Cô Nàng Mộ Bên Chương 7


Chương 7
Trời nhiều mây, có sương mù, tầm nhìn kém

49. Désirée

Tôi vẫn còn nhớ như in lần mình đẻ Nils, với cả đám sinh viên y và học viên y tá xúm xít chung quanh. Khi đến nhà hộ sinh vào cuối tháng Bảy để sinh Klara, tôi đã nói một cách rất rõ ràng là không muốn có bất kỳ người lạ nào trong phòng. Chính xác tôi đã nói như thế. Miễn người lạ. Không ngạc nhiên khi bà đỡ phật ý. Bà ta đã phục thù bằng cách tự coi mình là người lạ. Trong những giờ đầu tiên, chúng tôi chẳng thấy ma nào. Rốt cuộc tôi phải cử Benny đi tìm ai đó trong khi miệng rên la vì các cơn co thắt. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ, nhưng lần này, màn bi hài kịch bắt đầu sau đó. Trước đây, chúng tôi có thể lưu lại vài ngày tại nhà hộ sinh để nghỉ ngơi trong khi nhân viên y tế chăm sóc cho em bé, được phục vụ ăn uống, đón khách đến thăm, nhận hoa, nghe đài…

Còn lần này, họ đẩy tôi ra cửa gần như ngay lập tức. Tôi được ở hai đêm trong nhà nghỉ của bệnh nhân, để họ tiếp tục theo dõi Klara và tôi cho đến khi tôi có thể tự về nhà trên đôi chân run rẩy. Trong những đêm ấy, Benny phải chạy máy cuộn rơm gần như không nghỉ để kịp đưa hết tất cả vào kho. Dự báo thời tiết đã cảnh báo mưa lớn trong nhiều ngày. Anh đã giao hai thằng bé cho tôi. Thế là, dù vừa mới đẻ, trên người còn vài mũi khâu, một mình tôi trong căn phòng trống trơn phải tìm cách dạy Klara bú mẹ, đọc chuyện cho Nils nghe và ngăn thằng Arvid mở cửa sổ lao xuống đất từ tầng năm.

Ba lần một ngày, mẹ con chúng tôi dắt díu nhau xuống phòng ăn để kiếm chút gì bỏ bụng. Klara nằm ngủ trong một chiếc giường nhỏ có bánh xe mà thằng Arvid nhanh chóng giành quyền kiểm soát để phóng như tên bắn trong hành lang. Thằng Nils bám theo anh, ganh tỵ vì nó cũng muốn được đẩy. Sau đó bác sĩ không cho tôi về nhà vì huyết áp tôi không ổn định. Tôi rất ngạc nhiên.

Nhưng đúng là lần này tôi cảm thấy mình không được khỏe như hai lần sinh đầu. Huyết áp tăng cao khiến tôi nhức đầu, núm vú tôi bị áp xe, mỗi khi cho con bú tôi phải nghiến chặt răng vì quá đau. Bỗng dưng tôi thấy thương những con bò bị viêm vú mà tôi từng chăm sóc mấy năm vừa qua. Lũ bò tội nghiệp, chắc chúng cũng đau không kém gì tôi. Ngoài ra, vết khâu nhiễm trùng khiến tôi bị sốt.

Đến nước này thì tôi sợ cuống lên và gọi điện cầu cứu Märta.

Tôi đã đẻ ba lần và nạo thai một lần trong hơn bốn năm. Tôi gần như liên tục mang thai hoặc cho con bú kể từ khi đặt chân đến Rowan. Nếu tôi bị nhồi máu hoặc gì gì đó và qua đời thì sao? Ai sẽ chăm sóc cho bọn trẻ? Dĩ nhiên tôi không nghĩ Benny sẽ bán chúng đi, nhưng anh sẽ xoay sở như thế nào? Mấy bố con sẽ sống bằng gì nếu anh buộc phải ngừng nuôi bò sữa?

Chắc tôi đã nó thành tiếng những suy nghĩ vừa rồi trong cơn mê sảng, vì tôi nghe thấy Märta đáp:

- Tớ sẽ đảm bảo cho bọn trẻ được học hành tử tế và hiểu ra giá trị của lao động! Sau đó cả gia đình cậu sẽ đoàn tụ nhau trên ngưỡng cửa thiên đường. Bây giờ thì cố gắng giữ can đảm và yên lặng nào, có chết cũng phải chết cho đáng mặt!

Bạn tôi gọi bác sĩ trực. Cô ấy gầm lên trong điện thoại và họ lập tức đi tìm cho tôi một cái xe lăn. Sau đó thì tôi chẳng còn nhớ gì nữa. Tôi đã ngất đi.

Phải mất nhiều tuần lễ tôi mới bình phục. Tôi bị mất sữa nên Klara không tăng cân như bình thường. Benny lượn quanh mấy mẹ con tôi, vặn vẹo hai tay vì lo lắng những khi anh có thời gian đến thăm, nhưng chuyện đó không thường xuyên. Có lẽ đó là thời điểm thích hợp để tôi mặc váy ngủ ren nằm chễm chệ trên giường và sai phái chăng? Nhưng chuyện đó khó mà thực hiện được khi anh không có mặt.

Violet xuất hiện mọi lúc với hàng đống đồ ăn, đến nỗi khiến tôi thấy hối tiếc vì đã nhiều lần nghĩ không hay về cô ấy. Chính những người phụ nữ như Violet đã làm cho trái đất quay, chắc chắn thế! Và cũng trong dịp này tôi đã được tường thuật chi tiết từng hành vi, cử chỉ của Kurt-Ingvar dạo gần đây.

Tôi cười khẽ khi nhớ đến bữa tiệc chào mừng mà mọi người đã tổ chức để đón mấy mẹ con tôi từ bệnh viện trở về. Thật ra thì, có lẽ nó cũng dùng để ăn mừng mấy đống rơm đã vào kho kịp thời.

Benny đã căng một tấm bạt trên cái hiên nhà mới làm. Anh nhất định tổ chức bữa tiệc ở đó cho dù trời mưa. Märta đã kết những vòng hoa bằng liễu diệp, dương xỉ và râu dê rồi treo giữa các cột trụ. Chiếc bánh Violet làm có hình em bé to tướng màu hồng bằng bột hạnh nhân ngon tuyệt, và Magnus đã chơi đàn xếp bài Oh baby, baby it’s a wild world! Bengt-Göran và Benny đã trình diễn một điệu nhảy cao bồi hơi lập cập sau những cốc rượu pha cà phê, nhưng có thành ý là tốt rồi. Và Klara xinh xắn đến nỗi không ai ngăn được những giọt nước mắt, ngay cả thằng Arvid cũng đã chấp nhận việc lâu lâu mình lại có thêm một đứa em. Benny chụp ảnh con bé liên tục trong mấy tuần đầu tiên, cho đến khi tôi hỏi anh mua ở đâu cuộn phim cho phép chụp nhiều ảnh đến thế. Anh lí nhí nói gì đó, và tôi đoán anh đã mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Anh thật đáng yêu.

50. Benny

Tôi như ở trên mấy trong mấy tuần đầu sau khi Désirée đưa Klara về nhà. Điều duy nhất khiến tôi hơi áy náy là tôi đã quên bỏ phim vào máy ảnh. Thế nên chúng tôi chẳng có tấm ảnh nào… Nhưng mọi việc rất tốt đẹp, cô ấy đã khỏe lại, và tôi mặc kệ tình trạng thảm hại trong nhà. Désirée tỏ ra hạnh phúc. Cô ấy cười rất nhiều và chấp nhận mọi chuyện. Sau đó cô ấy bắt tay vào dọn dẹp căn nhà lộn xộn.

Nhưng mặc dù Désirée được nghỉ thai sản và ở nhà, con cái không quấy khóc, cô ấy trở nên ngày càng căng thẳng. Một hôm, Désirée mệt mỏi nói với tôi là có cảm giác như cô ấy phải trả giá đắt. Nói xong cô ấy đi vào bếp và đóng sập cửa lại sau lưng.

Trả giá vì cái gì kia? Vì ba thiên thần bé nhỏ của chúng tôi, vì cuộc sống yên bình ở làng quê, vì bánh mì và sữa, vì những đêm chúng tôi đáng lẽ phải ngủ nhưng lại không thể không chạm vào nhau ư?

Mà tại sao lại trả giá? Tôi có bắt cô ấy giúp chăm sóc đàn bò, giống như mẹ tôi từng làm đâu? Chỉ có mỗi việc kiểm tra sữa, vì tôi không thể tự xoay xở được. Vào các dịp cuối tuần, để thỉnh thoảng tôi được rảnh rỗi và ngủ nướng một chút. Có thế thôi mà cô ấy cũng cự nự: “ Thế em thì sao, em được rảnh rỗi khi nào?”. Tôi đáp: “Em được nghỉ cả ngày ở nhà còn gì”. Giờ thì cô ấy được nghỉ ở nhà sáu tháng liền và chẳng cần phải vào thành phố ba ngày rưỡi mỗi tuần như lúc đi làm.

Ba ngày rưỡi trên bảy! Trong khi lũ bò khỉ gió ngày nào cũng phải vắt sữa!

Trước khi nghỉ sinh, Désirée chỉ phải làm việc ba phần tư thời gian tại thư viện. Công việc không nặng nhọc đến độ chai tay, có những hôm đến quá trưa cô ấy mới bắt đầu làm. Đồng ý là cô ấy còn phải đưa con đi nhà trẻ, nhưng bữa ăn sáng của chúng nhà trẻ lo liệu luôn rồi còn gì. Tôi á, tôi phải dậy từ năm rưỡi sáng, ngày nào cũng thế, rồi phải đi lại khẽ khàng để không đánh thức mấy mẹ con. Nhiều khi Désirée phải ở lại làm việc tại thư viện đến tám giờ tối, và tôi buộc phải đi đón mấy thằng bé đưa sang nhà Violet. Tôi không thích như thế tẹo nào, con ai người ấy chăm sóc chứ! Tôi muốn Désirée không đi làm nữa. Cô ấy luôn bảo tình hình tài chính bấp bênh, nhưng nhà trẻ được miễn phí còn gì, với lại việc di chuyển tới lui giữa nông trại và thành phố cũng tốn kém lắm. Nhưng cô ấy nói đó là sự nghỉ ngơi duy nhất mình có. Khi đến thư viện, cô ấy có thể làm điều mình thích mà không bị quấy rầy. Trong đó có cả chuyện đi vệ sinh một mình.

Tôi chắc chắn Désirée biết thừa là so với tôi, cô ấy thanh thản hơn nhiều. Mặc dù đôi khi cô ấy cũng cằn nhằn khi tôi lái máy kéo sang chơi với Bengt-Göran, hoặc khi tôi đi săn cùng với nhóm bạn. “Đã ba năm nay em không đi xem phim”, cố ấy bảo thế, “còn anh á, anh có thể đi xem khúc côn cầu bất cứ lúc nào!”. Gì cơ, thỉnh thoảng tôi cũng dẫn thằng Arvid đi cùng mà! Bengt-Göran thì chẳng bao giờ làm như thế.

Désirée phàn nàn việc giặt quần áo mất quá nhiều thời gian vì chúng tôi có đến năm người, thế nên tôi đã chia sẻ phần nào công việc đó bằng cách tự giặt bộ đồ bảo hộ lao động, thỉnh thoảng xử lý luôn cả tất và đồ lót nữa. Mẹ tôi mà biết được chắc chắn sẽ không yên nghỉ. Hồi còn độc thân, tôi cũng đã học sử dụng máy giặt rồi, có nặng nề gì lắm đâu. Thế mà Désirée chỉ nhìn tôi mà nói gọn lỏn: “Vậy ra, anh tự giặt quần áo của anh, còn tất cả những thứ khác, từ quần áo bọn trẻ đến khắn trải giường, khăn ăn, rèm cửa… đều là chuyện của em à?”

Nhưng tôi không nấu ăn. Cái gì cũng phải có giới hạn của nó. Đồng ý là mẹ tôi không phải đi làm ở bên ngoài, nhưng mẹ cũng phải chăm sóc tôi và đỡ đần bố trong chuồng bò gần như hằng ngày. Tôi không nói thẳng thừng như thế, đúng hơn là không nói thường xuyên, vì chẳng ích gì. Désirée không bao giờ chịu thua. Hôm nọ cô ấy bảo tôi: “Vâng, nhưng bà anh mới là người nấu gần như toàn bộ các bữa ăn trong nhà và trông anh. Dì anh thì lo dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ. Anh thấy đấy, với một lực lượng như thế thì em hoàn toàn có thể vừa làm việc ở thư viện, vừa giúp anh nuôi bò và điền các loại giấy tờ không thua chuyên gia!”

Chẳng bao giờ Désirée thừa nhận điều theo tôi mới là vấn đề chính: cô ấy gặp khó khăn trong việc quán xuyến nhà cửa. Désirée không biết lên kế hoạch. Đầu óc cô ấy rõ ràng nằm ở trên mây và đầy ứ các bản nhạc opera.

Như hôm qua chẳng hạn, tôi mời bác sĩ thú y uống cà phê sau khi hai chúng tôi đã vắt kiệt sức để đỡ đẻ cho ca sinh đôi của Rosamunda. Tôi đã báo trước với Désirée để cô ấy có thời gian chuẩn bị, rã đông vài cái bánh ngọt hoặc làm vài lát bánh mì phết mứt. Rốt cuộc tôi ngượng chín mặt khi chúng tôi vào nhà và trông thấy căn bếp lộn xộn như chuồng lợn, thằng Nils không ai chăm sóc đang vẽ bậy lên bức tường tôi vừa dán giấy, còn cà phê thì không hề có, vì Désirée quên mua.

Nếu không có mặt bác sĩ thú y ở đó, chắc tôi đã văng tục. Lúc ấy tôi đói muốn chết. Nhưng cô ấy tỏ ra bực dọc và hỏi xem tôi có trông bọn trẻ một lúc được hay không! Anita chắc chẳng bao giờ…

Ấy chết, tôi đã thề sẽ không bao giờ để cho suy nghĩ của mình đi lạc sang hướng đó. Vì tôi sẽ không đời nào đổi nàng Tôm của mình lấy ai khác, kể cả người đàn bà đẹp Julia Roberts. Cô ấy luôn là tình yêu muôn thủơ của tôi, nàng Tôm tai hại của tôi với đôi giày tụt đế, bãi nôn của con gái trên vai và mái tóc rối bù… Trước đây cô ấy chưa bao giờ chăm chút đến ngoại hình, và chắc chắn việc kết hôn với tôi cũng chẳng thể làm cô ấy thay đổi. Hôm nọ, khi tôi đi vào bếp để tìm cái kìm, cô ấy tự dưng nổi cáu đùng đùng, thậm chí còn nhắc đến việc đi tư vấn hôn nhân. Lúc đó tôi tự nhủ rằng: “Em mơ đấy à con Tôm bé nhỏ của anh, một khi đã đưa em lên thuyền, anh sẽ đưa em đến bến, cho dù có phải buộc em vào ghế ngồi. Với lại, em lấy đâu ra thời giờ để đi gặp nhà tư vấn trong khi thời gian đi xem phim còn chẳng có?”

- Em không biết anh có từng yêu em không nữa. – Désirée sụt sùi khi bị tôi buông vài câu bình phẩm về kế hoạch của mình ngày hôm đó. – Nhưng rõ ràng là anh hết yêu em rồi. Anh chỉ coi em như một con bé thực tập đến nông trại để làm các việc lặt vặt.

Chữ “yêu” của em mang nghĩa gì vậy? Phụ nữ toàn hỏi chuyện yêu đương, nhớ như in trong đầu ngày kỷ kiệm đám cưới, lễ tình nhân, và ôm cổ bạn để hỏi xem bạn có yêu họ hay không. Bengt-Göran đã mua xe mới cho Violet, còn tôi, trời ạ, tôi đã làm cả cái hiên nhà đẹp đẽ rồi kia mà?

Tôi nghĩ tình yêu của đàn ông cũng giống như bệnh nhồi máu ở phụ nữ, rất khó phát hiện, vì chúng có những biểu hiện khác thường!

51. Désirée

Lúc nào tôi cũng bị cuốn vào các chuỗi sự kiện. Tôi cho một cục bơ vào chảo để làm món trứng tráng cho bữa sáng của Benny. Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng hét. Thằng Nils ngã lôi theo một cái kệ đồ, và tôi phải lôi thằng bé ra. Chiếc cốc yêu quý của tôi bị vỡ tan tành. Tôi nhặt các mảnh vỡ, định đi cất vào trong một cái tủ mà bọn trẻ không với tới được, chờ lúc lên thành phố mua keo gắn sứ. Đúng lúc ấy Benny thò đầu vào hỏi tôi giấy tờ đăng ký của nông trại. Giấy tờ nằm trong bếp. Tuy khó, nhưng anh đã học được cách không bước vào trong nhà khi đang đi ủng.

Tôi đổi hướng, đặt các mảnh sứ vỡ lên mặt tủ gần nhất rồi đi tìm giấy tờ nông trại lẫn trong núi thư từ, tạp chí và trang quảng cáo trong tủ bếp. Tôi không tìm thấy, nhưng thay vào đó tôi đã lôi ra được một cái hóa đơn tiền điện quá hạn thanh toán ba tuần. Tôi vội lao đến điện thoại để gọi giải thích và ngăn đội truy thu lại. Trong khi tôi chờ người tiếp chuyện điện thoại, Arvid xuất hiện, thằng bé cần đôi giày trượt băng ngay lập tức, và chỉ trong ba giây nó đã lôi hết đồ đạc của mình từ trong tủ ra sàn nhà. Vừa nghe điệp khúc: “Số máy này hiện đang bận, vui lòng chờ đợi trong giấy lát”, tôi vừa cố gắng lấy chân đẩy các đôi ủng, gậy khúc côn cầu, túi giữ nhiệt vào trong tủ và dùng đầu gối khép cánh cửa ra vào mà thằng bé quên đóng. Lúc đó tôi ngửi thấy mùi khét từ trong bếp bay ra. Chỗ bơ trên chảo đã bị cháy. Chuỗi sự kiện đầu tiên khép lại, và tôi bắt đầu đi ngược lên. Tôi mở cửa sổ cho bay bớt khói, ngắt chuông báo cháy, nhặt mấy mảnh sứ trên mặt tủ, tai nghe thấy tiếng nhân viên tổng đài hét lên “Alô” trong chiếc ống nghe đang treo lủng lẳng và một giọng giận dữ ngoài thềm nhà: “Em đã tìm được giấy tờ chưa?”

Trước khi vòng quay ngừng lại thì tôi đã lại lao đầu vào chuỗi sự kiện kế tiếp. Klara thức giấc và khóc rống lên. Con bé đái một vũng to. Tôi vội bế con bé lên và đem tấm khăn giường ướt sũng tống vào máy giặt. Con bé thừa cơ làm thêm bãi nữa vào rổ quần áo sạch, tôi mặc cho nó cái tã cuối cùng trong gói và đi ghi chữ “tã” vào danh sách mua hàng. Chẳng thể tìm được bút viết cũng như tập giấy ghi chú, hai thằng con lớn lúc nào cũng xoáy mất giấy bút của tôi, nên tôi đnh dùng bút chì màu viết vào mặt sau của một cái bì thư. Trước khi tôi kịp nhớ điều cần viết ra thì Klara khóc ré lên. Con bé đã nhặt được một mảnh sứ vỡ và tự làm rách lưỡi. Tôi bủn rủn cả tay chân khi nhìn thấy máu rỉ ra từ miệng con bé. Đúng lúc đó Benny thò đầu vào thông báo là anh sẽ mời bác sĩ thú y một chầu cà phê. Klara lại càng gào khóc tợn. Benny rụt đầu lại nhanh như một con rùa. Tôi cằn nhằn rồi chạy vội vào phòng tắm với Klara trên tay. Trong khi đang tự hỏi làm thế nào dán băng cá nhân vào lưỡi một đứa trẻ, tôi nghe thấy tiếng thằng Arvid quay về mang theo đôi giày trượt băng. Nó vừa trượt trên mặt hồ đóng băng ở sau nhà. Như thường lệ, thằng bé cứ để mặc cửa mở trong khi ngoài trời âm mười độ, và bắt đầu trượt trên sàn bếp. “Con đói!”. Nó rống lên. Klara bị nấc cụt. Tôi địu con bé trên lưng dù đã bỏ thói quen đó vì chứng đau lưng. Rồi tôi lao vào bếp để pha cà phê, có điều tôi phải đưa một hũ sữa chua cho Arvid trước, đồng thời quát bảo thằng bé tháo giày trượt. Thắt lưng tôi bắt đầu đau nhói. Khi bước ra tiền sảnh để khép hai cánh cửa đang lập bập theo những cơn gió bấc, tôi gặp ông phát thư. Có một bưu phẩm được gửi đến. Tôi ký nhận, rồi bảo ông ta chờ đấy trong lúc chạy đi tìm cái hóa đơn tiền điện chưa thanh toán. Tôi muốn tận dụng cơ hội để gửi một cái ủy nhiệm chi. Sau đó tôi quay vào bếp và trông thấy Arvid đang bị sữa chua dính đầy khuỷu tay. Thằng bé chùi sữa chua vào tấm vải nhựa trải bàn. Nhìn thấy Benny và bác sĩ thú y qua cửa sổ, tôi sực nhớ vụ cà phê. Tôi lau vội tấm trải bàn, lôi ra mấy cái tách và vớ lấy hộp cà phê. Không thể đợi được nữa, ông phát thư phóng xe bỏ đi, trong khi tôi nghe thấy tiếng Benny và tay bác sĩ thú y đang chùi giày ở ngoài thềm nhà. Trời ơi, hộp cà phê rỗng không. Benny âm thầm uống cả chục tách mỗi ngày mà chẳng bao giờ nhắc tôi mua cà phê. Tôi đi tìm cái bì thư vừa dùng để viết danh sách mua hàng, định bụng viết thêm chữ “cà phê” lên đó, nhưng không tài nào tìm được bút. Thằng Nils đã thó mất cây bút chì màu và đang nguệch ngoạc vẽ hình con vịt màu vàng lên giấy dán tường. Benny bước vào, nhíu mày không bằng lòng và mắng tôi: “Ít ra em cũng phải chuẩn bị cà phê chứ. Chỉ có mỗi việc nhà mà cũng không lo được, trong khi bọn anh vất vả cả buổi sáng vì con Rosamunda đẻ đôi”. Klara vươn tay về phía bố trong khi Benny hạch sách tôi về vết thương trên miệng con bé. Thấy không ai chú ý đến mình, thằng Nils kéo ống quần bố, tay chỉ về phía hình mấy con vịt vàng nó vừa vẽ. Benny hết nhìn mấy con vịt lại nhìn tôi. Ánh mắt anh thẫm lại khi hiểu ra phải tự mình pha trà mời bác sĩ thú y. Trong lúc đó, cái lưng tôi mỗi lúc một đau hơn, và mùi hôi bốc lên báo cho tôi biết Klara đã xử lý xong cái tã cuối cùng.

Chuỗi sự kiện thứ hai khép lại. Hóa đơn tiền điện vẫn chưa được thanh toán, cần phải giặt lại chỗ quần áo sạch bị dây nước tiểu của Klara, bác sĩ thú y không có cà phê để uống, Benny bực bội, Arvid làm ván sàn bị xước nặng với đôi giày trượt của nó, còn giấy dán tường trong nhà bếp thì bị Nils vẽ thêm các họa tiết mới. Chậu cây đặt ở cửa sổ tiền sảnh đã kịp đóng băng trong lúc cửa chính bị mở toang và cái lưng tôi bị cơn đau làm cho thẳng đuỗn. Tôi phải đi chợ trước khi bị một trận đau lưng mới hành hạ. Trời ơi, giá như tôi không cần phải mặc quần áo cho bọn trẻ và lôi chúng theo. Nhưng tôi không thể để bọn trẻ ở nhà một mình khi Benny không trông được. Tôi nhờ Benny dọn tuyết ở trước cửa gara để đem xe ra. Anh thở dài sườn sượt và hỏi liệu có gì để ăn trước không đã. Tôi có hứa làm cho anh một đĩa trứng tráng không nhỉ? Không. Anh có thể trông bọn trẻ trong khi tôi đi chợ được không? Trời ạ, tôi đang nghỉ thai sản mà??!

Mùi tã bỗng khiến tôi muốn lộn mửa. Tôi mất kinh cũng một thời gian rồi…

Ôi không, hy vọng đó là triệu chứng mãn kinh?

The end!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/81639


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận