Cõi Người Truyện 3


Truyện 3
Nhãn cam cuối mùa

B

à Liên tuổi đã ngoài bốn mươi, những đường nét cong eo của thời con gái vẫn theo bà đến tận bây giờ, nước da trắng nõn nà, khuôn mặt trái xoan, đôi mắt long lanh như hai giọt nước, nụ cười nửa miệng phô đều hàm răng như hai hàng hạt lựu long lanh khiến cho các đấng mày râu mỗi lúc tiếp xúc với bà đều xốn xang

bối rối.

Hôm nay bà nhẹ nhàng lách người đi vào vườn cam, tay trái xách chiếc làn được đan bằng những sợi mây còn mới. Tay phải cầm chiếc kéo tỉa cành, cặm cụi tìm những quả cam ửng vàng lẫn khuất trong những tán lá màu xanh sẫm. Những quả cam này bà đã có ý chọn để lại, bởi bà suy tính: Gì thì gì, hè này thằng Hậu ra trường, hai mẹ con bà phải ra thăm gia đình cái Hoa, trước để thăm bố nó, sau bàn bạc việc cưới xin cho con luôn thể. Bà nhẹ nhàng đặt quả cam vừa cắt vào làn, lần bước sang gốc cam khác. Bất thần chân này đá phải vào chân kia ruột gan cứ tỉnh tỉnh mê mê. Mà lạ thật, không biết vì cơn cớ gì mà từ sáng đến giờ đã vấp phải mấy lần như thế rồi, bà đang miên man suy nghĩ: Ừ? Chuyện thằng Hậu với cái Hoa gặp nhau trong đợt hè sinh viên tình nguyện, chúng nó hiểu hoàn cảnh của nhau rồi yêu nhau, chóng vánh thật. Mà kể cũng lạ! Một đằng bố cái Hoa hỏng cả đôi mắt vẫn lo tròn bổn phận gà trống nuôi con, nuôi nó từ ngày mẹ mất, mới lẫm chẫm biết đi. Thằng Hậu tuy được người mẹ lành lặn nuôi dưỡng nhưng mấy ai biết được cuộc đời bà cũng mang đầy "thương tích", tuy bên ngoài không bị xây xát vẫn còn vẹn nguyên nhưng đường đời đã giày vò tâm can bà, bà phải cắn răng chôn chặt nỗi đau đời nuôi con một mình. Giá như anh Hùng không hy sinh thì đời của bà đâu đến nỗi phải bị rơi vào hoàn cảnh cơ cực này!



Trong lúc bà đang chới với hụt hẫng, bao nhiêu ước mơ tan thành mây khói, trái tim bà đang nhói buốt lại gặp phải lời phỉnh nịnh ma mị của hắn, chẳng tìm hiểu kỹ càng, chỉ một phút xao lòng, cứ lầm tưởng hắn là một đấng anh hùng, một thương binh thứ thiệt xả thân vì sự nghiệp. Có ngờ đâu hắn ta là một thằng hèn, một con người tham sống sợ chết đã tự thương để bị loại ngũ, cho nên đời bà phải trả một giá quá đắt.

Đời bà cơ cực nhất, nguy nan nhất là lúc bà sinh nở, sinh xong bị bệnh hậu sản, người chỉ còn da bọc xương, xanh xao bủng vàng, cứ mong cứ đợi nó lên mạn ngược tìm thuốc cho mình. Song đợi hoài, đợi mãi chẳng thấy bóng chim tăm cá ở đâu! Đến lúc cơ quan công an về điều tra mới vỡ lẽ hắn lên trên ấy theo một người đàn bà khác, bà ta chuyên buôn bán ma tuý. Hắn đã sang bên Lào lấy hàng về cho bà ta được chót lọt mấy chuyến, có tiền tha hồ hú hí ăn chơi phè phỡn đến lúc bị bắt mới cung khai gốc gác dính líu đến mẹ con bà làm cho đời bà đã túng quẫn lại càng thêm túng quẫn.

*

* *

Trong hoàn cảnh gạo hết tiền không con mọn người ốm, ngàn cân treo sợi tóc, cứ ngỡ không thể nào vượt qua được. Nhưng đời chẳng cho không ai tất cả và cũng chẳng lấy đi của ai tất cả. Trong cơn tuyệt vọng mẹ con bà được chòm xóm đùm bọc, chi hội phụ nữ đã tận tình giúp đỡ thuốc thang, quần áo, gạo tiền, còn thường xuyên đến động viên an ủi nên mẹ con bà mới vượt qua được cơn khốn khó này. May thay thằng Hậu càng lớn càng thấu hiểu cảnh nhà, nó rất mực thương yêu mẹ. Vừa đi học vừa lao động giúp mẹ bất kể công việc gì chẳng nề hà, từ lớp một đến hết cấp trung học phổ thông năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngày thi vào đại học Y lại đỗ đầu, được xét cấp học bổng làm cho bà nở từng khúc ruột, mát mặt mát mày với xóm làng.

Có phải do ông tơ bà nguyệt thương tình hay không mà thằng Hậu gặp được cái Hoa được cả người lẫn nết, mẹ nó từ một hộ lý trở thành y tá, y sĩ tình nguyện chăm sóc bố nó rồi trở thành vợ bố nó. Cưới nhau hơn một năm thì có con. Mẹ nó bị ung thư vú di căn mất lúc nó mới tập đi, theo như lời cái Hoa kể lại, bà con cô bác bảo: Sau khi mẹ nó qua đời nhiều người thương tình muốn ghé vai gánh vác nhưng bố nó đều im lặng.

Mùa thu năm ngoái trước ngày tựu trường Hoa mang vào biếu bà mấy cân nhãn muộn, nó nói với bà: Bố nó bảo vào thưa lại với bà, giá như còn lành lặn, bố nó đã vào thăm bà từ lâu rồi, hiềm một nỗi bố nó đi lại quá khó khăn nên mời bà ra thăm quê cảnh của nó, Hoa còn đùa bảo: "Khi bác ra thăm, biết quê thương cảnh chắc gì bá đã muốn về!". Nghe vậy bà gõ nhẹ vào làn tóc xanh mượt trên đầu nó với nụ cười bảng lảng tự nhiên đôi má bà lại ửng hồng.

*

* *

Ngày hai đứa mới yêu nhau, Hoa đưa Hậu về quê, bố Hoa rất mến Hậu, tìm hiểu quê cảnh của Hậu rất tỉ mỉ, nào mẹ Hậu bao nhiêu tuổi, có tin tức gì của bố không? Bà con chú bác có những ai? Nhất là tên xã, tên làng, tên đội sản xuất. Được Hậu thưa lại cặn kẽ gia cảnh của mình bố Hoa bỗng rùng mình vươn vai đứng dậy rồi bảo: Người bố hơi khó chịu, đầu bị ong ong cho bố vào nghỉ một lát. Hậu và Hoa mỗi đứa một bên dìu bố vào giường đặt bố nằm ngay ngắn. Hậu bật quạt, Hoa miết trán xoa thái dương, nắn bả vai, nắn tay chân cho bố, đoạn bố Hoa bảo: "Thôi bố ổn rồi."

Hai đứa kéo nhau ra vườn, bố Hoa liền gác tay lên trán suy nghĩ mung lung và thầm kêu lên: "Đúng rồi! Đúng em rồi Liên ơi! Em hiểu cho anh, ngày ấy anh vào chiến trường đã có thư cho em, chưa có dịp gửi ra thì đơn vị anh nhận lệnh phải nhổ nhanh cái gai trên đường số chín gần căn cứ Khe Sanh. Do chỉ huy của binh đoàn anh, cho là quả đấm thép của Bộ mà chỉ hốt một cứ điểm bằng mắt muỗi không xứng chút nào và điện ra Bộ xin tiêu diệt tập đoàn Quán Ngang mới vừa tầm.

Dưới con mắt toàn cục, Bộ vẫn quyết định không thay đổi. Vì khinh xuất, cho ta là đơn vị chủ lực của Bộ, được trang bị binh khí kỹ thuật hiện đại là quả đấm thép, việc tiêu diệt cứ điểm ấy như lật bàn tay không khó khăn gì. Từ đó công tác trinh sát có phần hời hợt cho nên lúc anh đẩy quả bộc phá đã được điểm hỏa vào lỗ châu mai gặp phải lưới chăn bùng nhùng không lọt vào trong được. Bộc phá nổ chỉ hất tung phần trên của lô cốt đồng thời bốc anh ném xuống dưới chân đồi. Phải lâu lắm mới hồi tỉnh được nhưng đôi mắt không nhìn được gì nữa. Tai anh vẫn nghe được tiếng nổ chát chúa, anh thầm nghĩ: Thế là đơn vị của anh gặp khó khăn rồi!

Theo kế hoạch tác chiến, chỉ trong vòng nửa tiếng là thu dọn xong chiến trường. Các đơn vị phối hợp khống chế phi pháo địch thôi không khống chế và rút về vị trí tập kết. Lúc này phi pháo địch có hoạt động cũng chẳng làm được trò gì.

Lúc này, đầu anh vẫn mông lung nghĩ ngợi, muốn nhổm người dậy nhưng toàn thân bị tê liệt, tay anh khua ra phía trước túm được bụi cây nhỏ, lê lết được khoảng năm chục mét, bàn tay anh chạm dòng nước, anh trườn người lên, úp mặt xuống dòng nước uống một hơi không nghỉ, đến khi phình bụng mới chịu thôi, nghỉ chốc lát lại tiếp tục vít cành cây lết về phía trước cho đến lúc kiệt sức không còn hay biết gì nữa, coi như đời đã chấm dứt. Khi tỉnh dậy đưa tay sờ soạn bốn bề đều là vách đá, mặt mũi chân tay được đắp thuốc lá, có chỗ còn ốp cả bẹ chuối vào người và dây buộc cũng bằng dây thân cây chuối.

Sau này mới biết, sáng ngày hôm sau người con gái Vân Kiều tên là Krơn ra suối lấy nước thấy anh nằm bên bờ suối, Krơn quay về nhà gọi bố, bố Krơn ra suối nghiêng mình đặt tai vào ngực xác chết thấy còn thoi thóp. Hai bố con cõng dìu anh về đây. Hang đá này nằm cạnh rẫy của

nhà Krơn.

Bố Krơn tên là Hồ Kai - thầy lang nổi tiếng khắp vùng. Hai bố con thay nhau thuốc thang cơm cháo cho anh, phải đến ba tháng sau mới liên lạc được với bộ đội.

Một đêm không trăng sao, một tốp chủ lực được bộ đội địa phương dẫn đường vượt phòng tuyến địch vào tận hang đá đưa anh về với đồng đội, ông Hồ Kai đã nói lại quá trình chăm sóc điều trị bằng lá cây rừng và tình trạng sức khỏe hiện tại của thương binh đồng thời ông đề nghị cho Krơn đi theo để chăm sóc anh vì đã quen việc. Nghe vậy toán bộ đội hội ý với nhau, điện về chỉ huy sở xin ý kiến. Chỉ huy sở điện lại: Hoan nghênh và cảm ơn gia đình.

Krơn ra Bắc được đi học lớp y tá, nhà trường thấy Krơn sáng dạ, tiếp thu nghiệp vụ nhanh nên tiếp tục đào tạo Krơn thành y sĩ.

Ra trường Krơn viết đơn có nguyện vọng về trại an dưỡng thương binh của Bộ, nơi có Hùng về điều dưỡng để phục vụ. Nguyện vọng của Krơn được đáp ứng. Gặp nhau Hùng thông báo cho Krơn biết ở quê anh đã làm lễ truy điệu anh rồi, khi được tin anh còn sống về điều dưỡng ở đây, bà con họ hàng thôn xóm đến thăm hỏi luôn.

Nghe vậy Krơn liền choàng ôm Hùng khóc

nức nở và nước mắt của Hùng cũng ướt đẫm vai

áo Krơn...

Hùng mến Krơn thật thà chất phát là ân nhân của đời mình. Krơn yêu Hùng vì lòng gan góc, kiên trì, không chịu đầu hàng số phận.

*

* *

Ngày Hậu cho mẹ biết gia cảnh của Hoa, bố Hoa tên là Hùng Bống. Nghe đến tên Hùng trong lòng bà nhói lên những kỉ niệm xa xăm và lòng dạ nôn nao.

Liên nhớ lại không bỏ sót một chi tiết nào cách đây đã hơn hai mươi năm, quê Liên đang vào vụ cày cấy dưới tầm quần đảo của máy bay giặc Mỹ. Quân của sư đoàn B24 về đóng quân huấn luyện cấp tốc chi viện cho chiến trường. Nhà Liên có bốn chiến sĩ ở, toàn là dân Khu Ba, mặt còn non choẹt. Hùng là một trong bốn chàng trai ấy có thân hình vạm vỡ chắc nịch như mình trắm, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đầu tóc húi cua chất phát dễ mến.

Liên còn nhớ đậm nét cái đêm ấy! Liên đang chong đêm giải bài hình học không gian để ngày mai trả bài, gạch gạch xóa xóa mấy trang sách vẫn chưa giải được. Hùng và Hải đổi gác, đặt súng vào giá, nhìn qua cửa sổ thấy Liên đang chống cằm đăm chiêu chưa đi ngủ, Hùng liền lên tiếng:

- Khuya lắm rồi sao Liên chưa đi ngủ, thức khuya quá sẽ ảnh hưởng đến việc học tập ngày

mai đó!

Liên đáp lời:

- Gặp bài hình khó quá! Nghĩ nát óc vẫn chưa ra đáp số.

Nghe vậy Hải liền đập vào lưng Hùng bảo:

- Thần đồng toán đây này.

- Hùng liền lên tiếng:

- Đọc đầu bài nghe thử nào.

Liên đọc vừa dứt câu, Hùng liền gợi ý, Hùng nói chưa dứt lời Liên à lên một tiếng, rồi thốt lên:

- Hiểu rồi! Cám ơn thần đồng nhé!

Từ đó trong mắt Liên, Hùng là thần tượng và tim nàng ấp ủ một hình bóng coi như báu vật.

Ngày đơn vị Hùng cùng dân làng liên hoan bữa cơm đoàn kết để tiễn đưa chiến sỹ lên đường ra trận. Ba lô trang thiết bị đã gọn gàng chờ nhá nhem tối là lên đường. Hùng chọn thời cơ dúi vào tay Liên mảnh giấy, Liên nắm chặt cả tay Hùng, ngước nhìn âu yếm xoáy sâu vào mắt Hùng rồi buông tay chạy nhanh vào phòng khép cửa, đốt đèn lên đọc:

Ra đi mang nặng tình em

Hẹn ngày hết giặc xe duyên trọn đời

Dù xa góc bể chân trời

Tim này ấp ủ dáng người anh yêu.

Đọc xong Liên ấp tờ giấy lên môi rồi áp vào bên trái lồng ngực mình, tắt đèn mở cửa chạy theo dân làng tiễn đưa đoàn quân ra trận tận đường cái. Đoàn quân khuất dần trong bóng đêm, dân làng quay về, Liên còn đứng ngoái theo hướng đoàn quân đi đến lúc có pháo sáng chấp chới trên nền trời mới lững thững rời chân.

Người cho Liên hay tin Hùng hi sinh đầu trên là Hải. Hải trước đây đóng quân trong nhà Liên, là bạn tâm đắc của Hùng.

Hôm ấy nhân ngày hai bảy tháng bảy đoàn ủy lạo của nhà trường gồm những thầy cô giáo và học sinh tiêu biểu đến binh trạm thăm hỏi, toán tải thương vừa dừng chân ở binh trạm. Thấy Liên, Hải vừa gọi vừa nhổm người dậy toan chạy đến Liên nhưng Hải vừa chống tay gồng mình nhổm dậy lập tức nằm vật người xuống cáng tải thương. Liên nhào lại ôm choàng Hải hai dòng lệ rơi ướt cả áo của ngực Hải. Liên sờ vào hai đùi của Hải bị cắt trên đầu gối, trong nỗi lòng đau xót Liên nhìn vào mắt Hải hỏi:

- Anh Hùng đâu?

Hải tránh ánh mắt của Liên và im lặng. Liên lay người Hải bảo:

- Em chịu đựng được mà, anh cho em biết sự thật đi. Hải vẫn lặng im mắt rớm lệ. Lần thứ ba Liên gạn hỏi buộc lòng Hải phải cất lời:

- Chiến tranh mà em!

Đoàn ủy lạo ra về, Liên đi với bước chân không vững, tâm thế cứ bồng bềnh như đi giữa tầng mây. Thấy thế thầy hiệu trưởng khuyên:

- Em nhạy cảm quá! Đau buồn trước mất mát tang thương của chiến tranh điều ấy là rất quý. Nhưng phải cứng rắn lên, biến đau thương thành hành động.

Từ đó Liên cứ thẫn thờ, lực học sút hẳn. Cô giáo chủ nhiệm thấy thế đã động viên Liên nhưng chẳng có hiệu quả. Cô giáo phản ánh với thầy hiệu trưởng, thầy nghĩ ngợi giây lát rồi bảo:

- Đó là dấu hiệu tốt, nếu trước hy sinh mất mát mà dửng dưng vô cảm mới đáng lo. Tôi tin thời gian rồi Liên sẽ khắc phục được.

Đúng thời gian là liều thuốc nhiệm dù Liên đã lấy lại thăng bằng nhưng không thể nào xóa được hình bóng của Hùng trong ký ức.

*

* *

Cái tên Hùng Bống xuất xứ từ ngày Hùng về trại điều dưỡng thương binh nặng của Bộ. Hùng sinh ra trong một gia đình có hai anh em. Hùng là cả nên bố mẹ đặt tên là Bống "cá Bống". Cô em gái Hùng tên là Vân. Trong trận chiến đánh trả máy bay Mỹ phá hoại cầu trên đường Năm đi từ Hà Nội về Hải Phòng, lúc ấy Vân là tiểu đội trưởng của trung đội ba bảy ly đang trực chiến, bị rốc két và bom vùi lấp. Vân hy sinh lúc ấy vừa tròn tuổi hai mươi. Bố mẹ Hùng đã về già.

Ở trại thương binh có đến bốn người tên là Hùng. Vì vậy Hùng xin đổi tên kèm theo là Bống để kỷ niệm thời thơ ấu, để tri ân bố mẹ, được tổ chức chấp nhận.

Ngày Hoa vào đại học được ở ký túc xá, Hùng xin về quê điều dưỡng, đó là nguyện vọng từ lâu của Hùng. Căn nhà hiu quạnh của Hùng năm xưa nay rộn rã tiếng cười đùa của anh chị em cựu chiến binh, tối nào cũng có vài bạn ngủ lại với Hùng.

Về quê, Hùng được cấp một suất tiền trợ cấp nuôi dưỡng. Số tiền ấy Hùng ủng hộ vào quỹ khuyến học của làng đã cấp được năm suất học bổng cho con nhà nghèo hiếu học.

Trở lại quê nhà tâm hồn của Hùng thấy thanh thản hơn. Tuy bị chấn thương sọ não tương đối nặng nhưng với nghị lực và sức luyện rèn không ngơi nên trí nhớ được phục hồi tốt. Mọi đồ vật trong nhà, ngoài vườn Hùng đều nhớ áng chừng rất chính xác nên đi lại ít va quệt. Chỉ khi đến bậc lên xuống mới chịu lần sờ để vượt qua. Người phương xa đến nhìn nết sinh hoạt của Hùng cứ ngỡ là người bình thường, khó lòng cho đó là một thương binh hạng đặc biệt.

*

* *

Hoa ra trường được tiếp nhận vào biên chế ở khoa sản bệnh viện Đa khoa tỉnh. Hoa cũng báo tin cho Hậu biết, tổ chức Sở Y tế sau khi nghiên cứu hồ sơ đã đồng ý nhận Hậu vào làm hợp đồng ở khoa ngoại của bệnh viện Đa khoa.

Nhận được tin, Hậu giục mẹ chuẩn bị quà để ra thăm gia đình Hoa và Hậu đến nhận việc đúng hẹn. Mẹ Hậu thầm nghĩ: Thế cũng hay, chuyến này ra bàn chuyện cưới xin cho nó luôn thể.

Trước lúc ra bến xe đón mẹ con Hậu, Hoa trèo lên cây nhãn muộn hái đầy một mâm chất ngất, đặt giữa ban uống nước mới dắt xe ra sân nổ máy phóng đi.

Được tin mẹ chồng tương lai Hoa đến thăm, bà con chòm xóm, các cựu chiến binh í ới gọi nhau đến đầy nhà.

Hùng đang ngồi bên bàn uống nước, tay mân mê những quả nhãn muộn, lòng dạ hồi hộp bồn chồn lo lắng: Không biết mở đầu như thế nào đây!

Hoa dẫn mẹ con Hậu vào đến ngõ, qua sân, đến bậc thềm chuẩn bị bước lên nhà thì Liên đứng sững lại đánh rơi làn cam xuống sân, cam lăn lóc như những quả bi da bị gậy chọc trên bàn bóng đồng thời thốt lên tiếng gọi da diết: "Anh Hùng!"

Hùng nghe tiếng gọi như tiếng sét, đứng bật dậy huơ tay làm hất đổ mâm nhãn xuống sàn nhà, nhãn rụng rời, rơi lăn nóc ra tận sân, Hùng lao mình về phía có tiếng gọi hai tay nhào ra phía trước lao nhanh xuống sân chân giẫm phải quả nhãn và cam, người đổ soài xuống mặt sân. Liên phản xạ rất nhanh nhào đến đỡ ôm chầm ngang thân Hùng, Hùng ôm chặt lấy thân Liên làm cho hai người đều chới với trước sự chứng kiến cảm động bồi hồi đầy xúc động của mọi người.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86907


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận