Cõi Người Truyện 4


Truyện 4
Tôn lễ



ừ ngày mới sinh Tồn đã bị dị tật, mắt lé. Cho đến ngày y leo lên được cái ghế chủ tịch xã người ta vẫn gọi y bằng cái tên chủ tịch lé, thay cho Tồn lé chủ tịch.

Chuyện y trèo lên được ngồi vào cái ghế chủ tịch xã nghe nó bợt bạt, kỳ cục thế nào ấy. Không thế thì làm sao dân chúng nổi lên la ó, kiện tụng quá trời. Chuyện dài dòng lắm, dù phải lược bỏ đi khá nhiều chi tiết, cũng phải thu gọn lại để kể cho độc giả tường tận về một con người chủ tịch xã

như vậy.

Bố y mất sớm, mẹ già, chị gái đi lấy chồng đã có hai mặt con, anh rể là sĩ quan quân đội, bị thương, cụt chân phải cưa tận khớp háng.



Mặt y rổ, trán dô, răng chín sáu ba không, chân đi vòng kiềng, người ngắn cụt lủn. Trong y bạ Tồn có số đo chiều cao một mét bốn hai.

Tạng người của Tồn như thế, nên thời buổi đàn ông quý hơn cả vàng ròng mà y chẳng lọt được vào mắt ai! Đã nhờ người mai mối dăm ba đám nhưng đến đâu, người ta cũng lắc đầu. Đến như lúc này ở chiến trường đang cần đến quân số, thêm một chiến sĩ, quý một chiến sỹ. Ấy vậy mà y đã có mấy lá đơn tình nguyện vẫn chẳng đắt.

Vận may đã đến với y. Biết đang có đợt tuyển quân cấp tốc, y đến gặp Võ Duy Phồn – phó chủ tịch, trưởng công an xã kiêm chức xã đội trưởng, y năn nỉ xin được ra trận. Gặp lúc đoàn cán bộ của đơn vị quân đội về xã nhận bàn giao hồ sơ tân binh. Đồng chí phó chủ tịch rất thương cảm Tồn nên đã thiết tha đề nghị với trưởng đoàn về trường hợp Lê Tồn.

Đồng chí trưởng đoàn ngắm nhìn hình hài của Tồn đã thấy ngán ngẩm. Nhưng vì nể lời đề nghị của đồng chí phó chủ tịch xã và lời nỉ non của

Tồn nên cũng mềm lòng. Đồng chí trưởng đoàn đã gật đầu.

Được lời như cởi tấm lòng, Tồn nhảy cẫng lên, gào to:

-Hoan hô bộ đội, hoan hô đồng chí trưởng đoàn, hoan hô chú Phồn.

Tồn cảm ơn rối rít, quay đầu chạy ra ngõ như xe không phanh. Chẳng may lao vào một bà sồn sồn đi cuối đoàn người gánh phân chuồng ra bón thúc cho ruộng lúa của hợp tác xã. Bà ta ngã sấp xuống mặt đường, Tồn đè lên. Gánh phân đổ tung tóe. Bà ta đẩy Tồn ra, đứng dậy, lấy đòn gánh phang vào lưng Tồn, tuy đau nhưng Tồn vẫn cười, ngóc đầu lên gào lớn:

- Được đi bộ đội rồi!

Bà ta dừng tay, chống đòn gánh xuống mặt đường, nghiêng người về phía Tồn để cố nghe cho rõ, bà ta hỏi:

- Mày nói sao?

*

* *

Đợt huấn luyện này cấp tốc, ban chỉ huy rất quan tâm đến một tân binh cá biệt, đã phân công giáo viên xạ kích dày dặn kinh nghiệm kèm cặp Lê Tồn. Dù đã dùng mọi biện pháp tối ưu, kể cả tăng thêm thời lượng, ấy vậy mà lúc kiểm tra bắn đạn thật, Tồn bắn không phát nào có điểm chạm. Buộc lòng ban chỉ huy phải điều Tồn vào bếp làm anh nuôi, lấy một chiến sĩ nuôi quân thay thế vị trí của Tồn trong đội hình hành quân chiến đấu.

Đoàn cơ giới chở quân hướng ra tiền tuyến đang hừng hực rực lửa xung trận. Đi được ba ngày đường phải dừng lại ở binh trạm Suối Cạn chờ

lệnh mới.

Lúc này đài tiếng nói Việt Nam loan tin chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng. Miền Nam Việt Nam đã hoàn toàn giải phóng. Cả nước tràn ngập niềm phấn khích tự hào, vui như trẩy hội.

*

* *

Có lẽ Tồn là người lính đầu tiên sau chiến tranh giải phóng dân tộc được xuất ngũ. Cầm tờ quyết định ra quân, Tồn vừa buồn lại vừa vui lẫn lộn. Buồn vì được ở trong quân ngũ quá ít. Có thể nói, Tồn mới tráng qua men lính chẳng ngoa. Nhưng được cái vui, đã có cái mác lính cụ Hồ từ mặt trận trở về, dù mặt trận đã im tiếng súng.

Thời điểm này ở hậu phương đã cạn kiệt nhân lực. Nam giới chỉ còn lại những người cao tuổi và các thương binh, bệnh binh. Mọi việc từ đồng ruộng đến các cơ quan đoàn thể đều cậy nhờ vào chị em lớn tuổi. Vì số trẻ trung đã ra tuyến lửa vào các đội thanh niên xung phong.

Võ Huy Phồn, phó chủ tịch cũng là thương binh, tay phải mất đến khuỷu, người tầm thước, cao ráo, mắt sáng, cằm bạnh. Mới ngày nào nài nỉ cho Tồn nhập ngũ, giờ đây lại nhận quyết định xuất ngũ từ Tồn trực tiếp trao tay. Phồn ngắm người Tồn, dâng lên nỗi niềm thương cảm, Phồn bảo:

- Thôi! Về hậu phương lúc này là tốt rồi, cậu nghỉ ngơi một ít rồi nhận cái chân công an viên

của xã.

Sáu tháng sau, Hoàng Bình Minh cũng là thương binh đang giữ chức phó ban công an xã, quê ở tỉnh Quảng Ngãi, đã sinh cơ lập nghiệp ở đây, bây giờ quê hương được giải phóng, Minh đề nghị được trở về quê cũ. Nguyện vọng quá chính đáng. Đảng ủy, chính quyền đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Hoàng Bình Minh đưa bầu đàn thê tử về quê.

Khuyết chân phó ban công an xã

Phồn đề nghị Tồn thay thế và được tổ chức đồng thuận.

Sau ngày nhận chức phó ban công an xã, nhân có lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng ở huyện, Phồn lại giới thiệu Tồn và được chi bộ đồng ý cho đi dự lớp học ở trường Đảng của huyện

*

* *

Được vào Đảng với cương vị phó ban công an xã, Tồn "tả xung hữu đột" rất ngoạn mục. Ngày ngày Tồn rất bận rộn. Việc bận nhiều nhất là dự các cuộc nhậu, bất cứ xó xỉnh nào trong địa bàn của xã có hơi men là có Tồn.

Những kẻ dặt dẹo trước đây thường coi Tồn dưới tầm mắt của họ, cùng lắm là bằng vai phải lứa, giờ đây họ đều tung hô Tồn đại ca!

Đợt bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã khóa mới đã đến gần. Cũng bắt nguồn từ lời giới thiệu của Võ Duy Phồn, Tồn được có tên trong danh sách bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã khóa mới.

Khi đã có tên trong danh sách niêm yết, Tồn liền mời hai đội trưởng đội sản xuất và hai công an viên nơi có hòm phiếu bầu cử có tên Lê Tồn để bàn về công tác an ninh bảo vệ an toàn bầu cử. Lúc

tan buổi họp, mỗi người nhận được một gói quà bằng gói năm trăm gam mì chính cánh, Lê Tồn tuyên bố:

- Đây là quà ra mắt phó ban công an xã.

Một đội trưởng nhận quà vui vẻ đùa:

- Đây là quà phó ban, nếu trúng đại biểu hội đồng nhân dân xã, phải có quà lớn hơn nghe chưa?

Tất cả đều cười xởi lởi.

Nhân ngày giỗ bố, Tồn đến tận từng nhà thường vụ Đảng ủy thiết tha mời. Cỗ bàn Tồn bày biện rất hợp khẩu vị các quan chức địa phương đương thời. Đó là rượu quê và mộc tồn non tơ nhiều món.

Khi rượu đã ngấm, đồng chí phó bí thư, trưởng ban tổ chức Đảng ủy xã cao hứng lên tiếng dù lúc này tiếng nói đã méo hẳn:

- Chú Tồn là lực lượng kế cận, bác Tuyển nghỉ chế độ, chú Phồn thay thế bác Tuyển. Thì vị trí chú Phồn Trưởng công an xã, phải là phó công an thay là hợp lý nhất phải không các anh? Ta cạn ly chúc mừng chú Tồn.

Tồn liền bật đứng dậy, đi chúc rượu khắp lượt, đằng hắng giọng, thưa:

- Tôi vô cùng biết ơn Thường vụ, biết ơn chú Phồn, nhờ chú hôm nay gia đình cháu mới có cơ hội, được vinh dự đón các bác, các chú và các anh đến nhà. Cháu được có tên trong danh sách bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã khóa mới. Công ơn này, cháu xin ghi lòng tạc dạ. Sống tết, chết giỗ cũng chưa đền đáp xứng đáng.

Tồn vừa dứt lời, Võ Duy Phồn đứng dậy, đưa cánh tay cụt bên phải, đỡ tay trái, nâng ly rượu phát biểu:

- Xin mời! Xin chúc mừng, mời các bác, các chú cạn ly. Chú Tồn nói như thế là quá lời rồi! Việc bồi dưỡng lớp kế cận là do Thường vụ chứ có phải do tôi đâu. Thường vụ duyệt và giới thiệu chú vào danh sách bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã là đã có cân nhắc, có thăm dò các đoàn thể và nhân dân rồi. Chú cứ vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Thường vụ. Đến giờ phút này có thể nói là đã suôn sẻ phải không các anh? Xin mời cạn ly.

Đến lúc này đồng chí bí thư Đảng ủy mới rung rung cặp đùi, làm chao chạnh, phập phồng một góc chiếc chiếu hoa, kéo theo hai ly rượu đổ tràn ra chiếu. Đồng chí bí thư dõng dạc:

- Việc trúng cử hay không là do dân, là do lá phiếu tín nhiệm của dân. Chúng ta chỉ có nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng và giới thiệu mà thôi! Ngay cả lúc bác Tuyển về hưu, chú Phồn có thay thế bác Tuyển hay không là do Đảng ủy, do ban tổ chức Huyện ủy, chứ không thể nói chủ quan, phát ngôn như Trưởng ban tổ chức nói vừa rồi là chưa chuẩn, có lẽ là rượu nói rồi đó!

Tất cả đều rộ lên tiếng cười sảng khoái. Tiếng ly chạm vào nhau kêu lốc cốc lại tiếp diễn. Lời xướng của một ai đó nghe chừng đã nhợt nhạt, lè nhè, méo lệch:

- Nào trăm phần lăm nào!

*

* *

Sau ngày giỗ bố đúng một tuần, Tồn lại tổ chức một cuộc nhậu chẳng kém linh đình, rất âm thầm mà quyết liệt. Cuộc nhậu chỉ vẻn vẹn có bốn người.

Ông Toàn trưởng họ, cậu Yến con cả của ông Toàn, cậu ta là bệnh binh mất sức sáu mốt phần trăm, hiện đang giữ chức chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân xã và thằng Kếu. Thằng Kếu gọi Tồn bằng anh, con ông chú ruột của Lê Tồn. Nó vừa mới ra tù. Tội của nó là chống lại người thi hành công vụ. Cụ thể là húc xe máy vào công an chắn đường kiểm soát, làm cho công an té ngã xuống mặt đường bị chấn thương sọ não.

Ông trưởng họ trước đây là chủ nhiệm công ty bách hóa của huyện, lưng ông đã còng, uốn cong gần như dấu hỏi, mồm rộng, mắt ti hí, răng còn lại mấy chiếc vẫn bị khấp khểnh. Tóc ông đã nhiều sợi bạc, chùm tóc mai bên phải đã trắng như bông. Ông nâng chén rượu lên bảo:

- Hôm giỗ bố mày không mời tao là láo! Nghe chửa?

Nghe vậy Tồn liền cất lời thưa:

- Thưa bác, không mời bác mới là thượng sách. Nếu mời bác hôm ấy, hôm nay lại nhậu khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Còn gì là bí mật, lộ hết mưu cơ rồi con gì?!

Ông trưởng họ cười nham nhở rồi lên tiếng khen:

- Khá! Thằng này thế mà khá! Đúng là đa mưu túc kế! Thôi ta vào việc nhé.

Ông trưởng họ Cố ưỡn người cho thẳng, cho có tư thế nhưng vì lưng quá còng nên mặt vẫn úp xuống chiếu. Ông lấy giọng nghiêm túc bảo:

- Hôm nay ta bàn chuyện ở đây phải giữ tuyệt mật, không cho họ Võ biết. Chỉ phong phanh hơi hám thôi, họ Võ ngửi thấy là hỏng hết chuyện.

- Các cháu nghĩ mà xem, từ ngày họ Võ nắm chính quyền cái xã này, thử hỏi họ Lê ta làm được cái gì? Thằng Yến, tám năm nay vẫn chân chánh văn phòng. Mọi quyền lợi như: Vay vốn xóa đói giảm nghèo, xét cấp học bổng, cất nhà tình thương, cấp đất, bầu đội trưởng sản xuất, tất tần tật ở cái làng Thượng này từ thượng vàng, hạ cám đều vào tay con em dòng họ Võ hết.

Họ Võ mười phần, họ Lê mới được một, chúng bay cứ nhìn vào bộ máy Đảng, chính quyền, các đoàn thể thì rõ. Những vị trí chủ chốt đều vào tay họ Võ. Các làng khác có chức này, chức nọ đều là chầu rìa.

Thằng Phồn dù có công nâng đỡ thằng Tồn. Không có sự giúp đỡ của thằng Phồn, thằng Tồn nhà ta chẳng ngóc đầu lên được như ngày nay. Nhưng trên đường thăng tiến của thằng Tồn, cái rào cản lớn nhất là thằng Phồn. Vì vậy bác cháu ta tìm cách dỡ bỏ cái ba-ri-e này đi.

Việc cục bộ địa phương, phe phái không chỉ ở cái xã này đâu! Từ ngày bác làm việc trên huyện, bác đã thấy. Không chỉ huyện mình mà các huyện khác rồi trên tỉnh, trên trung ương đều có ê kíp, thấp thoáng vẫn có bóng dáng Bắc Nam, xuôi ngược đấy thôi. Vì vậy thằng Tồn không được vì hàm ơn mà quên quyền lợi của dòng họ nghe chưa?

Ông Toàn vừa dứt lời, Tồn liền lên tiếng:

- Đúng như bác trưởng dạy, cháu được như ngày hôm nay là nhờ chú Phồn. Nếu không có chú Phồn thì Tồn này chỉ là tồn kho, tồn đọng mà thôi. Nhưng không phải vì thế mà cháu làm thiệt thòi quyền lợi cả họ. Cháu chịu mang tiếng với đời là vong ân bội nghĩa, lấy oán giả ân còn hơn, phải thừa nhận chú Phồn là một phó chủ tịch mẫu mực, được dân tin yêu, cấp trên tín nhiệm, chú lại có thế mạnh, ở trên huyện có chú Thịnh đồng ngũ, hai người cùng bị thương ở mặt trận giữ thành nội Huế năm Mậu Thân Sáu tám. Nay chú Thịnh là phó bí thư, trưởng ban tổ chức Huyện ủy. Họ sẵn sàng sống chết vì nhau. Trong số kết nghĩa đồng ngũ, đồng hương còn có chú An làng ta. Chú An đã hy sinh tại thành nội, cùng trận với hai chú bị thương. Vì thế vừa rồi hai chú đứng ra bảo lãnh cho thằng Xế con chú An ra tù. Thằng Xế và thằng Kếu nhà mình cùng ở một trại rất thân nhau. Thằng Xế vào tù vì tội trộm cắp xe máy. Nó học đồng bọn cái khoản mở khóa xe rất siêu. Từ ngày nó ra tù đến giờ vẫn chứng nào tật ấy, nó đã làm thêm mấy phi vụ chót lọt rồi.

Theo cháu biết tối thứ bảy này chú Thịnh đã bàn với chú Phồn sẽ đến nhà Xế bàn với mẹ nó cho nó đi học lớp trung cấp kế toán ở trên tỉnh. Nhiệm vụ thằng Kếu từ giờ đến thứ bảy này phải móc nối được với thằng Xế, cho nó nhậu nhẹt, tiền anh sẽ cấp. Làm sao tối thứ bảy dùng nội công ngoại kích, với tài mở khóa xe của thằng Xế, dắt được chiếc xe của chú Thịnh ra cổng, thằng Kếu bí mật khóa xăng lại. Thằng Xế lái, Kếu ngồi sau, đi được khoảng ba đến năm trăm mét thì chết máy. Thằng Xế phải xuống dắt, thằng Kếu đẩy. Lúc ấy đội tuần tra rọi đèn vào, thằng Kếu thoát thân, thằng Xế bị bắt quả tang, hô hoán cho dân biết, sau đó loan tin rộng ra. Cháu sẽ dẫn thằng Xế về trụ sở, xin ý kiến chú Phồn. Tất nhiên chú Phồn sẽ thả nó. Từ đó ta phao tin chú Phồn ăn của đút mới tha. Như thế thì chú có thanh minh cũng mệt rồi. Việc này thằng Kếu có làm được không?

Thằng Kếu lên tiếng:

- Việc gì chứ việc ấy dễ như lật bàn tay, dễ ợt, em sẽ làm đẹp cho xem.

Tồn lại tiếp:

- Thôi! Thằng Kếu về lo chuyện đi là vừa.

Tồn rút ví đưa cho Kếu sấp tiền. Kếu đỡ lấy đút vào túi ngực. Dùng cả hai tay chống xuống chiếu mới nhổm người lên được, nghe chừng lúc này Kếu đã ngấm rượu thịt, Kếu ề à thưa:

- Bác và hai anh tiếp tục bàn bạc, cháu hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Kếu bước ra chân đá phải chiếc dép của bác trưởng suýt ngã, dáng đi đã liêu xiêu.

Thằng Kếu đi rồi Tồn lại tiếp:

- Việc này mới quan trọng, phải nhờ đến tay bác trưởng mới thành công. Hiện tại em chồng của chị cháu, được công ty môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài đã nhận lời, chỉ chờ lý lịch nữa là xong, nhưng địa phương bên ấy họ bảo nhau không một ai được xác nhận, ai xác nhận sẽ bị kỉ luật. Lí do vì anh rể cháu, anh không chịu nổi lề lối làm việc quan liêu, hống hách, ăn chặn của dân. Anh đã góp ý trực tiếp với họ. Họ không nghe, anh đã gửi đơn thư lên trên, trên họ đã gửi về xác minh vì thế họ trù úm gia đình anh cháu đủ bề. Chỗ anh cháu với chú Phồn là người thân quen, chú Phồn và anh cháu đã mấy lần lai rai tâm sự, cháu đã chứng kiến, nếu anh cháu ngỏ lời chú Phồn sẽ sẵn sàng giúp, nhưng bác biết tính anh rể cháu rồi còn gì. Dù chết anh cũng không làm như thế. Buộc lòng chị cháu phải nhờ cháu. Nhưng cháu là bề dưới nếu năn nỉ rồi chú ấy cũng có thể giúp vì chú hay thương người, nhưng không bằng tiếng nói của bác trưởng được. Bác từng là cán bộ trên huyện, vừa là bậc trên, chắc chắn chú Phồn phải nể. Việc này trong tầm tay bác trưởng. Khi có xác nhận cô ấy được đi, tức khắc địa phương bên ấy sẽ gửi công văn làm rùm beng lên đúng vào lúc việc bầu cử đang tiến hành là to chuyện rồi! Việc này nhờ bác trưởng ra tay cho, tuy bên ấy với bên ta là khác tính nhưng cũng chỉ cách một quãng đò, còn gần hơn đầu xã và cuối xã bên ta.

Tồn trình bày đến đây bác trưởng liền lên tiếng:

- Việc này mày yên chí, để đấy cho tao, cứ đưa hồ sơ lý lịch cho bác là xong cái rẹt.

Tồn tiếp:

- Thưa bác trưởng, muốn thắng họ Võ một cách chắc chắn ta phải dùng ba mũi giáp công. Mũi thứ ba là đề phòng hai mũi kia không có hiệu quả. Khi đã dùng đến mũi thứ ba này là ăn chắc trăm phần trăm, biết trước là phải phạm luật, khi đã vỡ lở ra là tai họa khó lường. Việc ấy bác cho phép cháu và anh Yến bàn với nhau sau.

*

* *

Quả thật, hai mũi tên bắn ra vô cùng lợi hại. Võ Huy Phồn không kịp thanh minh.

Ban chỉ đạo bầu cử của huyện quyết định rút Phồn ra khỏi danh sách bầu cử, như vậy đồng nghĩa với mất chức phó chủ tịch và chủ tịch xã rồi.

Nghe tin, bạn bè, bà con, dòng họ cứ xôn xao cả lên. Riêng Võ Huy Phồn vẫn dửng dưng, bình chân như vại.

Việc Phồn được yên tại như vậy là nhờ có Thịnh. Thịnh đã trao đổi với Phồn:

- Cứ để bầu rồi cũng có thể trúng. Nhưng phiếu rất thấp, lợi dụng chuyện đó bọn xấu sẽ có cơ hội chĩa mũi dùi vào Thịnh làm cho cả hai người đều lâm vào thế kẻ xấu mong muốn. Thôi chức phó chủ tịch xã, nay mai điều Tồn vào cái chân Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của huyện. Cái chức danh này hợp với tính cách của Phồn hơn.

*

* *

Mong được ước thấy, Tồn thay Phồn làm phó chủ tịch trưởng công an xã. Từ ngày nhận chức, Tồn luôn khúm núm, tranh thủ xin xỏ ý kiến của chủ tịch Tuyển.

Chẳng có việc gì quan trọng y vẫn đến nhà chủ tịch. Tuần nào cũng đôi ba lần.

Thứ năm tuần này, Tồn biết chủ tịch phải đi họp trên huyện hai ngày, tối mới về. Nhưng Tồn vẫn đến.

Thu, cô con gái rượu duy nhất của ông Tuyển vừa mới ở nhà trường về. Cô vừa mới lên lớp hai tiết liền rất mệt, nhưng vì phép lịch sự, Thu phải tiếp Tồn tuy trong thâm tâm của Thu chẳng ưa Tồn nét gì.

Nhân lúc Thu pha trà, Tồn tranh lấy, Tồn bảo;

- Em mới ở trường về còn mệt, ngồi nghỉ đi, để đó cho anh. Tồn tranh lấy phần, cầm xuyến pha trà, tráng chén rồi chuyên nước ra hai chén mời Thu.

Hai tiết giảng văn làm cho Thu rất mệt đang khát nước, Thu uống ngon lành. Hết chén nước, Thu thấy người khó chịu, rất buồn ngủ, Thu bảo:

- Bố em tối mới về, có chuyện gì mời anh tối đến. Em lên lớp hai tiết liên tục, mới về chưa cơm nước gì mệt quá, xin phép anh, em vào nghỉ một chút.

Nói xong Thu đứng dậy lảo đảo người chực ngã xuống nền nhà. Tồn liền dang tay đỡ Thu và dìu Thu vào phòng. Đặt Thu lên giường, ra khép cổng, dắt xe đạp vào nhà đóng cửa lại.

Thu có ngờ đâu việc làm hèn mạt của Tồn, lúc tráng chén y đã áp đầu ngón tay trỏ vào đáy chén một thứ bột trắng.

*

* *

Lúc Thu tỉnh lại, trên người không còn một mảnh vải, Tồn đang ôm Thu, chân trái của Tồn gác qua người Thu, Tồn cũng trần như thân nhộng.

Thu hất chân, gỡ tay Tồn ra thét:

- Đồ đê tiện.

Tồn níu Thu lại, quỳ trên đệm van lạy:

- Anh xin em, anh lạy em, vì quá yêu em nhưng anh không xứng với em nên anh...

Thu quát:

- Buông tôi ra! Khôn hồn thì phải viết bản tự thú đầy đủ. Nếu không đừng hòng ra khỏi cái

nhà này.

Thu vừa mặc quần áo vừa nói. Khi đã gọn gàng, Thu ra khóa cửa lại, tiến đến ngồi dưới gốc cây nhãn ở rìa sân, lúc này nội tâm của Thu xáo trộn một cách khó tả.

Độ nửa giờ sau, qua cửa sổ, Tồn vung vẫy tờ giấy và bảo:

- Anh thú tội đầy đủ đây rồi. Cho anh về.

Thu vươn mình đứng dậy, bước vào lấy tờ giấy, quay lại chỗ cũ ngồi đọc, đọc xong Thu đứng lên mở khóa cửa, dắt chiếc xe đạp vất ra sân rồi thét:

- Cút khỏi mắt tôi! Đừng bao giờ vác mặt đến đây nữa.

Tồn vừa đi giật lùi, mồm méo xệch:

- Van lạy em, cầu xin em cho anh được cưới em!

Thu thét càng lớn:

- Xéo ngay! Đoạn quay lại bước vào phòng, sửa sang lại những xô lệch, bụi bặm vừa rồi.

Trên đường về, Tồn guồng xe chậm rãi vừa hả hê với nụ cười đắc thắng hèn hạ.

Y nghĩ:

- Thế là xong, ghế chủ tịch sớm hay muộn cũng sẽ về tay ta thôi!

*

* *

Mẹ Thu mất sớm, bố Thu gà trống nuôi con, đã có nhiều đám môn đăng hộ đối đánh tiếng, muốn ghé vai gánh vác cùng ông. Ông tự nghĩ:

- Bây giờ trong người bị nhiễm chất độc màu da cam, một bệnh binh, một mình chịu đã đủ lắm rồi, để người khác cùng chịu khổ thân người ta.

Vì vậy, ông chăm lo cho Thu ăn học rất chu đáo. Thu thi vào đại học thiếu điểm. Đành cho Thu vào trung cấp sư phạm, bây giờ Thu đang là cô giáo chủ nhiệm lớp 9A.

Người yêu của Thu là Trần Hồng Quân, Quân có dáng hình vạm vỡ, thông minh, đã có giấy gọi vào Bách khoa. Nhưng thời buổi này, hình ảnh người chiến sĩ ngoài tiền tuyến là thần tượng đối với tuổi trẻ. Hàng ngày trên thông tin đại chúng các pa nô, áp phích mọi ngã ba đường, nơi ngang cùng ngõ hẻm đều nổi lên hình ảnh người lính, người chiến sĩ, người hùng của thời đại, nên Quân gác bút ra trận.

Vào lính với bản lý lịch rặt một màu hồng, bố Quân là hiệu trưởng trường chính trị trung cấp, mẹ là hội trưởng hội phụ nữ tỉnh. Quân là cảm tình Đảng nên quân đội chọn Quân đi đào tạo ở Trường sỹ quan lục quân.

Quân tốt nghiệp vào loại ưu, tất cả các học viên ra trường được phong quân hàm thiếu úy. Riêng Quân được phong quân hàm trung úy, được bổ sung cho binh đoàn quân tiên phong C với cương vị đại đội phó.

Trước lúc vào chiến trường, được về phép ít ngày, Quân đề nghị với Thu tổ chức đám cưới. Thu nhẹ nhàng âu yếm bảo:

- Cưới xin chỉ là thủ tục mà thôi, chúng ta đã thực sự thuộc về nhau rồi còn gì? Được về phép mấy ngày phải dành cho nhau và tận hưởng hương vị của tình yêu! Loay hoay lo việc hôn lễ mất hết thời gian vàng ngọc. Anh cứ thanh thản ra đi, hình bóng em luôn theo bước cùng anh dù anh đi cuối đất cùng trời và đợi anh về.

Nghe lời Thu, Quân ung dung ra đi mang theo vị ngọt của mối tình đầu. Hình ảnh của Thu in đậm vào từng nẻo đường hành quân ra trận. Nó thâm nhập sâu đậm cả vào giấc ngủ Trần Hồng Quân.

Quân ra đi ngày ấy và mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ của xứ sở tầng đất màu đỏ Bazan của cao nguyên Trung phần

Ngày nhận được giấy báo tử của Quân, người Thu cứ thẩn thờ, hao gầy trông thấy. Trong lòng Thu đang chôn chặt những hình bóng Quân, cố nguôi ngoai những ký ức êm đềm của hai người nhưng nó cứ cố tình đeo đẳng Thu, theo cả vào giờ giảng bài cho học sinh.

Có lúc Thu phải dừng lại để xin lỗi học sinh. Các em chẳng trách cứ gì cô giáo mà trái lại, những lúc như thế cả lớp trầm lắng. Nhiều em rơm rớm nước mắt, không chỉ có học sinh nữ đồng cảm với cô giáo, cả học sinh nam có nhiều em đưa ống tay lên lau dòng lệ.

Một thời gian dài tiếp theo, khi Thu nguôi ngoai, đã có lắm anh cán bộ, giáo viên, văn nghệ sỹ đang độc thân muốn đi tìm một nửa của đời mình tìm đến với Thu. Họ mang nhiều hoài vọng, có người đã mạnh dạn ngỏ lời. Nhưng Thu rụt rè đáp lại thịnh tình của nhiều người:

- Em chưa nguôi ngoai được mối tình đầu.

*

* *

Đám cưới của Thu và Tồn được chính quyền địa phương phối kết hợp cùng nhà trường tổ chức rất hoành tráng, mong khỏa lấp đi sự cọc cạch không đáng có này.

Nhiều thầy giáo ngày nào từng hoài vọng ở Thu giờ đây không tiếc lời oán trách Thu. Cho Thu quá nhanh đổi thay thành con người khác, đã tham quyền phụ ngãi. Đàn bà con gái đều tham tiền. Họ có biết đâu trong lòng Thu nỗi u uất càng ngày càng lớn dần với người chồng vô học, vô lại, mất hết tính người.

Chiếm đoạt được Thu, Tồn vẫn chưa thỏa mãn lòng tham của kẻ tiểu nhân. Trong vai tế tử, Tồn tỏ ra ân cần chăm sóc bố vợ. Lắm người ngợi khen họ bảo:

- Mừng cho ông Tuyển tốt phước, trời có mắt gặp phải chàng rể tốt, ông đã được đền bù.

Nếu quả thật được như vậy thì trái đất này đầy ắp hạnh phúc. Làm gì phải sử dụng đến gươm dao, nguyên tử hạt nhân, chất độc hóa học!

Ông Tuyển từ một thân hình làng nhàng dong dỏng cao, đôi khi trái gió trở trời thường hay khật khừ vì trong người đã nhiễm chất độc đi-ô-xin. Bỗng chốc ông béo phì, tăng huyết áp, sinh ra huyết khối tắc mạch máu não, phải cấp cứu để lại di chứng liệt nửa người, đến lúc này thiên hạ mới mở mắt ra.

*

* *

Từ ngày Lê Tồn ngồi lên ghế chủ tịch xã, việc đầu tiên y ra tay giải quyết là ra lệnh thu hồi đất của công ty Mười hai. Công ty này được mượn đất cho công nhân ở phục vụ công trình trọng điểm của quốc gia. Từ ngày công nhân về ở đến ngày hoàn thành công trình gần hai chục năm. Họ trồng cây ăn quả nay đã có thu hoạch, nhiều công nhân đã sinh con dựng vợ gả chồng cho con ở trên mảnh đất này nên đại biểu công đoàn của công ty Mười hai làm văn bản đề nghị 117b y xác nhận thực tế để họ đề nghị nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho họ, nhưng y không xác nhận. Y ra lệnh cưỡng chế dùng bọn đầu gấu đập phá công trình, triệt hạ cây cối, nhiều công nhân trực tiếp kiến nghị liền bị y tát tai.

Điều đáng nói là không biết luồn lách thế nào? từ ai? ở đâu? mà hơn mấy hécta đất do đuổi hàng trăm hộ công nhân đi lại lọt vào tay y, để gia đình y tha hồ xây dựng công trình và kinh doanh trồng cây ăn quả thành trang trại.

Tiếp theo y liên kết với các công ty, xí nghiệp ma, lập dự án treo, thu hồi đất của nông dân ven lộ hàng chục hécta, y đền bù cho dân hai lăm triệu một sào Bắc Bộ, liên kết san lấp mặt bằng, một sào mười hai triệu, tổng thành ba mươi lăm triệu một sào. Lúc y bán gấp mười lần, nhưng vị trí sinh lời đắt đến hai chục lần.

Tiền dôi ra, y đem đi cúng lễ các "đình chùa" số còn lại ăn chia, riêng phần y đút túi hàng chục tỷ.

Chưa nói đến việc trắng trợn liên kết làm đường. Công trình nghiệm thu chưa ráo mực, mặt đường đã hình thành ao chuôm ở giữa, phi vụ này y cũng thu nhặt được bạc tỉ.

Từ một con người chuyên đi phụ hồ kiếm sống hàng ngày, bỗng chốc được leo lên ghế chủ tịch xã, chưa đầy bốn năm y đã ôm vào người hàng chục tỷ đồng, năm cơ ngơi sầm uất và hàng tá đất đai, ấy vậy mà mỗi lần dân cần đến chữ ký của y, phải có đếm nếu không đếm không có chữ ký. Đến mức quỹ xóa đói giảm nghèo y cũng có mấy suất.

Khi thừa mứa tiền, y thuê gái bao cho y, cho các "sư sãi". Rồi nếm rượu từ đuôi rắn hổ mang, móc óc khỉ, lẩu bàn tay gấu. Ném tiền vung vít không thương tiếc làm giày vò Thu phải nếm đủ mùi khốn khổ! Nhất là khi thằng bé ra đời nửa người nửa ngợm nửa đười ươi làm cho Thu héo quắt người chẳng khác nào tàu dưa phơi nắng.

Y còn tung tiền thuê người làm thơ, viết chuyện để ký tên y là tác giả. Mỗi bài thơ, câu chuyện được đăng y lĩnh nhuận bút năm chục đồng đến trăm đồng, trong lúc đó y thuê với giá năm triệu đến chục triệu đồng, có khi lên đến hơn trăm triệu. Với trình độ lớp bốn hệ mười năm y đã mua được bằng thạc sĩ, được điều đi học trường Chính trị tại chức làm lực lượng kế cận tương lai.

Những tháng năm dài, rất dài, đơn thư khiếu tố của dân tới tấp, nhưng chẳng động đến lông chân của y. Càng ngày dân càng bức bối ngột ngạt, y càng ngày càng hung hãn, lộng quyền, côn đồ. Dân chúng phải mượn văn chương nhại lại bài của ông nghè Tân, quê ở Thượng Cốc, Gia Lộc, Hải Dương như sau:

Một lũ ăn mày một lũ quan,

Ăn mày cứ rách quan giàu sang

Kêu van, hò hét đà khô cổ

Quan nọ quan này họ cứ tham.

Văn chương chữ nghĩa, không thể xoay chuyển. Lòng dân không đủ kiên nhẫn, có người đã manh động dùng đến hạ sách thô bạo, dùng dao chém y. Y đưa tay lên đỡ bị trọng thương phải vào viện cấp cứu, dù đã lành vết thương khi ra viện phải nhờ một dải băng trắng, treo cánh tay phải vắt ngang qua trước ngực, đến nay bàn tay y vẫn lủng lẳng đung đưa ve vẫy như tai con lợn ngoại. Mặt y bị một vết chém, để lại cái sẹo lồi như lát chả rán bằng ngón tay út dính vào má.

Việc gì đến nó đã đến. Y được ra hầu tòa. Đứng trước vành móng ngựa dù trâng tráo vẫn run rẩy, nhưng vành móng ngựa chưa thấm vào đâu so với toà án thị phi của dân chúng. Tòa án dư luận cứ râm ran không biết đến ngày nào mới yên ả.

Nay y đang được ngồi đếm lịch tính năm trong trại.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86911


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận