Thần Thủ Chiến Phi vẫn còn e ngại trong lòng, nên vẫn liếc chừng trận của Mã Phi Hồng và Hướng Nhứt Minh ra sao?
Chỉ thấy Mã Phi Hồng tuy có động thủ với Bát Quái Chưởng Liễu Huy, song chỉ đánh cầm chừng và di chuyển lần ra phía sau đại sảnh.
Thần Thủ Chiến Phi nghĩ thầm :
- “Tên Mã Phi Hồng này đã mồi cho trận chiến đấu này bây giờ hắn định trốn đi luôn sao?”
Vì nghĩ vậy, nên Thần Thủ Chiến Phi ném mạnh ly xuống đất, quát lớn :
- Anh em hãy nghe đây! Cuộc động thủ hôm nay liên quan đến sự sống còn của Lục lâm Giang Nam, nên anh em đồng minh chúng ta đều không được chạy trốn?
Rồi lão ngước mặt lên chỉ về phía cửa :
- Các anh em ở ngoài kia hãy nhớ rõ là hễ thấy ai chạy ra, là lập tức xạ tiễn bắn chết ngay.
Nói xong, lão vứt chiếc áo ngoài ra rồi lướt đến cử chưởng đánh về phía Long Hình Bát Chưởng ngay.
Thất Khảo Truy Hồn Mã Phi Hồng là dùng nhu thắng cương như vậy đúng là sát tinh của Bát Quái Chưởng Liễu Huy rồi.
Còn trận đấu của Kim Kê Hướng Nhứt Minh thì hơn nữa. Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương võ công không cao lão lại mất một cánh tay, nên Kim Kê chỉ có một chân nhưng trong vài chiêu, chiếc gậy của lão Bang chủ tạo thành màng lưới vây phủ toàn thân đối phương. Khoái Mã Thần Đao mặt đỏ gay lên, thở hồng hộc, mồ hôi dầm dề, chỉ còn tránh né cây gậy của Hướng Nhứt Minh mà rất khó khăn.
Trong đại sảnh tuy rất đông người, nhưng đến lúc đó vẫn chỉ có sáu nhân vật động thủ. Còn bao nhiêu người khác thì chỉ cầm đao kiếm để quan sát trận đấu hay chận các lối ra.
Bao nhiêu cặp mắt vẫn chú trọng vào cặp Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh và Thần Thủ Chiến Phi. Vì sự thắng bại của hai người này có ảnh hưởng đại cuộc tương lai của giới võ lâm.
Khi chưa động thủ, Thần Thủ Chiến Phi đã có mấy phần e ngại Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh vì dù sao tiếng tăm của Đàm Minh vẫn hơn Thần Thủ Chiến Phi. Thành ra, lúc ra tay động thủ, Thần Thủ Chiến Phi chỉ cố tâm sử dụng thế thủ chặt chẽ, chưởng phong bảo vệ toàn thân. Có thể nói là một giọt nước cũng qua không được màng chưởng ấy.
Còn Long Hình Bát Chưởng tuy thân hình cao lớn, nhưng bộ pháp thật linh động nhẹ nhàng. Chưởng pháp được sử dụng thật khéo léo mà chưởng lực không có dũng mãnh như Thần Thủ Chiến Phi đã tưởng.
Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh chỉ sử dụng một thủ pháp thật khéo léo và bộ pháp thật linh động, chứ chưởng lực vẫn không tỏ lộ một sức cường uy nào cả.
Đó là một sự kiện thật bất ngờ đối với Thần Thủ Chiến Phi và những người hiện diện, trái với lời đồn để thành danh với bốn tiếng Long Hình Bát Chưởng.
Trước sự kiện đó Thần Thủ Chiến Phi càng đánh càng thêm tin tưởng và dũng mãnh thêm. Tả chưởng cuồn cuộn ào ạt đánh xuống “Thương Khúc đại huyệt” ở bên hông phải của Đàm Minh.
Đàm Minh quay mình lách qua hai bước để tránh chưởng lực của đối phương.
Nhưng Thần Thủ Chiến Phi lại đánh liên tiếp song chưởng nữa, với chiêu thế “Nhược Thủy Song Bình” đánh vào bên mặt của Đàm Minh vừa nhanh vừa mạnh.
Tuy thế, Đàm Minh chỉ xoay mình, chỉ xoay người một cái lướt bên cạnh Thần Thủ Chiến Phi như ánh chớp vừa đánh chưởng của đối phương vừa vung tay điểm thẳng vào “Thượng Huyết Hải huyệt” ở trên ngực bên phải của Thần Thủ Chiến Phi.
Chiêu này tuy công nhưng lại có thủ và Đàm Minh lúc chưa giao thủ để đỡ thẳng vào chưởng lực của Thần Thủ Chiến Phi.
Chính vì thế mà Thần Thủ Chiến Phi càng yên trí và tự tin hơn, liền sử dụng phương pháp “Cương chống cương” để quyết đưa trận đấu vào chỗ sát giết lẫn nhau, nên lão liền sử dụng những chiêu trong “Đại Suất Bi Thủ” công ra.
Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh lại phải lùi lại ba bước lớn, làm cho những người hiện diện cổ vũ cho Thần Thủ Chiến Phi hoan hô liên miên.
Trong khi đó, Đông Phương Kiếm nói với mấy người anh cả của chàng :
- Coi bộ Công Thanh Dương nguy rồi, đệ phải ra tay tiếp sức cho y vậy.
Đông Phương Thiết lắc đầu nói :
- Chúng ta thận trọng để xem. Đàm thúc thúc rõ ràng là có thể chiến thắng Thần Thủ Chiến Phi trong vòng bốn năm chiêu thôi. Nhưng Đàm đại hiệp lại không sử dụng thật tình công phu của thúc thúc. Có lẽ Đàm thúc thúc sợ rằng nếu Thần Thủ Chiến Phi bại rồi, thì mọi người nơi đây sẽ xông lên. Lúc đó, thật khó mà thoát ra khỏi chốn này.
Đông Phương Kiếm lại hỏi :
- Không lẽ võ công của Đàm đại hiệp còn cao hơn chúng ta?
Đông Phương Thiết đáp :
- Ồ võ công của Long Hình Bát Chưởng thật cao không lường nổi. Lão chưa khi nào sử dụng toàn lực, đến nỗi phụ thân của chúng ta cũng còn chưa hiểu thật lực võ công của lão cao đến mức độ nào?
Đông Phương Thiết ngừng một chốc rồi tiếp :
- Nhị đệ có thấy Đàm thúc thúc lúc sử dụng chiêu “Thoát Bảo Kiếm Giáp” để tránh thế công của Thần Thủ Chiến Phi đã hòa hợp võ công thượng thừa “Di Hình Hoán Vị”. Mà việc đem võ công thượng thừa hòa hợp với hạ thừa để sử dụng trong võ lâm giang hồ đã thấy có ai chưa?
Đông Phương Khiết hỏi :
- Nói như vậy, võ công của Long Hình Bát Chưởng là đệ nhất thiên hạ rồi chăng?
Đông Phương Thiết đáp :
- Ngu huynh không có nói võ công của Long Hình Bát Chưởng là đệ nhất thiên hạ, mà ngu huynh chỉ đề cập đến việc nghiên cứu phương pháp hòa hợp võ công thượng thừa thật chẳng ai bằng Đàm Minh thật. Chứ trong thiên hạ võ lâm giang hồ còn nhiều người võ công cao hơn Long Hình Bát Chưởng chứ!
Trong lúc hai người đang nói chuyện, thì Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương đã bị chiếc gậy sắt của Hướng Nhứt Minh quạt trúng vào tay trái.
Đàm Tiểu Kỳ nói mau :
- Nếu còn chần chừ nữa, Công Thanh Dương sẽ chết dưới tay của Hướng Nhứt Minh mất.
Đông Phương Thiết thở nhẹ đáp :
- Chắc chúng ta phải ra tay rồi, dù muốn dù không cũng không thể để Công Thanh Dương thiệt mạng hôm nay.
Đông Phương Hồ cũng nói :
- Phải lắm! Hãy ra tay mau mới được.
Đông Phương Thiết la nhỏ :
- Lên.
Tức thì bốn chàng thiếu hiệp: Đông Phương Thiết, Đông Phương Kiếm, Đông Phương Giang và Đông Phương Hồ cùng rút kiếm ra.
Phe đồng minh của Lãnh sơn trang tức thì cũng có mười mấy người cầm kiếm và đao nhảy ra.
Long Hình Bát Chưởng liếc qua biết rằng cuộc chiến hôm nay không thể tránh được, nên hét lớn một tiếng song chưởng đánh ra.
Thần Thủ Chiến Phi vừa đánh một chiêu “Song Bàn Thủ” đã phải gặp song chưởng của Đàm Minh, với chưởng lực hùng hậu trái ngược với mấy chưởng lúc nãy. Thần Thủ Chiến Phi thấy vậy la thầm:
“Nguy rồi!”
Đến lúc này, Thần Thủ Chiến Phi mới hiểu, tự nãy đến giờ, Đàm Minh chỉ đánh cầm chừng. Nhưng khi biết được điều ấy lại đã quá trễ rồi.
“Bùng!” Song chưởng đôi bên chạm nhau gây lên một tiếng nổ dội và chưởng phong lan tràn.
Thần Thủ Chiến Phi cảm thấy toàn thân rúng động, không thể đứng vững nên phải thối lui năm bước.
Chỉ qua một chưởng của Đàm Minh mà Thần Thủ Chiến Phi phải lui năm bước. Hơn thế nữa, nơi góc miệng đã thấy hai dòng máu chảy ra.
Chẳng những vậy, mà lúc ấy bỗng thấy Long Hình Bát Chưởng nhảy tiếp đến nên Thần Thủ Chiến Phi thấy nguy cơ hiểm nghèo đã đến vì nếu Đàm Minh tung chưởng ra nữa, Chiến Phi sợ không đủ sức đỡ nổi nữa...
Bỗng, bên ngoài xa có tiếng ngựa chạy dồn dập, rồi một giọng người nói thật lớn vọng vào :
- Tổng tiêu đầu, anh em đã có mặt đầy đủ rồi, Tổng tiêu đầu có sao không?
Có cần anh em chúng tôi vào không?
Tiếng nói này làm mọi người phải ngạc nhiên.
Thần Thủ Chiến Phi than thầm:
“Quả nhiên Đàm Minh có chuẩn bị rồi!”
Các anh em Đông Phương cũng nghĩ:
“Đàm thúc thúc cẩn thận thật, đã chuẩn bị rồi mới đến nơi đây. Thế này có lẽ mấy anh em ta khỏi phải ra tay rồi.”
Riêng Long Hình Bát Chưởng cũng lấy làm lạ hỏi thầm:
“Ai đã lại kia! Vì ta đâu có cho phân cuộc nào hay. Mà nghe tiếng nói cũng là lạ nữa.”
Nhưng dĩ nhiên bên ngoài Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh không hề lộ vẻ ngạc nhiên nào cả.
Bao nhiêu anh hào giờ đây đều đứng lặng một chỗ.
Tiếng ngựa chạy rầm rập không ngừng nên không thể đoán được có bao nhiêu người ngựa đến. Chỉ biết là rất nhiều, đợi mọi người đều lặng yên không nói lời nào.
Thần Thủ Chiến Phi vẫn đứng đối diện với Đàm Minh, máu nơi khóe miệng vẫn còn trông thật thảm não.
Lại nghe có tiếng la lên nữa :
- Tổng tiêu đầu cần chúng tôi vào không?
Long Hình Bát Chưởng hơi giựt mình và đã phát tác ra điều khác lạ. Vì tất cả các tiêu đầu ở bất cứ ở tiêu cục hay phân cuộc nào, đều không ai gọi ông bằng ba tiếng “Tổng tiêu đầu” như vậy. Nhưng rồi Long Hình Bát Chưởng như nghĩ ra một điều gì nên quay nói với Thần Thủ Chiến Phi :
- Ta không muốn chèn ép ai cả. Hôn nay lão phu bỏ qua cho Trang chủ một lần.
Rồi quay sang những người thuộc phe của lão nói :
- Các thiếu hiệp Đông, Phương, Công, Liễu tiêu đầu chúng ta đi thôi!
Thấy vậy các anh em Đông Phương thầm khen Long Hình Bát Chưởng có lòng đại độ nhân đạo. Các anh hào cũng từ từ nhường ra một lối đi.
Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh đi trước rồi những người kia tiếp theo sau.
Ra đến hết cái sân rộng, Đàm Minh la nhỏ :
- Chúng ta hãy đi bên này!
Nói xong liền nhảy lên tường rào vượt ra ngoài, Đông Phương ngũ hiệp hai vị tiêu đầu cũng nhảy vút theo ra...
Bên ngoài đang có nhiều ngựa chạy lui chạy tới, nhưng trên mình ngựa không có người.
Chỉ có ba con ngựa có người đang đuổi cho những con ngựa kia chạy tới lui.
Ba người này là ba anh em của “Bắc Đẩu thất sát”.
Nhưng mọi người đều không kịp suy nghĩ, vội vàng nhảy lên ngựa, theo Long Hình Bát Chưởng phóng đi như bay...
* * * * *
Cuộc đại hội ở Lãnh sơn trang khai diễn trong sự rộn rịp với sự tham dự của những nhân vật trọng yếu. Rồi đại hội này lại chấm dứt trong sự náo loạn vì những âm mưu, những tranh chấp, ấp ủ, nuôi dưỡng trong lòng từ lâu.
Đại hội đã không có quyết định được gì. Nhưng lại chấn động võ lâm. Chấn động vì những việc đột diễn trong buổi cuộc đại hội.
Cuộc đánh cá chưa có thắng bại. Cuộc tàn sát các tiêu đầu bởi người bịt mặt lại là đề tài nóng hổi, mà từ lâu đã được im lặng trong chốn võ lâm. Giờ đây, bởi cái “nóng hổi” ấy mà đang gây lại sóng gió trong võ lâm.
Còn những nghi vấn và xét lại toàn diện vấn đề đó làm cho nhiều người suy nghĩ, nhiều người phải đắn đo, phải hồ nghi...
Nhưng tất cả lại liên quan tới một người. Một thiếu niên. Một thiếu niên rất tầm thường mà cũng rất không tầm thường. Đó là một chuyện rất lạ. Một chuyện thật kỳ lạ trong võ lâm.
Thiếu niên này, là một võ công tầm thường hay là một nhân vật quan trọng cao thủ?
Thiếu niên này là một nam nhi thường tình hay là đệ tử của một danh môn, cao nhân nào đó?
Thiếu niên này có bản tính lương thiện, hiền hòa hay là thâm trầm âm hiểm?
Đó là những lời đồn đãi không dứt khoát trong giới võ lâm. Nhưng tất cả đều chú ý đến người thiếu niên ấy vì người thiếu niên lại là Tổng thủ lãnh lục lâm của Giang Nam. Mọi người đều gọi người thiếu niên đó là Bùi đại nhân. Và chính người đó là Bùi Khương vậy.
Sau cuộc náo loạn, động thủ ở Lãnh sơn trang thì Đông Phương ngũ hiệp liền quay về Phi Linh bảo.
Hôm sau đã có mười tám đại hán, đem theo tiền bạc và châu báu, xin được gặp Bảo chủ.
Thì ra các phe đánh cá vẫn không quên cuộc đánh cá tại Lãnh sơn trang trong buổi đại hội.
Còn Long Hình Bát Chưởng thì đi về Trung Nguyên, mà không nghe thấy lão tỏ lộ một sự chuẩn bị nào cả.
Tuy nhiên, mọi người đều biết rằng thế nào cũng có một ngày, Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh và Thần Thủ Chiến Phi sẽ thanh toán nhau.
Và giang hồ đang hồi hộp, cùng chờ đợi cho cuộc thanh toán này, chắc sẽ vô cùng gây cấn.
Nhưng còn một sự việc này đang làm cho mọi người chú ý. Và đang theo dõi từng phút, từng giây, từng bước đi, để được am tường.
Đó cũng là một chuyện lạ nữa trong võ lâm.
Mà tất cả đều có liên quan đến chàng thiếu niên “Bùi đại nhân”...
* * * * *
Đã bước vào tháng chín rồi, thế mà trời vẫn còn nóng bức. Nhất là vào những chiều, khi mặt trời vừa qua khỏi đỉnh đầu. Ánh nắng gay gắt như đốt cháy da người. Chính vì vậy mà trong những lúc này, khách bộ hành vẫn tìm chỗ nghĩ chân để tránh mệt nhọc. Và những con đường ít khách bộ hành thì lại càng không còn một bóng nào cả trong giờ nóng bức ấy.
Nhất là con đường từ Kỳ Môn đến Huỳnh Sơn.
Con đường đất đỏ này ngày thường đã vắng người đi qua lại, giờ nắng gắt này đáng lẽ lại không có người đi qua mới phải. Nhưng trái lại rất đông người đi không quản ngại nắng gắt, mệt nhọc.
Phần đông những người này có lẽ là giới giang hồ võ lâm, vì trên lưng họ đều có mang kiếm, mang đao. Tuy nhiên, cũng lại có một số người đi bộ và một số lại cưỡi ngựa hay lừa.
Mà tại sao là những người giang hồ lại cùng đi chung với nhau đông thế này?
Không lẽ trên Huỳnh Sơn sắp có một sự kiện gì lớn lao quan trọng của võ lâm chăng?
Có điều, là số người này đi rất thong thả, vừa đi vừa trò chuyện, trông giống như đi nhàn tản hay cùng nhau đi xem ca hát một nơi nào đó, chứ không phải đi dự một sự kiện quan trọng.
Càng kỳ lạ hơn nữa, là một đám người bán dạo đi theo sau đám người giang hồ võ lâm này. Họ có bán rượu uống, thịt ăn, cùng những món ăn khác và ngay cả giày dép cũng có bán.
Đoàn người có lúc đi lúc ngừng. Nhưng cũng lâu lâu những người đi sau lại hỏi phía trước :
- Có tin tức gì chưa?
Ở phía trước đám người này, chừng năm sáu trượng lại có sáu người đi cạnh nhau. Họ lúc nào cũng giữ một khoảng cách đối với đám người phía sau. Họ lâu lâu cũng lại hỏi với nhau :
- Có tin tức gì chưa?
Tin tức? Tin tức gì mà phải làm cho bao nhiêu người phải bỏ công ăn việc làm để đi tìm tin tức mãi thế?
Trong số sáu người đi trước gồm có: Một vị cao niên, thân hình to lớn, lực lưỡng, mặc đồ màu đỏ, đội khăn đỏ, thật chói chang trong ánh nắng gắt. Ngồi trên con ngựa cũng màu đỏ nốt. Nhưng con ngựa chỉ bước chậm rãi nên không thấy mệt nhọc. Người này lâu lâu lại cằn nhằn :
- Chán thật! Nhận lãnh cái việc thật vô duyên.
Người này bực mình nên thỉnh thoảng lại đi lại phía sau để mua rượu uống nhưng mỗi lần đều có người dành trả tiền cho người này. Cứ mỗi lần vậy là có người hỏi :
- Bao lão đại! Có tin tức gì chưa?
- Tin tức cái khỉ khô! Ba bốn năm nữa chưa chắc đã có tin tức.
Đó là câu trả lời người này thường đáp.
Người áo đỏ này cũng là nhân vật hơi có tiếng tăm ở võ lâm. Ông ta là nhân vật số hai ở trong Kim Kê bang đó là Kê Quán Bao Hiếu Thiên.
Người thứ hai là một người dáng dấp nho sinh, tuổi chừng bốn mươi. Ông ta làm chấp sự ở Phi Linh bảo. Ở trong Bảo, thì mọi người gọi ông ta là Quản Nhị và rất được những người đi chung kính trọng.
Người thứ ba lại rất ốm. Thái độ hơi ngạo nghễ, thường ngồi trên lưng con lừa, im lặng đi mà ít bao giờ chịu nói một câu dài. Con lừa lại cũng ốm như chủ nhân nó. Người này lại rất có tiếng tăm, là một tiêu đầu ở trong Phi Long tiêu cục, tên là Hắc Lừa Truy Phong Giả Bân. Ông ta tự nguyện đi theo đoàn người, vì ông ta rất thích thú với việc này.
Người thứ tư là Thiết Toán Bàn Vu Bình của Lãnh sơn trang.
Thiết Toán Bàn Vu Bình lại còn dẫn theo một thiếu niên chừng mười lăm, mười sáu tuổi, có lẽ là một thư đồng của Thần Thủ Chiến Phi.
Và người chót là một người rất mập. Suốt ngày chỉ lo ăn và uống. Gặp ai cũng vui vẻ cười nói. Người này tên là Hoàng Đắc Cao, là một thủ hạ thân tín của Thất Khảo Truy Hồn Mã Phi Hồng. Nhưng mọi người đều gọi ông là Hoàng mập.
Năm người đều cao niên, cùng một thiếu niên thành toán sáu người lúc nào cũng đi trước đám đông phía sau bốn năm trượng và khoảng cách này lúc nào cũng được giữ như vậy.
Rồi toán sáu người này lại theo sau ba người khác. Đó là Lãnh Cúc song mộc và Bùi Khương. Ba người cách toán sáu người một đoạn xa xa, chỉ tầm mắt nhìn.
Trong ba người này, Lãnh Cúc song mộc vừa đi vừa nhìn cảnh trời cây lá.
Còn Bùi Khương vừa đi vừa cầm quyển sách ra đọc, đọc được một chốc lại cất vào trong túi.
Đã bốn tháng qua rồi...
Bốn tháng trong cuộc hành trình của Bùi Khương kể từ lúc cùng đi với Lãnh Cúc song mộc...
Chàng cũng thường vừa đi vừa đọc để học và chàng học bất cứ lúc nào và ở nơi nào trong bốn tháng qua.
Lúc ở khách sạn, Lãnh Cúc song mộc cũng có thể truyền dạy võ công cho Bùi Khương ngay trong phòng trọ. Còn lúc đi lại bắt Bùi Khương phải đọc sách.
Họ không cho Bùi Khương thảnh thơi một chút nào. Mà Bùi Khương cũng chẳng muốn ở không vì nếu rảnh rỗi thì chàng buồn nhớ đến Đàm Tiểu Kỳ.
Có những đêm Bùi Khương không ngủ được lại nằm trằn trọc suy nghĩ một mình là nên thắng hay nên bại? Vì nếu chàng thắng thì Thần Thủ Chiến Phi sẽ tìm cách lấy cặp mắt của Đàm Tiểu Kỳ. Nhưng chàng lại rất ham muốn học hỏi.
Chàng không muốn bỏ qua một thứ gì mà Lãnh Cúc song mộc dạy cho chàng.
Lãnh Cúc song mộc, Bùi Khương đều mặc kệ đám người đi sau vì cảm thấy đám người này cũng rất thích theo cả ba.
Hôm nay, họ đi đến rặng núi Huỳnh Sơn.
Dãy núi này phong cảnh đẹp thật.
Lãnh Cúc song mộc muốn tìm một chỗ yên tĩnh trong dãy núi này để truyền cho Bùi Khương những món võ rất khó khăn. Cũng vì vậy mà họ vào đây và đoàn người vẫn đi theo sau...
Đoàn người vẫn theo ba người phía trước.
Kê Quán Bảo Hiểu Thiên, ngồi trên lưng ngựa, phía sau đã thấy Lãnh Cúc song mộc và Bùi Khương lên núi được mười mấy trượng, thì la lên :
- Họ lên núi rồi.
Quản Nhị than một tiếng rồi nói :
- Tiếc thật! Nếu chúng ta cùng kéo lên núi thì chắc sẽ phá hư cái cảnh đẹp ở trên đó ngay.
Thiết Toán Bàn Vũ Bình đáp :
- Cần gì lên hết. Chỉ để vài ba người, lên theo họ, còn bao nhiêu thì ở lại đây chờ đợi.
Quản Nhị mừng nói :
- Đúng rồi! Bây giờ để cho ai lên vậy?
Kê Quán Bao Hiểu Thiên nói ngay :
- Tôi chịu ngồi đây uống rượu mà chờ!
Thiết Toán Bàn Vũ Bình cười nói :
- Trong bọn chúng ta đây, chỉ có Bao huynh và Giả huynh là khinh công hơn cả. Thì phải phiền hai vị huynh đài lên núi một lần.
Kê Quán Bao Hiểu Thiên tuy trong lòng thích thú việc này, nhưng vẫn giả bộ nói :
- Nếu vậy tôi chắc phải ráng chạy lên thôi!
Bỗng nghe Hắc Lừa Truy Phong Giả Bân nói :
- Tôi không đi mà cũng không ai chịu đi cả.
Nhìn năm người kia Giả Bân tiếp :
- Không lẽ họ ở luôn trên núi sao?
Kê Quán Bao Hiểu Thiên đáp :
- Đúng! Họ thế nào cũng có ngày phải xuống núi...
Kê Quán Bao Hiểu Thiên ngập ngừng một chốc rồi đáp :
- Nhưng họ đâu có thích mình đi theo. Họ có thể trốn đi thì sao?
Hắc Lừa Truy Phong Giả Bân cười lớn :
- Nếu họ không muốn mình đi theo họ, thì họ đã trốn đi từ lúc nào rồi. Vì đã lâu họ không tránh chúng ta, không lẽ đến hôm nay họ lại bỏ đi sao?
Thiết Toán Bàn Vũ Bình tán đồng :
- Giả huynh nói có lý lắm! Còn Hoàng Mập thì chẳng nói năng gì cả chỉ cười thôi và quay qua quay lại thì đã thấy Hoàng Mập ngồi dưới gốc cây vừa ăn vừa uống rồi.
Mấy người này đã đồng ý với Giả Bân là không cần lên núi chỉ chờ tại đây.
Thế là họ lại đi ra phía sau tìm rượu thịt để ăn uống dưới những gốc cây đầy bóng mát. Chỉ trong chốc lát, nơi chân núi này đã thành một cái chợ nho nhỏ.
Mặt trời nghiêng dần... nghiêng dần... rồi sắp chui về phía rặng núi ở phương tây thì cái chợ nho nhỏ này càng đông hơn.
Cứ năm người, ba người, ngồi tạo thành một nhóm ăn uống rất vui vẻ.
Nhưng một ngày.
Hai ngày.
Rồi ba ngày đi, vẫn chưa thấy Lãnh Cúc song mộc và Bùi Khương xuống núi...
* * * * *
Huỳnh Sơn là dãy núi có rất nhiều phong cách tuyệt đẹp. Vì là một dãy núi đẹp ấy mà từ xưa đến nay, đã có biết bao nhiêu nhà họa sĩ đến đây để ghi lại nét tuyệt vời của thiên nhiên. Biết bao nhiêu thi sĩ đến đây để cảm tác đề thơ để xây lâu đài cho văn chương.
Cảnh trí nơi đây đẹp tuyệt diệu. Đẹp từng tảng đá, bụi tùng. Đẹp từng dòng suối, đồi non. Và cũng 559f ẹp từng áng mây vắt vẻo trôi qua.
Đã bước chân đến nơi đây, không ai không thể cảm giác lặng người chiêm ngưỡng trước thiên nhiên tuyệt vời ấy được.
Lãnh Cúc song mộc và Bùi Khương cũng thế.
Bùi Khương đã thấy lòng thơ thới hân hoan ngay từ cái bước chân đầu tiên chàng đặt chân đến Huỳnh Sơn này.
Tất cả ba người đều đứng nhìn quanh, để cho mắt thấy tai nghe tiếng nói của thiên nhiên, nét đẹp khó tả ấy mà lòng rộn rã đón nhận.
Lãnh Hàn Trúc cặp mắt nhìn xuống phía chân núi rồi nói :
- Đám người kia sao không lên trên núi nhỉ?
Lãnh Khô Mộc cười đáp :
- Chắc họ những tưởng chúng ta sẽ theo lối cũ xuống, nên họ ngồi dưới chân núi mà đợi...
Lão ngừng lại cười đắc ý rồi tiếp :
- Ha! Ha! Tại sao chúng ta lại không trèo qua Thiết Bàn Đầu và Tín Chỉ Phong, hai ngọn núi ấy rồi xuống mé bên kia, cho đám người này chờ mãi cho bõ ghét...
Lãnh Hàn Trúc cũng bật cười lớn :
- Ha! Ha! Hay quá! Hay quá!
Mà hai lão quái Lãnh Cúc song mộc này khi đã quyết định điều gì rồi thì không khi nào chịu thay đổi.
Rồi vì thế mà cả ba lại trèo qua hai ngọn núi đã dự định.
Khi vừa trèo lên Chỉ Tín Phong, Lãnh Cúc song mộc hai lão, vừa dạy cho Bùi Khương phương thức khinh công.
Việc trèo lên ngọn núi quá dốc quá gồ ghề, đối với Bùi Khương thì thật là khó và mệt nhọc vô cùng. Nhưng Bùi Khương vẫn vui vẻ, nhất là cơ hội học và thực hành ngay phương pháp khinh công nên đã làm cho chàng quên mệt nhọc và còn thấy thích thú nữa.
Lãnh Hàn Trúc thấy Bùi Khương học cách khinh công nên lại nói :
- Lên tới Tín Chỉ Phong, thiếu hiệp còn phải học cấp kỳ thêm một chưởng pháp nữa. Hừ! chưa chắc gì đã học kịp đâu đấy nhé!
Bùi Khương đã bao ngày cùng hành trình cùng sống với Lãnh Cúc song mộc nên chàng đã quen với thái độ và ngôn ngữ của họ rồi. Nên sự lạnh nhạt của hai lão quái này chàng không để ý nữa. Vì thế chàng vẫn vui vẻ gật đầu.
Cả ba tiếp tục trèo núi. Có lúc lại ngừng chân ngắm cảnh và nghỉ mệt. Cho đến khi mặt trời đã chui vào rặng núi phía tây thì tối đến nhanh và phủ mọi vật...
Trời tối rồi.
Bỗng Lãnh Cúc song mộc mặt đầy vẻ kinh ngạc khi dõi mặt trông về phía trước...
Lãnh Khô Mộc cũng đang nhìn về phía nơi đó vừa hỏi :
- Có phải ánh sáng đèn không?
Lãnh Hàn Trúc gật đầu đáp :
- Đúng rồi! Đèn sáng đó!
Ở nơi đỉnh nơi núi mà có đèn sáng thì quả thật là hết sức kỳ dị. Chính vì thế mà Lãnh Cúc song mộc liền tức tốc giở khinh công cất mình lao đi như hai vệt khói nhắm hướng có ánh sáng đèn và để lại Bùi Khương ngồi một mình.
Bùi Khương không tài nào đuổi kịp nên vẫn ngồi trên tảng đá nghỉ ngơi. Gió thổi mạnh, cuốn hơi lạnh, làm Bùi Khương phải rùng mình. Chàng thu người qua một bên tảng đá.
Bỗng. Bùi Khương phát giác tảng đá đang ngồi hình như bị nhúc nhích. Bùi Khương cẩn thận nhảy xuống để xem xét. Chàng lại phát giác có chút ánh sáng ở phía dưới tảng đá. Hình như khe hở ở dưới tảng đá và ánh sáng phát ra từ khe hở đó. Bùi Khương hơi suy nghĩ một thoáng, rồi dùng tay thử đẩy tảng đá.
Chàng đẩy mạnh, đẩy mạnh... quả nhiên tảng đá từ từ di động theo sức đẩy của chàng.
Một chút ánh sáng đã chiếu ra ngoài.
Bùi Khương ra sức đẩy mạnh hơn nữa thì tảng đá được đẩy dạt ra một bên, để lộ một con đường hầm nơi đó.
Trời đã tối lắm rồi.
Lãnh Cúc song mộc vẫn chưa trở lại.
Bùi Khương rất hồi hộp. Chàng đứng yên ở lối vào ấy của một con đường hầm mà chưa biết phải hành động ra sao?
Bỗng nhiên, có một tiếng la thảm thiết từ trong đường hầm bí mật này truyền ra. Tiếng la rất nhỏ nhưng cũng giống như mũi kim nhọn đâm vào tim Bùi Khương vậy. Chàng nắm chặt song quyền. Hai bàn tay thấm đầy mồ hôi lạnh từ lúc nào rồi.
Bùi Khương vừa sợ vừa kinh ngạc, nhất là tiếng la nghe hơi quen quen đối với chàng mà chàng không nhớ được là tiếng của ai. Bùi Khương nghiến răng lại, rồi nhảy đại xuống đường hầm.
Bùi Khương là một thiếu niên kỳ dị và can đảm. Thường hay làm những chuyện mà người ta không dám làm. Chịu đựng những đau khổ mà người khác không dám chịu.
Hai chân Bùi Khương chạm phải một tảng đá ở lối đi dưới hầm. Chàng chống hai tay đứng lên. Nhưng tay chàng chạm vào một vật gì vừa lạnh vừa khô.
Chàng nhìn lại thì chẳng phải đá mà là một bàn tay, một bàn tay khô cứng từ lâu.
Bùi Khương phải rùng mình nhảy lên hốt hoảng, mắt nhìn xuống chỗ đã chống tay...
Dưới ánh sáng lờ mờ, trên chỗ đất màu đen lại có một bàn tay màu tro nữa.
Ở bên cạnh cái bàn tay này là một hộp màu đen nhánh và lại có thêm ba bốn bàn tay nữa nằm bên hông cái hộp ấy. Những bàn tay ấy đã khô cứng rồi.
Bùi Khương ơn ớn rồi không nhịn được nữa phải nôn ói ra...
Rồi chàng nhìn về phía trước, thì thấy con đường hầm nhỏ hẹp chạy sâu vào...
Bùi Khương liền bước lần theo con đường hầm.
Đi một đoạn, chàng nhìn thấy một cây đã gãy làm đôi, một khúc bỏ ở phía trái, còn một khúc bỏ ở phía xa bên phải.
Bước thêm mấy bước nữa, thì có một nắm tóc và một miếng vải nhỏ. Có lẽ bị cắt ra từ một cái áo nào đó. Nghĩa là từ ngoài vào đến đây, đã có nhiều bàn tay, tóc, áo vải, kiếm gãy rải rác đã làm cho Bùi Khương phải hồi hộp lo sợ.
Bùi Khương định tiến vào. Bỗng ánh đèn lu đi và tắt hẳn. Bóng tối lập tức tràn vào con đường hầm, nên bất ngờ Bùi Khương cũng phải thối lui mấy bước.
Nhưng tiếng la thảm thiết kia lại vang lên nữa.
Bùi Khương thầm nghĩ :
- “Mình vào đây không có ác ý chắc người ta cũng không có ác ý gì với mình.”
Chàng nghĩ vậy nên lại tiến lên từng bước một.
Bỗng ngọn đèn phựt cháy lại nhưng không sáng bằng lúc nãy.
Bùi Khương nhìn thấy bóng người kia vẫn không nhúc nhích mặt hướng vào ánh đèn.
- “Tiếng la, có phải xuất phát, từ người này không?” - Bùi Khương thầm hỏi như vậy, nhưng vẫn không thấy cử động nên chàng lại tự hỏi tiếp - “Hay là người này đã chết rồi!”
Bùi Khương tiến nhanh lên. Chàng bước vào hang đá...
Chàng thấy bóng người đó ngồi quay lưng ra và đang mặc chiếc áo tang tóc thật dài và đen mịn.
Đột nhiên, người nọ quay mặt ra. Một khuôn mặt đầy đau khổ, bi ai, mà rất quen thuộc với Bùi Khương và lúc ấy chàng nghe như bị sét đánh ngang tai. Toàn thân chàng bỗng đứng chết cứng, sững sờ và kinh ngạc.
Cùng trong một lúc, các thứ tình cảm, vừa sợ, vừa lo vừa mừng... đã làm cho Bùi Khương đứng khựng chôn chân một chỗ.
Khuôn mặt vừa hiện ra đó vừa xanh xao, vừa bi ai và quen thuộc đối với Bùi Khương như một tiếng sét đánh trúng vào tâm hồn chàng làm tim chàng nhói lên.
Bùi Khương qua một lúc xúc động, chàng cất giọng run run :
- Cô cô... Mẫu cô cô!
Dù cho nằm mơ nữa đi nữa Bùi Khương cũng không thể ngờ người đang ngồi trong cái hang bí mật kia là Lãnh Nguyệt Tiên Tử.
Lúc đó, Lãnh Nguyệt Tiên Tử, phát giác có người đứng sau lưng, liền quay lại và sự kinh ngạc của Lãnh Nguyệt Tiên Tử cũng không kém Bùi Khương.
Bà ta phải la lên :
- Khương nhi... đó sao?
Bùi Khương định chạy vào, nhưng đã phải ngừng lại vì chàng đã thấy ngoài Lãnh Nguyệt Tiên Tử, còn có hai người nữa đang ngồi đối diện nhau.
Người ngồi bên trái mặt trắng xanh, trán đầy mồ hôi, tóc xõa lù bù, áo cũng nhăn dơ, cặp mắt long lanh đang ngó ngay đối phương, chưởng của đôi bên đang giao nhau và hai chưởng kia lại đang chặt một lưỡi kiếm. Mũi kiếm chỉ cách người ấy chừng một tấc. Thân hình lại bị lún xuống đất có hơn nửa thước.
Mặc dù có Bùi Khương tiến vào nhưng người này vẫn ngồi yên như pho tượng. Người đó chính là kỳ nhân của võ lâm là Thiên Thủ thư sinh.
Bên phải cũng có một người đang có những hành động tác như người kia và mũi kiếm cũng cách người này gần một tấc. Và người này cũng là Thiên Thủ thư sinh một kỳ nhân của võ lâm.
Hai người ngồi đối diện nhau, hễ bên nào yếu một chút sẽ bị mũi kiếm đâm vào ngực tức thì. Vì họ đang đấu nội công với nhau. Mà dùng cách này để đấu thì phải có người chết, người kia mới thôi. Hay là hai bên cùng lượt thâu chưởng lực về, mà hễ có một chút sơ hở là mũi kiếm đâm liền. Nhưng hai người này đều hoàn toàn giống nhau như hai giọt nước. Chỉ có anh em sinh đôi mới giống nhau như vậy. Nhưng nếu là anh em sao lại thù nhau đến độ phải quyết liều đến thế?
Bùi Khương không hiểu được nên quay nhìn về Lãnh Nguyệt Tiên Tử.
Chàng lại phải giật mình, vì chàng thấy trên áo của Ngãi Thanh có đâm nhiều cây kim, mà máu đang rỉ chung quanh mỗi cây kim.
Bùi Khương không hiểu nổi những nhân vật này, đang làm gì?
Lãnh Nguyệt Tiên Tử nhìn Bùi Khương bằng ánh mắt bi ai rồi quay nhìn phía hai người kia. Bà ta rất quan tâm đến hai người này, có lẽ bà và hai người này rất có liên hệ với nhau.
Lúc đó hai người ngồi đối diện mà sắc mặt biến đổi liền liền. Rồi mũi kiếm đẩy tới chạm vào người bên trái.
Lãnh Nguyệt Tiên Tử trộm mắt nhìn người bên trái mặt đầy vẻ kinh mạng lo sợ. Thân hình bà ta hơi rung động.
Bùi Khương nghĩ thầm :
- “Tại sao bà ta không chịu vào giúp người bên trái.
Chỉ cần bà ta đánh nhẹ một cái thì người bên phải sẽ chết liền.”
Chàng cũng hiểu được là bất cứ người nào trong hai người cũng không đỡ nổi sự tấn công của kẻ thứ ba.
Nhưng trong hai người chàng không biết ai đã điểm vào cái huyệt câm điếc của chàng. Nhưng chàng nghĩ vậy là muốn giúp Ngãi Thanh.
Lúc này mũi kiếm lại nghiêng đâm vào áo người bên phải. Sắc mặt người bên trái đã bình tĩnh lại và đến lượt người bên phải có vẻ sợ sệt lo âu.
Bùi Khương thở nhẹ một cái như nhẹ lo, nhưng thái độ của Lãnh Nguyệt Tiên Tử Ngãi Thanh vẫn không thay đổi. Nàng lo lắng cho người bên phải cũng giống như nàng đã lo lắng cho người bên trái vậy.
Bùi Khương liền ngồi yên một chỗ, chàng không hiểu nổi những mối liên hệ phức tạp giữa ba người này. Một sự liên hệ hình như cả tình, thù ân oán là phải?
Cuộc đấu sống chết, như là phải tiếp diễn vĩnh viễn không cách gì ngưng được nếu họ không cùng tự ngưng. Không khí thật là nặng nề đang đè nặng và làm cho cái hang đầy thạch nhũ này thêm quái dị và nghẹt thở.
Bỗng có tiếng từ xa vọng xuống.
- Bùi Khương, thiếu hiệp ở đâu?
Tiếng kêu tuy nhỏ, nhưng rất rõ ràng.
Lãnh Nguyệt Tiên Tử Ngãi Thanh, biết ngay tiếng kêu đó được xuất phát từ một cao thủ võ lâm có một nội lực rất hùng hậu. Ngãi Thanh liền hỏi Bùi Khương :
- Ai vậy?
Bùi Khương đáp :
- Người cùng lên núi với Khương nhi!
Lúc này trông khuôn mặt bà ta càng trắng nhợt hơn, bà ta nói :
- Họ đã phát giác cái hang đá này chưa?
Bùi Khương đáp :
- Có lẽ...
Ngãi Thanh từ từ đứng dậy. Thân hình đầy kim thép rung rinh thật khủng khiếp.
Bùi Khương đứng lên theo hỏi :
- Cô cô có sao không?
Và chàng định dùng tay đỡ bà ta. Nhưng bà ta đã ngồi xuống nói :
- Đi ra bảo họ đừng vào!
Bùi Khương lập tức chạy trở ra. Chàng không cần hỏi lý do. Vì chàng sẽ làm bất cứ điều gì mà bà ta bảo.
Bùi Khương đi rồi, Ngãi Thanh nhìn hai người kia một cách tuyệt vọng. Bà ta nhìn những vết máu và những cây kim thép trên thân thể bà ta. Những cây kim này là bà ta tự đâm vào người với mục đích cản trở hai người kia đấu sống chết.
Nhưng cái hành động hy sinh khủng khiếp ấy vẫn không ngăn cản được một mảy may nào cho sự quyết đấu của hai người. Và sự đau khổ trên thân thể bà ta cũng không giảm đi sự đau khổ của tâm hồn bà ta được. Nhưng bà ta cũng biết cuộc đời đau khổ và sự nan giải giữa tình, thù, ân oán, của bà ta có lẽ sẽ được giải quyết hôm nay. Bà ta miên man trong ý nghĩ tuyệt vọng...
Còn Bùi Khương chạy hết sức, nên chỉ trong nháy mắt chàng đã đến ngay cửa đường hầm. Chàng vội vàng nhảy lên, nhưng vừa tới miệng hầm thì đã nghe có một bàn tay lạnh ngắt nắm chặt vào mạch môn chàng rồi. Bùi Khương la lên :
- Tại hạ đây mà!
Bàn tay lạnh đã buông ra và chàng vừa đứng vững thì trước mặt đã có Lãnh Cúc song mộc đứng lù lù rồi.
- Thiếu hiệp đi đâu vậy? Có gặp gì không?
Giọng nói của Lãnh Cúc song mộc có vẻ lo lắng cho chàng nên chàng liền kể rõ mọi sự và năn nỉ hai lão quái đừng xuống hang.
Chàng không biết nói dối, cũng không biết dùng thủ đoạn để đạt mục đích.
Chàng chỉ biết nói thật và thành thật yêu cầu.
Lãnh Cúc song mộc càng nghe càng ngạc nhiên.
- Ai mà dám tin! Ai mà dám tin?
Bùi Khương nghe vậy liền nói :
- Không tin cái gì? Tại hạ nói hoàn toàn đúng sự thật mà!
Lãnh Hàn Trúc cười nói :
- Ai dám tin một thiếu niên không biết võ công là người nổi danh trong thiên hạ, chỉ trong vòng một năm. Có ai dám tin thiếu niên này lại có liên hệ mật thiết với Long Hình Bát Chưởng, Lãnh Nguyệt Tiên Tử, Thiên Thủ thư sinh và Kim Đồng Ngọc Nữ?
Bùi Khương giọng thông cảm nói :
- Vậy mà tại hạ những tưởng nhị vị tiền bối không tin những lời tại hạ nói.
Lãnh Khô Mộc nói :
- Thiếu hiệp muốn xuống dưới nữa thì cứ xuống, chúng tôi chờ thiếu hiệp ở đây.
Bùi Khương vội gật đầu và nhảy xuống con đường hầm ngay.
Lãnh Khô Mộc lắc đầu nói :
- Y lúc nào cũng hay lo chuyện dùm cho kẻ khác.
Lãnh Hàn Trúc nói :
- Không ngờ có hai “Thiên Thủ thư sinh”. Thảo nào, nghe nói Thiên Thủ thư sinh hành tung không nhất định. Hôm nay làm một chuyện tốt ở Giang Nam, mai đã làm một việc ác ở Hà Bắc.
Lãnh Khô Mộc than dài, nói :
- Giang hồ hay đồn đại những chuyện quá đáng, còn sự thật thì... ít ai biết đến... tỷ như...
Lãnh Hàn Trúc xen lời tiếp :
- Tỷ như huynh đệ chúng ta phải không?
Hai người nhìn nhau, cùng cất tiếng cười vang vang...
Hết chương 16