Công Ty Chương 22


Chương 22
Không thể nằm im dưới vực sâu

Trận mưa đầu hè lớn chưa từng thấy. Tiếng gió quật vào cây cối, xô đẩy những nóc nhà tôn mỏng rầm rĩ, nuốt gọn âm vang quen thuộc của người và xe cộ trong khu phố lao động nhỏ. Một sự náo loạn buồn bã. Ánh đèn trong các căn phòng phía sau lưng tôi tắt dần. Tôi đứng dưới mái hiên, lưỡng lự nhìn nước đang dâng lên khúc đường ngay trước đại lý tiếp thị. Chắc không thể về được lúc này. Nước tràn vào ống pô thì cái xe cub ọp ẹp của tôi sẽ chết máy ngay tức khắc. Bác bảo vệ mời tôi một điếu thuốc lá sót lại trong bao giấy. Khói thuốc hăng hăng, hơi nặng, bảng lảng bầu không khí căng mọng hơi nước.

Trong khoảnh khắc, tâm trí tôi trôi dạt về quê nhà, quãng thời gian nhiều năm trước, khi tôi và Hoàng Anh còn là những đứa trẻ quê mùa vừa lớn lên, yêu thương nhau như một chuyện hiển nhiên chẳng sao khác được. Tôi nhớ hồi đó, cũng một buổi chiều đầu hè hệt thế này, tôi và Hoàng Anh đi học về, mưa ụp xuống đột ngột. Mưa to đến nỗi con đường tráng nhựa huyện lị biến mất trong làn nước trắng bạc cuộn tung ào ạt. Cây cối hai bên đường gió lùa ngả nghiêng. Chốc chốc, lại có một tia chớp rạch ra tia lửa chói loà mắt trên nền trời xám thẫm. Cái xe đạp nhỏ của tôi gắng gượng, nhích từng chút một trong thác nước cuốn ngược chiều. Thế mà cái khoảng thời gian lẽ ra thật nhọc mệt ấy, lại toả ra ánh sáng sướng vui chưa từng thấy với chính tôi. Hơi thở nóng hổi sợ hãi của Hoàng Anh dồn dập ngay phía sau lưng, những ngón tay bé bỏng của cô níu chặt eo tôi, run rẩy, giao phó cho tôi toàn bộ tính mạng cô, miễn sao đừng để dòng thác nước cuốn phăng xuống con suối nước cuồn cuộn chảy cách đó không xa. Khi tiếng sấm vang động, cô giật nảy lên, vầng trán bướng bỉnh chúi mạnh làm sống lưng tôi đau điếng. Tôi lạc tay lái. Cái xe đạp đổ uỳnh. Tôi chỉ kịp kéo tay Hoàng Anh đứng dậy. Chiếc xe tức khắc trôi xuống con mương người ta đang đào dang dở ven đường. Hoàng Anh sợ mất chiếc xe, vùng ra, chạy lao theo, trợt chân ngã lăn xuống mương nước dâng cao. Cho đến bây giờ, trong tai tôi vẫn vẳng lên tiếng cô gào “Hoà ơi cứu em!” đầy khẩn thiết, hoảng sợ. Tôi cũng cuồng lên, nhào xuống, vươn tay tóm chặt bàn tay Hoàng Anh. Lôi được cô lên, tay tôi trầy xước, tươm máu. Hai đứa núp vào sạp trái cây bên đường trú mưa. Vệt nước mắt chảy loang khắp mặt Hoàng Anh khi thấy những vết rách dọc cánh tay tôi. Lúc đó, chẳng thấy đau gì cả, tôi chỉ nghĩ thiết tha rằng mai sau này, dù có là ai, dù có chảy bao nhiêu máu, nhất định tôi sẽ bảo vệ cô ấy, giải cứu cô ấy bất kỳ tình huống hiểm nguy nào…

Mưa vẫn dội xuống ào ạt. Bác bảo vệ nhìn khoảnh sân nước dâng lênh láng, vẻ mặt đầy cảm thông: “Mưa kiểu này, nhà trọ của cậu có dột không?”. Câu hỏi ném tôi về lại thực tế đang phải đối diện hàng ngày. Bữa nay cuối tháng rồi, bà chủ khu nhà trọ thế nào cũng í éo réo đóng tiền. Rồi khoản điện nước cũng vừa tăng giá gần đây. Mưa thế này, sàn nhà chắc ngập nước rồi, cái tủ vải đựng quần áo thấm ướt hết chứ chẳng chơi. Không nhớ đến thì thôi, nghĩ tới, thực tế càng thêm nặng nề. Dân sinh viên tỉnh lẻ như tôi, tốt nghiệp đại học Kinh tế, ra trường đứa nào cũng phải chật vật kiếm việc. Đứa nào cũng ham bám trụ thành phố, ai mà muốn về tỉnh làm gì. Thành phố người đông của khó. Cử nhân kinh tế nhiều quá, chỗ làm ngon lành đâu có nhận những người non nớt thiếu kinh nghiệm. Trôi dạt từ văn phòng giới thiệu này sang dịch vụ việc làm khác, rốt cục tấm bằng quản trị kinh doanh loại khá cũng chỉ đủ để tôi xin một chân làm sổ sách chứng từ trong cái đại lý chuyên tiếp thị sản phẩm tẩy rửa. Trái ngược với giấc mơ thời sinh viên làm việc trong môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, với máy tính hiện đại, với những cuộc viễn du khắp các miền đất xa xôi, với các hợp đồng trị giá bạc tỉ, thế giới bao quanh tôi giờ đây chỉ là những gói xà phòng giặt, nước thơm súc miệng, dầu gội đầu cần phải đong đếm, giao cho đám nhân viên tiếp thị làm công nhật len lỏi vào mọi ngóc ngách thành phố. Mùi thơm của những gói kem tắm dầu gội ám ảnh vào cả giấc ngủ của tôi. Chúng như những bóng ma không hình thù nhưng trói chặt tôi lại vào đủ thứ lo âu vặt vãnh. Làm suốt, làm suốt, tôi cũng chỉ dừng ở mức một nhân viên cạo giấy xoàng xĩnh, không ngóc đầu lên nổi. Điếu thuốc hút đến đót rơi tàn xuống đầu gối quần. Tôi phủi nhẹ. Một lỗ thủng hiện ra. Bác bảo vệ cười xoà, an ủi: “Đừng lo, lỗ thủng tí xíu. Nói nhỏ bạn gái nó mạng lại cho mà mặc. Vụ này phụ nữ khéo lắm, làm mấy hồi!”. Một lần nữa, tôi lặng đi. Tại sao khi tôi đã bắt đầu nguôi ngoai nỗi đau mang tên Hoàng Anh, thì luôn luôn có những chuyện tình cờ gợi nhớ, khiến tôi đau đớn, hệt như vết thương mới vừa nứt vỡ, chứ chẳng phải đã qua gần bốn tháng rồi. Tôi đứng ngay lên: “Thôi, cháu về đây xem nhà trọ dột nát ra sao!”. “Ừa, chạy lẹ đi! – Bác bảo vệ hồ hởi, nói chắc mẩm - Chắc là còn qua đón bạn gái chứ gì!”. Tôi đành gật nhẹ. Nước mắt ứa ra nơi khoé. Tôi bước thẳng ra dưới khoảng trời đang vãn dần mưa, chẳng muốn ai biết là mình đang khóc.

Dọn dẹp tàn tích mưa dột trong căn phòng trọ, rồi ăn qua loa gói mì xong cũng gần 9 giờ tối. Thay bộ đồng phục áo vàng quần đỏ, tôi lại dắt xe cái xe cub chạy thẳng ra đường, đến 24 giờ 7 ngày – cái siêu thị nhỏ chuyên bán hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm về khuya. Khi Hoàng Anh nói lời chia tay, vùng vẫy thoát khỏi cơn suy sụp tinh thần kéo dài, tôi đã xin được một chân bán hàng ở cái siêu thị nhỏ. Công việc cũng nhẹ nhàng, tuần bán 4 đêm, lương 800 ngàn một tháng. Dù sao, nếu không đi làm kiểu này, thời gian đó, tôi cũng không sao chợp mắt được vì đau đớn. Dần dần, nỗi đau cũng nguôi ngoai trong chuỗi việc làm tất bật. Công việc bán hàng giúp tôi nhìn thấy thêm nhiều hạng người, biết được nhiều thói quen khác lạ mà nếu chỉ làm việc như các viên chức khác, tôi sẽ không sao hình dung nổi. Chẳng hạn có những dân chơi sang trọng, đi xe SH, quần áo đắt tiền, dắt theo bạn gái ăn mặc thật bắt mắt sau một đêm chơi khuya bỗng trở nên nhếch nhác, trắng bệch ra như mấy con cá ươn, sực nức hơi men và mùi nước hoa tàn héo. Họ tấp vào siêu thị, ồn ào mua mấy gói mì tôm và hộp sữa lạnh, rồi biến mất vào bóng đêm. Có cô vũ nữ thân hình bốc lửa, cặp chân dài lúc nào cũng mang vớ nylon đen, rụt rè đẩy cửa kính, mua cho đứa con nhỏ ở nhà gói bột dinh dưỡng. Chẳng biết bình thường lúc hành nghề ra sao, chứ khi đứng trong vùng đèn sáng trước mắt dò hỏi của kẻ lạ, cô ta như lo sợ lắm. Cũng có mấy cô gái làm văn phòng nước ngoài, có lẽ ở lại làm cho xong kế hoạch nên về rất khuya, cô nào cũng đeo kính cận, bàn tay trắng xanh run lên mệt mỏi khi móc tiền trả ở quầy thu ngân. Gặp mấy cô gái ấy, lòng tôi lại cồn lên nỗi nhớ Hoàng Anh. Chắc người tôi thương yêu cũng đang vất vả giống hệt thế này đây. Nỗi đau đớn lại ập đến. Là một thằng đàn ông, tôi không thể lo lắng chu toàn cho cô gái tôi yêu? Tại sao tôi cứ nghèo mãi? Tại sao tôi luôn nỗ lực vươn lên, mà cuộc sống không dành cho tôi cơ hội nào cả?

Tôi cất xe máy vào nhà kho phía sau và bước vào siêu thị, vừa kịp nhận ca đêm. Sổ bán hàng và ngăn kéo tiền lẻ. Danh mục những thứ hàng mới nhập về. Tôi ngồi vào bàn, lấy một cốc trà đặc chống lại cơn buồn ngủ. Giờ này vắng khách hàng, tôi tranh thủ lấy quyển sách tiếng Hoa ra học thêm. Dù có suy sụp buồn khổ đến mấy, cũng phải ráng mà học. Biết đâu, có thêm một tấm bằng, nói thành thạo tiếng Hoa, tôi sẽ có một cơ hội nào đó đổi đời.

Tôi vẫn nuôi hy vọng một ngày kia, có nhiều tiền hơn, mua một cái xe tay ga tử tế, thuê được một căn hộ chung cư, tôi đến tìm lại Hoàng Anh. Chắc chắn cô sẽ không từ chối tôi nữa. Nhưng cái đêm tình cờ, Hoàng Anh đi với một người ngoại quốc, ghé vào siêu thị tôi làm việc ca đêm, thì giấc mơ trong tôi đã sụp xuống, vỡ tan tành. Hoàng Anh không thấy tôi. Cô lững thững đi giữa các quầy hàng, chọn mua mấy gói cà phê bột, khăn giấy và nước ép trái cây. Rồi người đàn ông mà cô gọi là Peter đến trả tiền ở quầy thu ngân. Giây phút đó tôi biến thành một tảng băng lạnh toát. Rõ ràng, cô gái của tôi khiếp sợ người đàn ông. Tất cả vẻ tự tin rắn rỏi mà tôi hằng yêu mến ở Hoàng Anh, khi đứng bên gã ngoại quốc kia, đã biến mất sạch. Chỉ còn lại cái vẻ mặt vừa nhu mì, vừa xấc xược của một người yếu thế chấp nhận phụ thuộc. Khi gã ta chọn mua thêm mấy gói Durex trên kệ bày hàng đặc biệt ngay trước máy tính tiền, đột nhiên tôi như một kẻ mê ngủ thình lình tỉnh giấc. Đó là một cú đánh rất dữ, rất mạnh nện vào đầu tôi, trực diện. Lớp màng hy vọng mơ hồ về một ngày nào đó Hoàng Anh quay về đã bị bóc đi. Thực tế bao giờ cũng biết cách hiện ra dưới những hình ảnh cụ thể và phũ phàng nhất. Thời điểm đó, tôi mới sụp hố thật sự. Tôi vẫn ăn uống, hít thở. Tôi vẫn đi làm sáng làm đêm. Thế nhưng, mọi thứ thuộc về tôi chừng như được vận hành bằng một bộ điều khiển nào đó, hoàn toàn riêng biệt. Không phải là nghèo đói hay thiếu thốn, với tôi, khủng khiếp làm sao khi chẳng biết mình sống để làm gì nữa.

…Những dòng chữ tượng hình nhảy nhót trước mắt tôi, kết thành những mẫu câu phức tạp, ý nghĩa ngộ nghĩnh. Một bà khách xách giỏ hàng đến gần quầy thu ngân tính tiền. Tôi gấp sách học lại, cất xuống ngăn bàn. Người phụ nữ nhìn tôi đăm đăm, đến mức tia mắt phản chiếu trong mặt đồng hồ tính tiền cũng khiến tôi giật mình. Tôi ngước nhìn lên. Người phụ nữ trông vừa lạ, vừa quen. Cái nhíu mày thăm dò nhanh chóng nở thành nụ cười thân thiện:

-Cậu là Hoà, bạn trai cũ của Hoàng Anh, đúng không?

-Vâng, sao chị biết em? – Tôi hơi khựng lại.

-Tôi là Bảo, trước kia làm việc cùng Hoàng Anh ở Red Sun!

Tôi nín lặng. Lúc còn yêu nhau, đôi lần Hoàng Anh cũng than thở đôi chút với tôi về Ms.Bảo và sự khắc nghiệt của bà sếp phòng Sales. Nhưng hình như bây giờ đã có sự thay đổi danh phận nào đó. Nói là “trước kia…”, có nghĩa giờ đây chị ta không còn làm việc tại Red Sun. Chừng như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, chị ta nói tiếp:

-Bây giờ tôi đã rời khỏi Red Sun rồi. Tôi mở một công ty riêng, do chính tôi làm chủ. Cũng về quảng cáo và thiết kế. Quy mô nhỏ hơn nhưng làm ăn rất ổn.

-Vâng, chúc mừng chị – Tôi nói máy móc.

-Đừng nói khách sáo! – Giọng Ms.Bảo gằn xuống – Tôi không muốn rời khỏi chỗ làm thơm ngon ấy đâu. Nhưng cô bạn gái cũ của cậu đã hất tôi đi khỏi nơi ấy. Hoàng Anh quả là đứa con gái ghê răng đấy!

-Chị đừng nói vậy về Hoàng Anh! – Tôi nói khẽ, gần như van xin.

-Cậu còn tội nghiệp cô ta ư? Chắc chắn cô ta đã đá đít cậu đi, phải không? – Người phụ nữ cười đắc thắng.

-Không phải thế đâu, chị ạ

-Thôi nào, cô ta đã cho cậu đi tàu suốt để bập vào gã Peter Yeo. Còn Peter thì chơi tôi một vố đau để đẩy con ranh quỷ quái đó lên – Ms.Bảo nhấn nhá, chưa thôi căm phẫn.

Tôi ngồi im, run bần bật, đau khổ và tủi hổ cùng cực. Bàn tay của người phụ nữ vươn qua bàn, đặt lên vai tôi.

-Thôi nào, bỏ qua chuyện đó. À, Hoà biết tiếng Hoa giỏi không?

-Em giao tiếp được chị ạ.

-Về làm việc với chị nhé. Chị đang cần một nhân viên kinh doanh giỏi. Mảng quảng cáo bên chị làm liên hệ với nhiều công ty của Đài Loan. Nếu cậu muốn về, chị rất sẵn lòng. Chị trả lương không tệ đâu. Khởi đầu là 300 đô. Sau đó, sẽ cao hơn nếu cậu làm được việc. Chức trưởng phòng kinh doanh vẫn còn bỏ trống đó, Hoà ạ…

Tôi hít một hơi dài. Không, lúc này không phải là lúc tính toán chuyện tiền bạc nhiều ít. Hơn hết, đây chính là cơ hội để tôi thay đổi vận mệnh đời mình. Tôi muốn tạo ra một hình ảnh hoàn toàn mới. Tôi phải thành đạt. Tôi không thể nằm lì dưới vực sâu. Tôi phải cứu Hoàng Anh ra khỏi gã ngoại quốc khốn kiếp đã ép buộc cô. Bất kể Ms.Bảo là ai, nhưng lúc này chị ta đang ném cho tôi sợi dây. Vậy tôi phải nhoai lên, bò lên dốc núi.

-Em sẽ về làm với chị, chị Bảo ạ! – Tôi nói nhanh, quyết đoán.

-Tốt! Cậu đúng là người chị cần. Tin chị đi, cậu sẽ có điều kiện để chiến đấu với kẻ đã cướp mất Hoàng Anh.

Tôi gói xong hàng cho Ms.Bảo. Chị ta đưa cho tôi một các name card, hẹn ngày mai đến thẳng công ty. Người phụ nữ đã bước ra khỏi siêu thị, bước đi rắn rỏi, đắc thắng. Tôi cầm cái danh thiếp đưa lên mắt đọc kỹ. Chữ HỒNG NHẬT – tên công ty – được phóng to, in bằng màu đỏ phản quang chói rực.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/67676


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận