Thân thể của tôi được bọc trong hàng lớp vải ướt, để hạ sốt. Tôi lại trở về với chiếc giường của cô, về lại nhà của chúng tôi, và tay cô đang đặt lên má tôi. Cô nói mọi chuyện đã kết thúc còn tôi thều thào tôi đã ở trong Địa ngục. Cô bảo đúng vậy và đưa cho tôi một tách trà. Tôi có cảm giác như mình chưa được uống nước hàng năm rồi. “Đã bao lâu từ khi tôi…?”
“Ba ngày, nhưng không gì tốt hơn việc phải chịu đựng thử thách cả. Đó là một chuyến hành trình gian khổ ngắn ngủi nhưng kết thúc trong niềm vui.” Vẫn là Marianne Engel.
“Cứ cho như vậy đi.”
Cô giúp tôi cầm chiếc cốc được vững hơn, vì nó đang rung khủng khiếp. “Anh cảm thấy thế nào?”
“Như được cứu ra khỏi lửa Địa ngục.”
Cô mỉm cười. “Zechariah chương ba tiết hai.”
Tôi kiểm tra lại thân thể mình: da tôi đã trở lại trạng thái thương tổn cố hữu; khuôn mặt tôi đã nhăn nhúm lại; môi teo tóp; những ngón tay lại bị cụt mất; đầu gối lại cứng đơ; lông ở cẳng tay trụi sạch và chỉ còn lơ thơ vài nhúm tóc trên đầu.
Bàn tay tôi, theo thói quen, lại đưa lên ngực. Nơi tôi nghĩ sẽ thấy đồng xu thiên thần, nhưng tôi chẳng tìm được gì, mặc dù nó luôn luôn ở trên người tôi từ khi Marianne Engel tặng cho tôi từ gần mười bốn tháng trước.
“Đồng xu của anh đã hoàn thành nhiệm vụ của nó rồi,” cô nói.
Tôi tìm lại trên ga trải giường, dưới gầm giường, mọi chỗ xung quanh, nhưng chẳng thấy sợi dây chuyền của tôi đâu cả. Marianne Engel hẳn đã tháo nó ra trong lúc tôi bị ảo giác. Tôi tự nhủ rằng việc cô tháo sợi dây ra trong lúc tôi ảo giác thấy mình đưa nó cho Charon chỉ là một sự trùng hợp lạ lùng.
“Đừng lo,” cô nói. “Tôi sẽ thay sợi dây chuyền đó bằng một cái tốt hơn.”
Tôi cảm thấy dễ chịu hơn hàng năm trước đó, hơn cả lúc chưa bị tai nạn, chỉ đơn giản là được sở hữu một tâm trí không bị đầu độc bởi thuốc kích thích và những mạch máu không trở nên lờ đờ vì chất gây nghiện. Không phải tôi chưa bao giờ cảm thấy gợn chút khao khát có lại cảm giác ngây ngất xưa cũ - tôi có cảm thấy thế; thói quen đó đã ở bên tôi quá lâu rồi - nhưng giờ nó đã khác. Tôi có thể chịu được việc không dùng morphine; tôi muốn không phải dùng morphine. Tôi luôn mong đợi các buổi tập với Sayuri và càng tiến bộ nhanh hơn sau mỗi bài tập.
Nhưng tuyệt hơn hết thảy, con rắn cái đã thực sự biến mất.
Từ sau vụ tai nạn, giờ tôi đã tự chăm sóc bản thân tốt hơn rất nhiều, và Marianne Engel lại tiếp tục quay lại công việc tạc tượng của cô. Cô bắt tay vào làm từ chính cái chỗ cô đã bỏ dở, lại tiếp tục làm việc ngay lập tức với một tốc độ cực kỳ có hại cho sức khỏe. Tất cả những gì tôi có thể làm là rửa sạch gạt tàn cho cô và cố hạn chế việc cô cứ ăn hàng thìa cà phê. Tôi mang cho cô những đĩa hoa quả mà giờ trở thành tranh tĩnh vật hơn là thức ăn, và khi cô tạc xong một bức tượng, rồi lăn đùng ra trên tảng đá tiếp theo, tôi sẽ tắm rửa cho cô. Tôi tự hứa với bản thân rằng nếu cô lại có nguy cơ bị suy nhược sức khỏe nữa, tôi sẽ làm tất cả mọi thứ cần thiết để ngăn cô lại. Tôi tự hứa với bản thân.
Từ ngày mười chín tháng Hai đến ngày hai mốt tháng Hai, cô đã kéo được tượng số 16 ra khỏi đá. Vào ngày thứ hai mươi hai, cô ngủ thiếp đi và chìm vào giấc mơ với đá; từ ngày hai mươi ba đến ngày hai mươi lăm, cô lôi được số 15 ra. Cô nghỉ một ngày và rồi làm việc tiếp tới tận ngày một tháng Ba, hoàn thành số 14. Người ta chẳng cần phải là một nhà toán học mới có thể nhận ra cô đã làm được quá nửa tổng số hai mươi bảy trái tim cuối cùng: chỉ còn mười ba trái tim nữa là tất cả sẽ kết thúc. Chỉ còn mười ba trái tim nữa cho đến khi cô nghĩ rằng mình sẽ chết.
Việc cô quay lại tạc tượng có vẻ đã ảnh hưởng đến Bougatsa, giờ đã thiếu đi sự hiếu động thường nhật. Khi chúng tôi trở về từ chuyến đi dạo hằng ngày, nó ăn cả một tô thức ăn to tướng trước khi nằm lờ đờ nhỏ dãi ra đôi giày chỉnh hình của tôi.
Vào đầu tháng Ba, tôi có một buổi khám định kỳ với bác sĩ Edwards. Chúng tôi xem xét biểu đồ hồi phục của tôi và bàn về một cuộc tiểu phẫu sẽ được tiến hành vào cuối tháng. Bà có vẻ thực sự rất hài lòng. “Anh đã ra viện được hơn một năm và mọi thứ không thể tiến triển tốt hơn thế này được.”
Tôi ngậm miệng lại không nói gì về việc Marianne Engel, chính tại cái thời điểm đó, đang nằm trên một tảng đá mới, chuẩn bị sẵn sàng. Số 13 May Mắn đang đợi.
“Anh biết không,” Nan nói thêm, “tất cả đều chứng minh rằng một bác sĩ có thể phạm phải sai lầm nghiêm trọng đến thế nào. Đã có lúc tôi tưởng anh từ bỏ mọi hy vọng, và rồi anh trở thành một trong những bệnh nhân chăm chỉ tập luyện nhất của chúng tôi. Và khi anh rời đi, tôi cứ đoán chắc rằng Marianne Engel không thể chăm sóc được cho anh.”
Marianne Engel tạc tượng số 13, 12 và 11 (một bà già có đôi tai lừa; một con quỷ mọc sừng có cái lưỡi nhớp nhúa thè lè ra ngoài; và một cái đầu sư tử có đôi ngà voi đi kèm), chỉ nghỉ có vài giờ trong suốt quá trình làm việc. Cô đã sụt toàn bộ số cân tăng được từ hồi Giáng sinh, và lại ăn nói khó hiểu. Bức tượng số 10 hiện hữu vào khoảng hai mươi tháng Ba.
Tôi được lên kế hoạch nhập viện để mổ vào ngày hai mươi sáu. Trước khi vào viện, tôi cần xem mình phải làm gì với Bougatsa. Không những tôi nghi ngờ khả năng chăm sóc Bougatsa của Marianne Engel trong khi cô không chăm sóc được chính bản thân mình, mà còn cả con chó nữa, có lẽ là một ví dụ của việc động vật có mối liên hệ mật thiết với người, cũng đang sụt cân. Tôi băn khoăn không biết liệu mình có thể dùng việc này để khiến cô cảm thấy có lỗi mà chui ra khỏi tầng hầm hay không, và quyết định liều một phen.
Tôi bắt cô dừng tạc tượng một lúc để giải thích cho rằng nếu cô coi việc tạc tượng quan trọng hơn chăm sóc Bougatsa, tôi sẽ đem tống nó vào trại chó. (Đây chỉ là một mẹo mặc cả mặc lẽ thôi, nhưng nếu già néo thì cũng đứt dây thật đấy.) Marianne Engel nhìn tôi rồi nhìn Bougatsa, và cô nhún vai. Rồi cô quay lại tạc bức tượng số 9.
Có một đống phân to tướng ở trên sàn. Không phải của tôi.
Suốt thời gian tôi sống ở pháo đài, Bougatsa chưa một lần ị bậy trong nhà. Tôi cảm thấy ghê ghê khi phải miêu tả chi tiết về đống phân ấy, nhưng có hai điều cần phải chú ý ở đây. Đầu tiên, đống phân có vẻ khá lỏng. Thứ hai, nó có bã lá cây.
Thực vật duy nhất ở trong nhà là cái cây Jack mang đến. (Có lẽ trước khi tôi đến đây cũng đã có nhiều cây khác, nhưng chúng chắc đều đã chết bởi sự thờ ơ của Marianne Engel khi cô mải tạc tượng.) Khi kiểm tra đống phân kỹ hơn, tôi nhanh chóng phát hiện ra Bougatsa rõ ràng đã ăn lá cây. Hầu hết lá đều đã bị ăn mất, những cái lá còn lại đều có rìa nham nhở vết răng cắn.
Tôi tìm con chó và phát hiện ra nó đang nằm thẳng cẳng trong phòng sách, thở hổn hển. Khi tôi lấy tay vuốt sườn con chó để cố xoa dịu nó, lông nó rụng đầy ra tay tôi. Xương sườn là minh chứng về sự chết đói và tôi đã bị sốc: không hẳn là vì sự gầy gò của nó, mà vì tôi không hiểu nổi vì sao chuyện này lại có thể xảy ra. Trong những tuần gần đây, Bougatsa ăn nhiều hơn bình thường; sự thực là nó chẳng bao giờ có vẻ ngừng ăn cả.
Tôi tiến thẳng xuống tầng hầm để thông báo cho Marianne Engel rằng con chó của cô đang ốm rất nặng, vì tôi muốn làm cô cảm thấy xấu hổ và buộc cô đi với tôi đến bác sĩ thú y. Nhưng mọi việc không được tốt đẹp đến thế. Cô đang gù lưng trên một con quái vật với cặp mắt sắc lẻm dường như cảnh báo tôi tránh xa ra. Tôi cứ nói. “Bougatsa bị làm sao ấy. Nó ốm.”
Cô ngước mắt lên nhìn tôi, như thể cô vừa nghe thấy tiếng động kỳ lạ phát ra từ một góc phòng mà lẽ ra cái góc ấy phải trống trơn. Máu chảy ra từ cổ tay cô do cái đục đi lệch hướng và những vệt đỏ dây khắp trán cô khi cô lấy tay lau trán. “Cái gì?”
“Cô đang chảy máu kìa.”
“Tôi là một cành gai trong Thánh đường của Chúa.”
“Không,” tôi vừa nói vừa chỉ. “Cổ tay cô ấy.”
“Ồ.” Cô nhìn xuống, và một ít máu chảy cả vào lòng bàn tay cô. “Trông như một bông hồng ấy.”
“Cô có nghe tôi nói gì không? Bougatsa bị ốm.”
Cô cố hất một lọn tóc ra khỏi bộ ngực lem nhem mồ hôi và bụi đá, nhưng những ngón tay cô không thể chạm trúng được. Cô cứ trượt mãi. “Thế thì đi đến trạm xá vậy.”
“Cô muốn nói phòng khám thú y hả?”
“Ừ.” Máu cứ nhỏ giọt xuống đống đá vụn dưới chân cô. “Phòng khám thú y.”
“Để tôi xem nào.” Tôi với lấy cổ tay cô.
Marianne Engel, với vẻ sợ hãi đột ngột hiện lên trên mặt, giơ thẳng cái đục về phía tôi. Trước đây cô mới chỉ dùng bạo lực dọa tôi có một lần, khi cô ném bình cà phê vào tôi lúc ở trên tháp chuông. Lúc đó tôi đã chắc chắn rằng cô cố ý ném trượt nhưng bây giờ tôi biết nếu cô quăng cái đục vào tôi, thì cô thực sự muốn ném trúng đấy. Cô trông như thể không biết mình đang ở đâu, hay tôi là ai; cô trông như thể sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ quyền được tiếp tục làm việc của mình.
Tôi lùi lại một bước, giơ tay lên theo đúng cách mọi người luôn làm để chứng tỏ rằng họ không có ý định xấu. “Nó là con chó của cô, Marianne. Cô không muốn đi với chúng tôi à? Với tôi và con chó của cô, Bougatsa ấy?”
Cái tên dường như đã khuấy động trí nhớ của cô. Đôi vai co rúm của cô giãn ra và cô buông một hơi thở đã nín từ nãy. Quan trọng nhất, cô hạ cái đục khi nỗi sợ đã rời khỏi ánh mắt cô.
“Không.”
Không có chút tức giận nào trong giọng nói của cô, nhưng cũng chẳng có chút hối hận nào cả. Giọng cô chỉ trầm đục và rỗng không, chẳng chút thương cảm, như thể những thứ cô nói ra không phải âm thanh mà chỉ là những tiếng vọng.
Khi tôi đặt được chân lên bậc đầu tiên của cầu thang dẫn lên nhà, cô lại dồn hết sự chú ý vào tảng đá trước mặt mình.
Bác sĩ thú y là một phụ nữ đẫy đà tên Cheryl với mái tóc đỏ và đôi mắt sáng, có lẽ là người gốc Ailen. Một trong những điều đầu tiên bà hỏi là tại sao tôi lại sở hữu cái bộ dạng mà tôi đang mang đây, thật là một cách cư xử tốt hơn nhiều so với việc cố giả vờ rằng ngoại hình của tôi chẳng có gì bất thường. “Tại nạn ô tô.”
“Tôi hiểu. Vậy anh bắt đầu nhận thấy có chuyện với, à” - bà liếc vào cái bảng mà cô tiếp tân đã điền - “Bougatsa? Bánh ngọt Hy Lạp, là khi nào nhỉ?”
“Phải. Cùng màu. Tôi thấy nó bị ỉa chảy vào sáng nay, và tôi nghĩ nó đã ăn lá cây.”
“Tôi hiểu rồi.” Cheryl gật đầu. “Lông nó lúc nào cũng thế này à? Có vẻ không được bóng mượt lắm.”
“Chị nói đúng,” tôi trả lời, “và đợt này lông có vẻ nhờn hơn bình thường. Nó gần đây đã không ổn rồi, nhưng sáng nay dường như mọi thứ đồng loạt rối tung cả lên. Nó chắc chắn đang bị sụt cân.”
Bà hỏi là nó có bị uể oải không, và tôi xác nhận là có. Rồi bà kiểm tra nó một chút, chiếu đèn vào mõm và mắt nó, Bougatsa cứ nằm rên ư ử suốt. Tôi hỏi xem bà nghĩ vấn đề của nó là gì.
“Nó có đau ở vùng này không nhỉ?” Bà hỏi trong khi ấn tay vào bụng của Bougatsa, và rồi tự trả lời câu hỏi của mình. “Thực sự là nó có vẻ không có vấn đề gì ở chỗ này lắm. Có dấu hiệu gì của mỡ chưa tiêu trong phân của nó không?”
Ai - ngoại trừ một bác sĩ thú y - biết được mỡ chưa tiêu trong phân chó thì trông như thế nào? Tôi trả lời là tôi đã quên làm một bài phân tích thành phần hóa học trước khi mang nó đến đây, vì thế tôi không thể nói chắc được. Cheryl ném cho tôi một cái nhìn khó chịu trước khi nhấc đuôi Bougatsa lên để kiểm tra hậu môn. “Nó có hay ăn phân của mình không?”
“Chúa ơi.” Lại nữa, Cheryl lại mong đợi ở khả năng quan sát của tôi nhiều hơn mức tôi thấy là hợp lý. “Tôi không biết. Có lẽ?”
“Tôi không chắc vấn đề là gì,” bà nói, “nếu không làm thêm vài xét nghiệm nữa. Anh có thể để nó ở đây một hai ngày được không?”
Giờ không phải lúc giải thích rằng Bougatsa thực ra không phải là chó của tôi, thế là tôi cứ thế ký giấy để nó ở lại thôi. Khi tôi hỏi liệu việc xét nghiệm có gây đau đớn cho nó không, nữ bác sĩ thú y giỏi giang trông có vẻ bị xúc phạm. “Không, nếu tôi có thể.”
Tôi bảo con chó phải ngoan ngoãn ở với bác sĩ Cheryl và nó thè lưỡi ra liếm tay tôi. Vài người có thể nghĩ việc này là một dấu hiệu thể hiện tình cảm, nhưng tôi hiểu rõ rằng chó chỉ làm thế theo bản năng thích liếm láp chải chuốt của chúng mà thôi.
Khi tôi gọi điện đến phòng khám vài ngày sau đó, Cheryl vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho Bougatsa nhưng bà cũng trấn an tôi rằng sắp có kết quả. Bà có vẻ rất lấy làm tiếc về chuyện đó nhưng, nói thật chứ, điều này thực sự đúng ý tôi.
Phòng khám sẽ là trại chó lý tưởng trong thời gian tôi phẫu thuật, vì thế tôi đã giải thích tình thế của mình và hỏi xem liệu Bougatsa có thể tiếp tục ở đó cho tới khi tôi ra viện không. Bà bác sĩ thú y rất tán thành, nói rằng việc đó sẽ giúp bà có thời gian để làm các chẩn đoán và xét nghiệm cẩn thận.
Giờ tôi chỉ còn phải lo chuyện của Marianne Engel. Tôi không muốn để cô ở nhà một mình, nhưng cô là một người đã trưởng thành và tôi sắp phải vào bệnh viện có một đêm thôi, nhiều nhất là hai. Nếu cô cứ làm theo đúng lịch trình của mình, cô sẽ lại tạc tượng suốt thôi. Mà nếu tôi có ở nhà, thì cô cũng sẽ lờ tôi đi.
Ngay khi tôi đã yên vị trong bệnh viện, tất cả những gương mặt quen thuộc lại xuất hiện trong phòng tôi. Cả Connie (vừa mới hết ca) và Beth (mới bắt đầu) đều ghé qua để chào. Nan ở đó, và sau vài phút thì Sayuri cùng Gregor bước vào với một khoảng cách khá tế nhị, chỉ chạm tay khi họ nghĩ là không có ai để ý. Khi tôi nói người vắng mặt duy nhất là Maddy, Beth cho tôi biết cô mới cưới và đã chuyển đi rồi. Giả thiết đầu tiên hiện ra trong đầu tôi là chồng cô hẳn phải là một dạng ăn chơi đàn đúm nào đó - có lẽ là một thành viên của bọn đua xe Thiên thần Địa ngục hay một tên luật sư tầm thường nào đấy - nhưng, trước sự ngạc nhiên bất ngờ của tôi, anh ta là một sinh viên tốt nghiệp ngành khảo cổ và Maddy đang theo anh ta đến đào đất tại một địa điểm nào đó trên bờ biển Sumatra.
Tất cả mọi người đều hỏi thăm Marianne Engel; và tôi đã nói dối, một chút. Tôi nói cô có một cái hẹn lấy tượng gấp, bản thân tự thấy rằng chẳng việc gì phải nói là Ba Vị Chủ Nhân của cô giờ mới là người lên lịch. Tất cả mọi người đều gật đầu nhưng tôi có thể thấy ít nhất cũng có Sayuri không tin vào câu chuyện của tôi. Tôi đã không dám nhìn vào mắt cô, và điều này cũng làm Gregor cảnh giác với lời bịa đặt của tôi một chút.
Khi trong phòng chỉ còn lại tôi và Nan, tôi hỏi - vì tôi vẫn còn vài giờ trước khi cuộc phẫu thuật bắt đầu - liệu bà có muốn cùng tôi đi dạo quanh sân bệnh viện một lúc không. Bà nhìn vào lịch làm việc của mình, kiểm tra giấy tờ và tin nhắn điện thoại, quay số gọi cho phòng y tá trực rồi cuối cùng cũng đồng ý. Trong nửa chặng đường tản bộ của chúng tôi, bà thậm chí còn khoác tay tôi và chỉ vào vài đám mây trên trời làm bà liên tưởng tới một bầy hải mã. Tôi mời bà ăn một cái bánh xúc xích ở một gian hàng gần đấy và chúng tôi cùng ngồi trên ghế băng nhìn dòng người qua lại. Nan bị dính một ít mù tạt lên áo và tôi nghĩ rằng nó làm bà trông rất dễ thương.
Tôi đếm ngược khi mặt nạ hô hấp được áp lên miệng mình. Cho đến lúc này, tôi đã trở thành một chuyên gia thuốc gây mê và biết rằng mình sẽ tỉnh lại trong vài giờ tới. Chắc chắn sẽ vương lại cảm giác nhoi nhói nhưng tôi đã quen với đau đớn và cũng trải qua nhiều cuộc phẫu thuật để biết rằng mình sẽ ổn thôi. Ít nhất là ổn như hiện tại.
Trừ việc nó không diễn ra đúng như thế. Cuộc phẫu thuật định kỳ của tôi đã gặp phải một biến chứng: nhiễm trùng máu. Kiểu nhiễm trùng loại này chẳng lạ gì với những bệnh nhân bỏng, thậm chí với cả những người đã hồi phục được nhiều như tôi đây, nhưng may mắn là nhiễm trùng không quá nặng và cơ thể của tôi - đã trở nên mạnh mẽ nhờ những bài tập vất vả - có thể chống chọi được. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nằm lại viện cho tới khi khỏi hẳn.
Sayuri gọi Cheryl để xin gia hạn thời gian cư trú ở đó của Bougatsa, trong khi Gregor tình nguyện đi thông báo cho Marianne Engel biết tình trạng của tôi. Ông ta quyết định lái xe tới pháo đài để trực tiếp nói cho cô biết, vì cô không trả lời điện thoại. Tôi cảnh báo ông rằng nhiều khả năng cô sẽ không ra mở cửa đâu, và hóa ra là tôi đã đúng. Sau mười phút gõ cửa, Gregor đành bỏ cuộc dù ông ta vẫn nghe thấy tiếng Bessie Smith kêu gào với âm lượng cực đại ở dưới tầng hầm.
Jack có một bộ chìa khóa riêng vì thế tôi gọi cho bà để nhờ bà kiểm tra hộ và nấu ăn cho Marianne Engel. Jack hứa với tôi là bà sẽ làm thế, thậm chí còn hỏi xem tôi có cần mang gì đến bệnh viện không. Chẳng có gì cả, vì tôi đã vào viện nhiều lần đến nỗi quá quen với việc chất đầy một túi xách (quần áo ngủ, giấy vệ sinh, sách, vân vân) để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật dù là nhỏ nhất.
Khi những việc nhỏ nhặt này được xếp đặt đâu vào đấy, tôi chẳng còn việc gì khác ngoài nằm yên trên giường (mà, tiện đây nói luôn, không còn tạo cho tôi cảm giác là lồng ngực của bộ xương nữa) và chờ cho lành hẳn. Mỗi buổi tối, Gregor lại mang cho tôi những cuốn sách mới, và có một lần ông ta thậm chí còn lén mang một ít bia vào. Bởi vì, như ông ta giải thích với một cái nháy mắt tinh nghịch, ông ta có hơi hướng nổi loạn một chút. Tôi bảo đảm với ông ta là ông ta rất nổi loạn ấy chứ.
Sau một tuần thì tôi cũng được ra viện, và Gregor xin nghỉ một giờ để chở tôi về nhà. Khi chúng tôi về đến pháo đài, tất cả đều chìm trong yên lặng. Bình thường việc này chẳng có vấn đề gì, có thể Marianne Engel đã đi dạo, hoặc chuẩn bị mua thêm một ít đá mới - nhưng tôi có cảm giác chẳng lành. Tôi không thèm kiểm tra phòng ngủ của cô nữa; tôi chạy thẳng xuống tầng hầm, với Gregor theo sau.
Dù đã ở với cô hơn một năm, tôi vẫn chưa chuẩn bị tinh thần để nhìn thấy cảnh tượng trước mắt. Đầu tiên, có ba bức tượng mới hoàn thành: số 8, 7 và 6. Cứ xét đến việc tôi mới chỉ đi có một tuần mà bình thường phải mất hơn bảy mươi hai tiếng đồng hồ cô mới tạc hoàn chỉnh một bức tượng, bài toán số học đã cho ra kết quả là cô có lẽ không chỉ đã làm việc không ngừng nghỉ mà còn làm việc cuồng nhiệt hơn bình thường rất nhiều. Đây là điều tôi gần như không thể tin được.
Marianne Engel không làm việc cũng chẳng đang ngủ trên một phiến đá mới. Cô đang ngồi giữa ba bức tượng quái vật mới của mình, bụi đá phủ hoàn toàn lấy người cô, khắc họa đậm nét từng chiếc xương khẳng khiu trên cơ thể. Cô đã gầy trơ xương khi tôi rời nhà đến bệnh viện nhưng giờ đây cô còn gầy hơn. Cô chắc chắn đã không ăn uống gì từ khi tôi để cô lại một mình. Ngực cô phập phồng yếu ớt theo mỗi nhịp thở, và làn da của cô, thật rực rỡ khi cô còn khỏe mạnh, giờ trông như bị trát hàng lượt sáp pafaffin hết hạn lên vậy. Khuôn mặt cô chỉ là bản sao xương xẩu so với trước đây, với những quầng thâm đen dưới mắt dễ gây cho người khác ấn tượng về hai hốc mắt mở trừng trừng.
Máu đỏ tươi thấm đẫm lên hình thập giá Trung cổ xăm trên bụng cô, trào ra từ hàng loạt vết cứa sâu trên ngực. Tay phải cô nằm thõng thượt trên sàn nhà, âu yếm một cái đục đẫm máu với những ngón tay trông như của một bà già, sẵn sàng gãy vụn chỉ dưới một áp lực nhỏ nhất.
Hình xăm trái tim rực lửa trên ngực trái của cô, Marianne Engel đã khắc tên tôi sâu vào trong da thịt cô.
Tôi không nghi ngờ gì việc Gregor Hnatiuk là một bác sĩ giỏi nhưng ngành của ông ta chủ yếu liên quan đến nói chuyện với mọi người, cố gắng tìm hiểu xem vấn đề của họ là gì, có lẽ cả kê vài loại thuốc nữa. Ông ta không được chuẩn bị để nhìn những gì Marianne Engel đã làm. Ông ta dường như không thể chấp nhận quang cảnh ấy là sự thật, có lẽ một phần là vì cô từ lâu không còn là bệnh nhân và đã trở thành một người quen thân thiết. Ông ta không thể cử động để tránh khỏi chỗ ấy và cứ đứng chớp mắt như để tĩnh tâm suy nghĩ, mỗi lần mở mắt là một lần ngạc nhiên khi thấy chẳng có gì thay đổi cả.
Marianne Engel xoay khuôn mặt đầy phấn khích của cô về phía tôi, mắt cô tràn đầy những giọt nước mắt hạnh phúc chứ không phải đau đớn. Khuôn mặt cô ngạc nhiên tột độ như thể vừa nhìn thấy một thứ gì đó quá tuyệt vời đến nỗi không thể diễn tả bằng lời lẽ đơn thuần.
“Chúa đã gửi một ngọn lửa khổng lồ vào tâm hồn tôi.” Giọng cô run lên vì sung sướng, trong khi máu vẫn cứ tiếp tục chảy từ dòng chữ tên tôi khắc trên ngực cô. “Trái tim của tôi đã hoàn toàn chìm trong lửa tình yêu, và tôi hầu như không cảm thấy đau đớn chút nào.”
Dù mới đầu bị sốc, Gregor vẫn là người tĩnh trí lại đầu tiên và chạy thẳng lên cầu thang để gọi điện cấp cứu. Trong khi đó, tôi cố gắng thuyết phục Marianne Engel bình tĩnh lại, nhưng cô cứ tiếp tục nói. “Thứ sống cùng lửa sẽ trở nên trong sạch.” Cô chằm chằm nhìn tôi với ánh mắt điên dại, như thể đang mong nhận được sự đồng tình. “Dòng nước chia cách sẽ thanh tẩy.”
Gregor đã quay trở lại, mang theo một cái chăn phủ lên thân thể đang run lẩy bẩy của cô. Khi chúng tôi quấn chăn lên người cô, tôi cố hết sức để làm cô trấn tĩnh lại. “Đội cấp cứu đang tới rồi, và mọi chuyện sẽ ổn thôi. Cô chỉ cần nghỉ ngơi.”
Marianne Engel chẳng quan tâm gì đến lời tôi nói. “Chúa là một ngọn lửa nuốt chửng mọi thứ.” Mười phút sau, khi đội cấp cứu tới và Gregor dẫn họ xuống tầng hầm, cô vẫn tiếp tục nói. “Thứ không thể chịu được lửa sẽ phải chịu nước.”
Nữ y tá phụ trách cấp cứu đã hỏi cô có tiền sử lạm dụng chất kích thích không và tôi đã đảm bảo rằng không hề có chuyện ấy; cô ta gật đầu, nhưng tôi không chắc cô ta có tin tôi hay không.
“Những bầu trời đã cất tiếng kêu,” Marianne Engel nói, trong khi họ quỳ xuống bên cạnh cô và kiểm tra các cơ quan nội tạng quan trọng, như thể cô đang cố thuyết phục họ vậy. “Những mũi tên đã được giải thoát.”
Các nhân viên y tế đặt Marianne Engel lên một cái cáng rồi khiêng cô ra. Tôi được cho phép ngồi cùng xe cấp cứu với cô, trong khi Gregor lái xe theo sau. Tôi nắm lấy tay cô khi họ luồn một ống truyền dịch vào cánh tay cô. “Khi tảng đá được mở ra,” cô líu nhíu nói, “những dòng nước sẽ phun trào.”
Chỉ vài giây sau, thuốc đã khiến cô chìm vào giấc ngủ. Ngay sau khi cô hôn mê, tôi liền cung cấp thêm tiền sử bệnh án chi tiết hơn - với những gì tôi biết, trong mọi trường hợp - để các nhân viên y tế có thể liên lạc trước với bệnh viện. Khi chúng tôi tới cửa phòng cấp cứu, hai bác sĩ và một chuyên viên tâm thần học tiếp chúng tôi và Gregor đã đảm nhận nhiệm vụ ký giấy nhập viện cho cô. Tôi tiếp tục nắm lấy bàn tay vô thức của cô và nhẹ nhàng nói, nói tất cả những điều tôi muốn nói với cô nhưng vẫn chưa thể khi cô còn tỉnh táo.
Khi cuối cùng tôi cũng quay lại phòng khám thú y, Cheryl mời tôi ngồi xuống và nói, “Anh có biết chứng thiếu dịch tụy là gì không?”
Tôi nói là tôi có biết, nếu nó giống như dịch tụy người.
“Chó cũng có thể bị thiếu dịch tụy nữa, nhưng nó cũng không hẳn là bệnh Bougatsa mắc phải. Chứng thiếu dịch tụy là một bệnh hay gặp ở những giống chó lớn như là chó chăn cừu Đức, và những triệu chứng thường xuất hiện rất nhanh chóng, có vẻ giống với trường hợp này. Nói đơn giản, nó không thể phân hủy thức ăn của mình thành những phân tử nhỏ hơn bởi vì nó thiếu enzyme cần thiết. Kết quả là, nó không hấp thụ được chút dinh dưỡng nào, và đó là lý do lúc nào nó cũng đói. Nó ăn tất cả những gì mình có thể ăn được, thậm chí cả lá, để bù đắp cho sự thiếu hụt, nhưng dù có ăn nhiều đến thế nào đi nữa, nó cũng không hấp thu được chất dinh dưỡng. Cứ thế này mãi đã dẫn đến tình trạng nó gần như chết đói.”
“Nhưng đó mới là tin xấu thôi,” bà nói. “Tin tốt là anh đã phát hiện sớm và bệnh này hoàn toàn có thể chữa được, hoàn toàn có thể kiểm soát được với chế độ ăn hợp lý. Nó sẽ lại khỏe mạnh như cũ sớm thôi.”
Bà đưa tôi đến chỗ cái cũi và tôi gần như có thể thề là mình đã trông thấy một tia sáng lấp lánh trong mắt Bougatsa khi nó nhìn thấy tôi đến. Nhưng có lẽ đó chỉ bởi Cheryl đã cho nó ăn thức ăn mà cuối cùng nó cũng có thể tiêu hóa được.
Các bác sĩ nói với Marianne Engel rằng họ chỉ chữa chứng suy nhược cơ thể của cô thôi, nhưng sự thật là họ cũng đang sát sao theo dõi tình trạng thần kinh của cô nữa. Gregor thường xuyên đến bệnh viện thăm cô, nhưng những chuyến thăm của ông ta là do tình bạn nhiều hơn là mối quan tâm bác sĩ bệnh nhân. Nhờ sự can thiệp của ông, một chuyên gia tâm thần học khác đã được chỉ định theo ca này.
Ngày nào tôi cũng đến và có một lần các bác sĩ thậm chí còn cho phép tôi mang Bougatsa vào. Biện pháp trị liệu với sự giúp đỡ của động vật, họ gọi thế. Marianne Engel được ra ngoài ngồi trên ghế băng tắm mình trong ánh mặt trời và cho con chó ăn một chút. Cô dường như rất sốc trước sự gầy gò của nó, như thể cô không hề nhớ rằng tình trạng sức khỏe của nó đã yếu đi trông thấy ngay trước mắt cô. Con chó, về phần mình, đã tha thứ hoàn toàn việc bị cô chủ bỏ rơi khi nó cần cô nhất. Bọn chó lúc nào cũng ngu thế đấy.
Việc cô ra viện vào cuối tuần đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía bác sĩ chỉ định. Tôi cũng khá do dự: tất cả những tổn thương cô tự gây ra cho bản thân, hầu hết đều do việc không quan tâm gì đến cơ thể của chính mình. Khắc tên tôi vào ngực mình là một hành động điên rồ và cực kỳ đáng sợ, điều này làm tôi cảm thấy mình không chỉ bỏ bê cô mà còn là nguyên nhân gây đau khổ cho cô nữa. Vì tình trạng sức khỏe của cô đã hồi phục, bệnh viện cũng không thể giữ cô lại mà không có trát của tòa, và dù tôi có nói thế nào đi nữa thì cũng không thể bắt cô ở lại thêm vài ngày. Khi chúng tôi về đến nhà, Bougatsa chạy nhắng lên khắp chỗ, húc cả vào cái cây mà vài tuần trước đã là thức ăn của nó.
Marianne Engel mới về nhà được hai ngày đã lại bắt đầu cởi quần áo chuẩn bị cho tảng đá tiếp theo. Đến dải băng quấn quanh ngực, cô cũng tháo luôn. “Tôi không thể giao tiếp mà vẫn băng thứ này trên người được.”
Tôi sẽ không để cô làm thế nữa đâu. Tôi đã phải nhìn cô đổ gục hai lần rồi. Tôi sẽ không để mặc cô lần thứ ba đâu; tôi sẽ không để tên tôi làm ô nhiễm da thịt cô.
Chuyện xảy ra tiếp theo không thể gọi chính xác là một cuộc tranh luận, bởi vì một cuộc tranh luận cần có sự trao đổi những ý kiến trái ngược nhau. Đây thì toàn tôi nói thôi. Tôi nói nhẹ nhàng; tôi quát tháo; tôi dụ dỗ; tôi đe dọa; tôi nài nỉ; tôi đòi hỏi; tôi nói năng logic; tôi nói chuyện tình cảm; tôi nói đi nói lại mà cô vẫn hoàn toàn lờ tịt. Cô cứ lặp đi lặp lại chỉ một câu trả lời: “Chỉ còn năm bức tượng nữa thôi. Tôi sẽ nghỉ khi tất cả đã hoàn thành.”
Khi tôi không thể dùng lời lẽ bắt cô dừng làm việc - logic thật vô dụng khi phải đối mặt với đam mê ám ảnh - tôi sẽ phải tìm cách khác để bảo vệ cô. Tôi quyết định đến thăm Jack, dù bà đã thất hứa trong việc chăm sóc cho Marianne Engel khi tôi đang nằm viện.
Khi bước vào triển lãm, tôi đã thấy một bộ ba bức tượng quái vật quen thuộc, và trên bức tường phía sau chúng là bức ảnh của một Marianne Engel khỏe mạnh. Đục trong tay, mái tóc kỳ dị rối bù đầy nghệ sĩ, cô đang đứng tựa vào một trong những sáng tạo nghệ thuật đầu tay của mình. Chú thích ngắn ngủi phía dưới bức ảnh chẳng đả động gì đến vấn đề thần kinh của cô cả. “Không giống với hầu hết các nghệ nhân tạc tượng hiện đại khác, người nghệ sĩ tỉnh lẻ nổi tiếng khắp thế giới này từ chối sử dụng các dụng cụ bằng hơi, luôn ưa dùng những dụng cụ truyền thống từ thời Trung cổ…”
Một cặp vợ chồng trẻ đi quanh một trong những tác phẩm cỡ lớn, lướt ngón tay lên những đường nét của bức tượng. Họ đang bình phẩm “cảm giác tuyệt vời khi được chạm vào nó” - nhưng rồi họ có thể đặt nó ở đâu? Chẳng có gì làm người ta buồn nôn hơn là việc bọn rửng mỡ chê tiền ngồi bàn luận nghệ thuật. Jack, ngắm thấy một mối lợi tiềm tàng, đã cố đi thẳng qua tôi với chỉ một cái vẫy tay hờ hững và nói, “Tôi sẽ quay lại với anh trong phút nữa.”
“Sao bà lại bỏ rơi cô ấy?” tôi hỏi. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy hài lòng với cái chất giọng chuông vỡ đùng đục của mình - nó làm lời buộc tội của tôi dành cho bà càng thêm kịch tích hơn.
Jack ngay lập tức bỏ ý định tiến lại chỗ khách hàng và kéo tôi vào một góc phòng để dựng lên một hàng rào phòng ngự chắc chắn trước sự cáo buộc của tôi. Cách bà nói làm tôi nghĩ đến một đoàn tàu trật bánh: tất cả những lời bà nói đều là những toa chở hàng hóa đóng kín, đổ ầm ầm về phía trước, đe dọa sẽ bay khỏi đường ray và nổ tung vào cuối mỗi câu như một đống hoang tàn hỗn độn. Bà bảo rằng mình đã đến pháo đài của cô hàng đêm khi tôi đang nằm viện, cố lách mình qua đống đồ đạc chặn trước cửa chính. Khi đã vào được bên trong rồi, bà đứng giữa Marianne Engel và những bức tượng của cô, không chịu rời đi cho tới khi cô ít nhất cũng ăn được một chút hoa quả.
“Anh thấy cô ấy vào giữa buổi chiều đúng không?” Jack đang nói tới thời điểm tôi và Gregor đến pháo đài. “Tôi phải làm việc, anh biết đấy. Tôi không giống anh - tôi phải tự trả hóa đơn của mình. Tôi không thể cứ thế mà đóng cửa phòng triển lãm để ở bên cô ấy cả ngày. Và nếu anh chịu gọi điện, tôi đã đi thẳng tới bệnh viện rồi. Nhưng không.”
Chúng tôi cứ tranh cãi xem ai phải có trách nhiệm về cái gì, cho tới khi cặp vợ chồng trẻ không thể không nhìn trân trối về phía chúng tôi. Tôi ném cái nhìn quái vật nhất của mình về phía họ, cái nhìn sẽ giúp họ biết rằng họ nên quan tâm đến công chuyện chết tiệt của họ thì hơn.
Jack coi đây là một cơ hội tuyệt diệu để chỉ ra rằng khách hàng của bà đã trả tiền cho việc nuôi sống tôi. Tôi phản pháo lại là họ cũng trả cho việc nuôi sống bà nữa đấy, trong khi bà đè đầu cưỡi cổ Marianne Engel. “Bà chắc phải vui lắm khi biết rằng cô ấy lại tiếp tục tạc nữa đấy.”
Ngay giây phút ấy, tất cả những giận dữ trên gương mặt Jack đã được thay thế bởi vẻ ngạc nhiên rất thật. “Cô ấy lại cái gì cơ?”
Tôi không thể tiếp tục tấn công bà được nữa: không có cách nào phủ nhận sự quan tâm của Jack cả. “Cô ấy chưa bao giờ lên cơn cùng một lúc thế này trước đây cả. Một lần một năm, có lẽ thế. Hai lần, nếu năm nào không được suôn sẻ cho lắm.”
Chính lúc ấy, tôi cảm thấy ghét Jack vì chuyện bà đã chia sẻ hai mươi năm đời mình với Marianne Engel. Đó là sự ghen ghét tệ hại nhất, được nuôi dưỡng bởi lòng ghen tị, nhưng đó cũng là sự ghen ghét tôi phải gạt sang một bên. Kinh nghiệm của Jack là vô giá, vì thế tôi hạ tông giọng của mình xuống thấp nhất có thể. “Giờ tôi phải làm gì đây?”
“Tôi không biết.” Bà lật tấm biển từ “Mở cửa” sang “Đóng cửa”, dồn những vị khách còn sót lại ra ngoài, và tôi đi theo bà ra khỏi cửa hàng. “Nhưng chúng ta phải làm một cái gì đó.”
Jack biết một luật sư chuyên trị những vấn đề liên quan đến việc nhập viện không tự nguyện. Tôi nghĩ điều này cũng rất tự nhiên khi cả đời bà phải đối phó với những bệnh nhân tâm thần phân liệt - trước nhất là mẹ mình, rồi đến Marianne Engel.
Clandy McRand là một ông già, ngồi sau cái bàn gỗ to tướng đặt chiếc máy tính phủ đầy những tờ giấy ghi chú màu vàng. Ông cứ không ngừng kéo ve chiếc áo khoác của mình xuống, như thể làm thế sẽ giúp ông khép được chiếc jacket vào cái bụng mà ông không chịu thừa nhận kích cỡ thực sự. McRand đằng hắng liên tục, dù tôi mới là người nói hầu như từ đầu đến cuối. Ông hí hoáy viết vào cuốn sổ luật sư bìa vàng của mình, và Jack thỉnh thoảng lại trả lời những câu hỏi của ông mà tôi không có lời đáp. Ông có vẻ đã biết khá rõ về Marianne Engel, nhìn vào chồng hồ sơ dày cộm ông lôi ra trong tủ khi chúng tôi mới đến thì biết. Rõ ràng là hồi xưa Jack cũng có dùng dịch vụ của McRand, có lẽ là để giúp lập quyền bảo trợ.
Khi chúng tôi đã nói cho ông biết mọi chuyện cần thiết, ông bảo chúng tôi có thể lập hồ sơ vụ này nhưng cũng sẽ chẳng dễ dàng gì đâu. Mọi thứ có bao giờ dễ dàng đâu, tôi nghĩ, nếu luật sư có thể có một ngày lương béo bở. Tuy nhiên, khi nghe ông giải thích quy trình, tôi có thể hiểu được là không phải sự tham lam của ông làm chậm trễ mọi việc. Lý do thực sự là do quy chế.
Thông thường thì, một người họ hàng của bệnh nhân sẽ điền các cam kết cho việc nhập viện khẩn cấp. Dù theo luật là ai cũng có thể ký được, McRand giải thích tiếp, nhưng quy trình sẽ bị chậm đi nếu người ký giấy không phải họ hàng gần của bệnh nhân. Vì Marianne Engel không có gia đình, cô sẽ cần phải được hai bác sĩ kiểm tra cẩn thận trước khi người đại diện có thể ký bất kỳ cái gì. Nếu cô từ chối không cho kiểm tra - mà tôi biết chắc là cô sẽ làm thế - tôi sẽ bị buộc phải làm bản cam kết rằng cô “bị tổn thương nghiêm trọng”. McRand nhìn tôi dò hỏi để chắc chắn tôi sẽ làm việc đó và tôi bảo đảm với ông rằng tôi sẽ làm thế, nhưng tôi nghĩ ông đã nhận ra sự do dự trong giọng nói của tôi.
“Ừm ừm,” McRand dặng hắng một lúc trước khi tiếp tục nói. Một khi bản cam kết của tôi đã được ký xong xuôi, Marianne Engel sẽ bị bắt buộc phải trình diện tại bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán. Nếu cô từ chối - mà, lại nữa, tôi biết cô sẽ làm thế - các nhà luật pháp sẽ bắt buộc cô phải có mặt. Trong trí tưởng tượng của mình, tôi nhìn thấy hai ông cảnh sát bụng bự còng tay cô và kéo khuỷu tay cô dẫn vào tòa.
Nếu các bác sĩ kiểm tra đồng ý với lời khai của tôi rằng cô thực sự bị tổn thương nghiêm trọng, lệnh bắt nhập viện khẩn trong vòng bảy mươi tám tiếng đồng hồ sẽ được thực thi. Khi thời gian này kết thúc, giám đốc bệnh viện có thể làm một bệnh án khác để buộc cô nhập viện lâu hơn. Điều này là rất cần thiết bởi vì - lại một lần nữa, do chúng tôi không có họ hàng gì với nhau - cả Jack lẫn tôi đều không thể tự đứng ra làm việc đó được. Nếu không có sự hợp tác của ngài giám đốc, chúng tôi sẽ không có quyền hợp pháp để tiến hành làm đơn thỉnh cầu.
Cứ cho rằng giám đốc bệnh viện sẽ đồng ý, thì tiếp theo cũng phải ra đối chất trước tòa nữa. Ở đây thì Marianne Engel sẽ bị buộc phải ra để đối chất, như tôi, và như Jack với tư cách là người bảo trợ của cô. Có khả năng là những người khác cũng phải có mặt, những người đã chứng kiến những biểu hiện gần đây của Marianne Engel. Có lẽ là Gregor Hnatiuk và Sayuri Mizumoto, ví dụ thế. Hội đồng sức khỏe tâm thần sẽ chủ tọa phần đối chứng, dù Marianne Engel vẫn sẽ có quyền hợp pháp để dự một phiên tòa có đủ bồi thầm đoàn. Và, nếu chuyện đó xảy ra, cô hoàn toàn có thể thuê luật sư cho riêng mình.
Ở tòa, McRandy cảnh báo, chẳng mấy nghi ngờ gì là tiểu sử của tôi sẽ được mang ra bàn luận. Xét đến nghề khiêu dâm của tôi, việc tôi thú nhận là người nghiện ngập, và việc Marianne Engel đang phải trả mọi hóa đơn y tế của tôi, bất cứ thẩm phán nào cũng sẽ do dự trước việc treo quyền dân sự của cô chỉ vì tôi thấy rằng đó là một ý hay. Nhìn một cách khách quan, cô là công dân hạng nhất, tôi thì không. Bồi thẩm đoàn có khi còn thấy buồn cười là tôi muốn cô tuyên bố rằng cô không có khả năng tự chăm sóc bản thân trong khi mọi người đều thấy rằng cô sống một cuộc sống tốt hơn tôi rất nhiều. Và - McRand có vẻ ngại ngần nêu vấn đề này ra nhưng biết rằng ông sẽ rất cẩu thả nếu không làm thế - Marianne Engel có thể trình diện tòa với một khuôn mặt xinh đẹp. “Anh, trái lại…” Đó không phải là một câu cần có kết thúc.
Tôi chỉ ra rằng cô đã lấy đục khắc chữ vào ngực. Có bằng chứng nào mạnh hơn thế để chứng tỏ cô đang gây nguy hiểm cho chính bản thân mình chứ? McRand thở dài và nói rằng sự việc ấy có thể là “một điểm khởi đầu tốt để đưa trường hợp đó ra trước tòa,” nhưng cũng chẳng có bằng chứng nào chứng tỏ cô có thể gây nguy hại cho ai khác cả. “Nếu tự làm hại bản thân là lý do để tống người ta vào bệnh viện, thì giờ viện tâm thần đã đầy chật những người nghiện thuốc lá và khách hàng trung thành của đồ ăn nhanh rồi.”
Sao tôi có thể nhờ những người chúng tôi biết để làm chứng chống lại Marianne Engel trong một vụ xử mà chúng tôi gần như cầm chắc thất bại? Hơn nữa, làm sao tôi có thể làm chứng chống lại cô? Với những lý thuyết của cô về âm mưu thì không thể để cô nghĩ rằng những người bạn thân nhất thực ra chính là tay sai của kẻ thù đang cố ngăn cô đem những trái tim của mình đi.
“Vậy đó…” Ngài McRand thở dài thể hiện đã đi đến kết luận, kéo ve áo của ông xuống lần nữa trước khi đặt hai tay lên cái bụng tròn trịa.
Tôi cám ơn ông vì đã dành thời gian cho chúng tôi và Jack nói với ông là cứ gửi hóa đơn đến phòng triển lãm của bà. Khi chúng tôi đã ra khỏi văn phòng, Jack giơ tay lên để quàng vai tôi. Bà nói rất lấy làm tiếc, và tôi tin rằng bà thực sự thấy như vậy.
Niềm an ủi duy nhất của chúng tôi là Marianne Engel chỉ còn năm bức tượng nữa trong bài đếm ngược của cô. Dù nhìn cô tạc chúng là một việc rất đau đớn, ít nhất việc đó cũng không kéo dài lâu nữa. Tất cả những gì tôi có thể làm là cố chăm sóc cô tận tình. Khi cô đập nhát búa cuối cùng xuống bức tượng cuối cùng, cô sẽ nhận ra rằng rốt cuộc những nỗ lực của cô đã không thể giết được cô.
Thực đơn mới của Bougatsa bao gồm một phần tụy bò sống, thứ này giúp nó có thể tiêu hóa các thức ăn khác bằng việc thay thế enzyme tụy mà cơ thể nó thiếu. Dù có thức ăn bổ sung dạng bột chứa đủ enzyme cần thiết, Cheryl và tôi vẫn quyết định là sẽ dùng thịt thật. Thế là tôi trở nên nhẵn mặt mấy bác bán thịt quanh vùng, những người đã rất băn khoăn trước đơn đặt hàng của tôi cho tới khi tôi giải thích tại sao tôi lại cần chúng, và họ đã rất hài lòng khi biết được rằng mình đang giúp đỡ con chó ở cuối sợi dây của tôi đây, vì chẳng mấy khi một ông đồ tể có được cảm giác mình là một bác sĩ. Mỗi ngày Bougatsa lại trông khá hơn một chút và mỗi ngày Marianne Engel lại trông tệ đi một chút.
Cô tái đi vì thiếu ánh sáng, dù thỉnh thoảng cô cũng ra khỏi tầng hầm để lấy thêm thuốc lá hoặc một bình cà phê hòa tan khác. Cô dần trở thành một cái khung xương tạc vĩnh viễn vào bụi đá, da thịt cô cứ khô héo dần dưới áp lực cố gắng quá sức. Cô đang tan biến dần, từng chút từng chút một, như những mẩu đá nhỏ cô đục ra khỏi bức tượng quái vật. Cô đã hoàn thành bức tượng số 5 trước khoảng giữa tháng Tư và ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị cho bức tượng số 4.
Ngày kỷ niệm vụ tai nạn của tôi - ngày “sinh nhật” thứ hai của tôi vào thứ Sáu Tuần Thánh - trôi đi mà cô không hề chú ý. Tôi đến địa điểm xảy ra tai nạn một mình, trèo xuống chỗ gần bờ sông và thấy rằng màu xanh của cỏ giờ đã phủ lên màu đen của vụ cháy. Chiếc chân nến cắm từ lần sinh nhật trước của tôi giờ vẫn đứng nơi chúng tôi để nó lại, xám xịt vì sương gió, một minh chứng cho việc nơi đây chưa hề có ai lai vãng kể từ lần đó.
Tôi đặt một chiếc chân nến xuống, một chiếc khác trong số những tác phẩm được cho là của Francesco, và cắm một ngọn nến vào cái miệng sắt đang há ra chực chờ của nó. Tôi nói vài lời sau khi đã châm nến - không phải một bài cầu nguyện, vì tôi chỉ cầu nguyện khi ở Địa ngục - mà như một lời tưởng niệm những gì đã qua. Nếu không phải vì lý do nào khác, thực sự cuộc sống với Marianne Engel đã làm tôi trở nên thích thú với các nghi lễ.
Cô tiếp tục làm việc đến hết tháng, nhưng tốc độ làm việc của cô đã giảm đi đáng kể. Điều này là không thể tránh khỏi. Khi làm xong bức tượng số 4, cô phải nghỉ hai ngày rồi mới tiếp tục làm tượng số 3. Cô không thể tiếp tục lờ đi những rối loạn cơ thể được nữa. Dù cô đã dành thêm thời gian để chuẩn bị, bức tượng số 3 vẫn mất tới năm ngày mới hoàn thành được.
Tượng số 2 kéo thời gian làm việc của cô đến tận cuối tháng, và chỉ nhờ một ý chí kiên cường đáng sợ mới có thể giúp cô tiếp tục được lâu đến thế. Sau khi xong xuôi, cô bò vào phòng tắm để tắm gội sạch sẽ và rồi (cuối cùng thì cũng) trèo lên giường ngủ liền hai ngày.
Khi cô tỉnh dậy, chỉ còn duy nhất một bức tượng nữa mà thôi. Tôi không chắc là mình nên sợ điều này hay nên sung sướng tột độ nữa; vì lúc nào chẳng thế, Marianne Engel thường làm tôi có cảm giác ấy.
Cô hiện ra từ phòng ngủ vào ngày đầu tiên của tháng Năm và tôi thực sự nhẹ nhõm khi thấy cô đã khá lên nhiều. Tôi trở nên hài lòng gấp đôi dù vẫn còn chút ngờ vực khi thay vì tiến thẳng xuống tầng hầm để bắt đầu làm nốt bức tượng cuối cùng cô lại cùng ăn với tôi. Khi chúng tôi nói chuyện, tất cả từ ngữ đều ở đúng trật tự và sau đó cô còn đi dạo với Bougatsa, con chó cứ lâng lâng khi có lại sự quan tâm mà nó đã mong mỏi từ phía cô chủ. Chúng tôi thay nhau ném một quả bóng tennis cho nó chạy đuổi theo để rồi quay trở về với một mồm đầy nước dãi.
Marianne Engel là người đầu tiên gợi chủ đề ấy ra. “Tôi chỉ còn một bức tượng nữa thôi.”
“Ừ.”
Tôi đặt một chiếc chân nến xuống, một chiếc khác trong số những tác phẩm được cho là của Francesco, và cắm một ngọn nến vào cái miệng sắt đang há ra chực chờ của nó. Tôi nói vài lời sau khi đã châm nến - không phải một bài cầu nguyện, vì tôi chỉ cầu nguyện khi ở Địa ngục - mà như một lời tưởng niệm những gì đã qua. Nếu không phải vì lý do nào khác, thực sự cuộc sống với Marianne Engel đã làm tôi trở nên thích thú với các nghi lễ.
Cô tiếp tục làm việc đến hết tháng, nhưng tốc độ làm việc của cô đã giảm đi đáng kể. Điều này là không thể tránh khỏi. Khi làm xong bức tượng số 4, cô phải nghỉ hai ngày rồi mới tiếp tục làm tượng số 3. Cô không thể tiếp tục lờ đi những rối loạn cơ thể được nữa. Dù cô đã dành thêm thời gian để chuẩn bị, bức tượng số 3 vẫn mất tới năm ngày mới hoàn thành được.
Tượng số 2 kéo thời gian làm việc của cô đến tận cuối tháng, và chỉ nhờ một ý chí kiên cường đáng sợ mới có thể giúp cô tiếp tục được lâu đến thế. Sau khi xong xuôi, cô bò vào phòng tắm để tắm gội sạch sẽ và rồi (cuối cùng thì cũng) trèo lên giường ngủ liền hai ngày.
Khi cô tỉnh dậy, chỉ còn duy nhất một bức tượng nữa mà thôi. Tôi không chắc là mình nên sợ điều này hay nên sung sướng tột độ nữa; vì lúc nào chẳng thế, Marianne Engel thường làm tôi có cảm giác ấy.
Cô hiện ra từ phòng ngủ vào ngày đầu tiên của tháng Năm và tôi thực sự nhẹ nhõm khi thấy cô đã khá lên nhiều. Tôi trở nên hài lòng gấp đôi dù vẫn còn chút ngờ vực khi thay vì tiến thẳng xuống tầng hầm để bắt đầu làm nốt bức tượng cuối cùng cô lại cùng ăn với tôi. Khi chúng tôi nói chuyện, tất cả từ ngữ đều ở đúng trật tự và sau đó cô còn đi dạo với Bougatsa, con chó cứ lâng lâng khi có lại sự quan tâm mà nó đã mong mỏi từ phía cô chủ. Chúng tôi thay nhau ném một quả bóng tennis cho nó chạy đuổi theo để rồi quay trở về với một mồm đầy nước dãi.
Marianne Engel là người đầu tiên gợi chủ đề ấy ra. “Tôi chỉ còn một bức tượng nữa thôi.”
“Ừ.”
“Anh có biết nó là gì không?”
“Lại một con quái vật nữa, tôi đoán thế.”
“Không,” cô nói. “Là anh.”
Trong suốt tháng trước, bức tượng của tôi đã đứng đó, phủ một tấm vải trắng như bức biếm họa một con ma, trong góc xưởng của cô. Lúc đầu tôi hơi thất vọng vì nghĩ cô đã chán chẳng động đến nó, nhưng khi thấy cô càng lúc càng gầy đi thì tôi lại hạnh phúc vì đã không phải ngồi làm mẫu cho cô trong khi cô cứ héo dần héo mòn.
Tôi chỉ phải nghĩ một chút trước khi tình nguyện tiếp tục ngồi làm mẫu cho cô. Dù vẫn mong cô sẽ từ bỏ hết ý định tạc bức tượng cuối cùng, thì ít nhất tôi cũng có thể để mắt tới cô khi cô làm việc. Việc này cũng có cái lợi, nếu những lần ngồi mẫu trước đây của tôi có biểu đạt gì, cô sẽ tiến hành tạc tượng với một tốc độ thoải mái hơn rất nhiều. Tôi không phải một con quái vật hoảng sợ gào thét đòi thoát ra khỏi trận tuyết lở của thời gian và đá bụi; tôi sẽ cho cô thời gian rộng rãi hết mức, chẳng bao giờ thúc giục cả.
Tính tò mò đã giục tôi hỏi Marianne Engel xem liệu khi chúng tôi bắt đầu tạc bức tượng đó vài tháng trước, cô có biết đó sẽ là tác phẩm cuối cùng của mình không. Rồi, cô trả lời, cô đã biết thế rồi. Thế là tôi lại hỏi thêm, sao cô lại mất công tạc nó vào lúc ấy, trong khi biết rằng mình sẽ phải tạm để nó sang một bên?
“Đó là một phần trong việc chuẩn bị cho anh,” cô trả lời. “Tiền trảm hậu tấu, tôi nghĩ anh khó có thể từ chối. Có vẻ là tôi đã đúng.”
Chúng tôi bắt đầu vào chính ngày hôm đó. Trần trụi đứng trước mặt cô luôn làm tôi có cảm giác kỳ cục, nhưng giờ tôi đã cảm thấy ít xấu hổ hơn khi hiện tại cô, cũng như tôi, đã không còn hoàn hảo về mặt thể chất nữa. Trong khi sự gầy gò ốm yếu của cô còn lâu mới kinh khủng bằng những vết thương của tôi, nó ít nhất cũng mang chúng tôi lại gần nhau hơn trong nỗi bất hạnh của mình.
Công việc tạc tượng tôi kéo dài trong khoảng mười ngày, già nửa thời gian đó được đổ vào việc chăm chút những chi tiết nhỏ nhất. Thỉnh thoảng Marianne Engel đi tới bên chỗ tôi ngồi để lướt ngón tay lên người tôi, như thể đang cố nhớ vị trí vết bỏng của tôi để có thể khắc lên bức tượng càng chính xác càng tốt. Cách cô chú ý đến từng đường nét mờ ảo nhất khiến tôi không kìm được vài câu nhận xét; cô đáp rằng việc bức tượng được hoàn thành không chút sai lệch, không chút thiếu sót là cực kỳ quan trọng.
Mọi việc diễn ra cũng gần như tôi mong đợi. Cô không cuồng nhiệt làm việc như các đợt tạc tượng khác, thông thường chỉ làm dưới một giờ mỗi lần dù rằng tôi giờ đã có thể ngồi bao lâu cũng được khi bộ quần áo tạo áp suất đã được tháo ra. Cô dường như đang tận hưởng việc thực hiện bức tượng này, tác phẩm cuối cùng của mình. Cô hút ít hơn, và nắp đậy trên những bình cà phê luôn trong tình trạng kín mít. Cô tựa sát vào tảng đá trong khi tạc, thì thầm vào nó với một giọng nhỏ đến nỗi tôi không thể nghe thấy. Tôi rướn người ra phía trước, căng tai nghe những gì cô đang nói nhưng chẳng bao giờ thành công; thính giác của tôi bị tổn thương quá nặ a0c ng trong vụ tai nạn khiến tôi chẳng xoay xỏa được gì. Tôi cố tìm hiểu bằng một câu nhận xét bâng quơ, “Tôi nghĩ là tảng đá nói chuyện với cô đấy, chứ không phải ngược lại đâu.”
Marianne Engel ngước lên nhìn tôi. “Anh thật biết đùa.”
Và mọi việc cứ thế diễn ra, cho tới khi cô lùi lại vài bước sau khi đã giáng nhát đục cuối cùng xuống. Trong một khoảng thời gian dường như kéo dài vô tận, cô chăm chú xem xét phiên bản đá của tôi trước khi nhận định là không có gì khác biệt giữa tượng và người thật nữa. Thỏa mãn, cô nói, “Tôi muốn khắc chữ một mình.”
Cô làm việc cho tới tận khuya và, mặc dù sự tò mò của tôi gần như đã vượt quá khả năng kiềm chế, tôi vẫn tôn trọng yêu cầu được riêng tư của cô. Khi chữ cái cuối cùng được khắc xong, Marianne Engel liền đi lên cầu thang. Rất tự nhiên, tôi hỏi mình có thể đọc những chữ ấy không.
“Rồi sau sẽ có rất nhiều thời gian để làm việc đó,” cô trả lời. “Ngay bây giờ, chúng ta sẽ đi ra biển để ăn mừng.”
Tôi thích ý tưởng đó. Bãi biển luôn làm cô thoải mái và đó là một cách hay để tổ chức ăn mừng sự kiện này. Thế là cô dồn tôi vào xe và chẳng bao lâu sau chúng tôi đã thấy mình ở giữa những khúc gỗ đang trôi dạt vào bờ.
Những con sóng đánh dập dìu vào bãi cát và cơ thể cô ép sát vào tôi mới tuyệt vời làm sao. Bougatsa sung sướng nhảy múa xung quanh, đá cát lên khắp mọi chỗ. Dưới bãi biển, bọn thanh niên uống bia và cố gây ấn tượng với lũ con gái bằng cách làm trò như những thằng dở hơi.
“Thế,” tôi nói. “Làm gì bây giờ?”
“Phần cuối cùng câu chuyện của chúng ta. Nếu anh đã quên thì đó là đoạn anh bị bọn condotta thiêu cháy ấy.”
Hết chương 30. Mời các bạn đón đọc chương 31!