Cô Gái Trong Nắng Chương 3

Chương 3
Không phải tự kiêu gì nhưng có thể khẳng định là hồi cấp II Mao từng thích tôi.

Lúc nào nàng cũng bám theo tôi, tôi là học sinh nam duy nhất mà nàng chủ động bắt chuyện. Tuy chưa đủ cơ sở để gọi đó là “tình yêu” nhưng ít ra thì nàng đã có cảm tình với tôi. Và tôi cũng thích nàng.

Nhưng tôi đã không đáp lại tình cảm của nàng. Vì xấu hổ. Vì không thích ở cạnh một người bị bắt nạt.

Vậy mà ngay khi thấy nàng trưởng thành và xinh đẹp, tôi liền trở mặt, quay sang tiếp cận nàng, chẳng khác gì một kẻ cơ hội!

“Kousu... Tớ gọi cậu là Kousuke nhé. Để tớ đoán xem Kousuke đang nghĩ gì.”

Mao nhìn tôi, ánh mắt như thể đọc thấu được tâm can tôi.

“Hả?”

“Cậu đang nghĩ lâu rồi chưa về thăm nhà cũ đúng không?”

Sai bét.

Cái kiểu đoán sai nhưng rất tự tin của Mao khiến tôi bật cười thành tiếng.

“Mao vẫn chẳng thay đổi gì.”

“Sao cơ? Ý cậu là tớ vẫn như học sinh cấp II à?”

Mao lườm tôi.

Nếu như ở lần tái ngộ này, Mao vẫn ngốc nghếch hệt như xưa thì thế nào nhỉ?

Chẳng sao, tôi vẫn sẽ thấy vui. Dù không thích kiểu hành động bột phát của nàng, tôi vẫn sẽ cùng nàng ăn tối và bảo: “Mao vẫn chẳng thay đổi gì.”

Tôi nghĩ vậy trong lúc cố ăn hết đĩa bít tết. Tôi có cảm giác như vài phần trăm cơ thể tôi đã biến thành bò. Trong thời gian tới, tôi không muốn nhìn thấy thịt nữa.

“Ngon quá.”

Mao cũng buông dao và dĩa sau tôi một chút. Trên đĩa của Mao còn hai miếng thịt được cắt gọn ghẽ.

Thấy tôi nhìn, Mao bèn đẩy chiếc đĩa về phía tôi, hỏi: “Cậu ăn không?” Có vẻ như tôi bị hiểu nhầm là muốn ăn thêm.

Nói thật là bụng tôi sắp vỡ. Nhưng từ chối thì phí, chưa kể lại không đáng mặt nam nhi.

Tôi làm bộ như chỉ chờ có vậy rồi cầm dĩa lên.

Tôi thầm trách Mao lẽ ra đừng gọi nhiều nếu không ăn hết nhưng nghĩ lại thì Mao đã gọi suất ít nhất. Thế mà vẫn quá nhiều với nàng.

Phải rồi. Mao ăn rất ít.

Vì chẳng bao giờ ăn hết được bữa trưa nên ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ nghỉ trưa lại diễn ra màn thử lòng kiên nhẫn giữa Mao và cô giáo chủ nhiệm. Cuộc chiến “Ăn đi” và “Em không ăn” chỉ kết thúc khi chuông báo hết giờ.

“Tớ no quá.”

Mao ngả người ra sau ghế, vẻ mặt vô cùng mãn nguyện.

“Tốt rồi.”

Tôi chúc mừng Mao đã thưởng thức được món bít tết mà không lo bị cô giáo mắng rồi cho miếng thịt cuối cùng vào miệng. Kiểu này tối nay tôi khó có thể nằm sấp mà đi ngủ.

Khi nhân viên tới dọn đĩa, chúng tôi gọi thêm đồ uống. Bụng đang no nên tôi ngại di chuyển sang quán khác, với lại về luôn bây giờ thì tiếc quá. Tôi muốn được nói chuyện thêm với Mao.

“Này nhé, tớ đã gọi món cá thịt trắng tẩm bột. Tại tưởng món đó ít.” Từ câu chuyện lượng thức ăn, Mao chuyển sang chuyện xảy ra trong chuyến du lịch Hawaii trước khi tốt nghiệp. “Thế là người ta mang ra nguyên một con cá to đùng thế này này. Nằm trên dĩa, thòi cả đầu lẫn đuôi ra ngoài, con cá cất tiếng hăm dọa: Cô giỏi thì ăn hết đi!”

“Đúng là Mỹ nhỉ.”

“Bốn người bọn tớ vừa ăn hết được nửa con cá thì một con tôm hùm đỏ lừ khác được mang tới. Nhìn mặt bọn tớ, người phục vụ nháy mắt cười.”

“Đúng là Mỹ nhỉ.”

Một câu chuyện lan man, nói thẳng ra là tầm phào. Nhưng tôi nghe lại thấy vui.

Giọng Mao tuy trầm hơn so với hồi cấp II nhưng về bản chất vẫn không thay đổi. Vẫn ngọt ngào như rót mật vào tai.

Mao không muốn nhắc đến bạn bè hồi cấp II. Bạn bè cấp III cũng vậy, cách nói của nàng có gì đó hơi xa cách dù là nói với ý tốt. Nhưng khi nhắc đến bạn bè và các sự kiện hồi đại học, nàng kể bằng giọng rất hào hứng.

Sự thay đổi trong giọng kể dường như chứng minh rằng cuộc sống đời nàng diễn ra theo chiều hướng tốt. Việc Mao trông hấp dẫn như bây giờ có lẽ cũng bắt nguồn từ sự thay đổi môi trường và sự tự tin vì có được môi trường đó bằng nỗ lực của bản thân. Đến đây, tôi phải nhắc lại rằng tôi rất tiếc vì không thể ở gần nàng trong mười năm qua.

Nếu vậy thì bây giờ ở gần cũng được chứ sao?

Trong thâm tâm, mong muốn thật của tôi lên tiếng. Hẳn là do cocktail rồi. Loại cocktail Moscow Mule lâu lắm mới uống này khiến tôi lẫn lộn giữ Mao hiện tại với Mao của mười năm trước.

Ngẫm ra thì mười năm vừa rồi của tôi thật tẻ nhạt. Cố gắng để làm một học sinh cấp III bình thường, một sinh viên đại học bình thường, một người làm công ăn lương bình thường và luôn cẩn trọng để không chệch ra khỏi khung “bình thường” ấy. Tôi đã không thể sống theo cách luôn tiến về phía trước như Mao. Tôi trở nên như vậy một phần cũng là vì Mao, nhưng nhìn nàng nhâm nhi ly rượu như con chim nhỏ uống nước thế kia không rõ nàng nhận thức được việc này đến đâu.

“Kousuke thì sao?”

“Hả?”

“Du lịch trước khi tốt nghiệp ấy. Một chuyến trải nghiệm các chuyến tàu địa phương với những người bạn trong nhóm nghiên cứu phải không?”

Tôi kể cả chuyện đó rồi cơ à. Chết thật, tôi chẳng nhớ gì cả. Men rượu lấn át hết cả tự chủ rồi.

“Cậu không nghe tớ nói à?” Mao nhìn vào mắt tôi. “Có chuyện gì khiến cậu lo lắng à? Trông cậu có vẻ suy tư.”

“Không, không phải đâu.”

“Hay cậu lại nhớ về quãng thời gian đã qua.”

“...Ồ, chuyện đó thì...”

“Rồi sao?”

Mao lại nhìn vào mắt tôi. Khi bàn chuyện công việc, mắt Mao rất sắc sảo vậy mà giờ lại tròn xoe như trẻ con. Đến hôm nay tôi mới biết là mống mắt nàng màu nâu.

Hồi cấp II dù ngày nào cũng giáp mặt nhau nhưng có lẽ tôi chẳng nhìn thấy gì. Tôi luôn ngoảnh đi mỗi khi được Mao nhờ vả, chỉ vì ngại, vì xấu hổ, vì sợ mọi người xung quanh.

Nhấp một ngụm Moscow Mule ngọt lịm, tôi đáp:

“Mười năm vừa rồi của tớ không được vui lắm.” Giọng tôi hơi lạc đi. “Vì tớ chẳng có ai để chỉ cho phép chia phân số.”

Mao trỏ ngón tay vào mặt mình.

Thấy tôi gật đầu, Mao ngọ nguậy bảo: “Ồ, mình xin lỗi.”

Thế là tình cảm đóng băng suốt mười năm của tôi bắt đầu tan chảy.

__________

“Mao khỏa thân đi lang thang ngoài phố lúc nửa đêm.”

Tôi nghe được lời đồn khủng khiếp ấy khi vừa lên lớp Tám.

Thường thì chúng tôi sẽ chuyển lớp khi lên lớp mới, nhưng không biết may hay rủi mà tôi và Mao lại tiếp tục học chung. Dù thành viên trong lớp đã thay đổi nhưng tình hình chẳng có gì khác, chúng tôi vẫn tiếp tục cùng nhau trải qua thời cấp II đen tối. Mao bị bắt nạt, còn tôi bị bạn bè e sợ.

Tôi không quan tâm đến lời đồn về Mao vì nghĩ làm gì có chuyện vớ vẩn đó. Ít ra nhìn bề ngoài là như vậy.

Khi tôi quyết định mặc kệ lời đồn thì nó lại mọc thêm cánh, bay xa hơn theo chiều hướng miệt thị một cách trực diện. Chắc là do những liên tưởng từ từ khóa nhạy cảm “khỏa thân”.

Tôi bị mấy đứa trong lớp xúi hỏi thẳng Mao. Nhưng tôi đã không làm cái việc xác minh sự thật ấy. Một phần tôi nghĩ đây là chuyện do tụi Ushioda dựng lên, một phần do tôi chẳng đủ dũng cảm để nghe câu trả lời từ chính Mao.

Tôi lo biết đâu là Mao, nàng sẽ nhận ngay: “Đúng rồi, tớ từng khỏa thân đi lang thang đấy.” Ở Mao toát lên vẻ nguy hiểm khiến người ta nghĩ rằng nàng hoàn toàn có thể làm việc đó, do vậy tôi luôn phải canh chừng nàng.

“Kousuke ơi!”

Dù ở hành lang hay trên đường đi học, hễ trông thấy tôi là Mao lao tới như phản xạ có điều kiện. Loáng một cái đã thấy Mao xuất hiện trước mặt tôi, nơ áo đồng phục thủy thủ lúc lắc trước ngực. Nhanh như chớp.

Kể từ sau “sự kiện bơ thực vật”, Mao càng bám tôi hơn. Đúng là phải dùng từ “bám” để miêu tả được chính xác thái độ của Mao.

“Đã bảo phải gọi bằng họ cơ mà.”

“Ừ, tớ hiểu rồi, Kousuke.”

Ngày tôi cũng phải lặp lại đoạn hội thoại kiểu thế này dù chẳng thích thú gì.

“Gì thế?”

“Ừm...chẳng có gì cả.”

Nói xong, Mao tủm tỉm cười. Chuyện này cũng diễn ra hằng ngày luôn.

Một đằng là học sinh mới chuyển tới, học dốt, bị đồn có sở thích khoe thân, một đằng là nhân vật nguy hiểm, không biết sẽ làm gì khi mất kiểm soát. Xung quanh hai con người ấy không ngớt những lời xì xào, nhạo báng.

Tôi hiểu vì sao Mao bị bắt nạt. Thiếu tinh thần hợp tác, ngang bướng, đanh đá, hễ bị góp ý là phản ứng lại. Đã thế còn dốt đặc cán mai. Với những kẻ chỉ mong có cơ hội hạ nhục người khác thì Mao quả là mục tiêu thích hợp.

Nhưng tôi không hiểu nổi việc mình bị người khác e sợ. Càng bực hơn khi lý do họ sợ tôi không phải vì tôi “thô lỗ” mà vì tôi “lập dị”.

Sự cảnh giác mà các giáo viên dành cho tôi hẳn đã lây sang lũ bạn học. Hồi ấy, “trẻ mất kiểm soát” đang là đề tài quan tâm của xã hội nên ngay lập tức tôi trở thành “ví dụ điển hình giúp tái hiện hình ảnh ‘trẻ mất kiểm soát’ cho các giáo viên”.

Ngoài ra cách cư xử của tôi cũng đóng góp một phần. Nếu là đứa hằng ngày vẫn nghịch ngợm, có lẽ “sự kiện bơ thực vật” đã được giải quyết bằng một câu “tại thằng bé đùa quá trớn”. Hoặc nếu là đứa ngang ngạnh, tôi đã sùi bọt mép để đổ lỗi cho đứa kia để giáo viên coi đó như một trận cãi vả thường thấy. Nhưng ngoài sở thích tàu điện ra thì tôi là một đứa trẻ ít nói, chẳng có gì đặc biệt, gây chuyện xong là sợ hết hồn hết vía. Và điều này đã hại tôi. “Một đứa trẻ ít nói bỗng nhiên có hành động bạo lực” - bước ngoặt kịch tính này đã khiến các giáo viên trở nên thành kiến.

Nhìn chung, dù mất kiểm soát hay không thì tôi vẫn thuộc loại ôn hòa, cả về ngoại hình lẫn tính cách. Cãi nhau với người khác, cáu lắm tôi cũng chỉ dám thúc nhẹ vào ngực đối phương, chưa bao giờ gây đổ máu và cũng chưa bao giờ phá đám giờ học hay đe dọa giáo viên. Trước đây và cả sau này, chỉ có một lần duy nhất tôi bôi bơ thực vật lên đầu người khác.

“Nếu cậu phết lên bánh mì chắc đã không bị mắng.”

Mao nói như muốn chọc tức tôi. Tôi bực lắm nhưng giờ mà cáu thì sẽ thành “đứa trẻ mất kiểm soát” thật nên tôi chỉ làm mặt sưng mày sỉa.

Kể cả có vặn lại “Do ai mà thành thế này” thì Mao sẽ chỉ cười tủm tỉm, chẳng thèm nghe tôi nói. Nhưng cũng chỉ có mình Mao là không xa lánh tôi.

Tôi trở thành thực thể mờ nhạt trong lớp, chẳng có ai để trò chuyện. Kết cục tất yếu là vào giờ ra chơi và sau giờ học, tôi thường im lặng. Thi thoảng có ai hỏi, tôi giật mình, trả lời ú a ú ớ khiến đối phương khó chịu, việc này càng đẩy mọi người xa tôi hơn.

Mao là ngoại lệ duy nhất. Chỉ có Mao đứng ngoài luồng không khí ấy và đến bắt chuyện với tôi.

Tôi đang được Mao trông cậy nhưng có lẽ thực chất tôi mới là người trông cậy vào Mao. Chính vì thế mà tin đồn kỳ lạ về Mao khiến tôi như ngồi trên đống lửa.

Nếu người bạn trò chuyện duy nhất của tôi có khuynh hướng giới tính đặc biệt thì tôi sẽ chẳng còn ai để yên tâm chơi cùng nữa. Tôi muốn Mao là một người bình thường. Nếu tin đồn đó là thật, tôi sẽ bắt Mao bỏ thói quen đó bằng mọi giá. Hay ít ra thì nếu học hành khá hơn, có thể nàng sẽ biết cách cư xử hơn.

Từ suy nghĩ rất học sinh ấy, tôi bắt đầu chăm lo chuyện học hành cho Mao. Tôi có thằng em trai kém bốn tuổi nên đã quen với việc kèm học.

Công bằng mà nói thì Mao khá dễ thương. Vẻ tinh nghịch toát lên từ cặp mắt linh hoạt rất có sức hút, mái tóc đen nhánh đến nỗi trông như màu xanh, nhìn là chỉ muốn giơ tay vuốt. Đôi môi xinh luôn mím chặt vào nhau cũng khiến ta không thể rời mắt. Nhưng nàng lại dốt đặc cán mai.

Không phải tôi đặt yêu cầu cao siêu là chỉ nhận người giỏi, có nhan sắc nhưng việc đầu óc nàng bã đậu quá mức cho phép khiến tôi cụt hứng.

Lấy ví dụ môn Toán. Mao nắm được sơ sơ về khái niệm về phép cộng, phép chia nhưng chẳng may bài đó có phân số hay số thập phân là đầu óc nàng quay cuồng. Ngay cả khi tôi cố gắng gợi ý đến sát lời giải thì Mao vẫn phải vất vả lắm mới đến được đích.

“Sao phải rút gọn? Cứ để 6/15 nguyên là 6/15 cũng được chứ sao? Làm nhỏ đi thì kết quả vẫn thế cơ mà? Cứ để nguyên đó đi.”

Mao nhất quyết giữ nguyên quan điểm với bộ mặt nghiêm trọng và đôi mắt ngâm ngấn nước.

Lớp học sau giờ tan trường chỉ còn lác đác vài đứa. Tôi nghe thấy có tiếng cười của mấy đứa ngồi ở xa.

Cố ngăn máu đang chảy ngược lên đầu, tôi vỗ về Mao.

“Nhưng số càng nhỏ trông sẽ càng gọn đúng không?”

“Tớ không biết.”

“Gọn hơn đấy.”

“Tớ không biết.”

Một chiếc máy bay cánh quạt màu lông chuột bay ngang qua cửa sổ mở.

Tôi cố vắt óc nghĩ xem có cách nào để giải thích cho cái đứa dốt đặc cán mai này hiểu không.

“...Ừ thì...ví dụ, buổi học bốn tiếng sẽ thích hơn buổi học sáu tiếng phải không?”

“Ừ ừ.”

“Rút gọn cũng giống như thế.”

“Vậy hả?”

Tôi không chắc. Ngay cả Mao cũng tỏ ra hồ nghi, nhưng tôi mặc kệ, tiếp tục giảng.

“Tạm thời cứ coi như vậy đi. Mà sao cậu lại không hiểu được những điều người bình thường đều hiểu nhỉ?”

Thấy tôi cằn nhằn, mặt Mao buồn xo.

“Mà thôi, nói nữa cũng chẳng ích gì.” Tôi nói lảng để tránh bị Mao lăn ra ăn vạ. “Có một số duy nhất mà cả 15 và 6 đều chia hết cho. Đó là số nào?”

“Ừm.” Mao nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:

“Số 2?”

“...”

“Số 5?”

“...”

Kiểu đối thoại này ngày nào cũng có nên tôi nghĩ chắc tôi phải kiên nhẫn lắm.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t123853-co-gai-trong-nang-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận