Chỉ có đúng một buổi chiều cuối tháng Một là cô đi xuống tầng hầm để hoàn thành nốt gargoyle cô đang tạc dở khi ngất xỉu và được đưa tới bệnh viện. Khi nhiệm vụ nhỏ nhặt này được hoàn tất, nhanh gọn và không chút kịch tính, cô trở lại tập trung nghỉ ngơi dưỡng sức - và quay lại chuẩn bị các bữa ăn.
Kể từ khi tôi được ra viện, cô mới chỉ nấu một bữa ăn cực kỳ thịnh soạn có một lần: đồ ăn Nhật, vào đêm kể câu chuyện của Sei. Nhưng cứ độ ba hay bốn ngày, cô sẽ lại đi chợ và biến mất vào trong bếp hàng giờ liền. Mỗi lần hiện ra, cô lại mang theo cả một lô đặc sản từ một vùng nào đó trên thế giới.
Trong số những món đáng chú ý phải kể đến món ăn Senegal, đặc sản quý hiếm chẳng thuộc châu Á cũng không thuộc châu Âu. Về các món khai vị thì chúng tôi sẽ có thịt rán nhồi đậu đen và quả mã đề nướng, tiếp theo là món xúp sữa gạo gọi là sombi. Các món chính: thịt gà Yassa, thịt gà ướp gia vị để qua đêm rồi được ninh với hành trộn nước xốt mù tạt tỏi chanh; ceebu jen, cá rưới nước xốt cà chua và rau, đặt trên một nắm cơm, món ăn quốc hồn quốc túy của Senegal; mafé, món thịt trộn xốt đậu phộng có thể được chế biến cùng thịt gà, thịt cừu, hoặc thịt bò - thế là, dĩ nhiên, cô làm cả ba loại luôn; và một món hải sản hầm với tôm hùm, cá pecca và chuối xanh. Với món tráng miệng, cô có Cinq Centimes, món bánh quy đậu phộng “năm xu” rất phổ biến ở các siêu thị, và ngalax, cháo đường hạt kê nước thịt. Trong suốt bữa ăn chúng tôi nhấm chút nước xoài, nước bissap và nước cây bao báp, trước khi kết thúc với trà. Và cùng với việc thưởng thức những món ăn thịnh soạn Marianne Engel chuẩn bị, điều làm tôi hạnh phúc nhất là đôi cánh thiên thần xăm trên lưng cô đã bắt đầu trông có da có thịt hơn vì được hấp thụ đủ calo.
Mọi việc đều có vẻ rất tốt đẹp với tất cả mọi người, ít nhất cũng trong thế kỷ này: Marianne Engel đang hồi phục sức khỏe; Sayuri nói chuyện về chuyến thăm tốt đẹp đến nhà bố mẹ Gregor; và Gregor rủ rỉ qua những cốc cà phê là ông ta gần như chắc chắn Sayuri thích mình. Cả Bougatsa cũng rất hài lòng, vì nó lại tiếp tục được đi dạo hằng ngày với cô chủ.
Bình thường vào nửa đêm, Marianne Engel và tôi sẽ cùng nhau đi ra biển. Bất chấp giờ giấc và cái lạnh thấu xương, vẫn luôn có vài đứa nhóc tụ tập trên bãi biển, uống bia và hôn hít. Cô sẽ đốt một đống lửa trại, khêu khêu cho tàn tro bốc lên trời, và lấy thức ăn từ trong chiếc giỏ picnic cô luôn chuẩn bị sẵn, thường là với những món còn lại của bữa tiệc quốc tế thịnh soạn hôm trước. Cô đốt lửa để giúp tôi giảm bớt nỗi sợ lửa; cô nói rằng tôi nên cố hòa mình vào những lực lượng tự nhiên. Xét cho cùng, chúng cũng vẫn cứ tồn tại thôi.
Tôi không thể nhìn vào ngọn lửa mà không nghĩ gì, nhưng tôi ngạc nhiên vì tôi đã nghĩ về số phận của chính mình trong cái xe ô tô đó ít hơn là về phiên bản bị đóng đinh vào tường rồi thiêu trong lửa hồi thế kỷ mười bốn của tôi. Tôi nài nỉ Marianne Engel tiếp tục câu chuyện nhưng cô bắt tôi phải kiên nhẫn, trích thêm những câu vô nghĩa về những tháng ngày đơn độc giữa cõi vĩnh hằng mênh mông. Thay vì thế, cô lại kể cho tôi nghe những câu chuyện khác mà tôi biết chắc là không có thật, huyền thoại trận Armageddon, nhưng tôi không quan tâm. Cô tin chúng có thật, thế là đủ.
Rồi cô sẽ phóng tầm mắt ra giữa đại dương, duỗi chân về phía biển, và than thở trời vẫn chưa đủ ấm để đi bơi. “Ồ, ừ,” cô nói, “Tôi nghĩ là mùa xuân cũng sẽ đến nhanh thôi.”
Bộ quần áo tạo áp suất của tôi đã được lột ra vào đầu tháng Hai, và cảm giác giống như vừa thoát ra khỏi cái vũng lầy tôi đã phải bơi trong đó suốt gần một năm vậy. Mặt nạ và cái chỉnh hàm cũng được tháo ra và mặt tôi cuối cùng đã trở lại với chủ nhân của nó, dù không thể nào nhận ra được đó là khuôn mặt từng là của tôi trước đây.
Tôi đã trải qua cảm giác rùng mình khiếp đảm khi bắt đầu lại. Chẳng dễ dàng gì với ngoại hình hiện tại của tôi: trong văn hóa quần chúng, người ta chỉ có thể thấy khuôn mặt như của tôi ở Bóng ma trong nhà hát Opera, ở Freddie Krueger từ phố Elm, hay ở Leatherface từ sâu trong lòng Texas. Chắc chắn một điều, một nạn nhân bỏng vẫn có thể “kiếm được một em xinh tươi” - nhưng thường là phải dùng đến dụng cụ hỗ trợ là cái cuốc chim.
Tôi miễn cưỡng coi khuôn mặt này là của mình, nhưng đây chính là lý do tôi phải làm thế: nếu tôi không làm thế, khuôn mặt tôi sẽ coi tôi là của nó. Có một câu sáo ngữ là vào năm hai mươi tuổi thì người ta sẽ sở hữu khuôn mặt mà Chúa ban cho họ, nhưng đến năm bốn mươi tuổi thì người ta sẽ sở hữu khuôn mặt mà người ta đáng được sở hữu. Nhưng nếu khuôn mặt và tâm hồn hòa quyện với nhau để khuôn mặt có thể phản ảnh được tâm hồn, chắc chắn sẽ có cái hệ quả là tâm hồn cũng có thể phản ảnh được gương mặt. Như Nietzsche đã viết: “Các nhà tội phạm học nói cho chúng ta biết rằng loại tội phạm điển hình thì luôn rất xấu xí:monstrum in fronte, monstrum in animo (một con quái vật trong vẻ ngoài, một con quái vật trong tâm hồn).
Nhưng Nietzsche sai rồi. Tôi bẩm sinh đã rất đẹp và tôi đã sống với một diện mạo đẹp trong ba mươi năm tròn, và trong suốt thời gian đó tôi chưa bao giờ cho phép tâm hồn mình biết yêu là gì dù chỉ một lần. Làn da không tì vết của tôi là một chiếc áo giáp lạnh lẽo dùng để quyến rũ phụ nữ bằng vẻ hào nhoáng, trong khi đè nén mọi cảm xúc và cố gắng bảo vệ người mặc nó. Những hành động nóng bỏng nhất chỉ mang tính kỹ thuật: tình dục chỉ là hoạt động thể xác đơn thuần; chinh phục là một sở thích; cơ thể tôi luôn được đem ra sử dụng, nhưng hiếm khi được thưởng thức hạnh phúc đúng nghĩa. Tóm lại, tôi sinh ra với tất cả những lợi thế mà một con quái vật không bao giờ có, và tôi đã chọn việc coi khinh tất cả những thứ đó.
Giờ áo giáp của tôi đã bị tan chảy và thay thế bởi một vết thương lở loét. Lằn ranh đẹp đẽ tôi dùng để ngăn cách mình với mọi người đã biến mất, được thay thế bởi một hàng rào mới - sự xấu xí - khiến tất cả mọi người đều tránh xa khỏi tôi, dù tôi có thích thế hay không. Ai đó có thể nghĩ rằng kết quả cũng y như nhau thôi, nhưng không hẳn thế. So với trước đây, giờ tuy chỉ có rất ít người xung quanh tôi nhưng họ lại là những người tốt đẹp hơn rất nhiều. Khi những người đã từng kết giao với tôi liếc tôi một cái ở phòng điều trị bỏng rồi đi luôn, họ đã mở rộng cánh cửa cho Marianne Engel, Nan Edwards, Gregor Hnatiuk, và Sayuri Mizumoto.
Sự đời xoay chuyển mới bất ngờ làm sao: chỉ sau khi làn da của tôi bị thiêu thì tôi mới có được khả năng cảm nhận. Chỉ sau khi tái sinh trong một hình thù xấu xí thì tôi mới thấu hiểu chút ít những gì trái tim có thể làm được: tôi chấp nhận khuôn mặt ác quỷ và cơ thể quái dị bởi vì chúng bắt tôi phải vượt qua những hạn chế của con người tôi, trong khi cơ thể cũ lại cho phép tôi giấu chúng đi.
Tôi không phải và sẽ không bao giờ là một người anh hùng, nhưng tôi đã trở nên tốt đẹp hơn tôi trước đây. Hay ít nhất đó cũng là những gì tôi tự nhủ; và lúc này đây, thế là đủ.
Marianne Engel bước vào phòng tôi vào hôm mười ba tháng Hai, lúc nửa đêm, và cầm tay tôi dẫn đi. Cô đưa tôi xuống cầu thang và đi ra ngoài qua cửa sau. Ngoài trời tuyết đang rơi khiến những bức tượng quái vật bừa bãi cả sân sau trông như đang đội mũ trùm đầu màu trắng.
Cô mở cánh cổng dẫn chúng tôi ra nghĩa trang phía sau nhà thờ thánh Romanus. Những bia đá trông không khác gì mấy cái lưỡi xám xịt nhô lên khỏi các ụ tuyết nhìn chúng tôi rón rén đi qua chúng để đến điểm trung tâm của nghĩa trang, nơi cô đã trải sẵn một tấm chăn bằng da ngựa. Trên đầu chúng tôi, mặt trăng như một cái mụn rực lên giữa ngàn sao. Marianne Engel cố thắp nến nhưng những ngọn gió cứ thổi tắt hết diêm của cô đi, và cô cười phá lên trước chuyện này. Cô kéo chặt áo khoác quanh người. Tôi ghét cái lạnh nhưng tôi thích được ở gần cô.
“Tôi đưa anh tới đây để nói với anh vài điều,” cô nói.
“Điều gì?”
“Tôi sắp chết rồi.”
Không, cô sẽ không thế đâu. “Sao cô lại nói vậy?”
“Tôi chỉ còn mười sáu trái tim nữa thôi.”
“Cô sẽ sống tới già cơ,” tôi trấn an cô.
“Tôi đã già rồi,” cô cười mệt mỏi. “Tôi nghĩ lần này, thần chết sẽ mang tôi đi.”
“Đừng nói thế. Cô sẽ không chết đâu.” Cô sẽ không chết đâu.
Cô đặt tay lên má tôi. “Trái tim cuối cùng của tôi luôn luôn dành cho anh, vì thế tôi muốn anh chuẩn bị sẵn.”
Tôi đang định nói với cô rằng cô chỉ toàn nói năng linh tinh, nhưng cô đã đặt một ngón tay lên môi tôi. Khi tôi cố nói bằng mọi giá, cô đã hôn lên đôi môi mỏng dính của tôi và tất cả những từ ngữ định nói ra đã bị đẩy lại vào trong miệng.
“Tôi không muốn chết,” cô thì thầm, “nhưng tôi cần phải vứt gánh nặng của hàng trăm trái tim này đi.”
“Chỉ là… cô đang gặp phải tình trạng bệnh lý thôi.” Tôi băn khoăn không biết mình thương cảm cô ngần nào do cô bị tâm thần phân liệt và yêu mến cô bao nhiêu dù cô có mắc bệnh hay không. “Tôi biết cô không muốn tin vào điều đó, nhưng đó là sự thật. …”
“Những điều anh tin mới ít làm sao, và để anh tin mới mất nhiều công sức thế nào,” cô nói. “Nhưng anh sẽ tin thôi. Giờ hãy đi vào trong nào.”
Cái cách cô nói chúng tôi sẽ đi vào trong đầy cả quyết và chắc chắn, làm tôi không khỏi lo lắng chuyện xấu nhất có thể xảy ra. “Tại sao?”
“Vì ngoài này lạnh như băng ấy,” cô nói, và vẻ nhẹ nhõm của tôi rõ đến nỗi có thể nhìn thấy được. “Đừng lo lắng, tôi không định chết tối nay đâu. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.”
“Ví dụ?”
“Ví dụ như giúp anh bỏ thuốc kích thích.” KHÓ LẮM. Cô nói, “Anh thực sự nghĩ tôi không biết anh đang mua thêm morphine à?”
Buổi sáng hôm đó, ngày Valentine, khi thức dậy, tôi đã nhìn ngay vào cái hộp gỗ nhỏ cất quỹ đen để mua morphine của mình và thấy nó trống rỗng. Tôi lật đật đi vào phòng ngủ của Marianne Engel, nơi cô đang nằm bất động. Tôi lắc mạnh vai cô và khi cô mở he hé mắt ra, tôi liền hỏi hộp thuốc của mình đang ở đâu.
“Trèo lên giường với tôi. Anh sẽ ổn thôi.”
“Cô không hiểu. Có một con rắn trong xương sống của tôi...”
“Anh chàng ngốc nghếch,” cô nói. “Anh cần biết không nên nghe lời bọn rắn. Chúng toàn nói dối thôi.”
“Cô đã không cho tôi đủ thời gian để thích ứng với ý tưởng đó,” tôi nài nỉ. “Ngày mai, tôi sẽ bỏ, nhưng cho tôi một ngày...”
TA ĐÃ GẦN ĐẾN ĐÂY RỒI…
“Chịu đựng là một bài tập tốt cho tâm hồn.”
“Không phải thế!”
“Nếu anh không thể yêu được nỗi đau” - cô cố xoay chuyển tình thế - “ít nhất anh cũng có thể yêu được những bài học nó dạy cho mình.”
… VÀ NGƯƠI CHẲNG THỂ…
Tôi thà cứ vô học còn hơn. “Tôi có thể điền lại đơn thuốc của mình và...”
“Tôi giật nó trôi xuống toilet rồi,” cô trả lời, “và bác sĩ Edwards sẽ không điền lại đơn đâu. Tôi cũng đã đóng băng tài khoản của anh rồi, vì thế anh chỉ còn cách cướp tiền của tôi để mua thuốc kích thích ngoài đường, không thì trèo lên giường.”
… CẢN ĐƯỢC ĐÂU.
“Ngủ đi,” Marianne Engel nói. “Hãy cứ ngủ đi.”
Morphine được sản xuất từ cây anh túc, Papaver somniferum, và được chiết xuất lần đầu tiên vào những năm đầu thế kỷ mười chín bởi y sĩ người Đức F.W.A. Serturner. Nó được đặt theo tên của Morpheus, vị thần của những giấc mơ trong thần thoại Hy Lạp, và tôi có thể chứng nhận rằng cái tên đó rất chuẩn xác. Morphine mang lại ảo giác và mê muội cho mọi hoạt động sống kể từ lần đầu được tiêm thẳng vào mạch máu tôi.
Dù chức năng chủ yếu của morphine là giảm đau, nó cũng có thể giảm nỗi sợ hãi và lo lắng, giảm đói và tạo cảm giác hưng phấn. Bất cứ khi nào tôi tiêm morphine vào người, nó cuộn trào trong cơ thể tôi những cảm giác ngọt ngào tuyệt hảo đến nỗi khiến cuộc sống của tôi dễ chịu hơn. Morphine cũng giúp làm giảm khát khao tình dục của tôi, điều mà, trong khi có lẽ không phải là tác dụng mong muốn cho hầu hết số đông, là món quà của thượng đế dành cho một người đàn ông không có dương vật nhưng vẫn còn duy trì khả năng sản xuất kích thích tố sinh dục nam. Tác dụng tiêu cực, tuy thế, tôi vẫn thường xuyên bị táo bón.
Nhưng điều morphine thực sự giúp tôi - chức năng tối quan trọng của nó - là khóa miệng con rắn lại, ít nhất là một lúc.
Khi mới đến ở với Marianne Engel, tôi đã dùng khoảng một nghìn milligram một ngày. Liều dùng của tôi theo thời gian đã trườn qua cả sức chịu đựng của tôi và cuối cùng, tôi hiện đang dùng morphine với liều lượng gấp bốn lần lúc đầu.
Hết chương 28. Mời các bạn đón đọc chương 29!