Đường lên đỉnh Ghềnh Ráng thành phố Quy Nhơn. Nơi có mộ phần thi sĩ Hàn Mặc Tử. Huỳnh cùng tôi từng bước thanh thản trèo lên đỉnh đồi. Phía trước, đàng sau chúng tôi nhiều tốp người, nhiều đôi nam nữ cầm tay nhau tung tăng nói cười rôm rả. Mấy anh thợ nhiếp ảnh nâng máy lên ti tách liên tục lóe sáng cả hàng cây.
Người đón chúng tôi là Dzu Kha. Nhà thơ với bút danh là Bút Lửa. Đã dựng lều thơ bên cạnh mộ phần Hàn Mặc Tử để sáng tác thơ và tranh thuỷ mặc góp phần tôn thêm vẻ huyền bí của một đời thơ cô quạnh.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng, Dzu Kha giao phần việc đang làm cho người khác, đưa chúng tôi xuống chân đồi nơi có quán giải khát "Trăng Hàn" của anh, để nhâm nhi thưởng thức hương vị cà phê cao nguyên trung phần, cùng nhau đàm đạo văn chương và bù khú đủ chuyện trên đời, đến lúc những tia nắng le lói cuối ngày nhòm qua tán lá bằng lăng là lúc chúng tôi chia tay. Dzu Kha ngược dốc về với lều thơ.
Tôi và Huỳnh lên xe. Huỳnh mời tôi về nghỉ lại nhà Huỳnh. Sau hơn hai tiếng đồng hồ rong ruổi chúng tôi về đến nhà, không vào bằng cổng chính mà vào cổng phụ phía trái, cách cổng chính độ mươi mét. Ngôi nhà tôi vào so với biệt thự nó chỉ là cái bóng mà thôi.
Vào nhà, tôi gặp chị Hoài, một thiếu phụ thon thả, tóc buông xõa ôm đôi má ửng hồng, nụ cười nửa miệng chua chát, sau khi đã chào tôi. Huỳnh giới thiệu tôi với Hoài:
- Đây là anh Hùng, nhà văn ở Hà Nội vào thăm.
Hoài điềm tĩnh đáp:
- Quý hóa quá, anh đi đường xa chắc mệt lắm nhỉ? Mời anh...
Huỳnh tiếp:
- Thôi! Để anh Hùng lên trên này với anh cái đã, gặp em sau.
Tôi bắt tay Hoài, xin được cùng Huỳnh lên gác, Hoài chẳng phản ứng gì, chỉ phảng phất một nét dửng dưng lặng lẽ buồn.
Lên gác Huỳnh mời tôi ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế xa lông bọc nhung, Huỳnh mở tủ lạnh lấy hai chai nước khoáng lavie rót ra hai ly thuỷ tinh trong vắt và bày một đĩa nho quả dài màu xanh lục mời tôi, Huỳnh chậm rãi:
- Chuyện của chúng em nó dài dòng lắm, nếu vào tay anh không chừng trở thành một thiên tiểu thuyết nhiều tập khá ly kỳ đấy. Gia đình em thuộc vào loại có máu mặt ở vùng này. Biệt thự bên trái đó, trước đây là của nhà em, nhìn bên ngoài đã thấy bề thế lộng lẫy, nhiều người say ngắm, nếu vào bên trong lại càng choáng ngợp.
Ba em là một sỹ quan cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng tâm hồn lại là một nghệ sĩ. Ông biết kết hợp trường phái nghệ thuật phương Đông và phương Tây một cách hài hòa dung dị, ta chiêm ngưỡng sự bài trí của ông cảm thấy lòng mình vừa thăng hoa vừa siêu thoát, bồng bềnh như lạc vào trong cõi mộng.
Ba má em sinh được nhiều bận, nhưng không đậu. Đến lượt em mới lên năm phải đem lên gửi chùa. Sau ngày ba em tử nạn, má rất buồn đâm ra ngã bệnh. Em ở trên chùa cứ lớn lên như thổi, đến tuổi này mà em còn giữ được phong độ như thế này thì lúc mười tám đôi mươi dù ở chùa vẫn lắm ni cô, phật tử theo đuổi xin chết cùng em và chính Hoài là một ứng cử viên trong số đó.
Em và Hoài chia tay nhau đã hai năm nay, nếu không có anh, chắc chúng tôi chẳng nói năng gì với nhau, cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm. Đã biết nhau hết chân tơ, kẽ tóc rồi, nên chào hỏi chả để làm gì, Hoài còn vướng mấy thủ tục, không thì Hoài đã bay rồi. Hoài sẽ sang Hoa Kỳ sống cùng hai con bên đó. Chúng nó đi du học rồi định cư bên ấy luôn. Trước đây hàng tháng các con gửi tiền về tài trợ cho cả hai người. Từ ngày ly dị các cháu gửi về riêng cho từng người.
Cái biệt thự lộng lẫy từng làm nhiều người ngưỡng mộ đã phải sang tên cho chủ khác lúc mẹ Huỳnh lâm bệnh. Huỳnh phải bỏ chùa về chăm sóc mẹ. Đó là cả một chuỗi ngày dằn vặt lao lung của đời Huỳnh. Biệt thự đội nón ra đi, mẹ cũng không giữ nổi. Lầu chúng tôi đang ngồi hàn huyên này là sau ngày cưới Hoài, Huỳnh mới xây dựng bằng đồng vốn rút ra từ tiền bán ngôi biệt thự ấy.
Ngày Huỳnh còn mặc áo không tà, ngày rằm, mồng một, thậm chí cả ngày thường không những các ni cô mà các em bên ngoài dưới danh nghĩa phật tử cũng la cà trước cửa chùa để được nhìn lén Huỳnh, có nàng còn giả vờ bị bỏng khi thắp nhang để cầu cứu Huỳnh rịt lá bỏng cho. Nhưng được cái Huỳnh tiếp thu giáo lý nhà Phật từ rất sớm, biết cách giữ đạo chân tu nên không hề xao xuyến hay nao núng lòng người.
Vào một chiều thu, khi chỉ sót lại một vài sợi nắng tàn cuối ngày hiu hắt mờ nhạt nhảy nhót trên khoảng sân lát gạch đã phai đỏ của nhà chùa, Hoài ập đến như cơn lốc ôm chầm lấy Huỳnh ngước mắt nhìn Huỳnh một cách đắm đuối trong hơi thở dồn dập, nói lời cầu khẩn:
- Thầy ơi! Thầy cứu em với!
Huỳnh nhắm mắt lặng lẽ gỡ vòng tay của Hoài ra, niệm Phật rồi hỏi:
- Mô phật! Tín chủ có điều gì cứ bạch, mong tín chủ được an lành.
- Ba em sang định cư bên Mỹ, ba em bắt em đi theo, em sang bên ấy phải xa thầy em chết mất.
- Mô phật!
Huỳnh đọc xong lời niệm lặng lẽ rời gót bước vào trong chùa. Cô ta liền ngồi bệt xuống sân chùa ấm ức thút thít. Đại đức ở trong chùa nghe tiếng khóc và nhìn thấy Huỳnh đang đi vào liền hỏi:
- A di đà phật! Có chuyện gì thế?
- Mô phật! Tín chủ còn trẻ muốn xuống tóc quy y nên con vào bạch Đại Đức.
Đại Đức nghe xong nhẩn nha từng bước khoan thai ra gặp Hoài. Đại Đức lên tiếng:
- A di đà phật, tín chủ sao thế?
Hoài ngước lên nhìn Đại Đức nước mắt giàn giụa, Hoài đưa tay áo lên lau nước mắt rồi thưa:
- Gia đình con bắt con đi theo sang định cư ở Mỹ. Con không muốn xa nước mình, nên con đến cầu cứu cửa chùa. Con muốn xin được nương tựa cửa Phật.
Hoài yêu Huỳnh không chỉ vì Huỳnh đẹp người tốt nết như nhiều ni cô phật tử khác mà Hoài còn tham vọng muốn làm chủ cái biệt thự lộng lẫy kia.
Ngày hai đứa con của Hoài và Huỳnh đi du học nước ngoài, hai đứa được một người đồng hương trước đây là quan chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn đỡ đầu. Ông ta sang bên ấy cũng xây được một biệt thự giống như biệt thự của gia đình Huỳnh, kể cả trang trí nội thất cũng na ná như sự bài trí của ba Huỳnh nhưng sang hơn, đắt tiền hơn tuy vậy thẩm mỹ thì thua xa sự sáng tạo của ba Huỳnh.
Đợt hai vợ chồng Huỳnh đi du lịch sang Mỹ. Vì là người đỡ đầu hai đứa con, nên chủ nhân mời vợ chồng Huỳnh ở lại biệt thự ấy trong suốt thời gian vợ chồng Huỳnh ở Mỹ. Sau ngày du lịch về nước, Hoài nhiều đêm nằm bên Huỳnh mà luôn trằn trọc trăn trở với những chuỗi thở dài não nuột.
Rồi đến đợt nhận được tin bà Diệu Tâm, vợ người đỡ đầu con mình bị trest, ngã bệnh liệt giường nằm hơn một năm, rồi qua đời, thì Hoài lại biến đổi một cách khó lường. Từ một người đàn bà nền nã hiền thục, ăn nói nhẹ nhàng, chăm lo chồng con không thể nào chê được, nay trở thành một con người cộc cằn, thô lỗ, ăn nói ẫm ờ, đá thúng đụng nia làm cho Huỳnh phải dằn vặt, mất ăn mất ngủ, chỉ trong vài ba tháng người gầy rộc đi sụt đến năm cân. Huỳnh phải mất nhiều tâm sức dò la mới hay, người chủ biệt thự ấy, người đỡ đầu hai con của Huỳnh là người trước đây đã từng theo đuổi Hoài nhưng Hoài bị đáp lại lạnh nhạt.
Ngày ba Huỳnh tử nạn, mẹ Huỳnh buồn nản rồi đổ bệnh. Tuy còn ở chùa, Hoài đã dành rất nhiều tâm sức nâng giấc chăm sóc mẹ Huỳnh, tận tuỵ hơn cả Huỳnh. Lúc này Huỳnh nảy ra ý định xin nhà chùa cho mẹ đến ở cùng để tiện săn sóc phục thuốc cho mẹ. Nhưng Đại Đức trụ trì không chấp nhận. Còn gì nữa đâu ngoài người mẹ, thế mà bị khướt từ. Huỳnh quyết định rời nhà chùa để về nuôi dưỡng mẹ.
Huỳnh rời nhà chùa được vài tháng thì Hoài cũng bỏ chùa. Hoài hoàn tục, bà con chú bác của Hoài rất hoan hỉ, thời gian này Hoài lại càng có điều kiện để có mặt thường xuyên ở nhà Huỳnh cùng Huỳnh chăm lo tắm giặt, cơm cháo, thuốc thang cho mẹ.
Dần dà bệnh tình của mẹ Huỳnh ngày càng trầm trọng và đến lúc thầy thuốc cũng cho gia đình biết: Nếu cố gắng hết mức cũng chỉ giữ bà lại không quá ba tháng.
Nghe lời tiên định của thầy thuốc, bà con chú bác nội ngoại nhà Huỳnh họp mặt, nói lên nguyện vọng mong muốn cả hai bên nội ngoại là Huỳnh phải lập gia thất, họ bảo:
- Đã hoàn tục, phải lo thành lập gia đình trước lúc mẹ Huỳnh qua đời. Nếu để bà qua đời phải chờ mãn tang kéo dài bất lợi, vì tuổi Huỳnh đã lớn rồi !
Có thể nói toàn gia ép Huỳnh cưới Hoài. Nói là ép hơi quá đáng, vì Huỳnh cũng từng để ý đến Hoài và con người Hoài cũng chẳng có điều gì để đắn đo. Hoài được người được nết, đã yêu là yêu thương hết mình.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết Nguyên đán, đám cưới của Huỳnh và Hoài tiến hành rôm rả, các chức sắc tu sĩ, ni cô, phật tử đến đông đủ có cả Đại Đức trụ trì chùa cũng đến dự.
Cuối xuân đầu hè thì mẹ Huỳnh ra đi. Sau trăm ngày của mẹ Huỳnh chừng hai tháng cũng là lúc đứa con đầu lòng của Huỳnh và Hoài ra đời. Đứa ấy hiện nay là tiến sĩ Vật lí đang dạy ở trường đại học ở Mỹ.
Mẹ Huỳnh ốm kéo dài, phải bán ngôi biệt thự để trang trải thuốc thầy cho mẹ, đầu tư ăn học cho hai con, số còn lại xây cất căn hộ chúng tôi đang ngồi đàm luận.
Trời sắp tối Huỳnh và tôi ra quán ăn tối, rồi la cà đến khuya mới về nhà. Lúc này Hoài vẫn để chong đèn đợi chúng tôi, tuy Hoài làm như đang ngủ say, nhưng lại trở mình và hình như những hơi thở dồn dập từ phòng ngủ của Hoài thoang thoảng vương ra phòng ngoài.
*
* *
Ba năm sau, Huỳnh gửi thiệp cùng gọi điện mời tôi vào dự đám cưới của Huỳnh. Người Huỳnh sắp cưới là Hương, trước đây Hương đã tốt nghiệp Tổng hợp văn về làm cô giáo cấp ba, dần dà đảm nhận chức hiệu trưởng trường phổ thông trung học ở quận.
Sau một trận ốm thừa sống thiếu chết lúc hồi sức Hương lại có thêm năng lực mới, năng lực ngoại cảm. Hương đã giúp nhiều gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt chồng con mình. Vì vậy càng ngày nhiều thân nhân liệt sĩ đã đến cậy nhờ Hương tìm giúp. Hương thấy công việc choáng ngợp cả quỹ thời gian của mình nên đã trình đơn xin nghỉ chức hiệu trưởng, chỉ nhận làm giáo viên dạy văn để dồn thời gian làm công việc từ thiện. Đơn của Hương được giám đốc Sở Giáo dục chấp nhận.
Nhìn bề ngoài con người Hương mảnh mai, dịu hiền, trầm mặc, duyên dáng, với nội tâm nhạy cảm, tinh tế của một cử nhân văn chương mà không biết vì duyên cớ gì một hoa khôi, một trí thức yêu kiều như thế mà trước lúc thành thân với Huỳnh vẫn độc thân, thật là một điều nghe chừng hơi kỳ bí.
Hai con của Huỳnh cũng có mặt, hành xử đúng mực của những người có văn hoá cao. Tôi rất mừng cho Huỳnh. Tôi hỏi hai cháu:
- Ba cháu có tin cho má cháu không ?
- Má cháu và bố dượng đã nhận được thiệp mời kèm cả thư của ba cháu nhưng vì bố dượng phát bệnh phải nằm viện nên má cháu phải chăm sóc không bay về được.
*
* *
Việc Huỳnh gặp Hương kể cũng lạ. Huỳnh những năm tháng ở chùa đã có chứng chỉ tốt nghiệp cao học Phật học, lại có bằng cử nhân Luật, nên hoạt động trong hội luật sư của thành phố. Tầng trệt của ngôi nhà Huỳnh trước đây Hoài sở hữu, sau khi Hoài sang Mỹ, được sử dụng làm văn phòng luật sư của thành phố.
Một hôm Huỳnh đang ngồi ở văn phòng với đồng nghiệp, từ cổng có một đoàn ba người vào. Huỳnh ra sân đón, cứ ngỡ họ đến nhờ luật pháp can thiệp trong đó Hương là chủ của đoàn. Hương liền trình bày:
- Chúng tôi đến không phải nhờ văn phòng luật sư giúp sức, chỉ đến nhờ chính anh giúp chúng tôi tìm hài cốt liệt sỹ.
Nghe xong Huỳnh đáp:
- Việc hài cốt có liên quan đến nghề luật sư
của tôi!
Hương đáp:
- Có đấy, nếu không có anh thì không thể thực hiện được.
Nghe vậy Huỳnh liền mời ba người lên gác. Sau khi yên vị Huỳnh mời nước các vị khách rồi lên tiếng:
- Chúng tôi là luật sư, việc tình nghĩa chúng tôi sẽ toàn tâm, toàn ý góp một phần nhỏ vào việc đền ơn đáp nghĩa.
Nghe tâm sự của Huỳnh, Hương tạm yên tâm. Hương tiếp tục trình bày:
- Giới thiệu với anh đây là chị Nhẫn vợ liệt sỹ và cháu Hoàng Chí phó bí thư thành đoàn, con của liệt sỹ Hoàng Cương hy sinh năm 1968, liệt sỹ là cán bộ lãnh đạo của tỉnh đoàn thanh niên. Tham gia trận tấn công nổi dậy của thành phố đã hy sinh. Hơn mười năm nay chị và cháu ra công tìm kiếm nhiều nơi trong thành phố mà chẳng thấy, gần đây chị tìm đến tôi. Giới thiệu với anh tôi là tên là Hương, nguyên hiệu trưởng trường phổ thông trung học ở quận, tôi đã tìm được cho chị ấy, bây giờ rất cần đến sự giúp đỡ của anh.
Nghe lời trình bày của Hương, Huỳnh trầm ngâm suy nghĩ rồi tiếp lời:
- Nếu trong khả năng của tôi, kể cả việc can thiệp của luật pháp tôi sẵn sàng làm hết khả năng của mình.
Hương lại tiếp:
- Không cần đến pháp luật chỉ cần anh thông cảm và mở hết lòng từ bi, hy sinh một ít vật chất.
Nghe vậy Huỳnh liền hồ hởi bảo:
- Cái gì chứ cái ấy tôi sẵn sàng dư thừa, em nên biết anh ngoài tấm bằng luật sư còn có chứng chỉ cao học Phật học nữa đấy.
- Em rất mừng, - Hương nói tiếp: - Ở đời đâu hiếm những người mũ cao áo dài, sách vở bằng cấp chất đầy đầu mà vẫn làm những điều thất đức, miễn sao vơ vét cho đầy túi tham là hể hả với đời.
Nghe vậy Huỳnh tiếp:
- Cụ thể em cho anh biết bây giờ anh phải hy sinh vật chất của cải có đến chục triệu không?
Hương đáp:
- Chỉ vài trăm thôi!
Huỳnh tiếp:
- Thế thì có gì phải băn khoăn, một vài trăm chứ một vài chục triệu chả có nghĩa lý gì với công lao của các liệt sỹ, việc đền ơn đáp nghĩa là cả một quá trình của cả dân tộc vậy thì có gì phải lăn tăn.
- Thế thì tốt rồi! - Hương nhìn sang chị Nhẫn bảo hai mẹ con chị Nhẫn nói lời cảm ơn Huỳnh.
Chị Nhẫn ngập ngừng nói:
- Mẹ con em xin đội ơn anh và gia đình!
Huỳnh càng không hiểu gì cả. Lúc này Hương mới trình bày:
- Năm 1968 ở đoạn đường này, sau khi quân giải phóng chiếm giữ đã đào giao thông hào để phòng ngự chống trả tái chiếm. Anh Cương đã hy sinh ở đây không phải trong giao thông hào mà trong hầm ở bên trái ngõ nhà mình, ở gần giữa sân gạch cách hàng rào một mét, mong anh giúp đỡ cho khai quật.
Nghe xong Huỳnh bàng hoàng hỏi lại:
- Điều em nói có chính xác không?
Hương đáp:
- Chính xác đến tám mươi phần trăm.
Sau khi hoàn tất đưa hài cốt liệt sĩ Hoàng Cương về nghĩa trang, mảnh sân được lát lại như cũ cũng là lúc Huỳnh khâm phục Hương và Hương cũng tìm thấy được một nửa của đời mình như trong mộng.