Cô Nàng Mộ Bên Chương 6


Chương 6
Trời quang, nắng ráo

44. Benny

Chết chửa, lại một đứa nữa! Chắc tôi đã tính nhầm… Nhưng chuyện đó hoàn toàn không cố tình.

Lần này biết đâu sẽ là một cô bé quàng khăn xinh xắn? Một bé tôm hồng hào với sự thông minh nhanh nhạy của Désirée và… và… hai cái bắp chân của tôi, chẳng hạn? Có người từng bảo tôi có bắp chân rất đẹp…

Sau khi từ Tây Ban Nha về, chúng tôi đi đón hai cậu nhóc và cuộc sống trở nên đáng sống trở lại. Thỉnh thoảng tôi làm việc trong chuồng bò với cái miệng ngoác ra cười. Hai thằng bé hài không thể tả. Arvid đã tham gia đỡ đẻ cho bò lần đầu tiên. Thằng bé rất thích chuyện đó. Khi con bê được chào đời, vẫn còn ướt đẫm và run rẩy trong ngăn chuồng, thằng bé đã lại tiến ra phía sau bò mẹ, chờ lượt sinh kế tiếp. Nó tưởng bò mẹ đẻ hàng loạt bê con mỗi lần.

Thằng bé đón nhận đợt giết mổ mùa thu một cách bình thản, mặc dù biết rất rõ chuyện xảy ra. Chúng tôi đã giết thịt Olle, con bê đực mà Arvid dặc biệt yêu quý. Dĩ nhiên chúng tôi đã làm điều đó vào buổi tối, khi thằng bé đã đi ngủ, nhưng sáng hôm sau một số dấu tích của vụ việc vẫn còn. Khi trông thấy chúng, Arvid chỉ buồn bã lắc đầu nói: “Olle tội nghiệp chết rồi!”. Là con nhà nông, thằng bé không cần những giải thích dài dòng về cái chết. Đôi khi, ở nhà trẻ, người ta đọc những cuốn sách thiếu nhi viết về sự ra đi của ông bà, sau đó họ trò chuyện với bọn trẻ về ý nghĩa của “cái chết”. Arvid luôn khịt mũi và nhún vai khi gặp chủ đề thảo luận này. “Thì, người ta chết đi, sau đó sẽ được treo lên và xẻ thịt!”. Nó đáp gọn bâng. Chắc nó nghĩ người ta cũng treo bà ngoại lên để cho thịt mềm hơn…

Nhưng tôi luôn cảm thấy một chút lo lắng. Trong thâm tâm, tôi biết mọi chuyện sẽ kéo dài mãi như thế. Sức ép của việc sinh lời trong ngành nông nghiệp rất lớn, một mình chúng tôi không thể làm nên chuyện với ba mươi con bò sữa. Các nông trại chung quanh đóng cửa hàng loạt, sữa không ngừng rớt giá, tôi biết làm gì bây giờ? Ngày xưa bố tôi từng đi họp với các công ty sữa và rút hết ruột gan ra nói với ban giám đốc, khi về ông hăng hái hẳn lên. Nhưng thời nay công ty sữa nằm ở đầu kia của đất nước, và mấy ông lớn trong hội đồng quản trị đã quyết định đầu tư vào Anh quốc hoặc Đan Mạch mà có thèm hỏi ý kiến tôi đâu? Trong khi tôi là thằng nhận lãnh hậu quả.

Chắc tôi sẽ phải đầu tư sáu, bảy triệu để làm chuồng không ngăn ô để bò tự do đi lại và tậu robot vắt sữa. Nhưng mà trời ạ, tôi là gã chăn bò cuối cùng trong vùng rồi, một ngày nào đó họ sẽ chẳng buồn đánh xe đến lấy sữa nữa, tôi sẽ trở thành một thằng ngu với cái máy vắt sữa và khoản nợ trong tay. Còn nuôi bò thì… phải, một đàn một trăm năm mươi con bò không cần vắt sữa để giảm bớt công việc cho hai đầu gối của tôi, nhưng trước mắt chúng tôi biết lấy gì mà sống? Tôi biết lấy gì để bù đắp thu nhập đây? Đóng gói phân bò rồi giao đến cho các vườn nhà trong thành phố chắc? Dọn tuyết cho… cho vài người hàng xóm ít ỏi còn lại ư? Bán thân cho đám người đi nghỉ hè? Tin tôi đi, tôi đã tính đủ đường rồi. Nuôi lợn á? Cần ít nhất một đàn năm trăm con thì mới sinh lãi được. Năm trăm con lợn! Muốn có lãi thì phải đầu tư lớn. Sự thật là nếu Désirée và tôi cùng hợp sức để làm thì chúng tôi mới có thể nghĩ đến chuyện đầu tư lớn. Nhưng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra, mặc dù cô ấy vẫn giúp tôi chăm sóc đàn bò sữa. Tôi đâu phải thằng ngu, tôi thừa biết Désirée chỉ giúp tôi vì tình thế bắt buộc. Và tôi không thể chờ mươi, mười lăm năm nữa để xem liệu thằng Arvid có quan tâm đến nông trại hay không.

Thế cho nên tôi cứ lần lữa công cuộc đầu tư và chỉ bằng lòng với việc lèo lái con thuyền hiện tại. Tôi thuộc một thời đại cũ, khi người ta giúp nhau trong mùa gặt, tổ chức những cuộc tuần hành, khi đoàn kết tạo nên sức mạnh và chúng tôi đảm trách tất cả mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Bây giờ tình đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các nông dân đã trở thành chuyện quá khứ. Marketing là trên hết! Bất cứ công việc gì, cho dù là nhỏ nhất, cũng phải có cái giá của nó. Cho thuê bò theo ngày với những người cho nhu cầu xén cỏ chẳng hạn, đồng ý là người ta có thể làm thế, nhưng tôi thì không.

Ngoài ra, nông dân chúng tôi không thể sở hữu riêng máy móc nông nghiệp nữa, vì chúng đã trở nên quá đắt đỏ. Phải chuyển thành sở hữu tập thể. Một cách tự nguyện, với các nông dân khác, nhưng tình cờ là trong làng chẳng có ai cả. Không lẽ tôi phải mua chung máy cuộn rơm với Bergström ở Norrbyn? Đi tới đi lui tới hàng chục cây số trong mùa gặt á?

Cùng lúc đó, người ta không ngừng nhắc cánh nông dân tận dụng phong cảnh mà chúng tôi chăm sóc không công để mở cửa đón tiếp các đoàn học sinh đến tham quan, tổ chức các chuyến dã ngoại cho khách du lịch. Những kẻ luôn kêu ca giá sữa cao nhưng lại không ngần ngại trả tiền gấp đôi để uống nước đường có ga. Trời ơi, làm ơn nói là tôi đang mơ đi!

45. Désirée

Benny hơi lo lắng một chút về vấn đề tiền nong của gia đình, nhất là khi bọn trẻ đang lớn. Arvid muốn mua một chiếc xe đạp thực sự, có chân chống, giống như những đứa khác ở nhà trẻ. Thằng bé thông báo mong ước đó với vẻ mặt khiến chúng tôi hiểu là nó không hy vọng sẽ được đáp ứng. Nils thì muốn một chiếc xe đạp ba bánh. Chúng tôi đã cho một đồng nghiệp của tôi mượn chiếc xe đạp ba bánh của Arvid, và cô ta đã hào phóng tặng nó cho một người mà cô ta không nhớ tên.

Đã nhiều năm nay cả Benny lẫn tôi đều không đi làm răng.

Đơn giản vì chúng tôi chật vật lắm mới xoay xỏa đủ chi tiêu. Benny phải rất đắn đo trước khi gọi ai đó bằng điện thoại di động, tôi thì thường tranh thủ gọi bằng điện thoại cơ quan và mang báo về nhà mỗi tối, những việc mà trước đây tôi không hài lòng khi trông thấy các đồng nghiệp làm. Việc đi cắt tóc đã trở thành xa xỉ. Tôi trở thành thợ cắt tóc cho Benny và bọn trẻ, với thành quả trông như một cái máy xén cỏ. Nhưng tôi không thể tự cắt tóc cho bản thân, nên Benny vớ lấy cái kéo. Anh tự nhận mình đã cắt đuôi cho bò không biết bao nhiêu lần, chắc anh cũng đủ khả năng để cắt cho tôi một mái tóc coi được. Nghĩ bụng mình cũng chẳng mất mát gì, nên tôi để anh cắt thử.

Phải, Benny biết cắt lông cho đuôi bò. Quả đầu của tôi nom như một cái đuôi bò cụt ngủn khi anh buông kéo. Sau vụ đó, tôi mặc kệ cho tóc mọc lại rồi tự cắt sau mỗi năm tuần lễ, cố gắng sao cho thật đều đặn. Chẳng đẹp đẽ gì, nhưng nhờ vậy mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được vài trăm trong lúc phải tính từng đồng.

Phiền phức là ở chỗ chúng tôi không có khoản dự trù nào cho những việc đột xuất. Benny không thể ngừng mua cỏ cho bò, anh đã cắt tất cả mọi khoản chi phí có thể trong quá trình làm nông trại. Tôi cũng không thể kiếm thêm thu nhập với công việc của mình. Để làm thêm giờ, tôi sẽ phải buộc bọn trẻ vào bàn ghế vì không có người trông, hơn nữa cho thuê sách lẻ chẳng thu được bao nhiêu tiền, không thủ thư nào làm chuyện đó. Nếu tôi là bác sĩ chẳng hạn, tôi có thể đi phẫu thuật cho bệnh nhân hoặc khám bệnh ngoài giờ. Hoặc giả dụ tôi là cô giáo, tôi có thể dạy thêm vào buổi tối, khi Benny đã xong việc với lũ bò. Nhưng là một thủ thư, tôi làm thêm kiểu gì đây?

Một số chị em phụ nữ trong làng dành thời gian buổi tối để làm những ông già Noel nhỏ hoặc bao tay bằng len rồi đem bán ở hội chợ. Nhưng trước hết, họ chủ yếu là những người đã về hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, và thứ đến, tiền thu về được dùng để quyên góp cho một trại mồ côi ở Estonia.Cho dù tôi biết đan len, tôi cũng chẳng có mặt mũi nào để nói với các chị ấy: “Các chị cứ gửi tiền của các chị cho trẻ em mồ côi, còn em xin được giữ lại tiền của mình để đưa Benny đi chữa răng”. Ngoài ra, khoản tiền mà họ thu được chỉ là hạt cát nhỏ nhoi so với những gì các ông chồng của họ tiêu xài cho việc đổi xe mỗi hai năm, tôi chắc chắn như thế.

Không, chúng tôi đang sống rất bấp bênh và mọi thứ có thể lật nhào bất cứ lúc nào. Một cái hóa đơn tiền điện không thanh toán đã kéo theo khoản tiền phạt và gây ảnh hưởng rất lâu đến việc chi tiêu của gia đình – trong vòng sáu tháng, cả nhà không được ăn phô mai Pháp. Khi Benny bị tay quay đập vào mặt làm gãy ba cái răng, mọi cái tiếp theo thật đúng là thảm họa. Anh đã phải làm cầu răng sứ, mà mỗi cái cầu răng tiêu tốn cả mấy ngàn cuaron chứ ít ỏi gì.

Gần như cùng thời điểm đó, ông Brännlund qua đời. Từ trước đến giờ, ông già luôn mua bê đực của chúng tôi để nuôi lấy thịt. Đột nhiên chúng tôi không thể tiêu thụ chúng được nữa. Lò mổ trong thành phố đã đóng cửa, không ai đi hàng chục cây số để mua vài con bê, mà chúng tôi thì không thể nuôi chúng được vì sẽ bị lỗ, mặc dù chuồng trại vẫn đủ chỗ.

Thật tình cả nhà phải thắt lưng buộc bụng. Chúng tôi săm soi mọi khoản chi tiêu. Càng làm thế, chúng tôi lại càng dễ trở thành miếng mồi ngon cho các loại lừa đảo. Giống như lần chúng tôi mua một đống dầu gội khuyến mãi ở hội chợ nông nghiệp, hình như tay bán hàng đã đổ các loại chất tẩy dùng cho máy kéo vào chai nhựa cũ rồi dán nhãn mới. Kết quả là đầu tóc chúng tôi xù lên như hoa bồ công anh và phóng điện tanh tách khi cả nhà đến gần nhau. Chỉ vì ham rẻ! Của đáng tội, thường thì chúng tôi cũng chẳng có điều kiện để mua những mặt hàng khuyến mãi theo số lượng lớn cho cả gia đình. Chúng tôi sống lay lắt qua ngày, nhất là vào những dịp cuối tháng. Nghèo khổ là thế đấy! Đôi khi tôi không biết nên cười hay nên khóc nữa: tôi có cả một tủ đông đầy thịt nai hoặc thịt bò tự sản xuất, nhưng lại không có đủ tiền mua một gói cá đông lạnh để đổi món… Quả thực, lúc nào chúng tôi cũng có sẵn các sản phẩm từ sữa, khoai tây và thịt, mặc dù thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến cái thời độc thân trước đây, khi tôi có thể tha hồ mua các loại trái cây nhiệt đới hoặc ăn măng tây Hà Lan. Tôi cũng cố trồng rau, nhưng so với những người có tay trồng cây thì hình như tôi chỉ có hai bàn tay trái. Mấy củ cà rốt tôi trồng nhỏ như que diêm có bốn chân, lũ ốc sên luôn thưởng thức xà lách trước tôi, còn đám tỏi tây thì còi cọc như que củi và già nhanh như chảo chớp. Thứ duy nhất tôi trồng và chăm bón thành công là củ cải. Nhưng để đáp ứng nhu cầu ăn uống của cả gia đình thì không ăn thua.

Những chuyến đi chợ ngày càng tốn nhiều thời gian hơn. Tôi đi tới đi lui, so sánh giá cả của mọi thứ, từ dưa chuột cho đến bột giặt, trong khi thằng con ngồi trên xe đẩy hàng liên tục la hét và chồm người về phía quầy bánh kẹo.

Vậy mà chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ phải nuôi thêm miệng ăn thứ ba.

46. Benny

Không thể phủ nhận việc tôi đang chờ cuộc khủng hoảng tuổi tứ tuần. Tôi sẽ tròn bốn mươi vào tháng Ba, và tôi đang tham khảo các sản phẩm giúp duy trì mái tóc thêm vài năm. Chế ra được một thứ như thế cũng hay thật! Trong lĩnh vực nông nghiệp, người ta cũng phát minh ra đủ thứ giúp cho cây xum xuê, rút ngắn hoặc kéo dài thân cây trồng. Thỉnh thoảng tôi véo thử cơ ngực và thử hỏi khi nào mình sẽ bắt đầu có thân hình dạng quả lê. Liệu tôi có trở nên…

Tôi đã nghĩ đến thời điểm và cách thức cuộc khủng hoảng đó diễn ra. Một sáng nào đó tôi sẽ thức dậy, bán máy kéo nhỏ để mua một chiếc mô tô, chít khăn trên đầu rồi phóng thẳng về phía mặt trời lặn để tìm lại tuổi thanh xuân đang phai tàn của mình. Tôi từng nghe nói có những người làm thế. Thường là với một cô gái trẻ vắt vẻo trên yên sau. Đến nỗi tôi làm Désirée phát cáu vì cứ liên tục lải nhải chuyện ấy.

- Anh nghĩ mình sắp bị khủng hoảng tuổi bốn mươi rồi. Anh hy vọng nó sẽ ập đến trước đợt cày ải mùa xuân, vì sau đó anh sẽ không có thời gian! Em thích thì tham gia cùng anh, như thế anh khỏi phải đi tán tỉnh cô khác!

- Không đời nào! – Désirée đáp một cách cứng rắn. Em đã bắt đầu cảm thấy khủng hoảng rồi đây này. Dạng như “tôi biết làm gì với cuộc sống của mình bây giờ?” ấy. Em không có thời gian để lo nghĩ đến sự khó ở của anh. Chỉ cần anh gặp khủng hoảng vào cái tuổi toàn nói “không” của Nils, như thế em có thể tống khứ cả hai một lượt và nhẹ nhõm được đôi chút.

Sự thật là tôi chẳng cảm thấy khủng hoảng gì. Kể từ khi tìm lại nhau dưới cơn mưa rào ở Torremolinos, tôi thật sự hài lòng với cuộc sống của mình, ngoại trừ việc sổ sách kế toán. Tôi cảm thấy mình đã làm điều tốt đẹp cho cuộc sống của bản thân! Nông trại đâu có phá sản, không hề! Tôi có thể sống một mình ở đó như một gã độc thân không vợ con, ăn xúc xích bỏ lò vi sóng, uống cà phê không béo pha bằng nước nóng hừng từ vòi, và giải khuây bằng phim đen. Khi tôi làm việc trong chuồng bò với thằng Arvid đẩy xe cút kít theo sau, hoặc khi tôi nằm ngủ với bàn tay đặt trên bụng Désirée, tôi vẫn nghĩ đến sự may mắn mà mình đang có. Nhưng rồi tôi vội nghĩ đến chuyện khác, như thể sợ tất cả chỉ là một giấc mơ và tôi sẽ tỉnh giấc vào bất cứ lúc nào.

Hoặc là tôi có thể sống ở đây với Anita… Một hôm tôi đã gặp lại cô ấy trên thành phố, khi tôi ghé qua sở thuế. Anita gật đầu chào tôi và đi tiếp, nhưng tôi đã chắn đường và cố tỏ ra tử tế. Tôi ngu đến nỗi mời cô đến dự buổi tiệc sinh nhật bốn mươi tuổi của mình, mà Désirée đang âm thầm chuẩn bị. Anita nhìn tôi bằng đôi mắt mang hình viên đạn.

- Để làm gì, anh cần người rửa bát à? – Cô ta mắng vào mặt tôi rồi gạt tôi sang một bên để đi tiếp.

Trời ạ, cái ngày hôm đó mới đáng nhớ chứ! Tôi giật mình choàng dậy vì cứ ngỡ mái nhà bị sập. Hóa ra đó là loạt súng chào do các bạn trong đội săn bắn lên để vinh danh tôi. Tiếp đó, tất cả mọi người cùng vào trong nhà uống cà phê, ăn bánh mặn do nàng Tôm chuẩn bị. Cô ấy lăng xăng khắp nơi với nụ cười nở trên môi, và tất cả mọi người, phải, tất cả đều trêu rằng họ sẽ tặng cho tôi thuốc Viagra, hoặc lộc nhung để bổ thận tráng dương. Lúc này nàng Tôm mới đáp rằng: “Mọi người nhớ giữ lại cái hóa đơn tính tiền nhé, để em còn đi trả hàng. Chồng em đâu có cần mấy thứ ấy! Hay là các anh muốn chia nhau dùng chung?”. Tôi đỏ mặt hãnh diện trong khi mọi người trêu đùa và vỗ lưng Désirée. Thỉnh thoảng tôi và cô ấy cũng cùng tần số lắm cơ.

Sau đó Bengt-Göran và Violet đến. Bengt-Göran cáo lỗi và bắt tay vào xử lý chuồng bò, còn Violet và nàng Tôm mời tôi ra khỏi bếp. Tôi dẫn hai thằng con trai ăn mặc chải chuốt và tóc tai gọn gang đi dạo một vòng. Nói ra thì tức cười, nhưng đó là lần đầu tiên cha con chúng tôi làm thế. Đến chiều, Märta, Consucla và Magnus đến nông trại trên chiếc xe hơi dành cho người khuyết tật của Magnus. Mọi người định làm gì đây? Nàng Tôm chỉ ấn vào tay tôi chiếc giỏ đựng đồ ăn và bảo tôi ngồi sưởi nắng đâu đó cùng hai thằng bé. Tôi vẫn chưa được quyền vào trong nhà.

Đén khoảng năm giờ chiều, rốt cuộc cô ấy cũng mở cửa ngôi nhà. Trong bếp chất đầy thức ăn mà mọi người đã chuẩn bị. Désirée bảo tôi đi tắm. Khi bước ra, tôi trông thấy bộ trang phục mà cô ấy đã chuẩn bị sẵn: một cái áo khoác da mới và một chiếc mũ cao bồi! Sau đó, chúng tôi đến nhà sinh hoạt cộng đồng của làng để nhảy nhót tưng bừng. Désirée xúng xính trong chiếc đầm bầu vải carô có diềm, chân đi đôi giày đế gỗ, bụng to thấy rõ. Mọi người đã cùng nhau góp tiền để phóng một tấm không ảnh của nông trại, đóng khung mạ vàng hẳn hoi. Tôi suýt bật khóc.

Thức ăn ngon tuyệt. Trong nhà bếp của chúng tôi, Violet đã điềuhành công việc nấu nướng như một sĩ quan chỉ huy, nhưng Bengt-Göran làm cô nàng nổi đóa trước tiệc buýphê. Số là lúc dọn món tim tuần lộc xông khói, Violet nghe thấy chồng mình nói to: “Cái quái gì thế này, món dồi lợn trên bàn tiệc á?”

47. Désirée

Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng tuổi bốn mươi của Benny đã đi lạc địa chỉ và đánh vào tôi trước. Chắc chắn là do công việc của tôi.

Tôi quay về với công việc ở thư viện sau khi sinh thằng Nils, với sự háo hức của một con ngựa đua trước giờ xuất phát. Ý tưởng làm hang cố tích, liên hoan phim thiếu nhi, tất cả những cái đó. Tuần đầu tiên đã trôi qua suôn sẻ. Chúng tôi tiếp tục từ điểm mốc đã tạm dừng một năm trước, Olof và tôi. Các ý tưởng tuôn trào như thác đổ. Sau đó xảy ra vụ viêm tai của Nils. Tôi buộc phải vắng mặt ngày một thường xuyên hơn để chăm sóc con ốm. Tiếp đó là tai nạn của Arvid. Tôi lại nghỉ nhiều tuần liền. Có thể nói điều đó đã làm dự án bị ảnh hưởng rất nhiều. Olof đã thông báo một cách khéo léo với tôi là anh ta đã tuyển dụng một cô thủ thư trẻ bị thừa biên chế tại một chi nhánh của thư viện để chỉ đạo dự án.

Tôi chỉ biết thở dài. Tôi hiểu, và tôi đã cố gắng làm việc với cô ta. Diana có mái tóc hung, người gầy gò, kém thông minh và hoàn toàn không thích hợp để làm việc nhóm. Cô ta không có một ý tưởng nào, chỉ giỏi đẩy việc. Cô ta chuyên đi làm muộn và luôn có lý do để về sớm, nhưng tôi lại không thể bắt lỗi cô ta chuyện đó. Trước mặt Olof, Diana hăng hái hẳn lên và dõng dạc nhắc lại những đề nghị của tôi như thể nó chính là sáng kiếm của cô ta. Tôi nhận ra Olof đã bị dắt mũi, anh ta sẵn sàng ngồi tỉ tê với cô nàng ở căng tin trong giờ làm việc. Đó là viên gạch đầu tiên cho cơn khủng hoảng của tôi. Suy cho cùng, tôi từng được Olof sủng ái kia mà… Nhưng từ giờ, tôi hiểu anh ta nhìn tôi như một con mụ xồ xề một nách hai con, lại còn chuẩn bị cho ra lò đứa thứ ba. Còn cái trò ngồi cà phê tán nhau á, tôi không phải loại đó.

Mọi thứ chỉ càng tồi tệ thêm. Tôi lao vào làm việc như một con điên bị mắc chứng cầu toàn quá mức. Tôi muốn chứng tϠmặc dù hoàn cảnh buộc tôi phải vắng mặt thường xuyên. Diana vẫn hay thở dài và đưa mắt nhìn lên trời khi tôi thông báo nghỉ phép, như thể mọi gánh nặng sắp rơi xuống đôi vai gầy guộc của cô ta. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ thấy cô ta hoàn thành được chuyện gì trong khi tôi vắng mặt. Tôi đoán Diana tranh thủ lấy lại sức khi tôi nghỉ phép.

Tôi đã làm nhiều bài báo cáo bằng PowerPoint để trình cho các quan chức có khả năng tài trợ. Đó là một dự án được xây dựng kỹ lưỡng, gồm ba giai đoạn. Đầu tiên chúng tôi sẽ bắt đầu tại các trường học với một tuần lễ cổ tích, một tuần lễ phim và một tuần lễ đọc sách. Bước khởi đầu chỉ đơn giản và không quá tham vọng như thế. Bước tiếp theo là cải tạo Roxy, rạp chiếu phim đã từ lâu không được sử dụng, làm hang cổ tích, tổ chức các trò chơi dựa trên các quyển sách nổi tiếng cho trẻ em và một loạt các cuộc thi. Đó là một chương trình cần vài năm để thực hiện và kết thúc bằng một liên hoan cấp quốc gia. Tôi cực kỳ tự hào với dự án của mình, nhưng tôi đã phạm một sai lầm.

Tôi đã không đề tên mình trong các bài báo cáo.

Thế nên khi Nils và Arvid bị thủy đậu và tôi phải nghỉ ở nhà hai tuần, Diana đã cướp lấy mọi thứ như thể đó là dự án của mình. Cô ta thậm chí còn được Olof cho phép vào máy tính của tôi và chép lại các bài trình chiếu bằng PowerPoint. Anh ta đã cùng cô nàng đến tòa thị chính để giới thiệu tất cả và quả quyết rằng tôi đã được nhắc đến với vai trò hỗ trợ cho Diana trong việc xây dựng dự án. Chỉ có điều là sau đó thì chẳng ai còn nhớ đến tôi. Diana đã được ký hợp đồng vô thời hạn, được phân cho một bàn làm việc hoành tráng hơn tôi, và kể từ ngày ngồi vào đó thì cô ta không buồn nhúc nhích đến một ngón tay. Toàn bộ dự án bị đình trệ, đến nỗi Olof phải dùng giọng giả lả hỏi xem tôi có thể hỗ trợ một chút được không, vì Diana đã làm hết mọi chuyện cho đến thời điểm ấy.

Vài tháng sau đó, hai người làm đám cưới.

Và tôi hoàn toàn không còn hứng thú. Kho ý tưởng đã cạn kiệt. Tôi cũng bắt đầu đẩy việc. Tôi làm với tốc độ chỉ bằng một nửa so với trước, lại còn thường xuyên nghỉ phép. Có mấy lần Diana nói thẳng ý kiến của mình về tôi trong phòng nhân viên.

- Chị thật sự không thể yêu cầu bố bọn trẻ bớt chút thời gian hay sao? Chị phải hiểu là chúng tôi rất mệt mỏi. Cứ như thể bị mất một nhân viên ấy…

Cuộc khủng hoảng tuổi bốn mươi của tôi là thế đấy. Tôi tiếc vô cùng công việc mà mình đã rất yêu thích. Mà thật ra, tôi đã hoàn thành được gì trong bốn mươi năm đầu đời kia chứ? Một văn phòng đẹp đẽ cho Diana, hai thằng con trai yêu quý và vài ngàn lít sữa ư? Tôi nghiềm ngẫm những điều ấy hàng đêm, trong khi bàn tay của Benny đặt trên bụng mình.

Một hôm, tôi bật khóc sau khi tập với dàn đồng ca ở căng tin trường. Một chị giọng nữ cao tên Karin đã hỏi tôi tiến độ thực hiện liên hoan kịch, vì các cháu học sinh rất thích ý tưởng đó và đang nôn nóng chờ tham gia. Tôi đã kể lại cho Karin nghe mọi chuyện.

- Những chuyện em đã làm chẳng bao giờ đi được đến đích. – Tôi khóc lóc. – Không thể toàn tâm toàn ý với các dự án khi phải lo cho gia đình và chăm hai đứa con đau ốm thường xuyên. Em lại sắp có đứa thứ ba nữa chứ! Benny thì lúc nào cũng nghĩ công việc của em dễ như bỡn.

Karin đưa tay vỗ lưng để tôi bình tâm lại.

- Em biết không, bọn trẻ rồi sẽ lớn. – Chị bảo. – Khó mà tin được, nhưng thật đấy. Một khi đã có ba nhóc tì kháu khỉnh, ai cũng tưởng mười năm sau mình vẫn có chúng. Nhưng cái ta có là ba đứa thiếu niên khó dạy, chẳng chịu để cho ai chăm sóc, và rồi sau đó ta chẳng còn gì! Đó là lúc chúng ta lao vào các dự án! Chỉ cần em đừng rời yên ngựa, đừng xuống khỏi vòng quay, vì sau đó sẽ rất khó để trèo lên lại! Benny thuộc về một thế hệ cổ hủ. Đối với cậu ấy, các công việc cần đến máy móc cồng kềnh luôn có giá trị cao hơn. Em có thể đưa cậu ấy đi học huấn luyện chó, có lẽ cậu ấy sẽ hiểu ra vấn đề…

Tôi nghĩ Karin là một người hiểu biết. Thậm chí chị đã bắt đầu đi học nghề thanh tra kiểm dịch vào năm bốn mươi tuổi, sau khi đã có năm mặt con. Một tay tôi sẽ giữ chắc cái yên ngựa, cho đến khi có thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Hãy đợi đấy, Diana, cô sẽ có nguy cơ chứng kiến tôi quay trở lại khi tôi đã ngoài sáu mươi…

48. Benny

Đôi khi tôi có cảm giác mình lại là thằng độc thân. Dạo này nàng Tôm hiếm khi vào chuồng bò, suốt ngày tôi ở một mình trong đó để làm lụng, nghe đài và mơ mộng. Giá mà tôi có anh em, để được đỡ đần! Một người nào đó biết đón nhận những thành tích nhỏ… xem nào, Linda và Amersfort bây giờ đã cho sữa nhiều hơn, dạo gần đây lũ bò không còn bị viêm vú nữa, chất lượng rơm cỏ ủ cũng rất tốt… Lâu lâu tôi lại tìm cách đánh thức sự quan tâm của Désirée trong bữa ăn tối, nhưng chẳng khác nào nước đổ đầu vịt.

“Viêm gì? Viêm vú á? Cẩn thận cái cốc, Nils!... Càng tốt khi chúng cho thêm… Thôi ngay Arvid, để yên cho cái chân bàn… anh bảo cái gì chất lượng hơn nhỉ?”

Nhưng tôi biết mình là thằng may mắn. Nếu trước đây tôi còn chưa biết điều đó, thì mùa xuân vừa rồi tôi đã hoàn toàn ý thức được khi gặp lại Roger, một thành viên cùng nhóm đi săn. Cậu ta cũng nuôi bò sữa, nhưng ở Norråker, nên chúng tôi không gặp nhau thường xuyên, ngoại trừ trong các chuyến đi săn. Roger luôn là một người vui tính và hay nhắc đến thằng con trai vốn là một xạ thủ cừ dù chỉ mới mười một tuổi. Nhưng lần đó, cậu ta chẳng nói gì, thậm chí không buồn ngẩng mặt lên. Tôi đã tự nhủ có khi Roger bị ốm, và tôi rủ cậu ta đi uống một chầu cà phê tại quán Ulla. Cậu ta chẳng ừ hử gì, chỉ gật đầu. Chúng tôi gọi cà phê, rồi cậu ta cứ khuấy mãi cái thìa trong tách như thể muốn đánh bọt. Không một lời tâm sự. Cuối cùng, tôi hỏi:

- Có chuyện gì à?

- Nó bỏ em rồi! – Cậu ta thốt lên với giọng độc địa.

- Ai?

- Ann-Sofie, chứ còn ai. Để lên Stockholm. Chẳng thể trói buộc bọn đàn bà được.

- Cậu... có biết tại sao không?

- Không. Dù sao thì nó cũng không có người khác. Nó bảo em thế.

- Thế… cậu tính sao?

- Chết tiệt, anh nghĩ em có thời gian để mà tính chắc?

- Nhưng… cô ấy không nói gì sao?

- Không. Mà em cũng vậy, hình như thế. Nó bực em vì chuyện ấy. Chuyện em chẳng chịu nói năng gì. Đại loại thế.

Chúng tôi im lặng một hồi lâu.

- Anh biết không, em nhớ thằng nhỏ không chịu được! – Sau đó Roger lên tiếng. – Thằng bé đi theo mẹ rồi. Bây giờ em gần như không thấy mặt con.

- Cậu chỉ cần lên thăm hai mẹ con trên Stockholm.

- Thế lũ bò để cho ai ạ? Chưa kể, anh muốn em ngủ ở đâu đây? Em đã hỏi thử vài khách sạn. Một đêm ở đó bằng thu nhập cả tuần của em.

Cậu ta bật khóc. Thật tệ. Nước mắt cậu ta rơi cả vào tách cà phê.

Tôi nghĩ đến Désirée và mình, về quãng thời gian chiến tranh lạnh năm ngoái, trước chuyến đi nghỉ. Chuyện đó khiến tôi lạnh gáy. Tôi tự nhủ nó rất có thể sẽ lặp lại, và suy nghĩ rất nhiều. Thế là tôi bắt đầu xây dựng một mái hiên trước nhà, quay về hướng nam. Đó là nơi chúng tôi sẽ ngồi sưởi nắng, Désirée, tôi, hai thằng con lớn và con bé con. Chúng tôi sẽ ngồi nói với nhau, mọi thứ chuyện trên đời. Tôi bàn việc đó với Désirée và cô ấy tỏ ra rất thích thú. Hơn nữa, lúc đầu đó là ý tưởng của cô ấy. Tôi cũng làm luôn mấy bồn hoa.

Trong đợt săn bắn mùa thu, Roger đã tự sát. Báo chí bảo đó là tai nạn. Súng của Roger bị kẹt đạn và cậu ta chỉ muốn kiểm tra một chút.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/81638


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận