Cô Gái Trong Nắng Chương 4

Chương 4
Ra khỏi rạp chiếu phim mini, chúng tôi băng qua đường chính rồi vội vã chui vào quán cà phê nằm sau trung tâm thương mại như bị cơn gió lạnh xua vào.

Một ngày tháng Mười lạnh đến không ngờ. Đặt được người xuống chiếc ghế ở bàn trên tầng hai có bật lò sưởi, cả hai cùng thở phào nhẹ nhõm. Chiếc váy ngắn viền đăng ten của Mao trông rất xinh nhưng không chống chọi nổi với cơn gió bấc. Ngồi yên vị rồi mà Mao phải tiếp tục xoa đầu gối thêm một lúc.

Hôm nay là ngày nghỉ nhưng nhìn xuống cửa sổ, mọi người vẫn đi lại hối hả. Nói thế này thật không phải nhưng cà phê nóng nhâm nhi trong lúc nhìn mọi người rụt đầu rụt cổ bước đi vội vàng trong gió lạnh mới ngon làm sao.

“A, nóng quá!” Mao khẽ kêu lên khi vừa nhấp một ngụm cà phê latte, nàng thở dài: “Chẹp. Phim vừa xem chán nhỉ.”

Ơ kìa, đợi đã. Chính Mao bảo muốn xem phim đó cơ mà. Chính Mao đòi thay đổi dù kế hoạch vốn là đi xem phim của Hollywood ở Yurakucho.

“Đúng là sai lầm. Chắc chắn phim bom tấn sẽ hay hơn.”

“Ai bảo cậu cứ đòi xem phim đấy.”

“Tại trailer[3] trên mạng hay lắm. Cứ tưởng phim thật sẽ kịch tính hơn. Trời ạ, bọn mình bị công ty phân phối phim lừa rồi. Phim này chẳng đáng để tớ phải lặn lội từ vùng sâu vùng xa tận tỉnh Chiba tới đây.”

[3] Đoạn phim quảng cáo cho một bộ phim

Mao chẳng thèm nghe tôi nói.

Từ xưa Mao đã thế này. Rất tùy hứng. Tưởng cô nàng đang tập trung cao độ để chép các từ tiếng Anh nhưng nhìn vào vở mới biết là thay vì các chữ Latin, nàng đã chuyển sang vẽ gà ếch từ bao giờ. Đã thế các nét vẽ còn rất đẹp khiến người dạy kèm như tôi không khỏi tự ái.

Chuyện xảy ra đã lâu, giờ làm việc với nhau không còn thấy Mao tùy hứng như thế nữa. Ngược lại, nàng cực kỳ kiên nhẫn. Nhất là cách nàng điều khiển, dẫn dắt người khác khi mặc cả chi phí dựng biển quảng cáo khiến một nhân viên kinh doanh quèn như tôi chẳng thể nào chống đỡ nổi. Nhờ Mao mà Lara Aurore trở thành một trong những khách hàng cứng rắn nhất của Japan Rail Ad.

Nhưng bảo Lara Aurore có phải là một khách hàng khó chịu hay không thì xin thưa là không. Lấy ví dụ, khi ý tưởng của bên thiết kế không phù hợp với điều kiện của phòng quảng cáo, Mao sẽ là người đứng giữa, cố gắng tìm ra điểm thỏa hiệp cho cả hai bên. Điều này nghe có vẻ như chuyện đương nhiên nhưng trên thực tế có rất ít khách hàng sẵn sàng hợp tác. Nhiều người, dù mang danh rõ kêu, nào là “trưởng phòng truyền thông”, “chuyên viên PR”, “giám đốc kinh doanh” nhưng thuê được hãng quảng cáo xong là phó mặc hết cho bên đó, ý kiến nếu có cũng chỉ là “Liệu mà làm đi”. Vì thế, với Lara Aurore, Mao đúng là một món hời vì làm việc hiệu quả gấp mấy chục lần nhưng lương chưa bằng phân nửa mấy người kiểu kia.

Ngoài ra, Mao còn rất chu đáo, không bao giờ quên gọi điện hoặc gởi email sau mỗi lần thương thảo. Được quan tâm như thế thì dù bị đưa ra những điều kiện khắt khe đến mấy cũng khó mà giận cho nổi. Chắc vì thế mà đến cả anh Tanaka chỗ tôi cũng hâm mộ Mao.

Tiền cà phê hôm nay là một ví dụ về sự chu đáo của Mao. Mao là người trả. Còn tiền xem phim là tôi.

Không biết tự lúc nào, kiểu chia tiền bất quy tắc này đã trở thành thông lệ giữa hai chúng tôi. Việc tôi luôn trả tiền phần nhiều hơn có lẽ cũng vì Mao không muốn tôi tự ái. Tuy nghĩ rằng Mao chẳng cần làm thế nhưng sự tế nhị của nàng vẫn khiến tôi vui.

Mao bỏ nắp cốc cà phê ra bảo “để cho nguội bớt” rồi vừa thổi cà phê vừa phàn nàn về bộ phim. Nàng hoàn toàn không đếm xỉa gì tới tôi.

“Nói chung là mình không hiểu được dụng ý khi chuyển tên gốc từ ‘Thinking of you’ sang ‘Thinking you’. Nếu đã cất công bỏ chữ ‘of’ đi thì nghĩ luôn một tên tiếng Nhật cho rồi. ‘Nghĩ về em’ chẳng hạn.”

“Ừm, phàn nàn với tớ thì ích gì. Tớ có phải người của công ty phân phối phim đâu.”

“Tớ biết, nhưng cái tựa ‘Thinking you’ đúng là dở hơi. Đọc lên chả hiểu gì, chưa kể nhìn chữ phiên âm nhỡ đọc nhầm thành ‘Em đang chìm’[4] thì sao? Rõ là dở hơi. Thứ chìm ở đây chính là bộ phim đó chứ không phải là ‘Em’.”

[4] Từ “sink” (chìm) và “think” (nghĩ) được phiên âm giống nhau trong tiếng Nhật.

Chỉ vì một từ mà hăng hái đến vậy thì Mao mới gọi là dở hơi. Tuy nhiên cũng phải khen Mao vì giờ nàng đã hiểu đúng ngữ dụng của từ “of”.

Chắc là lúc thuyết phục cấp trên ở Lara Aurore, Mao cũng có thái độ thế này.

Trong một lần nói chuyện điện thoại với trưởng phòng Kajio, chị kể với tôi rằng người say sưa nói về tầm quan trọng của quảng cáo giao thông cũng như một mình xây dựng kế hoạch, lựa chọn công ty quảng cáo chính là Mao.

“Công ty chúng tôi còn trẻ nên cũng khá cởi mở nhưng một nhân viên mới làm được đến năm thứ ba mà dám phát biểu cả một bài dài như vậy trong cuộc họp thì tôi chưa thấy bao giờ.”

Ở đầu dây bên kia, chị Kajio nói xong liền phá lên cười.

Công nhân viên năm thứ ba ấy hiện đang dè dặt đưa cốc cà phê có vẻ đã hết nóng lên miệng. Hai con ngươi trong mắt nàng chụm lại , chắc là do vô thức. Trông Mao lúc này thật yếu đuối, hoàn toàn không liên quan tới hình ảnh hùng hồn ở cuộc họp như lời chị Kajio kể.

Mao hồi cấp III và Mao hồi đại học có chụm hai con ngươi vào nhau để thổi cà phê latte như thế này không? Biết hối hận giờ cũng đã muộn, nhưng nếu có thể, tôi muốn nhìn thấy hình ảnh đó. Hay ít nhất là từ bây giờ, nếu nàng cho phép, tôi muốn được tiếp tục nhìn.

Tôi đang miên man nghĩ vậy trong lúc nhâm nhi cà phê thì chợt Mao ngẩng lên, hạ giọng hỏi tôi như thăm dò:

“Xin lỗi vì bắt cậu xem bộ phim chán chết đó nhé. Thế là đi tong một ngày nghỉ rồi.”

Đấy, được quan tâm chu đáo thế này thì làm sao giận cho được?

“Đâu có. Đằng nào cũng được xem mà, tớ hiểu cậu muốn nói gì.”

Tôi buộc miệng nói ra những điều không hề có trong lòng. Lẽ nào tôi bắt đầu bị Mao chế ngự mà không hay biết?

Một chiếc taxi rú còi inh ỏi chạy qua con đường kẹp giữa trung tâm mua sắm và ngân hàng. Tiếng còi xe nghe như muốn nhắc nhở tôi: “Cẩn thận đấy”.

Tôi quay lại nhìn cô gái ngồi trước mặt mình.

“Hay nhỉ.”

“Chán chứ.”

“Tớ không nói về bộ phim.” Tôi nhún vai. “Tớ muốn nói, duyên số là thứ ta chẳng biết được.”

“Thế hả?”

“Ừ. Tớ đang uống cà phê với Mao ở Ginza vào một ngày Chủ Nhật. Cách đây vài tháng có nằm mơ tớ cũng không hình dung ra chuyện này. Xác suất tớ làm việc tại công ty quảng cáo mà cậu chọn gần như bằng không. Sau khi tớ chuyển trường hồi lớp Chín, bọn mình chẳng còn biết người kia làm gì, ở đâu, ai ngờ lại có ngày tái ngộ trong phòng họp của một hãng sản xuất đồ lót ở Ebisu chứ.”

Mao bất ngờ hỏi lại tôi:

“Phiền cho cậu à?”

“Phiền gì cơ?”

“Việc gặp lại tớ.”

“Đâu có.” Tôi lắc đầu lia lịa, đến nỗi xù cả tóc. “Sao cậu lại nghĩ thế?”

“Tại hồi cấp II, mỗi khi tớ đi theo Kousuke, chẳng hạn trên đường đi học về, là mặt cậu lại như đang bị làm phiền ấy.”

“Chỉ là một kiểu mặt của tớ thôi. Nếu thấy phiền thì tớ đã chẳng đứng nói chuyện tới tận một, hai tiếng với Mao ở công viên bạch quả, và cũng không làm chuyện đó.”

“Chuyện đó?”

“Chuyện đó đó.”

Giọng tôi lạc đi, gần như mất hẳn.

“À, chuyện đó.” Mao lặng lẽ cúi đầu, nhấp một ngụm cà phê.

Dù trong lòng lo Mao hiểu nhầm rằng tôi đang có ham muốn nhưng mắt tôi cứ bị hút về đôi môi của Mao. Đôi môi nhỏ nhắn, xinh xắn ấy đang phủ một lớp son nhạt.

“Mười năm rồi, nhanh thât.”

Tôi chủ động rời mắt khỏi môi Mao, khẽ lẩm bẩm.

Mao đã hai lăm tuổi nên chuyện này là đương nhiên nhưng tôi vẫn thấy lạ lẫm. Mao trang điểm.

“Nhanh thật, mới đó đã mười năm.” Mao chống khuỷu tay lên bàn, đoạn ngước nhìn bầu trời xám xịt ngoài cửa sổ. “Tương lai cũng chẳng còn mấy nữa.”

“Sao lại nói câu buồn thế? Biết là thời sôi nổi nhất đã qua nhưng giờ mới là lúc vui chứ. Nói cách khác, phải làm cho thật vui.”

Mao ngoảnh lại nhìn tôi, mỉm cười.

“Cậu nói đúng. Chúng mình phải làm cho thật vui.”

Mao không dùng từ “mình” mà dùng từ “chúng mình”. Liệu có tôi trong đó không? Tôi mong là có.

“Tớ muốn bàn với cậu chuyện này.” Tôi cố tỏ ra không vồn vã. “Lần tới sẽ đi đâu?”

Mao cuộn người lại, nói như thể sắp tiết lộ một bí mật.

“Hôm nay, vì tính khí thất thường của tớ mà hỏng hết cơm hết gạo, do vậy lần tới nhất định phải xem phim của Hollywood.”

“Ừ. Quyết định vậy nhé.”

Xong. Thế là từng bước từng bước một, tôi đã có cuộc hẹn tiếp theo.

Tôi vừa yên chí thì thấy Mao nhìn ra cửa sổ, đoạn ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:

“Hay là không đi xem phim nữa, đi công viên giải trí? Xem phim thế đủ rồi.”

Đúng là thất thường như thời tiết.

__________

Ngoài lời đồn ban đêm khỏa thân đi lang thang ngoài đường, còn có một lời đồn khác về Mao.

Mao không phải là con đẻ của bố mẹ.

Lời đồn xuất phát từ một đứa sống gần nhà Mao. Theo câu chuyện được lan ttruyền, nó chỉ trông thấy Mao khoảng một, hai tháng trước khi Mao chuyển vào trường cấp II, còn suốt cả cấp I thì không thấy.

Trong khi tôi vẫn không đủ can đảm xác minh chuyện đi lang thang trong đêm thì bỗng một hôm, Mao tuyên bố với tôi sự thật chuyện về gia đình:

“Tớ không phải là con đẻ của bố mẹ tớ đâu. Tớ là con nuôi.”

Cuộn tròn người đung đưa trên xích đu, Mao thản nhiên tiết lộ bí mật động trời.

“Ồ, thế hả?”

Tôi hờ hững đáp dù thực tế tôi ngạc nhiên đến nỗi suýt trượt khỏi mô hình jungle gym[4] đang đứng dựa vào lưng

[4] Khung sắt cho trẻ tập leo trèo.

Tôi không nhớ đang nói đến chuyện gì thì chủ đề bố mẹ xuất hiện nhưng hình ảnh Mao ngồi trên xích đu, giơ ngón trỏ lên dặn tôi “Cậu phải giữ bí mật nhé, vì tớ không thích bị trêu” cùng màu lá vàng phủ đầy dưới chân Mao thì đến giờ vẫn in đậm trong tâm trí.

Mao được nhận làm con nuôi như thế nào? Bố mẹ đẻ của nàng còn không? Hay là đã sang thế giới khác? Tôi muốn hỏi Mao nhiều lắm nhưng lại chẳng thể hỏi gì. Có lẽ hồi đấy tuy còn nhỏ nhưng tôi đã biết rằng mới học cấp II thì không nên tọc mạch vào chuyện gia đình người khác.

Mỗi lần Mao đung đưa, chiếc xích đu cũ kỹ lại phát ra tiếng ken két chói tai.

Chẳng biết tự bao giờ, việc ghé vào công viên bạch quả sau giờ tan học gần như trở thành thói quen của hai đứa học sinh lớp Tám chúng tôi. Đó là nơi có nhiều kỷ niệm hơn hẳn ở lớp học.

Lần hai đứa bị cảm lạnh vì tội ngồi nói chuyện giữa trời giá rét đến tận tối mịt là hồi đầu xuân. Lần tổ chức sinh nhật Mao chỉ bằng một lời chúc là hôm mồng 2 tháng Năm. Lần Mao nức nở, giậm chân thình thịch vì trời nóng làm kem chảy là hôm bế giảng học kỳ I. Một lần khác, tôi không nhớ rõ là khi nào, tôi bị Mao mắng vì định nhặt một con chó bị bỏ rơi về nuôi.

Công viên bạch quả là cách gọi dân dã, có lẽ công viên có tên chính thức khác. Nhưng người dân trong vùng đã lấy tên loài cây đứng hiên ngang như muốn ôm trọn cả khu đất để đặt cho công viên.

Cái công viên nhi đồng bé xíu như lòng bàn tay, chẳng có trò gì ngoài xích đu và mô hình jungle gym ấy không mấy khi có bóng dáng trẻ con. Do diện tích hẹp nên ở đây cấm chơi bóng, cách vài bước chân lại có cả  một quảng trường rộng với nhiều trò chơi phức hợp nên bọn trẻ con chạy hết ra đó. Ngay cả tôi, tuy nhà ngay sau công viên bạch quả nhưng hồi cấp I cũng toàn chơi ở quảng trường kia.

Nhà Mao chỉ cách công viên bạch quả độ bảy, tám phút đi bộ nhưng hôm nào Mao cũng phải ghé vào đó ngồi nghỉ.

Với chúng tôi, công viên bạch quả là một chỗ trú ẩn. Nằm lui vào bên trong, cách đường đi học của các học sinh khác hẳn một con đường, công viên với tấm màn che hữu hiệu là hàng cây bạch quả đã giúp chúng tôi không sợ bị nhìn thấy ở cùng nhau hay bị nghe lén. Thêm nữa, bạch quả ở đây là giống đực, không ra quả nên khi lá đổi màu cũng không có ai đến ngắm.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t123854-co-gai-trong-nang-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận