Cô Nàng Mộ Bên Chương 3


Chương 3
Năm thứ ba: Mưa rải rác

24. Benny

Arvid chào đời vào tháng Tám. Chúng tôi làm đám cưới tháng Mười, và từ đó Désirée không một lần nào mò sang phía giường bên tôi. Thỉnh thoảng, khi cô ấy cựa mình, tôi gần như nín thở chờ đợi, nhưng lúc nào cũng vậy, Désirée chỉ cúi xuống để bế Arvid và ấp vào ngực mình. Ngay cả trong đêm tân hôn của chúng tôi cũng không có gì xảy ra ngoài một nụ hôn trên má. Biết thế đi xem phim cho xong.

Đương nhiên Désirée đã tranh thủ nghỉ thai sản lâu tối đa, còn đối với tôi, chuyện nghỉ ngơi hoàn toàn không khả thi. Ngay cả cô ấy cũng hiểu điều đó. Một buổi sáng, khi tôi từ chuồng bò quay vào nhà, cô ấy đã chuẩn bị bữa sáng kiểu Anh thịnh soạn với trứng cuộn thịt xông khói và đậu, bánh mì nướng kèm mứt hoa quả, đầy đủ mọi thứ. Trong khi tôi tận hưởng trong sung sướng thì Désirée lặng lẽ nhá một lá xà lách, để lấy lại vóc dáng!

Sau đó, đã thành thông lệ, mỗi dịp cuối tuần là những bữa sáng buyphê ra trò, còn trong tuần là các bữa sáng nóng sốt. Buổi trưa và buổi tối cũng thế. Bộ đồ bảo hộ lao động của tôi bắt đầu chật, và tôi có cảm giác như đang ở trên thiên đường! Mẹ tôi vốn trung thành với món cháo và cà phê hâm nóng.

Chuyện nông trại được ra lò đều đặn mỗi thứ Sáu, một thời điểm long trọng của cả nhà. Désirée chụp ảnh Arvid dưới mọi góc độ có thể và âm thầm chụp ảnh tôi ở chuồng bò, rồi thêm vào những chú thích hài hước. Cô ấy mua bia và chuẩn bị món ăn đặc biệt cho những buổi tối ấy. Tôi không tài nào phát âm nổi tên gọi của phần lớn các món ăn này.

Vốn là người hoạt bát, Désirée còn tấn công vào những chuyện trước đây tôi không lưu tâm. Cũng đi hái nam việt quất, nhưng thay vì chỉ làm mứt, cô ấy đã nấu một thứ rất lạ có tên gọi là chutney nam việt quất, giống như xirô ho vậy. Cô ấy làm bánh tart khá ngon với việt quất và quả lý đen hái trong vườn, mỗi tội chua kinh khủng, vì ăn nhiều đường không có lợi cho sức khỏe. Désirée cũng đã học cách pha thịt và bảo quản ăn dần, đồng thời mua hạt giống để trồng một mảnh vườn rau thơm. Cô ấy đọc phần đầu của tờ Nhà nông như người ta đọc Kinh thánh, thậm chí còn dự định đan găng tay nữa.

Tôi khen ngợi Désirée bằng cách nói rằng tôi không thể hiểu được cô ấy đã làm tất cả mọi chuyện thế nào, vì hồi ở nhà mình cô ấy có bao giờ học những thứ đó đâu.

- Này, hóa ra mọi thứ ở sẵn trong máu em rồi thì phải. - Tôi trêu. - Chỉ cần có một đứa con là em tự khắc biết nướng bánh và thêu thùa.

Tôi biết mình đang đùa với lửa. Désirée liếc xéo tôi một cái, chắc cô ấy chưa hiểu tôi chỉ đùa giỡn. Nhưng thật tình, tôi cũng hơi hơi tin chuyện mình vừa nói. Như tôi đây này, tôi chẳng bao giờ cảm thấy một sự thôi thúc buộc mình cầm lấy mấy cái que đan.

- Đọc một quyển sách dạy nấu ăn không phải là việc quá khó đối với một người biết đọc, anh không thấy thế sao? - Désirée đáp. - Ngay cả anh cũng hiểu là khi người ta không thể chứng tỏ mình với thiên hạ, thì ít nhất họ cũng muốn thể hiện giá trị của mình trong gia đình. Em dám cá là sau khi cày những đường thẳng băng hoặc cuộn những đống rơm đều tăm tắp, anh cũng cảm thấy một sự hài lòng y như khi em giặt là phẳng phiu màn cửa hoặc cất những chiếc bánh ngon vào tủ đông. Người ta ai chẳng thích được nhìn nhận những công việc mình đã hoàn thành!

Désirée ngừng lại một lúc để lấy hơi, rồi tiếp lời:

- Em tin vào sự phân công truyền thống giữa hai giới. Nó rất hay. Anh làm tất cả những công việc nặng nhọc, dơ bẩn, khi anh về nhà, em phục vụ anh, chăm sóc anh, và cả hai chúng ta đều hài lòng về nhau. Hiện tại, Arvid không quấy khóc, thằng bé nằm ngủ rất ngoan, trong khi em lại không cần phải đi làm trong thành phố. Ít nhất anh cũng phải thấy là chúng ta đang sướng như tiên chứ? Dĩ nhiên là cho đến mùa hè thôi. Sau đó thì gió sẽ đổi chiều.

Đương nhiên hoàn cảnh bắt buộc cả hai chúng tôi đi làm toàn thời gian. Cân bằng tài chính của nông trại khá kém, việc bồi hoàn cho khoản nợ thuế nhầm lẫn của Liên minh châu Âu đã ngốn hết số hoa lợi. Chúng tôi đã chống chọi được với khó khăn, nhưng ngay khi Arvid bắt đầu bò lổm ngổm quanh nhà thì các bữa ăn cũng kém hoành tráng đi.

Bầu trời của chúng tôi chỉ có một chút mây ti sắp biến mất, tôi tự nhủ. Trừ phi nó báo trước một đợt khí lạnh…

Chúng tôi đã không làm chuyện ấy từ sau khi Arvid chào đời. Gần như không. Ừ thì, chúng tôi cũng vuốt ve nhau qua loa cho phải phép, gần giống như hồi Anita. Tôi không biết là do lỗi của ai - đôi khi tôi nghĩ nguyên nhân là vì chiếc áo ngủ của Désirée bị dính sữa.

Như thế không được gợi tình cho lắm! Trong những tối ấy, Désirée trở thành “người mẹ” trong mắt tôi, và tôi có cảm giác mình giống như một thằng đồi bại. Những tối còn lại, khi cảm thấy tôi thực sự ham muốn, Désirée chỉ nằm ườn ra chẳng buồn hưởng ứng, và tôi không tài nào gợi hứng cho cô ấy được.

Rồi có lúc nguyên nhân là thằng Arvid. Tôi dám thề là thằng bé không muốn có em. Hình như nó có thể cảm thấy ngay khi một trong hai chúng tôi trườn sang phía giường bên kia. Lúc đó nó ngoác cái miệng bé xíu ra và bắt đầu gào khóc. Désirée lập tức cho nó bú, sau đó cả hai mẹ con cùng ngủ thiếp đi, bỏ mặc tôi nằm trơ ra đấy, xót thương cho cái thân phận của mình. Các bữa ăn đúng là ngon thật, nhưng mà…

25. Désirée

Mọi chuyện y như một chuyến viễn du đến xứ sở xa lạ. Tôi đã làm bạn với những người thổ dân để học hỏi về văn hóa, phong tục tập quán của họ. Tôi hòa nhập vào ngôi làng nhỏ ở miền quê. Tôi đã cố gắng hội nhập. Không, thật sự tôi không hề muốn trở nên giỏi hơn họ - những ý nghĩ kiểu này luôn khiến tôi nhớ đến bữa ăn tối ở nhà Bengt-Göran và Violet. Ngược lại là đằng khác!

Tôi cảm thấy mình thua kém. Đa phần những người phụ nữ tôi gặp gỡ tại làng đều biết những việc mà tôi hoàn toàn không có khái niệm. Thêu đục lỗ, vải cutin, ống móc len… Họ cũng có hàng ngàn bí quyết chăm sóc em bé. Nếu tôi đến phòng tập với Arvid kêu khóc trong chiếc xe nôi, ai đó sẽ bế nó lên và dỗ nó nín ngay trong vòng hai phút. Họ biết đơm nút, thùa khuyết, may dây kéo và sửa lại quần áo. Họ cũng tự nhuộm tóc, cắt tóc cho chồng con, trao đổi với nhau những cái cành giâm hoặc củ hoa. Các luống hoa của họ là một vườn ươm giống thực sự. Tất cả hoặc ít ra phần lớn họ đều làm việc bán thời gian trên thành phố. (Tôi đang nói đến phần lớn phụ nữ nhé. Đàn ông thì hoặc làm việc toàn thời gian, hoặc thất nghiệp, đôi khi cả hai, nếu họ làm trong ngành xây dựng…).

Tối đến, cánh phụ nữ trong làng tập hát đồng ca, làm gốm và tập yoga, hoặc làm những việc khác. Đó là nếu như họ có thời gian rãnh rỗi, nếu các đức ông chồng không đi săn, chơi bowling với bạn bè hoặc đi xem khúc côn cầu.

Đàn ông và phụ nữ ở đây sống những cuộc sống hoàn toàn khác nhau, họ không có nhiều hoạt động chung. Không thể có chuyện phụ nữ đi uống bia, xem khúc côn cầu trong khi đàn ông cho bọn trẻ làm bài tập và giặt quần áo. Để có vài giọng nam trầm trong dàn đồng ca, người ta phải dùng vũ lực để bắt buộc, còn trong vườn thì các ông chỉ xuất hiện khi cần khiêng đá tiểu cảnh.

Phụ nữ không bao giờ có ý định phóng xe trượt tuyết vèo vèo trong những ngày Chủ nhật mùa đông. Nhưng họ có thể làm một giỏ thức ăn và đi dã ngoại với bọn trẻ.

Cuộc sống của hai giới gần như cách biệt với nhau, nhưng trong những lễ hội làng thì sự cách biệt đó được tháo bỏ, ít nhất ta cũng có thể nói như thế. Đàn ông và phụ nữ ca hát vang trời, uống rượu say sưa rồi quấn lấy nhau trên các bãi khiêu vũ đến tận khuya, sau đó cùng nhau chui vào các bụi rậm. Thỉnh thoảng chuyện đó lại gây ra xích mích. Nhưng tôi không nghĩ họ uống buông thả hơn dân thành phố, vạch giới hạn của họ được thiết lập rất chắc chắn. Dù sao thì, chuyện trai gái là chủ đề quan tâm cao của các mẩu chuyện phiếm, tôi có thể nhận thấy điều đó khi ngồi lại uống cà phê và quan sát sau giờ tập hát đồng ca.

Mảnh bằng đại học của tôi ở đây chẳng là cái gì, đó là sự thật, và tôi cũng không bao giờ đem nó ra để khoe. Chúng tôi có thể thảo luận về sách, rất nhiều phụ nữ tham gia vào các câu lạc bộ đọc sách và tỏ ra cực kỳ quan tâm với các tác phẩm mới xuất bản. Trong lĩnh vực này thì đôi lúc tôi có thể tỏa sáng một chút. Tôi chỉ có mỗi cái đó để chứng tỏ giá trị của mình.

Cánh đàn ông thì đọc các phụ trương báo thể thao.

Tôi không bao giờ đề cập đến tình hình chính trị thế giới với phụ nữ, triết học hoặc nữ quyền lại càng không. Không phải vì tôi thấy họ quá đơn giản - ngược lại là đằng khác - mà vì cánh phụ nữ trong làng có quá nhiều chủ đề khác để thảo luận. Có khi là những chuyện ngồi lê đôi mách, - tôi dám cá là cánh đàn ông cũng chẳng kém cạnh gì nữ giới về khoản này - có khi lại là công thức làm bánh, hoặc các mẹo chăm sóc nhà cửa. Phụ nữ thường xuyên là người khơi lên những chủ đề của cộng đồng: quét dọn vỉa hè, làm bánh để đem bán lấy tiền ủng hộ xây sân mới cho câu lạc bộ bóng đá thiếu niên địa phương, phản đối việc cắt giảm nhân viên tại nhà trẻ… Họ nắm quyền quyết định. Mọi việc diễn ra đều phải có bàn tay phụ nữ, mặc dù cánh đàn ông chiếm đa số trong hội đồng của làng. Chuyện này đôi khi trở nên rất buồn cười, như câu chuyện về một ông bị buộc phải tổ chức họp mặt tại nhà mình, nhưng cứ khất lần mấy tháng liền vì vợ bị ốm và ông ta không biết pha cà phê!

Có một kiểu chủ nghĩa nữ quyền thô ráp và mạnh mẽ tồn tại ở đa số các phụ nữ trong làng, đến mức nhiều khi khiến tôi ngỡ ngàng. Trong khi những nhà nữ quyền bị gắn mác chống nam giới ngay khi vừa lên tiếng chống lại sự khác biệt về mức lương trên các phương tiện truyền thông, các phụ nữ ở đây chẳng ngại ngùng gì trong việc nói xấu đàn ông. Dù không ghét đàn ông, phụ nữ ở đây cũng không đặc biệt tôn trọng họ. Các bà vợ coi chồng mình như một đứa trẻ không thông minh. Đàn ông suy nghĩ bằng cái của nợ nằm giữa hai chân, không thể giao cho họ những nhiệm vụ quan trọng được! Tốt nhất là cứ để họ đi với nhau, như thế chúng ta càng rảnh nợ! Không có ai trong số các chị em phụ nữ quanh tôi nhận ra họ đã trở thành một nhà nữ quyền.

Nói thế thì cũng vơ đũa cả nắm thật. Có những ông chồng nghỉ làm để chăm vợ đẻ, cũng có những chị phụ nữ hiểu biết về các vấn đề xã hội chẳng kém gì mấy ông, nhưng họ chỉ là cá biệt. Người ta gọi họ là “bố đảm”, “mẹ giỏi”, các bạn cũng biết rồi.

Nói chung, tôi thấy thoải mái hơn với những người trong làng so với các nơi khác. Họ không đòi hỏi, dễ chịu và tốt bụng. Nhờ thế mà tôi hoạt động xã hội nhiều hơn. Tổ chức tiệc Giáng sinh, viết một vở kịch ngắn, những chuyện đó tôi sẽ thực hiện, nhưng là sau này. Đôi khi tôi nghĩ họ cũng bàn tán về mình, nhưng có sao, tôi thấy chẳng có vấn đề gì. Sau khi sinh Arvid, tôi cảm thấy mình đã hòa nhập tốt vào cộng đồng, và mọi người đều hài lòng vì Benny đã có gia đình. Với tư cách người sản xuất sữa cuối cùng trong làng, anh gần như là người hùng trong mắt họ.

Vào tháng Hai, tôi lại mang bầu một lần nữa. Tôi không tin nổi chuyện đó có thể xảy ra trong khi cho co bú, dù sao thì nó cũng rất hãn hữu. Nhưng đúng là chúng tôi đã không chú ý.

26. Benny

Bengt-Göran luôn miệng nhắc tôi là không được đi làm rừng một mình. Nhưng tôi biết đi cùng ai bây giờ? Désirée bụng mang dạ chửa chắc? Tôi cũng không có điều kiện để thuê người.

Tai nạn xảy ra khi tôi đi vào rừng không phải để chặt cây, mà chỉ để kiểm tra tình trạng cây cối. Tôi định đến mùa đông tới mới bắt đầu đốn cây. Tôi di chuyển bằng chiếc xe trượt tuyết cũ hiệu Lynx. Một trong hai cái càng trượt bị vướng rễ cây làm cho chiếc xe lật nhào, móc vào chân tôi và bẻ quặt nó lại. Tôi đau khủng khiếp, không thể nào gỡ chân ra để về nhà. Tôi nằm đó, đầu dốc ngược, cho đến buổi tối, khi Bengt-Göran cưỡi xe trượt tuyết xuất hiện. Cậu ấy được Désirée nhờ đi tìm tôi. Tôi không muốn nhớ lại những giờ phút đó chút nào. Lúc ấy tôi lạnh cóng và đã bắt đầu nói thầm những lời vĩnh biệt trong đầu. Cơn đau làm tôi ngất đi, khi tỉnh lại tôi chẳng còn biết mình đang ở đâu nữa. Tôi bị gãy chân rất nghiêm trọng.

Những việc như thế không được phép xảy ra đối với một nông dân. Tất nhiên là tiền bảo hiểm của tôi có thể đủ để thuê người làm thay, nhưng chỉ trong một giai đoạn ngắn. Tôi đã không thể mua gói bảo hiểm tốt hơn. Bengt-Göran tốt bụng coi sóc nông trại giúp tôi trong vài tuần lễ, nhưng sau đó thì cậu ấy buộc phải về lo cho nông trại của mình. Bà con hàng xóm tốt bụng và người quen cũ cũng đến giúp đỡ tôi. Hôm nay người này, ngày mai người khác. Nhưng khi còn ba tuần đến hạn tháo bột thì tôi chẳng còn ai để nhờ cậy nữa. Tôi sắp sửa đầu hàng. Thế là hết ư?

Lúc tôi đang nằm tuyệt vọng trên băng ghế gỗ trong bếp thì Désirée xuất hiện. Cô ngồi xuống và kê đầu tôi lên đùi cô ấy.

- Anh này, vụ vắt sữa ấy, nó cũng không đòi hỏi nhiều sức lực, đúng không?

- Em quên chuyện đó đi, Désirée! Em không bao giờ có đủ sức để lấy cỏ khô trong tháp ủ đâu. Em cũng không thể điều khiển cái máy cấp thức ăn. Dù thế nào chúng ta cũng không thể để em có nguy cơ mất đứa bé trong bụng, đúng không?

- Vâng, nhưng em có thể vắt sữa, nếu anh đi cùng em. Bengt-Göran bảo là có thể sang đây hai lần một ngày để cho bò ăn, không hơn. Như thế có đủ không?

Tôi không thch chuyện này, nhưng không còn cách nào khác. Bengt-Göran đi cùng Désirée buổi đầu tiên và chỉ cách lắp các núm vú cao su vào vú bò. Cô ấy học khá nhanh, mặc dù lúc đầu hơi sợ và kêu toáng lên khi con bò đụng vào người. Sau đó thì lần nào tôi cũng chống nạng đi cùng Désirée. Tôi vệ sinh thùng sữa, cho bê ăn và lưu ý cô ấy khi những con bò đã cạn sữa hoặc bị tịt sữa. Chúng tôi đã bán con bò cái già hung dữ cho lò mổ, có lẽ nó là nạn nhân liên đới duy nhất của vụ tại nạn trong rừng. Chỉ là tôi không thể để cho Désirée đến gần nó được.

Arvid luôn đi cùng chúng tôi đến chuồng bò. Thằng bé nằm trong xe nôi, hoặc ngồi trên chiếc ghế trẻ em. Chốc chốc Désirée lại ngồi xuống một cuộn rơm và cho thằng bé bú sữa. Chiếc máy vắt sữa kêu tích tắc một cách yên bình, lũ bò nhẩn nha gặm cỏ, và radio phát những bài rock nhẹ của những năm 1960.

Tôi đã nghĩ chưa bao giờ chúng tôi được như thế. Và cũng sẽ không bao giờ được như vậy nữa.

Đương nhiên Désirée rất mệt mỏi. Ngay khi vừa xong công việc, cô ấy lăn ra ngủ, cho con bú hoặc ăn. Tôi đã học cách thay tã cho Arvid. So với công việc vệ sinh chuồng bê thì nó nhẹ nhàng hơn nhiều. Cả nhà sống bằng xúc xích, khoai tây và bánh kếp làm từ sữa tự cung tự cấp. Có lần Märta đã đến với cả một xe hơi đầy đồ tiếp tế. Désirée đành phải đặt hàng trên thành phố dù không muốn, vì cô ấy không còn sức để lái xe nữa.

Tôi âm thầm nghĩ phương án kéo dài tình trạng này. Nếu Désirée không bắt buộc phải quay về với công việc ở thư viện và tiếp tục làm việc tại chuồng bò thì sao nhỉ? Giống như mẹ tôi ấy! Để bố tôi có thể dành nhiều thời gian ngoài đồng hơn.

Một hôm, tôi thận trọng nêu lên ý kiến đó. Ít nhất tôi cũng nghĩ là mình đã thận trọng. Nhưng Désirée nổ tung như một cơn địa chấn có độ mạnh vượt ngoài thang đo Richter.

- Anh điên à? Chắc hôm tai nạn anh bị dốc ngược đầu lâu quá phải không?

- Anh thấy chuyện đó có gì mà không thể được kia chứ?

- Anh ơi, anh có để ý đến tình hình tài chính của nhà mình dạo gần đây không đấy? Em biết ngay là không mà. Anh để mặc em quản lý hết. Xin thưa với anh nếu không có đồng lương của em, nhà ta sẽ từ giã món bánh mì hàng ngày. Chúng ta sẽ sống dựa vào các sản phẩm của nông trại: sữa, khoai tây, thịt tươi. Và chúng ta sẽ phải ăn sống, bởi vì không có tiền để trả hóa đơn điện! Anh quên rồi à, lúc này nông trại không hoạt động hết công suất. Nó chỉ đủ để chúng ta thanh toán các chi phí thôi!

- Nhưng mà... - Tôi luống cuống.

- Anh muốn em địu cả hai đứa con đi vắt sữa à? Hay là anh cho chúng lên ngồi máy kéo? Bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ có đủ tiền để gửi con vào nhà trẻ!

- Nhưng...

- Benny, anh nghe em nói đây! Có một vị trí trợ lý ở thư viện đang bỏ trống. Chúng ta có thể tìm một căn hộ trên thành phố. Gần chỗ em làm có một cái. Nhà trẻ cũng ngay cạnh đó. Anh có muốn làm trợ lý của em và đi loăng quăng trong thư viện không?

- Em mất trí rồi à? Anh vào làm thư viện á?

Désirée cười nhạt.

- Không được à? Thế tại sao anh thấy không có vấn đề gì với việc, thứ nhất, em đến sống ở đây, và thứ hai, em phải bỏ công ăn việc làm để đỡ đần anh?

- Nhưng... nhưng... em không thấy thích làm việc với mấy con bò hiền lành sao?

- Anh muốn câu trả lời thật lòng, hay câu trả lời lịch sự?

- Anh chỉ...

- Dù sao em cũng phải trả lời. Em thấy hiện tại nó là một công việc khốn khổ, em đến hết hơi vì nó rồi. Sau này nó sẽ đỡ hơn, đôi khi em thấy được đi cùng anh cũng có cái thú. Nhưng chỉ nội ý nghĩ phải vào cái chuồng này hai lần mỗi ngày, từ năm này sang tháng nọ... vắt sữa, quét dọn, cho ăn... vắt sữa, quét dọn, cho ăn... với niềm giải khuây duy nhất là khi phải mổ thịt một con bò khẩn cấp... sau đó thì ba chân bốn cẳng lao vào nhà để dọn dẹp nhà cửa, vì những việc đó anh không làm!... Chỉ nghĩ đến thế thôi là em đã muốn chết rồi. Đó không phải việc em muốn làm. Nhưng em hiểu đó là công việc yêu thích của anh! Cảm giác của em cũng gần giống như cảm giác của anh đối với việc phải bê sách suốt ngày. Đấy! Câu trả lời lịch sự của em đấy!

- Nhưng dù sao thì, đời nào người ta cho anh làm cái công việc trợ lý ở thu viện kia chứ. - Tôi lẩm bẩm.

- Hừ, em bịa ra đấy. Để anh hiểu thôi. Thế anh đã hiểu chưa nào?

27. Désirée

Mùa hè này, dù không muốn, tôi đã phải chăm sóc lũ bò gần như hàng ngày. Giống như Anita hè năm ngoái... Cái chân của Benny đã lành, nhưng anh muốn tôi giúp hơn là nhờ đến Bengt-Göran. Anh bảo thế. Với lại dù sao thì tôi cũng đang trong kỳ nghỉ thai sản! Chúng tôi đều biết là cho dù có Arvid hay không thì tôi cũng không thể nằm vắt chân nhìn anh lao động như tù khổ sai được.

Thế cho nên mỗi ngày tôi dắt bò từ chuồng ra đồng và về chuồng hai lần. Tôi cũng đảm trách công việc vắt sữa trong phần lớn thời gian. Lúc đầu, lũ bò không quen với tự do bên ngoài và cứ cố quay lại với nếp cũ. Nhiều người cũng hành động như thế thôi! Trong những tuần đầu, mỗi lần ra vào chuồng là một lần náo loạn. Lũ bò không tìm được ô chuồng của mình, nổi xung lên, quay đầu giữa lối đi và vụng về tiến ra cửa, làm cho cả đàn dồn lại. Có lúc chúng lại cố tình tranh thủ gặm cỏ tại các máng ăn và bậy luôn một bãi to tướng. Nhưng càng về sau, lũ bò càng ra vào chuồng trật tự hơn.

Đôi khi tôi nghĩ bụng có biết bao nhiêu người phụ nữ ước mơ được sống ở miền quê, giữa những con bò và cánh đồng hoa, với một người chồng tử tế và một đứa con kháu khỉnh. Tôi đang có một cuộc sống trong mơ! Chỉ có điều, đó không phải giấc mơ của tôi, mà là giấc mơ của một ai khác. Một người không biết nhiều về cuộc sống nông trại.

Đương nhiên tôi rất mệt, tôi đang mang bầu bốn tháng. Khi tôi than phiền với Benny, anh lại nhắc lại với một ý đồ hết sức lộ liễu, rằng mẹ anh chưa bao giờ khỏe khoắn như trong lúc mang bầu anh.

Điều tệ nhất là tôi buộc phải để Arvid trong nhà khi làm việc tại chuồng bò. Thằng bé đã bắt đầu bò rất nhanh, đến nỗi nếu tôi không để ý thì nó sẽ chui vào giữa lũ bò và có nguy cơ bị giẫm phải. Thỉnh thoảng những tiếng kêu gào tức tối của thằng bé theo tôi vào tận chuồng bò. Đa phần những lúc ấy Benny đang đi làm đồng xa, vả lại tôi không thích anh cho thằng bé lên máy kéo với đủ thứ kinh khủng quay tít xung quanh. Cũng chẳng có mũ bảo hiểm cho trẻ ở độ tuổi nhỏ như thế.

Thế nên khi Violet đề nghị thỉnh thoảng trông giúp thằng bé vài giờ, tôi đồng ý với tất cả lòng biết ơn.

Sau vài ngày, Violet đã trở thành chuyên gia trị Arvid thứ thiệt.

- Việc gì phải cho nó ngậm núm vú giả? - Cô ấy nói. - Nếu chị bế nó đi dạo một lúc, nó sẽ ngủ ngon hơn.

- Ừ, nhưng tôi đau lưng quá, cô biết đấy... - Tôi lí nhí đáp.

Tôi đang ở tháng thứ năm của thai kỳ, và đã cảm thấy một số cơn đau sớm ở khung chậu. Tôi vươn tay về phía con mình, nhưng Violet làm như không nhìn thấy. Cô ta đứng lên và bắt đầu đi quanh phòng, tay bế thằng bé.

- Nào, nào, con thích nghe dì Violet hát đúng không, cục cưng?

Càng ngày Violet càng lấn tới. Cô ta bảo tôi thằng bé nên hay không nên ăn gì, ru nó ngủ trong nôi và cấm tôi không được bế nó. Khi thấy tôi xuất hiện, cô ta quay ngoắt đi và cứ nhất định phải xem hết cuốn sách tranh cùng với cậu cháu cưng trong khi tôi đứng chờ ngoài cửa. Cô ta bắt đầu tư vấn và chỉ bảo tôi đủ thứ, từ quần áo cho đến thói quen ngủ nghê.

Một hôm, một con bò cái đã sinh con ở ngoài đồng cỏ. Một con bò cái khác, có vẻ như có vị trí cao hơn trong đàn, đã nhanh nhảu chăm chút cho con bê. Nó húc sừng vào con bò mẹ và luôn cố tình đứng vào giữa hai mẹ con. Con bò mẹ rống lên buồn bã và bám theo nhưng con bò kia nhất định không cho nó tiếp cận với con ruột của mình.

Tôi thấy Violet cũng giống như thế. Violet đã trở thành một Phụ nữ Đích thực, còn tôi chỉ đóng vai phụ nữ.

Vào cuối hè, Märta mời tôi đến ngôi nhà nghỉ dưỡng mà cô ấy đã thuê trong khi Magnus đi tập trung huấn luyện. Thời điểm đó trùng với một khoảng nghỉ ngắn giữa việc cắt cỏ và chất vào tháp ủ. Tôi đã đồng ý ngay lập tức. Tôi rất, rất mệt mỏi! Tất cả những gì tôi muốn là ngủ nướng buổi sáng trong vài ngày. Märta đã hứa sẽ thực hiện nghĩa vụ của mẹ đỡ đầu và đưa Arvid đi tắm biển.

Benny miệng bảo đồng ý, nhưng mắt nhìn theo tôi không bằng lòng. Anh đã quen được cắt bớt một phần công việc với lũ bò.

Tôi và Arvid đi vắng trong ba ngày. Trước khi đi, tôi đã chuẩn bị và cho vào tủ đông sáu phần ăn. Benny chỉ việc mỗi bữa trưa và tối lấy ra một phần rồi bỏ vào lò vi sóng. Lúc tôi quay về nhà thì trong tủ đông vẫn còn năm phần.

- Anh ăn sữa chua. - Anh bảo tôi với giọng trách cứ. - Ờ thì, em nghĩ anh có thời gian để chuẩn bị bữa ăn với từng ấy công việc sao? Trong khi em vắng nhà.

- Ơ, chuẩn bị là thế nào? Bỏ hộp thức ăn vào lò vi sóng quay lên trong hai phút mất công lắm sao?

- Thế em muốn gì nào? Anh làm gì có thời gian để ăn uống đúng bữa!

Tôi cứ tưởng Benny chán và ăn không ngon miệng vì mẹ c tôi vắng mặt, hoặc là anh muốn cho tôi cắn rứt lương tâm. Sau đó tôi gặp Violet và biết được thật ra Benny đã sang nhà cô ta ăn trong những ngày đó. Cô ta không tiếc lời khen chồng tôi ăn khỏe và khiến tôi hiểu ra rằng người Phụ nữ Đích thực không bao giờ được ngơi nghỉ.

- Tôi mệt lắm... - Tôi rên rỉ, chuẩn bị kể lể hoàn cảnh với Violet, nhưng không tài nào làm được. Tôi có một đứa con, lại sắp có đứa thứ hai, trong khi Violet chẳng có đứa nào. Có cho vàng tôi cũng chẳng muốn 62e5 đi đổi chỗ với cô ta.

Còn một tháng nữa là tôi phải quay lại làm việc ở thư viện. Tôi cũng bất ngờ khi thấy mình nôn nao chờ đến ngày đó chẳng khác nào người ta mong đi nghỉ hè.

28. Benny

Chúng tôi đã lo được một suất đi nhà trẻ cho Arvid mà không gặp khó khăn gì. Désirée đã quay về với công việc cũ. Cô ấy thức dậy cùng lúc với tôi, rồi thay quần áo và đưa con đi nhà trẻ trên đường lên thành phố. Đôi khi hai mẹ con về nhà khi tôi đang ở trong chuồng bò để vắt sữa ca tối, và khi tôi xong việc thì thằng Arvid đã ngủ khò. Tôi gần như chẳng gặp được con. Désirée than phiền về công việc nặng nhọc. Nặng là nặng thế nào? Thằng con thì tống vào nhà trẻ, chuồng bò thì chẳng phải trông nom?

- Anh lấy một cái ba lô mười cân rồi đeo vào trước bụng ấy, anh sẽ hiểu!- Cô nói.

Khi tôi nhờ Désirée giúp chăm sóc lũ bò trong đợt cày ải mùa thu, cô ấy từ chối thẳng thừng:

- Em sắp đẻ rồi. Anh đâu có bắt mấy con bò lao động cực khổ trong những tháng cuối thai kỳ! Hơn nữa, bây giờ em không tìm được vú bò đâu. Đến bàn chân của mình em còn không thấy nữa là.

Nói đến nước này thì tôi chỉ còn biết amen.

Lần này thì Désirée không vỡ ối trong bếp. Cô ấy lại chuyển dạ chậm hơn ngày dự sinh hai tuần lễ và phải vào nhà hộ sinh để tiêm thuốc kích đẻ. Tôi thấy thế càng hay, chúng tôi có thể lên kế hoạch. Giống như các kỳ nghỉ ấy. Lần này thì tôi sẽ có mặt.

Và không chỉ tôi. Rất nhanh chóng, chúng tôi đã nhận ra điều đó!

Vì việc sinh con của Désirée được dự tính diễn ra vào ban ngày, họ đã cho sinh viên vào thực tập đỡ đẻ.

- Chúng tôi tránh không hỏi các bà mẹ sinh con đầu lòng. - Bà đỡ cho Désirée giải thích. - Thế này ạ, anh chị có đồng ý để cho hai học viên y tá tham dự đỡ đẻ không?

- Càng đông thì càng vui... - Tôi nói đùa. Tôi đang rất căng thẳng. Désirée khẽ liếc mắt nhìn tôi. Hai cô gái tóc buộc đuôi ngựa có nước da tái bước vào phòng và bắt đầu rì rầm trong một góc.

Họ tiêm gì đó cho Désirée và mọi việc bắt đầu. Cô ấy bắt đầu thở hổn hển, và đột nhiên bà đỡ xuất hiện cùng với ba sinh viên y khoa, với một cái nhún vai thay cho lời xin lỗi: “Các em nó phải học, anh chị thông cảm”. Túi ối vỡ trước những con mắt tò mò của họ. Bà đỡ đi một đôi ủng cao su.

- Anh thấy đấy, - Désirée thì thầm với tôi trong nỗ lực cố pha trò, - em cũng đâu muốn ở một mình với anh. Anh sẽ không ngần ngại buộc dây vào chân đứa bé lôi nó ra theo lực chéo.

Sau đó cô ấy gào lên là muốn gây tê ngoài màng cứng. Theo lời của bà đỡ đang chạy ra chạy vào liên tục như con chim trên cái đồng hồ Thụy Sĩ - bà ta phụ trách nhiều ca sinh cùng một lúc - thì bà ta đang tìm một bác sĩ để thực hiện việc đó.

Tôi không biết phải nghĩ thế nào nữa. Chúng tôi nắm tay nhau mà vượt cạn à? Trời ạ!

Đám sinh viên tranh thủ cơ hội để đặt một đống câu hỏi với Désirée.

- Chị có thể mô tả cơn đau không ạ? Có giống với đau thận không? - Sinh viên đầu tiên hỏi.

Các sinh viên còn lại hỏi về chế độ ăn và việc giữ vệ sinh trong thai kỳ. Hai cô học viên y tá lần lượt nghe bụng Désirée giữa các đợt co thắt. Vợ tôi càng lúc càng tuyệt vọng hơn. Tôi thì chỉ muốn huých cùi chỏ để mở lối len đến bên cạnh vợ mình.

Bà đỡ lúc nãy đã xong ca trực, một người mới xuất hiện và họ mất thời gian để cho người này nắm được diễn tiến của việc kích đẻ. Ngoài tôi ra, trong phòng còn bảy người khác đang trao đổi rất hăng. Đúng lúc đó, Désirée tự dưng thét lên một tiếng kinh thiên động địa.

- Đến lúc rồi!

Tiếng thét đã châm ngòi cho một loạt hành động nhanh chóng. Mọi người nhất loạt đeo khẩu trang vào và chen lấn nhau quanh bàn để nhìn cậu con trai thứ hai của tôi chào đời. Tôi chỉ kịp nhìn thấy cái đầu của thằng bé nom như một quả bóng cao su bị nén đột ngột nở to ra, trước khi cái mông của một sinh viên chắn ngang tầm nhìn của tôi. Tôi mò mẫm tìm bàn tay Désirée giữa lúc lộn xộn nhưng hoài công. Khi tất cả đã xong thì một tay bác sĩ lao bổ vào phòng và hỏi:

- Ca gây tê ngoài màng cứng là ở đây hả?

Bả đỡ mới thuộc loại khá cộc cằn. Bà ta nhìn quanh một lượt như một viên tướng quan sát đột hình chiến đấu, rồi ra lệnh:

- Tất cả, ngoại trừ ông bố, ra ngoài!

Những người kia lục tục kéo ra khỏi phòng, vừa đi vừa bàn luận sôi nổi.

Sau đó, mọi thứ bình yên trở lại. Ánh sáng chuyển thành màu xanh lá cây dịu mát và đứa bé mở đôi mắt màu xanh thẫm nhìn chúng tôi. Hai vợ chồng tôi khóc như mưa.

- Thế đấy, mới chào đời mà con mình đã được chào đón ồn ào rồi! - Tôi nói. - Chắc chắn nó sẽ làm nên chuyện lớn đây!

- Nếu em có sinh lần nữa thì em sẽ bắt họ trả tiền vé vào xem! - Désirée tuyên bố. - Nhưng hiện tại thì em chưa muốn. Ý em là chuyện có thêm con ấy.

- Em không nghĩ đến việc gia tăng quân số cho ngành nông nghiệp à? - Tôi nói. - Các nông dân Thụy Điển đang ngày một già đi.

- Anh tưởng chỉ mình chúng ta mà đảo ngược tình hình được chắc? - Désirée lẩm bẩm. - Ơ nhìn này, con nó có cái xoáy y hệt anh nhé!

29. Désirée

Mùa thu diễn ra trong nhọc nhằn, với một công việc toàn thời gian, một thằng bé mười hai tháng và cái bụng chửa to tướng, cộng với công việc chăm sóc bò sữa mỗi dịp cuối tuần. Tôi biết Benny cần trợ giúp, anh không giấu giếm việc nông trại với tôi... Vấn đề là anh chẳng bao giờ nhìn nhận tất cả những công sức tôi đã bỏ ra để chăm lo nhà cửa, với anh đó không phải là công việc thực sự. Phương châm của anh là: “Phụ nữ tại gia, nếp nhà bảo đảm”, đại loại thế. Anh không cho rằng việc giữ ấm nếp nhà đòi hỏi phải có thời gian. Một hôm tôi đã nghĩ đến chuyện đó khi anh hào hiệp đề nghị tổ chức tối thứ Sáu của chúng tôi vì hôm đó tôi phải làm việc muộn. Anh sẽ đón Arvid ở nhà trẻ, đi chợ và chuẩn bị món gì đó. Tôi nín thở. Lần đầu tiên một thứ như thế xảy ra.

Tôi về đến nhà trong sự háo hức chờ đón điều bất ngờ, và ngay từ ngoài cửa tôi đã ngửi thấy mùi thức ăn. Cánh cửa nhà bếp đóng kín. Tôi tự nhủ chắc anh đã sửa soạn bàn ăn một cách trịnh trọng với khăn bàn, khăn ăn và nến, như thỉnh thoảng tôi từng làm. Tôi khe khẽ mở cửa.

- Chào em! - Benny cất tiếng.

Anh ngồi trên băng ghế gỗ, vừa tu một chai bia vừa đọc tờ Nhà nông. Trên tấm trải bàn không thấm nước là hai cái đĩa ăn và hai cốc thủy tinh loại thường. Giữa bàn, trên một chiếc đĩa to là một túi nhựa đựng tôm lột sẵn đã rã đông mềm oặt. Tất cả chỉ có thế. Bóng đèn tuýp trên trần chiếu xuống toàn bộ khung cảnh một thứ ánh sáng tai tái.

- Em nhìn này, món tôm cho nàng Tôm! - Anh nói một cách tự hào.

Tôi nghiến răng, nhưng đó là cái giá phải trả!

Sau đó đến vấn đề mất ngủ. Bụng tôi to như cái trống mà cứ mỗi lần muốn trở mình lại phải nhọc nhằn nâng lên. Đứa bé trong bụng cứ đá vào bàng quang khiến tôi phải liên tục dậy đi tiểu. Thỉnh thoảng tôi tỉnh giấc vì bị chuột rút ở chân, như thể một gã khổng lồ ở dưới chân giường đang xoắn nó cùng lúc theo hai chiều. Thật không thể chịu đựng nổi. Những lúc ấy, điều duy nhất có thể làm là đứng dậy, nhảy lò cò trên cái chân bị chuột rút và vừa cắn răng vừa chửi thầm cho đến khi mọi chuyện trôi qua. Benny thì khó chịu quay vào tường, lẩm bẩm bảo: “Khỉ gió, anh đang ngủ”. Anh sợ bị tôi nhờ bóp chân, giống như lần đầu tiên tôi bị chuột rút. Tôi không bao giờ nhờ anh nữa. Suốt cả ngày hôm sau, anh ngáp liên tục và ném cho tôi những cái nhìn tức tối. Nhảy lò cò dù sao cũng hiệu quả hơn, với lại một khi đã tỉnh ngủ, Benny sẽ tìm cách câu giờ với chỗ giữa hai đùi của tôi.

Thỉnh thoảng tôi giở giọng xin xỏ, nhất là dịp cuối tuần, khi tôi không muốn đi vào chuồng bò. Nhưng Benny luôn mau chóng đáp lại là mẹ anh - cũng như dì và bà - không bao giờ coi mang thai là một loại bệnh tật. Rồi anh kể cho tôi nghe câu chuyện về một thành viên trong gia đình, một phụ nữ thành thị đỏm dáng cả đời nằm trên giường trong chiếc áo ngủ bằng ren và chờ đợi ông chồng yếu đuối phục vụ cà phê tận nơi... Hình như đó là câu chuyện tiếu lâm của gia đình anh. Giờ đây tôi bắt đầu nhận ra cái sườn cố định trong mọi câu chuyện hài hước về cánh đàn ông bị vợ đè đầu cưỡi cổ. Chúng có tác dụng răn dạy những người phụ nữ không được áp đặt sự đòi hỏi của mình, đồng thời giúp cho cánh đàn ông được thoải mái lương tâm. Một người đàn ông đích thực sẽ không cúi đầu trước bất kỳ ai.

Có lần tôi nhìn thấy Benny đang uống cà phê trong bếp của Violet khi tôi sang đón Arvid. Anh và Bengt-Göran đang ăn cật lực những cái bánh nhân đậu, bánh vuông nhân mứt và thứ gì đó mà tôi chẳng biết, do Violet làm. Cô ta đứng ngay tại bàn bếp, ấm cà phê cầm trong tay, sẵn sàng rót thêm ngay khi tách của hai người kia vừa vơi. Những tuần cuối trước khi sinh Nils, tôi đã buồn bã nhận ra là tôi cũng thế, tôi đứng trước bàn nấu bếp để nhấp cà phê trong khi Benny và Bengt-Göran ngồi ăn bánh ở bàn. Tôi cũng sẵn sàng rót cà phê ngay khi Bengt-Göran giơ tách ra mà không buồn nhìn, đồng thời chuẩn bị tư thế để can thiệp khi Arvid lập bập bước đi trên đôi chân còn chưa vững. Nhưng mặt khác, cũng khá là thú vị khi dùng cà phê với hai người đàn ông luôn miệng thảo luận về phân chuồng và bùn thải. Tốt nhất là thản nhiên như không trước những thứ đó! Tôi tự nhủ như thế.

Mức độ tiến triển của sự thay đổi chóng mặt đang xảy ra thật đáng ngạc nhiên: anh chàng Benny nhã nhặn và đáng yêu mà tôi đã cảm kích đến nỗi muốn sống cùng đã trở thành một Ông Chồng Thụy Điển Truyền Thống một cách trơn tru, trong khi tôi để mặc chuyện đó diễn ra. Tôi thường cười héo hắt khi nghe nhắc đến người đàn ông Thụy Điển chủ trương bình đẳng phải biết “đảm trách phần việc của mình”. Ý tôi là, ta không thể chờ đợi cách cư xử thay đổi triệt để một sớm một chiều chỉ vì cánh đàn ông đã chính thức được phép nghỉ chăm vợ đẻ. Và tôi có cảm giác nông thôn không phải là nơi đi đầu trong phong trào đàn ông mới. Nhưng nghịch lý ở chỗ, đến kỳ săn nai sừng tấm thì lại có rất nhiều ông xin nghỉ chăm vợ đẻ.

Nhưng đúng là tôi có phong đại một chút. Benny cũng khá ngọt ngào. Chắc chắn tôi sẽ không đánh đổi khoảng thời gian chúng tôi lặng lẽ ngồi uống trà xem tivi sau khi Arvid đã ngủ với những buổi tối một thân một mình trong căn hộ ngày trước.

Một hôm Märta đến nông trại và chứng kiến cảnh tôi đứng phục vụ cho hai người đàn ông ngồi tán gẫu. Cô ấy lắc đầu tỏ vẻ không bằng lòng.

- Ừ, nhưng tớ đã chọn lựa như thế mà. - Tôi gắt gỏng. - Tớ yêu Benny! Bây giờ tớ chấp nhận chuyện này vì muốn anh ấy công nhận rằng tớ có vị trí ở đây và anh ấy đã lựa chọn đúng.

- Hôm nọ trên truyền hình tớ nghe một tay tỏ ra lo ngại rằng phụ nữ bắt đầu từ bỏ công việc chống đối đàn ông. - Märta thở dài. - Vấn đề không phải ở đó. Vấn đề thực sự là, phụ nữ chúng ta không chống đối đàn ông. Người phụ nữ nào lại muốn gây rắc rối và liên tục tranh cãi với người mình yêu thương kia chứ? Cậu chỉ phải nhìn nhận nó như sự trừng phạt của Anita!

30. Benny

Một buổi tối vào khoảng cuối năm ấy, tự dưng tôi bị cả mảng ngói rơi vào đầu. Ý tôi là, ấn tượng mà chuyện đó gây cho tôi giống hệt như thế.

Dĩ nhiên điều đó đã tiềm ẩn bấy lâu nay. Kể từ khi một nhà chăn nuôi ở phía bắc của tỉnh bị bắt giam vì tội ngược đãi động vật. Thật ra chuyện đó vô lý chết đi được. Ông ta đã giữ đàn bò của mình ở bãi chăn thả trong mùa thu và bị tố cáo về hành vi thiếu chăm sóc bởi một gã thanh tra kiểm dịch thú y có mảnh bằng còn chưa ráo mực, mặc dù mấy con bò hoàn toàn khỏe mạnh. Bò sữa không phải mèo nhà. Chúng thích được ở ngoài đồng, lớp lông của chúng trở nên rậm rạp hơn khi trời trở lạnh, có thế thôi. Cái ngữ thanh tra kia có khả năng ra quyết định bắt buộc nông dân xây nhà cho nai sừng tấm trong rừng của họ chứ chẳng vừa. Sau đó, cảnh sát đã đến tịch thu đàn bò, vốn đang được gửi nhờ các nông dân khác để chờ điều tra. Sau chín ngày, ông già khốn khổ nhận ra mình phải trả bốn mươi ngàn cuaron[1] cho việc vận chuyển và tạm giữ đàn bò. Ông ta không thể trả nổi số tiền đó, cho dù có đi vay, vì người ta sẽ không cho ông ta vay số tiền như vậy. Trước đó nông trại đã được thế chấp để bảo đảm cho các chi phí rồi. Ông già buộc lòng phải bán đàn bò, nhưng số tiền thu được từ hai mươi con bò chỉ đủ trả phân nửa tiền trông bò trong chín ngày. Thế là ông ta hoàn toàn tay trắng với một khoản nợ khổng lồ và có nguy cơ mất luôn nông trại. chuồng bò đã bị đốt bởi một nhóm những kẻ hành động vì quyền lợi động vật khi vụ việc được đưa lên báo.

[1] Đơn vị tiền tệ của Thụy Điển. 10 cuaran ~ 1euro.

Trong những tháng sau đó, trong lòng tôi như có lửa đốt mỗi khi nghe nhắc đến chuyện sức khỏe gia súc. Chuyện này cũng không mới. trước đây Bengt-Göran đã bán hết bò khi một đạo luật mới được bỏ phiếu thông qua, bắt buộc người nông dân phải làm chuồng trại to hơn. Cậu ta không có điều kiện vay mượn hàng triệu để sửa lại chuồng trại theo đúng quy cách! Các nhà chăn nuôi nhỏ lẻ tháo chạy khỏi ngành. Những con người hiểu đàn bò của mình rất rõ, tôi có thể nói như thế. Chỉ còn lại các đại gia trong ngành chăn nuôi, với diện tích đất đai đủ lớn.

Sự việc càng xấu đi sau tai nạn của tôi. Trong suốt một thời gian, tôi không thể giữ cho đàn bò sạch sẽ như thường lệ. Đơn giản là tôi không thể. Theo lập luận logic, mọi người có thể sẽ hiểu tôi là người lo lắng nhất cho sức khỏe của đàn bò. Bò ốm thì không cho sữa, lại còn tốn cả đống tiền cho bác sĩ thú ý. Nhưng trong suốt một thời gian tôi đã trở nên gần như cuồng sợ: khi trông thấy người lạ đến gần nông trại, tôi nghĩ ngay là đám nhà báo đi điều tra với camera ngụy trang, hoặc một kẻ bảo vệ động vật điên cuồng! Và thế là vĩnh biệt Rowan. Mọi chuyện sẽ diễn ra chỉ trong nháy mắt.

Chính tại cửa hàng bán rượu độc quyền Systembolaget trên thành phố mà tôi đã nhận cả mảng ngói rơi vào đầu. Một sự sợ hãi mới. Tôi dẫn theo Arvid đến đó để mua champagne cho dịp giao thừa cuối năm mới. Désirée nảy ra ý định mời khách khứa, vì cô ấy chưa gặp một người nào kể từ sau cảnh đông vui náo nhiệt ở phòng sinh. Arvid đi với tôi để cho cô ấy có thể ngủ một lát, trong trường hợp Nils chấp thuận. Tôi thấy lo cho Désirée. Cô ấy đã gầy rộc đi, mắt thì như con gấu trúc sau những đêm không ngủ.

Mọi chuyện cũng không dễ dàng. Arvid muốn đi tiểu, và thằng bé cứ nhất định phải vuốt ve mọi con chó mà chúng tôi gặp trên đường. Nó cứ líu lo suốt như một chú chim nhỏ. Tôi nghĩ thằng bé rất mừng vì được đi chơi một mình cùng bố.

Tôi đến cửa hàng rượu và đang cố gắng đọc cho đúng tên một loại champagne trong quyển catalogue (“vơvơ clicô?”) thì nhìn thấy một phụ nữ cũng đang xếp hàng với một đứa bé trong xe đẩy.

Nhưng nhìn cái xe đẩy mà xem! Nó là một chiếc Porsche đời cuối. Mạ kền sáng choang, thiết kế đẹp mắt, với độ bám đường tuyệt hảo khi chạy thẳng cũng như khi ôm cua. Tôi bất giác đưa mắt nhìn chiếc xe trầy xước của Arvid, một chiếc xe cũ được mua lại tại hội chợ Giáng sinh của nhà trẻ với giá hai mươi cuaron. Tôi đã đánh gỉ và sơn sửa lại, nhưng mấy cái bánh xe vẫn bị vênh và lớp sơn có màu xám xịt. Màu của chỗ sơn còn thừa sau khi tôi sơn cánh cửa hầm nhà.

Trời ạ, tôi đang có hai thằng con trai! Chỉ cần một tay thanh tra phải gió xuất hiện... nếu lũ bò bị mắc bệnh và sữa chúng không được người ta thu mua... nếu giá sữa lại tụt giảm thêm... nếu cái Liên minh châu Âu kia lại phát minh thêm các luật lệ mới... nếu tôi lại bị gì đó... nếu...

Thì tôi không thể nuôi nấng bọn trẻ. Và Désirée cũng không thể nuôi cả nhà! Tiền lương của cô ấy thậm chí không gánh nổi lãi suất hàng tháng của khoản vay dùng cho việc nâng cấp mở rộng chuồng bê! Sao tôi có thể cho mình cái quyền đẻ những đứa con mà mình có thể không nuôi nổi? Vả lại, không thể vác mặt đi xin tiền trợ cấp hộ nghèo khi chỗ điền sản trong tay tôi đáng giá nhiều triệu.

Tôi căng thẳng đến mức run rẩy như một chiếc lá. Đúng lúc đó, ánh mắt tôi chạm phải giá tiền của một chai rượu trong quyền catalogue.

Tôi nắm lấy chiếc xe đẩy của Arvid, đi thẳng ra cửa, rồi tiến vào một cửa hàng tiện lợi trong tòa nhà kế bên để mua một chai rượu táo thật to. Tôi đã có một kế hoạch.

Để mừng năm mới, chúng tôi đã mời ba cặp trong làng, Désirée nấu một món tuyệt vời từ tảng filet bò mà chúng tôi cho vào tủ đông vừ sau vụ hi sinh con bò già hồi mùa thu. Dọn kèm với thịt bò là xốt kem và món đút lò gồm khoai tây, tỏi tây, cà rốt, đậu Hà Lan. Tất cả đều là những sản phẩm của nông trại! Các khách mời mang theo rượu vang, ngoại trừ Bengt-Göran đến cùng một chai aquavit[2].

[2] Một loại rượu mạnh làm từ khoai tây hoặc ngũ cốc, phổ biến ở các nước Bắc Âu.

Buổi tối hôm đó thật sự rất vui. Tôi cho mọi người xử lý luôn chai aquavit của Bengt-Göran ngay từ món khai vị. Rượu vào lời ra, mọi người đùa giỡn và kể cho nhau nghe những câu chuyện tiếu lâm. Nils lần đầu tiên tỏ ra không quấy khóc, và đến nửa đêm thì chúng tôi bước ra ngoài thềm để đốt pháo hoa và lắng nghe tiếng đếm ngược từ đài phát thanh.

Désirée cằn nhằn tôi vì chai champagne đã mở trước khi được tôi bê ra cùng với mấy cái ly. Cô ấy không hề biết rằng cái chai ấy xuất xứ từ trong một góc kho, nơi nó nằm yên từ giao thừa năm ngoái, khi Anita và tôi uống cạn nó trong sự tĩnh lặng đến ngột ngạt. Tôi đã đổ vào đó rượu táo và rượu tự chế theo một tỉ lệ bí mật. Khi đến thời khắc giao thừa, Désirée đã nốc cạn ly rượu chỉ bằng một cú chạm môi, rồi cô ấy nhìn tôi, cằm trễ xuống tận ngực. Bengt-Göran cũng uống cạn ly và thốt lên câu gì đó đại loại là rượu champagne ngon thật, nhưng y như rượu nhà nấu pha với soda vậy! Những người còn lại cười thoải mái, và không một ai tin đó là sự thật. “E hèm, rượu Veuve cliquot hả?” Lisa Brodin nói một cách trịnh trọng. Chị ta đang có ý định mở lớp nếm rượu tại làng cơ đấy. Tôi chỉ cười. Tôi biết họ quá rõ mà.

Những lời trách móc mà tôi nhận được sau đó cũng đáng. Bốn trăm năm mươi cuaron một chai á? Tôi chỉ làm theo trách nhiệm bảo đảm tài chính, với tư cách là ông bố trong gia đình.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/81279


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận