Chúa lẫn Con người hay sao?”
Ông chỉnh lại kính và nhoẻn miệng cười. “Anh đến đúng lúc tôi đang hơi mơ màng, tôi e là thế. Tôi có thể giúp gì cho anh?”
“Tôi sống ở nhà bên.”
“Phải, tôi đã thấy anh rồi.”
“Tôi là một người vô thần.”
“Phải, Chúa tin vào anh,” ông nói. “Anh uống tách trà chứ?”
Ông chỉ vào căn phòng lấp ló đằng sau bục giảng kinh, và vì vài lý do, tôi quyết định đi theo ông. Hai chiếc ghế đặt trước bàn của ông, hiển nhiên là dành cho các đôi nghĩ rằng vài lời vàng ngọc của Chúa sẽ giúp ích được gì đó cho cuộc hôn nhân rắc rối của họ. Trên bàn, bên cạnh cuốn Kinh Thánh, là bức ảnh ông đang quàng vai một người đàn ông. Cạnh họ là một phụ nữ, khá xinh đẹp, và một cậu thiếu niên có vẻ là con họ. Đầu người phụ nữ nghiêng về phía chồng nhưng ánh mắt thì rõ ràng đang nhìn cha Shanahan đăm đăm, ông trông khá không thoải mái trong cái áo cổ trắng. Khi tôi hỏi liệu đây có phải em trai và em dâu của ông không, Shanahan có vẻ bất ngờ vì tôi có thể biết ai là ai nhanh thế. “Trông chúng tôi giống nhau đến thế sao, em tôi và tôi ấy?”
“Vợ cậu ấy là một phụ nữ rất hấp dẫn,” tôi nói.
Cha Shanahan đằng hắng khi ông đổ nước vào cái ấm điện. “Phải. Nhưng cô ấy cũng vậy, Marianne ấy.”
“Ông đã gặp cô ấy rồi.”
“Cô ấy thông hiểu Kinh Thánh, thậm chí còn hơn cả tôi, nhưng cô ấy luôn từ chối lời mời dự đại lễ Mass. Vấn đề lớn nhất với hầu hết những người theo Thiên Chúa giáo là họ đến nhà thờ mỗi tuần một lần để cầu xin thực hiện ý chỉ của Chúa - và khi ý chỉ được thực hiện, họ lại phàn nàn.” Ông đặt hai chiếc tách lên mặt bàn, cùng với một bình sữa nhỏ. “Không thể nói rằng tôi hoàn toàn bất đồng với cô ấy.”
Ông ngồi trước mặt tôi và chỉnh lại cái kính thêm lần nữa, dù chúng đã tọa lạc trên mũi ông chuẩn lắm rồi. Tôi tưởng ông sẽ nói vài chuyện linh tinh, vì thế tôi rất ngạc nhiên khi ông nói, “Anh có thể bỏ mặt nạ ra khi chúng ta nói chuyện được chứ?”
Cách ông hỏi cho thấy rõ ràng ông không hề ghê sợ cái mặt nạ, mà chỉ tò mò về diện mạo tôi thôi. Tôi giải thích với ông là quá trình trị liệu của tôi bắt buộc phải đeo mặt nạ mọi lúc mọi nơi. Ông gật đầu tỏ vẻ hiểu, nhưng tôi có thể thấy một nét thất vọng thoáng hiện trên khuôn mặt ông. Tôi gợi ý mình có thể bỏ mặt nạ ra một lúc, nếu ông thực sự muốn xem bên dưới nó là cái gì. Ông gật đầu bảo rất muốn thế.
Khi tôi tháo cái mặt nạ ra, ông rướn người về phía trước để nhìn cho rõ. Ông gãi gãi sau tai và quay trái quay phải để có thể nhìn rõ tôi từ mọi góc độ. Khi ông đã săm soi xong, tôi liền hỏi, “Trông tôi có giống những gì ông tưởng tượng không?”
“Tôi chẳng tượng tưởng gì cả. Tôi đã định học nghề thầy thuốc trước khi làm linh mục. Tôi thỉnh thoảng vẫn còn viết bài cho các báo.”
Khi ông quyết định chọn nghề, ông giải thích trong lúc rót trà, là khi ông nhận ra rằng các bác sĩ trong phòng cấp cứu được dạy phải coi nạn nhân đau tim mới nhập viện là đã chết rồi. Đó là một phương thức làm việc: nếu bệnh nhân sống, bác sĩ có thể tin mình vừa đưa một người từ cõi chết trở về nhưng nếu bệnh nhân “vẫn” chết, các bác sĩ cũng có thể tin rằng mình không làm gì sai để dẫn đến tình trạng đấy cả.
“Nhưng chỉ Chúa mới có quyền quyết định sự sống và cái chết,” cha Shanahan nói. “Trong khi bác sĩ có thể kéo dài sự sống của một người, linh mục có thể giúp anh ta đạt được cuộc sống vĩnh hằng.”
“Ông có thực sự tin như vậy không?”
“Đó là yêu cầu bắt buộc của công việc.”
“Cho tôi hỏi ông một câu. Liệu có thể tin vào sự tồn tại của những linh hồn nhưng lại không tin vào sự tồn tại của Chúa được không?”
“Với một số người, có thể.” Cha Shanahan nhấp một ngụm trà. “Nhưng không phải với tôi.”
* * *
Số 24 đã xong. Số 23 đã xong. Số 22 đã xong. Đó là tuần cuối cùng của tháng Mười một, và Marianne Engel cuối cùng cũng chịu lên gác. Có vẻ chuyện thiếu ăn thiếu ngủ tử tế đã làm cô không thể chịu đựng thêm nữa.
Tôi chẳng giỏi nấu ăn lắm, nhưng tôi cũng bắt cô ăn một bữa và đảm bảo bữa ăn đó thật đủ chất. Cô không chỉ kiệt sức, lượng caffeine và nicotine cô nốc vào người đã làm cô suy nhược khủng khiếp. Cô cứ rung bần bật trên ghế, mắt không tập trung được một giây, và liên tục đánh rơi thìa. Khi ăn xong, cô cố đứng dậy nhưng nhận thấy mình không thể. “Anh giúp tôi cái!”
Tôi đã kiếm được cơ hội thể hiện tài leo cầu thang của mình và cố hết sức đỡ cô từ phía sau, gần như là kéo lê cô trên mấy bậc thang. Khi chúng tôi tới được phòng tắm, tôi mở vòi và cô ngồi phịch vào bồn tắm. Chẳng việc gì phải đậy kín lỗ thoát nước cho tới khi chúng tôi xả xong lớp ghét bẩn đầu tiên cả, thế là tôi cứ giúp cô xối nước lên người. Khi cô đã tráng xong người để có thể tắm tử tế, chúng tôi vặn đầy nước vào bồn.
Tôi ngồi bên bồn, kỳ cọ cho cô. Những quầng thâm đen to tướng đã xuất hiện dưới mắt cô. Tôi giội sạch những mảnh đá vụn bám vào mớ tóc rối xù, giờ đang rung rinh như những giàn nho ai đó quên tưới nước. Sự thay đổi tệ nhất chính là số cân cô đã sụt: có lẽ gần năm cân, có thể là mười. Điều đó chẳng tốt đẹp gì cho cô cả, vì cô sụt cân nhanh quá, theo đúng cách tệ nhất có thể. Tôi thề rằng mình sẽ bắt cô ăn tử tế hơn, ăn nhiều hơn. Ngày nào cũng vậy.
Việc tắm rửa làm cô sảng khoải đến mức cô có thể tự về phòng ngủ mà không cần tôi giúp. Ngay khi cô đã yên vị trong chăn thì tôi liền xoay người đi luôn, nghĩ rằng cô sẽ ngủ ngay lập tức. Cô đã làm tôi ngạc nhiên khi gọi tôi lại.
“Mainz. Khu chợ. Anh có muốn biết đó là ai không?”
Hết chương 24. Mời các bạn đón đọc chương 25!