Cô Gái Trong Trang Sách Chương 31


Chương 31
Những con phố thành Rome

Bạn hẳn sẽ thích cái ngày bạn có thể chỉ ra những điểm yếu của mình mà người khác không tận dụng nó để làm tăng uy quyền của họ.

Cesare PAVESE

 

Paris

14-24 tháng Chín

Mặc dù căn bệnh của Billie vẫn luôn đe dọa nhưng hai tuần trước ngày cô ấy phẫu thuật là một trong những quãng thời gian êm ái nhất của hai “chúng tôi”.

Cuốn tiểu thuyết của tôi vẫn tiến triển. Tôi đã tìm lại được ham muốn viết lách và hằng đêm, tôi ngồi viết với niềm hăm hở nhiệt tình đầy sáng tạo. Tôi làm mọi cách gây dựng nền tảng để Billie có được một cuộc sống ngọt ngào và hạnh phúc. Ngồi trước máy tính, qua từng trang sách, tôi tạo cho cô ấy một cuộc sống mà cô ấy hằng mơ ước: một cuộc sống thanh thản hơn, thoát khỏi đám ma quỷ, những ảo tưởng và bầm giập.

Tôi thường viết đến tận buổi bình minh rồi ra ngoài khi sáng sớm, vào giờ những người lao công đang vảy nước lên vỉa hè ở Saint-Germain. Tôi mua túi cà phê đầu tiên trong ngày ở một quán rượu trên phố Buci rồi qua tiệm bánh mì trên đường Dauphine nơi bán loại bánh kẹp mứt táo vàng ruộm giòn tan. Tôi về tổ của chúng tôi ở quảng trường Furstemberg và vừa nghe đài vừa pha hai tách cà phê sữa. Billie tới chỗ tôi, miệng còn ngáp ngắn ngáp dài, rồi chúng tôi cùng ăn sáng, đứng tựa vào quầy bar của căn bếp kiểu Mỹ nhìn ra quảng trường nhỏ. Cô ấy vừa lẩm nhẩm hát vừa cố luận lời các bài hát tiếng Pháp. Còn tôi, tôi lau chỗ vụn bánh dính trên mép cô ấy, nhìn cô ấy nheo nheo đôi mắt để tránh ánh nắng mặt trời đang rọi vào mặt mình.

Khi tôi lại bắt đầu viết thì Billie dành cả buổi sáng để đọc. Cô ấy đã tìm thấy một hiệu sách tiếng Anh gần nhà thờ Notre-Dame và nhờ tôi lập một danh sách những cuốn tiểu thuyết không thể không đọc. Từ Steinbeck, Salinger đến Dickens, trong vòng nửa tháng cô ấy sẽ ngốn ngấu những cuốn tiểu thuyết đã ghi dấu ấn trong thời niên thiếu của tôi, những cuốn sách mà tôi đã ghi chú lại, đã tra cứu tìm hiểu tiểu sử tác giả và chép lại vào một cuốn sổ những câu văn xúc động.

Buổi chiều, sau khi ngủ vài tiếng, tôi thường đưa cô ấy tới rạp chiếu phim nhỏ trên phố Christine, nơi có chiếu những bộ phim cũ mà cô ấy chưa bao giờ được nghe nói tới nhưng lại kinh ngạc, thán phục khi được xem: Bầu trời có thể đợi, Bảy năm suy nghĩ, The Shop Around the Corner... Sau suất chiếu, chúng tôi cùng diễn lại bộ phim bên một cốc sô cô la kiểu thành Viên và mỗi lần tôi nhắc tới một điển tích xa lạ, cô ấy lại dừng để ghi vào sổ tay của mình. Tôi vào vai Henry Higgins, còn cô ấy là Eliza Doolittle. Cả hai chúng tôi đều hạnh phúc.

Buổi tối, chúng tôi thử thách chính mình khi nấu nướng theo công thức nấu ăn trong một cuốn sách cũ tìm thấy trong tủ sách nhỏ của căn hộ. Nấu lúc được lúc không nhưng chúng tôi đã thử làm nhiều món như ra gu thịt bê, vịt mái tơ hầm lê, cháo ngô nấu với chanh hay - món thành công nhất của chúng tôi - thịt đầu bắp cừu non tẩm mật ong và húng tây.

Trong hai tuần ấy, tôi phát hiện ra một khía cạnh khác trong con người Billie: một cô gái thông minh, khéo léo, quyết tâm học hỏi. Và đặc biệt, kể từ khi cả hai cùng hạ vũ khí, tôi lại thấy tâm hồn mình rung rinh trước những tình cảm mới lạ dành cho cô ấy.

Sau bữa ăn, tôi để cô ấy đọc những gì tôi viết được trong ngày, đây sẽ là đề tài cho cuộc chuyện trò thật lâu giữa chúng tôi sau đó. Ở quầy ăn trong phòng khách, chúng tôi mở một chai rượu lê Williams. Nhãn rượu được làm thủ công đã mờ mất một nửa nhưng vẫn đủ thấy dòng đảm bảo rằng quá trình “chưng cất rượu tuân thủ những quy tắc cổ xưa” do một nhà sản xuất nhỏ ở phía Bắc Ardèche làm ra. Tối đầu tiên, chai rượu mạnh đốt cháy cổ họng chúng tôi và chúng tôi thấy không thể uống nổi nó, dù vậy, tối hôm sau chúng tôi không ngăn nổi mình làm một cốc nữa. Tối thứ ba, chúng tôi thấy nó “nói cho cùng thì cũng không tệ lắm” và “thật quá tuyệt vời” vào tối thứ tư. Từ hôm ấy, chai rượu trở thành phần không thể thiếu được trong nghi lễ của chúng tôi, và dưới tác dụng giải tỏa ức chế của rượu, chúng tôi thổ lộ tâm tình nhiều hơn. Cứ như vậy, Billie kể cho tôi nghe về tuổi thơ, về thời niên thiếu rầu rĩ của cô ấy, về tình cảnh khốn cùng, đơn côi đã liên tiếp đẩy cô ấy tới những cuộc tình thảm hại. Cô ấy nói với tôi về nỗi đau đớn khi chưa bao giờ gặp được một người đàn ông yêu cô, tôn trọng cô, về những niềm hy vọng cho tương lai, cho gia đình mà cô mơ ước tạo dựng được. Cuối cùng, cô ấy thường thiếp đi trên tràng kỷ khi nghe những chiếc đĩa cổ 33 vòng chủ nhà bỏ quên và cố dịch lời bài hát của nhà thơ tóc trắng cài một điếu thuốc nơi túi ngực và cho rằng “cùng với thời gian, mọi thứ sẽ trôi đi”, rằng “rồi ta sẽ lãng quên niềm đam mê và ta sẽ lãng quên những giọng nói khẽ thầm thì với ta những ngôn từ của đám dân nghèo: đừng về quá muộn và nhất là đừng để bị lạnh”.

*   *   *

Sau khi đưa cô ấy về phòng ngủ, tôi lại xuống phòng khách ngồi trước màn hình. Và như vậy một đêm làm việc đơn độc lại bắt đầu với tôi, đôi khi tôi thấy thật phấn khởi nhưng thường là đau đớn bởi những tháng năm hạnh phúc mà tôi đang cố tạo ra cho Billie, tôi biết cô ấy sẽ trải qua chúng mà không có tôi ở bên, trong một thế giới do tôi tạo ra nhưng tôi lại không tồn tại trong đó, mà bên một gã đàn ông là kẻ thù tệ hại nhất của tôi.

Quả thật, trước khi Billie ùa vào đời mình, tôi đã tạo ra nhân vật Jack là một kẻ tệ hại. Hắn là hiện thân của tất cả những gì tôi căm ghét hoặc những gì không nam tính khiến tôi khó chịu. Jack là hình ảnh đối lập với tôi, là kiểu đàn ông tôi căm thù, là mẫu người tôi không muốn trở thành.

Ngoài bốn mươi, bô trai, là bố của hai đứa trẻ, hắn làm trợ lý giám đốc cho một hãng bảo hiểm lớn tại Boston. Lấy vợ từ rất sớm, hắn đã khôn ngoan lừa gạt vợ để ngoại tình mà cô vợ đành chịu chấp nhận. Tự tin vào bản thân, khéo mồm, hắn nắm rõ tâm lý phụ nữ và ngay từ lần gặp đầu tiên, hắn rất có tài khiến người đối diện tin tưởng mình. Hắn tự thể hiện trong lời nói và thái độ của mình vẻ gì đó gia trưởng khiến hắn trở nên mạnh mẽ và nam tính. Nhưng với cô nàng muốn quyến rũ, hắn lại thường tỏ ra dịu dàng, ngọt ngào, và chính sự mâu thuẫn này đã khiến phụ nữ mê mệt, họ nghĩ rằng mình là người duy nhất có đặc quyền được hưởng lối ứng xử như vậy.

Thực ra, sau khi đạt mục đích, cái tính tự coi mình là trung tâm của Jack lại nổi lên. Có thể điều khiển được người khác nên hắn luôn đóng thành công vai diễn nạn nhân để xoay chuyển tình thế thành ra có lợi cho mình. Mỗi lần nghi ngờ, hắn lại lăng mạ người tình bằng những ngôn từ rất khó nghe bởi hắn có khả năng đoán ra điểm yếu của các cô nhân tình để chi phối họ.

Rủi thay, tôi lại phải giao Billie của mình vào móng vuốt của gã biến thái, ích kỷ này, một gã chuyên đi quyến rũ đàn bà và bắt họ phải gánh chịu những vết thương không bao giờ lành được. Cô ấy đem lòng yêu hắn và yêu cầu tôi để cô ấy được gây dựng cuộc sống mới với hắn.

Từ khi nhận được lời đề nghị ấy, tôi rơi vào chính cái bẫy của mình bởi người ta không thể quay ngoắt thay đổi hoàn toàn tính cách của một nhân vật tiểu thuyết được. Dù cho có là tác giả của cuốn sách cũng vô ích, tôi không phải là Chúa trời. Thế giới hư cấu có những luật lệ riêng của nó, và cái gã đểu giả đó không thể đột nhiên biến thành một người tử tế, lý tưởng chỉ sau một tập truyện.

Vậy là hằng đêm, tôi gắng sức đảo ngược dòng từng chút một, cố biến Jack trở nên nhân bản hơn bằng những chi tiết rất nhỏ và dần dần, qua từng trang sách, khiến hắn trở nên dễ ưa hơn.

Nhưng dù cho có sự lột xác có phần giả tạo này, với bản thân tôi, Jack vẫn là Jack: gã trai tôi ghét nhất trần đời, gã trai mà do một cảnh huống kỳ lạ, tôi buộc phải trao gửi người phụ nữ mà giờ đây tôi đã đem lòng yêu...

*   *   *

Pacific Palisades, California

15 tháng Chín

9 giờ 1 phút

- Cảnh sát đây! Mở cửa ra ông Lombardo!

Milo khó khăn lắm mới tỉnh dậy được. Anh dụi dụi mắt và lảo đảo ra khỏi giường.

Tối qua anh đã thức rất muộn cùng Carole. Cả hai ngồi trước máy tính, lùng sục khắp các forum, các trang web bán hàng trực tuyến để tìm dấu vết bản sách bị mất nhưng vô ích. Khi có thể, họ đều để lại thông báo và viết thư khẩn. Đó là một công việc chán ngắt mà họ phải làm với từng trang web của Ý ít nhiều có liên quan đến việc bán sách qua mạng.

- Cảnh sát đây! Mở cửa ra, nếu không...

Milo hé cửa. Một nhân viên cảnh sát đứng trước mặt anh. Một cô gái tóc nâu, mắt xanh với vẻ quyến rũ lai giữa Ailen và Mỹ trông như Teresa Lisbon.

- Chào ông. Tôi là Karen Kallen, thuộc lực lượng cảnh sát California. Chúng tôi được lệnh trục xuất ông khỏi nhà.

Milo bước ra hiên thì thấy một chiếc xe tải chuyên dọn nhà đỗ trước cửa.

- Mấy thứ lộn xộn này là thế nào?

- Đừng làm công việc của chúng tôi phức tạp lên thưa ông! cô sĩ quan cảnh sát dọa nạt. Những tuần qua, ông đã chẳng nhận được rất nhiều giấy đòi nợ của ngân hàng còn gì.

Hai nhân viên dọn nhà thuê đã đứng trước cửa, chỉ đợi mệnh lệnh để dọn sạch ngôi nhà.

- Vả lại, nữ cảnh sát tiếp tục, tay giơ ra một chiếc phong bì, đây là trát gọi ông ra hầu tòa vì tội đem tài sản sắp bị tịch biên đi bán.

- Cô muốn nói tới...

- ...chiếc Bugatti mà ông đã đem cầm cố, đúng vậy.

Viên cảnh sát gật đầu ra hiệu đồng ý cho hai người “khoắng nhà” và chỉ trong chưa đến nửa giờ đồng hồ, họ đã lột sạch mọi đồ đạc trong nhà anh.

- Thế này cũng chưa ghê gớm lắm so với những gì sở thuế sắp bắt ông phải chịu đâu! Karen, vốn thích làm người khác đau khổ, nói với anh trước khi đóng cửa xe.

Milo chỉ còn lại một mình, trên vỉa hè, với một chiếc va li trên tay. Anh chợt ý thức được rằng mình chẳng có nơi nào mà ngủ qua đêm. Như một võ sĩ quyền Anh bị hạ nốc ao, anh bước vài bước sang phải rồi lại sang trái, không biết đi đâu. Ba tháng trước, anh đã cho hai nhân viên cùng làm với mình nghỉ việc và bán lại văn phòng. Vậy đấy. Giờ thì anh chẳng còn việc làm, không nhà cửa, không xe cộ, không gì hết. Từ rất lâu rồi, anh không chịu nhìn thẳng vào thực tế, cứ nghĩ rằng cuối cùng rồi mọi thứ cũng ổn thỏa cả thôi, nhưng lần này, thực tế đã tóm sống được anh.

Tia nắng buổi sớm mai rọi vào những hình xăm trên bắp tay anh. Những dấu vết thời quá khứ của anh, chúng đưa anh về lại với đường phố, với những cuộc ẩu đả, với bạo lực và cảnh khốn cùng mà anh nghĩ mình đã thoát được.

Tiếng còi xe cảnh sát hú lên đưa anh ra khỏi dòng suy nghĩ. Anh quay đầu định bỏ trốn nhưng đó không phải là một sự hiện diện thù nghịch.

Đó là Carole.

Cô ngay lập tức hiểu chuyện gì đã xảy ra và không để cho nỗi lo âu xâm chiếm. Cô quả quyết tóm lấy va li của Milo rồi nhét vào băng ghế sau của xe tuần tra.

- Tớ có một chiếc ghế gấp rất thoải mái, nhưng đừng tưởng là cậu có thể ở nhà tớ mà không động tay vào việc gì đâu nhé. Từ lâu rồi tớ đã muốn thay giấy dán tường trong phòng khách, và cũng cần phải quét vôi lại bếp, vặn lại vòi hoa sen. Trong phòng tắm có một vòi nước bị rỉ và những vết ẩm mốc phải làm sạch. Cậu thấy không, tóm lại thì vụ trục xuất này đúng ra cũng có lợi cho tớ...

Milo kín đáo gật đầu cảm ơn cô.

Có thể là anh không còn việc làm nữa, không còn nhà, không còn xe nữa.

Nhưng anh vẫn còn Carole.

Anh đã mất tất cả.

Trừ điều cốt yếu nhất.

*   *   *

Rome

Khu Trastevere

23 tháng Chín

Họa sĩ Luca Bartoletti bước vào nhà hàng nhỏ theo kiểu gia đình nằm trong một con ngõ xa trung tâm. Trong nhà hàng có bài trí đồ gỗ cổ và một căn bếp phong cách La Mã không hề kiểu cách. Ở đây người ta ăn mì đựng trên một chiếc khăn trải bàn carô và uống rượu bằng bình.

- Giovanni! ông gọi.

Căn phòng vắng tanh. Mới có mười giờ sáng nhưng mùi bánh mì nóng thơm phức đã phảng phất trong không khí. Nhà hàng này thuộc sở hữu của bố mẹ ông từ hơn bốn mươi năm nay, ngay cả khi bây giờ anh trai ông là người quản lý.

- Giovanni!

Một bóng người xuất hiện trong khung cửa. Nhưng đó không phải anh trai ông.

- Sao con phải hét lên như vậy?

- Con chào mẹ.

- Chào con.

Không hôn. Không ôm. Chẳng nồng nhiệt.

- Con tìm Giovanni.

- Anh con không ở đây. Nó tới nhà Marcello mua piscialandrea_(1).

- Con sẽ đợi.

Như mọi lần giáp mặt nhau, một khoảng lặng nặng nề bao trùm giữa họ, chỉ có những lời trách móc, cay đắng. Họ chẳng mấy khi gặp mặt, chẳng mấy khi chuyện trò. Trước kia Luca sống tại New York một thời gian dài, rồi sau khi ly dị ông trở lại Ý sống tại Milan, sau đó mới mua một căn hộ ở Rome.

Để xua tan bầu không khí căng thẳng, ông đi ra sau quầy bar pha một cốc espresso. Luca không phải con người của “gia đình”. Công việc của ông thường xuyên là cái cớ để trốn các dịp lễ rửa tội, đám cưới, lễ ban thánh thể và những bữa trưa Chủ nhật liên tu bất tận. Tuy vậy, ông lại hết sức yêu quý người thân của mình theo cách riêng và đau khổ chịu đựng vì không biết làm thế nào cho họ hiểu. Mẹ ông chẳng bao giờ hiểu nổi tranh của ông và lại càng không hiểu thành công ông giành được. Bà cụ không thể lý giải nổi tại sao người ta lại có thể bỏ ra hàng chục nghìn euro để mua những bức tranh đơn sắc. Luca nghĩ rằng bà mẹ coi ông như một kiểu bịp bợm: một kẻ có khiếu lừa đảo có được một cuộc sống thoải mái mà không phải “lao động” thực sự. Chính sự hiểu nhầm này đã ngầm phá hoại mối quan hệ giữa họ.

- Con có tin tức gì của con gái con không? bà hỏi.  

- Sandra vừa quay lại trường trung học ở New York.

- Con không bao giờ gặp nó à?

- Con không gặp cháu thường xuyên, ông thừa nhận. Mẹ nên nhớ là con bé ở với mẹ nó.

- Và nếu con có đến gặp nó thì cũng không có hại gì, phải không?

- Con tới đây không phải để nghe những lời vớ vẩn này! Luca thốt lên rồi đứng dậy đi về.

- Đợi đã! bà mẹ yêu cầu.

Ông nhìn chằm chằm ra ngưỡng cửa.

- Trông con có vẻ lo lắng.

- Đấy là việc của con.

- Con muốn hỏi gì anh con?

- Xem anh ấy có giữ mấy tấm ảnh không.

- Ảnh à? Con có bao giờ chụp ảnh đâu! Lúc nào con cũng nói không thích vướng víu với mấy cái thứ kỷ niệm cơ mà.

- Cảm ơn vì mẹ đã giúp.

- Con tìm ảnh ai?

Luca chốt hạ:

- Con sẽ quay lại gặp Giovanni sau, ông nói rồi mở cửa.

Bà cụ lại gần giữ lấy tay áo ông.

- Cuộc sống của con giờ giống như tranh của con ấy, Luca ạ: đơn sắc, khô khan và trống rỗng.

- Đấy là mẹ nghĩ thế thôi.

- Con biết rõ rằng sự thực là như thế! bà mẹ buồn rầu nói.

- Tạm biệt mẹ, ông nói rồi khép cánh cửa lại sau lưng.

*   *   *

Bà cụ nhún vai quay vào bếp. Trên chiếc bàn bếp bằng gỗ chia ô vuông cũ kỹ của bà là một bài báo ca ngợi tác phẩm của Luca trên tờ La Repubblica. Bà đọc xong rồi cắt bài báo, xếp vào trong một cặp hồ sơ lớn, ở đó là tất cả những gì viết về con trai mà bà đã lưu giữ nhiều năm nay.

*   *   *

Luca quay lại căn hộ. Ông dùng cọ vẽ thay cho những cành củi nhỏ để nhóm lò sưởi lớn nằm giữa nhà, ông đã bố trí xưởng vẽ của mình quanh đó. Khi lửa bắt đầu cháy, ông vơ tất cả tranh vẽ, cả những bức vừa mới hoàn thành lẫn những bức còn dang dở, rồi rảy rượu trắng lên, sau đó ném vào ngọn lửa.

Cuộc sống của con giờ giống như tranh của con ấy, Luca ạ: đơn sắc, khô khan và trống rỗng. Như bị thôi miên vào đám tranh đang cháy, người nghệ sĩ nhìn công sức lao động của mình tan thành mây khói mà thấy như một sự giải thoát.

Có ai đó bấm chuông cửa. Luca ngó đầu qua cửa sổ và nhận ra dáng người còng xuống của bà mẹ. Ông xuống tầng để nói chuyện với bà nhưng khi ông mở cửa ra, bà đã biến mất, chỉ để lại một phong bì lớn trong hòm thư của ông.

Ông nhíu mày và mở ngay phong bì ra. Trong đó không gì khác mà chính là những bức ảnh và tài liệu ông muốn hỏi anh trai mình!

Sao mẹ có thể đoán ra được?

Ông lại lên xưởng vẽ rồi trải ra bàn làm việc những kỷ niệm của một thời xa xăm.

Mùa hè 1980: năm ông mười tám tuổi. Cuộc gặp với Stella, mối tình đầu của ông, một cô gái dân chài lưới ở Porto Venere. Những buổi đi dạo của họ dọc theo bến cảng trước khi đến dãy nhà nhỏ hẹp, sặc sỡ nằm ngay sát bờ biển; những buổi chiều lặn ngụp trong vịnh nhỏ.

Dịp Noel cùng năm đó: Stella và ông cùng đi dạo trên những con phố thành Rome. Một chuyến đi nghỉ vì không thể đợi đến mùa hè.

Mùa xuân 1981: hóa đơn của một khách sạn tại Sienne, đêm đầu tiên họ làm tình.

1982: tất cả thư từ họ viết cho nhau trong năm đó. Những hứa hẹn, dự định, những hăm hở, nhiệt tình, một cơn lốc xoáy.

1983: món quà sinh nhật Stella tặng: một chiếc la bàn nàng mua tại Sardaigne, bên trên có khắc dòng chữ Để cuộc đời luôn dẫn anh về với em.

1984: chuyến du lịch đầu tiên tới Mỹ. Stella đi xe đạp trên cầu Cổng Vàng. Làn khói từ chuyến phà tới Alcatraz. Bánh mì kẹp và sữa lắc của Lori’s Diner.

1985... những nụ cười, những bàn tay dang ra... một đôi tình nhân được chiếc khiên bằng kim cương bảo vệ... 1986... năm ông bán bức tranh đầu tiên của mình... 1987... Sinh con hay đợi thêm nữa?... Những nghi ngờ đầu tiên... 1988... Chiếc la bàn không còn chỉ hướng Bắc...

Một giọt nước mắt âm thầm lăn trên má Luca.

Mẹ kiếp, mi không định khóc đấy chứ.

Ông bỏ Stella năm hai mươi tám tuổi. Một giai đoạn tồi tệ khi mọi thứ trong ông đều rối loạn. Ông không còn biết tranh của mình mang ý nghĩa gì nữa và chính mối quan hệ giữa hai vợ chồng ông phải gánh chịu hậu quả. Một sáng, ông thức dậy rồi đốt tranh, giống như ông vừa làm hôm nay. Rồi ông lẩn đi như một tên trộm. Ông không giải thích gì, dứt khoát, quyết liệt, chỉ nghĩ đến bản thân và hội họa. Ông tìm thấy chỗ ẩn náu tại Manhattan, ở đó ông đã thay đổi phong cách, từ bỏ kiểu vẽ tượng hình để thanh lọc tối đa tranh của mình đến mức chỉ còn vẽ những bức đơn sắc trắng. Khi ấy, ông cưới một bà chủ phòng tranh khéo léo, biết quảng bá cho công việc của ông và mở ra cho ông cánh cửa dẫn tới thành công. Họ có với nhau một cô con gái rồi ly dị vài năm sau đó nhưng vẫn giữ quan hệ làm ăn chung.

Ông chưa bao giờ gặp lại Stella. Qua anh trai, ông biết rằng bà đã quay về Porto Venere. Ông đã đẩy bà ra khỏi cuộc đời mình. Ông đã chối bỏ bà.

Tại sao hôm nay ông lại nhớ tới câu chuyện cũ này?

Có lẽ là bởi nó vẫn chưa kết thúc.

*   *   *

Rome

Babington’s Tea-Room

Hai tiếng sau

Quán trà nằm trên quảng trường Tây Ban Nha, ngay dưới chân cầu thang lớn của khu Trinité-des-Monts.

Luca ngồi vào một bàn nhỏ ở cuối phòng. Chiếc bàn ông vẫn ngồi khi tới đây cùng Stella thuở xưa. Mọi thứ ở đây đều là thứ cổ nhất Rome. Chỗ này do hai người Anh lập ra một trăm hai mươi năm trước, thời mà chỉ có hiệu thuốc mới bán trà.

Cách bài trí ở đây gần như không thay đổi gì từ thế kỷ XIX, biến nơi này thành một nét điểm xuyết theo phong cách Anh ngay giữa lòng Rome, là một sự tương phản giữa vẻ Địa Trung Hải của thành phố và nét quyến rũ kiểu Anh của quán trà. Các bức tường được phủ lớp đá hoa giả và gắn giá sách bằng gỗ tối màu, trên đó là hàng chục cuốn sách và một bộ sưu tập ấm trà cổ.

Luca đã mở một trang trắng trong cuốn sách của Tom Boyd, ngay sau phần bà Kaufman thêm vào. Ông đã rất xúc động khi thấy những kỷ niệm, những mảnh đời của bà nối tiếp nhau ở đây. Luca dán các bức ảnh của mình vào đó, tô điểm thêm bằng các hình vẽ và dấu ấn, như thể đây là một cuốn sách thần diệu có thể biến ước mơ thành hiện thực và làm quá khứ sống lại. Bức ảnh cuối cùng chụp ông cùng Stella trên một chiếc mô tô bánh nhỏ. Kỳ nghỉ tại Rome, năm 1981. Họ mười chín tuổi. Khi ấy, bà đã viết cho ông dòng này: Đừng bao giờ thôi yêu em...

Ông nhìn chăm chăm vào tấm ảnh một lúc lâu. Vừa bước qua tuổi năm mươi, ông có một cuộc sống khá đầy đủ, khiến ông được thỏa mãn: ông đi đây đó, sống với nghệ thuật của mình, thành công. Nhưng nếu nghĩ kỹ, ông chưa hề biết đến điều gì mãnh liệt hơn cảm xúc của những ngày đầu diệu kỳ ấy, khi cuộc sống đầy những hứa hẹn và cảm giác thanh thản.

Luca gấp sách lại rồi dán lên bìa một tờ giấy ghi chú màu đỏ có viết vài chữ. Ông dùng điện thoại truy cập vào một trang web bookcrossing, viết một thông báo ngắn. Rồi lợi dụng lúc không có ai nhìn mình, ông lèn cuốn sách vào giữa hai cuốn khác, một của Keats và một của Shelley trên giá.

*   *   *

Luca rời quảng trường tới lấy mô tô của mình đỗ gần dãy xe taxi. Ông dùng tăng đơ buộc chiếc túi du lịch lên giá đèo hàng rồi ngồi lên chiếc Ducati. Ông lại đi ngược lên, dọc theo công viên của thành phố Borghèse, vòng qua quảng trường Popolo, sang bờ bên kia sông Tibre rồi đi dọc theo bờ sông tới tận khu Trastevere. Ông dừng sững lại trước nhà hàng của gia đình, vẫn không tắt máy xe và kéo kính trên mũ bảo hiểm lên. Bà mẹ ông đã bước ra vỉa hè, như thể bà đang chờ ông tới. Bà nhìn con trai mình, lòng thầm mong biết đâu đôi khi những lời nói yêu thương có thể biểu hiện qua ánh mắt.

Rồi Luca lại tăng tốc, hướng theo con đường ra khỏi thành phố. Ông phóng thẳng tới Porto Venere, lòng nhủ thầm rằng có thể giờ chưa phải là quá muộn...

*   *   *

Los Angeles

Thứ Sáu 24 tháng Chín

7 giờ sáng

Mặc áo phông và quần yếm, Milo vắt vẻo trên một chiếc ghế đẩu. Con lăn cầm trên tay, anh quét vôi lại căn bếp màu vân sắt.

Carole mở cửa phòng ngủ, đi tới chỗ anh.

- Cậu đã bắt đầu rồi cơ à? cô vừa hỏi vừa ngáp.

- Ừ, tớ không ngủ được nữa.

Cô nhìn qua việc sơn quét.

- Cậu không làm ẩu đấy chứ?

- Cậu đừng có đùa! Tớ cặm cụi như một tên nô dịch suốt ba ngày nay rồi đấy!

- Thôi được rồi, đúng là cũng không đến nỗi tệ lắm, cô thừa nhận. Cậu làm ơn pha cho tớ một cốc cappuccino được không?

Milo đi pha cà phê còn Carole tới ngồi vào chiếc bàn tròn nhỏ trong phòng khách. Cô lấy cho mình một bát ngũ cốc rồi bật máy tính để đọc thư điện tử.

Hòm thư của cô đầy thư mới. Milo đã cho cô danh sách đầy đủ “cộng đồng” độc giả của Tom, những người thường xuyên gửi thư cho anh qua địa chỉ trang web từ ba năm nay. Nhờ vào những bức thư tập thể gửi đi khắp nơi trên thế giới, Carole đã có thể báo tin đến hàng triệu độc giả. Cô nói thẳng với họ, thông báo về việc mình đang tìm kiếm một bản in “dang dở” của tập hai trong Bộ ba Thiên thần. Từ đó, mỗi sáng trong hòm thư của mình cô nhận được không biết bao nhiêu lời động viên. Nhưng bức thư trước mặt cô mới là cái đáng quan tâm nhất:

- Lại đây xem này! cô gọi.

Milo chìa cho cô tách cà phê đang bốc khói và nhìn qua vai cô. Một cư dân mạng thông báo đã phát hiện ra bản sách nổi tiếng trên một trang web bookcrossing. Carole nhấp chuột vào dòng địa chỉ được gửi đến và đúng là cô thấy trang web của một hội tại Ý, hội này khuyến khích các thành viên của mình để sách lại tại các địa điểm công cộng cho người khác có thể đọc được, làm như vậy để quảng bá văn hóa đọc. Quy tắc của “cuốn sách du hành” rất đơn giản: ai muốn để sách của mình du hành thì ghi mã số cho nó và đăng ký lên trang web rồi có thể bỏ lại ở đâu đó.

Carole gõ “Tom Boyd” vào mục tìm kiếm để lấy danh sách các tác phẩm của bạn mình có thể đang được du hành.

- Nó đây này! Milo vừa hét lên vừa chỉ vào một tấm ảnh.

Anh dán mắt vào màn hình nhưng Carole đẩy ra:

- Để tớ xem nào!

Không nghi ngờ gì nữa: cuốn sách đúng là có bìa da màu xanh thẫm, những ngôi sao mạ vàng và dòng chữ kiểu gô tíc khắc nhan đề tiểu thuyết.

Nhấp chuột lần nữa, Carole biết được rằng hôm qua cuốn sách đã được bỏ lại ở quán trà Babington’s Tea-Room, số 23, quảng trường Tây Ban Nha tại Rome. Mở một trang khác, cô được tiếp cận với toàn bộ thông tin mà luca66 muốn chia sẻ, đây chính là nickname của người đàn ông đã “thả” cuốn tiểu thuyết. Chỗ chính xác nơi cuốn sách được bỏ lại - một giá sách mãi sâu trong quán trà - và cả thời điểm “thả” sách 13h56 giờ địa phương.

- Chúng ta phải đi Rome thôi! cô quyết định.

- Cậu đừng hấp tấp thế! Milo ngăn cản cô.

- Thế là sao? cô phản đối. Tom tin tưởng chúng ta. Tối qua cậu ấy đã nói thế với cậu qua điện thoại. Cậu ấy bắt đầu viết rồi, nhưng tính mạng Billie vẫn mong manh.

Milo nhăn nhó:

- Khi chúng ta đến thì đã quá muộn rồi. Cuốn sách được bỏ lại đó khá lâu rồi.

- Phải, nhưng người đàn ông này không bỏ sách lại trên ghế! Anh ta để nó trên giá sách, giữa bao nhiêu cuốn khác. Có khi nhiều tuần trôi qua mới có người phát hiện ra nó ấy chứ!

Cô nhìn Milo và hiểu ra rằng vì cứ phải trải qua hết lần thất vọng này tới lần thất vọng khác nên anh đâm ra mất hết niềm tin.

- Cậu cứ làm gì tùy thích nhưng tớ sẽ tới đó.

Cô vào trang web của một hãng hàng không. Có một chuyến bay tới Rome lúc 11h40. Khi điền vào mẫu thông tin, họ yêu cầu cô cho biết số lượng hành khách.

- Hai, Milo vừa bổ sung vừa gật đầu.

*   *   *

Rome

Quảng trường Tây Ban Nha

Ngày hôm sau

Ngay chính giữa quảng trường, gần đài phun nước đồ sộ của Barcaccia, nhóm du khách Hàn Quốc nghe như uống lấy từng lời người hướng dẫn viên:

- Quảng trường Tây Ban Nha được coi như một phần lãnh thổ của Tây Ban Nha trong một khoảng thời gian dài. Nơi đây cũng chính là trụ sở quốc tế chính của dòng Malte, dòng giữ một vai trò vân vân và vân vân...

Mắt nhìn chăm chăm xuống đáy đài phun nước, Iseul Park, mười bảy tuổi, như bị thôi miên bởi làn nước xanh lam trong vắt, dưới đó là những đồng tiền xu du khách vứt xuống đang nằm chen chúc. Iseul ghét cay ghét đắng khi phải thuộc về cái gọi là “nhóm khách du lịch châu Á”, đôi khi điều này khiến cô bị chế giễu. Cô cảm thấy không thoải mái chút nào với cái thứ nghi lễ này, với cái kiểu đi du lịch lỗi thời mỗi ngày thăm quan một thủ đô ở châu Âu và phải đợi hàng tiếng đồng hồ để tất cả mọi người ai cũng được chụp một bức ảnh y hệt nhau ở cùng một chỗ.

Tai cô ong ong, cô thấy choáng váng, run rẩy. Và đặc biệt là cô thấy ngạt thở giữa đám đông. Mảnh dẻ như một cành cây nhỏ, cô len lỏi ra khỏi đó và trốn ngay vào quán cà phê đầu tiên gặp trên đường. Đó là quán Babington’s Tea-Room, số 23 quảng trường Tây Ban Nha...

*   *   *

Rome

Sân bay Fiumicino

- Nào, họ có mở cánh cửa này không đây? Milo hét lên.

Đứng ở hàng ghế giữa máy bay, anh giậm giậm chân vì nóng lòng.

Chuyến đi thật vất vả. Sau khi khởi hành ở Los Angeles, đầu tiên họ phải chuyển máy bay tại San Francisco sau đó là Francfort rồi cuối cùng mới hạ cánh xuống đất Ý. Anh nhìn đồng hồ: 12h30.

- Tớ dám chắc là chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm được cuốn sách ấy! anh càu nhàu. Đi chuyến này chỉ công cốc thôi hơn nữa tớ đang sắp chết đói đây. Cậu thấy họ cho chúng ta ăn gì rồi đấy. Với giá vé như thế, ăn từng ấy thật chẳng...

- Cậu thôi làu bàu đi! Carole van vỉ. Tớ không thể chịu đựng được việc cậu cứ than vãn vớ vẩn mãi thế đâu! Tớ ngán cậu đến tận cổ!

Một tiếng rì rầm tán thành vang lên trong hàng người.

Cuối cùng cánh cửa cũng mở ra cho hành khách xuống máy bay. Carole bước xuống cầu thang máy rồi lao ra chỗ đám xe taxi đang đỗ, Milo bám gót theo sau. Rủi thay, dòng người chờ xe dài dằng dặc mà các xe thì gần như chẳng nhúc nhích.

- Tớ đã nói rồi mà.

Cô chẳng buồn đáp lời. Đến chỗ chờ taxi, cô lấy thẻ cảnh sát ra, chen lên giữa những người xếp hàng rồi trịch thượng giơ bảo bối của mình ra cho nhân viên phụ trách việc phân xe cho khách.

- American police! We need a car, right now. It’s a matter of life or death(1)!_ cô nói đúng giọng của một thanh tra cảnh sát.

Thật nực cười. Làm thế chẳng ăn thua gì đâu, Milo vừa nghĩ vừa lắc đầu.

Nhưng anh đã nhầm. Tay nhân viên kia nhún vai, cũng chẳng thèm hỏi han gì và chưa đến mười giây, họ đã có một chiếc taxi.

- Quảng trường Tây Ban Nha, Carole nói với tài xế. Quán Babington’s Tea-Room.

- Và anh làm ơn nhanh lên đi! Milo thêm vào.

*   *   *

Rome

Babington’s Tea-Room

Iseul Park ngồi vào một chiếc bàn nhỏ mãi sâu trong quán. Cô gái Hàn Quốc uống một tách trà lớn và đang nhấm nháp một chiếc bánh xốp kem đánh bông. Cô thích thành phố này nhưng cô muốn được thăm thú nó theo cách có thời gian lững thững đi dạo trên các con phố, được hòa mình vào một nền văn hóa khác, trò chuyện với người dân, ngồi ở sân hiên ngập tràn nắng của một quán cà phê mà mắt không cần liếc nhìn đồng hồ và cũng không bị cả nhóm ép chụp ảnh mười giây một.

Trong lúc chờ đợi, cô không đưa mắt nhìn đồng hồ mà nhìn vào màn hình điện thoại di động. Vẫn không có tin tức gì của Jimbo. Ở Ý đang là một giờ chiều thì ở New York mới bảy giờ sáng. Có lẽ anh chưa dậy. Phải, nhưng năm ngày nay kể từ khi họ chia xa, anh không hề gọi điện mà cũng chẳng trả lời cả chục thư điện tử và tin nhắn của cô. Sao lại có thể như thế được? Vậy mà họ vừa mới trải qua một tháng như trong mơ tại NYU, ngôi trường nơi Jimbo đang học ngành điện ảnh. Cuối kỳ nghỉ hè của mình, Iseul đã quyết định đi thăm quan du học tại ngôi trường đại học nổi tiếng ở New York này. Đó là một quãng thời gian tuyệt vời khi cô được khám phá tình yêu trong vòng tay của anh chàng người Mỹ. Thứ Ba tuần trước, anh đưa cô tới sân bay để cô gặp nhóm khách du lịch của mình và họ đã hứa sẽ gọi cho nhau mỗi ngày, sẽ tiếp tục vun đắp cho tình yêu của mình lớn thêm bất chấp sự xa cách và có thể sẽ gặp lại nhau vào dịp Giáng sinh. Sau lời hứa hẹn lãng mạn ấy, Jimbo bặt vô âm tín và có gì đó cứ cào xé trong cô.

Cô đặt mười euro lên bàn để thanh toán hóa đơn. Chỗ này quả thực là có sức lôi cuốn, với những tấm gỗ lát tường và những kệ sách. Thêm chút nữa, người ta hẳn sẽ tưởng mình đang ở trong thư viện. Cô đứng dậy và không ngăn nổi mình tới xem xét mấy giá sách. Ở trường đại học, cô học về văn học Anh và ở đây cô thấy có tác phẩm của một số tác giả kinh điển của Anh: Jane Austen, Shelley, John Keats và...

Cô nhíu mày khi phát hiện ra một cuốn sách không ăn khớp gì với xung quanh. Tom Boyd? Đâu phải là một thi sĩ thế kỷ XIX! Cô cầm cuốn sách lên và thấy có một mẩu giấy ghi chú nhỏ màu đỏ dính trên bìa. Tò mò, cô khẽ khàng quay lại bàn để xem xét cuốn sách kỹ hơn.

Mẩu giấy dính trên bìa sách mang một thông điệp kỳ lạ:

Xin chào! Tôi không phải bị thất lạc! Tôi hoàn toàn miễn phí!! Tôi không phải một cuốn sách giống như bao cuốn khác. Tôi được dành để du hành và đi khắp nơi. Hãy mang tôi theo, đọc tôi rồi tới lượt bạn bỏ tôi lại tại một địa điểm công cộng.

Hừm... Iseul có chút nghi ngại. Cô bóc mẩu giấy rồi xem qua cuốn tiểu thuyết, phát hiện ra phần bên trong lạ kỳ của nó cùng những trang trắng mà những người khác đã dùng để kể chính câu chuyện của mình. Có gì đó làm cô xúc động. Với cô, cuốn sách dường như có sức hấp dẫn kỳ diệu. Trên mẩu giấy có ghi là miễn phí nhưng cô vẫn còn lưỡng lự khi cho nó vào túi...

*   *   *

Rome

Babington’s Tea-Room

Năm phút sau

- Chỗ kia! Milo hét lên, tay chỉ vào giá sách mãi sâu trong quán trà.

Khách hàng cũng như nhân viên phục vụ giật nảy mình khi nhìn thấy cái con voi ngơ ngáo ấy đi lạc vào một cửa hàng bán đồ gốm sứ. Anh lao về phía mấy kệ sách, hấp tấp xem xét các giá sách tới mức hất tung cả một ấm trà đã trăm năm tuổi, nhưng Carole đã kịp thời đỡ được ngay phút cuối.

- Nằm giữa sách của Keats và Shelley, cô chỉ rõ cho anh.

Xong rồi, vậy là họ đã chạm tới đích! Jane Austen, Keats, Shelley, nhưng... không có sách của Tom.

- Khỉ thật! anh hét lên rồi căm hận đấm một cú vào gỗ ốp tường.

Trong lúc Carole lục tìm cuốn tiểu thuyết trên một giá khác, chủ quán dọa sẽ gọi cảnh sát. Milo xoa dịu tình hình và cất lời xin lỗi. Đang nói, anh chợt nhìn thấy một bàn trống, trên đó, trong một chiếc đĩa vẫn còn mẩu bánh xốp dở cùng cốc kem. Như có linh cảm, anh tiến lại gần và phát hiện ra mẩu giấy màu đỏ son dính trên bàn gỗ đánh vécni. Anh đọc lướt rồi buông tiếng thở dài:

- Chỉ chậm có gần năm phút... anh nói với Carole rồi giơ mẩu giấy màu đỏ lên cho cô xem.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27018


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận